Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 17 tháng 10, 2021

Nguyễn Duy – nhà thơ hiện đại Việt Nam (Thực hành phân tích diễn ngôn văn học) (kỳ 4)

Lã Nguyên

Chương Ba

THỂ TÀI VÀ CẢM HỨNG

“Dù ở đâu vẫn Tổ quốc trong lòng…”

Nguyễn Duy

Thơ Nguyễn Duy nói chuyện gì? Câu chuyện được “nói” tới” trong thơ này sẽ là khách thể thẩm mĩ mà chủ thể lời nói hướng tới chiếm lĩnh, nhào nặn, chuyển hóa thành nội dung, ý nghĩa của tác phẩm. Giải đáp câu hỏi ấy ta sẽ có thêm cơ sở để nhận biết hình tượng tác giả.

Đặt nhân vật trữ tình vào vai phát ngôn của người chiến sĩ Cách mạng, thơ ca hiện thực xã hội chủ nghĩa chỉ có thể nói những chuyện quốc gia đại sự. Các nhà lí luận gọi đó là văn học sử thi. Sử thi là thể tài (“genre”) văn học hình thành từ thời cổ xưa. Nền tảng của sử thi là truyền thuyết. Hiểu theo nghĩa rộng nhất, truyền thuyết là câu chuyện lịch sử về các bậc anh hùng và sự hình thành cộng đồng dân tộc. Sử thi cổ điển khai thác truyền thuyết từ dã sử, từ văn hóa dân gian. Văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa dựa vào các nhân vật cổ mẫu biến thời đại mình thành một pho truyền thuyết sáng thế chói lọi.

Trong thơ hiện đại Việt Nam, Tố Hữu là người đầu tiên viết truyền thuyết và là nhà thơ thủy chung với thể tài này gần như suốt đời. Tập Thơ Tố Hữu in lần đầu năm 1946, đến năm 1959, trong lần tái bản, nó được cải tên thành Từ ấy, 72 bài thơ trong đó được chia thành 3 phần với 3 tiêu đề “Máu lửa” – “Xiềng xích” – “Giải phóng”. Chỉ cần một ít thay đổi như vậy, tác giả đã biến tiếng nói trữ tình tâm tư về tiến trình trưởng thành của người thanh niên giác ngộ lí tưởng Cách mạng thành câu chuyện kể về hành trình lịch sử của một dân tộc nô lệ được cứu rỗi, giải phóng. Những mảnh đầu tiên của truyền thuyết sáng thế được phác thảo trong hàng loạt bài thơ của Tố Hữu như Huế tháng Tám, Xuân nhân loại, Vui bất tuyệt, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Ta đi tới, Lại về, Quê mẹ, Xưa … nay, Quang vinh Tổ quốc chúng ta, Trên miền Bắc mùa xuân… Pho truyền thuyết này được hoàn thiện trong trường ca Ba mươi năm đời ta có Đảng. Về sau, cùng với sự vận động của lịch sử cho tới ngày thống nhất đất nước (1975), nó được bổ sung, mở rộng, nối dài trong một loạt tác phẩm khác, như Theo chân Bác, Việt Nam máu và hoa, Nước non ngàn dặm… Dù ở dạng hoàn chỉnh, hay chỉ mấy nét chấm phá, thì truyền thuyết sáng thế trong thơ Tố Hữu bao giờ cũng là câu chuyện lịch sử được mở ra bằng cảnh “Nước mất nhà tan”,“Kiếp người cơm vãi cơm rơi”, “Giặc cướp hết non cao biển rộng. Cướp cả tên nòi giống tổ tiên”. “Máu” (“Sân đình máu chảy…”), “đêm”, “tối” (“Xưa là rừng núi, là đêm…”), “gương vỡ” (“Đời ta gương vỡ…”) là những ẩn dụ thường xuyên được nhà thơ sử dụng để kể chuyện về cái “Thuở nô lệ thân ta mất nước. Cảnh cơ hàn trời đất tối tăm”. Nhưng rồi Đảng ra đời, cờ Đảng giương cao như mặt trời quét sạch đêm đen: “Lần đêm bước đến khi hừng sáng. Mặt trời kia! Cờ Đảng giương cao”. Nhờ có Đảng, dân tộc “lại hồi sinh”. Đảng là vị cứu tinh“trả lại cho ta/ Trời cao, đất rộng bao la/ Bát cơm, tấm áo, hương hoa, hông người”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác: đánh Pháp, đuổi Nhật, làm cuộc cách mạng tháng Tám long trời lở đất, rồi lại đánh Pháp, đánh Mĩ, xây dựng chủ nghĩa xã hội, thống nhất nước nhà, mở ra thời đại mới đầy tự hào:

Trên bãi Thái Bình dương sóng gió

Phơi phới bay cờ đỏ sao vàng

Chúng ta đứng thẳng hiên ngang

Sáng ngời một ngọn hải đăng hòa bình.

Với nội dung như thế, thơ Tố Hữu là truyền thuyết cứu thế, mà cũng là truyền thuyết sáng thế. Nó kể câu chuyện “Quê hương cách mạng dựng nên cộng hòa” làm thành truyền thuyết ”Đảng chói lọi, Hồ Chí Minh vĩ đại”.

Có thể tìm thấy muôn vàn phiên bản khác nhau của truyền thuyết nói trên trong tiểu thuyết của Nguyên Ngọc (Đất nước đứng lên), Nguyễn Đình Thi (Vỡ bờ), Anh Đức (Hòn đất), Nguyễn Minh Châu (Dấu chân người lính), Nguyễn Hồng (Sóng gầm), trong thơ Xuân Diệu (Ngọn quốc kỳ, Hội nghị non sông, Sáng, Riêng chung, Một khối hồng, Tôi giàu đôi mắt, Hồn tôi đôi cánh), Huy Cận (Trời mỗi ngày lại sáng, Đất nở hoa, Bài thơ cuộc đời, Ngày hằng sống ngày hằng thơ), Chế Lan Viên (Ánh sáng và phù sa, Hoa ngày thường chim báo bão, Những bài thơ đánh giặc, Hái theo mùa), Phạm Tiến Duật (Vầng trăng quầng lửa), trong các trường ca của Giang Nam (Ánh chớp đêm giao thừa, Sông Dinh mùa trăng khuyết), Thu Bồn (Bài ca chim Chơ-rao), Vương Trọng (Đảo chìm, Hơi thở rừng hồi), Anh Ngọc (Sông núi trên vai), Hữu Thỉnh (Đường tới thành phố, Trường ca biển), Thanh Thảo (Những người đi tới biển), Hoàng Trần Cương (Trầm tích), Trần Anh Thái (Đổ bóng xuống mặt trời)…. Kịch bản sân khấu và điện ảnh, nhạc, họa và điêu khắc sáng tác theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa cũng không vượt ra ngoài nguyên tắc kết cấu “tiền công hậu bổ”, “ta thắng - địch thua” với chủ đề tư tưởng “Đảng chói lọi, Hồ Chí Minh vĩ đại”như vậy.

Thơ Nguyễn Duy hòa vào dòng chảy văn học hiện xã hội chủ nghĩa chính là ở đề tài chiến tranh và thể tài truyền thuyết. Hai tập Cát trắng (1973) và Ánh trăng (1984) với những Tre Việt Nam, Trống giục, Trận địa tím, Khẩu súng trên tay ta, Bầu trời vuông, Tiếng kèn hiệu trong trận đánh cao điểm X, Chiều khẩu đội, Khẩu súng cây đàn, Cát trắng, Bàn chân người lính, Hầm chữ A, Thằng giặc lái bị bắt ăn cơm bằng xác mấy bay, uống nước bằng ống rốc-két, Lời ru đồng đội, Đêm ở chốt 417, Chiến hào… chủ yếu nói về chuyện dân tộc – lịch sử. Hai tiếng “Tổ quốc” nhiều vang lên trang trọng trong thơ ông, ví như:

Dù có sao/ vẫn Tổ Quốc trong lòng

mạch tâm linh trong sạch vô ngần

Hoặc:

Ơi ai không gặp thân nhân

xin tới cùng tôi chung mái nhà ấm áp

cùng tôi hát lên lời ca này

cái lớn lao còn lại hôm nay

là nguyên vẹn

nhân dân

Tổ quốc

Ta đều biết văn thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa luôn mở rộng các khái niệm “Tổ quốc”, “Dân tộc” thành tình quốc tế vô sản, tỉ như “Bên ni biên giới là mình/ Bên kia biên giới cũng tình quê hương”. Trong thơ Nguyễn Duy, “Tổ quốc” gắn với cương vực, lãnh thổ. Có tiếng reo vui trong thơ Tố Hữu:

Con tàu đưa tôi đến Trung Hoa

Bốn hướng mênh mông bao la trời đất

Ồ tất cả của ta đây, sướng thật!

Trong thơ Nguyễn Duy có tiếng thở dài:

Trớ trêu nỗi Hữu Nghị Quan

Giá như máu chẳng lênh loang mặt đèo

Tôi biết, tháng Năm mới đây, Nguyễn Duy viết Làm sao giữ được biển Đông?. Tác phẩm đang ở dạng bản thảo, lời thơ mạnh mẽ, thống thiết:

Làm sao giữ được biển Đông?

khi giặc cướp le lưỡi bò chín đoan

bốn phía bủa vây trùng trùng súng ssanj

chỉ mình ta trụ giữa đất trời

Lại nữa, văn thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa gắn “Tổ quốc” với khái niệm “chế độ”, “thể chế”: “Trước mắt Thái Bình Dương vỗ sóng/ Đây, Việt Nam dân chủ cộng hòa”, “Ai vô đó với đồng bào, đồng chí/ Nói với Nửa – Việt Nam yêu Quý/ Rằng nước ta là của chúng ta/ Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Sáng tác của Nguyễn Duy nói lên một qui luật khác:

Lửa đạn qua đi, màu xanh tồn tại

vương triều qua đi … nhân dân còn lại

Thơ ông hay nói về “tấm lòng”, “lòng dân”: Ở đây là tấm lòng ta/ Sông dài núi rộng cũng là ở đây”, “Một đời không thể nào quên/ Lòng dân - chiếc mộc vững bền che ta”. Nhờ có lòng dân, sự tồn tại của Tổ quốc vượt ra mọi giới hạn của cương vực, lãnh thổ:

Dù ở đâu vẫn Tổ Quốc trong lòng

cột biên giới đóng từ thương đến nhớ

Có thể thấy, như tôi đã phân tích ở phần trước, thơ Nguyễn Duy cũng viết truyền thuyết, nhưng là một truyền thuyết khác, truyền thuyết về “lòng dân” và sự trường tồn của nhân dân. Cho nên cũng nói về Tổ quốc, về dân tộc, nhưng dằng sau truyền thuyết của Nguyên Duy là một bức tranh thế giới khác xa với bức tranh thế giới trong truyền thuyết của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Các thể tài văn học hình thành trong quá trình giao tiếp bằng lời nói của con người. Mỗi thể tài là một loại hình giao tiếp, mỗi loại hình giao tiếp bao giờ cũng gắn với một loại ý đồ, mục đích nào đó. Tùy thuộc vào ý đồ giao tiếp, thể tài sẽ tạo ra một loại bức tranh thế giới và một chiến lược giao tiếp, đặt người nghe và người nói vào một kiểu quan hệ nhất định. Chẳng hạn, người ta kể dụ ngôn là nhằm rao giảng một bài học. Để rao giảng bài học, dụ ngôn đặt người kể và người nghe vào quan hệ “thầy – trò” và tạo ra bức tranh thế giới mà mọi nhân vật bước vào đó đều biến thành những chủ thể lựa chọn. Thử đọc Đứa con hoang đàng được kí thuật trong Phúc âm Luca, ta sẽ thấy ngay nguyên tắc cấu trúc biểu nghĩa của dụ ngôn. Mục đích giáo tiếp của truyền thuyết là truyền đạt một tri thức khả tín bất kiểm chứng. Vì mục đích ấy, nó đặt chủ thể lời nói vào vị thế sở đắc chân lí, tạo cho người nói và người nghe quan hệ đồng thuận theo kiểu đồng ca mình nói – ta nghe, mình hỏi – ta đáp, để rồi “ta” với “mình” “Cầm tay nhau hát vui chung”. Nó vẽ ra bức tranh thế giới theo nguyên tắc phân vai. Bước vào bức tranh thế giới của truyền thuyết, mọi nhân vật được đồng nhất với một chức năng, một vai trò nào đó, không có nhân vật nào được phép lớn hơn, hay nhỏ hơn chức năng của nó. Sáng tác của Nguyễn Duy và văn thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa dựa vào ba nhân vật cổ mẫu để kiến tạo bức tranh thế giới phân vai: Cha - Mẹ - Con.

Trong truyền thuyết kiến quốc của văn thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa, Cha được đặt vào vị trí trung tâm. Cha là điểm tựa tạo nghĩa duy nhất trong cấu trúc biểu nghĩa của nó. Ở đây, lãnh tụ là Cha: “Bác Hồ, cha của chúng con”. “Người là cha, là bác, là anh”, “Vinh quang Hồ Chí minh, Cha của chúng ta ngàn năm sống mãi”. Lênin là “Cha”: “Lênin ơi, người Thầy, người Cha”, “Người nhắm mắt khi con vừa bốn tuổi”. Stalin, Mao Trạch Đông, hay Kim Nhật Thành đều là “Cha của chúng con”. Xin nhắc lại, trong truyền thuyết, “Cha” là khái niệm chỉ chức năng, vai trò. Vai của Cha là Cứu tinh. Hiểu như thế, Đảng Cách mạng cũng là “Cha”: “Đảng ta Mác – Lênin vĩ đại/ Lại hồi sinh, trả lại cho ta/ Trời cao, đất rộng bao la…”

Cha làm chức năng của khối “óc”, chức năng đưa đường dẫn lối:

- Người ngồi đó với cây chì đỏ

Vạch đường đi, từng bước, từng giờ,

- Người đi trước, nghìn sương muôn tuyết

Dắt dìu dân, nước Việt Nam ta

Hoặc:

Đảng ta đưa dân nước ta đi

Con đường cách mạng trường kì

Ba mươi năm ấy bước đi vững vàng

Phẩm chất lớn nhất của Cha là anh minh:

Người trông gió bỏ buồm, chọn lúc

Nước cờ hay xoay vạn kiêu binh

Hoặc:

- Lênin vĩ đại

Hoa trái đất, chất kim cương <…>

Trí tuệ, tình yêu của bốn phương <…>

- Lênin nằm nhắm mắt/ (…)

Để thấy trước những bước đi lịch sử

“Vai” “vạch đường đi” và sự “anh minh” của “Cha” bao giờ cũng được mã hoá bằng các chi tiết tạo hình: tư thế ung dung, trán rộng, mắt sáng, giọng nói vang vọng

Đứng sau “Cha” là “Mẹ” và “Con”. Tuy vai trò của “Con” ngoài tiền tuyến, “Mẹ” ở hậu phương có đôi chút khác nhau, nhưng cả hai đều là “chiến sĩ đồng bào”. Họ chịu ơn cứu rỗi của “Cha” và là nhân vật hành động. Chức năng của họ là “theo Cha” chiến đấu. “Ông nhà theo bạn “xuất quân”, thì “Mẹ” “nay cũng được vô chân “sẵn sàng”. “Con” “đi đánh giặc đường xa”, thì “Mẹ” cũng “đào hầm từ thuở tóc còn xanh/ Nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc”. “Anh đang mùa hành quân”, thì “Dưới hầm sâu, em cũng là chiến sĩ”. “Mẹ” và “Con” cùng “theo Đảng tiến lên”, “Sống cùng Đảng, chết không rời Đảng”, suốt đời “chiến đấu hi sinh/ Tấm lòng son sắt đinh ninh lời thề”.

Bức tranh thế giới trong thơ Nguyễn Duy được kiến tạo theo những nguyên tác khác. Trên bức tranh ấy, “Mẹ” được đặt vào vị trí trung tâm và là điểm tựa tạo nghĩa duy nhất. Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa là một trong số những bài thơ hay nhất của Nguyễn Duy. Bài Đò Lèn viết về bà và quê ngoại. Năm 1987, Nguyễn Duy có tập Mẹ và em. Năm 1995, ông lại có tập Vợ ơi dành riêng để tặng vợ. Tính ra, Nguyễn Duy có trên 20 bài nói về vợ. Tôi nghĩ Lưu Đức Hạnh không nói quá, khi quả quyết rằng: “Quá ít ai trong các nhà thơ cổ kim Việt Nam viết về vợ được như Nguyễn Duy”[1]. Nhưng, như đã nói, trong thể tài truyền thuyết, cũng như “Cha”, “Mẹ” là một chức năng. Hiểu như thế, “Bà”, “Mẹ”, “Vợ”, hay “Cố nhân đi cấy” đều là những khái niệm đồng nghĩa. Và như thế, truyền thuyết về lòng dân và sự trường tồn của nhân dân trong thơ Nguyễn Duy trước hết là truyền thuyết về “Mẹ” và người phụ nữ.

“Mẹ” là hình ảnh tiêu biểu nhất cho cuộc đời tần tảo dắng cay của chúng sinh. Ở đây, “Mẹ” gắn với nhà, với làng, với quê. Vai của “Mẹ” là “Hiền mẫu”. Chức năng của “Hiền mẫu” là “Trụ cột”, là “lương đống” chống đỡ trong nhà. Trong nhà, “Mẹ” là người dưỡng dục. “Mẹ” nuôi con khôn lớn bằng sữa và lời ru từ bà truyền lại: “Mẹ ru cái lẽ ở đời/ sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn/ bà ru mẹ… mẹ ru con”. Thời bình cũng như thời loạn, nhất là thời loạn, “Mẹ” thay “Cha” tề gia. “Mẹ mất rồi … may phúc vẫn còn em”. Cũng như “Mẹ”, “Vợ” là “nội tướng” trong nhà, là “nguyên thủ quốc gia”: Năm tháng bão giông sang sông lũ đổ/ một tay em chèo chống ngày ngày”, “Nghìn tay nghìn việc không tên/ mình em làm cõi bình yên nhẹ nhàng”. Gặp lúc “nhuận bút hiếm hoi”, “lương tháng thoảng qua như một chút hương trời”, thì “Vợ” “vẫn là nguồn nhuận bút suốt đời ta”. “Vợ” là hậu phương vững chắc để “Khi trong túi có mấy đồng ngọ nguậy/ ta chạy rông như gì nhỉ - quên đời”, đên “lúc xơ xác bờm xơm từ sợi tóc/ đói lả mò về/ cơm đâu/ vợ ơi..”. “Vợ” là người chia sẻ hoạn nạn:

Và tao tác bạn bè cơn hoạn nạn

đòn du côn toé máu tâm hồn

Và tung toé cả bướm vàng bướm trắng

này giọt cay giọt đắng giọt buồn nôn

móc họng mửa ra cầu vồng bảy sắc

vợ dìu ta/ từng bậc/ thang mòn...

“Vợ” là người duy nhất có thể làm vợi cô đơn, khi “một mình ta cô quạnh giữa muôn người/ mặt sông lạ gợn nếp nhăn đuôi mắt/ bủn rủn buồn/ ta thầm kêu/ vợ ơi”. Cho nên, trong thơ Nguyễn Duy, “Mẹ”, “Vợ” là hiện thân cho “Quê nhà”, cho “Cõi về”, “Cõi em”: “Dần mòn con chữ tong teo/ liêu xiêu lều quán lèo tèo ven đê/ cánh buồm mây tướp chiều quê/ Ruỗng/ tệnh hênh/ bịch/ rơi/ về/ cõi /em”.

Trên bức tranh thế giới của những chức năng trong thơ Nguyễn Duy, “Cha” - “Con” tuy có đôi chút khác nhau, nhưng họ đều được đồng nhất với vai “lãng tử hồi đầu”:

Cha tôi mải mê lang bạt kỳ hồ

xây rồi bán nếp nhà không văn tự

phủi tay về đẩy xe thồ

ngán ngẩm những con đường mệt lử

Gần với “”Cha” là “Chú”, “Chú” cũng lang bạt như “Cha”:

Chú tôi nướng nửa đời biệt xứ

nước mã hồi xin tí đất cắm dùi

cóc chết ba năm quay đầu về núi

khệnh khạng hát câu xin lỗi chân trời

Cả “Con” cũng “giá vũ đằng vân giang hồ” như vậy:

Mải nưng nứng mộng siêu nhân

lên cơn giá vũ đằng vân giang hồ

Cuộc chơi hành hiệp lơ ngơ

vắt mình ra những giọt thơ nhạt nhèo

Rồi như “Chú” và “Cha”, chàng lãng tử cũng “hồi đầu”:

Thôi ta về với mình thôi

chân trời đành để chim trời nó bay

Tỏ lòng biết ơn, sám hối và niềm thương yêu, xót xa, trận trọng vô hạn với “Mẹ” và “Vợ” là nội dung tâm trạng chính yếu làm nên vai “lãng tử hồi đầu”. Nó rưng rưng trước công ơn dưỡng dục của “Mẹ”: “Ta đi trọn kiếp con người/ cũng không đi hết mấy lời mẹ ru”. Hễ có dịp nói về “Bà”, về “Mẹ”, hay về “Vợ” là nó bầy tỏ sự sám hối chân thành, thổ lộ tình yêu và niềm xót xa vô bờ bến. Nó tự trách mình vô tâm “Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế”, để đến “Khi tôi biết thương bà thì đã muộn/ bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi”. Suốt thời trai trẻ lăn lộn ngoài chiến trường, ngủ cũng như thức, nằm võng, nằm hầm, hay qua sông, leo đèo, lúc nào nó cũng mang trong tim hình bóng người vợ hiền:

Mặt trời là trái tim anh

mặt trăng vành vạnh là tình của em

Đêm nay em anh ở đâu

cứ nhìn trang ấy, nhìn lâu tới người

Nó xem tình vợ chồng “như rượu chôn lâu đằm lịm/ cuối đời đem ra nhấm mới mềm lòng”. Suốt một đời, nó yêu vợ bằng tình yêu tương kính: “Mỗi năm Tết đến một lần/ mời em li rượu tay nâng ngang mày”. Nó trách mình “vô tích sự” đến nỗi “nồi gạo hết lúc nào không biết” để “thăm thẳm lo trong mắt vợ u sầu”. Nó xót xa nhìn người bạn đời đầu gối tay ấp: “gót chân ăn vẹt bậc thếm/ quanh năm tất bật đi tìm ngày xuân”.

Trong rất nhiều bài thơ của Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận cũng có motif “lãng tử hồi đầu” như thế. Khác chăng là ở đó, lời của “lãng tử” là lời tri ân ràn rụa nước mắt của “Con” sám hối trước “Cha - anh minh”, ví như:

Ôi giữa lòng ta, Bác đến tự hồi nào?

Bác vĩ đại mà chẳng làm ai kinh ngạc

Một buổi sáng, nhìn lòng ta, ta thấy Bác

Nước mắt ràn, ta cảm hết ơn sâu

Trong thơ Nguyễn Duy, tiếng lòng của “Con” với “Mẹ”, của “Chồng” với “Vợ” thường là “tiếng thầm”, nhiều khi như tiếng nói của trời đất cỏ cây, của thiên nhiên tạo vật. Xin lắng nghe tiếng bước đi của thời gian, tiếng nhan sắc giã từ, tiếng rơi của sợi tóc và tiếng ”em ngồi chải tóc muối tiêu” giữa “tiếng thầm thế gian”:

Nhẹ nhàng tiếng bóng xiêu xiêu

em ngồi chải tóc muối tiêu dịu dàng

Má hồng về xứ hồng hoang

tóc rơi mỗi sợi nghe ngàn lau rơi

Tất cả được lắng nghe bằng giác quan bên trong, thấy tạo vật vừa như đang phôi pha, đang tan biến vào hư vô thành “linh hồn cát bụi”, lại vừa như “có cái gì bất diệt” ở bên trong. Lời thơ tựa như chẳng phải của ai, chẳng nói với ai, mà gợi dậy nỗi buồn mênh mang, tê tái. Chính cách thể hiện tâm trạng “hồi đầu” của đứa “Con” lãng tử như thế sẽ tô đậm bội phần vai “Hiền mẫu” trong truyền thuyết về “Mẹ trường tồn” của Nguyễn Duy.

Khảo sát hệ thống biểu tượng, ẩn dụ được sử dụng để chỉ các vai cổ mẫu “Cha”, “Mẹ”“Con”, ta càng thấy sự khác biệt giữa thơ Nguyễn Duy và thi ca hiện thực xã hội chủ nghĩa ngay ở chỗ tưởng như chúng gặp nhau.

Cha trong văn học hiện thực bao giờ cũng được ví với mặt trời. Bác Hồ là “mặt trời”: “Người rực rỡ một mặt trời cách mạng”, “Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng/ Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”. Lênin là “mặt trời”: “Tôi ngả mũ. Chào Lênin vĩ đại (…)/ Trong ánh sáng hồng tươi nét mặt/ Như mặt trời không bao giờ tắt”, “Lênin đó (…) Như mặt trời chói giữa biển bao la”. Cách mạng là “mặt trời”: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lí chói qua tim”. Chủ nghĩa Mác – Lênin cũng là “mặt trời”: “Mác – Lênin vĩnh viễn mặt trời/ Giữa mây đục càng sáng ngời chân lí”. Các “Con”“Chiến sĩ đồng bào”“mỗi con người nhấp nhánh một ngôi sao”, “Anh chị em ơi!/ Hai mươi lăm triệu đồng bào/ Tiến lên!/ muôn vạn/ vì sao/ dẫn đường”.

Các nhân vật truyền thuyết về “Mẹ trường tồn” trong sáng tác của Nguyễn Duy được thể hiện bằng những biểu tượng, ẩn dụ khác. Lấy ngay bài Tre Việt Nam của ông làm thí dụ. Bài thơ thực sự là truyền thuyết về dân tộc, về Tổ quốc. Nó vẽ ra bức tranh thế giới với 2 yếu tố chức năng cơ bản:

Thứ nhất: Đất. Chức năng của đất là cung cấp “mỡ màu”. Trong vô thức và ý thức của toàn nhân loại, “Đất” chính là biểu tượng của “Mẹ”: ”Mẹ - đất” , “Đất - Mẹ”.

Thứ hai: Cây. “Cây” là sự sống mọc lên từ “đất. Nó là “Con” của “Đất – Mẹ”. Trong bài thơ của Nguyễn Duy, “Cây” được chia thành 3 yếu tố chức năng: “Rễ” - “Gốc” - “Thân, cành”.

“Rễ” - luyện “mỡ màu”:

Rễ siêng không ngại đất nghèo

Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù,

“Gốc” – duy trì giống nòi:

Chẳng may thân gãy cành rơi

Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng

“Thân, cành” – đan bện làm nên thành lũy chống chọi bão giông:

Bão bùng thân bọc lấy thân

Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm

Thương nhau tre không ở riêng

Luỹ thành từ đó mà nên hỡi người

“Đất” – “Rễ” – “Gốc – “Thân, cành” là mô hình thế giới, giống như một ngôn ngữ, trong tư duy thơ của Nguyễn Duy. Thơ ông nói về sự sống con người như một truyền thuyết chính là bằng hệ thống ẩn dụ, biểu tượng và bức tranh thế giới ấy. Có thể nhận ra mô hình thế giới này qua hàng loạt bài thơ khác của Nguyễn Duy, ví như Lời của cây, … Và lời của quả, hay Trận địa tím:

Không cây nào như cây sim quê ta

Mọc giữa cằn khô vẫn xòe đầy hoa

Chiu chắt màu sành luyện thành sắc tím

Lọc từ sỏi ra mật đường ngọt lịm

Càng nắng càng mưa trái mọng càng thơm

Dòng sông Mẹ là bức mô hình thế giới khác trong truyền thuyết về “Mẹ” của Nguyễn Duy. Ở đây “Sông nước”“Mẹ”, “giọt nước” là “Con”. Bài thơ mở ra bằng lời tự bạch: “Mát suốt đời tôi gió nồm sông Mạ/ mẹ và em sinh thành ở đó/ quê nhà và tình yêu của tôi”, và kết thúc bằng lời hẹn: “Giọt nước có biệt tăm ngoài biển/ ngày ngày/ làm mây bay về nguồn...”. Ở đây,“Dòng sông – Giọt nước” cũng là một mô hình vũ trụ trong tư duy thơ của Nguyễn Duy. Chỉ cần đọc cặp câu cuối của bài Sông Thao ta nhận ra ngay sự lặp lại của mô hình ấy:

Yêu mến ạ xin đừng buồn em nhé

Dòng nước trôi đi giọt nước lại về

Thơ ca hiện thực xã hội chủ nghĩa viết truyền thuyết về “Cha anh minh”. Thơ Nguyễn Duy kể truyền thuyết về “Mẹ trường tồn”. Truyền thuyết “Cha anh minh” kiến tạo bức tranh thế giới theo nguyên tắc thế giới quan của hệ tư tưởng gia trưởng, phụ quyền, lấy Thái dương hệ làm mô hình tư duy. Truyền thuyết “Mẹ trường tồn” vẽ ra bức tranh thế giới theo nguyên tắc thế giới quan của tư tưởng mẫu hệ, nữ quyền, mô hình tư duy đằng sau bức tranh ấy là “cảm quan cây trái” và hệ sinh thái canh nông.

*

Khi lịch sử sang trang, thời đại sử thi khép lại, văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa cũng đi trọn vòng đời của nó. Sau những Gió lộng, Ra trận, Máu và hoa, Tố Hữu rớt lại Một tiếng đờn (1992) và Ta với ta (1999). Có thể thấy rất rõ ở hai tập sau chót ấy, nhà thơ “lá cờ đầu” đã tự giải quy phạm những công thức có sẵn mà ông đổ khuôn cho cả một thời đại văn học. Văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa là dòng nghệ thuật “nói to” giữa quảng trường. Giờ đây hàng loạt nhà văn, nhà thơ viết hồi kí, di cảo để nói thầm, nói nhỏ những điều họ không thể nói to. Chẳng hạn Nguyễn Đình Thi rỉ tai chuyện Gió bay trong di cảo:

Người tôi còn nhiều bùn tanh

Mặt tôi nhuốm xanh nhuốm đỏ

Tay tôi vướng nhiều đồ bỏ

Nhiều dây nhợ tự buộc mình

Chế Lan Viên mới nói thầm trong di cảo chuyện “nhai ngồm ngoàm” những chiếc Bánh vẽ:

Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ

Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn

Cầm lên nhấm nháp

Chả là nếu anh từ chối

Chúng sẽ bảo anh phá rối

Ðêm vui

Bảo anh không còn có khả năng nhai

Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc...

Nguyễn Khải thì kín đáo viết hồi kí Đi tìm Cái tôi đã mất. Khoác trên mình bộ lễ phục nghệ sĩ – chiến sĩ với sứ mệnh “giáo dục lí tưởng cộng sản cho quần chúng lao động”, nhà văn hiện thực xã hội chủ nghĩa khó đụng bút tới những chuyện đời tư và thế sự.

Nguyễn Duy không phải gác bút, cũng không cần nói nhỏ, nói thầm. Xem “ta là dân”, đặt nhân vật trữ tình vào vị thế nhà thơ nhân dân, lại lấy “xẩm ngọng” làm mặt nạ ngôn từ, thơ Nguyễn Duy, cùng với kí, truyện và kịch thời “đổi mới”, cất lên tiếng nói thế sự mạnh mẽ nhất, thống thiết nhất. Hơn trăm bài thơ trong các tập Đường xa (1989), Về (1994), Bụi (1997) chủ yếu là thơ thế sự. Giữa hàng trăm bài thơ thế sự ấy, nổi lên ba thi phẩm đặc biệt: Đánh thức tiềm lực (1987), Nhìn từ xa … Tổ quốc (1988) và Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ (1992). Chúng đặc biệt ở độ dài, nhờ có độ dài và sự súc tích của ngôn ngữ thơ, chúng vẽ ra những bức tranh toàn cảnh rộng lớn về trạng thái phong hóa đốn mạt, suy thoái cùng cực ở thời mạt pháp, mạt thế. Điểm lại trong trí nhớ, tôi thấy ở ta, ngay cả trong văn xuôi, hình như cũng chưa mấy ai vẽ ra được bức tranh phong hóa rộng lớn, nhiều mặt như bức tranh trong Nhìn từ xa… Tổ quốc.

Nhưng gọi đó là ba thi phẩm đặc biệt, chủ yếu tôi muốn nói tới ý nghĩa văn học sử của chúng. Với bộ ba Đánh thức tiềm lực, Nhìn từ xa … Tổ quốcKim Mộc Thủy Hỏa Thổ, Nguyễn Duy là nhà thơ đầu tiên, và có lẽ là duy nhất ở thời “Đổi mới” đã mở ra dòng thơ phản tư về diễn ngôn hiện thực xã hội chủ nghĩa. Trong văn xuôi thời ấy, vị trí này thuộc về Nguyễn Minh Châu. Cũng như văn xuôi Nguyễn Minh Châu, thơ Nguyễn Duy là sự phản tư ráo riết cách nhìn, cách nghĩ và cách nói về đời sống của một trào lưu nghệ thuật bị qui phạm hóa và đã trở thành hóa thạch. Sự chuyển đổi điểm nhìn như là đặc trưng cấu trúc của hình tượng phản tư cho phép thơ Nguyễn Duy phơi bầy loại xung đột thế sự mà bản thân văn học thế sự thường bỏ qua. Ấy là xung đột diễn ngôn, xung đột ngôn ngữ. Lại nữa, trong thơ, lời của nhân vật trữ tình bao giờ cũng được tiếp nhận như lời ở thời hiện tại, đang diễn ra. Cho nên, thơ Nguyễn Duy đã chuyển xung đột diễn ngôn thành cuộc chiến ngôn từ.

Trong Đánh thức tiềm lực, đó là cuộc chiến của lời nói khai minh chống lại lời nói sáo rỗng. Chủ thể của lời nói sáo rỗng là “ta”: Ta ca hát quá nhiều về tiềm lực” khi “tiềm lực còn ngủ yên...”, là thầy giáo giảng rằng/ nước ta giàu lắm!...” để “lớp lớp trẻ con cứ thế học thuộc bài”, là những “người lớn cứ ru nhau/ ru tiềm lực ngủ vùi trong thơ thịt”, là loại nghệ thuật giữ mãi cái đẹp “gợi về thuở ngày xưa ngày xửa”, là loại nhà thơ “vô dụng” như “chích chòe ăn và gại mỏ”, như “kẻ thợ đục chữ nát cả giấy”, như “tay chuyên sản xuất hàng giả”… Chủ thể của lời nói sáo rỗng còn là những “bộ óc tự mãn” và lũ người vô cảm “mắc bệnh tim đập cầm chừng”, “mắt lờ đờ thủy tinh thể”, “viêm chai màng nhĩ”, “mũi khò khè không nhận biết mùi thơm”. Nói tóm lại, chống lại lời nói sáo rỗng là chống lại diễn ngôn quen thuộc đã trở thành khuôn mẫu của cả một thời đại và những chủ thể đại diện cho thời đại ấy. Lời nói khai minh được nhà thơ gửi vào cửa miệng nhân vật trữ tình. Ở đây nhân vật trữ tình được biến thành nhà khai sáng. Nó đánh thức đất đai:

Hãy thức dậy, đất đai

cho áo em tôi không còn vá vai

cho phần gạo mỗi nhà không còn thay bằng ngô, khoai, sắn

Nó khai sáng cho những khối óc của “ta”, những kẻ quen “ca hát quá nhiều về tiềm lực” khiến “tiềm lực còn ngủ yên” . Bằng sự nếm trải của chính mình, nó nói lo lên sự thật:

Này đất nước của ba miền cày ruộng

chưa đủ no cho đều khắp ba miền

ta ca hát quá nhiều về tiềm lực/ tiềm lực còn ngủ yên

Với ý nghĩa như thế, Đánh thức tiềm lực của Nguyễn Duy là tiếng nói của dân tâm cất lên thành khúc ca khai minh dân trí.

Nhìn từ xa … Tổ quốc tiếp tục tự nhiên mạch thơ của Đánh thức tiềm lực. Đến đây, cuộc chiến diễn ngôn được đẩy lên cao nhất, quyết liệt nhất. Đó là cuộc chiến “lột mặt nạ” của lời nói tái sinh chống lại cái thây sống ngôn từ. Nó được trình bày dưới hình thức đàn hặc, truy vấn của hai chủ thể diễn ngôn. Hai chủ thể này được hình dung như hai nhân vật “một thời” vốn cùng thuộc phe "Ta”, cùng đứng chung trong dàn hợp xướngmê hát đồng ca/ chân thành và say đắm/ ta là ta mà ta vẫn mê ta”. Nhưng sau “những đám ma từ ngữ”, những bài “đồng ca” của “Ta” chỉ còn là “Xác chữ chôn đầy nghĩa địa giấy vô hình”. Từ “nghĩa địa giấy vô hình” ấy chúng “đội mồ lên”, nhân vật này thì hóa thành lời nói tái sinh, phản tỉnh, nhân vật kia làm “thây sống ngôn từ”. Cái “thây sống ngôn từ” giờ là bóng máu bầm đen sõng soài nền nhà”, là “vết bầm đen đấm ngực”, “vết bầm đen ngửa mặt lên trời”, “vết bầm đen toạ thiền”, “vết bầm đen cúi đầu lặng thinh”, “vết bầm đen vò tai”, “vết bầm đen rứt tóc”, “vết bầm đen gập vuông thước thợ”, “vết bầm đen còng còng dấu hỏi”. Tóm lại, nó là “người anh hùng bất lực dài ngoẵng”. Nó không chịu chết. Nó cứ làm cái thây sống ngôn từ để lặp lại những diễn ngôn rỗng nghĩa, vô nghĩa và giả dối về một xứ sở phì nhiêu”, “xứ sở nhân tình”, “xứ sở từ bi”, “xứ sở linh thiêng”, “xứ sở thông minh”, “xứ sở thật thà”, “xứ sở cần cù”, “xứ sở bao dung”, “xứ sở kỷ cương”

Trong Đánh thức tiềm lực, nhân vật trữ tình khi nói lời khai minh, nó rào trước: “Tôi trót sinh ra nơi làng quê nghèo/ quen cái thói hay nói về gian khổ”. Nó đón sau: “Cần lưu ý”: “có cái miệng”, “có lắm sự nhân danh”, “có lắm nghề lạ lắm”... Lần này trong vai phản tỉnh, đại diện cho lời nói tái sinh, nhân vật trữ tình quyết truy vấn đến cùng. Nó tuyên bố thẳng thừng về “sự thật hôn mê – ngộ độc ca ngợi/ bệnh và tật bao nhiêu năm ủ lại”. Nó ném thẳng ra câu hỏi không cho đối tượng lẩn tránh: “Đổi mới thật hay giả vờ đổi mới?”. Nó cảnh cáo: “Đừng lớn lời khi dân lành ốm đói/ vẫn còng làm cho thẳng lưng ăn”. Nó thẳng tay trỏ vào những cái mặt nạ: “Khốn nạn thân nhau/ nặng kiếp phân thân mặt nạ”. Và nó tuyên bố:

Thì lột mặt nạ đi – lần lữa mãi mà chi

dù dối nữa cũng không lừa được nữa

Nó tung ra hàng chục câu hỏi, dồn cái thây sống ngôn từ vào chân tường. Câu hỏi nào của nó cũng vừa nhại lại một diễn ngôn sáo rỗng, vừa đưa dẫn chứng lột trần mặt nạ dối trá của diễn ngôn ấy: “Xứ sở nhân tình/ sao thật lắm thương binh đi kiếm ăn đủ kiểu/ nạng gỗ khua rỗ mặt đường làng?”, “Xứ sở linh thiêng/ sao thật lắm đình chùa làm kho hợp tác/ đánh quả tù mù trấn lột cả thần linh” … Nhan đề bài thơ là Nhìn từ xa … Tổ quốc. Nhưng những dẫn chứng được đưa ra để “lột mặt nạ” lại chứng tỏ Tổ quốc được quan sát, suy ngẫm ở cự lí rất gần. Đặt bên cạnh những diễn ngôn giả dối, lời nói tái sinh, phản tư của nhân vật trữ tình như rót vào tai người nghe những chuyện lần đầu tiên được nghe, lại như vẽ ra trước mắt người đọc những bức tranh dữ dội, rưng rưng sự sống tươi ròng như lần đầu họ được thấy:

- Xứ sở thông minh

sao thật lắm trẻ con thất học

lắm ngôi trường xơ xác đến tang thương

Tuổi thơ oằn vai mồ hôi nước mắt

tuổi thơ còng lưng xuống chiếc bơm xe đạp

- Xứ sở bao dung

sao thật lắm thần dân lìa xứ

lắm cuộc chia ly toe toét cười

Mặc kệ cỏ hoang cánh đồng gái goá

chen nhau sang nước người làm thuê

Biển Thái Bình bồng bềnh thuyền định mệnh

nhắm mắt đưa chân không hẹn ngày về

Một giảng viên đại học kể với tôi rằng lần nghe tác giả trực tiếp đọc bài thơ, cô có cảm giác “quên thở”, nghe xong mới biết mình “nghẹn ngào ứa nước măt”. Nhìn từ xa … Tổ quốc của Nguyễn Duy là thiên trường thi “lột mặt nạ” dữ dội chưa từng thấy ở đâu. Nó là thơ của dân tâm, dân trí cất cao thành tiếng nói của dân khí.

Dưới nhan đề Đánh thức tiềm lực, thấy có dòng đề tặng: ”Tiễn đưa anh S.D. đi làm kinh tế”. Ta đọc ra ngay “S.D” là ai, và như thế ta hiểu ra, rằng với Đánh thức tiềm lựcNhìn từ xa … Tổ quốc, Nguyễn Duy, dẫu biết “triều đình không có ghế cho thơ”, vẫn quyết đưa thơ vào tận “cung cấm”, đẩy thơ lại gần chính luận để đọc to “câu thơ tuẫn tiết”. Nhưng cũng như “dân làng tôi (…) xả hết mình khi nước gặp tai ương/ rồi thanh thản trở về với ruộng”, nhà thơ nhân dân của chúng ta lại “thanh thản trở về” với sự hàm súc của thơ và mặt nạ “xẩm ngọng” quen thuộc. Tôi nghĩ đó là lôgic phát triển của hình tượng thơ ở bộ ba nói chuyện thế sự, từ Đánh thức tiềm lực qua Nhìn từ xa … Tổ quốc đến Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ.

Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ thể hiện rõ sự dụng công của tác giả. Bài thơ chia ra năm khổ, ứng với ngũ hành như nhan đề của nó. Cả bài là những cặp đôi câu thơ song hành mà không đối ngẫu, câu trước dìu câu sau, mỗi câu mỗi sắc thái không lẫn vào nhau. Từng đôi câu thơ in cách dòng, cặp nào cũng có ý vị riêng, thường gây bất ngờ cho người đọc. Lời trữ tình tựa như lời người say, lời kẻ mộng du nói vu vơ, lại như lời đồng dao của con trẻ, của “xẩm ngọng” vang lên trong ngõ xóm, nửa như giễu cợt, nửa như cảm thương. Đằng sau lời nói nửa tỉnh nửa say, nửa cảm thương nửa giễu cợt ấy là một tâm trạng và một bức tranh. Đó là một bức tranh phân mảnh, lật ngược, lộn trái, tạo ra một hình tượng đời sống hỗn tạp và nghịch dị. Chắp nối các mảnh vỡ của bức tranh, thấy hình tượng đời sống là mô hình “tam thế”, ba cõi, gồm “Cõi Trời”, “Cõi Người” và “Cõi Mình”. “Cõi trời” đầy bất ổn:

Quả đất nóng dần lên

tầng ô-dôn có vấn đề gì đó

“Cõi người” càng nhiều vấn đề:

Sâu rầy đang vấn đề cánh đồng

rừng cây vấn đề cháy và trụi

Nón hành khất ngả vấn đề xó chợ

trẻ lang thang vấn đề bụi đời

Lổn nhổn hành tinh vấn đề đẻ và đói

chiến trận tuôn vấn đề đỏ lòm

“Cõi Mình” cũng tồi tệ như vậy:

Mắt vấn đề toét tai vấn đề ù

bất an vấn đề giấc ngủ

(…)

Lục bục bụng dạ sôi

ruột gan đang vấn đề gì đó

(…)

Nghe chừng lục phủ ngũ tạng đều cọt kẹt

sida giác quan ung thư toàn thân

Đâu đâu cũng đầy rẫy bất an và Những bất ổn đầy rẫy. Nhưng trong “Mình” còn có “Ta”. Mà “Ta” thì:

Không thể nói rằng ta bất cần

ta cần sống và cần đủ thứ

Cần dinh dưỡng cần khí thở

cần giấc mơ nõn ngọn rau xanh

Cần phút lặng thinh mặc niệm những mối tình quan họ

những người tình không giao phối bao giờ

Vậy “Ta” đi đâu, trốn vào đâu để tìm những thứ ấy? Vào rươu? Không ổn, vẫn thấy: Ta vu vơ mình trống rỗng mình”. Hay trong mơ, ngủ quách cho quên sự đời? Khủng khiếp quá: “Giấc mê mệt thiêm thiếp chiêm bao trắng/ loạng quạng ma nhảy nhót trước thềm”, “chợt thấy xác mình thối rữa từ từ”, “Tự đọc điếu văn soạn sẵn vĩnh biệt mình/ tự giải thoát một thời mộng mị”. Thôi đành “vượt tần ô-zôn đang có vấn đề” “đi kinh tế vũ trụ”, vì “Ta” “khao khát tiếng hát giun dế/ không biên tập không kiểm duyệt/ “Ta ao ước cái bay chim chóc/ không hộ chiếu không biên giới”. Cũng không xong, “Ta” vẫn là “Ta”, “Ta bịch về mặt đất bất ổn/ nhố nhăng đến chết nết không chừa”. “Ta” “xách sọ dừa đi chợ” làm một “Ẩn sĩ Lê-guym tọa thiền”. Nhưng “Chợ” rặt “Những quàng quạc đành đạch âm nhạc/ những cua ốc nghêu sò nguồn thi hứng tràn đầy”, “Tiết vịt sống hài hòa lòng vịt chín/ món tiết canh thần tiên lấp lỗ hổng sọ dừa”. Xô bồ quá, phàm tục quá! Nên ngồi giữa chợ mà “Cứ phảng phất thơm chùa những hồng hào má/ những thắm cười tươi như hoa nhà ai. Đành “Ta già ta hóa trẻ con (…) Và ngạo nghễ khúc đồng dao nhăng cuội/ lời trẻ con phấp phới ngũ hành kỳ”.

“Ta” của Nguyễn Duy là cả một vùng thao thức khôn nguôi. Trong cái “Ta” ấy có một Lear và thằng hề của Lear, một Hamlet “mân mê trên tay một chiếc sọ dừa” mà suy ngẫm về tồn tại. Đó là hình tượng con người không chỉ bất hòa với thế giới, mà còn lạc loài ngay trong sa mạc cô đơn của tâm hồn mình. Với ý nghĩa như thế, tôi gọi hình tượng ấy là tấn bi hài kịch tột cùng của sự cô đơn. Trong cuộc chiến diễn ngôn, để xoa dịu nỗi cô đơn, lời nói nhân văn lại quay về với đời sống dân gian tìm nơi trú ẩn.

Như đã nói, hơn trăm bài thơ trong các tập Đường xa, Về, Bụi của Nguyễn Duy chủ yếu là thơ thế sự. Thơ ông vẽ ra muôn vàn cảnh đời khiến lại nghĩ tới câu Đời là thế, kể làm chi cho rầu”. Ông nhìn thấy thế sự ngay trong phong tục, tỉ như trong “Chùm ngũ quả”:

Tết bày mâm ngũ quả

nải chuối thật ngon lành

quả để ăn thì chín

quả để thờ thì xanh

Hoặc Phật thủ:

Tay Phật xoè ra thành vô lượng

bao la mặt đất bầu trời

cũng bàn tay ấy khi hạ thủ

nắm lại thành quả đấm như chơi

Có những bức tranh phong tục gợi ra nỗi đau thế sự xé lòng:

Cả thành phố như nổ

tiếng pháo rền vang xa

có một lão bị gậy

khóc khàn trên sân ga…

Bàn về những gì được “nói” tới trong thơ Nguyễn Duy, không thể bỏ qua thể tài đời tư, Chuyện đời tư gắn với đề tài tình yêu. Như các nhà thơ cùng thời, Nguyễn Duy không mấy khi viết thơ tình. Những mối tình được nhắc tới trong thơ ông là thứ “tình quan họ”, “gần xa như bạn như bầu thế thôi”. Nó là thứ tình “bất chợt” “sáng nay ra cửa gặp may”, tình một bên, một phía, để rồi “Ngả bàn tay nhớ bàn tay/ hương thơm buổi ấy thoáng bay trở về/ nói nhiều cũng chỉ mình nghe/ nhớ nhau mình lại vuốt ve tay mình”. Nhưng ở đây, cũng có sự khác biệt đáng kể giữa thơ Nguyễn Duy và văn thơ hiện thực thực xã hội chủ nghĩa. Ngay cả thứ tình bóng gió xa xôi, văn thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa cũng không dám xa xôi bóng gió..Thảng hoặc có nói, thì nó cũng chỉ nói tới thứ tình của những người đồng chí cùng chung lí tưởng, tỉ như “Anh đi tìm quặng ngọn nguồn/ Nhớ em gánh nước công trường dưới xuôi”, “Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây”, “Nhớ nhau anh gọi em đồng chí”, “Khải hoàn hát khúc ngày mai. Có em rực rỡ tươi hoài bên anh”… Trong thơ Nguyễn Duy, nhân vật trữ tình bao giờ cũng hiện lên trong vai người tình. Nó không bị ép biến thành chiến sĩ tuyên truyền kể chuyện tình yêu diễn ra giữa không gian cộng cộng. Chuyện tình nào của nó cũng là kỉ niệm riêng tư về một vùng đất, một góc trời, một khoảnh khắc cắm rế sâu vào kí ức làm thành những trang tiểu sử đời người. Kí ức về bàn tay cô hàng xóm “có lần tôi chạm khẽ. Thuở phải lòng nhau nào dám gì đâu”, về khoảnh khắc “tôi lơ đãng nhìn em lơ đãng” giữa Đà Lạt một lần trăng, giây phút “vai kề vai. Kệ cho mấp mé cả hai mạn xuồng” trên con Xuồng đầy giữa vùng sông nước, hay cảnh Mưa trong nắng, nắng trong mưa để “Vội vàng ta nấp vào nhau. Mái đầu che lấy mái đầu thoảng hương”… là những khoảnh khắc làm nên nhiều trang đời như vậy. Tuy nhiên, do đặt nhân vật trữ tình vào vị thế của dân, khoác cho nó mặt nạ ngôn ngữ “xẩm ngọng”, thơ Nguyễn Duy khó đào sâu hơn thế vào thể tài đời tư và cái tôi cá nhân.

*

Không có khách thể thẩm mĩ chung chung, chẳng phải của ai. Khách thể thẩm mĩ bao giờ cũng là khách thể của chủ thể. Bước vào thế giới nghệ thuật, mọi hiện tượng và đối tượng đều bị định giá, biến thành những giá trị. Cho nên trong sáng tác văn học, mỗi thể tài thường gắn với một phạm trù cảm hứng. Khái niệm cảm hứng được hiểu như một xu hướng định giá thẩm mĩ và nó là một căn cứ để ta nghiên cứu lịch sử văn học.

Văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa lấy “mặt trời” “trăm vạn vì sao” làm biểu tượng cho thế giới truyền thuyết của mình. Bằng cách ấy nó đặt thế giới nghệ thuật vào khu vực gián cách tuyệt đối so với cái thường nhật. Nó không để bất kì ngõ ngách nào cho thế giới ấy ăn thông với thời đương đại đang tiếp diễn của chúng ta. Thế giới nghệ thuật của nó là thế giới của cha ông, tổ tông, của những bậc sáng thế. Đó là thế giới của cái phi phàm, siêu nhiên đã hoàn kết xong xuôi, thế giới của những người thứ nhất và ưu tú nhất, họ đã hóa thành thần thánh, không thể “hạ bệ”. Cái đương đại của chúng ta thuộc về thế giới của cháu con, hậu bối, thế giới của cái phàm tục thường nhật, cái phù vân dang dở. Cho nên phạm trù Cao cả trở thành xu hướng cảm hứng chủ đạo của văn thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa. Ta nhận ra xu hướng cảm hứng này qua cái nhìn cung kính của nhân vật trữ tình và niềm “vui bất tuyệt” như là xúc động thường trực của nó trong thơ.

Qua cái nhìn cung kính của nhân vật trữ, mọi hình tượng trong thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa hiện lên kì vĩ, lộng lẫy, uy nghi, hoành tráng. Hãy xem hình tượng miền Bắc mùa xuân trong thơ Tố Hữu:

Ta nghe rõ: Mỗi giờ mỗi phút

Cả đất nước đang tiến lên vùn vụt

Như cỗ xe trăm mã lực khổng lồ

Mà bàn tay thần diệu của Bác Hồ

Cầm chắc lái, bay trên đường vạn dặm

Hễ chỗ nào có hình tượng lãnh tụ là ta bắt gặp sự uy nghi, lộng lẫy:

- Anh đội viên mơ màng

Như nằm trong giấc mộng

Bóng bác cao ộng lộng

Ấm hơn ngọn lửa hồng

- Bác ngồi đó lớn mênh mông

Trời xanh, biển rộng, ruộng đồng, nước non

- Mong manh áo vải, hồn muôn trượng

Hơn tượng đồng phơi những lối mòn

Anh giải phóng quân “ngã xuống đường băng Tân Sơ Nhất (…) để lại cái dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỉ”. Trong văn thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa, người chiến sĩ ấy mang tầm vóc vũ trụ:

Anh đi xuôi ngược tung hoành

Bước dài như gió, lay thành chuyển non

Mái chèo một chiếc xuồng con

Mà sông nước dậy sóng cồn đại dương

Không chỉ thế, trong cái nhìn cung kính của nhân vật trữ tình, những hình tượng uy nghi, hoành tráng kia còn hiện lên như những tượng đài bằng sắt, bằng đồng gây ấn tượng bất hủy, bất hoại, trường tồn thiên niên vạn thế. Đây là tượng đài đảng ta:

Đảng ta đó trăm tay nghìn mắt

Đảng ta đây xương sắt da đồng

Chị lao công cũng được Tố Hữu dựng thành tượng đài bằng sắt sắt, bằng đồng:

Những đêm đông

Khi cơn giông

Vừa tắt

Tôi đứng trông

Trên đường lạnh ngắt

Chị lao công

Như sắt

Như đồng

Chị lao công

Đêm đông

Quét rác

Năm 1946, Tố Hữu viết bài Vui bất tuyệt. Nhân vật trữ tình trong thơ ông reo vang: “Vui quá đêm nay/ Ta nhảy ta bay/ Trong lòng Hà Nội”. Lòng vui thì thấy “cuộc sống mới đã tưng bừng mở hội”, ở đâu cũng vui, “Đời vui…”, “Mùa vui…”, ai cũng vui. Trong văn thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa, “sướng vui” trở thành trạng thái nhân sinh làm nên hình hài của bức tranh thế giới: “Quê hương ta rộn rã cuộc vui chung”. Đời vui đó, hôm nay mở cửa/ Như dãy hàng Bách hóa của ta”; “Đời vui đó, tiếng ca đoàn kết. Ta nắm tay nhau xây lại đời ta” … Chiến tranh chỉ có những “cuộc chia li chói ngời sắc đỏ/ Tươi như cánh nhạn lai hồng (…)/ Như không hề có cuộc chia li”. Cả nước vui ra trận: “Những buổi vui sao/ Cả nước lên đường/ Xao xuyến bờ tre/ Từng hồi trống giục”. Vui nhất là tin vui thắng trận:

Tin vui chiến thắng trăm miền,

Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về

Vui từ Đồng Tháp, An Khê

Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng

Anh Morison đi tự thiêu, nhân vật trữ tình trong thơ Tố Hữu nghe thấy anh dặn con nói với mẹ: “Cha đi vui, xin mẹ đừng buồn!”. Cũng nhân vật trữ tình ấy quả quyết, lúc qua đời “Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau/ Nỗi đau dân nước, nỗi năm châu…”. Có thể thấy, tiếng reo vui cất lên từ năm 1946 trong thơ Tố Hữu đã mở ra tâm trạng lễ hội và niềm “vui bất tuyệt” kéo dài suốt mấy mươi năm trong văn thơ nước ta. Cho nên, năm 1991, khi nhân vật trữ tình của Tố Hữu cất lên Một tiếng đờn và nói tới nỗi buồn, ta biết chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa thế là đã giải qui phạm:

Mới bình minh đó đã hoàng hôn

Đang nụ cười tươi lệ bỗng tuôn

Đời thường sớm nắng chiều mưa vậy

Khuấy động lòng ta biết mấy buồn

Như đã nói, trong thơ Nguyễn Duy có một hệ thống ẩn dụ, biểu tượng khác. Lấy những đất, cây, cỏ, cát, bụi, cánh cò, cánh vạc, trâu cày với những bóng máu bầm đen sõng soài nền nhà”, “vết bầm đen đấm ngực”, “Ẩn sĩ Lê-guym tọa thiền” …làm ẩn dụ và biểu tượng cho thế giới nhân vật của mình, thơ Nguyễn Duy thu hẹp tối đa khu vực gián cách giữa nhân vật trữ tình và đối tượng xúc động trữ tình của nó, giữa thế giới nghệ thuật và thế giới thường nhật xô bồ, phàm tục của chúng ta. Cho nên, ứng với hai thể tài truyền thuyết và thế sự như lõi cốt của khách thể thẩm mĩ, Đẹp Bi hài kịch sẽ là hai phạm trù cảm hứng chủ đạo trong sáng của Nguyễn Duy.

Ngay từ chùm thơ được giải với những Tre Việt Nam, Hơi ấm ổ rơm, Hầm chữ A và hàng loạt thi phẩm khác trong hai tập Cát trắng Ánh trăng, ví như Tiếng hát mùa gặt, Trận địa tím, Bầu trời vuông, Võng trăng, Hạt lúa cháy nảy mầm, Bài hát người làm gạch, Về thăm nhà Bác, Ánh trăng…, thơ Nguyễn Duy đã sớm bộc lộ một cảm quan riêng, một mĩ học riêng về cái đẹp. Có thể nói rất nhiều về mĩ học ấy, cảm quan ấy, nhưng tựu trung, đó vẫn là mĩ học ở loại hình tác giả “ta là dân”. Trong cảm quan của tác giả này, cái đẹp trước hết là một nghị lực sống phi thường, nghị lực của “rễ siêng không ngại đất nghèo”, “đất cằn”, nghị lực vượt lên nghịch cạnh, chống chọi “bão giông” để trường tồn. Vẻ đẹp ấy hiện hình ở “thập loại chúng sinh”, ở “Tre xanh/ xanh tự bao giờ”,“cây sim quê ta”, “hạt lúa cháy nầy mầm”, “dân làng tôi”, ở dáng bà, dáng mẹ, dáng cha lấm láp và cả dáng “em” lam lũ. Mĩ học ấy đặc biệt nhậy cảm trước những vẻ đẹp thân quen gắn với “làng”, với “rơm rạ”, vẻ đẹp gợi “nhớ ruộng, nhớ vườn”, nơi “cỏ lúa, và hoa hoang cỏ dại”, có vỏ ốc trắng những luống cày phơi ải/ bờ ruộng bùn lấm tấm dấu chân cua”, có trắng muốt cánh cò”, có “con sáo mỏ vàng, con chào mào đỏ đít/ con chim trả bắn mũi tên xanh biếc/ con chích choè đánh thức buổi ban mai”. Đó là vẻ đẹp đã thành “Con dấu chìm chạm trổ ở trong xương/ thời thơ ấu không thể nào đánh đổi”, vẻ đẹp gửi lại mãi mãi nơi “quê nhà ở phía ngôi sao”. Gần với vẻ đẹp ấy, trong thơ Nguyện Duy còn có vẻ đẹp gợi nhớ rừng của một thời trận mạc. “Đẹp” hóa ra là chuyện của kí ức, của nỗi nhớ. Trăng trong thơ Nguyễn Duy đẹp không phải vì nó là thế giới của “bầu rượu túi thơ”, mà vì nó là “tri kỉ”. Người lính thích thú thấy cánh võng là “mảnh trăng”: “Cong cong võng bạt anh nằm/ khuyên lên nền lá vành trăng lưỡi liềm”. Anh càng thích thú khi “Thấy trăng mắc võng lưng chừng cành cây” để “Trăng kia cùng cánh võng này soi nhau”. Về thành phố, “quen ánh điện cửa gương”, thấy “Vầng trăng đi qua ngõ/ như người dưng qua đường”, rồi vào đêm mất điện, trăng hiện ra nơi cửa sổ, người lính ấy như gặp lại cố nhân, thấy người “tri kỉ”:

Ngửa mặt lên nhìn mặt

có cái gì rưng rưng

như là đồng là bể

như là sông là rừng

Nguyễn Duy cũng viết về lãnh tụ, nhưng viết theo kiểu riêng của nhà thơ gắn với “rơm rạ”, quen với “gió sùng sùng mùi bùn nằng nặng ngấu”, với “mộc mạc tím cánh hoa bìm bờ dậu”, với “lưng trần ứa giọt sương người mằn mằn/ tiếng cuốc kêu thất bát buổi trưa đầy”. Trong thơ Nguyễn Duy, nhà lãnh tụ đẹp không phải vì “nhà Bác ở”“sàn mây vách gió”, mà là vì “mọi cái ở đây đều rất bình thường”, từ “hàng bông bụt”, “luống lạc luốn khoai”, “tám cây cau đằng sau nhà Bác”, “mái nhà lợp bằng lá mía trắng phau”, cho tới “mảnh đất làm nhà”“mảnh đất làm nhà có ở bốn phương”, tất cả đều “giống nhà tôi” không khác chi hàng bông bụt, luống lạc luống khoai, và muôn nhà mái nhà lợp mía khác.

Tóm lại, cái đẹp trong thơ Nguyễn Duy là cái đẹp của một phong cách thơ chan chứa linh hồn dân tộc, thấm đẫm vẻ đẹp cổ truyền. Đó là cái đẹp trường tồn trong dòng chảy của thời gian phôi pha, cái đẹp lấm láp của “đất nghèo”, “đất cằn”, của “cát trắng xèo từng giọt đỏ tươi”, của “hạt cát có cái gì bất diệt”, của “linh hồn cát bụi ở miền trong veo”. Cái đẹp ấy hóa thân vào câu ca dao trắng muốt mãi một cánh cò. Thơ ông lúc nào cũng cất lên tiếng nói vang vọng niềm tin vào vẻ đẹp ấy:

Ngàn năm trên dải đất này

Cũ sao được cánh cò bay la đà

Cũ sao được sắc mây sa

Cũ sao được khúc dân ca quê mình

Cái đẹp là sự hài hòa giữa các mặt xung đột. Cái bi và cái hài là xung đột phá vỡ sự hài hòa ấy. Trong thơ nguyễn Duy, có thể nhận ra sự phá vỡ này ở cả nhân vật trữ tình, lẫn đối tượng trữ tình của nó. Ở nhân vật trữ tình, đó là xung đột, giằng xé giữa hồn thơ “khao khát tiếng hát giun dế/ không biên tập không kiểm duyệt/… ao ước cái bay chim chóc/ không hộ chiếu không biên giới” với thế giới mà trong đêm, ngồi mỗi một mình tận “Bắc bán cầu”, vẫn cứ ‘nơm nớp ai rình sau lưng ta”. Hồn thơ ấy “là một khối vàng ròng” chỉ muốn “đổi lấy mấy trời”, nhưng vẫn phải “Đành đem bán bớt đi từng mảnh nhỏ/ mảnh này vì con, mảnh này vì vợ/ vì bạn bè và cha mẹ em ta”. Đó là tấn bi hài kịch về sự bất lực thế thảm của thơ khiến “xác mình thối rữa từ từ”, mình đành “tự tháo khớp và mang ra bán”. Và hơn thế, đó là tấn bi hài kịch về sự lạc loài của con người giữa sa mạc cô đơn trong chính tâm hồn mình ở “Thời buổi thị trường mọi việc đều có thể/ có thể nước này mua trọn gói nước kia”. Với đối tượng cảm xúc của nhân vật trữ tình, thì tấn bi hài kịch nằm ở xung đột giữa một bên là cái thây sống ngôn từ vẫn muốn sống để nói những điều giả dối với bên kia là lời nói tái sinh quyệt lật mặt nạ nó, tìm cho nó một cái chết tái sinh.

Chính thơ Nguyễn Duy đã tự gọi ra những dòng cảm xúc như là sự biểu hiện rõ nhất của hai xu hướng cảm hứng chủ đạo nói trên:

Nhắm mắt lại mà nhìn/ thăm thẳm

yêu và đau

quằn quại bi hùng

Thơ Nguyễn Duy trước hết là xúc cảm tình yêu dành cho“đất nghèo”, “đất cằn”, dành cho “cát trắng xèo từng giọt đỏ tươi”, dành cho vẻ đẹp của “hạt cát có cái gì bất diệt”, của “linh hồn cát bụi ở miền trong veo”. Tình yêu ấy như là sự hòa quyện của yêu thương, trân trọng và sự cảm thương. Tôi nghĩ, cảm thương là mạch xúc động trữ tình sâu lắng nhất trong thơ Nguyễn Duy. Thơ ông bao giờ cũng man mác một nỗi buồn tuy nhẹ nhàng mà mênh mang tê tái. Về đồng, buồn:

Bà và mẹ hóa cánh cò, cánh vạc

ông và cha man mác kiếp trâu cày

(…)

Ngôi nhà cũ mái nhà xưa khuất bóng

cỏ áy vàng, bãi tha ma vắng

lòng ngổn ngang gò đống tổ tiên nhà

Về làng, buồn:

Ta đi mơ mộng trên trời

để cha cuốc đất một đời chưa xong

Về Đò Lèn quê ngoại, cũng buồn, vì “Bà chỉ còn là nấm cỏ thôi”. Ngay cả khi say Thuốc lào, tưởng là lúc khoái trá nhất, hóa ra càng buồn:

Tôi qua lắm núi nhiều sông

khói ngày xưa ám trong lòng còn cay

Ngẩng đầu đưa khói vào mây

nghênh ngang hiền triết điếu cày thăng thiên”.

Nỗi buồn trong thơ Nguyễn Duy bao giờ cũng gắn với nỗi đau nhân thế “quằn quại bi hùng”. Lúc cao trào, nỗi đau là khối thuốc nổ hóa thành tiếng gầm gào thống thiết trong Nhìn từ xa … Tổ quốc. Rồi nỗi đau ấy được nén chặt trong con tim rỉ máu, nhất là những khi:

Cả trần gian tí tởn

đón xuân sang tưng bừng

Có một thằng dớ dẩn

Ngồi làm thơ rưng rưng

Cả thành phố như cháy

lập loè ánh hoả châu

có một bà bới rác

nằm co ro gầm cầu

Cả thành phố như khói

khét lẹt mịt mờ mây

có một em điếm ế

đón giao thừa gốc cây…

Và như để hóa giải, nỗi đau nhập vào “xẩm ngọng” làm tiếng cười tự trào:

Con ơi cha mắc bệnh thơ

u ơ ú ớ ù ờ thâm niên

dở khôn, dở dại, dở điên

động kinh lè lưỡi thánh hiền làm oai

Cứ đọc mà xem, thơ Nguyễn Duy ở các tập Đường xa, Về, Bụi đầy ắp tiếng cười tự trào ứa nước mắt như vậy.

[1] Nguyễn Duy (Thơ), Quê nhà ở phía ngôi sao, Tlđd, tr. 30.