Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 16 tháng 8, 2021

Thế lực thù địch (kỳ 6)

Tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường

6

Tướng Huỳnh Thi Ka được coi là cha đẻ của slogan: “Công an nhân dân còn Đảng còn mình”. Thiên hạ đồn rằng Chín K vượt trội hơn hẳn Beriya và Khang Sinh. Chỉ con người cơ mưu như thế mới nghĩ ra được câu châm ngôn ấy.

Sự thực không phải như vậy. Người đặt câu nói ấy vào mồm tướng Chín K trong một bài tường thuật trên báo An Ninh, chính là nữ phóng viên Lê Trang.

Hôm ấy anh Chín chủ trì hội nghị Tổng kết công tác an ninh trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, có bộ trưởng tham dự. Hết phần báo cáo bằng văn bản, anh Chín nói vo:

- Công an chúng ta sinh ra để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ. Ở các nước tư bản nhiều đảng phái, cảnh sát là công cụ của nhà nước, của chính phủ, thực thi nhiệm vụ theo hiến pháp và pháp luật để trấn áp tội phạm và giữ gìn an ninh trật tự xã hội. Nhưng nước ta, chế độ Xã hội Chủ nghĩa tươi đẹp của chúng ta, thì khác. Chúng ta có Đảng lãnh đạo tuyệt đối, bách chiến bách thắng. Nếu như quân đội ta đã chuyển từ “Trung với Nước, hiếu với Dân” như Bác Hồ dạy, thành “Trung với Đảng, hiếu với Dân”, thì công an chúng ta cũng phải tương thích, và càng phải trung thành tuyệt đối với Đảng. Đảng còn thì chúng ta còn…

Câu nói dài dòng và khó lọt tai trên, được Lê Trang rút thành tít bài, gọn trong tám chữ: “Công an nhân dân còn Đảng còn mình”. Tuyệt phẩm về ngôn ngữ và lòng trung thành.

Hai mươi tám tuổi, một con, lúc nào Lê Trang cũng như một quả bom chờ nổ, lúc nào cũng làm bọn đàn ông khát thèm. Hoa khôi, hoa hậu có thể rực rỡ đến choáng ngợp trên sân khấu, nhưng đứng cạnh Lê Trang, họ bớt hấp dẫn đi nhiều, bởi họ luôn nói năng ấp úng, thậm chí tẻ nhạt. Nhưng Lê Trang ngoài sắc còn có thanh, thông minh vốn sẵn tính trời, đã cất giọng oanh vàng là cuốn hút, mê đắm. Đã thế Lê Trang còn là một cây bút sắc sảo, táo bạo, có giọng điệu, chính kiến riêng, lại có uy của vị thế. Lãnh đạo được phỏng vấn, viết bài, gặp Lê Trang liền bị hút hồn.

Bài báo tường thuật hội nghị với câu nói nổi tiếng của tướng Huỳnh Thi Ka, lập tức được coi là châm ngôn hành động của toàn ngành, một slogan chính thức, được thể hiện trên các pano, áp phích, được đưa vào các văn kiện. Không còn gì để biểu lộ lòng trung thành tuyệt đối vô bờ, hơn thế. Mỗi cá nhân, đứng trước câu nói đó, sẵn sàng nhảy vào lửa, tan thành nước. Tập thể đứng trước câu nói đó, sẵn sàng thành một khối thép, thành một đội chiến xa. Chỉ một câu slogan được vinh danh, mối quan hệ giữa vị tướng an ninh và nàng phóng viên xinh đẹp đã sang một trang mới. Chỉ ít lâu sau Lê Trang trở thành Tổng biên tập một ấn phẩm mới cứng, có tên Việt Tourist, một tờ báo đa hương sắc văn hóa, thể thao, du lịch, pháp luật, đời sống xã hội, được anh Chín bảo kê, nhưng thực chất là sân chơi của các nhóm lợi ích ngầm.

Thời gian ấy, cuộc hôn nhân của Lê Trang với nhạc sĩ Tương Giang đang đứng trên bờ vực thẳm. Bảy năm sống chung, có con chung, nhưng suốt ngày cãi lộn, bốn lần kéo nhau ra tòa. Họ lấy nhau cũng là do Chín K dàn xếp. Chín K là bạn học với anh trai Đặng Tương Giang. Tương Giang lấy vợ, mười năm không có con, hai người ly hôn. Chín K giới thiệu “cô em kết nghĩa” Lê Trang cho Tương Giang. Vừa cưới nhau đầu năm, giữa năm Lê Trang đã sinh cậu con trai kháu khỉnh, đặt tên Đặng Hải.

Cuộc hôn nhân Lê Trang - Tương Giang thực ra là để che đậy cuộc tình ngầm giữa Chín K và “cô em kết nghĩa” Lê Trang, để bác sỹ Cao Thu Vân không còn cớ ghen tuông, chì chiết chồng. Và suốt những năm qua, cặp tình nhân này như hình với bóng, anh Chín đi công cán đâu, hội nghị nào, cũng thấp thoáng bóng hồng Lê Trang, một thứ “hàng xách tay”, theo cách nói của đám chính khách sa lông và lũ con phe chính trị.

Mối quan hệ đặc biệt ấy, nói chẻ hoe ra, là kiểu mèo mả gà đồng, ai cũng nhận ra. Đối thủ của Chín K quá nhiều. Kẻ gato (ghen ăn tức ở) với Lê Trang còn nhiều hơn. Vì thế, bác sỹ Cao Thu Vân tới tấp nhận được những bức ảnh của cặp nhân tình nhân ngãi qua chuyển phát nhanh, qua công nghệ internet, tất nhiên là mạo danh, không hề có dấu vết người gửi. Và nhạc sĩ Tương Giang, chồng Lê Trang còn nhận được nhiều hơn những hình ảnh và clip, những câu chuyện đàm tiếu về cuộc cắm sừng khốc liệt của người vợ tuyệt vời. Có thằng bạn nhà báo gọi điện thoại cho Tương Giang lúc nửa đêm: “Mày có muốn xem vợ mày đang ngủ với đồng chí Chín không? Hãy đến ngay phòng 6.8 Queen Bee Hotel”.

Đặng Tương Giang bị cắm sừng mà không làm gì được. Hắn tự nhận là một thằng hèn.Thực tế là Chín K không có đối thủ, cả đối thủ chính trị, cả đối thủ tình trường. Đặng nhạc sĩ chỉ là một con giun. Lê Trang ngang nhiên cắm sừng trước mũi chồng. Nàng bảo, anh có còn tí xì quách nào đâu mà dám cấm đoán tôi. Thằng Đặng Hải cũng không phải con anh đâu. Anh nhìn kỹ nó xem. Không tin nữa thì đi thử ADN. Bất lực, Tương Giang uống rượu và đi chơi nhạc với ca đoàn nhà thờ Thái Hà, như tìm nơi lẩn trốn.

Đã hết giai đoạn cần Tương Giang như chiếc bình phong, có chồng hờ để dễ bề đi với Chín K, vả lại Lê Trang muốn sống thực sự là mình, muốn thằng Đặng Hải được ông bố thật của nó chăm sóc tử tế hơn, nàng quyết đòi ly hôn với Tương Giang. Nhưng ông nhạc sĩ nhất định không nghe. Lại cãi cọ. Đập phá. Say rượu. Chửi bới.

Lê Trang khóc lóc với Chín K:

- Hắn không chịu ký đơn. Hay là anh cho hắn đi tù. Hắn đi tù, em sẽ có lý do đơn phương ly hôn.

- Sao mà đi tù dễ thế ?- Anh Chín ôm xiết người tình, cười giễu - Cứ làm như anh là bạo chúa, muốn ai đi tù là cho tống ngục ngay.

- Em không đùa đâu. Chứng cớ phản động đầy dẫy đây này.

Lê Trang lấy trong cặp hàng xấp tài liệu: Nhật ký, ghi chép, thư từ và các bản nhạc của Tương Giang, trong đó có hai nhạc phẩm “Bản Giốc khăn tang” và “Mẹ Việt của con” đã được phối khí và thu băng, được hát trong những cuộc biểu tình chống Tàu, hát trong các dịp hành lễ nhà thờ. “ Bản Giốc ơi, vành khăn tang trắng xóa trời biên giới/ Xưa là đất tổ tiên nay là đất của Tàu/ Chúng bán đứng cả biên cương một dải/ Để quan san cộng sản xoắn xuýt nhau…” Và “Mẹ Việt Nam ơi, nước non tan nát/ Hàng vạn đứa con chìm dưới biển khơi/ Chúng bán Hoàng Sa, Trường Sa cho giặc/ Để nhận bốn chữ vàng đẫm máu đỏ tươi…”

-Có cả thư trao đổi với hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình, tác giả của những bài hát phản động “Anh là ai?”, “Việt Nam tôi đâu?” đây này – Lê Trang dí sát những lá thư vào mắt Chín K - Hai tay nhạc sĩ này chính anh đã ký lệnh bắt giam. Bẩm quan lớn, ban ngày quan lớn như thần, ban đêm quan lớn, tần mần… và quên, hi hi…

Chín K bật cười. Không ngờ nhạc sĩ Tương Giang lại dính líu với đường dây Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình.

- Để anh tính… Với đám văn nghệ sỹ không thể trắng trợn được đâu. Chúng sẽ lu loa cho toàn thế giới biết chúng ta đàn áp nhân quyền. Ông Nhạc sỹ Tô Hải viết “Nhật ký của một thằng hèn” và trang Blog Nhát sỹ báo thù cực kỳ phản động. Nhưng ông ta có bản giao hưởng “Tiếng hát người chiến sỹ biên thùy” vào loại hay nhất Việt Nam, lại được Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, nên rất khó xử lý. Tương Giang dù sao cũng có chút tên tuổi trong làng âm nhạc. Bản Sonate Đà Giang của cậu ta được xếp trong top 10 nhạc phẩm giao hưởng thính phòng Việt Nam.

- Để anh tính… thì đến bao giờ? - Lê Trang bỗng ôm mặt khóc - Em và các con không thể giả vờ làm vợ làm con hắn ta mãi được. Tởm lắm.

Và Chín K đã tính một thời gian thích hợp, an toàn và chuẩn xác. Tương Giang bị khám nhà, với toàn bộ tang vật để cấu thành tội “âm mưu chống phá và lật đổ chính quyền” theo điều 88 Bộ luật Hình sự. Thời gian ấy, Lê Trang vừa có mang hai tháng, để bẩy tháng sau nàng sinh bé gái có tên khai sinh là Đặng Hải Yến. Gần năm sau nàng đơn phương ly hôn Đặng Tương Giang, với lý do không thể làm vợ của một người đi ngược đường lối của Đảng và nhà nước, phản bội quyền lợi dân tộc.

Thời gian Lê Trang nghỉ sinh con, nàng lập một trang Blog lấy tên Kền Kền, loài chim cực kì thính nhạy phát hiện mùi xác thối, chuyên ăn xác chết. Đây cũng là lúc xuất hiện mấy trang mạng lạ hoắc “Chân dung quyền lực”, “Dân làm báo”, “Quan làm báo”, mà dân mạng biết thừa đó là phương tiện đấu đá của các phe phái anh X, anh Tư, anh Hai, anh Năm… trước kỳ đại hội. Blog Kền Kền có hơi hướng phụ họa “Chân dung quyền lực”, chuyên đăng các tin đểu nhằm đánh lạc hướng đối thủ và thăm dò dư luận qua các comment. Rất nhiều tin động trời, thâm cung bí sử được Kền Kền bật mí và định hướng trước dư luận.

Cuối cùng rồi dân mạng cũng biết, Kền Kền là trang Blog được tướng Chín K bảo kê, một phương tiện nghiệp vụ lợi hại. Không ai biết chủ trang thuộc dạng người nào, chính thống, bảo hoàng, phản biện hay phản động? Blog Kền Kền như một ngôi nhà vô chủ, như một quán gió giữa đồng, ai đi qua cũng có thể tạt vào, uống chén nước, bắn mồi thuốc, nói dăm ba câu tào lao, rồi đi. Điều quan trọng là, qua phần comment, chủ trang biết được không khí thời cuộc, thái độ chính trị của người đọc, thậm chí phát hiện nhiều nhân vật cộm cán, có vấn đề. Phần bình luận chính trị, thường là ý tưởng cốt lõi của chủ trang, với toàn những thông tin độc,tiết lộ chuyện chính trường, chuyện thâm cung bí sử, chân dung phe cánh đối lập, chân dung những trùm mafia, những nhân vật bị ghi sổ đen…như một phép thử phản ứng, đo nhiệt độ xã hội. Thường dưới mỗi tin, bài là những lời bình với ngôn ngữ sặc mùi côn đồ, chợ búa, tục tĩu, rất thớ lợ. Ngay sau khi Kền Kền xuất hiện đã có hàng chục nghìn người theo dõi hàng ngày. Nhiều thông tin như lời tiên tri. Ví dụ việc luật sư Cù Huy Hà Vũ huênh hoang lên án chế độ bầu cử “đảng cử dân bầu” hiện thời là dân chủ giả hiệu, cần phải trở lại với Hiến Pháp năm 1946, hiến pháp của Cụ Hồ. Vũ tình nguyện xin ứng cử đại biểu quốc hội khóa tới, theo kênh ứng cử viên tự do. Tiếp đó vị luật sư này lại viết đơn kiện thủ tướng về dự án Bô-xít Tây Nguyên, dự án thép Formosa Hà Tĩnh. vv… Kền Kền có lời bình loạn: “Tay luật sư này cậy thế con ông cháu cha, cũng vào hàng thế tử đảng hẳn hoi. Nhưng xem ra còn non nớt lắm. Khẩu khí trẻ ranh của cậu thiếu gia và thái độ võ biền của tay luật sư võ mồm. Chờ xem, ngày dọn cầu tiêu trong Hilton Hà Nội bao xa?”. Quả nhiên, ba tuần sau, xảy ra vụ hai bao cao su trong khách sạn. Và luật sư Cù Huy HàVũ bị bắt về hành vi mua bán dâm đồi trụy.

Thời gian này dân mạng bội thực thông tin. Trước phiên tòa xử Cù Huy Hà Vũ một tuần, văn đàn bỗng sôi sục sự kiện tiểu thuyết “Tốt sang sông” vừa ra khỏi nhà in đã bị cấm phát hành. Trang Blog Kền Kền giáng nhát búa tạ đầu tiên: “Nhà văn Ngô Thời Bá đã bóc mẽ thiên đường XHCN như thế nào?”

Chủ trang Blog Kền Kền nhắn tin cho tướng Chín K: “Có thể bắt Ngô Thời Bá về tội bôi nhọ chế độ và xuyên tạc lịch sử”

***

Nhà văn Ngô Thời Bá là gương mặt sáng giá nhất của dòng họ Ngô làng Phí. Những năm dạy sử ở trường cấp 3 Thượng Sơn cho ông vốn sống về một vùng nông thôn đầy biến động để ông viết cuốn tiểu thuyết Vùng gió quẩn. Số phận cuốn sách truân chuyên như số phận nàng Kiều. Mười lăm năm đi qua sáu nhà xuất bản, nhà nào cũng trầm trồ: “như Tắt đèn”, nhưng đều không dám in. Đến khi văn nghệ được cởi trói, Vùng gió quẩn được in và nhận giải thưởng Văn chương Bắc Hà, rồi giải Văn học Ức Trai. Cuốn tiểu thuyết đậm chất tả chân của hiện thực phê phán, các nhà quản lí và tuyên huấn‎ không thích, nhưng nhà văn Ngô Thời Bá lại tạo được chỗ đứng trong lòng bạn đọc.

Tác phẩm tiếp theo của Ngô Thời Bá có tên Tốt sang sông, một tiểu thuyết sử thi về nước Việt từ ngày chủ nghĩa Mác - Lê nin xâm nhập và thống trị đất nước. BBC tiếng Việt có lời bình: “Đây là cuốn sách phê phán chủ nghĩa Cộng sản công khai nhất, mạnh bạo nhất, đau đớn nhất”. Sách vừa nộp lưu chiểu đã bị thu hồi. Dư luận ầm lên nhà văn Ngô Thời Bá phản động bôi đen chế độ, phủ nhận vai trò của Đảng và thành tựu của Chủ nghĩa Xã hội. Những cuộc họp kín ở Ban Văn hóa Tư tưởng, ở Bộ Văn hóa, ở Hội Nhà văn… Tác giả phải trốn khỏi Hà Nội vì có tin ông có thể bị bắt. Cuối cùng là một chỉ thị ngầm, không văn bản: “Cấm các báo viết bài ca ngợi hay phê phán, thậm chí chỉ nhắc đến Tốt sang sông. Hãy để nó tự chìm xuồng”. Các lò sách lậu được dịp đục nước béo cò. Họ thuê nhiều thợ “đả cơ khí tự” xé sách gốc ra để đánh máy cấp tập, mỗi người đánh một chương, trong một đêm đã có bản can. Hàng chục vạn bản lỗi sai be bét được in ra, đầu nậu sách hốt bạc, còn bạn đọc thì ấm ức và phỉ nhổ tác giả vì trang nào cũng lỗi chính tả hoặc mất câu, mất chữ.

Đúng như tên gọi của cuốn tiểu thuyết, nhà văn đúc kết từ thuật đánh cờ tướng: “Nhất Tốt độ hà, bán Xa chi lực” (quân Tốt đã sang sông mạnh bằng nửa quân Xe). Nhà văn Nguyễn Tuân từng viết trong Vang bóng một thời: “Một quân Tốt lọt qua sông là cái giá trị nó bằng nửa sức con Xe rồi… Con Tốt mà sang hà, tức là đứa tiểu nhân lúc đã đắc thế. Tha hồ mà phá phách…”. Cuộc cách mạng tháng Tám do những người nông dân tiến hành cũng giống như vậy. Khi đã sang sông, họ chỉ biết tiến không biết lùi. Và khi họ tiến kịch đường, sẽ trở thành vô cùng lợi hại… Xét về độ nguy hiểm cho thể chế, Tốt sang sông, khi đã được đông đảo bạn đọc hấp thụ thì biến thái khôn lường. Họ sẽ phản tỉnh, sẽ xét lại cả cuộc dấn thân đi theo cách mạng, sẽ mất lòng tin, sẽ phản kháng. Sức công phá của một tác phẩm văn học, như Lê Nin nói, có thể bằng hàng chục sư đoàn, là vậy.

Tướng Huỳnh Thi Ka, đọc xong Tốt sang sông, bâng khuâng cả một ngày. Mẹ cái ông này. Tài, tài thật. Không ngờ người anh em cọc chèo của mình lại tinh hoa phát tiết thế này. X. Sedrin từng viết: “Văn học nằm ngoài những định luật của băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết”. Tốt sang sông ứng với điều này chăng? Là người từng học đại học Tổng hợp Văn, Huỳnh Thi Ka tự biết sức đọc của mình. Dù có chôn vùi nó thì Tốt sang sông vẫn xứng đáng tác phẩm để đời. Nhưng mà nguy hiểm quá, nếu tác phẩm được phổ biến rộng rãi. Bởi dân trí còn thấp, người biết phân tích, nhìn thấy tính tất yếu của lịch sử như tác giả còn hiếm lắm. Một đất nước chết hai triệu người trong nạn đói năm 1945, được những người cộng sản hà hơi tiếp sức, phá kho thóc của Nhật để cứu mạng, thì dẫu bảo họ nhảy vào lửa họ cũng theo. Và cuộc cách mạng nông dân, cứ đà tức nước vỡ bờ ấy mà tiến tới. Trùng trùng đội ngũ tốt đen ào sang sông, dấn tới, rồi biến thành xe, thành pháo, thành mã, rồi nhập cung bắt tướng. Thừa thắng, nghe theo Mao làm luôn cuộc Cải cách ruộng đất. Theo tài liệu của ông Chu Đình Xương từng làm giám đốc Sở Công an Bắc Bộ mà Chín K mới được đọc, có ghi nhận định của trên về tình hình hồi ấy rằng: Tất cả chi bộ nông thôn đều là chi bộ của địch. Vì thế ta đã xử bắn ba vạn đảng viên ưu tú quy cho là địa chủ cường hào. Ba vạn đảng viên nữa tự sát. Ba vạn dân chết đói. Ở Hà Tĩnh xử bắn 200 bí thư chi bộ trong số 210 bí thư chi bộ toàn tỉnh ( mười vị sống sót vì ở vùng núi, hẻo lánh). Cả nước lại lâm vào cảnh con giết cha vợ tố chồng… Bàn cờ thế sự tất yếu diễn ra như vậy. Đến khi nhìn lại, thì tan hoang một bãi chiến trường. Mất mát về đạo lí, văn hóa, về cốt lõi, hồn vía dân tộc,… lớn quá. Có những cái không thể làm lại được. Có những rãnh sâu ngăn cách ngày càng khó san lấp. Có những cái ngoại lai thành khối u di căn lở loét… Nhà văn đã tái hiện, đã phát hiện đúng vấn đề, đã cảnh báo… Nhưng với độc giả đại trà, văn hóa thấp, những người gọi là dân chúng, sẽ mất phương hướng, sẽ phản tỉnh, sẽ nghi ngờ, sẽ xét lại cả một cuộc cách mạng. Bạo loạn như chơi.

Là người phụ trách ở tầm vĩ mô lĩnh vực an ninh tư tưởng văn hóa, việc ứng xử với một nhà văn, một tác phẩm văn học có độ nóng như Tốt sang sông và Ngô Thời Bá, là vô cùng hệ trọng. Chỉ cần ý‎ kiến quyết định của anh Chín, cuốn sách sẽ được phát hành bình thường, hoặc cho nghiền thành bột giấy. Bên Hội Nhà văn, Cục Xuất bản và các ban ngành đều chờ quyết định cuối cùng của bên an ninh. Về mặt quan hệ cá nhân, Chín K và Ngô Thời Bá đều là con rể họ Cao. Bác sĩ Cao Thu Vân là con tướng Cao Thiện Luyện, cô giáo Cao Thị Lộc là con gái của Liệt sỹ Cao Thiện Lãnh. Ông Lãnh hy sinh trên đường Trường Sơn những ngày đầu cuộc chiến chống Mỹ, để lại cô con gái duy nhất. Ông Luyện là anh ruột ông Lãnh. Vì một cuốn sách mà bỏ tù Ngô Thời Bá thì cả họ Cao, họ Ngô sẽ không để Chín K yên. Nhưng cho phát hành thì khác nào mở đường cho các lực lượng chống phá cách mạng?

Giải pháp cho chìm xuồng: Chỉ thị miệng cấm phát hành, là một cách làm lặng lẽ và khôn khéo.

***

Ngay sau bài “Nhà văn Ngô Thời Bá đã bóc mẽ thiên đường CNXH như thế nào”, trang Blog Kền Kền có bài dài bình luận tiếp theo:

“Ngô Thời Bá là ai? Vì sao lại viết Tốt sang sông?Chỉ đọc qua chương đầu, đã thấy sự xào xáo lại một loạt tác phẩm viết về cải cách ruộng đất, những“Sắp cưới” của Vũ Bão,“Ác mộng”của Ngô Ngọc Bội,“Ba người khác” của Tô Hoài…. Phải một cây bút chuyên ăn xác thối, loại siêu Kền Kền, mới đủ dũng khí và sự vô liêm sỉ để đào bới từ dưới âm ti những xác chết từ đời củ tỉ, mà thời đại @ chúng ta đã quên béng. Rồi cải tạo tư sản, rồi vượt biên… cả một mớ hổ lốn như món thắng cố của người H’Mông. Không hiểu vì sao mà nhà xuất bản Văn Chương lại cho in thứ quái thai này?”

Blog Kền Kền tới tấp nhận được các comment phản hồi. Một số phản đối việc cấm lưu hành Tốt sang sông khiến bạn đọc phải lùng sục tìm mua khắp các sạp sách lậu. Những người có may mắn được đọc Tốt sang sông, đều chửi rủa thậm tệ kẻ viết bài đã ngang nhiên chụp mũ tác giả và hạ thấp giá trị của tác phẩm.

Chín K nhắn tin cho Lê Trang: Em nên gỡ bài xuống. Văn chương không phải là sân chơi của Kền Kền.

Một ngày chủ nhật, tướng Huỳnh Thi Ka mời nhà văn Ngô Thời Bá đến gặp tại một nhà hàng góc phố Lý‎ Thường Kiệt. Có thêm Hoàng Y vừa là tham mưu, vừa là người anh em đồng hao cùng quê. Một bữa tiệc toàn đồ Tây, trọng thị, có Ballantines 24, xúc xích dăm bông, thịt hun khói, đùi lợn hầm kiểu Đức, bánh mì đen và salad Nga. Nhìn cái dáng vẻ của Ngô Thời Bá, bên ngoài nhún nhường, như co mình lại trong chiếc vest màu lông chuột hàng chợ, chiếc khăn len nâu cũ sờn, nhưng bên trong như muốn gồng lên, ánh mắt bất cần đời. Tự nhiên y chợt mường tượng đến cái cảnh Nguyễn Biểu đến gặp Trương Phụ, tướng giặc nhà Minh trong thành Nghệ An năm 1413. Là y đọc sách, quá ấn tượng đến cái cảnh Trương Phụ mở tiệc đầu người để uy hiếp Nguyễn Biểu, hòng làm ông khiếp sợ. Nhưng quan Điện tiền Ngự sử Nguyễn Biểu đã điềm nhiên nhắm rượu, làm thơ, tỏ rõ khí phách của bậc anh hùng.

- Lâu quá rồi không được gặp nhà văn nổi tiếng - Chín K vừa thấy Ngô Thời Bá đã xòe hai tay, vẻ chân tình. Rồi ông choàng tay, ôm xiết - Tôi chỉ sợ chú ngại, không đến.

- Nếu gặp ông tướng công an thì tôi không đến - Ngô Thời Bá nhìn thẳng Chín K, cười kha kha - Nhưng gặp anh Chín, chồng chị Vân, anh em cọc chèo với nhau thì phải đến chứ anh. Lại cả thằng em Hoàng Y này nữa, thế là ba anh em cọc chèo. Cô em Thu Loan của tôi chăm đọc sách lắm nhé. Mỗi lần đọc một cuốn sách của Ngô Thời Bá, dì Loan đều gọi điện bình phẩm hàng tiếng đồng hồ đấy các vị ạ.

Màn sơ kiến có thể nói là rất thân tình. Whisky vàng sánh. Ly chạm lanh canh. Bỗng nhiên anh Chín lại nhớ đến thằng con trai nhà văn.

-Thằng cháu tên là gì ấy nhỉ? Vân nói với tôi, vì họ Cao mà chú quyết định đổi tên…

- Dạ thưa anh. Cháu tên Thượng, để kỷ niệm Thượng Sơn, nơi tôi và Lộc dạy học. Ban đầu mẹ nó bảo đặt tên con là Ngô Thời Thượng. Việc ấy tưởng dĩ nhiên, vì sẽ tiếp nối dòng họ Ngô Thời. Nhưng rồi tôi nghĩ lại. Nếu vậy thì họ Cao của Lộc tính sao? Đặt tên như vậy là một cách ăn hiếp, áp đặt thực dân. Lấy Thời đè Cao. Tôi bèn bảo với mẹ nó, dù sao con do em sinh ra chứ anh chỉ là kẻ góp phần. Hay chúng mình đặt tên con là Ngô Cao Thượng. Cao Thượng với Thời Thượng đều hay. Nhưng Thời Thượng có vẻ tay chơi, ngang tàng, mà Cao Thượng thì nhân văn hơn. Đêm ấy, Lộc thưởng cho tôi một trận lên bờ xuống ruộng…

Trận cười như muốn vỡ tung phòng. Anh Chín cạn ly với riêng Ngô Thời Bá, rồi bảo:

- Cách đặt tên cho con, chứng tỏ nhà văn rất yêu mẹ nó… Vậy là ở cõi vĩnh hằng, cô Cao Thị Lộc đã mãn nguyện. Tôi bắt đầu khoái thằng Ngô Cao Thượng này rồi đó. Thằng cháu học hành thế nào?

- Dạ, thưa anh Chín. Cháu đang học năm thứ hai trường Đại học Mỏ. Cháu muốn sau này được ra biển khai thác dầu khí.

- Tôi có thể thu xếp cho cháu vào Vũng Tàu. Ông bạn thân của tôi đang thiếu những chuyên gia giỏi giang trẻ tuổi. Chỉ cần cháu Thượng học giỏi.

- Qúi‎ hóa quá. Nghe nói chạy vào ngành dầu khí giờ cũng phải vài trăm triệu.

- Làm gì tiêu cực thế. Nhưng để có một chân trong Vietsovpetro cũng không đơn giản đâu. Tôi hứa sẽ tìm việc cho cháu Ngô Cao Thượng mà nhà văn Ngô Thời Bá không tốn một xu. Vân nhà tôi vẫn nhắc đến ca đẻ của dì Lộc. Vân luôn ân hận lần ấy không thể cứu cả mẹ lẫn con… Vân bảo, trong mấy chị em, thương nhất dì Lộc. Hoa khôi của họ Cao, lại nết na thùy mị. Tưởng nhà văn Ngô Thời Bá trúng số độc đắc, ai ngờ nửa đường đứt gánh.

- Hồi ấy, giá đưa sớm đến chỗ chị Vân, thì may ra cứu được cả mẹ - Ngô Thời Bá nói - Cũng tại Thượng Sơn xa Hà Nội quá. Sau này một ông thầy tử vi bảo số thằng Thượng đại kỵ với mẹ nó. Mẹ còn thì con mất. u cũng là mệnh Trời…

Câu chuyện có vẻ trầm hẳn xuống, ngấm chút vị bùi ngùi.

- Anh Chín chắc chưa biết tập hai của nhà văn nổi tiếng - Y xen ngang câu chuyện, cố làm cho không khí tươi vui lên - Trong thời gian nhà văn Ngô Thời Bá gà trống nuôi con, có một cô học trò ngày xưa ở Thượng Sơn thương cha con thầy lắm. Và bây giờ là kế mẫu của cháu Ngô Cao Thượng, chăm sóc cháu còn hơn con đẻ.

Tướng Chín K tự tay rót Ballantines mời Ngô Thời Bá.

- Cô Bùi Thị Hân, cháu ông Lưu Đình, Bí thư Đảng ủy xã Tâm Đồng phải không? Dịp ấy, tôi đi công tác vắng. Chị Vân có đến dự, đúng không nhỉ?

- Dạ vâng. Anh quá biết ông Lưu Đình, thủ lĩnh tinh thần của xã Tâm Đồng nổi tiếng chống tham nhũng. Bà mẹ vợ tôi là em ruột ông Lưu Đình.

- Gái Tâm Đồng làm chồng cũng sướng. Câu ca xưa nói thế. Nhất nhà văn rồi. Nhưng này, thằng Thượng có thêm mấy đứa em nhỉ?

- Dạ, ba đứa, hai gái một trai. Tôi đẻ hơi nhiều, vì tính tôi hay cả nể...

- Hớ hớ... Mỹ nhân hay làm văn nhân cả nể là chuyện thường tình...

Y nhìn đồng hồ, ý‎ nhắc khéo anh Chín. Nhưng vị tướng an ninh tỏ ra rất chủ động trong cuộc du thuyết này. Cuộc rượu kết thúc, chủ khách dời phòng ăn sang bàn trà nước. Từng tháp tùng Chín K trong nhiều công vụ và tư vụ, trong nước và ngoài nước, nhưng y luôn luôn bất ngờ về tài ứng xử và mẹo luật trước từng đối tác, đối phương, đối thủ của vị tướng trùm an ninh. Lẽ ra trong cuộc gặp này, anh Chín chỉ cần lấy quyền làm anh, lấy quan hệ cọc chèo nói toạc với Ngô Thời Bá các vấn đề A, B, C, D, thậm chí khuyên can, răn đe, trắng phớ mọi chuyện. Nhưng sao hôm nay anh Chín rất khác. Dường như Ngô Thời Bá là một đối thủ quá cỡ với mình. Dường như tay nhà văn này đọc rõ từng sat- na trong não mình. Cho nên anh Chín muốn vòng vo, cò cưa, rào đón, để dồn đối phương đến chỗ phải tự thú, phải tự bạch, phơi bày hết ruột gan.

Quả nhiên, Ngô Thời Bá, vốn nhạy cảm, tính lại thẳng thắn, thấy không thể kiên nhẫn mãi.

- Anh Chín có chuyện gì cần nói với thằng em cọc chèo, thì nói luôn đi - Ngô Thời Bá thừa hiểu mục đích bữa rượu và chủ động xé toạc bức màn vờ vịt - Vì cuốn Tốt sang sông phản động nên mới có cuộc hội ngộ anh em mình, đúng không? Blog Kền Kền chửi tôi thậm tệ mấy hôm nay là do anh chỉ đạo. Tôi không phải loại đầu óc ngu si tứ chi phát triển đâu. Anh đánh động trước dư luận để tôi vào nhà đá cho khỏi đột ngột? Vậy tôi xin nói thẳng với tướng quân. Nhiều người khuyên tôi kiện Cục Xuất bản. Hà cớ gì cấm phát hành để tiếp tay cho đầu nậu tung ra hàng vạn bản thứ phẩm, câu cú sai be bét và nhan nhản lỗi chính tả, làm sai lệch thẩm mĩ của người đọc, làm nhà nước và tác giả mất nguồn thu? Một đất nước tôn trọng pháp quyền, tôn trọng nhân quyền, nhà văn phải được đối thoại với nhà cầm quyền. Tại sao anh cấm sách của tôi, anh bịt miệng tôi? Đã qua rồi cái thời Nhân văn Giai phẩm, vậy thì anh có quyền gì đem bục công an đặt giữa trái tim người?

Khi uống rượu, mặt Chín K chỉ tái đi, nhưng chỉ vài lời của Ngô Thời Bá bỗng làm cả người ông bốc hỏa.

- Lẽ ra hôm nay tôi không nói với chú chuyện này. Anh em ít gặp nhau, chỉ nên chuyện gia đình vui vẻ. Nhưng chú đã nhắc đến, thì chúng ta nên sòng phẳng. Cần gì đến Blog Kền Kền bóng gió xa xôi. Chú có biết, giờ chú được ngồi đây là nhờ ai không? Tôi đã không ký lệnh bắt chú, vì tôi nghĩ sẽ đến lúc chú tỉnh ngộ. Nhiều nhà văn tài năng hơn hẳn chú, nhiệt tâm với đất nước hơn chú, trách nhiệm với nhân dân hơn chú, nhưng người ta không viết. Không phải là người ta hèn, người ta nhu nhược, người ta bảo mạng, mà chỉ vì người ta sợ đập con chuột mà lỡ vỡ chiếc bình quý…

- Bình quý, bình quý, hơ hơ… Trí tưởng tượng của tướng quân Huỳnh Thi Ka quá cao siêu. Lịch sử đã muốn vứt cái bình dỏm mà các anh cho là bình quý từ lâu rồi. Liên Xô và các nước Đông u có thời cứ tưởng họ là những cái bình quý duy nhất của nhân loại. Hóa ra trong đó nhung nhúc những bầy chuột tham nhũng vô lại. Hàng loạt bình Liên Xô và Đông u đã tan tành rồi mà nhân dân họ có ai thèm nuối tiếc. Một anh bạn từ Ba Lan về, nói với tôi: Ở Ba Lan, ai nói đến Cộng sản là bị phạt tù, vì nhà nước đã đặt đảng Cộng Sản ra ngoài vòng pháp luật. Anh từng được đào tạo ở Đông Đức, anh có thấy người dân nước họ sung sướng đến thế nào khi bức tường Berlin vĩnh viễn được phá bỏ…

- Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Nước Đức công nghiệp hóa trước chúng ta hàng trăm năm. Ở Nga, nhiều người đang muốn quay lại Chủ nghĩa Xã hội. Đảng nước Nga của Putin thực chất vẫn là đảng Cộng sản…

- Thưa tướng quân, anh nên nhớ là anh đang nói với một người viết văn chứ không phải với loại học trò lớp bổ túc chính trị mà anh vẫn rao giảng. Nếu chế độ chúng ta thực sự muốn dân trí phát triển, thì nhân việc xuất bản Tốt sang sông, các anh phải bật đèn xanh cho các báo, đài, tivi tranh luận mổ xẻ xem cuốn tiểu thuyết hay dở ở chỗ nào, phản động ở chỗ nào. Lúc đó muốn bỏ tù vẫn chưa muộn. Hãy tạo nhiều diễn đàn để giới văn nghệ tranh luận. Một đảng cầm quyền muốn thuận lòng dân là phải biết đối thoại, phải biết mở những cánh cửa cho căn nhà xả đi nỗi bức bối, phải dám công khai thừa nhận những lỗi lầm… Cuộc chiến tranh 1954 - 1975 thực chất có phải là cuộc chiến tranh giải phóng, hay là một cuộc nội chiến ý‎ thức hệ? Chủ nghĩa Xã hội có phải là con đường tất yếu chúng ta phải lựa chọn, hay chỉ là một con đường cụt? Đã bao giờ các anh dám đặt những vấn đề hệ trọng như thế trước quốc dân đồng bào, muốn giới trí thức và toàn dân cùng bàn bạc, tranh luận để đi tới sự nhất trí? Đúc kết lịch sử sẽ mở đường cho hôm nay và ngày mai. Bài học của Liên Xô và Đông u còn nhỡn tiền. Xã hội Chủ nghĩa với bản chất bưng bít sự thật và bôi phết màu hồng, từng ngày đẻ ra tham nhũng, cơ hội, quan liêu, dối trá. Có phải đã quá muộn việc phải xây dựng một xã hội dân sự, tam quyền phân lập, đa đảng, đa nguyên…

- Tôi cấm chú nói đến điều đó - Chín K bỗng gầm lên, đứng phắt dậy. Tưởng như Ngô Thời Bá vừa đụng đến cái ngòi nổ trong con người ông. Ông nhìn Ngô Thời Bá như muốn lòi con ngươi. Rồi ông vò hai bàn tay. Hình như ông định tìm khẩu súng ngắn đang để trong cặp.

Y hoảng hốt cầm chiếc cặp của Chín K giấu đi.

- Nếu anh không muốn tranh luận, thì ta dừng ở đây. Tôi về.

Ngô Thời Bá chụp mũ, đứng lên. Tự dưng cái hình ảnh Nguyễn Biểu trong bữa tiệc đầu người lại quẩn trong đầu y. Sắc mặt Ngô Thời Bá xám ngắt, hai bên hàm giần giật, chứng tỏ ông đang kìm nén lắm.

- Chú ngồi xuống! - Chín K chỉ tay xuống ghế, ra lệnh - Chưa về được. Dù cô Lộc mất rồi, nhưng còn cháu Thượng… Chú vẫn là rể họ Cao. Là em tôi. Tạm thời cho qua cuốn Tốt sang sông. Dẫu sao chú cũng là nhà văn… Đảng và nhà nước tôn trọng tự do sáng tác… Nhưng tôi cấm chú nhắc đến đa nguyên đa đảng. Nước Việt Nam chỉ có một đảng duy nhất là Đảng Cộng Sản. Đừng bao giờ tự do quá trớn. Sáng tác phải có định hướng, phải trong khuôn khổ.

Ngô Thời Bá bật cười:

- Bây giờ thì tôi tin, anh chính là tác giả câu slogan: Công an nhân dân còn Đảng còn mình. Tại sao anh không thông minh hơn để viết: Công an nhân dân còn Tổ quốc còn mình? Nghĩ được câu nịnh bợ này phải là kẻ siêu cơ hội, nhưng cũng cơ hội đê tiện nhất. Anh đã lùa cả một đội quân trở thành công cụ đắc lực, tay sai của Đảng, mà quên mất Đất nước, Nhân dân…

- Câm! Câm ngay!

Chín K lắp bắp. Y chạy lại đỡ ông ngồi xuống ghế và ra hiệu cho Ngô Thời Bá mau ra về.

- Em xin hai anh… Các anh cùng say cả rồi.

- Ông… Ngô Thời Bá… chưa về được - Chín K vẫy vẫy ngón tay - Tôi sẽ để chú nợ một lời xin lỗi về sự xúc phạm vừa rồi. Không có ngành công an thì bọn Quốc Dân đảng đã lật đổ chính quyền dân chủ nhân dân từ năm 1946 rồi. Vụ Ôn Như Hầu đó. Bác Hồ trước khi đi Pháp đã lệnh cho tướng Giáp phải giải quyết bọn Việt quốc Việt cách. Mỗi chiến sĩ công an, cũng như mỗi nhà văn đều phải là công cụ của Đảng. Chú là nhà văn mà đéo hiểu gì Lênin nói. Nhà văn phải là cái đinh ốc, là mắt xích trong guồng máy chuyên chính vô sản. Đấy, không là công cụ là gì? Đừng có dạy đời, trứng khôn hơn vịt. Muốn viết nữa thì hãy giữ lấy cái đầu. Nhớ đấy, giữ lấy cái đầu. Ai cao ngạo ngông cuồng như Nguyễn Tuân, mà cuối cùng cũng phải tự thú: Tôi sống được là nhờ biết sợ. Nhà văn Ngô Thời Bá là cái thá gì? Nhân đây tôi cảnh báo chú: Sau khi Tốt sang sông in ra, nhiều hãng phát thanh truyền hình nước ngoài đã tìm đến phỏng vấn quay phim…

- Tôi không muốn công việc viết văn của tôi bị chính trị hóa, và tôi đã từ chối trả lời...

- Phải từ chối, nếu chú thức thời. Ai gặp chú? Gặp ở đâu? Chú nói những gì? Chúng tôi đều biết cả. Sẽ đến lúc phải gắn cho lũ nhà văn và bọn trí thức tự diễn biến các chú mỗi người một con chip, giống như người ta gắn chíp cho những con thú hoang dã sắp tuyệt chủng để nghiên cứu đời sống của chúng. Đi đâu? Làm gì? Nói gì? Chúng tôi phải được biết.

- Thì các anh đang cắt cử từng nhóm chip người theo dõi trước cửa nhà các trí thức phản biện, những người luôn xuống đường biểu tình chống bành trướng Trung Quốc đó thôi. Thanh niên cả làng Phí của tôi được huy động vào các đội quân “bánh canh” và các dư luận viên 47. Hơ hơ, một hành động hèn mạt, chẳng xứng đáng với một thể chế thơn thớt nói tôn trọng nhân quyền. Nhân đây, cũng muốn nói thẳng với ông tướng an ninh. Không phải tôi sợ, không dám trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài. Tôi biết, điều nhà cầm quyền muốn ở cánh viết văn chúng tôi là sự khiếp sợ. Từ thời Nhân văn Giai phẩm các anh đã không từ một thủ đoạn nào để cho bọn nhà văn phải khiếp sợ. Những nhà văn tài danh Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Nguyễn Bính… đều co vòi lại vì sợ hãi. Mất cả một thế hệ vàng. Đến mức Nguyễn Minh Châu phải vuốt nước mắt viết ai điếu cho một thời kỳ văn học minh họa. Và khôn ngoan thớ lợ như Nguyễn Khải trước khi chết cũng phải thổ máu tươi mười chín trang Đi tìm cái tôi đã mất mới mong nhắm mắt được. Anh tưởng hầu hết bọn nhà văn đều sợ hãi? Nếu vậy thì văn chương Việt Nam chết đi cũng phải. Nhưng, không phải vậy, còn nhiều nhà văn có lương tâm không hề khiếp sợ. Tôi là một trong số đó. Tôi không trả lời BBC, RFA,… chỉ là vì nhà văn chính là tác phẩm. Hãy đọc tác phẩm của họ.

- Nhưng nhà văn tự diễn biến loại các ông viết cho ai đọc? Thời mở cửa kiểu Trần Độ đã qua rồi. Những cuốn lọt lưới kiểu như Tốt sang sông sẽ không bao giờ được in ra. Đừng hòng được in ra.

Ngô Thời Bá khoác cái túi dết, xòe tay cho y, nhưng lại lia ánh mắt về anh Chín:

- Một kiểu triệt hạ tư tưởng quá ấu trĩ, thưa tướng quân. Cái huyền ảo của nhà văn là tưởng tượng. Nhưng dù tưởng tượng đến vô biên thì cũng phải trên nền móng hiện thực. Cây sậy mọc từ cái hố trên bãi sông do anh thợ cắt tóc đào để chôn câu nói không thể giấu được nữa: “Vua Midas có cái tai lừa”, chính là sản phẩm của hiện thực. Và tiếng nói hiện thực của cây sậy ấy truyền mãi cho tới hôm nay.

H.M.T.