Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 9 tháng 7, 2021

Ở cổng bệnh viện

Thái Hạo

Sáng sớm, mình ra vỉa hè uống trà, vừa ngồi xuống thì thấy có tiếng hô hoán, tiếng la hét, rồi người chạy loạn xạ lên. Một người đàn ông lao xuống từ chiếc xe có dòng chữ “trật tự đô thị”, vồ láy cái biển của người bán cháo ở bên kia đường. Mấy người phụ nữ xô tới, người giành, người đẩy, người che chắn. Một bà chửi oang oang “chúng mày ác vừa thôi, để dân người ta sống với”.

Cô bán trà đá chỗ mình ngồi sau khi cuống cuồng gom những chiếc ghế nhựa màu đỏ nhét vào sau gốc cây thì đứng thở, nhìn qua bên kia đường rồi chỉ tay vào chiếc xe 7 chỗ màu đen trước mặt đang đậu dưới lòng đường, “Xe nó đây”. “Xe ai hả cô?”. “Xe chú trật tự”. “Sao trật tự lại đi xe này ạ?”. “Chú ấy là trưởng phường này, kêu lính tới bắt”. “Bán ở đây thì có phải đóng tiền gì không cô?”. “Có chứ, tiền làm luật, tháng 800”. “Sao đóng luật rồi mà còn bắt ạ?”. “Bắt chứ. Ở trên người ta giao xuống, chỉ tiêu, không bắt được thì bị phê bình, nên vẫn phải bắt để đảm bảo thành tích”.

Nhưng cái điều làm mình ngạc nhiên nhất không phải là chuyện bắt bớ hay “làm luật” mà là cái cách người ta đi “dẹp trật tự”. Người thi hành nhiệm vụ thì lại rình, chụp, vồ; người vi phạm thì giành, xô, đẩy. Hai bên, lừ lừ, gờm gờm, nghênh nghênh. Hình như ở cái xứ này cả đứa thi hành luật lẫn đứa vi phạm đều chẳng ai thấy mình có quyền gì cả, tất cả đều vừa lén lút vừa ngạo ngược, vừa sợ hãi vừa oai phong, vừa khiêu khích vừa chạy trốn. Khi chiếc xe trật tự vừa chuyển bánh thì mọi thứ liền trở về nguyên trạng thái ban đầu y như một đám bèo sau khi cục đá đã chìm xuống đáy. Mọi người lại cười nói, lại đon đả chào hàng. Nó không hẳn là một sự khinh nhờn luật pháp hay bất bình đau đớn chi cả mà là cái gì vừa bi vừa hài.

Nhớ lại cái dáng đứng tò te của anh trật tự và ánh mắt vừa đe doạ vừa bất lực của anh ta trong tiếng chửi oang oang của các bà bán hàng. Nó hiện ra một xã hội vô pháp, cái xã hội mà ở đó người ta hành xử bằng giật cướp, bằng hành hung.

Đó là hình ảnh một xã hội mà tất cả đều có tội. Người ta sống bằng đối phó và bất an nhưng rồi đã thành một lẽ thường, lẽ thường của “đấu tranh sinh tồn” như ở chốn rừng sâu.