Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 7 tháng 8, 2021

Thế lực thù địch (kỳ 1)

Tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường

clip_image002

THẾ LỰC THÙ ĐỊCH được in ở Cộng hòa Pháp vừa mang phong cách tiểu thuyết vừa như một cuốn truyện ký cập nhật những thông tin nóng hổi về tình hình thời sự, chính trị, văn hóa xã hội và nền kinh tế Việt Nam đương đại dưới sự cai trị của những người tự nhận là cộng sản.

Đã từ lâu, nhà cầm quyền luôn coi giới trí thức tinh hoa của dân tộc là “thế lực thù địch” vì họ có đầu óc tư duy độc lập. Những “nguyên khí quốc gia” này thường sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng phản biện đường lối chính sách sai lầm của Đảng Cộng sản dẫn đến những thảm họa của đất nước sau 70 năm cai trị. Ở các quốc gia văn minh, tiến bộ, giới trí thức được coi là rường cột quốc gia, trái lại, tại Việt Nam họ là cái gai trước mắt giới lãnh đạo kiến thức nông cạn, phông văn hóa mỏng nhưng lại thừa thói kiêu ngạo. Xuất phát từ chủ trương “trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ”, họ luôn tìm cách tiêu diệt trí thức thứ thiệt thay bằng loại trí thức rởm học hành lởm khởm vào guồng máy quản trị quốc gia. Không tiêu diệt được thì phỉnh phờ mua chuộc rồi vô hiệu hóa. Ai có đủ bản lĩnh, kiên cường chống lại nền độc tài toàn trị sắt máu sẵn sàng bị tống giam như Hoàng Minh Chính, Nguyễn Kiến Giang, Vũ Thư Hiên, Bùi Ngọc Tấn, Cù Huy Hà Vũ, Lê Công Định… Đất nước tụt hậu, tệ tham nhũng làm biến dạng nhân cách con người, phá vỡ nền tàng đạo đức cũng bắt nguồn từ hệ thống chính sách bảo thủ, lạc hậu, khủng bố trí thức ngay từ khi bắt đầu lập quốc. Dưới chế độ XHCN “tốt đẹp gấp triệu lần tư bản” lớp trí thức tinh hoa bị bôi đen, bị chìm lấp, bị thành số không và số âm trong tiến trình phát triển của dân tộc.

Thế lực thù địch” được xem là cuốn tiểu thuyết có sức nặng, không chỉ có giá trị văn chương mà còn được đan cài nhiều tư liệu báo chí, một sự tìm tòi kết hợp nhuần nhuyễn giữa nonfiction và fiction.

Văn Việt xin trích đăng một số chương giới thiệu cùng bạn đọc trong và ngoài nước.

Văn Việt

1

Mùi hôi nách nồng nặc từ đám người chen chúc đứng sau tấm kính, khiến Hoàng Y suýt bị nôn ọe khi cánh cửa vừa mở ra. May mà kịp bịt mũi và lách qua được. Hội trường nhỏ hơn trăm chỗ ngồi đã quá tải. Không còn ghế nào trống. Những người đến sau đứng lố nhố bên cửa sổ và lối ra hành lang.

Cái đám người tỏa mùi nách nồng nặc này, rất hiếm khi thấy ở một hội thảo khoa học. Chẳng phải sinh viên, chẳng ra bọn kí giả bụi. Nhìn cách ăn mặc, cách túm tụm ở cửa ra vào, nhất là mùi nách, đích thị là đám cu li hay xích lô ba gác. Y thoáng nghĩ đến dân bốc vác ga Hàng Cỏ hay tụi bảo kê ở chợ đầu mối Long Biên. Quái lạ, có vài cặp mắt trô trố nhìn y, trông quen quen. Dân làng Phí hay làng Động của y?

Sát bục diễn giả, mấy hàng ghế trên toàn những gương mặt nhàu nhĩ, cổ kính, với những cái đầu hói, những mái tóc bạc như bông, hoặc đang phai lớp thuốc nhuộm, xác xơ như cỏ cháy. Chà, đông vui nhỉ. Toàn những trí thức công thần, đa phần thuộc Viện IDS đã giải thể: Trung tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Giáo sư Hoàng Tụy, Giáo sư Phan Đình Diệu, Giáo sư Ngô Đức Thọ, nhà văn Nguyên Ngọc, nhà văn Bùi Ngọc Tấn, rồi Nguyễn Trung, Lê Hồng Hà, Nguyễn Kiến Giang, Nguyễn Khắc Mai, Chu Hảo, Nguyễn Thanh Giang, Dương Danh Dy, Tương Lai, Nguyễn Đình Cống, Trần Văn Thủy, Nguyễn Quang A, Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn, Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, Nguyễn Đăng Quang, Phạm Xuân Nguyên… Hôm nay các vị đáng kính đang ngồi đây, ngày mai có thể các vị đã có tên trên tờ cáo phó, ngày kia trên ban thờ ngắm gà khỏa thân…, điều ấy chẳng có gì lạ, bởi các vị già quá rồi, quá đát rồi, vang bóng một thời cả rồi… Mà kìa, có thêm cả Bùi Minh Quốc và Hà Sỹ Phu từ Đà Lạt đến; Tống Văn Công, Lê Hiếu Đằng, Kha Lương Ngãi, Lê Phú Khải, Phạm Đình Trọng, Hoàng Hưng… từ Sài Gòn ra. Nếu như mấy thủ lãnh cỡ bự Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Kiến Giang… còn sống, chắc chắn sẽ được rước ngồi bàn chủ tọa. Nhưng thay vào sự mất mát “không gì bù đắp nổi” ấy lại có thêm mấy gương mặt mới, phong trần nhàu nhĩ mà y chưa gặp bao giờ. Hầu như đủ mặt đám sĩ phu gọi là cấp tiến, đang được các dư luận viên gọi với cái tên mĩ miều: Bọn Rận Chủ. Nhiều người đã từng là trí thức cận thần, tên tuổi nổi như cồn, có tên trong nhóm kiến nghị 72, nhóm 61, khối 8406…, dám cả gan đòi lấy lại Hiến pháp 1946, dám to gan đòi không đưa điều 4 vào Hiến pháp, đòi xóa bỏ Chủ nghĩa Xã hội. Cái đám rỗi hơi này cứ mấy tuần lại thấy kí tên vào một lá đơn đăng trên mạng. Gửi Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc. Gửi Tổng thống Hoa Kỳ. Gửi Tổng Bí thư, Chủ Tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Thư ngỏ gửi đồng bào… Xưa như Diễm và nhàm chán còn hơn cả bò nhai lại.

Từ hàng ghế thứ ba trở xuống, đa phần là đám tầm tầm, bốn, năm mươi. Lại mấy tay nhà văn quá khích, vài vị “thiến sót” nửa mùa và nhung nhúc bọn blogger đang làm mưa làm gió trên mạng: Ba Sàm, Quê Choa, Tễu Blog, Boxit, Trần Nhương.com, Dân làm báo, Blog Phạm Viết Đào, Bà Đầm Xòe, Một góc nhìn, Annammite… Có lúc ánh mắt y chạm mắt chủ trang Blog Annammite, tiến sĩ Ngô Viễn, nhưng cả hai đều lờ quay đi. Cũng ở trong cái đám ấy, y thấy nhà văn Ngô Thời Bá, giáo sư Trần Ngọc Vương, tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, phó giáo sư Phạm Quốc Đại, Tiến sĩ tử vi Quốc Bói, nhà báo Quốc Sỉ và khá nhiều gương mặt lạ hoắc, chắc ở các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu. Đám báo chí đánh hơi thấy vấn đề hót, kéo đến như quân Nguyên, tất nhiên vẫn nhẵn mặt bọn hóng hớt, đầu giờ đảo qua lượm tin, lấy phong bì rồi lủi đi săn tìm quảng cáo, hoặc tụ bạ bia bọt, bài bạc ở một vòm nào đó. Đáng chú ‎‎‎ý là mấy gương mặt gạo cội chuyên phụ trách phần chính luận các báo lớn, bọn này rất ít khi ra khỏi hang, trừ phi có sự cố đặc biệt như hôm nay. Đông nhất là đám sinh viên các trường khoa học xã hội, trường luật và kinh tế. Họ thường là đệ tử ruột của các ông thầy ngồi phía trên, đi theo để trải nghiệm, viết thu hoạch, và quan trọng nhất là được gợi ý làm khóa luận tốt nghiệp, luận văn nghiên cứu sinh.

Đảo mắt một vòng, y nhận ra ngay các đồng nghiệp đang ngồi ở mấy vị trí then chốt. Hà mắt nai của PA7 thành phố, Liêm đầu búa C. 25, Long râu của PC87... Riêng Peter Tuẫn Chiết da đang thì thào to nhỏ điều gì với hai nhân vật “tà ru” tâm đắc lắm. Chỉ cần đưa mắt là biết nhau. Nhất thiết không để người xung quanh nhận ra mối quan hệ đồng nghiệp.

Phải công nhận Peter Tuẫn Chiết da “đóng” và “diễn” đều trên cả tuyệt vời. Tháng trước, tòa Vatican có “giấy mời” hắn sang dự hội thảo về “Kito giáo và Xã hội dân sự”, nhưng sắp ra máy bay, hắn bị công an cửa khẩu Nội Bài ách lại. Chỉ đợi có thế, hắn liền xì thông tin. Thế là một loạt trang mạng lu loa lên: “Nhà bất đồng chính kiến Peter Tuẫn bị chính quyền cộng sản cấm xuất cảnh khi ông đi dự hội thảo do tòa thánh Vatican mời”. Vở kịch đạt tới mức, hắn, một công an tuột xích, một nhà dân chủ bất đồng chính kiến, có thêm hàng chục nghìn fan hâm mộ trong nước và hải ngoại. Cái tên thánh Peter, tức Thánh Cả Phê-rô, người giữ chìa khóa nước Trời, là do hắn được chịu phép đặt tên khi làm lễ nhập nước Chúa ngày hắn công tác bên Đông Đức. Còn cái tên Chiết da là biệt danh đồng nghiệp gọi hắn. Hắn học triết nửa vời. Đang học năm thứ ba đại học Tổng hợp thì bỏ đi xuất khẩu lao động ở Đông Đức. Hắn cũng chẳng có tác phẩm, công trình triết học nào. Hắn tự phong, tự viết bài đưa lên facebook, tự vỗ ngực ở các quán cà phê, các bãi bia, là triết gia hàng đầu Việt Nam, coi Trần Đức Thảo là cái đinh, sẵn sàng tranh luận về triết học, từ Kant, Hegels đến Marx, Engels, Sartre và tất nhiên, cả Trần Đức Thảo… Đồng nghiệp thấy hắn hoắng quá, bèn đặt cho bí danh Tuẫn Chiết da.

Trên diễn đàn xuất hiện một người tóc trắng, đeo kính trắng, phong thái nho nhã khiêm nhường, người chủ trì cuộc giới thiệu sách và hội thảo. Đó là giáo sư tiến sĩ Hoài Chi, một người cộng sản con nhà nòi, bố từng tháp tùng cụ Hồ, từng làm cán bộ công an cấp cao thời kháng chiến chống Pháp. Hoài Chi được đào tạo bài bản ở nước ngoài, từng là thứ trưởng, ủy viên Đảng đoàn Bộ. Có nguy cơ bị buộc về hưu sớm, ông tạt ngang sang thành lập nhà xuất bản trực thuộc Hội Liên hiệp Khoa học, lấy tên Nhà xuất bản Dân Khí. Nhà báo Lê Phú Khải đã viết về ông: “Hoài Chi là một trong những người trí thức căn cơ nhất của tầng lớp trí thức vốn rất “èo uột” hiện nay. Tôi dùng chữ căn cơ, vì một dân tộc muốn hùng mạnh phải có một đội ngũ tinh hoa dẫn đường. Đội ngũ tinh hoa ấy khai phóng cho dân chúng… Hoài Chi là một trí thức ý thức rõ về vai trò, trách nhiệm của tầng lớp tinh hoa với nhiệm vụ khai phóng dân trí của tầng lớp mình. Năm 2010, ông đã viết tiểu luận nổi tiếng“Thử tìm hiểu tầng lớp trí thức Việt Nam”. Đây là lần đầu tiên một tác giả dám đụng bút vào một đề tài lớn, rất hóc búa và vô cùng “nhạy cảm” trong một xã hội toàn trị, nặng tư tưởng Maoist: “ Trí thức là cục phân”… Bản tiểu luận kết luận đanh thép và dứt khoát: Không có tự do ngôn luận, thì những người “có học” chỉ có thể là những người “lao động trí óc” ( thậm chí rất giỏi), nhưng không thể trở thành một tầng lớp trí thức mà xã hội văn minh coi là tinh hoa”.

- Thưa quý‎ vị - Giáo sư Hoài Chi cầm sẵn cuốn sách bìa vàng trên tay - Đây là ấn phẩm mới của nhà xuất bản chúng tôi. Cuốn The Road to Serfdom, (Đường về nô lệ), một bản tuyên ngôn của chủ nghĩa tự do cá nhân. Có thể khẳng định tác phẩm quan trọng này của Friedrich August Von Hayek đã đưa tên tuổi ông vụt sáng. Đường về nô lệ được xuất bản tại Anh năm 1944, và ngay sau đó đã được nhân lên hai triệu bản phát hành khắp châu u và Mỹ. Như vậy có nghĩa là, cho tới nay, nó chẳng hề mới mẻ gì, nghĩa là nó đã cũ rích đối với thế giới. Tác giả của nó, nhà kinh tế học và triết học lừng danh, đã được trao giải Nobel từ năm 1974. Trên tờ The New York ngày 7 tháng 2 năm 2000, John Cassidy đã viết: “Hầu như không quá khi nói rằng thế kỷ XX là thế kỷ của Hayek”. Vậy mà đối với tất cả chúng ta ngồi đây hôm nay, Đường về nô lệ lại như được biết lần đầu. Chao ôi, đã hơn sáu mươi năm, tức trọn một đời người, những người gọi là trí thức Việt Nam, giới tinh hoa thời đại @, thời đại 4.0 Việt Nam, bây giờ mới được nhìn thấy, được cầm nó trên tay… Nhưng thôi, cũ người mới ta. Đó là tấn bi kịch của thời toàn trị, nhưng cũng là niềm hạnh phúc của sự tinh khôi…

Giáo sư Hoài Chi hai tay đưa cuốn Đường về nô lệ lên cao, như giương một chiếc cúp, nâng một tượng đài. Lập tức, trên màn hình hiện lên bìa sách, tên tác giả, dịch giả, nhà xuất bản. Và, như một thao tác tiếp thị quá chuyên nghiệp, cùng lúc đó, các thiếu nữ xinh đẹp civil đồng phục công chức màu xanh dương, thắt nơ trắng trước ngực, đưa sách tới từng hàng ghế.

- Cùng thời gian ấy, tức là chỉ sau Hayek một năm - Giáo sư Hoài Chi nói tiếp - vào năm 1945, cũng ở Anh, nhà văn tài năng George Orwell, đã cho ra đời một tác phẩm rung chuyển thế giới. Đó là cuốn tiểu thuyết hoạt kê Animal farm: A fairy story (Trại súc vật: một câu chuyện hoang tưởng). Cần phải nhấn mạnh rằng, George Orwell là một nhà văn cánh tả có tư tưởng cộng sản, từng cùng vợ tham gia cuộc nội chiến Tây Ban Nha năm 1936. George Orwell chưa từng đặt chân tới Liên Xô, nhưng tiểu thuyết Trại súc vật lại hệt như ông tái hiện thần tình xã hội cộng sản Xô Viết. Sau hơn năm mươi năm, kể từ lần xuất bản đầu tiên ấy, tác phẩm đã được dịch ra 68 thứ tiếng trên toàn thế giới, và được bình chọn trong tốp 100 tác phẩm hay nhất trong thế kỷ XX. Ở Sài Gòn, năm 1952 tác phẩm này đã được xuất bản bởi nhà in Viễn Đông, năm 1975 được in lần thứ hai với bản dịch của Đỗ Khánh Hoan, và nó đã bị vắng bóng suốt từ đó trên cả nước. Nhưng xin các vị yên tâm. Sau cuốn Đường về nô lệ được trình bày và thảo luận hôm nay, nhà xuất bản Dân Khí chúng tôi sẽ sớm xuất bản Trại súc vật để hầu bạn đọc.

Tiếng vỗ tay rào rào tán thưởng.

***

Sao lại có thể tán thưởng một cuốn sách ám chỉ và rất phản động như Trại súc vật nhĩ? Y thấy mắt Tuẫn Chiết da rực lên như muốn trùm một lưới lửa khắp những bộ mặt hả hê kia. Hình như hắn đã được anh Chín cho đọc? Cuốn sách này y còn lạ gì. Hồi mới về đầu quân dưới trướng thủ trưởng Chín K, chính tay chị Cao Thu Vân, phu nhân thủ trường, sau này là chị vợ y, đã lấy từ trên giá sách gia đình xuống cho y mượn. Bản in tại Sài Gòn tháng 2 năm 1975, có tựa đề là Nông trại súc vật. Chị Vân bảo: “Cậu làm nghề này, cần đọc cuốn này”. Y đã đọc ngấu nghiến trong một đêm. Tiên sư anh Tào Tháo, tài đến thế là cùng. Y đã suýt thốt lên như nhân vật của Nam Cao khi đọc đến dòng cuối cùng. Mô tả cuộc khởi nghĩa của bọn súc vật lật đổ ông chủ điền trang Jones sống động quá. Tài nhất là dựng chân dung mấy con lợn Thủ Lĩnh, con Tuyết Tròn và con Napoleon, cầm đầu cuộc nổi dậy, hệt như cuộc Cách mạng tháng Mười, Cách mạng tháng Tám. Cuối cùng là cái lòng tham bản năng cộng với sự ngu dốt đã biến chúng thành một bầy sâu mọt tham nhũng, ham mê quyền lực. Chính điều này đã bóp méo các‎‎‎‎ ý tưởng nhân đạo nguyên thủy, đẩy xã hội xuống vực sâu. Sao mà giống với thời Liên Xô và Đông u tan rã đến thế. Mấy chục năm rồi mà cứ như vừa xảy ra. Cái ông George Orwell này tiên đoán như thần… Thoạt đầu, y nghĩ như vậy. Nhưng rồi y chột dạ. Vợ thủ trưởng đưa cho mình đọc cuốn này là có ‎‎ý gì? Thăm dò tư tưởng? Thử phản ứng? Chị Vân vô tình cho mượn sách hay theo lệnh của chồng? Chín K là ai, cả nước này đều biết. Cánh tay đắc lực của anh Ba. Một Bố già đỏ như Beria của KGB Liên Xô, như Khang Sinh của thời Mao Trạch Đông.

Vốn nhạy cảm và lại nhiễm thói hoài nghi nghề nghiệp từ ngày bước chân vào ngành, y có khả năng biến báo khiến đối phương, đối tác không biết y đang nghĩ gì. Ngay cả bác sĩ Vân, khi thấy y trả sách và bảo: “Truyện viết cho trẻ con, em đọc không vào”, thì chỉ cười ruồi, như muốn bảo: Tôi còn lạ gì cậu. Cậu nói zvậy nhưng không phải zvậy.

Cảm giác như có tia nhìn bỏng rát bên gáy. Y nghiêng sang bên trái và bắt gặp đôi mắt sói hoang của Tuẫn Chiết da đang gửi cho y dòng thông tin: Hãy cảnh giác với sự tự diễn biến. Y nháy mắt để hắn khỏi tinh tướng. Và nhớ lại cuộc họp với anh Chín hôm qua.

“Các đồng chí cần lưu‎ ý‎, đây không phải là một hoạt động khoa học, một séminaire chấn hưng dân trí như bọn họ từng rêu rao. Hoài Chi là ai, các đồng chí biết không? Một kẻ hoạt đầu. Một tên bất mãn. Vì không được cơ cấu vào trung ương, không được đề bạt bộ trưởng, vì cậy thế bố hắn là người từng bảo vệ lãnh tụ thời khởi nghĩa. Bị buộc về hưu sớm, hắn quay ra câu kết với một vài kẻ bất mãn khác xin lập nhà xuất bản Dân Khí, chuyên xuất bản những tác phẩm phản động trái với đường lối của Đảng, xuyên tạc chủ nghĩa Marx - Lenin. Buổi hội thảo cuốn Đường về nô lệ mà các đồng chí sẽ phải theo dõi, đặc biệt nguy hiểm. Bởi vì sao? Bởi vì các thế lực thù địch đang thay đổi hình thức chống phá. Bị ta làm riết trong các vụ biểu tình chống Trung Quốc, ngăn chặn mọi cuộc tụ tập, chúng quay ra cổ xúy phong trào cách mạng màu của các nước A-rập và Bắc Phi, chĩa mũi nhọn vào chủ nghĩa Mác - Lê, bôi nhọ lãnh tụ, lật đổ thần tượng, bài xích chủ nghĩa xã hội và kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa… Hãy luôn ghi nhớ một điều: Tất cả mọi việc làm của chúng đều chỉ hướng tới mục đích lật đổ chính quyền từ dân, vì dân, do dân của đảng ta”.

Thủ trưởng Chín K, siêu nhân không đối thủ, đang là thần tượng của y. Không biết bằng cách nào, vừa làm công tác tham mưu và chỉ đạo tầm thượng đỉnh, Chín K vừa giành học vị tiến sĩ, học hàm giáo sư chuyên ngành xây dựng đảng. Bây giờ, trong các hội nghị toàn ngành hay về công tác địa phương, người ta phải trịnh trọng giới thiệu một cách dài dòng: Đồng chí trung tướng, giáo sư tiến sĩ Huỳnh Thi Ka… Thực tình, nhiều khi y nghi ngờ về những danh xưng bóng bẩy không thực chất ấy, nhưng rồi chính y lại phải gạt đi ngay, bởi vì những điều Chín K nói thuyết phục quá, cái đầu Chín K chứa nhiều thứ mà y phải thừa nhận là siêu việt. Trong cuộc họp hôm qua, khi nói đến Friedrich August Von Hayek, đến George Orwell, lại một lần nữa khiến y bái phục khi thấy Chín K với tay lên kệ lấy xuống mấy cuốn sách và tập tài liệu vi tính mà chắc anh đã nghiền ngẫm nhiều lắm, đặt trên bàn.

- Nó đây. Có ai đọc được tiếng Trung không? Con đường trở về nông nô cũng là nó. Lãnh đạo bạn đã trao đổi với trung ương ta từ lâu rồi. Từ những năm trước cách mạng văn hóa 1966, các trí thức Trung Quốc đã bí mật dịch tác phẩm của Hayek và chuyền tay nhau đọc. Rồi sách được xuất bản công khai ở Hồng Kông. Đây là mầm mống dẫn đến sự kiện Thiên An Môn… Bạn cảnh báo chúng ta: Không được để giới trí thức lợi dụng chiêu bài giải phóng tự do cá nhân để kích động dân chúng. Bọn trí thức luôn có ma lực tập hợp đám đông. Khi họ đã dẫn dắt được đám đông, thuyết phục được đám đông thì mọi thành trì của Chủ nghĩa Xã hội sẽ tan thành mây khói. Vụ Ceausescu ở Romania, vụ Gaddafi ở Libya là bài học cay đắng. Anh Ba luôn dặn tôi phải truyền đạt tới các đồng chí điều này. Để lọt lưới quyển Đường về nô lệ khác nào đưa dao cho bọn Rận chủ, bọn tự diễn biến thọc vào tim chúng ta…

“Chúng ta”, anh Chín nhìn thẳng vào mắt y, như nói riêng với y, tức là anh Chín đang đặt nhiều tin cậy và kỳ vọng vào y, hình như anh vẫn không từ bỏ ý ‎ định muốn y về làm trợ lý cho anh.

- Dạ thưa thủ trưởng – Liêm đầu búa cầm cuốn sách tiếng Trung lên ngắm nghía - Giá thủ trưởng có bản tiếng Việt để chúng em đọc cho dễ…

- Có bản vi tính của nhà xuất bản Dân Khí đây – Chín K lấy trong ngăn tài liệu đưa cho Liêm đầu búa. Cuốn này, trừ Tuẫn ra, trình độ các cậu chưa đọc nổi.

Tuẫn Chiết da đưa mắt cho mấy đứa, dương dương tự đắc. Hắn như muốn bảo: Đấy nhé, thủ trưởng cũng phải nể phục trình của tao. Hắn đâu biết lâu nay mọi người gọi hắn là Chiết da, chứ không phải triết gia với đầy hàm ý giễu nhại. Tự phụ và hợm hĩnh đã choán hết mọi khiêm nhường và cầu thị trong hắn.

- Muốn hiểu Hayek phải đọc Adam Smith, John Maynard Keynes, đặc biệt là phải đọc F.A. Hayek, cuộc đời và sự nghiệp của Alan Ebenstein – Chín K nhìn Chiết da như muốn nói riêng với hắn - Nhưng thôi, các cậu không cần tìm hiểu sâu. Nếu có thời giờ thì nên đọc qua để biết thôi.

Chờ mọi người ra khỏi phòng, Chín K kéo y lại, đưa cho y cuốn Nông trại súc vật.

- Chị Vân mua ở hiệu sách cũ Sài Gòn từ sau giải phóng, cậu đọc và giữ cho chị. Sách quý‎ hiếm đấy. Chị Vân nhắc tới cậu luôn. Hôm nào rảnh đến chơi với chị nhé.

Y cười thầm. Anh Chín không biết chị Vân đã từng đưa cho y cuốn sách này mấy năm trước. Hóa ra hai vợ chồng họ không phải lúc nào cũng là một. Y biết Chín K vẫn luôn ưu ái với mình. Về quan hệ họ hàng, Chín K và y ngang hàng nhau, đều là cháu rể của tướng Cao Thiện Lịch, người làng Phí. Chín K lấy bác sĩ phụ sản Cao Thu Vân, con bác sĩ pháp y Cao Thiện Luyện. Y lấy Cao Thu Loan, chuyên viên Ban cán sự ngoài nước, con tướng Cao Thiện Căn. Ông Luyện là anh ruột ông Căn và cả hai ông đều là con tướng Cao Thiện Lịch. Riêng về công việc, Chín K quá biết rõ năng lực của y: Thủ khoa hầu hết các kỳ thi, kể cả hội thao toàn quân; thành thạo hai ngoại ngữ Anh, Pháp, biết thêm tiếng Tây Ban Nha.

***

Điện thoại rung liên tục. Y đành phải ra ngoài. Lại nghiêng người lách qua đám hôi nách đặc quánh chắn cửa. Hóa ra cái đám hôi nách này không hề đến muộn để phải đứng ở đây. Nhiều người đến rất sớm, có ghế ngồi trên những hàng đầu, ví như gã đầu trọc mặc áo xanh kia, gã ngồi cùng Tuẫn Chiết da thì thầm to nhỏ điều gì tâm đắc lắm, vậy mà khi thấy giáo sư Mạc Văn Trang đến muộn đang ngó nghiêng tìm chỗ, liền nhường ngay cho giáo sư ghế ngồi, còn mình thì lủi ra, đứng chen chúc với đám hôi nách. Cái đám xe ôm làng Động của y, và nói chung cả dân làng Động của y, luôn tự hạ mình như thế, một cách khiêm nhường của người dân quê từ bao đời. Đứng trước các đồng chí lãnh đạo, các giáo sư, bác sĩ, văn sĩ…, họ luôn coi mình như con sâu cái kiến, luôn nhường ghế, nhường chỗ, nhường phát biểu và luôn luôn dùng đại từ “em”, “cháu”, “con”, để thưa bẩm với người đối thoại. Trong cái đám nách nồng nặc hôm nay, có những ánh mắt luôn hướng về y, hoan hỉ, dò hỏi, ngạc nhiên, như đã rất thân thiết, như muốn kết thân, khiến y cảm thấy nhơm nhớp ở má. Quen quá. Bây giờ thì y mang máng nhận ra mấy người cùng làng. Cái mùi hôi nách từ họ tỏa ra rất đặc trưng, quen thuộc. Một mùi nồng nặc đồng áng của làng Động. Nhầm lẫn thế quái nào được. Y khẳng định cái đám hôi nách kia là bọn xe ôm người làng Động chứ chẳng phải sinh viên trí thức như ban đầu y tưởng. Từ khi có phong trào biểu tình chống Trung Quốc, biểu tình phản đối Boxit Tây Nguyên, phản đối Formosa…, bọn xe ôm làng Động đều nhất tề tham gia. Nhiều người trong bọn họ trở thành bạn thân với các trí thức dân chủ. Khỉ thật, không ngờ trong cái hội trường đầy trí tuệ cao siêu để bàn về Hayek, một bộ óc vĩ đại về tự do dân chủ của thời hiện đại, lại dung nạp cả bọn xe ôm làng Động của y. Hu hu.

Chết tiệt. Một cú điện thoại của bà thím họ nhắn tìm người thân. Rách việc quá. Không nói toạc chuyện gì mà cứ ú ớ vòng vo. Phải quát vỡ máy mới thều thào được mấy tiếng: “Anh cứ tìm anh Viễn con ông Nhãn bà Nụ cho thím. Bảo là có việc cần kíp lắm, ghê gớm lắm. Về ngay nhá”.

Ngô Viễn, chủ trang Blog Annamite, tiếng nổi như cồn, nhưng ít ai biết hắn từng là bạn nối khố với y, người làng Phí cùng xã với y. Đời y, nếu có thằng bạn thuở chăn trâu, chơi bi đánh đáo, thì đó là Ngô Viễn. Hai đứa đẻ cùng năm, học từ lớp một lên cấp ba. Rồi năm cuối cấp, cùng thầm yêu Quỳnh Thy, hoa khôi của trường, con gái cô giáo Trần Tố Quyên, chủ nhiệm… Vậy mà bây giờ, như hai con tàu xuất phát từ ga gốc, không thể đi mãi trên một đường ray, chúng đã rẽ hai ngả. Càng ngày, hai con tàu càng xa nhau, có lúc tưởng như ngược chiều…

Y săm soi tìm chủ trang Blog Annamite trong đám blogger. Chương trình hội thảo hôm nay, tiến sĩ Ngô Viễn sẽ trình bày tham luận: Từ Hayek, soi chiếu vào thực tiễn Việt Nam. Những ‎ý chính của bài viết đã được tác giả post lên mạng, như một PR mời gọi. Hội trường đông thế này, một phần do sức hút của Ngô Viễn.

Quái lạ, không hiểu Viễn biến đi đâu? Y đảo mắt cố tìm, thì nhoằng một cái, từ phía sau hội trường, thằng bạn chăn trâu của y đã nhảy lên diễn đàn, cầm micro thao thao bất tuyệt. Rõ ràng ông tiến sĩ folklore đã chuẩn bị rất công phu một bản tham luận dày tới mấy chục trang vi tính, một lĩnh vực tưởng như rất xa lạ với cái món văn học dân gian của hắn, nhưng lại được hắn tiêu hóa rất nhuần nhuyễn.

- Thưa quý vị. Đã đến lúc chúng ta phải đưa Hayek vào các giáo trình đại học, thậm chí chương trình phổ thông trên toàn quốc, nhất là với các bộ môn triết học, kinh tế học, xã hội học … Hãy vứt bỏ bớt những thứ rác rưởi đã bao quấn tư duy, hủy hoại não trạng lớp trẻ mấy thế hệ. Chúng tôi không thể hiểu nổi, tại sao cả thế giới đồng hành trên đại lộ, riêng Việt Nam chúng ta vẫn mò mẫm trong rừng sâu tăm tối? Tại sao mấy chục năm rồi, mà Đường về nô lệ, một cuốn sách khai sáng, một nền tảng đổi mới tư duy như vậy, bây giờ mới được xuất bản ở Việt Nam?...

Cả hội trường như bị thôi miên bởi cái giọng đầy truyền cảm, bởi những thông tin, luận cứ mới mẻ, thuyết phục. Dường như ở bất kỳ cuộc hội thảo nào, nếu có sự xuất hiện của tiến sĩ folklore Ngô Viễn, cử tọa đều xung hết cỡ và phê hết độ, nói theo ngôn ngữ của Quốc bói Lê Kiến Quốc, bạn Viễn. Hắn có thể cù mọi người đến chảy nước mắt, lại có thể khiến cả trăm người lặng đi, cố nuốt tiếng thở dài. Từ những vấn đề khoa học cao siêu, những khái niệm trừu tượng, hắn có thể dẫn dắt, gợi mở, áp vào đời sống, văn hóa, kim cổ đông tây, dẫn người nghe đi miên man, làm người nghe bừng tỉnh, cuốn hút bởi cách diễn giải như có ma thuật, như có sức mồi chài, dẫn dụ. Có khi, đang nói về một vấn đề khô khan, dễ nhàm chán, tựa như người ta đang phải trèo lên một ngọn núi cao, hay qua một vùng sa mạc khô cằn, hắn bỗng làm cử tọa chùng hẳn, như hụt hẫng rơi từ trên cao xuống một vùng đầy sương khói, huyền ảo. Tỷ như vừa đây, nói về sự sợ hãi của đám đông, về tính chất bầy đàn cố hữu của giống cừu, Ngô Viễn bỗng đột ngột đứng lặng, rồi như một lão xẩm mù, tay hắn giả vờ kéo nhị, giọng hắn nấc lên:

- Nước Nam có chuyện nực cười

Cấm quần không đáy, cấm người hở mông

Nhìn ra Nam Bắc Tây Đông

Khối nơi tắm biển họ không mặc gì…

Nước Nam có chuyện cực kỳ

Muốn đuổi Pháp, Mỹ, xúi đi biểu tình

Bây giờ Tàu khựa hoành hành

Dân muốn biểu tình thì tống giam ngay…

Nhìn ra Nam Bắc Đông Tây…

Đúng lúc Ngô Viễn đang nảy điệu Xẩm Chợ ai oán, thì bỗng từ cuối phòng, đúng hơn là từ trong đám hôi nách nồng nặc chắn cửa, gã áo xanh, đầu trọc, lách qua các hàng ghế, tiến đến phía diễn giả, nói oang oang chẳng giữ ý tứ gì:

- Chú Viễn ơi, có việc nguy cấp. Chú về nhà ngay. Ông vừa đột qụy…

Bây giờ thì y đã nhận ra: Khiển Trọc xe ôm. Nhân vật có cái đầu cạo trọc lốc rất đặc trưng, được cộng đồng mạng đặt tên là “người va mặt vào chân” trong vụ biểu tình chống giàn khoan Trung Quốc ở Hồ Gươm năm nào. Tưởng ai xa lạ, hóa ra là con ông Khiên Còi, người làng Động của y.

Chủ trang Blog Annamite nhìn Khiển Trọc trừng trừng, rồi sững người, buông tay. Bản tham luận bay lả tả trên sàn.

H.M.T.