Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 20 tháng 7, 2021

Chống dịch: Một số góp ý

Lý Xuân Hải

I. Vài nhận xét:

1. Thống nhất một số khái niệm:

a. Chống dịch là gì?

Nhiều người hiểu chống dịch Covid-19 là tìm cách tiêu diệt virus. Vì vậy chống dịch được hiểu là truy sát tận diệt virus. Bản chất không phải vậy.

Chống dịch Covid, nếu hiểu đúng, là làm sao để cơ thể chúng ta có thể chống đỡ, sống chung với nó mà nó không hại được ta chứ không phải tiêu diệt, tận diệt virus bởi virus Covid ko thể bị tận diệt và biến mất.

b. Mục tiêu kép là gì?

Khi nói về mục tiêu kép ta phải hiểu đó là hai mục tiêu độc lập và không có quan hệ bắc cầu hay nhân quả. Một viên đạn bắn trúng con chim và xuyên táo diệt được cả con cò: hai con chim, cò là mục tiêu kép. Vì bắn trúng con chim không là hệ quả hay một phần của việc bắn con cò.

Ngắm chính xác, bắn trúng chim không phải là mục tiêu kép. Ở đây có quan hệ phạm vi công việc: Ngắm chính xác là một phần của bắn trúng. Ngắm chính xác bắn chưa chắc trúng, nhưng ngắm trật thì bắt trật là chắc.

c. Chính sách tài khoá: Tăng giảm thuế và giảm tăng đầu tư công để giảm/tăng tốc kinh tế.

Chính sách tiền tệ: Tăng/giảm cung tiền để đạt được những mục đích ổn định và tăng trưởng/giảm tốc kinh tế.

Từ nay về sau khái niệm chống dịch, mục tiêu kép, chính sách tài khoá tiền tệ sẽ được hiểu như trên đây.

2. Chiến lược chống Covid của Việt Nam cho đến ngày hôm nay có thể gói trong ba điểm:

a. Truy vết, khoanh vùng, cách ly và tạo miễn dịch cộng đồng chủ động. Cách ly mình với thế giới, cách ly vùng có dịch với vùng không có dịch bệnh, cách ly người bệnh F0 và nghi bệnh F1 với người khoẻ. Hạn chế tự do cá nhân vì an toàn xã hội. Chờ đợi vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng chủ động. Tiêm vaccine rộng rãi càng nhanh càng tốt là phần không thể thiếu của chiến lược này.

b. Phân quyền: phân quyền cho địa phương, giao trách nhiệm người đứng đầu khá nhiều quyền trong tổ chức các biện pháp truy tìm, cách ly và tận diệt dịch.

c. Mục tiêu kép: Vừa chống dịch vừa duy trì tăng trưởng kinh tế.

Cách làm này đã phát huy tác dụng tốt thời gian qua.

3. Làn sóng dịch lần này có ba đặc trưng mới có thể thay đổi cục diện cuộc chiến:

a. TS Vũ Thành Tự Anh của trường Fulbright có một nhận xét rất sắc sảo: Lần này dịch tập trung “đánh” vào các địa phương là trung tâm kinh tế, tập trung đông dân cư, rất nhiều khu công nghiệp và đầu tàu trụ cột của kinh tế, là nồi cơm của cả nước: Bắc Giang, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai rồi nguyên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và có vẻ như sẽ lan dần ra cả nước.

b. Tốc độ lây lan rất nhanh, diện rộng, mất dấu các F0 ban đầu, dịch tràn ra xã hội ở tại tất cả các địa phương với số lượng bệnh nhân rất lớn, hệ thống cách ly tập trung và y tế quá tải.

c. Một số nước đã coi như đã chống dịch thành công như Mỹ, Trung Quốc và một số nước châu Âu. Nước Mỹ đã bắt đầu nói về chuyện thắt chặt bớt chính sách tiền tệ sau một thời gian nữa vì đã thấy ánh sáng cuối đường hầm và đe doạ lạm phát xuất hiện sau một thời gian dài áp dụng các chính sách tiền tệ và tài khoá nới lỏng chống dịch.

II. Một số nhận xét và đề xuất

1. Mục tiêu kép có làm thiếu ưu tiên?

a. Có nên dùng khái niệm “mục tiêu kép” với chống dịch và tăng trưởng kinh tế?

Theo khái niệm ban đầu có lẽ không, dễ bị hiểu sai nên thiếu ưu tiên.

Chống dịch (không chỉ Covid mà tất cả các loại dịch bệnh) triệt để là một phần không thể thiếu để kinh tế phát triển: chả có nền kinh tế nào có thể phát triển nếu dịch giã hoành hành, sức khoẻ người dân bị đe doạ.

Do vậy tôi không thấy mục tiêu kép: các mục tiêu này hài hoà và nhân quả chứ không hề là các khái niệm độc lập nhau.

b. Đề xuất: bỏ khái niệm “mục tiêu kép” mà đặt chương trình hành động theo thứ tự ưu tiên như sau:

- Ưu tiên 1: Chống dịch: là ngắn hạn (đơn vị tính là tuần, tháng);

- Ưu tiên 2: Đảm bảo an sinh xã hội: là trung hạn (đơn vị tính là tháng, năm);

- Ưu tiên 3: Phát triển kinh tế: là dài hạn.

Đơn giản có 1 mới có 2, có 2 mới có 3.

Khi chống dịch được ưu tiên, các mục tiêu còn lại tạm hy sinh. Nhưng tất nhiên mọi hy sinh đều có giới hạn: ưu tiên không có nghĩa là vô điều kiện và hy sinh bằng mọi giá. Ưu tiên không được làm các mục tiêu dài hạn hơn bị mất nền tảng. Do vậy khi lựa chọn các biện pháp chống dịch cần lấy các tiêu chí an sinh xã hội, các nền tảng tăng trưởng làm tiêu chí lựa chọn.

2. Chiến lược chống dịch có cần linh hoạt hơn?

a. Khi dịch chỉ ở diện hẹp (ví dụ các KCN Bắc Giang), lây lan tại một số khu công nghiệp hay xã, một số trăm ngàn người và vài trăm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng, làm đứt chuỗi cung ứng của một vài ngành một vài địa phương. Nền kinh tế chung có thể vượt qua. Còn với quy mô mới sẽ là giãn cách gần như cả nước, ảnh hưởng hàng chục triệu người và hàng trăm ngàn doanh nghiệp, chuỗi cung ứng của cả nước hay ít ra cả một khu vực kinh tế rộng lớn sẽ bị đứt gãy.

Chiến thuật cách ly và chờ miễn dịch bằng vaccine có nguy cơ không đủ năng lực thực hiện khi số lượng F0 đã lên hàng chục ngàn. Năng lực truy vết, cách ly và điều trị tập trung đã tới hạn. Chúng ta không thể hành động dường như mới có vài chục người lây nhiễm như trước đây.

b. Nếu bị chậm pha trong miễn dịch cộng đồng, trong khi chúng ta vẫn vật vã với dịch thì các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc và châu Âu đứng dậy, chính sách tiền tệ bớt nới lỏng và thị trường cũng như đồng tiền của họ trở nên hấp dẫn hơn… nguy cơ dòng FDI chững lại hay rút đi, lạm phát bị nhập khẩu, dư địa của chính sách tài khoá cũng như chính sách tiền tệ trong hỗ trợ kinh tế có còn?

Một điều khá đặc biệt trong số liệu kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm do Tổng cục Thống kê công bố là Việt Nam bội thu ngân sách: Tổng thu 775 ngàn tỷ đồng, tổng chi 694,4 ngàn tỷ đồng, bội thu gần 81 ngàn tỷ đồng. Chưa kể năm 2020 đã giảm tỷ lệ thâm hụt ngân sách so với trước đó. 6 tháng năm 2021 tổng M2 tăng 3,5% (so 4,6% cùng thời năm 2020) và xu hướng tiền tệ tăng trưởng chậm lại bắt đầu từ trước đó.

Dường như hai năm qua Việt Nam lo ngại tăng trưởng nóng nên các biện pháp tài khoá, tiền tệ không được sử dụng hết đà để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp! Trong khi đó các năm 2020-2021 cả thế giới dùng cả chính sách tiền tệ và tài khoá nới lỏng để hà hơi tiếp sức cho nền kinh tế.

Trong lĩnh vực này liệu chúng ta có lại chậm chân như với vaccine? Hãy tưởng tượng đòn kép: Lạm phát và Covid cùng một lúc! Có lẽ đó là một ác mộng không ai muốn nằm mơ chứ chưa nói đến chứng kiến.

c. Do vậy có lẽ Việt Nam đã đến lúc xem xét thay đổi cách hành động chống Covid.

- Đánh giá lại chiến lược là cần thiết. Những thay đổi gần đây có vẻ như sẽ có điều chỉnh từ chiến lược “Truy vết, khoanh vùng, cách ly, chờ vaccine” chuyển sang “Tự cách ly, tự giãn cách chờ vaccine” theo tôi, người không chuyên môn, có lẽ là đúng dù hơi chậm. Bởi lẽ cách ly tập trung với tỷ lệ lây nhiễm cao (38%-40% có nơi 69%) dẫn đến số lượng F0 tăng nhanh làm càng thêm quá tải y tế và tăng thêm sợ hãi bị cách ly, vì thế F1 càng trốn tránh cách ly và càng thêm lây nhiễm. Vòng xoáy này sẽ còn lớn lên nếu làm như hiện nay.

- Bằng mọi giá duy trì chuỗi cung ứng và đảm bảo an sinh xã hội. Làm đứt chuỗi cung ứng hàng hoá mà chưa có hệ thống thay thế trên diện rộng sẽ đẩy nền kinh tế suy thoái và an sinh xã hội xuống cấp nghiêm trọng. Vẫn có thể duy trì chuỗi cung ứng để nền kinh tế vận hành trơn tru, để doanh nghiệp vẫn hoạt động, đảm bảo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân giảm gánh nặng lên ngân sách mà vẫn duy trì giãn cách.

Chuỗi cung ứng đứt gãy sẽ tạo khan hiếm ngắn hạn => đầu cơ hay tích trữ hàng hoá => khan hiếm thật. Đó là quy luật cuộc sống chứ không chỉ ý thức người dân. Và cũng đừng trách dân dự trữ lương thực gây khan hiếm: khi hai lớp nhu cầu đầu tiên là sinh học và an toàn bị đe doạ họ phải phòng thân cho chắc.

Xác định lo cho người khoẻ quan trọng không kém chăm lo người ốm. Đây là cách tốt nhất để tạo niềm tin vào hệ thống và nhà nước. Niềm tin càng lớn chống dịch càng hiệu quả.

Một trong những biện pháp duy trì niềm tin nữa là sự minh bạch của chính sách. Càng minh bạch càng có niềm tin.Tôi đánh giá cao việc công bố ngắn gọn ba kịch bản phong toả khác nhau gần đây của TP HCM: Dù chưa rõ nhưng ít nhất giúp dự báo hành xử của nhà nước để chuẩn bị.

- Về kinh tế rất cần tránh việc bị chậm pha hay lệch pha với sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu: nên đồng bộ các biện pháp tài khoá và tiền tệ trong hỗ trợ kinh tế lúc chống dịch. Rất cần.

3. Phân quyền, giao trách nhiệm: Đã đến lúc nên hạn chế.

a. Phải nói thẳng ra là dù đặt mục tiêu kép nhưng việc Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các địa phương chịu trách nhiệm nếu để dịch lan tràn nên trong đầu lãnh đạo các địa phương chống dịch địa phương mình vẫn là ưu tiên 1, bỏ qua cái lợi toàn cục. Mỗi địa phương dễ thành một ốc đảo chính sách và cắt nát chuỗi cung ứng của cả nước.

b. Đề xuất: Chính phủ có một Ban chỉ đạo và một cách ứng xử, một nơi phân bổ nguồn nhân lực và vật lực, một nơi quyết định các biện pháp chống dịch xuyên suốt, tập trung chỉ đạo chống dịch nhất quán từ TW đến địa phương. Ban này chỉ đạo và dám chịu trách nhiệm, dám quyết tất cả các nội dung chống dịch: Phạm vi nào, ở đâu, khi nào áp dụng chỉ thị nào. Các địa phương chỉ được tham vấn và tổ chức thực hiện. Bỏ chính sách mỗi tỉnh tự ban hành cơ chế chống dịch và các biện pháp áp dụng.

III. Ví dụ để nghiên cứu: TP Hồ Chí Minh

TP HCM có tỷ lệ dân sống dựa ngân sách nhà nước có lẽ thấp nhất cả nước với nền kinh tế gia đình cao nhất cả nước. TP HCM cũng là thành phố có trên 10 triệu dân (bao gồm người nhập cư) – là quy mô được coi là thành phố lớn theo chuẩn thế giới – không thể áp dụng các biện pháp như với đô thị nhỏ.

1. TP HCM là nơi làm lộ rõ nhất các bất cập trong chống dịch.

a. Đứt gãy chuỗi cung ứng cả bên trong lẫn với bên ngoài:

-Bên trong:

Hiện TP HCM đã đóng hết các chợ đầu mối. Trong 300 chợ truyền thống mở cửa khoảng 100.

Rất nhiều tiệm tạp hoá cũng đóng cửa vì không có nguồn cung hàng và có nơi chính quyền không cho hoạt động bởi không phải danh mục thiết yếu. Một loạt các cửa hàng lương thực, bán hàng vỉa hè… tuân thủ CT16 phải ngừng hoạt động.

Chuỗi cung ứng với các chợ đầu mối, chợ truyền thống, cửa hàng gia đình… vốn có vai trò đặc biệt quan trọng với TP HCM bị đứt gãy hoàn toàn.

Gánh nặng cung cấp thực phẩm đặt trên các siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Trong khi đó thống kê cho biết các siêu thị chỉ phục vụ được 30% nhu cầu thực phẩm. Lại xuất hiện siêu thị mang thực phẩm bán lưu động hay bán vỉa hè!!! Trong khi tập trung người vào các siêu thị kín rủi ro lây nhiễm cao hơn, và cho các siêu thị bán hàng ở vỉa hè thì khác gì người dân bán? Chưa kể người của siêu thị toả đi bán hàng lưu động dễ lây lan hơn là một số xe đi giao hàng cho các hộ gia đình bán lẻ tại chỗ.

Một phần vì mất niềm tin, một phần vì lo dịch bệnh… người dân bắt đầu mua lương thực tích trữ làm thiếu hụt… từ đó dẫn đến tăng giá và càng làm tâm lý tích trữ cao hơn.

- Bên ngoài:

Yêu cầu những người từ TP HCM về các tỉnh phải cách ly và các biện pháp của CT16 đã làm nguồn cung hàng, nhất là thực phẩm, cho TP HCM thiếu hụt nghiêm trọng. Dù các nguồn xung quanh thừa mứa.

Tôi nghe VOH giao thông gần 30 phút câu chuyện một tài xế chở thực phẩm từ miền Tây về TP HCM: anh ta đến nơi giao hàng do UBND một phường làm đầu mối đón nhận. Quay về nhà bị yêu cầu cách ly 21 ngày theo yêu cầu của Bộ Y tế. Anh ta đành chọn cách ăn ở trên xe: người nhà mang cơm đến để gốc cây và anh ta ra nhận ăn để sau đó chạy vài chuyến nữa rồi về chịu cách ly. Như thế mấy người dám làm?

Hơn thế nữa TP HCM vừa là nơi tiêu thụ vừa là nơi cung cấp hàng hoá cho rất nhiều vùng của cả nước. Đóng cửa TP HCM cũng làm đứt gãy chuỗi cung ứng với các địa phương này và ảnh hưởng đến cuộc sống của chính họ. Tình trạng thực phẩm TP HCM lên giá trong khi người nông dân hạ giá không bán được hàng đang diễn ra.

b. Quan trọng hơn cả một lượng lao động lớn gắn với kinh tế gia đình phải ngồi nhà. Gắn với họ là người thân bao gồm người già, trẻ con. Xem những trường hợp vi phạm lén lút bán hàng bị tịch thu, biết họ sai vi phạm CT16 nhưng gốc vấn đề vẫn ở đó: những người chạy miếng ăn hàng ngày sẽ ra sao? Thu nhập mất và giá cả còn tăng nữa! Họ sống bằng gì?

c. Dường như việc chống dịch đưa lên ưu tiên mà quên soi rọi các mục tiêu trung – dài hạn trước khi ban hành các biện pháp chống dịch ở TP HCM.

Tình trạng này nếu kéo dài sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân, phá vỡ an sinh xã hội, có thể dẫn đến bất ổn xã hội và đe doạ nghiêm trọng nền tảng phát triển kinh tế.

2. Để hài hoà lợi ích, đạt mục tiêu chống dịch và duy trì công ăn việc làm, thu nhập của người dân mà vẫn đảm bảo giãn cách xã hội, đề nghị:

a. Mở lại chợ đầu mối, nếu cần chuyển hay mở thêm chợ đầu mối ở vùng giáp ranh với các địa phương lân cận. Tạo hành lang xanh cho xe vận chuyển hàng hoá về đây. Bố trí mỗi quầy/sạp cách nhau khoảng 5-10 mét. Có hệ thống nâng hạ hàng và chuyển về các sạp của chợ mà không tiếp xúc với lái xe. Cho phép đặc cách một số ngân hàng đến nơi mở quầy giao dịch để nhận tiền, chi tiền và chuyển tiền. Cấp giấy cho lái xe chở hàng liên tỉnh đảm bảo 5K đi đến chợ đầu mối này, giao hàng xong về không bị cách ly.

b. Mở lại các chợ truyền thống nhưng giãn rộng ra ngoài đường như ở Myanmar làm: khoảng cách mỗi sạp 2-3 mét. Hiện đang giãn cách theo CT 16 nên các đường gần các chợ khá vắng có thể lấy 1,2 đường để làm chợ. Việc này TP HCM đang nghiên cứu nhưng theo tôi làm ngay được. Các xe bán hàng rong tập trung tại một khu vực đường phố mỗi phường và cũng giữ giãn cách như sạp chợ.

c. Khuyến khích các tiệm tạp hoá, các cửa hàng bán đồ tươi sống mở cửa trở lại và duy trì 5K.

d. Hỗ trợ tài chính cho những người nghèo bị mất thu nhập: chấp nhận thâm hụt ngân sách trợ cấp tiền sinh hoạt tối thiểu, ngân hàng chính sách cho vay lãi suất 0% với các hộ kinh doanh gia đình nhỏ lẻ. Tiền ngân sách cũng là tiền của dân thôi mà.

e. Nhiều phường, tổ dân phố đang áp dụng hình thức cấp phiếu lượt đi mua hàng. Nếu sợ tụ tập đông người ở chợ thì có thể áp dụng hình thức này: mỗi gia đình cách 2-3 ngày đi chợ 1 lần. Hoặc mỗi khu phố có một số người shipper chuyên giao hàng và tiền.

f. Cho phép bán đồ ăn chín mang đi chứ không chỉ đồ sống.

Bằng cách này vẫn duy trì được chuỗi cung ứng thiết yếu cả bên trong lẫn bên ngoài TP HCM, kể cả khi hầu như toàn bộ Đông và Tây Nam Bộ và TP HCM áp dụng CT16 như hiện nay, duy trì công ăn việc làm của những người dân sống nhờ kinh tế hộ gia đình của TP HCM mà vẫn đảm bảo giãn cách và quan trọng hơn cả qua đó đảm bảo an sinh xã hội cho họ.

3. Đôi lời kết

a. Với các vị lãnh đạo

- Tôi biết nói thì dễ, làm mới khó, quyết làm hay không làm còn khó hơn. Nhất là các vấn đề đang nóng và nhạy cảm như Covid. Nhưng biết làm sao… lãnh đạo sinh ra để quyết. Chả có quyết định nào hài lòng tất cả. Quyết định được số đông đồng ý cũng không luôn là quyết định đúng. Chả thể nào làm hài lòng hết được, nhất là khi khủng hoảng. Quý vị cứ quyết. Sai thì sửa, mà sai quá thì nghỉ… quý vị vẫn là nhà lãnh đạo tốt của xã hội. Còn một nhà lãnh đạo mũ ni che tai không xuất hiện lúc khó khăn để lảng tránh trách nhiệm ra quyết định, không dám chịu trách nhiệm về quyết định của mình, không đủ bản lĩnh đối mặt sự thật… đó chắc chắn là một lãnh đạo tồi.

- Tôi cũng hiểu các vị lãnh đạo hôm nay đang gặp khó: làm như cũ hiệu quả hay không còn phải xét nhưng ít ra an toàn về mặt chính trị. Thay đổi cách làm nếu có chuyện xảy ra sẽ phải gánh búa rìu dư luận và hậu quả chính trị. Nhưng không thay đổi dễ thất bại còn lớn hơn.

- Bọn rỗi việc, chỉ biết cào bàn phím góp ý lăng nhăng như tôi đang làm nhiều lắm. Nghe cũng rác tai nhưng kệ… các vị cứ chịu khó nghe… thấy cái gì đúng thì quyết làm, thấy sai thì vứt sọt rác. Các phản hồi mang tính cảm xúc, không có giải pháp còn nhiều hơn… cũng cứ nghe. Phản hồi, góp ý của người dân có thể không có giá trị sử dụng nhưng có tác dụng để các vị cảm nhận được việc truyền thông và tác động chính sách lên số đông người dân thế nào.

b. Với dân đen như tôi

- Chúng ta phải chấp nhận nhà nước sẽ có những quyết định sai. Có làm ắt có sai. Quan trọng là thấy sai thì biết sửa. Nếu chúng ta muốn có nhà lãnh đạo không quyết định sai thì chúng ta sẽ chỉ có những nhà lãnh đạo không làm gì.

- Nhưng chúng ta phải có quan điểm rõ ràng với cái đúng, cái sai. Hành xử theo kiểu: “Không nên nói gì nếu không có giải pháp!” hay “Làm được gì không mà nói!” hay “Đừng góp ý làm lan toả năng lượng tiêu cực” hay “Nhà nước đang bận trăm công ngàn việc đừng làm phiền”… vào lúc này là không nên và ngớ ngẩn. Không nói ra làm sao nhà nước biết quyết định đúng hay sai? Thời gian có còn nhiều đâu.

- Trong các chương trình chống Covid đến lúc này, cơ bản tôi không thấy bất kỳ một mâu thuẫn quyền lợi nào giữa nhà nước và người dân. Do vậy tôi cho rằng nên tuân thủ.

c. Với tất cả

- Không biết tình hình Covid-19 còn duy trì bao lâu. Nếu không giải toả bớt sức căng nhu cầu xã hội e rằng lại tạo ra những vấn đề khác nghiêm trọng hơn.

- Vì biết có sức căng nên trong ứng xử giữa người với người hãy cố kìm mình xuống. Chúng ta ai cũng là người.

- Và quan trọng hơn cả là không tạo ra những người vi phạm bất đắc dĩ đáng thương. Để rồi cả người đi phạt lẫn người bị phạt và người chứng kiến đều rơi nước mắt khi nhìn lại.

Nguồn: FB Lý Xuân Hải