Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 16 tháng 8, 2021

Chuyện phiếm quanh một tập thơ

(Nhân đọc Một dòng tiểu sử của bạn tôi, thơ Nguyễn Thị Hải)

Đinh Thanh Huyền

Sách Khai Tâm - Một dòng tiểu sử của bạn tôi - Nguyễn Thị Hải

Đó là một ngày đầu thu, trời vẫn nóng và oi bức dù đã bắt đầu phảng phất chút sương mờ trên những khoảng trống, giữa các tòa nhà cao tầng trong thành phố. Nhìn đến hút mắt chỉ thấy nhà trập trùng. Vài đốm xanh nhỏ của cây cối dường như lạc lõng trong biển bê tông xám trắng. Cửa sổ các tòa chung cư đen ngòm như hốc mắt vô hồn nhìn nhau câm lặng. Thành phố đông cứng trong nỗi buồn hiu hắt. Tháng ngày không còn rõ rệt, chỉ có nỗi lo lắng âm thầm phủ lên đời sống. Một cái gì không thực, không thực đến cả câu chuyện của chúng tôi vào ngày này, tháng này, năm này...

 

Hỏi: Tiểu sử luôn được hiểu là quá khứ. Nhưng quá khứ của ai đó có gì đáng để ta phải tìm kiếm?

Đáp: Đọc Tiểu sử, ta mong đợi tìm thấy gì? Những chi tiết thú vị về cuộc sống của một người, dấu ấn của một vùng đất, bóng dáng của năm tháng đã qua. Hay những hố thẳm trong tâm tư họ? Vỉa tầng của cảm xúc, bản đồ của tư tưởng người ấy? Nếu vậy, ta chính là kẻ tò mò, thọc cái sự tọc mạch vào đời người khác. Cứ cho là tác giả cho phép đi, ta luôn và mãi là ngoại nhân. Một khi dấn chân vào mê cung rắc rối của Tiểu sử tha nhân mà bước ra không chút đổi thay, ta không thể nói đến cái sự có nghĩa lý của chính ta.

Hỏi: Một dòng tiểu sử của bạn tôi có phải là ánh hồi quang kí ức Nguyễn Thị Hải không?

Đáp: Tôi không biết kí ức đó là của ai.

Hỏi: Quá khứ trở lại bằng kí ức, mà kí ức chỉ là thói quen không hơn.

Đáp: Tôi đồng ý! Kí ức của mỗi người chỉ là thói quen. Dòng kí ức là sự dịch chuyển từ cái đã biết này đến cái đã biết khác. Kí ức là con đường mòn, trên đó mỗi bước chân đi là một bước về. Nhưng chỉ hình ảnh trở lại, sự kiện trở lại, cảm xúc không trở lại. Chúng ta có thể nhớ rằng mình từng hạnh phúc, nhưng cảm giác hạnh phúc đó không có nữa. Mỗi sự kiện trong quá khứ chỉ là một tấm bia mộ, dưới đó là một xác chết. Sinh khí đã rời bỏ thân thể, làm sao trở lại.

Hỏi: Bạn muốn nói gì với điều đó?

Đáp: Tôi muốn nói rằng trong tập Một dòng tiểu sử của bạn tôi, Nguyễn Thị Hải chỉ nói về hiện tại. Những hình ảnh trong thơ nàng là hiện tại khi nàng viết. Bởi vì quá khứ của nàng đã đồng hóa với hiện tại. Có như vậy, thơ mới là một sinh thể, hơi thở của nó, trái tim của nó đập phập phồng sau lớp ngôn từ kia. Cảm xúc của thi sĩ đang lưu chuyển trong bài thơ kia. Hiện tại, bạn ạ, chỉ hiện tại mới làm nên thi ca. Bạn đọc bài thơ này đi: Ông Phật gỗ ở trong ngôi chùa gỗ/ Ông sư quá cố/ Bà vãi bỏ chùa/ Áo nâu áo lam treo trên móc đinh tự cũ/ Ngạch cửa gỗ ngã bổ nhào đứa bé/ Phật chỉ cười không dỗ/ Ai ra cho quả chuối/ Ai lau chùi mặt mũi/ Ông sư quá cố/ Bà vãi bỏ chùa/ Đứa bé ấy có phải là tôi không? (Chùa làng). Đứa bé năm xưa ngã bổ nhào ở ngạch cửa chùa là ai? Có phải “là tôi không?. Đâu cần trả lời câu hỏi ấy. Đừng lạc trong cảm giác xưa cũ mà bài thơ cố tình gợi ra. Những ông sư bà vãi, những áo nâu áo lam, tượng Phật gỗ và ngôi chùa gỗ. Đừng để nhà thơ treo bạn lên “chiếc đinh tự cũ” mà quên đi rằng nỗi nhớ xôn xao mới là thực tại. Chùa làng năm xưa giờ là chùa làng gắn với nỗi niềm hiện tại. Kí ức chỉ là thềm nhà đầy bóng tối mát mẻ để từ đó, người hôm nay bước vào ngôi nhà hiện tại, ngồi bên cửa sổ nhìn ra khu vườn ướt sương, lắng nghe nỗi bâng khuâng phủ ngập lòng mình. Bâng khuâng ấy mới là cái đang diễn ra.

Một dòng tiểu sử bằng thơ kì diệu khác tiểu sử hành chính là vậy. Cuộc đời bạn có thể được công thức hóa bằng những sự kiện đã hoàn kết. Tiểu sử hành chính là cái đã xong. Nhưng Tiểu sử bằng thơ là cái đang có. Tâm trí, cảm xúc của con người không thể miêu tả cái nó chưa biết. Vì thế nó phải dựa trên cái đã có để khai mở điều nó kiếm tìm. Quá khứ có thể là nhiều tháng năm về trước hay chỉ là một khoảnh khắc vừa qua cũng đủ để nhà thơ chạm vào luồng sáng của hôm nay: Bà cụ còn giận chuyện ngày hôm kia/ Cháu ngủ say rồi vẫn vỗ ru/ Giọt trước rỏ đâu/ Giọt sau rỏ đấy/ Ông con dỗi/ Mặt hằm hằm không nói/ Hút thuốc lào phả khói/ vào trời mưa (Giọt nước mưa). Tuy vậy, quá khứ - tiểu sử luôn dừng lại ở mức “cái cớ” nếu thơ không muốn tràn ngập nỗi buồn quá khứ, nỗi buồn sâu thẳm dội về, biến thành những cơn mơ, bóng tối, linh hồn… khiến thơ hoang hoải, thổn thức, trĩu chịt những ám ảnh đến kiệt sức. Thơ Nguyễn Thị Hải không mắc kẹt ở quá khứ, dù chữ “Tiểu sử” cứ đánh lừa ta. Quá khứ không phải cái làm cho thơ phải lên tiếng. Nó có ở đó, nhưng nó không có giá trị với hiện tại. Thơ Nguyễn Thị Hải không thể lấy phân tâm học để đọc vì phân tâm học giải thích hiện tại bằng quá khứ. Những libido chồng chất, đan chéo, xâm lấn trong quá khứ hiện diện ở hiện tại bằng những hình thức ẩn dụ tinh khôn. Các dữ kiện nền trong quá khứ ẩn kín, nhưng khi “xuất file” (export file), người ta buộc phải lần tìm câu trả lời bằng các thông tin cũ. Và phần lớn việc truy nguyên đó đều võ đoán, áp đặt, thậm chí bịa đặt. Đọc thơ Nguyễn Thị Hải, tất cả lý thuyết đó đều vô ích. Lấy bài thơ Một dòng tiểu sử của bạn tôi làm dẫn chứng: Có bà nội bị điếc/ Hàng mấy chục năm/ Thỉnh thoảng lại nói ra một câu/ Không ai hiểu/ Bà chỉ thích trò chuyện với nước/ Mỗi khi lầm lũi cọ rửa/ Có lẽ thế giới bên trong bà/ Cũng ngập tràn là nước. Bà là một dòng trong “tiểu sử của bạn tôi”. Bà thì mười phần hết chín không còn neo đậu vào hiện tại. Cái sự điếc, sự không nói mà nói ra không ai hiểu nổi cho biết sợi dây níu bà với cuộc đời mong manh lắm rồi. Bà chỉ còn là một thế giới ngập nước mà người cháu nhìn đầy thương cảm nhưng xa lạ. Vậy thì, sự hiện diện của bà nội trong tiểu sử của “bạn tôi” có nghĩa gì đâu ngoài một dòng ngắn ngủi. Nhưng không, dòng tiểu sử ấy là dòng chảy nối từ cái lầm lụi dáng bà đến cái nhói lòng không nguôi của cháu, đến sự suy ngẫm thầm lặng không ngừng của cháu về một thế giới bên trong ngập nước của mỗi con người, về hành trình không cưỡng nổi đi về nơi xa lắm. Rồi sẽ đến một ngày, “bạn tôi” cũng trở thành một dòng tiểu sử của ai đó, như một vòng lặp không biết đâu là điểm bắt đầu. Hình ảnh bà nội, trong bài thơ này chính là hiện tại của thơ. Nếu bạn bắt đầu bằng cách gắn bà như một cổ lực thân thương vào dòng tâm trạng của cháu, bạn đã đọc trên thói quen dễ dãi. Bà và “bạn tôi’ đồng hiện trên trang thơ, đến lượt bài thơ hiện ra trong tâm trí bạn. Bạn nếm trải cảm xúc của hiện tại, mỗi dòng cảm xúc đó đến rồi đi, nhưng bạn luôn luôn chỉ biết cảm xúc của hiện tại.

Hỏi: Vậy thì hiện tại đó có ý nghĩa gì? Mỗi bài thơ là một sự khái quát hóa đời sống, đọc Một dòng tiểu sử của bạn tôi, tôi hầu như không nhìn thấy điều này.

Đáp: Tôi cũng nhận thấy thế. Hình như Nguyễn Thị Hải không khái quát điều gì về đời sống. Mỗi bài thơ như một phiến đá rải rác trên thung lũng xa. Nó chẳng nói lên điều gì ngoài hình hài chính nó. Nó đơn độc lạ lùng bởi không mong ngóng gì ở người đi ngang qua. Có một sự trống rỗng nào đó trong mỗi bài thơ. Đó là sự trống rỗng của KHÔNG KẾT LUẬN. Nhà thơ chẳng là ai để kết luận về vạn vật. Nhà thơ chỉ gắng làm một điều: hướng vào trống rỗng như hướng về ánh sáng. Có ai đi bắt lấy ánh sáng bao giờ. Đúng lúc tôi nghĩ mình có hai ông chú/ Một ông tên Thênh/ Một ông tên Thang/ Nghe cứ mênh mang/ Thì từ đằng xa/ Chú tôi đi lại/ Vai quang gánh/ Gánh nhẹ hều/ Như không gánh/ Tôi nép sang vệ chào/ “Chú”/ Chú mơ hồ chào/ “Cháu”/ Như không phải là chú/ Như không phải là cháu/ Như tôi mới chào cái mênh mang/ Và thế rồi mênh mang chào lại (Chú). Đọc bài này bạn có thấy cảm giác không nắm bắt được ý nghĩa? Ý nghĩa lảng tránh ta vì nhà thơ đâu có gửi vào. Cố gạt thôi thúc hiểu qua một bên, cố nắm bắt cái mênh mang không cơn cớ trong bài thơ, bạn chắc sẽ cảm thấy sự trống rỗng tuyệt vời trùm lên mình, như cái bong bóng xà phòng quanh ta, mỗi lúc một lớn hơn, cho đến khi nó bao lấy ta bằng một sự tĩnh lặng tuyệt đối, đầy ánh sáng và không thể nắm lấy.

Đời sống vốn dĩ đơn giản nhưng người ta cứ muốn làm cho nó huyên náo. Thơ cần tránh khỏi cái ồn ào bề mặt để trở về với sự bình yên. Tôi vẫn tin rằng đọc thơ, phải đọc bằng trực nhận cảm giác chứ không phải bám níu vào hiển ngôn, thậm chí là hàm ngôn. Bạn tìm thấy hàm ngôn nào ở bài thơ này: Mưa ập xuống cánh đồng/ Người chạy trâu bò chạy/ cày cuốc chạy quang gánh chạy/ Tôi với con bò nhỏ cũng chạy/ Chạy với mọi người trên đường cái/ Chỉ có một người không chạy/ Đi dạt sang lề hai tay ôm bụng/ Cái bụng sắp sinh ra đứa bé/ Một ngày nào đó chạy cùng mưa (Chạy mưa). Chỉ là một khoảnh khắc thôi, ập tới như cơn mưa, bạn chạy cùng cơn mưa đó, tìm kiếm trong nó một ý vị, một kết luận. Và bạn thất vọng. Nhưng đừng vội, bạn cùng tôi đọc lại bài thơ, trực nhận cảm giác về một cuộc giao tranh giữa hơi nóng của đất, hơi mát của cơn mưa, cánh đồng quê và những người, bò, quang gánh bỗng chốc rối rít lên như một hình ảnh vụt hiện. Bạn thấy gì trong cơn mưa bất chợt đó? Hay chỉ là cảm giác thân thuộc vừa vui tươi vừa ngái ngái buồn xộc vào tâm trí. Tôi thì chỉ cần có vậy, đủ cho một lần đọc thơ. Có thể nào bớt thông minh được không? Có thể nào thôi lặn lội truy vấn được không? Có thể nào chỉ đơn giản là ở trong dòng cảm xúc của chính mình rồi để nó trôi cùng thơ không? Thực tại trong bài thơ là trống rỗng, là không đáng tin cậy, vì nó đi qua cảm xúc của nhà thơ rồi. Nó đã bị hư cấu. Vậy bạn tìm được ý nghĩa nào của đời sống qua sự hư cấu đó?

Hỏi: Đúng là đọc thơ Nguyễn Thị Hải, tôi thấy có cái gì luôn lảng tránh mình. Nhưng nói gì thì nói, vẫn phải có điều gì là đầu mối mà đọc thơ chứ?

Đáp: Đầu mối, theo tôi nghĩa chính là lối viết. Tôi nghĩ rằng lối viết của Nguyễn Thị Hải là lối viết của sự giản đơn. Để làm ra một cái gì đó khác lạ và rắc rối không quá khó. Nhưng để LÀ ĐƠN GIẢN thật không dễ. Trong tập thơ Một dòng tiểu sử của bạn tôi, đời sống hiện ra bằng những nét thật mộc: Con ốc sên/ Bò trên giấc ngủ của cái trục lúa bằng đá/ Ị xuống dưới khe/ Ngày này qua ngày khác/ Cô con dâu mới về/ Lăn cái trục ra/ Quét được một đống phân cũ mới/ Bà mẹ chồng gập bụng cười sặc/ Cái đó cũng là nếp nhà/ Không cần siêng năng quá (Nếp nhà). Bài thơ này tuyệt hay ở chỗ nó phá bỏ một quy ước mẫu mực trong hành xử của cô con dâu và bà mẹ chồng. Một người muốn tô điểm cho địa ngục thiêng liêng của gia đình, một người dập cho tắt ngấm ý định ngây thơ đó. Chứng kiến cuộc cách mạng nho nhỏ của cô con dâu mới trong ngôi nhà mình, bà mẹ chồng giải thiêng lối chấp hành tự động hóa đạo đức một cách khá tàn nhẫn.

Hỏi: Tôi thấy thơ Nguyễn Thị Hải có gì đó giống ca dao.

Đáp: Tôi thì thấy giống Kinh Thi.

Hỏi: Có gì thú vị trong lối viết?

Đáp: Nhiều đấy bạn tôi. Đó là nét hài hước vô tận và trí tuệ dân dã: Khi làng trên lúc xóm dưới/ Khi kề ngay bên vách/ Kèn đám ma như một bông hoa sắt/ Mà cái cuống gắn chặt vào vòm miệng hôi sặc mùi thuốc/ lào và rượu thịt được thiết đãi/ cật lực thổi ra âm thanh buổi lễ chết/ Loan báo khắp vùng/ Bà cụ ngồi nhai trầu nét mặt cau có/ bảo đám ma tao may mà tao chết/ Không cũng bị chúng nó thổi cho thủng lỗ tai (Tiếng kèn). Đọc thơ mà phì cười. Không hiểu sao bài này cứ làm tôi nhớ đến bà già trong truyện Những bài học nông thôn của Nguyễn Huy Thiệp. Những bà già tinh quái với phát ngôn như tục ngữ, như ca dao cứ thủng thẳng nhả vào văn chương cái tuệ giác trong vắt qua một đời người dằng dặc. Nhưng mang được màu sắc này vào thơ, Nguyễn Thị Hải quả là có một không hai.

Đó là không khí cổ tích: Tôi chợt nghĩ rằng/ Đêm hôm khuya khoắt/ vắng người/ Cái cuốc sẽ truyện trò với cái liềm/ Cái gầu sẽ lên tiếng với quang gánh/ Thúng mủng sẽ thì thầm với giần sàng/ Trên giàn gióng tre nhà dưới/ Tôi đi chân trần khe khẽ/ Trộm nghe/ Nhưng trong màn đêm yên tĩnh/ Ánh trăng lờ mờ/ Chỉ có tiếng con lợn ụt ịt/ Con gà vỗ cánh/ Những đồ vật hết thảy ngủ say/ Đặt đâu yên đấy/ Cả cái chổi rơm tôi suýt xô vào/ cũng dựa vào tường ngủ say như chết (Ngủ)

Và cái tự tình sâu lắng: Nhà người tôi yêu ở giữa làng/ Lúc chưa yêu tôi thường đi ngang đấy/ Nhìn như mọi căn nhà xung quanh/ Đến ngày dù không đi ngang đấy/ Căn nhà vẫn cứ hiện ra/ Khác biệt mọi căn nhà/ Tình yêu tôi đơn phương thiết tha/ Tự đầy rồi vơi/ Tự mơ rồi tỉnh/ Căn nhà ở giữa làng/ Bình dị như mọi căn nhà ở làng quê tôi (Nhà người tôi yêu ở giữa làng)

Tôi nói thơ Nguyễn Thị Hải gợi đến thơ ca dân gian là bởi nàng hầu như không dùng từ ngữ trừu tượng, chỉ dùng những từ ngữ cụ thể, nhưng cấu trúc kiến tạo lại là tượng trưng: Ông B cất vó bè/ Đến về già mới nghỉ/ Một hôm ông nằm mộng/ Ông vẫn cất vó bè/ Có con cá chép bạc/ Mắc lưới giữa không trung/ Toàn thân trăng lóng lánh/ Ông B lòng băn khoăn/ Cái giỏ ông đã cất/ cái lưới đã rách tan/ Cớ tại sao con cá/ Vẫn mắc thân vẫy vùng (Người ngủ say cất vó bè). Con cá mắc lưới giữa không trung như một phép tượng trưng đa tầng. Có thể chính ông B là kẻ mắc lưới Nhân-Quả và có thể cuộc đánh lưới trong mơ chính là đời thực.

Nếu bạn để ý sẽ thấy lời thơ láy đi láy lại nhưng không chỗ nào dư thừa. Lối viết đó tạo nhạc tính, dư ba lan tỏa dù tác giả viết chẳng có phép tắc gì, câu chữ dài ngắn, vần nhịp không theo trật tự nào: Mùa đông năm nay/ Đừng để bà lủi thủi một mình ăn củ khoai trong bếp/ Vì hai bà bạn cùng vui vầy ăn khoai mùa đông năm trước/ bà trước bà sau/ Đều lần lượt ra đồng/ Nhưng làm thế nào được/ Con cháu đi học đi làm/ nếu bà có khoai ăn/ Thì bà sẽ cùng con mèo xám tro cũng già nua thường nằm xó bếp (Mùa đông). Cái chân mộc đi thẳng từ lời thơ vào tâm trí người đọc, lay động ngay lập tức. Thơ càng ít vờn vẽ, con đường đi vào lòng người càng ngắn, năng lượng không bị tiêu hao bởi những chướng ngại của trang sức thì sự truyền giao càng mạnh mẽ.

Hỏi: Đọc Một dòng tiểu sử của bạn tôi, tôi nghĩ cô ấy rất am hiểu Hán ngữ và thơ cổ điển. Lối viết của cô ấy gợi đến một đặc điểm quen thuộc: ngôn tận nhi ý bất tận. Liệu có thể xem thơ Nguyễn Thị Hải như sự tái xuất của thơ cổ điển trong hình dạng mới không?

Đáp: Với tôi, thơ Nguyễn Thị Hải là một hiện tượng. Dù chưa bùng cháy nhưng hết sức độc đáo. Mà đã là độc đáo thì ta nên thận trọng khi bàn đến dấu ấn của các văn bản khác trong thơ nàng./.

Hà Nội, thứ Sáu ngày 13/8/2021