Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 24 tháng 7, 2021

Kỷ niệm ngày ký kết Hiệp định Genève: 20 tháng 7 năm 1954 – Bối cảnh, Diễn tiến, Nội dung và Hậu quả

Đỗ Kim Thêm

clip_image002

Lễ ký kết Hiệp định Genève, nguồn ảnh @ Internet

Bối cảnh

Ngày 20 tháng 7 năm 1954 là ngày ký kết Hiệp định Genève. Trong bối cảnh xung đột quốc tế và quốc gia, Hiệp định được hình thành để chia lãnh thổ Việt Nam thành hai miền Nam và Bắc, mở đầu cho cuộc di cư của non một triệu người từ Bắc vào Nam; ngược lại, có khoảng 130.000 quân Việt Minh tại miền Nam tập kết ra Bắc và 10.000 ở lại để lo xây dựng cơ sở ban đầu cho cuộc chiến sắp tới. Các biến chuyển trọng đại này đã tạo nên khúc quanh cho lịch sử Việt Nam hiện đại.

Sử gia Hà Nội ca ngợi rằng chiến thắng Ðiện Biên Phủ của Việt Minh trong ngày 7 tháng 5 năm 1954 là nguyên nhân chính buộc cho Pháp phải mở ra hội nghị ngay ngày hôm sau tại Genève.

Sự thật khác hẳn. Đó là một tình cờ trùng hợp ngẫu nhiên trong lịch sử. Hội nghị đã được triệu tập từ ngày 26 tháng 4 năm 1954, nghiã là trước khi Pháp bại trận. Theo kế hoạch đàm phán, ngày 8 tháng 5 năm 1954 mở đầu cho giai đoạn thứ hai để các Ngoại trưởng Liên Xô, Pháp, Anh, Mỹ và Trung Cộng thảo luận về các hậu quả của chiến tranh Cao Ly. Ngày Pháp đầu hàng tại Điện Biên Phủ cũng là ngày các ngoại trưởng tham dự giải quyết vấn đề Đông Dương và tất cả đều có các quan điểm dị biệt.

Việt Nam tham gia hội nghị, nhưng có hai phái đoàn, một phái đoàn làm đại diện cho chính phủ Quốc gia Việt Nam của chế độ Bảo Đại, do Đặc sứ Nguyễn Quốc Định làm Trưởng đoàn, sau thay thế bởi Nguyễn Trung Vinh rồi Trần Văn Đỗ, một phái đoàn thứ hai làm đại diện cho Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH) do Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu.

Kết quả Hiệp định Genève là một cách thu xếp quyền lợi của các cường quốc có ít nhiều quan hệ với Việt Nam và không phản ảnh thực tế chính trị và quân sự của Việt Nam. Việt Minh chiến thắng trên chiến trường Ðiện Biên Phủ, nhưng tại bàn hội nghị Genève không chiếm ưu thế tuyệt đối mà chỉ tham gia để cùng tranh giành quyền lực.

Anh

Thái độ của Anh trong hội nghị là tránh đối đầu với Nga và Trung Quốc, không muốn phụ thuộc vào Mỹ và Pháp. Quan tâm chính của Anh là quyền lợi kinh tế của Khối Thịnh vượng Chung (Commonwealth of Nations), tìm cách tránh những bất lợi kinh tế cho các thuộc địa Hong Kong, Mã Lai và Singapore khi chiến tranh Việt Nam có thể lan rộng.

Liên Xô

Cho đến giữa thập niên 1950, Liên Xô không quan tâm đặc biệt đến Đông Dương, mà trọng điểm chiến lược là phát huy thanh thế tại Đông Âu và giải quyết các đe dọa của Mỹ và khối NATO, trong khi những vấn đề Berlin và Đức đang là sôi bỏng hơn tại châu Á.

Khi Trung Hoa đang chiếm ưu thế chính trị tại châu Á, thì vấn đề tương lai của Việt Nam cũng như phát triển chủ nghĩa Cộng sản tại khu vực là ngoài tầm kiểm soát của Liên Xô.

Chính vì lý do này, sau khi Stalin chết, giới lãnh đạo mới là Khrushchev, Bulganin, Malenkow và Molotov bắt đầu xem Đông Dương là một cơ hội mới để tham dự hội nghị, để nhờ đó mà Liên Xô có thể tiếp xúc với phương Tây và ngăn trở mọi chủ trương của Liên minh Quân sự châu Âu.

Hoa Kỳ

Dù bắt đầu quan tâm đến sự ngăn chặn tham vọng bành trướng của phong trào Cộng sản Quốc tế, nhưng Mỹ tỏ ra cực kỳ dè dặt trong khi tham gia Hội nghị Genève, vì hội nghị còn kéo dài và đang lâm vào cảnh bế tắc.

Mỹ cho là, nếu Hội nghị còn tiếp diễn mà Trung Cộng can thiệp chính trị và Việt Minh còn tiếp tục thắng trận, thì đối sách của Mỹ phải là lập kế hoạch đóng quân tại Việt Nam. Quốc hội Mỹ đang chuẩn bị một dự luật cho phép Tổng Thống mang quân sang Việt Nam. Đó là trong trường hợp khẩn cấp, nếu Paris không có giải pháp nào cho khủng hoảng. Nhưng Hoa Kỳ vẫn không biết rõ chủ trương của Pháp sau khi bại trận. Tổng thống Eisenhower và Ngoại trưởng John Foster Dulles thấy là việc thống nhất hành động trong ngoại giao là cần thiết. Trước mắt, điểm quan trọng nhất mà Ngoại trưởng Dulles muốn chỉ là sao cho hội nghị thất bại.

Cuối cùng, Hoa Kỳ chọn một thái độ khôn ngoan hơn là không mang một sứ mệnh nào trong hội nghị và chờ xem kết quả.

Pháp

Khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc, Pháp là một thành viên trong khối NATO, nên cũng phải có trách nhiệm trong vai trò mới này. Trong khi đó, dân chúng Pháp chống mãnh liệt về nỗ lực tân trang của Đức trong khuôn khổ mới. Cuối cùng, tháng 8 năm 1954, Quốc hội Pháp từ chối phê chuẩn Hiệp ước thành lập Liên minh Quân sự châu Âu, kết quả này không do Liên Xô tác động.

Sau đó, việc thành lập quân đội Đức hoàn toàn do Mỹ thoả thuận. Đức đưa quân đội hội nhập trong khuôn khổ của khối NATO cũng làm cho thái độ Pháp chống Đức cũng giảm dần.

Để giải quyết vấn đề Đông Dương, vai trò chính là Pháp trong hội nghị Genève. Trước đó, Pháp đã trải qua 19 chính phủ kế tiếp, 5 Cao ủy và 6 Tổng Tư lệnh chỉ huy Đông Dương, nhưng không tạo ra một đường lối nhất quán để chống Việt Minh hữu hiệu và chấm dứt cuộc chiến.

Thua Việt Minh về quân sự có nghĩa là Pháp không thể tái chiếm Ðông Dương, uy tín Pháp ở trong nước lẫn quốc tế không còn, trong khi dân chúng Pháp phản đối chính giới kịch liệt và nội bộ các chính đảng chia rẽ trầm trọng. Tình hình phân hoá làm cho Pháp muốn giải quyết trước mắt vấn đề quân sự và sau đó là chính trị. Thực tế không đơn giản vì Pháp có hai khó khăn chính.

Một mặt, Pháp phải giải quyết vấn đề với chính phủ Quốc gia Việt Nam. Trước đó, ngày 4 tháng 6 năm 1954, Cựu hoàng Bảo Ðại và Tổng thống Pháp Vincent Auriol đã ký Hiệp định Elysée công nhận nền độc lập và chủ quyền của Việt Nam.

Trên cơ sở Hiệp định Elysée, hai thủ tướng Joseph Laniel và Bửu Lộc ký kết Hiệp định Matignon, nội dung là liên kết giữa hai nước trong chi tiết. Điểm tương thuận quan trọng là Việt Nam gia nhập khối các quốc gia liên kết với Pháp. Về mặt công pháp quốc tế, hai thỏa ước này, dù riêng rẽ, đã bổ khuyết và kiện toàn cho nhau.

Ngày 12 tháng 7, nội các của Thủ tướng Laniel sụp đổ, nội các mới của Pierre Mandes-France thành hình. Ngay khi nhậm chức vào ngày 18 tháng 6, Tân Thủ tướng Mendès-France tuyên bố sẽ từ chức nếu trong vòng một tháng không đạt được thoả thuận ngừng bắn ở Đông Dương. Dù chưa được Quốc hội Pháp thông qua, nhưng Mandès-France hứa tiếp tục tôn trọng hiệp định Elysée. Ngoài ra, Bidault, Ngoại trưởng Pháp, long trọng tuyên hứa với Bảo Ðại là sẽ không có giải pháp chia đôi lãnh thổ.

Mặt khác, vấn đề chính trị và quyền lợi kinh tế của Pháp phải được giải quyết trong khuôn khổ ba xứ Ðông Dương, nghĩa là có liên hệ đến Cambodia và Lào.

Về sau, do áp lực chính trị nặng nề, Mandès-France chủ trương khác với Laniel là muốn Pháp rút ra khỏi chiến trường Việt Nam trong danh dự, đồng thuận cho việc phân chia lãnh thổ Việt Nam, đồng thời duy trì những lợi ích kinh tế và văn hoá trong khu vực Đông Dương. Tất cả các triển vọng đều tùy thuộc vào giải pháp ngoại giao.

Trung Cộng

Đối với Trung Quốc, đây là lần đầu tiên tham gia vào một sinh hoạt quốc tế với mục tiêu phô trương thanh thế, Ngoại trưởng Chu Ân Lai làm Trưởng đoàn gồm một lực luợng hùng hậu gần 200 nhân viên tháp tùng.

Sau khi chiếm Hoa Lục, Trung Cộng muốn chứng tỏ là không có tham vọng bành trướng đối với Ấn Ðộ, Nam Dương và các nước không liên kết. Sau thời gian nội chiến, Trung Cộng hy vọng là đất nuớc sẽ ổn định về ngoại giao và nội trị, nhưng cũng cảm thấy Quốc Dân Đảng, một Đồng minh của Mỹ, đang là một mối đe doạ tiềm tàng khi chủ trương quang phục Lục địa vẫn còn được tuyên truyền mạnh mẽ tại Đài Loan. Một thực tế khác là Trung Cộng phải hỗ trợ chính trị cho Nga vì cần Nga viện trợ kinh tế.

Chu Ân Lai quan tâm nhất là ngăn trở Mỹ can thiệp làm cho Việt Nam quá mạnh và khu vực Ðông Nam Á bị phân hoá trầm trọng. Dù chủ trương chia cắt Việt Nam, nhưng Chu Ân Lai chống việc ngoại quốc đóng quân. Khi Miền Bắc, dù theo Cộng Sản, không bị các nước Cộng Sản can thiệp, thì miền Nam, dù theo Mỹ, không thể để cho quân Mỹ chiếm đóng.

Dù muốn thực hiện chủ trương ôn hoà, nhưng cuối cùng, Chu Ân Lai phải chọn một quyết định quan trọng do Nga đề xuất là đồng ý tách rời vấn đề Ðông Dương thành hai đề tài thảo luận riêng biệt: quân sự và chánh trị.

Sau khi Pháp công nhận Quốc gia Việt Nam là một nước độc lập và có chủ quyền, Chu Ân Lai tuyên bố thừa nhận có hai chính phủ tại Việt Nam và giải pháp chính trị sẽ do hai chính phủ trực tiếp thương thảo. Nhưng thành công lớn nhất của Chu Ân Lai là áp lực trực tiếp với Hồ Chí Minh tại Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây, phải chấp nhận những thoả thuận về chính trị tại Genève.

Việt Minh

Chiến thắng Điện Biên Phủ giúp cho Việt Minh tự tin hơn và tìm cách nâng đỡ nhóm Cộng sản Pathet Lào và Khmer Issarak để được quốc tế công nhận. Thanh thế lên cao khi áp dụng chiến thuật cố hữu vừa đánh vừa đàm, nay Việt Minh bắt đầu lo chuyển sang vận động quần chúng cho tổng tuyển cử sắp tới.

Thái độ của phái đoàn Việt Minh trong hội nghị là bất nhất. Lúc đầu, chối bỏ việc xâm nhập Lào và Cambodia, do Chu Ân Lai tạo áp lực nặng nề, Việt Minh phải công nhận sự hiện diện của lực lượng này trong thực tế và hứa là sẽ rút.

Trong suối thời gian hội nghị, Việt Minh chứng tỏ là trung thành theo những chỉ thị của Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh vì không có phương sách ngoại giao độc lập nào nổi bật.

Quốc gia Việt Nam

Bên cạnh các phái đoàn của Lào và Cambodia, Quốc gia Việt Nam tham gia với tư cách một chính phủ quốc gia độc lập trong Liên hiệp Pháp và không ở vào một vị thế thuận lợi để bảo vệ lập trường theo hai thỏa ước Elysée và Matignon.

Lúc đầu, Bảo Ðại đòi hỏi Pháp phải tôn trọng sự thống nhất lãnh thổ của Việt Nam. Do Bảo Đại tin vào lời hứa của Pháp là Việt Nam sẽ không bao giờ chia cắt, đó là điều kiện mà Bảo Đại chấp nhận để cử phái đoàn của Quốc gia Việt Nam tham dự hội nghị. Pháp đã nhượng bộ.

Ngay từ buổi đầu, Trưởng đoàn Nguyễn Quốc Ðịnh đòi hỏi là không công nhận sự hiện diện của phái đoàn Việt Minh. Khi Pháp gặp nhiều khó khăn để thuyết phục Bảo Ðại, phải nhờ phái đoàn Mỹ làm trung gian để lo tách rời giải pháp chánh trị ra khỏi quân sự được kết quả. Với giải pháp quân sự thuần túy, Pháp có thể thỏa hiệp được.

Hai thỏa ước mà Pháp ký kết với Quốc gia Việt Nam không gây được tiếng vang trên chính giới quốc tế, vì lý do là Pháp thay đổi thái độ và Mỹ không quan tâm ủng hộ. Về sau, không còn quốc gia nào đặt ra vấn đề hiệu lực pháp lý của hai thỏa ước này để thảo luận.

Diễn tiến

Tất cả diễn biến trong suốt thời gian hội nghị không theo một nguyên tắc hay trình tự rõ rệt nào, vì Liên Xô và Trung Quốc chủ động toàn bộ trong những khóa họp chính thức hay mật đàm.

Dù không có kinh nghiệm về các vấn đề quốc tế, nhưng khi tham gia tìm kiếm hòa bình cho Đông Dương, mục tiêu của Trung Quốc là phô trương thanh thế, nên không nhất thiết hậu thuẫn toàn diện cho Việt Minh. Khi Việt Minh kiên quyết đòi kiểm soát Cambodia và Lào, chủ trương này là trái với quan điểm của Trung Quốc.

Trong các cuộc mật đàm với Mendès-France ở Tòa đại sứ Pháp ở Bern, Thụy Sĩ, Chu Ân Lai tỏ ra là một chính khách quốc tế tuân thủ sinh hoạt ngoại giao, không cổ vũ cho đường lối đấu tranh cách mạng sắt máu, áp lực mạnh cho Việt Minh phải chấm dứt can thiệp vào nội tình ở Cambodia và Lào, phải chấp nhận giải pháp tiên quyết là đình chiến và chính trị sẽ hậu xét.

Sau đó, vào cuối tháng Sáu, Chu Ân Lai thăm Ấn Ðộ và Miến Ðiện để trình bày về kết quả sơ khởi của hội nghị đồng thời quan điểm sống chung hòa bình. Hai nước này đang không công nhận chính phủ VNDCCH.

Nhằm thuyết phục Việt Minh chấp nhận lập trường của các nước đang thương nghị, từ ngày 3 đến 5 tháng Bảy, Chu Ân Lai trở lại Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây, gặp Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp. Khi Võ Nguyên Giáp thuyết trình về thắng lợi quân sự và nêu ra kế hoạch chôn giấu võ khí, lưu 10.000 cán bộ ở miền Nam sau khi đình chiến, Chu Ân Lai tỏ ra không quan tâm khiá cạnh quân sự, mà chỉ đề cập các tương thuận chính trị đạt được tại Genève.

Theo hồi ký của Võ Nguyên Giáp, Hồ Chí Minh bị áp lực của Chu Ân Lai quá nặng nề, nên đành phải nhượng bộ. Thái độ này làm cho Võ Nguyên Giáp phải ngỡ ngàng về tình hữu hảo hai nước.

Các tư liệu của nhiều tác giả xác nhận một sự thật khác: vĩ tuyến 17 được lựa chọn chỉ xảy ra về sau, đúng vào ngày 20 tháng 7 ở biệt thự tạm trú của Trưởng phái đoàn Nga Vyacheslav Molotov, trong sự hiện diện của Mendès-France, Anthony Eden, Chu Ân Lai và Phạm Văn Ðồng.

Khi Phạm Văn Ðồng không thể tự quyền quyết định mà phải nhượng bộ, cuộc mặc cả trở nên gay go hơn. Nội dung tranh cãi là từ vĩ tuyến 13 chuyển lên vĩ tuyến 16, trong khi Mendès-France vẫn kiên quyết giữ vĩ tuyến 18. Cuối cùng, Molotov đề xuất vĩ tuyến 17 và đã được tất cả đồng thuận.

Giải pháp chính trị cũng không phải là tài năng sáng tạo của Việt Minh, mà là được tất cả phái đoàn tham gia ngã giá sau đó. Mendès-France đề nghị là không cần ấn định thời hạn cho cuộc tổng tuyển cử. Phạm Văn Ðồng lúc đầu đề nghị sáu tháng, sau sửa lại thành một năm và có thể là mười tám tháng. Cuối cùng, Molotov đề nghị hai năm và được đa số hiện diện chấp thuận.

Nội dung

Hiệp định Genève là một ký kết giữa Henri Delteil, Thiếu tướng, thay mặt Tổng Tư lệnh Quân đội Liên Hiệp Pháp ở Đông Dương và Tạ Quang Bửu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Đại diện các nước khác tham gia đàm phán không ký vào bản hiệp định. Bản văn gồm 47 điều, nội dung chính là đình chỉ chiến sự, nhưng đất nước bị chia đôi, vĩ tuyến 17 trở thành ranh giới giữa hai miền Nam Bắc, dân chúng được tùy nghi lựa chọn miền cư ngụ.

Về chi tiết, Hiệp ước đình chiến tiên liệu việc trao đổi các lực lượng vũ trang. Việt Minh rút các đơn vị về miền Bắc trên vĩ tuyến 17, trong khi các lực lượng của Pháp ra khỏi miền Bắc. Cho đến khi nào có cuộc tổng tuyển cử cho Việt Nam, hai bên được quyền cai trị trong lãnh thổ của mình và vĩ tuyến 17 là một vùng phi quân sự được hai bên tôn trọng. Cả hai bên bị cấm mở rộng các tiềm năng quân sự hay tham gia các liên minh quân sự. Một Uỷ ban Quốc tế về Kiểm soát Đình chiến được thành lập để theo dõi việc thi hành gồm có đại diện các nước Ba Lan, Canada và Ấn Độ.

Trong cuộc họp ngày 21 tháng 7 năm 1954, các phái đoàn “thông qua” bản văn “Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève 1954 về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương”.

Theo nội dung, đây là lời tuyên bố dự kiến một giải pháp chính trị cho tương lai của Việt Nam. Điểm đặc biệt là không phái đoàn nào có cam kết và ký tên trong lời tuyên bố, nên không có hiệu lực ràng buộc về công pháp quốc tế.

Bản văn gồm 13 điều, mà điều 7 là quan trọng nhất mang nội dung chính là “Cuộc tổng tuyển cử sẽ tổ chức vào tháng 7 năm 1956 dưới sự kiểm soát của một Ủy Ban Quốc tế… Kể từ ngày 20 tháng 7 năm 1955, những giới chức có thẩm quyền trong hai vùng sẽ gặp gỡ để thương lượng vấn đề tổng tuyển cử”. Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Ðình chiến được thành lập với đại diện của Ấn Ðộ làm chủ tịch, Gia Nã Ðại và Ba Lan làm thành viên để giám sát.

Lập trường của Quốc gia Việt Nam là không chấp nhận tham gia bản tuyên ngôn này và đã ra một bản tuyên ngôn riêng xác nhận sự tôn trọng hòa bình của mình, nhưng đòi hỏi tổng tuyển cử phải do Liên Hiệp Quốc giám sát.

Hoa Kỳ cũng bày tỏ thái độ trung lập và tuyên hứa là sẽ cứu xét cẩn trọng nếu có sự vi phạm thỏa hiệp đình chiến.

Hậu quả

Ai thắng ai thua là một vấn đề gây nhiều tranh cãi sau khi ký kết Hiệp định và là nguyên nhân chính cho việc xung đột vũ trang của hai miền.

Nhìn chung, Việt Minh cho rằng Pháp không thể đạt được trên bàn hội nghị Genève những gì mà Pháp không giành được trên chiến trường Điện Biên Phủ.

Sử sách Hà Nội ca ngợi thành quả đấu tranh của Việt Minh là “nêu cao được tinh thần độc lập, tự chủ trong đàm phán, kiên trì mục tiêu chiến lược; đánh giá chính xác tình hình, tìm ra đối sách phù hợp. Nhờ phát huy tối đa nội lực, mà Việt Minh kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao.

Đâu là sự thật?

Nhìn trong toàn cảnh mà các sử liệu và hồi ký về sau nêu rõ một sự thật khác: Võ Nguyên Giáp và Mao Trạch Đông thắng Pháp ở Ðiện Biên Phủ, Hồ Chí Minh thua Trung Quốc ở Liễu Châu và Phạm Văn Ðồng thua các Cường quốc ở Genève.

Tiếp theo chiến thắng huy hoàng Điện Biên Phủ, câu hỏi tự nhiên là tại sao Việt Minh không tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn trên tinh thần tiến công cách mạng mà phải đàm phán?

Các cán bộ Tuyên giáo của Việt Minh về sau lập luận: “Đó là một nhận định sáng suốt và thực tế. Những thắng lợi tạo ra chưa có tính chất chiến lược, không thể đàm phán song phương khi vấn đề đã quốc tế hóa và phải tìm điểm dừng cần thiết trong phạm vi quân sự.

Trong bóng hậu trường đàm phán có các sự thật khác mà hồi ký của Khrushchev hé lộ một phần trong chi tiết. Khrushchev kể lại nội dung trao đổi giữa Chu Ân Lai với Hồ Chí Minh. Về diễn tiến trận Ðiện Biên Phủ, Hồ Chí Minh cho biết tình hình chiến sự là tuyệt vọng, nếu không ngừng bắn sớm, Việt Minh không thể chống Pháp trong lâu dài. Trước nguy cơ này, Viêt Minh, khi cùng đường, có thể tháo chạy qua biên giới tìm nơi trú ẩn và xin Trung Quốc tiến quân sang Việt Nam, như đã làm ở Triều Tiên.

Ý kiến của Nga cũng quan trọng không kém Trung Quốc. Khi khả năng tác chiến của Việt Minh kiệt quệ, Hồ Chí Minh lo sợ nếu Mỹ sẽ can thiệp, tình hình sẽ trầm trọng hơn; chủ trương ôn hòa của Nga Xô khiến cho Việt Minh lo ngại. Nếu không tuân thủ, viện trợ cả hai sẽ không còn như trước, triển vọng chung là bi quan hơn.

Chu Ân Lai không chấp nhận yêu cầu này vì không muốn đánh Pháp thay cho Việt Mnh, tổn thất nặng nề ở Triều Tiên là kinh nghiệm thương đau mà Trung Quốc phải tránh trong lúc cần phô trương thanh thế hiếu hoà để xây dựng đất nước. Nhưng thực tế, Chu Ân Lai không trả lời dứt khoát. Thái độ lập lờ đồng loã là khích lệ cho Việt Minh hăng hái hơn.

Ngược lại, theo một tài liệu gần đây của các sử gia Trung Quốc, Quân đội Trung Quốc có mặt tại Bắc Việt ngay từ đầu cuộc chiến chống Pháp. Sau tháng 4 năm 1950, Vi Quốc Thanh cùng Trần Canh chỉ huy Nhóm Cố vấn quân sự đã có khoảng 281 sĩ quan tham gia. Hỗ trợ quân sự cho Bắc Việt thay đổi từ 3 sư đoàn năm 1950 lên đến 7 sư đoàn năm 1952. Số người Trung Quốc làm việc tại Bắc Việt là khoảng 15.000 người.

Từ 1950-1956, Trung Cộng đã trang bị cho Hà Nội 5 sư đoàn bộ binh, 1 sư đoàn pháo binh, 1 sư đoàn phòng không và 1 trung đoàn bảo an.

Khi tổng kết cuộc chiến Việt Nam, Trung Quốc cho là đã cung cấp 155 ngàn khẩu súng, 58 triệu viên đạn, 4630 khẩu pháo, 108 triệu đạn pháo, 840 ngàn quả lựu đạn, 1200 xe tải, 1 triệu 4 quân phục, 14 ngàn tấn lương thực và 26 ngàn tấn nhiên liệu. Tổng số hàng hóa, nguyên liệu, thuốc men và nhiên liệu trị giá 43,2 tỷ Mỹ kim.

Dù các số liệu và nguồn tin khác nhau khó kiểm chứng, nhưng Bắc Kinh cho biết một sự thật: nếu không có Trung Quốc trực tiếp chiến đấu và viện trợ súng đạn, chiến thắng Điện Biện Phủ không thể xảy ra, cũng có nghĩa là, Điện Biên Phủ là một phần chiến thắng của Trung Cộng.

Sau này, theo một tự sự của Lê Duẩn, không phải Chu Ân Lai điều động mà chính Mao Trạch Đông trực tiếp áp lực cho Hồ Chí Minh phải ký kết Hiệp định Genève, vì không còn có thể tiếp tục quân viện cho Việt Minh trong lâu dài.

Tóm lại, do áp lực nặng nề của cường quốc tham gia, Việt Minh đồng thuận các yêu sách và ký kết hiệp định Genève.

Trong khi nguyện vọng chính của Việt Minh là độc lập dân tộc cho Việt Nam, Lào và Cambodia. Việt Minh không đạt được toàn vẹn nguyện vọng này, nhưng kiểm soát được miền Bắc. Với sự hợp tác của Pathet Lào, Việt Minh cũng chiếm một phần lãnh thổ của Lào. Nếu so với yêu sách nguyên thủy, trong mọi trường hợp, Việt Minh đã đạt được thắng lợi.

Trong khi Pháp đã hứa trao trả độc lập cho chính phủ Bảo Đại trong vòng hai năm, và sau đó lại quyết định phân chia lãnh thổ tạo nên hai chính phủ riêng biệt: VNDCCH tại miền Bắc và VNCH tại miền Nam. Việt Minh đồng ý là việc tranh giành quyền lực bằng đấu tranh chính trị, sẽ không còn bằng quân sự và lạc quan là sẽ thắng trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

Thủ tướng Phạm văn Đồng thua tại Hội nghị Genève, đó là lý do giải thích tại sao Hà Nội đã không phổ biến những diễn biến chi tiết cho dân chúng biết và chỉ nêu lên hai điểm quan trọng nhất: Với chiến thắng Điện Biên Phủ, Việt Nam là một dân tộc anh hùng thắng chủ nghĩa thực dân Pháp; thành quả của hội nghị là kiểm soát được một nửa lãnh thổ, đó là một thắng lợi lớn trong lịch sử.

Thành công về mặt tuyên truyền cho thế giới, vị thế VNDCCH được nâng cao. Sau Hiệp định Genève, Bắc Việt mở rộng phạm vi bang giao trong các nước XHCN và nhiều nước Á, Phi, Mỹ La tinh, có tiếng nói trong nhiều tổ chức quốc tế.

Riêng đối với Pháp, Pháp đã đạt mục tiêu trong việc tách rời giải pháp ngưng bắn ra khỏi chánh trị. Pháp rút quân, loại Việt Minh và phe Cộng sản Cambodia, Lào ra khỏi những quốc gia này. Giải pháp này Pháp được Nga và Trung Cộng ủng hộ.

Theo dõi hội nghị trong suốt thời gian, Mỹ chỉ đóng vai trò quan sát viên. Ngoại trưởng Dulles rời bỏ hội nghị sớm nhất cũng đồng nghĩa là không chịu trực tiếp thương thuyết với Trung Hoa, tuyên bố trước báo chí là chỉ gặp Chu Ân Lai trong trường hợp duy nhất là trong tai nạn giao thông.

Sau khi ký kết Hiệp định, tình hình thay đổi buộc Tổng thống Eisenhower và Ngoại trưởng Dulles phải chuyển huớng triệt để trong chính sách. Kết hợp với chính phủ Anh, Ngoại trưởng Dulles đề ra một chương trình là phải giới hạn các thiệt hại có thể sẽ xảy ra.

Hai mục tiêu chung trước mắt là phong trào giải thể chế độ thực dân phải tiếp tục tiến hành, Pháp phải vĩnh viễn rút quân ra khỏi Đông Dương và trao trả độc lập cho Lào, Cambodia và Việt Nam; thực tế có nghĩa là, cô lập Việt Minh tại miền Bắc, trong khi Lào, Cambodia và Nam Việt Nam được hoàn toàn độc lập.

Khi theo đuổi chính sách này, Mỹ đóng vai trò thay thế cho Pháp và bảo vệ an ninh cho Đông Dương, sẽ gắn bó với định mệnh của Việt Nam và là tiền đề làm cho Mỹ trực tiếp can thiệp vào cuộc chiến Việt Nam về sau.

Bài liên quan:

Chính sách của Mỹ đối với Việt Nam sau Hội nghị Genève năm 1954

Chính sách của Hoa Kỳ trong Chiến tranh Đông Dương (VI)

Hoa Kỳ và Tổng Thống Ngô Đình Diệm (Phần I)

CIA và Ngô Đình Diệm