Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 11 tháng 7, 2021

Sài Gòn – Những ngày phong thành (2)

TẢN MẠN TRƯỚC GIỜ PHONG TỎA

FB Nguyễn Thành

Hôm qua 7/7/2021, Sài Gòn số ca nhiễm Covid-19 kỷ lục 766 người và chuẩn bị phong tỏa toàn thành phố, bắt đầu lúc 0 giờ ngày 9/7/2021 dự kiến 15 ngày.

Dù đã qua 3 lần chống dịch, trải nghiệm mọi việc nhưng Sài Gòn vẫn có vẻ nhốn nháo bất an, người ta đua nhau vét sạch các cửa hàng, mặc dù ban lãnh đạo thành phố đã trấn an sẽ có đủ nguồn hàng cung cấp cho toàn bộ nhân dân thành phố trong những ngày phong tỏa. Nhìn thấy mọi người xúm vào mua bán, trong lòng tôi lại dấy lên mối lo, liệu trong số người đang chen nhau kia có ai là F0, F1...? Thôi không dám nghĩ tiếp...

Giam chân trong nhà đã lâu, dự định đi gởi mấy cuốn sách rồi đảo một vòng xem tình hình đường phố. Vừa tới cửa bưu điện, chưa kịp bước vào trong, cô nhân viên quen mặt đã chạy ra cửa sốt sắng: “Anh đưa cho em rồi về đi, lấy bill sau” Rồi cô lấy vội chồng sách đã gói cẩn thận vội vã đi vào trong làm việc tiếp. Tôi nói với theo “Anh chưa đưa tiền mà”, cô xua tay bảo “Thôi, tính sau, anh về đi”. Hay thật, khách quen có khác, tôi mỉm cười quay ra lấy xe...

Chạy xe tà tà theo đường Trường Sơn vào cư xá Bắc Hải, khu vực nổi tiếng với các quán cafe trải dài qua nhiều con đường, hơn tháng trước lúc nào cũng nhộn nhịp trai thanh gái lịch, nay đóng cửa im lìm như ngủ đông trong cơn dịch. Tôi vòng qua quán cafe Hoa Vàng của gia đình ông Phạm Thiên Thư, quán không bóng khách, bàn ghế chồng chất trong nhà. Chỉ thấy ông Phạm Thiên Thư ngồi trầm tư trước cửa, ngó mông lung lên trời, vẻ mặt thất thần như đang chìm đắm vào một giấc mơ nào đó. Nhìn ông thật cô đơn, tôi muốn dừng lại chụp một tấm ảnh để kỷ niệm hay có dịp viết bài nhưng không dám. Ông mà thấy tôi, chắc chắn sẽ gọi vào cho bằng được, bất cứ ai thấy cách của ông mời chắc chắn sẽ không nỡ lòng nào từ chối, thương lắm...

Tôi đi ngang qua ông mà tâm trạng như có lỗi, mà thôi hết dịch sẽ đến thăm ông với chút quà thơm thảo, mong ông luôn khỏe.

Vòng lại đường Trường Sơn ra CMT8, tới ngã ba Tô Hiến Thành, tôi ghé tiệm vàng quen, vét túi còn mấy trăm dollars bán nốt để gia đình phòng thủ trong những ngày phong tỏa. Chợt chạnh lòng nghĩ đến những người ăn bữa nay lo bữa mai, ở thuê làm mướn, họ sẽ cầm cự sao trong những ngày này. Chính phủ hứa sẽ có hỗ trợ sớm, mong là vậy, nhưng mỗi người 1-1,5 triệu thì xoay sở làm sao...?

Sài Gòn có truyền thống tương trợ nhau những lúc hoạn nạn “Lá lành đùm lá rách”, “Lá rách đùm lá rách hơn”, người có của không ki bo ích kỷ, không đành lòng nhìn những người khốn khổ tuyệt vọng, họ giang tay với những cây ATM gạo, với những phần cơm miễn phí đầy đủ chất dinh dưỡng, với những số tiền nho nhỏ, và nhiều cách giúp đỡ khác nữa... Nghĩa cử được khắp ba miền đất nước và cả hải ngoại hưởng ứng chung tay tiếp sức, tình nghĩa phủ đầy khắp các nẻo đường, cho tới tận cùng các con hẻm, những xóm lao động có dân tứ xứ đổ về Sài Gòn kiếm kế sinh nhai..., thấy ấm lòng. Mong rằng các cấp chính quyền cũng có những hành động quan tâm kịp thời đến họ, nước mắt đã đầy trên những khuôn mặt lem luốc phận người rồi...

Trên đường về nhà, tôi không đi thẳng mà theo đường Tô Hiến Thành, qua Nguyễn Tri Phương, Lý Thái Tổ ra vòng xoay ngã bảy Lê Hồng Phong... Những quán ăn, cửa hàng, tiệm tạp hóa, cửa hàng dịch vụ... hầu như đóng cửa hết chỉ còn vài chỗ bán đồ ăn mang về. Mọi ngả đường phố xe cộ vẫn đông, người đi vội vã như tranh thủ, nhiều nhất là các em shipper vẫn ngang dọc mọi phía tấp nập, chắc hẳn trong những ngày phong tỏa, các em sẽ nhiều việc, là nhịp cầu kết nối các nơi; nhưng nhớ 5K nhé, để bảo vệ bản thân mình và giữ gìn cho mọi người...

Sáng nay, 9 giờ tôi có hẹn đến thầy đông y Nguyễn Đăng Xiêng để xin ít thuốc cần thiết phòng hờ trong những ngày không đi đâu được. Ngay từ sớm mọi người đã rảo khắp nơi cố mua thêm món này, món nọ... Lúc tôi đi qua những chỗ mua bán thì đã thấy sạch bách, CA phường và lực lượng chức năng đang nhắc nhở những xe đẩy bán đồ ăn nhanh, hoặc thực phẩm, trái cây... tranh thủ dọn dẹp.

Hôm nay các em học sinh thi tốt nghiệp THPT ngày cuối, việc bắt buộc phải thi này có thể gây ra nhiều hệ lụy khó lường, chưa biết lớn nhỏ thế nào... nhưng đã có nhiều bức xúc trên mạng xã hội và cả trên một hai tờ báo chính thống. Cha mẹ bấm bụng đưa con đi thi trong bụng đánh lô tô, đứng ngồi không yên, xã hội thì nín thở chờ đợi và cầu nguyện cho các cháu vượt vũ môn và an toàn về nhà... đã có chuyện không hay xảy ra, mong rằng chỉ vậy thôi và ngành y tế khống chế được...

Lấy thuốc xong về nhà, tôi gọi điện hỏi thăm một vài anh chị lớn tuổi đang ở những nơi tâm dịch, hầu hết đều ổn, chỉ có một hai người đang mắc kẹt mà không cho tôi nói với ai. Việc xét nghiệm lấy mẫu là cần thiết cho công tác phòng chống dịch, nhưng có nơi lại biến thành dịch vụ khiến những người lao động cần việc làm khổ thêm, giấy thông hành chỉ có giá trị 3 ngày, hết 3 ngày lại tốn tiền... họ làm sao chịu nổi. Đáng trách những nơi tổ chức không có tầm nhìn, và không có tâm để nhìn thấy dịch vụ này là vô bổ, tạo thêm nhiều phiền toái như cách tổ chức lấy mẫu không khoa học, tập trung quá đông, lộn xộn... vô tình để dịch bệnh có môi trường hoành hành...

Thôi nói nhiều đâm buồn lo thêm. Ngày mai là ai ở nhà nấy, nhà cách ly nhà, xã cách xã, quận cách quận... Xin chúc quý anh chị, thân hữu, các em, các cháu vượt qua thời gian phong tỏa trong tinh thần lạc quan, vui khỏe chấp hành nghiêm chỉnh chỉ thị 16 và triệt để 5K... đồng lòng chúng ta chắc chắn sẻ đẩy lùi dịch bệnh và mọi sự an lành.

Nguyễn Thành (8/7/2021)

SÀI GÒN CỦA TÔI SẼ TRỞ LẠI…

FB Kim Cúc Ngô Thị

Tôi là người thức khuya, vì thức khuya nên nghe được nhiều âm thanh, những âm thanh có thể bị tiếng ồn ban ngày át mất, và cả những âm thanh chỉ xuất hiện vào buổi đêm.

Trước đây vài năm, cứ độ mươi ngày nửa tháng tôi lại phải nghe tiếng kêu cứu: “Cướp…! Cướp…!” một cách đơn độc/tuyệt vọng trong đêm thanh vắng, từ những người đi/về giữa khuya bị giựt điện thoại, túi xách…. Thiệt ra, họ kêu-chỉ-để-mà-kêu, bởi ban ngày ban mặt còn chưa chắc có người dám can thiệp, lý do là lũ cướp giật luôn có đồng bọn ẩn nấp, sẵn sàng tấn công người dám phá-đám chuyện-làm-ăn của chúng. Từ ngày camera được gắn ở góc đường, tiếng kêu cứu đã không còn nghe nữa. Có vẻ như bọn cướp giựt sợ bị camera nhận diện và có thể bị thộp cổ. Vắng âm thanh đó, đêm trong tôi như nhẹ nhàng đi chút ít.

Một âm thanh khác, đúng hẹn và chưa hề thiếu vắng dẫu chỉ một ngày, là tiếng xe đi lấy rác. Khoảng hai giờ sáng, khi xe dừng lại, tiếng xe phì phò khá to, sau đó là tiếng người lao xao cùng với tiếng xẻng/chỗi cào xúc rác, tiếng các thùng rác được máy nâng lên để đổ rác vào xe, cuối cùng là tiếng máy ép rác gầm gừ ầm ào… Tất cả kéo dài chừng mươi phút. Vào những ngày cận tết, đống rác dồi dào, phong phú hẳn, vun cao lên, thời gian lấy rác kéo dài hơn, và công nhân cũng ầm ỹ hơn hẳn. Họ trò chuyện như vỡ chợ, có người còn gọi điện thoại, nói chuyện oang oang, chẳng biết gọi cho ai vào cái giờ khuya khoắc ấy.

Vào lần đầu phong tỏa toàn thành phố Sài Gòn, sự khác biệt về âm-thanh-của-đêm ngay lập tức bộc lộ. Xe rác vẫn tới đúng giờ và tiếng xe vẫn ồn ã, nhưng tiếng người thì nhỏ hẳn lại. Có vẻ những căng thẳng/âu lo quá lớn trong đời sống đã khiến công nhân vệ sinh trở nên lặng lẽ hơn, đầy chịu đựng. Bởi họ thuộc tầng lớp yếu thế trong xã hội, tầng lớp luôn chịu ảnh hưởng nặng nề nhứt mỗi khi có biến động kinh tế. Do rác ít hẳn đi, thời gian lấy rác cũng ngắn lại. Một Sài-Gòn-thành-phố-tiêu-thụ đã giảm hẳn phần sôi động nhứt của mình, giảm hẳn những thú vui chơi/mua sắm/tiêu xài, mà không vui chơi-mua sắm-tiêu xài thì không có rác. Và cư dân trong thành phố không hề biết, chính thứ rác-thải-sinh-hoạt hàng ngày hết sức bình thường của họ, đã trở thành nguồn thu/nguồn sống cho một số ít những người nghèo/người thất cơ lỡ vận vẫn đang thở hít chung bầu không khí đô thị đầy khói xăng bụi mịn cùng với họ…

Buổi tối, sau giờ mà các bịch-rác-gia-đình đã được mang tới vất ở góc-rác, sẽ có nhiều lượt người-mót-rác xuất hiện. Tôi đã đứng trên hành lang lặng lẽ quan sát khi lần đầu nhìn thấy người phụ nữ với chiếc xe tay ga dựng gần đó đang lúi húi bên đống rác. Đầu tóc, quần áo cho thấy bà ta không phải dạng người nghèo tới mức phải đi mót-rác. Tuổi bà khoảng trên dưới sáu mươi, cái tuổi mà con cái đã trưởng thành, để có thể nhờ vả chúng nếu cần. Thời điểm đó là khi đại dịch đã trở lại Việt Nam, và làm đảo lộn hoàn cảnh sống của rất nhiều gia đình. Hàng vạn công ty vừa và nhỏ đã thua lỗ/phá sản. Rất nhiều người lao động đã mất việc làm, mất nguồn thu/nguồn sống. Người phụ nữ mới gia nhập nghề mót-rác này đã chuẩn bị rất kỹ: trên chiếc xe tay ga máng nhiều bao tải: loại lớn nhứt dùng để chứa thùng các-tông, còn loại nhỏ hơn dùng chứa vỏ lon nhôm, vỏ chai nước, đồ nhựa... Trong khi lục-rác, động thái của bà thật ung dung, không có vẻ gì xấu hổ/né tránh sự chú ý của người khác. Lục xong đống rác này, máng tất cả bao bì lên xe, bà lại rồ ga chạy tiếp tới những đống rác khác, trên một lộ trình trong-kế-hoạch. Tôi theo dõi bà chừng vài tháng thì thấy bà không còn chạy xe tay ga mà dùng xe Nhựt đời cũ. Sau đó, vào một số ngày, bà lại còn gánh các túi rác trên vai bằng chiếc đòn gánh mà nông dân vẫn dùng để gánh lúa (người chưa từng gánh gồng sẽ không thể làm được vì rất đau vai). Thời gian sau, lại thấy bà lại tiếp tục ngồi xe gắn máy cũ đi mót-rác. Sau những đợt dịch liên tiếp, tôi không còn nhìn thấy bà bên đống-rác-quen nữa, chẳng rõ việc gì đã xảy ra cho bà và gia đình, và những thay đổi nào đã đến cho những người có hoàn cảnh giúng bà.

Tôi đã quen-mặt những người mót-rác-chuyên-nghiệp trên đống-rác-gần-nhà này. Họ là cặp vợ chồng tuổi khoảng ba mươi, đẩy một chiếc xe ba gác móc thêm nhiều bao tải quanh thùng xe, họ lục rất kỹ từ đống-rác-tập-thể tới những bịch-rác-gia-đình trước mỗi hè nhà, lượm lặt tất cả mọi thứ có thể đem bán. Cùng nghề-mót-rác với họ còn có ba, bốn người cả nam lẫn nữ đều đi xe đạp, tuần tự kẻ trước người sau ghé thăm-đống-rác, khi liếc thấy nó đã bị xốc xáo tới mức tanh bành, hiểu là chẳng còn gì để mót, họ lại đạp xe đi thẳng. Có một phụ nữ tuổi bốn mươi cao lớn khỏe mạnh, trước là người đi thu mua ve chai báo cũ, mặt mũi áo quần tươm tất, về sau ngày càng lôi thôi lếch thếch, mặc toàn áo sơ mi đàn ông cũ xin được, và hình như đã dạt ra sống vạ vật ở vỉa hè. Còn người đàn ông mỗi đêm vẫn ngồi xe lăn ngang qua dòm chừng đống rác, hễ thấy có thứ gì còn mót được thì tạt vào, cứ ngồi trên xe cúi xuống lục lọi những gì ở gần nhứt, trong tầm với của cánh tay.

Có một người đàn ông cao gầy tóc bạc tuổi đã ngoài bảy mươi, đẩy chiếc xe trên có người mẹ rất già, gầy lép ọp ẹp nửa nằm nửa ngồi, đêm nào cũng đi vòng vòng quanh khu vực, thấy nhà nào có lon nhôm vỏ chai nhựa đang vứt lăn lóc thì tạt vào lượm, bỏ trong các bao tải quàng quanh chiếc xe người mẹ đang ngồi. Nhiều lần, tôi thấy người này dừng xe để ghé vào mua một ổ bánh mì không, chẳng rõ đó sẽ là bữa khuya hay bữa sáng của hai mẹ con đều đã bạc trắng tóc.

Nhưng những gì nhìn thấy vào đêm 31 tháng 5 vừa qua đã khiến tôi muốn bịnh…

Lúc đó khoảng mười một giờ. Nghe âm thanh lệt xệt là lạ từ dưới đường, tôi ra hành lang nhìn xuống. Một bé gái chừng mươi tuổi đang kéo lê một chiếc túi to tướng trên mặt đường. Đó là một túi chứa các thứ rác mới mót được. Em tạt vào đống rác gần nhà tôi, ngồi sụp xuống lục lọi hồi lâu, hình như chẳng kiếm được thứ gì. Vẻ mặt đầy thất vọng và mệt nhọc, em đứng lên, vén lại tóc, còng lưng kéo cái bao đi tiếp.. Tối hôm sau, vẫn nghe tiếng lệt xệt, tôi lại ra hành lang nhìn xuống. Lần này bé gái không đi một mình. Một bé trai nhỏ hơn, chạy xe đạp phía trước để thám thính, nhìn thấy chỗ rác nào có vẻ còn mót được liền quay lại báo tin cho chị. Hai chị em mặt mày sáng sủa, áo quần sạch sẽ, đang đi tìm rác để mót đúng ngày Quốc tế Thiếu Nhi khiến tôi thấy mọi lời lẽ/hình ảnh mà báo chí, ti vi vừa leo lẻo nhắc tới quả thật mỉa mai. Có phải gia đình đã đói khổ tới mức cha mẹ phải đành lòng cho các em đi mót rác? Hay chính các em, khi thấy cảnh gia đình bế tác đã tình nguyện gia nhập đội quân mót rác trong cái đô thị lớn nhứt nước này? Những tối sau đó, tôi có ý chờ hai em, nhưng rồi qua nhiều đêm, tôi không còn trông thấy chúng. Có phải số tiền kiếm được từ việc mót-rác chẳng được bao nhiêu nên cha mẹ đã không cho các em làm tiếp? Liệu các em có còn được tiếp tục học hành hay đã phải bỏ học nửa chừng vì không còn đủ cơm ăn áo mặc…?

Chỉ một đống rác bình thường ở một khu dân cư bình thường mà đã có bao con người sống dựa vào đó, gởi hy vọng đời sống mình vào đó. Rác-nhà-nghèo té ra cũng nuôi được một số đồng loại thuộc dạng cực-nghèo!

Tháng 6, khu vực nhà tôi vẫn còn nhúc nhích được bởi chỉ giãn-cách-số-15, nhưng qua tháng 7 thì đống rác gần nhà đã teo tóp, tiều tụy hẳn, và vì vậy trở nên vắng-khách. Những người mót-rác-chuyên-nghiệp đi ngang qua nhìn lướt, chẳng buồn ghé lại, vì rõ ràng chẳng có gì để mót. Hàng quán đóng cửa, nhà nhà khép cửa, không còn thùng cac-tông, lon nhôm, vỏ chai nhựa… , không còn các thứ rác giúp họ mòn mỏi sống qua thời kỳ dịch dã dài lâu…

Rác mà còn ốm đói, đủ biết con người đã kiệt quệ tới mức nào…

Khi tôi viết những dòng này, vào buổi tối đầu tiên Sài-Gòn-lại-phong-tỏa 9 tháng 7, tôi nhớ lại đêm qua, tôi đã thức tới 3 giờ sáng...

Để thấy, vẫn còn một ít xe cộ đang chạy thốc tháo trên đường lúc gần nửa đêm. Có lẽ những con người vội vã ấy đang lao nhanh nhứt để kịp về nhà trước khi phong tỏa có hiệu lực, tránh không bị phạt.

Để rồi sau 0 giờ, tất cả vắng tanh vắng ngắt, chẳng còn lấy một bóng xe/tiếng động.

Đúng là thành phố Sài Gòn đã bị ngắt-cầu-chì/tắt-năng-lượng.

Sài Gòn sẽ chịu đựng và sẽ tìm ra cách vượt qua, như đã từng… Chỉ cần chúng ta biết rõ chính mình...

Sài Gòn của tôi, thành phố đã giang tay chào đón khi tôi mười tám tuổi, thành phố đã khai mở con-người-công-dân/con-người-văn-hóa trong tôi, đã lặng lẽ trao cho tôi một mẩu nhỏ phẩm giá của mình, giúp tôi hiểu ra rằng mình cũng sẽ trao tặng lại cho thành phố những gì quý nhứt mình có, để bằng cách đó, góp phần tạo dựng một nơi chốn của cái đẹp, lòng tin, sự bao dung, niềm hy vọng, và nỗi khát khao tiến về phía trước, phía của ánh sáng.

Sài Gòn của tôi sẽ trở lại/phải trở lại, vẹn nguyên một Sài-Gòn-giá-trị-có-thật của Việt Nam thân yêu…

CẬP NHẬT NGÀY 10/7:

6 giờ 30 sáng, bên phường 14, quận 5 gọi điện yêu cầu Quán Cơm Xã Hội Nụ Cười 1 phải ĐÓNG CỬA (Dù ngày mở bán hôm qua bà con chấp hành rất tốt việc giãn cách). Người nghèo chưa đủ khổ hay sao mà lại cấm quán cơm ngay lúc này?

***

SÀI GÒN GIỜ G

FB Minh Hòa

Tối qua đang định tắt máy tính đi ngủ sớm, một người chị rất thân thương nhắn tin vầy: “Em à. 0g ngày mai chụp cái ảnh đi em. Lịch sử nữa đó !”. Ý tưởng của chị rất ý nghĩa, mình suy nghĩ phải chụp ở đâu để thể hiện giây phút lịch sử Sài Gòn? Phải có gì đó liên quan đến giờ, chợt nhớ ra cái đồng hồ huyền thoại của Sài Gòn ngay Bưu Điện TP, lập tức xách máy lên đường.

Mình yêu Sài Gòn, mình thích ghi lại những khoảnh khắc lịch sử của Sài Gòn trong ngày đầu tiên giãn cách toàn TP 2021.

SaiGon - July 9, 2021

Minh Hoà Photography

Instagram: minhhoaphoto

#fashionphotography

#travelphotography

#SaiGonCovid2021

clip_image002[6]

Ánh nắng chiều le lói tháp cổ và hiện đại.

clip_image004 Các tình nguyện viên chống dịch

clip_image006

Mình đó... chân dài thấy ớn à. Ahihi...!

clip_image008

Chiều nay rất rất ít xe

clip_image010

Một dãy shop bên hông chợ Tân Định rất sầm uất trong những ngày bình thường, nay đìu hiu tạm đóng cửa thực hiện chỉ thị 16.

NHẬT KÝ PHONG THÀNH

Fb Tran Le Hoa Tranh

Chiều nay, Gold chở mình về sau khi đi làm nhiệm vụ khẩn thiết trước giờ lock down. Đi ngang qua một ngã tư, mình thấy có hai mẹ con bán vé số nhìn lam lũ ngồi thụp xuống vỉa hè khóc. Đi nhanh nên mình không thể dừng xe để hỏi, cũng hơi e e nữa….

Về nhà, đọc ngay tin ngừng hoạt động bán vé số, ngừng dịch vụ ăn uống giao hàng,…

Những thoi thóp của dân nghèo thành phố, giờ cũng bị triệt rồi. Bán hàng đi giao là phương cách duy trì một cách cầm cự giữa mùa dịch của nhiều hàng quán lẫn tài xế công nghệ. Nói thiệt là vì mình thấy mình khá hơn họ, nên tháng dịch vừa rồi mình mua đồ nhiều. Thâm tâm mình nghĩ: mua giúp người bán, giúp tài xế công nghệ. Mình luôn lặng lẽ bấm tips cho tài xế, còn nhẩm tính nếu 1 ngày có 10 người tips cho họ thì họ cũng được 50-100k. Bán vé số cũng là để sống được qua ngày vừa là bán niềm vui, vừa để có khi được sự xót thương của ai đó. Giờ cũng tiêu rồi! Ừ thì vì triệt để dập dịch đi, nhưng họ sẽ sống bằng gì? 15 ngày này, họ có được phát cho mỗi ngày khoảng 100.000đ để trang trải sinh hoạt không? Nếu có, mình sẵn sàng ủng hộ chủ trương dập dịch quyết liệt!

Năm ngoái, trước ngày phong toả, mình và em mình TranLe HoaLe đi phát quà cho bà con bán vé số, rồi sau đó phát động được gần 200tr đi giúp đỡ Hội người mù mười mấy quận. Năm nay mình không làm gì hết, vì bận quá! Chỉ có thể thầm lặng ủng hộ vài nơi lo quà cho người nghèo. Nhưng như thế, mình cảm thấy chưa đủ!!!

Cứ nghĩ đến nước mắt giàn giụa của người nghèo là mình buồn quá đỗi. Mình làm gì được cho họ đây?

Một Saigon thật vắng lặng, thật thương!

clip_image012

MỘT CON CHÓ CÓ THỂ CHẾT ĐÓI...

FB Lưu Trọng Văn

clip_image002[4]

Theo báo Tuổi trẻ ông L. 50 tuổi ở quận 12 mua nhà mới ở Gò Vấp chưa về ở, nuôi một con chó để canh nhà, đem cơm cho chó ăn đã bị chặn lại.

Lý do cảnh sát viên đưa ra là theo chỉ thị 16 của chính phủ không có điều khoản nào nói rằng cho chó ăn là việc cấp thiết.

Nếu câu chuyện này xảy ra ở Mỹ, Nhật hoặc châu Âu chắc chắn sẽ gây xúc động lớn và tạo nên làn sóng phẫn nộ đối với cảnh sát viên trên.

Nếu con chó không được cho ăn suốt thời gian cách ly chắc chắn nó sẽ chết.

Với bất cứ ai nuôi chó và coi nó là vật cưng sẽ nghĩ sao trước cái chết của con vật gần gũi với con người này?

Thật buồn việc cho chó ăn không được viên cảnh sát linh hoạt mà cứ máy móc áp dụng chỉ thị của cấp trên, coi đó là việc không cấp thiết, chính đáng, có thế dẫn đến con chó vô tội bị chết đói ở tp được đề cao sống nghĩa tình này.

clip_image003

Cảnh sát viên và ông L. chủ của con chó. Hình chụp lại video của báo Tuổi trẻ.

 

NỤ CƯỜI VẪN ĐỎ LỬA

FB Tap Nguyen

Sáng nay 9/7, ngày đầu tiên toàn Sài Gòn bị phong toả, bếp ở các quán cơm Nụ Cười 1,2,6 vẫn đỏ lửa để gởi đến bà con hơn 1.500 suất cơm như mọi ngày.

**

Từ hôm qua, bà con đã nháo nhào lo lắng: “Cấm ra đường vậy quán còn mở không?” Phần lớn bà con đến ăn ở quán đều là lao động tự do (lượm ve chai, bán vé số, xe ôm, thợ hồ...), đây là đối tượng bị cấm làm việc trong 15 ngày sắp tới.

Thật sự, chúng tôi cũng lo vì một trong những nội dung của chỉ thị 16 có yêu cầu “không bá.n thức ăn mang về”. Các điểm, quán từ thiện hoang mang, nhắn nhau í ới: “bếp của bạn tôi bị cấm”, “phường yêu cầu chúng tôi không được tụ tập”...

Riêng với các quán Nụ Cười 1,2,6, mỗi ngày một quán nấu từ 500 đến hơn 600 suất, 6 ngày/tuần (trừ CN). Nếu ba quán ngừng hoạt động có nghĩa là 1500-1800 bà con nghèo có thể sẽ bị đói. Không đành lòng, nên chúng tôi quyết định ngày 9/7 vẫn nấu cơm (trong sự phập phồng).

**

Sáng nay đi một vòng các bếp, điểm từ thiện đều thấy đóng cửa. Một số chỗ như đánh du kích, chỉ mở cửa he hé để tình nguyện viên có đến thì gọi để lấy mang đi phát thôi. Từ bao giờ mà việc thiện nguyện phải lén lút như ăn trộm thế này?

Để đảm bảo an toàn, ngoài việc yêu cầu mọi người phải đeo khẩu trang, các quán Nụ Cười 1,2,6 còn xịt nước sát khuẩn rửa tay cho bà con, vạch phấn để bà con đứng giãn cách đúng quy định. Có lẽ cũng hiểu lần này nghiêm trọng, chỉ cần túm tụm, vi phạm 5K là quán có thể bị đóng cửa bất cứ khi nào nên bà con chấp hành khá tốt. (ảnh)

**

Quán cơm Nụ Cười 6, dù 9 giờ 30 mới bắt đầu gởi cơm, nhưng từ trước đó gần hai tiếng đã có người mang hộp, cà mèn ngồi chờ (từ lâu nay, quán đã yêu cầu bà con mang hộp đến mua cơm để giảm thiểu sử dụng bao, hộp nhựa làm hại môi trường).

“Đi chi sớm vậy bác?”, một bà bác gần 70 tuổi nhà ở Gò Vấp (mé gần Hóc Môn) thở hổn hển: “Tới sớm cho chắc, lỡ hết cơm” “Bác làm nghề gì?”, “Lâu nay tui bán vé số, toàn đi bộ. Cái xe đạp này là mượn đó”.

Trong khi đó, ở Quán Cơm Xã Hội Nụ Cười 1, có người ngạc nhiên khi thấy một chị trung niên sau khi đưa hộp cho chúng tôi lấy cơm, ánh mắt chị rạng rỡ rồi... chắp tay vái lia lịa. Chúng tôi thì không lạ vì chị là khách quen của quán. Lúc nào cũng thấy chị vui vẻ, trên vạt áo của chị luôn có may sẵn hàng chữ: “Người bệnh tâm thần Nguyễn Thị Thu Nguyệt” kèm số điện thoại.

Còn ở Quán cơm xã hội Nụ Cười 2, khi được hỏi “hôm nay có đi làm không?”, bà khách quen lâu năm Trần Thị Hồng Ánh, 66 tuổi, trả lời: “Bây giờ cấm bán vé số thì tui đi lượm ve chai”. “Nhà nước cũng cấm lượm ve chai luôn mà?”, “Cũng phải đi thôi, tui còn phải nuôi hai đứa cháu ngoại nữa.Tui đi lượm từ sáng sớm, nhưng giờ lượm rồi không biết có bán được không”.

Bà nói rồi thở dài. Cái thở dài nghe mệt mỏi chi lạ...

☘️☘️☘️

ĐỊA CHỈ CÁC QUÁN TỪ THIỆN VẪN HOẠT ĐỘNG TỪ NGÀY 9/7 (LIÊN TỤC CẬP NHẬT)

Các bạn mình, ai biết hiện tại có điểm, quán từ thiện nào vẫn ĐANG PHỤC VỤ TẠI CHỖ TỪ NGÀY 9/7, xin báo mình biết để mình cập nhật. Vui lòng ĐỪNG lấy thông tin cũ, bà con tới không có, tội lắm. (Vì hiện tại theo mình biết hầu hết các điểm, quán đều đóng cửa hoặc mang đi phát lưu động). Cảm ơn các bạn nhiều!

**

HUYỆN BÌNH CHÁNH:

Bếp Chay Nhơn Hòa H.Bình Chánh

2.000 phần cơm chay/ngày.

Thời gian: từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều (Riêng Chủ nhật phát đến 12 giờ)

Mỗi người được nhận 1 phần cơm và 2kg gạo/người/ngày (gạo sẽ phát đến hết đợt phong toả)

Địa chỉ: E9/187E Thế Lữ, tổ 9, ấp 6, xã Tân Nhựt, H. Bình Chánh, TP.HCM (Bên đường, xéo cổng BV Nhi Đồng 3, đường cao tốc)

Vui lòng ghi rõ ĐÓNG GÓP CHO BẾP ĂN NHƠN HÒA

Tên TK: Bùi Thị Sáu

Ngân hàng ACB, chi nhánh Phú Lâm

Số TK: 18116178

ĐT: 0913924601, chị Sáu.

***

QUẬN 5:

Quán Cơm Xã Hội Nụ Cười 1

596 Trần Hưng Đạo B, P.14, Q.5 (cạnh chợ vải Soái Kình Lâm)

Tên TK: Quỹ từ thiện Bông Sen

STK : 508338

Ngân hàng ACB, chi nhánh Sài Gòn

****

QUẬN TÂN PHÚ:

Quán cơm xã hội Nụ Cười 2

170 Tân Sơn Nhì, P. Tân Sơn Nhì, Q. Tân Phú

Tên TK: Quỹ từ thiện Bông sen

STK : 508368

Ngân hàng ACB, chi nhánh Sài Gòn

****

QUẬN BÌNH THẠNH:

Quán cơm Nụ Cười 6

11 Nguyễn Huy Lượng, P.14, Q. Bình Thạnh (gần BV Ung bướu)

Tên TK: Quỹ từ thiện Bông Sen

STK : 508388

Ngân hàng ACB , chi nhánh Sài Gòn

****

Hệ thống quán cơm tương trợ 2000 đồng Nụ Cười được kiểm toán bởi ERNST & YOUNG -một trong bốn tập đoàn kiểm toán nổi tiếng và uy tín nhất thế giới. Vì thế, mọi người có thể yên tâm về sự minh bạch.

NHỮNG ĐÓNG GÓP SẼ ĐƯỢC CẬP NHẬT MỖI NGÀY TRÊN FACEBOOK CỦA QUÁN.

Do đợt này nhân sự quá ít, cô kế toán phải kiêm luôn nhiều việc. Vì thế, việc cập nhật danh sách có thể không kịp trong 24 tiếng, ai chưa thấy tên cứ yên tâm, vài ngày sau kiểm tra lại, chắc chắn chúng tôi sẽ cập nhật đầy đủ. Xin cảm ơn!

 

ĐỪNG ĐỂ AI DỨT BỮA

FB Trương Huy San

Một chính quyền dù vì dân và hiệu lực tới đâu cũng không thể hiểu và tiếp cận được tới từng số phận trong xã hội này. Những người đến với các quán cơm Nụ Cười đều là những người chạy ăn từng bữa, giờ đây, họ đều thuộc nhóm bị cấm không được hành nghề. Quận 5 và Chính quyền TP thay vì bắt những cơ sở từ thiện này đóng cửa, nên tiếp sức cùng họ. Hãy coi họ cũng là một lực lượng tham gia chống dịch sát cánh với chính quyền. Đừng để một ai dứt bữa.

 

NÀO TA CÙNG THI ĐUA

FB Binh Bong Bot

Bức ảnh này vừa được chụp ở Đa Kao, quận 1. Chỉ một bức ảnh mà chứa đầy tình thương. Cho đi và nhận lại diễn ra trong một không gian chỉ một mét vuông.

Sáng nay, quán cơm nụ cười 1 ở quận 5 bị yêu cầu đóng cửa. Sáng nay, điểm phát cơm từ thiện ở gần nhà tôi cũng bị yêu cầu ngưng tụ tập.

Hôm qua, “mồng 1 Tết” theo kiểu nói đùa của chúng ta, một vị quan chức thành phố phát động phong trào thi đua giảm F0. Có vị còn nói: đây là trận chiến cuối cùng.

Tôi tự hỏi: thi đua vào lúc này có phải là cách nhanh nhất dẫn đến kết cục… thua đi? Trong thời điểm sinh tử lâm đầu của cả một thành phố, sao người ta không phát động phong trào cùng giúp người nghèo vượt khó? Cùng thi đua xem trong một ngày, địa phương nào trao được nhiều phần ăn hơn, nơi nào trao đi nhiều nghĩa tình hơn mà vẫn đảm bảo 5k và chỉ thị 16? Đó là thứ thiết thực nhất mà ta có thể… thi đua được.

Các nhân viên hành pháp đang rơi vào một tình thế quá khó. Giữa cái lý (phải xiết giãn cách để triệt để chống dịch) và cái tình (bao nhiêu người nghèo cần những bữa cơm để sống sót) cần phải có một hành lang giữa. Ở hành lang đó, những ngời đại diện cho chính quyền và những người có nguồn lực hỗ trợ cần nói chuyên với nhau. Tôi tin là phải có một cách vẹn toàn nào đó để vừa ngăn đại dịch về lâu dài, vừa ngăn cái đói đang thúc bách người nghèo hàng ngày. Chẳng phải đấy là hai mục tiêu cần phải song hành sao, đâu có mâu thuẫn nào ở đây.

Hiện giờ, có rất nhiều người sẵn lòng giúp đỡ. Nhưng tình thương tự phát ồ ạt đó (ai cũng muốn lao ra dường, đi vào những khu phố, giúp đông người nhất có thể) có thể là trở ngại cho việc duy trì giãn cách xã hội. Thành phố có thể hỗ trợ để những người muốn cho tìm đến những người cần nhận không? Tôi tin một thời điểm đặc biệt cần một cơ chế đặc biệt.

Tôi không còn làm báo, không phải quan chức, chỉ là một người đang nhìn thấy quá nhiều tình thương xung quanh mình đang chật vật tìm đến nơi cần đến. Anh Tấn Lộc kể tôi nghe câu chuyện về một cô lễ tân ở một trường học quận Thủ Đức. Cô này nổi tiếng trong trường trong xóm là… xài tiền kỹ, không bao giờ mẻ một đồng nào, ăn uống tằn tiện, chả mấy khi mua sắm gì, lại đang nuôi con nhỏ. Vậy mà nghe tin nhóm anh Lộc chuẩn bị đi trao quà, chị bảo phải để chị góp sức. Nhà hết sạch tiền, ngân hàng đóng cửa, chị nói nhóm anh Lộc… cho mượn, sang tuần có tiền sẽ trả lại liền.

Hay chị lao công ở Bình Tân. Trước giãn cách chị đi giúp việc nhà. Con xe máy của chị cũ đến nỗi chạy chỉ nhanh hơn xe đạp một chút. Chiếc xe ấy đưa chị qua quận 1, quận Thủ Đức, quận 5, quận 7 để dọn nhà cho khách rồi vòng về Bình Tân vào cuối ngày. Giãn cách không cho người lạ vào chung cư, chị thất nghiệp. Vậy mà khi nhóm anh Lộc trao quà cho chị, chị nói chị còn tiền tiết kiệm và mì gói nhiều lắm, nên xin để dành cho người khác.

Bạn tình nguyện vừa đi, chị gọi với lại: “Cho chị góp 100.000 đồng”.

Tôi nhớ mới vài tháng trước, thỉnh thoảng ghé Starbucks Phan Xích Long mua cà phê, tôi hay bị các bạn nhân viên dụ mua phần ăn sáng kèm theo combo. Tôi ăn sáng rồi nhưng cũng mua, rồi mang cho bác bảo vệ phía trước. Bác nói ăn rồi và chỉ một bác bảo vệ khác bên kia đường, ở tiệm Givral: “Con mang cho cái chú bên kia kìa”.

Rồi tôi nhớ câu chuyện vừa đọc sáng nay, khi một đứa bé cầm tay chị tình nguyện của nhóm anh Đàm Hà Phú và nói: “Mấy cô chú đừng bỏ tụi con nhen”.

Các vị lãnh đạo có thể cùng thi đua để không một ai bị bỏ lại không? Đấy chả phải là bước đầu tiên trong hành trình phục sinh một thành phố từ đại dịch đó sao?

clip_image002