Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2021

Sài Gòn – Những ngày phong thành (23)

NHẬT KÝ HÀNH TRÌNH - ĐOÀN NGỌC HẢI

FB Đoàn Ngọc Hải

Thành phố Hồ Chí Minh 6giờ48 phút sáng nay 28-7-2021.

Kính gửi: anh Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành Phố Hồ Chí Minh.

Cá nhân anh dù rất nhiều việc (tôi được biết anh không có vợ con, gia đình như bao người khác), anh đang cùng với cả hệ thống chính trị căng mình lãnh đạo, chỉ đạo chống đại dịch covid 19 nhưng đã vẫn chỉ đạo bộ máy cơ sở làm rõ, giúp đỡ gia đình chị Ngô Trân Châu, địa chỉ 22 Trương Định, phường Võ Thị Sáu, quận 3.

Anh cũng đã chỉ đạo trợ lý liên hệ với tôi trao đổi một số việc liên quan...

Anh cũng sẽ chỉ đạo trợ lý để Mẹ tôi được chích ngừa covid 19 theo đúng quy định, (tôi không cần ưu tiên). Riêng cá nhân, tôi đã nói bạn trợ lý rằng tôi nhường vaccine cho người khác cần hơn.

Tôi khẳng định:

Tôi không thích nói dối và càng không thể nói dối với chị Ngô Trân Châu đã qua đời vào chiều hôm qua. Tôi cũng chưa bao giờ nói chị Châu âm tính hay dương tính với covid 19 và tôi cũng chưa bao giờ khẳng định chị ấy đã bị nhiễm covid 19. Chỉ có một điều chắc chắn là buổi sáng sau khi tôi đưa một bà Cụ ở quận 8 đi cấp cứu khó thở vì bệnh tim mạch về đến nhà (nhiều bệnh viện từ chối không nhận Cụ, tôi đã phải viết bài fb và Cụ được nhận) thì anh Ngô Viết Nam Sơn và chị của chị Châu cầu cứu tôi đều khẳng định sốt và khó thở buổi sáng, kêu rất nhiều cuộc điện thoại cầu cứu nhưng đều trả lời không có que xét nghiệm nhanh, không có xe cứu thương, không có bệnh viện nhận. Nếu buổi sáng đưa đi ngay có thể buổi chiều chị đã không qua đời.

Khi tôi đến nhà 22 Trương Định là 15giờ8 phút cho đến hơn một tiếng sau không có một cán bộ chức năng nào ở đó.

Lúc đó tình trạng cơ thể chị ấy đã cứng đờ rồi. Tôi phải tuân thủ quy định và phải có hành lang pháp lý để tôi giúp người nghi nhiễm covid 19 nếu không lây nhiễm ra cộng đồng tôi sẽ là người chịu búa rìu của dư luận và sự lên án của chính quyền (luật và quy định). Vì bản thân tôi là một cán bộ 26 năm công tác ở thành phố này (tôi đã từ chức và xin nghỉ việc năm 2019). Tất cả không hề đơn giản như cấp cứu tai nạn giao thông, tim mạch mà tôi đã làm rất nhiều.

Tôi cũng lưu ý lãnh đạo chính quyền cơ sở: xét nghiệm âm tính lần 1, lần 2, lần 3... chưa chắc đã không nhiễm covid 19 (rất nhiều số liệu này của ngành y tế đã khẳng định). Cán bộ thực thi công vụ cần NẮM CHẮC điều cơ bản nhưng đặc biệt quan trọng này.

Tôi luôn đấu tranh cho sự công bằng, tôi thích sự công khai, minh bạch, rõ ràng và phải trân trọng mọi tầng lớp nhân dân trên tinh thần xây dựng xã hội.

Một mình tôi CHỊU nhiều áp lực, mong mọi người thông cảm.

Tôi khẳng định: anh Nguyễn Văn Nên và các cấp đang làm hết sức mình nhưng đâu đó vẫn còn những thiếu sót. Đó là điều không thể tránh khỏi trong một cuộc chiến đại dịch.

Tôi chỉ mong cán bộ cơ sở luôn “cháy” hết mình vì dân và đừng bao giờ nói dối với dân.

Trân trọng cảm ơn anh đã lắng nghe người dân!

clip_image002[4]

[Văn Việt: Nội dung bài này cũng được phản ánh trên BBC: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-58000799]

LỜI KỂ CỦA MỘT BỆNH NHÂN MẮC COVID-19 *

FB Tùng Văn Thanh Lê

Chào các bạn, hôm nay mình sẽ viết sơ về những gì mình đã trải qua, các bạn đọc và hãy cố gắng giữ đừng để mắc phải, hãy biết sợ Covid và giữ cho bản thân mình an toàn.

Mình bắt đầu có triệu chứng dương tính Covid ngày thứ nhất, mình sốt và rất khó hạ sốt, mình đã mua các bộ test nhanh Covid để kiểm tra, và mình đã xác định mình dương tính, sau khi có kết quả mình liên hệ ngay với sđt HCDC nhưng không có người đến hỗ trợ, có vẻ số lượng ca dương tính đã qua nhiều và khu vực của mình không được hỗ trợ.

Mình nhận được lời khuyên từ các anh em trong ngành y, hãy tự cách ly tại nhà, dùng thuốc điều trị triệu chứng, chuẩn bị thuốc hạ sốt, vitamin C và các lọai thuốc tăng cường đề kháng khác, vậy là mình bắt đầu tự cách ly với Covid. 3 ngày đầu mình sốt nhiều, nhưng cứ sốt thì hạ sốt, uống nhiều nước, tranh thủ xông mũi họng, súc nước muối cổ họng…, đến ngày thứ 7 thì các triệu chứng bắt đầu giảm nhiều, nhưng mình lại bị mất hết vị giác và khứu giác, mình hơi lo nhưng vẫn cố gắng theo dõi đều.

Ngày thứ 8 thì Bố Mẹ vợ mình bắt đầu có biểu hiện khó thở, mệt mỏi, mình đã bắt đầu tìm mua máy thở tại nhà, mình cảm nhận có điều không lành, tuy nhiên không thể mua được máy thở, những nơi đăng bán đều đã hết hàng, họ báo đặt hàng 5-7 ngày là có, nhưng theo cảm nhận của mình thì Bố Mẹ mình đang cần ngay lập tức, mình mất nữa ngày lục sục, nhờ anh em quen thân làm trong ngành Y ở quận 2… tìm giúp, cuối cùng mình được hỗ trợ bởi một anh lần đầu tiên tiếp xúc, ảnh bảo ảnh có 2 máy đang dùng, mình cứ qua lấy về cho ông bà, chứ ảnh không bán, mình năn nỉ nhiều và ảnh vẫn quyết không bán, chỉ cho mình mượn dùng và không cần đặt cọc gì hết. Khi mình chuẩn bị đi lấy thì anh báo người quen anh còn 1 máy như cái anh đang dùng, và báo mình xem xét mua đi, và mình đã mua, chiều tối ngày thứ 8 mình đã có máy thở cho Ba mẹ ở nhà, nhưng tình hình đã ngày càng nặng hơn.

Tối ngày thứ 9 mình bắt đầu bị nặng, mình bắt đầu suy hô hấp, mình không thở bình thường được, cảm giác vẫn hít thở, vẫn thấy không khí vào, nhưng có cảm giác phổi đã không còn nhận được oxi, mình thở gấp, như cá trên cạn, há hốc hết cả miệng để lấy không khí vào, nhưng ngộp, cực kỳ ngộp. Cả nhà quyết định phải nhập viện cấp cứu, gia đình gọi khắp các xe cấp cứu nhưng rất ít xe nghe máy, cuối cùng có xe của bệnh viện quận 7 nhận bệnh, khi xe đến ngay cả BS theo xe cũng khuyên gia đình nên ở nhà tự cách ly nếu thấy ổn, nhưng mình đã hết chịu nỗi, lúc này mình nhớ nhân viên Y tế đo chỉ số oxi cơ thể mình chỉ còn tầm 80%, trong khi nếu dưới 93% đã phải can thiệp y tế cho thở oxi, mình gần như rất đuối, mất ý thức và không chịu nỗi thêm nữa, lên xe và để cho người ta chở đi đâu thì chở.

Sau đó xe đến BV Q7, mình được test nhanh Covid, chụp hình phổi, làm xét nghiệm PCR và cho nhập viện điều trị, chuỗi ngày đau đớn nhất giờ mới bắt đầu.

Hai ngày đầu tiên khi nhập viện, mình không di chuyển được, phổi mình có cảm giác bị virus tấn công hoàn toàn, mình chỉ có thể nằm ngửa, thở rất gắt và chỉ nằm như vậy thôi, bất kỳ sự di chuyển nào dù là nhỏ nhất, như việc xoay người, ngồi dậy tại chổ đều là cực hình khủng khiếp, chỉ cần xoay nhẹ người là mất hơi, thở khan ngay, thiếu oxi ngay lập tức, miệng đớp không khí ngay lập tức, phần lưng đau buốt, không thể di chuyển dù là nhỏ nhất, mình cứ mê man lúc tỉnh lúc ngủ chập chờn với xung quanh là rất nhiều bệnh nhân khác, đầy tiếng ồn và sự nóng nực.

Hằng đêm mình đều không thở được, không thể xoay trở cơ thể, mình ngộp hằng đêm, đau nhức toàn bộ cơ thể, mình không thể đi vệ sinh, sự khủng khiếp của việc đi vệ sinh chỉ những ai từng bị mới biết (những người điều trị chung phòng với mình đều đã trải qua), phòng mình ở không có nhà vệ sinh trong phòng, nvs nằm ở cuối hành lang, mỗi ngày mình chỉ dám đi 1 lần, mỗi lần đều cực kỳ khổ sở, mình không đủ oxi cho việc đi xa, khi cần đi vs mình phải chuẩn bị rất lâu, từ việc đôi dép để sẵn cho tới số bước chân mình đi, khi quyết đi là ngồi ngay dậy, đi thật nhanh đến nvs và trên đường đều cầu sao cho không kẹt nvs, sau khi tiểu xong thì ngay lập tức quay về lại giường, mà đa phần sẽ gục ngã, thiếu oxi và ngồi thở ngay giữa đường, lòng ngực thắt lại đau buốt, không khí không vô được, thở khan giữa đường một chốc rồi mới tiếp về giường được, về đến giường là tiếp tục nằm thờ dốc 10-15ph tuỳ lúc, rồi mới thở bình thường lại được.

Đến ngày thứ 3 thì mình bắt đầu được cho thở oxi thông qua bình oxi, nhưng những bình này dung tích khá nhỏ, đa phần thở được tầm 2-3 tiếng là hết, có đêm mình phải phiền gọi Bs thay bình 3-4 lần vì hết oxi, có cả đêm khi mình gọi, BS báo là oxi đã tạm hết, cố gắng để đầu cao, thở và chờ đến sáng sẽ có thêm oxi, khủng khiếp.

Có những đêm mình đã nghĩ “thôi mình bỏ cuộc, khủng khiếp quá, đau quá, thở rát hết cả người, cơ thể thì đau nhức, mình bỏ cuộc, mình chịu không nỗi nữa”. Khi mà việc thở nó đơn giản hằng ngày, thì giờ nó trở nên cùng cực về nỗi đau thì mình không nghĩ rằng tại sao mình lại bị như vầy.

Đến ngày thứ 4 mình báo gia đình xin BV cho mình mang máy thở mình đã tự mua vào hỗ trợ mình thở, và BS cũng đồng ý, từ đêm thứ 4 mình bắt đầu có đủ oxi hơn để thở, nhưng tình hình vẫn không khả quan, mình thở với sự hỗ trợ của máy thở 24/24, liên tục, nằm dài bất động trên giường và không thể di chuyển cơ thể dù là nhỏ nhất, mọi sự di chuyển dù nhỏ nhất sẽ đều phải trả giá bằng những cơn hụt oxi tối tăm mặt mày và thở dốc vài chục phút.

Tiếp đó là 6-7 ngày liên tục mình phụ thuộc vào máy thở, máy hỗ trợ mình 24/24, lúc nằm bất động, lúc ngủ buổi trưa và tối, chỉ cần lơi máy thở ra là cơn thở dồn gấp tới, là không đủ oxi cho việc thở, là tối tăm mặt mũi, mình đã từng nghĩ rằng cuộc sống mình rồi sẽ phải gắn bó vĩnh viễn với máy thở, vì có vẻ phổi mình đã hư hết rồi, mình không thể làm gì nếu thiếu máy thở.

Tuy nhiên như các BS chữa trị cho mình đã từng nói, cứ để cho phổi tự phục hồi, tự phổi sẽ tự tái tạo lại, đến ngày thứ 9 thì mình bắt đầu cảm thấy có sự thay đổi, thi thoảng mình đã tự ngắt máy và tự thở khi thấy mình có thể, dù thời gian rất ngắn. Thời gian tiếp theo mình đã tự xoay trở cơ thể, đã có thể đi xa hơn vài bước chân (mặc dù sau đó vẫn phải thật nhanh quay về với máy thở) nhưng mình vẫn thi thoảng tự kiểm tra tình hình bản thân, đôi lúc mình ra khỏi phòng tự đi lấy nước uống, tự mừng rỡ vì đã có thể quay về giường mà không thở gấp, điều đó có nghĩa phổi mình đang tự làm lành ổn định.

Đến một tối mình quyết định sẽ ngủ mà không cần máy thở, mình để máy sáng bên, vẫn mở máy phòng trường hợp khi cần, và mình đã ngủ cả đêm mà không cần máy thở hỗ trợ, và đó là tối hôm qua, có vẻ phổi mình đã ổn định lại rồi.

Các bạn hãy giữ cho mình không nhiễm Covid, theo thống kê 80% ca F0 sẽ tựu khỏi, nhưng không ai nghĩ rằng rồi mình sẽ nằm trong 20% trở nặng còn lại, hãy biết sợ (như mình) và cố gắng giữ 5K, đeo khẩu trang và làm tốt mọi biện pháp để không phải mắc Covid, khả năng trở nặng của dòng Delta là cực kỳ cao và nhanh.

*Tiêu đề do Văn Việt đặt

clip_image004[4] clip_image006[4]clip_image008[4]

clip_image010[4]clip_image012[4]

VÀI CẢM NGHIỆM VÀ CHIA SẺ TỪ TUYẾN ĐẦU CHỐNG DỊCH

Jos. Lương Tùng, CSsR. – TGP Sài Gòn, 29/7/2021

clip_image014[4]

TGPSG -- “Chúa là đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương” (Tv 102,8-9). Lời thánh vịnh đáp ca của ngày hôm nay là một lời khích lệ mạnh mẽ cho các tín hữu Việt Nam đang oằn mình trong đại dịch Covid kinh hoàng và cách riêng là cho những anh chị em tu sĩ thiện nguyện chúng tôi đang phục vụ tại các bệnh viện dã chiến thuộc thành phố Thủ Đức.

Thiên Chúa là Tình Yêu và vì thế, Người trở nên Nguồn Hy Vọng cho bất cứ ai đặt niềm tin tưởng, trông cậy nơi Người. Đó là kinh nghiệm của dân Israel trong cảnh lưu đày tại Babylon, khi mà Đền Thờ của họ đã bị phá hủy, quốc gia bị xóa sổ, cả dân tộc phải ly tán và trở thành nô lệ. Vâng, chính khi người ta không còn gì để bám víu và cậy dựa cách hữu hình thì đó lại là cơ hội giúp làm "lộ ra" một niềm hy vọng chắc chắn: chỉ có một mình Thiên Chúa là "Đấng từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương”, là chốn cậy dựa chắc chắn nhất của họ. Và lúc này đây, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và lây lan nhanh chóng, chúng ta biết rằng, nếu không có Chúa, chúng ta không thể làm gì được.

Cho đến hôm nay (27/07/2021), các tu sĩ thiện nguyện chúng tôi đều đã được phân vào các khâu cụ thể, với các nhóm như: đón tiếp phân luồng bệnh nhân, nhóm chăm sóc, tư vấn tâm lý, nhóm hành chánh, nhóm hậu cần và kỹ thuật, nhóm cấp cứu sau cùng và chuyển xác. Các phận vụ khá rõ ràng và cho thấy, nguy cơ tiếp xúc, lây nhiễm của nhóm thiện nguyện là khá cao.

Tình hình dịch bệnh hiện tại rất căng thẳng vì hạ tầng cơ sở không đủ, nhân lực thì mỏng mà ca bệnh tăng quá nhanh, diễn biến bệnh rất bất ngờ, do đó mọi người phải làm việc hết sức khẩn trương để lo cho các bệnh nhân. Đến nay, riêng bệnh viện dã chiến số 12 tại Thủ Đức đã tiếp nhận trên dưới 1.000 ca nhiễm và vài ngày tới sẽ cao hơn nữa. Bệnh viện cũng đã tăng cường thêm các phòng bệnh mới. Theo chỉ thị của Sở Y Tế thành phố, các bệnh viện tuy mang tên dã chiến nhưng thật sự là một bệnh viện với đầy đủ các khâu: nhận bệnh, phân luồng bệnh nhân có nguy cơ cao với bệnh nhân nguy cơ thấp, bệnh nhân chuyển biến xấu, cấp cứu hồi sức...

Tinh thần của anh em tu sĩ đến lúc này khá tốt. Mọi người đều bình an, chuyên cần cầu nguyện và nhiệt tâm làm việc.

Xin Thiên Chúa là nguồn hy vọng ban bình an và dập tắt dịch bệnh để mọi người sớm được trở về với cuộc sống bình thường!

Bệnh viện dã chiến số 12, tp. Thủ Đức, 27 tháng 7 năm 2021

Jos. Lương Tùng, CSsR.

✝PHÚT LẮNG ĐỌNG BÊN CHÚA✝️

Maria KT.

 

Tuổi đời còn tươi trẻ

Áo xanh bước xuống đường

Để gieo rắc tình thương

Những người con của Chúa

 

Bao cô nàng nhỏ bé

Chuỗi tràng hạt còn mang

Trên tay, nguyện sẵn sàng

Đến những vùng nguy hiểm

 

Chưa biết sự ứng biến

Trước dịch bệnh tai ương

Nhưng Thiên Chúa dẫn đường

Nguyện hy sinh cố gắng

 

Phút trải lòng lắng đọng

Quỳ bên Chúa Ngôi Hai

Dâng tất cả lên Ngài

Xin bảo ban, gìn giữ

 

Nguyện Thiên Chúa chúc phúc

Cho đội ngũ, các sơ

Bởi tình yêu vô bờ

Tha nhân… mà tìm đến!

 

29/07/2021

Có thể là hình ảnh về một hoặc nhiều người, mọi người đang đứng và trong nhà

 

NỮ MẠNH THƯỜNG QUÂN MỞ CHỢ RAU 0 ĐỒNG LỚN NHẤT TP.HCM, TẶNG 20 TẤN RAU VÀ NẤU CƠM MIỄN PHÍ MỖI NGÀY

FB Việc tử tế

Chủ của chợ rau 0 đồng này là chị Đỗ Thị Ngọc Phượng, 39 tuổi, quê ở Sóc Trăng. Đây được xem là chợ rau miễn phí lớn nhất TP.HCM trong những ngày thành phố bị giãn cách xã hội với số lượng rau củ quả lên tới hơn 20 tấn mỗi ngày. Được biết toàn bộ số rau củ này có xuất xứ từ Đà Lạt và được một nhóm thiện nguyện khác mua giúp chị Phượng với giá rẻ.

Chị Phượng chia sẻ, rau củ nhập về sẽ được phân loại, sau đó xe lực lượng hỗ trợ phòng dịch sẽ đến nhận và đem về phát cho người dân ở khu vực mình quản lý. Chị cho hay, thời gian này mọi người tuy vất vả nhưng ai nấy đều nỗ lực để giúp đỡ phần nào cuộc sống bà con đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Ngoài mở chợ rau 0 đồng, chị Phượng còn là chủ của bếp ăn thiện nguyện Mãn Tự. Bếp ăn này đã diễn ra được gần 2 tháng và sẽ tiếp tục duy trì hoạt động cho đến khi dịch bệnh được đẩy lùi.

Mỗi ngày, bếp thiện nguyện của chị Phượng nấu từ 4-5000 suất ăn và gửi tặng cho các khu cách ly, người lao động mưu sinh vỉa hè và các khu mái ấm. Ấm lòng hơn là bếp của chị có rất nhiều tình nguyện viên cùng sẵn sàng góp sức, gửi gắm tình cảm của mình đến cho bà con đang gặp nhiều khó khăn.clip_image016[4]

#Viectute

clip_image018[4]

BỐ ĐƠN THÂN Ở TP.HCM SÁNG NẤU CƠM CHO BÁC SĨ, CHIỀU HỖ TRỢ NGƯỜI NGHÈO

Thiên NhiZingnews, 27/7/2021

Gần một tháng nay, anh Tình cùng nhóm từ thiện nấu hàng nghìn suất cơm mỗi ngày cho các y, bác sĩ, khu phong tỏa. Buổi tối, anh lái xe đi phát quà cho người nghèo.

Từ 5h mỗi sáng, anh Phạm Hữu Tình (sinh năm 1984) lại tất bật cùng các thành viên CLB Suối Mát Từ Tâm vo gạo, thổi cơm, gọt, rửa rau củ quả để chuẩn bị nấu các suất ăn miễn phí cho lực lượng chống dịch, người cách ly trong khu phong tỏa.

Chia sẻ với Zing, anh Tình cho hay gian bếp hoạt động hơn nửa tháng nay với sự tham gia của gần 50 người. Ban đầu, nhóm dự định nấu 1.000 suất cơm/ngày. Tuy nhiên, số lượng đăng ký ngày càng nhiều thêm, dao động 2.000-3.000 suất, thậm chí lên tới 3.800 suất/ngày.

Nhìn người đàn ông luôn tay xào, nấu trong căn bếp đỏ lửa không khác gì đầu bếp chuyên nghiệp, ít ai nghĩ anh là chủ chuỗi thời trang ở TP.HCM

clip_image020[4]

Anh Tình phụ trách nấu nướng trong gian bếp 0 đồng.

Sáng nấu cơm, tối đi phát quà

Theo anh Tình, hàng ngày, gian bếp của CLB Suối Mát Từ Tâm được thông báo số suất ăn cần chuẩn bị cho hôm sau để 2 thành viên mua nguyên vật liệu. Sau các khâu sơ chế, từ 6h sáng, anh cùng 3 người phụ trách nấu nướng bắt tay vào việc. Tới khoảng 9h30, đồ ăn sẵn sàng để đóng vào hộp kèm trái cây, nước uống, cà phê.

Anh Tình cho biết nơi tiếp nhận các suất ăn là đội truy vết và nhập dữ liệu F0, F1 ĐH Y Dược TP.HCM; bác sĩ Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM; Ủy ban Mặt trận các quận 6, 8, Tân Bình, Bình Thạnh; Thành Đoàn; các khu cách ly công nhân nghèo ở quận 7, 12, Bình Thạnh; khu cách ly điều trị F0 quận 7, 10; đội phun khử khuẩn thành phố… Để đảm bảo an toàn, người của các đơn vị này tự chạy xe đến lấy đồ.

“Mọi người trong bếp làm việc theo dây chuyền, khá chuyên nghiệp. Ai cũng đeo găng tay để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ 12h trưa, chúng tôi lại chuẩn bị nấu cho buổi tối”, anh nói.

Kinh phí cho hoạt động trên hầu hết đến từ sự đóng góp của mạnh thường quân, hội diễn viên trẻ TP.HCM, nghệ sĩ, hoa hậu.

clip_image022[4]

clip_image024[4]

Gian bếp của CLB luôn đỏ lửa, sẵn sàng phục vụ hàng nghìn suất ăn miễn phí mỗi ngày.

 

Kết thúc công việc ở gian bếp, khoảng 19h, anh Tình lại dùng xe cá nhân rong ruổi đi khắp ngõ, hẻm để phát quà gồm gạo, rau củ quả đến tận tay người gặp khó khăn. Thỉnh thoảng, anh phải đi nhờ xe của các chiến sĩ công an phường.

“Tôi gặp nhiều trường hợp là người tàn tật, mẹ đơn thân, bán vé số. Một số mới vào Sài Gòn còn khó khăn, không biết chỉ đường qua điện thoại nên tôi không thể tiếp cận để giúp đỡ. Mỗi lần như vậy tôi khá buồn. Vì số người cần hỗ trợ nhiều, có hôm 22h tôi mới về đến nhà”, anh Tình kể.

Trước khi tham gia nấu cơm và đi phát quà, anh từng làm tình nguyện viên xét nghiệm Covid-19 hay hỗ trợ siêu thị.

clip_image026[4]

Anh Tình đi phát quà cho người khó khăn ở TP.HCM.

Làm từ thiện hơn 10 năm nay

Đi sớm về khuya mỗi ngày, anh Tình nói gia đình hoàn toàn ủng hộ vì đã quen với việc anh làm thiện nguyện hơn 10 năm nay.

Cuối năm 2010, với nền tảng là giám đốc marketing cho một công ty và có mối quan hệ rộng, anh bắt đầu đứng ra kêu gọi quyên góp cho bệnh nhân tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM được 50 triệu đồng. Anh cảm thấy rất vui khi trao tận tay mỗi hoàn cảnh khó khăn 200.000 đồng.

Năm 2011, anh Tình sáng lập CLB Nghĩa Tình Đất Việt hướng đến hỗ trợ các vùng sâu vùng xa, trẻ em và người già neo đơn. Đến nay, CLB có hơn 100 thành viên rải rác khắp tỉnh thành trên cả nước.

clip_image028[4]

Ông bố đơn thân tham gia nhiều hoạt động tình nguyện trong dịch.

Dịch Covid-19 bùng phát khiến công việc kinh doanh của anh Tình lao đao hơn 1 năm qua. Anh quyết định đóng góp sức mình cho các hoạt động tình nguyện để sớm đẩy lùi dịch. Chị gái anh được truyền lửa, cũng tích cực làm từ thiện trong mùa dịch.

Hiểu rằng những việc đang làm có thể khiến bản thân trở thành F0, anh Tình chủ động phòng tránh như dùng kính chắn giọt bắn, khẩu trang, nước sát khuẩn và giữ khoảng cách với người khác.

Hơn 3 tháng nay, anh Tình phải xa con vì 2 bé về ở với mẹ tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) để tránh dịch.

“Tôi là bố đơn thân. Mỗi tối đi làm về, tôi hơi buồn vì nhớ các con mà chỉ có thể gọi video để hỏi han. Giờ con ở với mẹ, được chăm sóc chu đáo nên tôi cũng yên tâm”, anh chia sẻ.

Người đàn ông 37 tuổi nói thêm: “Tôi cảm thấy những việc mình đang làm rất bình thường. Hàng ngày làm điều tử tế, tối về tôi luôn có giấc ngủ ngon. Thiện nguyện là công việc tôi tâm huyết từ nhiều năm nay, nên hết dịch tôi vẫn sẽ làm. Trước mắt, tôi sẽ cố gắng đến khi nào không thể đi được nữa”.

 

 

SÀI GÒN, NHỮNG NGƯỜI TỪ TÂM

FB Ngân Hà Trần

1.

Thức giấc, nhận được hai tin nhắn ở 2 khu phong tỏa, một ở Tôn Thất Thuyết, P16, Q4 và 01 ở Hóc Môn. Gọi điện để hỏi thăm tình hình, thì thấy 60 hộ người dân ở TTT, Q4 chủ yếu là công nhân thất nghiệp, ở trọ mà đã bị phong tỏa hơn 2 tuần nay không có ai tiếp tế. Cô Hương là tổ trưởng tổ khu phố này đã nhắn lên mạng xin trợ giúp. Mình hỏi cô nếu mình đưa đồ đến, cô có thể giúp chia cho người dân được không, cô nói có được thì mừng quá, làm gì cô cũng làm hết. Nói chuyện với cô xong nhẩm xem thì thấy sẽ gởi 300kg gạo (mỗi bao 5 ký cho 60 hộ) và mì gói, với rau. Nhưng gạo và mì mình đặt được, còn rau thì tính sao bây giờ? Thế là post lên Fb cầu cứ 5000 anh chị em. Chỉ sau 2 tiếng đồng hồ, đã có rất nhiều tin nhắn hỗ trợ. Cuối cùng thì 60 hộ dân ở đây đã có duyên hạnh nhận được rau của nhóm bạn Phạm Hữu Đạt Thịnh ở báo Môi trường và Xã hội gởi đến 200kg rau với đủ loại. Bạn Phạm Huệ nhắn tin: “Chị ơi, em có 100 hộp thuốc Panadol”, vậy là bạn ship tới cho cô luôn. Bạn Đạt Thịnh nói: “Lúc chuẩn bị rau cho bên cô Hương trời mưa lớn quá nên chắc không chu đáo được, chị nói cô giúp chia phần cho các gia đình nghen chị, em xin lỗi”- “Yên tâm em ơi, chị sẽ nói cô, nhưng mà chị cũng đang lo cho cô không biết có đủ sức làm không, để chị gọi cô”. Mình gọi cho cô Hương và trao đổi ngay: “Cô ơi, lát nữa rau đến, gạo xuống, cô phải gọi các em trẻ khỏe ra bưng vô và chia phụ nha cô, em nghe nói P16, Q4 cũng đang có dịch lây lan, cô nhắc mọi người khẩu trang, giãn cách chia phần nha cô. Mà cô cũng không thể làm một mình được”.

Cuối cùng thì mỗi hộ gia đình cũng đã nhận được phần quà nhỏ từ tấm lòng của các anh chị em bạn bè khắp nơi gởi đến, và cô Hương, một người Tổ trưởng tổ dân phố hiếm thấy giữa lòng đại dịch này, khi mà nhan nhản những kẻ lợi dụng chút quyền hành bóp cổ dân đen, khi mà bắt dân quỳ xuống van lạy mới cho họ tiếp tế cho con cháu mình. Như chuyện này: "hôm nay có anh chuyển 4 tấn rau đi phát khắp nơi, đến lúc nhận tin nhắn cháu mình cách ly 4 ngày ko có gì ăn, đến tận ngõ tiếp tế cho cháu và 30 nhà trong hẻm mà công an khu vực nhất định ko cho nhận hàng. Năn nỉ muốn quỳ lạy luôn nó cho nhận 1 thùng mì.

Ổng bức xúc kêu..tui bỏ luôn cô ạ, đau lòng quá"- Fb Hoai Thu Tran

2.

Anh lái xe tuổi tỵ 1965, vừa chạy xe vừa kể chuyện mình xin phép vợ ra đường chống dịch: “Vợ tui nó yên tâm hoàn toàn vì biết tui khỏe, có sức đề kháng gấp mấy lần người thường. Ngay cả việc chích ngừa tui cũng sẵn sàng nhường người khác. Vợ tui mà đã yên tâm về sức khỏe của tui thì cô biết đó, có gì mà phải xoắn”. Tôi cũng không hiểu ông anh tóc muối tiêu, 56 tuổi này lấy đâu ra sức lực mà bưng những thùng hàng nặng vài chục ký vẫn không bị sụn lưng. Nguyên cái xe hơn 1 tấn hàng mình ổng ở trên đưa hàng xuống. Ở dưới có 2 cậu thanh niên chừng ngoài hai mươi tuổi làm bảo vệ thì tay chân loèo khoèo than tới than lui: “Trời ơi, nguyên xe luôn hả? Biết chừng nào mới chở hết? Chở mấy chuyến?”…bla… bla… anh lái xe nghe thì có vẻ bực mình lắm, tui trong lòng cũng rất… bực nhưng vẫn mỉm cười tươi vui, mình đi trao quà mà mình nhăn nhó sao được, bị dân tình chửi ngay: “của cho không bằng cách cho”, nhưng đâu có ai biết, những người nhận cũng nên học cách nhận. Thôi thì đang dịch bệnh, vấn đề lớn nhất là bữa ăn cho người bệnh, cho y bác sĩ, nhân viên y tế… chớ không phải ba cái than van lẻ tẻ này. Cuối cùng hai anh em cũng xong hơn 1 tấn hàng, trời thì mưa mà anh ấy mướt mồ hôi, còn tui muốn sụm lưng luôn. Nhưng leo lên xe, lại cười nói vui vẻ. Anh lái xe nói: “Tui muốn làm việc tiếp chớ ở nhà buồn lắm. Vòng Tay Việt sẽ có tiếp phải không cô?” – “Dạ, còn dịch là còn Vòng Tay Việt anh ơi, em hỏi chị Kim Anh rồi”. Nói vậy để trấn an ảnh chớ trong lòng cũng không chắc, bởi nếu mọi người ngưng tiếp sức, thì Vòng Tay Việt cũng sẽ đành ngưng thôi. Nhưng buồn này không phải là nỗi buồn nghỉ ngơi, mà là nỗi buồn của sự tuyệt vọng… Sài Gòn mà kéo dài, chắc cũng không ai còn gì để cho nữa.

***

Vẫn còn đó những nghịch lý và hồ nghi

Có một nghịch lý đang diễn ra trong việc chống dịch của Sài Gòn, đó là trong lúc người dân và các y bác sĩ tuyến đầu hết sức nỗ lực để đưa Sài Gòn vượt qua dịch bệnh thì những chính sách với văn bản không rõ ràng lại biến thành những… barie chắn lối. Hôm nay tôi đưa nhiều Stt phản đối là bởi vì không chịu đựng được nữa (dù đã im lặng chịu đựng để đẩy mạnh việc mình đang góp cùng), phải lên tiếng chớ không thì những gì tất cả người dân và các y bác sĩ đang làm đều đổ sông đổ bể.

Sai thì phải sửa, và sửa ngay cấp kỳ, đó mới là an dân, rộng lòng, có lương tâm, có đầu óc. Sai mà vẫn cố chấp để cho cái sai tiếp tục hòng chứng mình mình mới có quyền lực để sai, thì quả là thảm họa cho đất nước.

Ngân Hà

clip_image030[4]

Nhóm các bạn hỗ trợ rau của Đạt Thịnh báo Môi Trường & Xã hội

clip_image032[4]

Gần 200 kg rau đủ loại chi cho bà con

clip_image034[4]

Rau về tươi mới làm sống dậy cả khu phố

clip_image036[4]

Thêm gạo của mạnh thường quân VTViet và thuốc cảm sốt từ bạn Phạm Huệ

clip_image038[4]

300kg gạo giá tài trợ của cty Tấn Vương chở tới cấp kỳ

clip_image040[4]

Cô Hương tận tình đưa đến tân cửa những nhà bị cách ly hoàn toàn

clip_image042[4]

Món quà đậm tình của người dân cả nước chia sẻ với người dân Sài Gòn lâm vào cảnh khốn khó vì dịch bệnh covid-19 tràn lan

 

 

TRANH Nhật Ký Chống Dịch

CÓ MỘT H'HEN NIÊ LÀM SHIPPER 0 ĐỒNG MÙA DỊCH, KIÊM LUÔN CẢ BỐC VÁC VÀ RỬA CHÉN clip_image044[4]

H'Hen Niê bất ngờ được cộng đồng mạng đặt cho một biệt danh mới đầy thân thương: Hoa hậu shipper 0 đồng, sau những hình ảnh cô nàng sẵn sàng dấn thân ra đường trong mùa dịch để làm công tác thiện nguyện

Điều khiến người ta ấn tượng là nàng Hen lại mộc mạc đến mức mặc áo thun, quần thì xăn cao mang thêm đôi dép kẹp cho dễ di chuyển. Và tất nhiên, cô cũng không ngại ôm vác những bao hàng, túi hàng nặng.

Chưa hết, giao hàng từ thiện xong, H'Hen Niê tiếp tục đến quán cơm từ thiện hỗ trợ đóng gói những phần cơm, để chuyến đến cho ngươi dân trong khu cách ly. Thậm chí nàng hậu cũng không ngần ngại xông pha vào rửa chén phụ các bạn trẻ.

Theo: Viezone

clip_image046[4]

TRANH Ở Đâu Cũng Chụp

Xin ghi lại khoảnh khắc đầy hạnh phúc của các bạn tình nguyện viên GO VOLUNTEER ! sau một ngày dài ướt đẫm mồ hôi chiến đấu ở tuyến đầu,

Là giây phút hạnh phúc khi vừa hoàn thành nhiệm vụ hôm nay được giao một cách suôn sẻ,

Là giây phút hạnh phúc khi hôm nay lấy mẫu cả khu chẳng có dương tính ca nào,

Là giây phút hạnh phúc vì được người dân vỗ tay cảm ơn hay chăng cái gật đầu sau hàng tiếng dài làm nhiệm vụ,

Là giây phút hạnh phúc khi nhìn xung quanh đồng đội vẫn ở đó, chiến đấu cùng mình mỗi ngày,

Là giây phút hạnh phúc khi lại có thêm thiệt nhiều niềm tin Sài Gòn sẽ mau chóng khoẻ lại,

Dẫu biết nói quài tới thuộc lòng, nhưng mỗi ngày thức dậy, thấy những chiếc sĩ áo trắng áo xanh vẫn kiên cường chiến đấu, lòng luôn thầm cảm phục và biết ơn rất rất nhiều. Sức trẻ Sài Gòn, sức trẻ Việt Nam thiệt tuyệt vời!

/

Bức vẽ được tụi mình hoạ lại từ khoảnh khắc của 5 chàng trai đội khử khuẩn nhảy múa hạnh phúc sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Tác giả bức hình của bạn chiến sĩ áo xanh Phi Vũ.

Bức vẽ nằm trong một project nhỏ mang tên “Sài Gòn chơn thành” vẽ lại những khoảnh khắc thiệt đẹp, biên lại những tỉ tê tử tế giữa Sài Gòn này, mong lan toả được thiệt nhiều năng lượng tích cực đến khắp mọi người.

Project nhỏ bắt đầu thực hiện của @odaucungchup và @p.n.a.r.t

#Saigonchonthanh #odaucungchup #pnart

clip_image048[4]

clip_image050[4]

clip_image052[4]

clip_image054[4]

clip_image056[4]

clip_image058[4]

TRANH Thăng Fly Comics

Lúc này những người khác cũng cần được cứu anh em ạ.. Thông tin tôi để ở dưới.

clip_image060[4]

Mẹ mình cũng từng cần máu. Và những người tình nguyện hiến máu lúc đó mình sẽ nhớ ơn suốt đời. Các thanh niên khỏe mạnh có thể tìm hiểu ở đây nha:

clip_image062[6] NGÀY HỘI HIẾN MÁU “GIỌT HỒNG TRI ÂN 2021” – MỖI TRÁI TIM – MỘT NGỌN LỬA ẢNH HÙNG clip_image062[7]

(03 – 08/8/2021 – Viện Huyết học – Truyền máu TW)

clip_image064[4] Link đăng ký: https://hienmau.vn/events/giothongtrian/

clip_image066[4]

 

[Văn Việt: Tại TP.HCM, người dân có thể hiến máu tại hai địa điểm:

1. Bệnh viện Truyền máu huyết học (118 Hồng Bàng, phường 12, quận 5, TP.HCM)

Hotline: 028. 3955 7858 - 0919660010

Thời gian: 7h - 16h30, tất cả các ngày trong tuần (từ thứ hai đến chủ nhật).

2. Trung tâm Hiến máu nhân đạo thành phố (106 Thiên Phước, quận Tân Bình, TP.HCM)

Điện thoại đăng ký: 028.38685507 - 0937587299

Thời gian: 7h - 16h30 các ngày từ thứ hai đến thứ sáu; 7h - 11h thứ bảy và chủ nhật]