Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 14 tháng 6, 2021

Nhật ký chiến tranh (kỳ 23)

Vương Trí Nhàn

16/3

Đặc tính thấy rõ nhất của những ngày đầu hoà bình này là gì? Là mất phương hướng. Ít ra với tôi là vậy. Có lúc nghe nói có hoà bình thật. Ta có lực lượng mạnh mẽ để gìn giữ hoà bình. Có lúc lại nghe phổ biến khác. Chính thức mà cũng mập mờ, không biết là chiến tranh hay hoà bình. Hoặc hoà bình chỉ chắc ở miền Bắc. Còn ở miền Nam, vẫn là có thể thế nọ, có thể thế kia.

Ngày càng có tin bên kia “phá hoại hiệp định”. Có nhận định vừa rồi mình hữu khuynh, để mất nhiều. Bây giờ có thể là đánh, đánh rồi tuyên truyền cẩn thận.

Lại có tiếng xì xào nó nện mình một, mình nện nó mười, chứ mình có vừa đâu?!

Rồi thì thủ đô miền Nam ở đâu? Có tin ở Đông Hà. Nhưng lại có tin ở tận xa hơn, trong B2. Cái thị trấn được nhắc nhiều nhất là Lộc Ninh. Lộc Ninh có cái chợ lèo tèo vài ba người.

Việc trao trả tù binh Mỹ lúc nghe nói gián đoạn, lúc thì lại làm bình thường, chả có ai thông báo rõ ràng.

Có cả tin cán bộ trong kia của mình bị đánh. Ở Huế? Chuyện xảy ra trong ngày lễ cầu siêu, cầu siêu cho những người bị chết đầu năm 1968. Lúc ấy chỉ cần ai lỡ mồm nói ngược một chút thôi, là chết với người ta ngay.

Nhân đây nói một chuyện cũ của Huế. Nhiều người nghe được từ phía bên kia, đều bảo rằng năm 1968 là năm ta tàn sát dân khá nặng. Một chỉ huy là ông Thân Trọng Một đã có lần thú nhận...

Phải chăng, đó là một sự thất bại, một sự vỡ mộng, một bi kịch? Những người lính chờ mãi. Lúc vào, không thấy dân giống như sách vở từng nói. Gặp vài phản ứng trái chiều. Thế là bắn hết, giết hết. Sản phẩm của một quan niệm nông dân. Phía bên kia, không ai biết cho điều ấy.

Tiếp tục câu chuyện cho mỗi người vay 500 đồng. Dân thích nhưng sợ (lãi nhiều quá!). Còn trên lại sợ rằng làm như thế thì có vẻ thay đổi quá.

Chữ nghĩa dùng trên báo cũng bị giày vò.

Ng Khải nghe đâu về kể bữa nọ, trên phê bình rồi đấy. Ai cho các anh dùng chữ giai đoạn mới? Nhiệm vụ cách mạng ở miền Bắc vẫn thế. Nhiệm vụ cách mạng ở miền Nam vẫn thế. Chưa có nghị quyết trung ương, chưa có đại hội đảng. Ai cho các anh tự tiện dùng chữ giai đoạn mới?

Nhưng rồi lại nghe nói, các cụ bảo thôi cũng được, nói giai đoạn mới, tức là nói hoà bình, cho anh em phấn khởi.

Lần đầu tiên, sĩ quan mình vào Sài Gòn, và sĩ quan bên kia ra Hà Nội. Bên kia rất trẻ. Ở Sài Gòn ta cho đi toàn những ông già. Lắm lúc cứ thấy sợ.

Nhưng có phải khôn hết đâu. Ngay cả những người thông minh nhất của báo chí, cũng có những chỗ hớ. Ví như ông Thành Tín. Ông này có lần lẫn Nguyễn Văn Thiệu với Ngô Đình Diệm.

Phương Tây đưa tin: Trung tá Bùi Tín bắt tay một lính nguỵ. Nó không bắt. Ông này tương một câu, thế anh không hoà hợp dân tộc à?

Những buổi “tiễn” Mỹ về nước, là một dịp để cho các nhà báo của ta có dịp được thoải mái gặp người của phía bên kia. Khốn nạn, lâu nay không ai dám hé răng hỏi và trả lời họ câu gì thì sao mà tự nhiên được. Bây giờ thở ra toàn những câu ngớ ngẩn.

- Ra đây, thấy B52 nó đánh Hà Nội anh có đau xót không?

- Vâng, chúng tôi cũng đau xót, như đau xót khi thấy các ông pháo kích vào Huế. Còn như B52, chúng tôi đã gặp nhiều cán binh Bắc Việt hồi chánh, và họ đều bảo họ rất sợ B52.

Sĩ quan Sài Gòn người gốc Hà Nội ra miền Bắc được đi thăm thành phố cũ. Ra cái vẻ để cho họ tự do mà. Đi đâu, có một cô gái đi cùng.

- Ở Hà Nội có nhiều vô tuyến truyền hình không?

- Có.

- Sao không thấy ăng ten?

- Vô tuyến truyền hình không cần ăng ten.

- Có nhiều làn sóng không?

- Nhiều lắm.

Tay sĩ quan kia, mang câu chuyện này về, đăng công khai trên báo Sài Gòn.

Dạo quanh Hà Nội, đám sĩ quan kia chẳng về nhà, toàn đi chụp ảnh. Ra công viên họ chụp một dãy ghế đá vắng người. “Đây Hà Nội chủ nhật” Và chụp một bức tường mà rất nhiều người Hà Nội đều biết, với dòng chú thích: “Bức tường này, gần 20 năm trước, chúng ta rời Hà Nội ra đi, giờ vẫn như vậy”.

Những ai cứ nghĩ những ngày hoà bình đầu tiên, sẽ là những ngày có những thay đổi lớn, thì nhầm hết.

Trong Sài Gòn, nó cho công nhân thêm lương. Còn như ở ngoài này, cũng có nhiều người viết thư đến báo Nhân Dân đề nghị tăng lương, đề nghị khao dân, theo như tục lệ ở các nước thắng trận. Nhưng lấy tiền đâu?

Tôi cảm thấy mọi người dân Hà Nội hôm qua chiến tranh thông minh nhanh nhảu, hôm nay như chết khiếp đi, khi quay về làm ăn bình thường.

Phương Thảo cho biết: Giá thịt lợn tăng, thịt ngon giá ngoài đến hơn 1 đồng 1 lạng. Cá đắt... Nhưng kinh nhất là nhiều người dân sinh ra lễ bái. Đến các nhà máy, thấy công nhân đánh bạc nhiều. Không có việc làm. Ngoài phố, nhiều đám trẻ tụ tập ăn cướp, trêu gái. Xã hội ly loạn. Còn như đi đâu, cũng nghe những chuyện bắt người. Mấy ông cốp khác quan điểm lần lượt bị tóm. Liệu nó sẽ báo hiệu chuyện gì?

22/3

Ông Mạn: Trẻ con, phá cửa cơ quan vào xem truyền hình ghê quá.

Khải: Bây giờ cơ quan nào chẳng bị người ta phá cổng? Cơ quan nào chẳng như nhà hoang! Ai muốn làm gì thì làm.

Ông Chu Văn kể chuyện các tỉnh uỷ bây giờ nó nói dối cứ xoen xoét. Hôm nọ Nam Hà vừa điện lên, Trung ương lấy thịt đi, không có Nam Hà thừa thịt không biết làm gì cả. Trong khi ấy, thì cỡ như Chu Văn từ tết đến giờ chỉ ăn lạc thối.

-Thế Nam Định bây giờ kiến thiết thế nào?

- Nam Định kiến thiết đến nỗi ngày hè, tôi đi ra đường, phải đi ủng.

Theo Ng Khải những lão như Thợ Rèn ở báo Nhân Dân nói xấu chế độ mới ghê. Nói một câu bằng mình nói cả năm.

- Này ông Khải, giải thưởng văn học thế nào?

- Chả có gì.

- Bây giờ chỉ có hành động. Hôm nọ một vị ở trên đến báo Nhân Dân. Vị cũng to, cổ cồn, bụng phệ, khuyên nhủ vài điều, pha trò nhạt. Đang nói, thì trời mưa, thế là các phóng viên, biên tập viên chạy vù vù cả. Thì ra cánh đàn ông chạy đi cất xe đạp, các bà thì chạy đi cất mì phơi trên gác. Nhà chật quá, phải mang mì đến cơ quan, mỗi người đèo một bì đến, rồi lại còn ăn cắp ăn nẩy của nhau, cãi nhau loạn xị.

Khải nói tiếp:

- Ông Thi giải thích thế này thì đúng này. Ông ấy bảo sức hấp dẫn của trong ấy, là sức hấp dẫn của chủ nghĩa tư bản. Còn của mình ngoài này, cái nào ra chủ nghĩa xã hội không kể, còn ngoài ra thì đặc phong kiến, người ta không thích được là phải.

...

Mới hai tháng sau hoà bình mà đời sống đã khác đi nhiều lắm. Có một sự gì đó mà cả những người dân thường cũng có thể cảm thấy thành ra không thể bỏ qua được.

Một tù binh nói một cách thận trọng, dường như đã suy nghĩ kỹ lắm:

- Chúng tôi hiểu miền Bắc là một xã hội hình thức nặng nề. Quyền lực chỉ tập hợp vào cấp lãnh dạo. Mọi sinh hoạt dân chủ không có.

Rõ ràng, lần này, mình phải đối phó với kẻ thù khác hẳn. Nó chuẩn bị còn kỹ hơn cả mình nữa. Thế cho nên rồi không hiểu tình hình xoay chuyển đến tận đâu.

Còn như ở dưới, những cuộc đời thường đã hoá nhênh nhang nhoè nhoẹt như cháo vữa. Người ta tự nguỵ tạo trong bao nhiêu thứ áo giáp, bao nhiêu thứ định kiến. Tất cả là để đối phó với chung quanh.

- Chính là các anh cần phải được giải phóng, chứ không thể giải phóng ai hết. (Lời Phan Nhật Nam)

Một bài báo mọi người truyền tay

in trong Tài liệu tham khảo

Từ chủ nghĩa anh hùng tới chủ nghĩa quan liêu

Jean - Claude Pomonti

Một người ngoại quốc đi trên đất này, như bước trên sa mạc. Không có mối liên quan nào giữa anh ta và những người chung quanh. Việc giữ bí mật ở Bắc Việt đã tạo ra một thói quen kỳ lạ. Không ai hiểu việc của ai, đến một người trong cơ quan cũng không sao hiểu nổi công việc cơ quan anh ta trong cái nhà nước mà anh ta phục vụ.

Người Bắc Việt đã tập vui buồn theo chỉ thị cấp trên. Hầu hết người dân thủ đô là công nhân, là cán bộ. Tất cả tạo thành một bộ máy quan liêu kén đặc lại, trong đó, mỗi người chỉ một nhiệm vụ là tự bảo vệ.

Hai tháng đã qua kể từ ngày hoà bình lập lại. Bao nhiêu vấn đề đang đặt ra với đất nước nơi đây nhưng tôi chắc không có ai có thể trả lời được cả.

Một người lãnh đạo mà tôi không tiện nói tên, đã nói chuyện với tôi với vẻ mặt thoả mãn đến làm tôi khó chịu.

... Trong bài báo của ông Lê Duẩn, có rất nhiều điểm tiến bộ. Nhưng công thức “kết hợp cũ – mới” chứng tỏ họ vẫn không nhích lên đến nửa bước.

... Lại nói về nếp làm việc ở đây. Người ta làm việc một cách tuỳ tiện. Ví như đối với người nước ngoài, mất bao nhiêu thời gian trong cái việc đi chơi bời, du lịch, thực tế là để chờ Công An điều tra và xin chỉ thị cấp trên. Có lần, tôi đã phải dự một buổi biểu diễn văn công bắt buộc như thế này: Trước khi tan buổi chiêu đãi năm phút người ta bảo là có văn công. Và thế là tôi được đưa đi, lẫn vào giữa dòng người, phải ngồi xem, hỏng hết cả kế hoạch công việc của tôi.

Tôi rời đất nước này, với ý nghĩ rằng mặc dù những hy sinh lớn của dân tộc Việt Nam, đất nước này sẽ rơi vào tình trạng buồn tẻ, nhạt nhẽo mà không ai chú ý tới, nó cũng không xứng với vị trí đáng lẽ miền Bắc Việt Nam được hưởng. Trong những năm qua, những người lãnh đạo ở miền Bắc cũng tích luỹ được một ít vốn liếng: sự ủng hộ của nhân dân thế giới. Nhưng họ đang tiêu phá những cái đó một cách bừa bãi, và chẳng bao lâu lại trở nên tay trắng.

Một bài khác, có mấy ý:

Có một câu danh ngôn đại ý nói, những ngày hoà bình đầu tiên, những ngày sau chiến tranh, bao giờ người ta cũng nghĩ ngay tới sự báo thù. Cần một người có tính đàn bà, để dám làm những chuyện dơ dáy nhất.

Nhưng hôm nay khi báo chí đưa tin người lính Mỹ bị bắt cuối cùng về nước, nét mặt người Hà Nội không thấy một thoáng căm thù. Thế là thế nào? Có phải đúng như lâu nay chính quyền Bắc Việt vẫn nói, căm thù là tình cảm mãnh liệt nhất của con người nơi đây? Hay người dân ở đây đã bắt đầu hiểu rằng tai vạ không phải do những người Hoa kỳ kia gây ra.

Một bài thơ E. Evtouchenko

(chỉ truyền tay chứ không đăng báo)

Ở đây, tất cả phân phối theo phiếu, trừ sự hài hước.

Ở đây, tất cả phân phối theo phiếu, trừ sự tự hào

Đất nước này tự hào về sự nghèo nàn của mình

Ước gì bằng sự tự hào đó, may ra họ có thể ra khỏi sự nghèo nàn thật sự của họ.

Mưa rất lâu, rất lâu. Nhưng còn một thứ lâu hơn nữa, là chiến tranh

Ở đây, chiến tranh đã làm tất cả những gì mà ở nơi khác, chiến tranh đã làm

Ở đây một phần ba phụ nữ goá chồng.

Ở đây, những cây lúa nhón chân lên

Như là những đứa trẻ con nhón chân lên

Để nhìn vào những máy bay – xem máy bay mình có lên không

Ở đây, người ta lại hát

Em ơi đợi anh về

Đợi anh hoài em nhé

Tôi nhìn bức tượng nghìn mắt nghìn tay

Nhưng nghìn tay kia không đủ để lau nước mắt

Nghìn mắt kia không đủ để nhìn thấy máy bay.

Vẫn biết rằng chiến thắng rồi sẽ đến

Nhưng nó có xứng với những hy sinh của người ta?