Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 9 tháng 7, 2021

Thơ Nguyễn Văn Gia

QUẠNH VẮNG

THỀM RÊU

 

Đã trao ấn kiếm

buồn chi nữa

Buổi xếp hoàng bào

biệt cấm cung

Hỡi ơi

vua chúa còn mơ ngủ

Thì huống hồ chi

kẻ thứ dân

Trời vẫn xanh

trên thành quách cũ

Sao lòng người

quá đỗi rêu phong

Ngô đồng kia

buồn chi ủ rũ

Chẳng vàng rơi

cho kịp thu sang

Em tôn nữ

hay là quận chúa

Chờ ai đây

cửa phủ cuối chiều

Từ dạo mùa vui

không về nữa

Chỉ nghe lá rụng

dưới thềm rêu...

 

 

 

TÌNH CỜ ĐỌC THƠ

HẠ TRI CHƯƠNG

 

“Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi”

Thuở nhỏ

ông rong chơi

Về làng

khi tóc bạc

Trẻ con

không biết mặt

Chuyện đó

Cũng... thường thôi

Quê tôi

giờ lạ hoắc

Người xứ khác

ở quanh

Họ sắm nhà

mua đất

Như mua... quả ớt xanh

Tôi quanh quẩn

quê mình

Cho đến khi tóc bạc

Nghe giọng lạ

thất kinh

Cứ ngỡ

mình đi lạc.

 

 

TÔI KHÔNG THÍCH XEM PHIM

THE VIETNAM WAR (*)

 

Con sông

hiền hòa

không rộng lắm

Chỉ dăm bảy phút

bước sang cầu

Mà bao năm tháng

xa thăm thẳm

Tình người chết lặng

dưới sông sâu

Bao nhiêu trai trẻ

không về nữa

Gái trai cái tuổi

chớm yêu nhau

Mộng lớn mộng con

vùi trong lửa

Hồn oan vất vưởng

khắp nơi nơi

Còn bao nhiêu nữa

người vô tội

Chết vội vàng

chẳng hiểu tại sao

Có phải lời nguyền nào

thuở trước

Mà nay đành chịu

cảnh binh đao

Rõ ràng nước Mỹ

rồi nước Đức

Lịch sử

có lần cũng chia đôi

(Lòng không kiêu ngạo

khi chiến thắng

Nên chẳng nỡ nào

đày đọa nhau)

Tay nắm lấy tay

ngày thống nhất

Dâng trào nước mắt

buổi trùng lai

Cùng chung một mẹ

dân một nước

Kẻ thắng

rồi ra cũng như thua

Thắng thua

khi đã hiểu ra được

Mọi chuyện trên đời

cũng... thường thôi

(Tội dân đứng giữa

hai lằn đạn

Trúng đạn bên nào

cũng chết thôi!)

Bao năm đất nước

im tiếng súng

Lòng người còn đó

mãi chia phôi

Chỉ thương

bao kẻ không về nữa

Mồ hoang

giờ vất vưởng

nơi đâu...

(*) Bộ phim tài liệu “The Vietnam War” (Chiến tranh Việt Nam) (2017) của Ken Burns và Lynn Novick.

 

 

NHÌN GIÓ ĐẦY HIÊN

NGÀY CUỐI THU

 

Mừng một ngày

thấy đất trời đẹp quá

Có phải mốt mai

gặt những mùa vàng

Cuối thu chưa

mà hiên nhà đầy gió

Lòng mơ gì

giữa một sắc xanh trong

Những đớn đau

và cả những muộn phiền

Phải xếp lại thôi

vào ngăn kéo cũ

Cần phải sống còn

giữa cơn sóng dữ

Phải cố mà quên

những nỗi đau riêng

Những đời lành

sao cứ mãi gian nan

Cây quả ngọt

Cứ cho hoài trái đắng

(Ai cũng bảo

Trời xanh kia có mắt

Lại có một người

cả quyết không tin!)

Cố gọi người

cũng chẳng thấy người đâu

Bức tường câm

chỉ tiếng mình dội lại

Rồi buồn

những điều không ai buồn cả

Và cứ đau

những thứ chẳng ai đau.

 

 

ĐẤT NƯỚC

 

Nhân dân mình

Mấy ai không chịu ơn gốc rạ

Những anh hùng

Thi sĩ

Trong máu mình đều thấm giọt phù sa

Dựng nước

Giữ nước

Độc lập

Tự do

Hãy nói giùm tôi

Có thứ nào không cần hạt gạo

Nhưng sao giữa tiết thanh minh

Mà đất trời cháy bỏng

Ruộng vườn mồ mả cha ông

Lại tan hoang như một bãi chiến trường

Di sản bao đời

Vì đâu thành đôi bàn tay trắng

Bài thơ nhỏ này chỉ là thời sự thôi

Như cái vạch vôi

Cha vẽ lên cột ngày xưa nhắc nhở

Rằng có một thời

Trên đất nước tôi

Với súng hoa cải và bom "gas" tự chế tịt ngòi

Dẫu không giữ được

Ruộng vườn đầm bãi

Lịch sử mai này vẫn nhớ mãi anh Vươn

Và hàng trăm mẹ già chít khăn

Lần đầu tiên người để tang cho đất

Những mẹ chị ở tận Cái Răng

Cũng đành lột truồng giữ đất...

Biết hỏi ai đây ở bãi bờ Đồng Tâm ngoài Bắc

Sao cụ Kình vô cùng hiền lành mẫu mực

Lại khơi khơi gãy mất một chân?

(Những trò đùa dai cứ cợt nhả với nhân dân!)

Không biết chiếc giày thời trang của Cô Ba Sài Gòn

Đã rơi vào đâu giữa đất trời Thủ Thiêm đầm đìa nước mắt

Chúa, Phật và Thánh Thần cũng lặng thinh

Trước những nỗi đau có thật

Tại sao nhân dân không có quyền được biết

Cái gì đã dồn mẹ chị cha anh ta vào bước đường cùng

Tổ quốc sẽ ra sao

Nếu cứ mất dần

Ruộng vườn

Núi sông

Biển đảo

Đất nước sẽ mồ côi

Nếu không có nhân dân.