Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 28 tháng 7, 2021

2000 thuật ngữ Tâm lý học (46)

Hoàng Hưng

461. Elimination by aspects: (sự) Loại trừ theo khía cạnh

Một lí thuyết về việc ra quyết định dựa theo nhiều thuộc tính, được giới thiệu bởi nhà Tâm lý học Mĩ gốc Israel, Amos Tversky (1937-96), theo đó một sự lựa chọn đạt được thông qua lặp lại hàng loạt sự loại trừ. Mỗi lần lặp lại, người ra quyết định chọn một thuộc tính (khía cạnh), khả năng được chọn phụ thuộc vào tầm quan trọng của thuộc tính được tri nhận, và loại trừ những phương án thiếu thuộc tính ấy, rồi lại chọn thuộc tính quan trọng nhất kế tiếp và xử lí theo cùng phương cách, cứ thế cho đến khi các phương án bị loại trừ hết chỉ còn lại một. Đó là một phiên bản ngẫu nhiên của sự lựa chọn kiểu từ điển (lexicographic) và mặc dù không đảm bảo cho ra sự chọn tối ưu nhưng theo đo nghiệm, lại là đặc trưng cho sự ra quyết định theo nhiều thuộc tính của con người.

462. Emancipation disorder: Rối loạn giải phóng

Một rối loạn của thời mới lớn, trong đó cá nhân trải nghiệm sự xung đột giữa ham muốn tự do thoát khỏi sự kiểm soát của cha mẹ và trách nhiệm của sự độc lập. Các triệu chứng có thể bao gồm sự không dứt khoát, nhớ nhà, phụ thuộc quá mức vào chúng bạn, và quá phụ thuộc vào lời khuyên của cha mẹ. Cũng gọi là emancipation disorder of adolescence and early adulthood (rối loạn giải phóng của tuổi thiếu niên và tuổi mới lớn).

463. Emotional cognition: (sự) Nhận thức cảm xúc

Năng lực nhận ra và diễn giải cảm xúc của người khác, nhất là từ những manh mối như nét mặt và giọng nói, và diễn giải đúng tình cảm, cảm nhận của mình. Sự khiếm khuyết về nhận thức cảm xúc có liên kết với một loạt điều kiện tâm lí.

464. Emotional development: (sự) Phát triển cảm xúc

Một sự tăng tiến dần năng lực trải nghiệm, biểu hiện, và diễn giải cảm xúc. Chẳng hạn, trẻ em bắt đầu mỉm cười và nhăn mặt từ khoảng 8 tuần và cười khoảng 3-4 tháng. Các biểu hiện vui sướng, sợ hãi, giận dữ và ghê tởm rõ rệt vào 6 tháng tuổi, và sự sợ hãi người lạ từ lúc 8 tháng. Các biểu hiện yêu thương và ghen tức được thấy giữa 1 và 2 tuổi, và cáu kỉnh dưới hình thức nổi đoá xuất hiện khoảng 1 năm sau nữa. Kiểm soát vỏ não, bắt chước người khác, ảnh hưởng của hormon, không khí gia đình, và sự điều kiện hoá đóng vai trò quan trọng trong phát triển cảm xúc.

465. Emotional incest: (sự) Loạn luân về cảm xúc

Một hình thức lạm dụng tính dục trẻ em gồm những tương tác tính dục phi thể chất giữa phụ huynh và đứa trẻ mà họ chăm sóc. Có thể bao hàm việc phụ huynh bình luận về sự hấp dẫn tính dục của trẻ, về cảm hứng tính dục đối với trẻ, hay kích thước hình dạng các bộ phận của trẻ (như ngực, lông…) hay hàm ý về hoạt động tính dục của trẻ (như gọi trẻ là đĩ, điếm).

466. Emotional insulation: (sự) Cô lập cảm xúc

Một cơ chế phòng vệ có đặc trưng là làm ra vẻ thờ ơ và tách biệt để đáp lại những tình huống hay những sự kiện thất vọng. Sự cô lập cảm xúc cực độ thể hiện ở những trạng thái hoàn toàn vô cảm và đờ đẫn mất khả năng vận động.

467. Emotional intelligence: Trí khôn cảm xúc

Năng lực giám sát cảm xúc của bản thân và người khác, phân biệt giữa những cảm xúc khác nhau và đặt tên cho chúng một cách đúng đắn, và sử dụng thông tin cảm xúc để hướng dẫn tư duy và hành vi. Thuật ngữ thỉnh thoảng xuất hiện trong văn bản Tâm lý học trong những năm 1970 và 1980, nhưng khái niệm lần đầu được định nghĩa chính thức vào năm 1990 bởi các nhà Tâm lý học Mĩ Peter Salovey (1958-) và John D. Mayer (1953-), người sau đó chia thành 4 nhóm năng lực của trí khôn cảm xúc: (a) năng lực tri nhận, đánh giá và biểu hiện cảm xúc một cách xác đáng; (b) năng lực tiếp cận và khơi gợi các cảm xúc khi chúng tạo thuận lợi cho sự nhận thức; (c) năng lực thấu hiểu các thông điệp cảm xúc và sử dụng thông tin cảm xúc; (d) năng lực điều chỉnh cảm xúc của bản thân và động viên sự tăng trưởng và phúc lợi. Các thông diễn về trí khôn cảm xúc bao gồm những nhân tố khác như kĩ năng liên cá nhân và tính thích nghi. Cũng gọi là social intelligence (trí khôn xã hội), đặc biệt khi tập trung vào các năng lực thuộc nhóm (a) và (c).

468. Emotional quotient: Chỉ số cảm xúc

Một chỉ báo về trí khôn cảm xúc tương tự IQ (chỉ số trí khôn). Một số thước đo được phát triển sau khi ra đời cuốn sách bán chạy Emotional Intelligence vào năm 1995 của nhà Tâm lý học và nhà báo Mỹ Daniel Goleman (1946-). Những cách đo ban đầu dựa trên tường trình của cá nhân về tri nhận, đánh giá các năng lực của bản thân và kinh nghiệm trong các địa hạt vận hành có liên quan đến trí khôn cảm xúc; những cách đo có hiệu lực hơn được phát triển bắt đầu vào cuối thập niên 1990 tập trung vào những năng lực then chốt. Viết tắt là EQ.

569. Empiricism: Chủ nghĩa duy nghiệm

Học thuyết liên kết đặc biệt với nhà Tâm lý học người Anh, John Locke (1632-1704), nhà Tâm lý học người Ireland, Bishop George Berkeley (1685-1753) và nhà Tâm lý học người Scotland, David Hume (1711-76), được biết đến chung là các nhà duy nghiệm luận Anh. Theo đó, mọi yếu tố của kiến thức – hay, theo phiên bản ít cực đoan hơn, mọi kiến thức thực tế phân biệt với những suy diễn diễn dịch theo logic – đều xuất phát từ trải nghiệm, những người có quan điểm này thường dùng phương pháp thực nghiệm làm nguyên mẫu của sự thu nạp kiến thức nói chung.

470. Encoding specificity: Đặc hiệu của mã hoá

Hiệu quả nhớ lại của mối quan hệ giữa các thao tác mã hoá vào lúc học với những manh mối có được vào lúc nhớ lại, hiệu quả của thao tác mã hoá phụ thuộc vào tính chất của các manh mối khi nhớ lại, và hiệu quả của những manh mối cụ thể khi nhớ lại phụ thuộc vào tính chất của các thao tác thao tác mã hoá trước đó. Chẳng hạn, nghiên cứu đã cho thấy rằng: nếu một người đọc câu “người đàn ông lên dây đàn piano” cùng với nhiều câu khác, và sau đó cố nhớ lại những sự vật nói đến trong tất cả các câu, thì manh mối “âm thanh êm ái” tạo thuận lợi để nhớ lại “piano”, trong khi manh mối “vật nặng” không gợi nhớ cái đó; nhưng nếu câu gốc là “người đàn ông nâng đàn piano lên” thì “vật nặng” là manh mối hiệu quả chứ không phải “âm thanh êm ái”. Hiện tượng này được nói nhiều trong một cuốn sách vào năm 1928 của nhà Tâm lý học Mĩ Harry L. Hollingworth (1880-1956), trong đó ông gọi nó là “nguyên lí tái lập các điều kiện kích thích”. Cũng gọi là encoding-retrieval interaction (tương tác mã hoá-nhớ lại) hay transfer-appropriate processing (xử lí chuyểngiao-chiếm dụng).