Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 11 tháng 5, 2021

Ở Thời quán suy tàn của Ý chí Quốc gia Việt Nam

Nguyễn Hữu Liêm

Đã gần một thế kỷ kể từ khi Hồ Chí Minh (HCM) trở nên một chiến sĩ cho chủ nghĩa Cộng sản và đã giới thiệu ý chí lịch sử trong ý thức hệ duy vật cho nhu cầu độc lập, thống nhất và tự do cho dân tộc. Ở buổi giao thời đó, cái Ta cá nhân dân tộc đã hoàn toàn giao hoán cho đại thể tính của Đảng Ta. Đảng Ta nuốt hết cái Ta cá thể Việt để kiến tạo một chủ nghĩa yêu nước, một năng lực anh hùng ái quốc mới trước bình minh thức giấc cho một khả thể văn minh mới đến từ phương Tây.

Từ trong một cái Ta thiếu thời, non trẻ và ngây thơ của cá nhân con người Việt, HCM đã từ trời Tây đem về trao cho Hắn một linh hồn, một ý thức mới, một năng ý mới. Trên bàn cờ biện chứng Chủ-Nô theo quá trình tiến hóa của năng lực Tự ý thức thì HCM đã nâng dân tộc Việt lên một nấc cao mới trong cơ sự làm người với ý thức về thân phận con người bị nô lệ muốn đứng lên phá xiềng xích, tự giải phóng cho mình.

Về mặt tích cực thì không ai có thẩm quyền nghi ngờ thiện chí đấu tranh, ý chí giải phóng dân tộc, tình yêu trong sáng của HCM dành cho chủ nghĩa Cộng sản. Và không ai có thể nghi vấn về khả năng hoàn tất vai trò Sử tính của Ông và của Đảng Cộng sản Việt Nam. HCM và những đồng chí Cộng sản đã hoàn tất vai diễn cho một vở kịch bi hùng, vô tiền khoáng hậu trong lịch sử nước nhà. Chưa bao giờ cái Ta của nàng Kiều non dại, thụ động của dân tộc lại được trang bị cho một ý thức hệ để hy sinh, để làm chuyện Thiện-Ác trên một giá trị luân thường khác biệt.

Cho đến khi cắm được cờ đỏ sao vàng – hay ẩn dạng của nó – trên nóc dinh Độc Lập ở Sài Gòn trong một buổi sáng cuối tháng Tư năm 1975, Đảng Ta đã quy tụ cả một thế hệ Vàng với những đảng viên đại diện cho tầng lớp tinh hoa ưu tú nhất của Thời đại. Từ trong ý thức về thân phận con người phổ quát, trên hành trình xương máu và hy sinh, Đảng Ta đã rất xứng đáng để đi vào huyền thoại Sử tính dân tộc.

Sự xuống dốc của Ý chí Sẽ-Phải-Là

Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiếp nối được truyền thống ý chí độc lập cho tổ quốc, chuyển hóa ý chí Sử tính để ứng nghiệm vào khả thể Sẽ Phải Là cho dân tộc. Những chiến thắng quân sự đối với những kẻ từng nô lệ hóa dân tộc đã hoàn tất được một nội dung tiên tri về Sử lý cho tổ quốc. Rằng Ta chỉ được sống khi Ta sẵn sàng chết. Và đất nước Việt Nam là một cây Thập tự giá để cho thân xác dân tộc được chết cho sinh mệnh Sử Ý Sẽ Phải Là. Như HCM có nói theo lời của Lenin, “Hạnh phúc thay cho những ai được sống, ước mơ, và đấu tranh cho Tự do.”

Nay thì Đảng Ta đang đi vào quá khứ, nó đang trở nên cái Đã Là cho cái Ta dân tộc. Cá nhân và đại thể tính Việt đang đi vào một cái Ta mới cho Thời tính Sẽ Là.

Khi Ta đã hiện thực hóa hết mức độ khả thể của các phạm trù khái niệm của hệ ý thức duy vật, khi biện chứng Chủ-Nô đã hoàn tất, ít nhất là đối với ngoại bang, thì năng thức khái niệm cho chủ nghĩa Yêu nước đã trở nên vô nghĩa. Cái chết đang xẩy ra cho Đảng Ta là sự lụi tàn ý nghĩa khái niệm cho cứu cánh chân lý chính trị và Sử lý. Đó là sự trở nên vô nghĩa của những phạm trù bao hàm những khẩu hiệu suốt thế kỷ qua: ý chí Cách mạng, lòng Hy sinh quả cảm, tinh thần Yêu nước, chủ nghĩa Quốc gia, ưu tiên Dân tộc.

Trong vòng chưa tới một trăm năm, Đảng Ta vừa nâng cao, nuôi dưỡng, phát huy cao độ thành công cứu cánh tính cho chủ nghĩa quốc gia. Chiến thắng Điện Biên Phủ là thượng đỉnh cao nhất cho tình yêu nước của cái Ta dân tộc mà Đảng đã thành công xây dựng. Nhưng từ khi lên đến đỉnh cao quyền lực trong một đất nước thống nhất thì Đảng Ta, với bản chất độc tài, độc đoán và bất lực, vô minh trên nhiều phương diện trị nước, đã gián tiếp làm suy giảm lòng yêu nước, tinh thần quốc gia, dân tộc của cái Ta Việt tộc.

Nhìn lại Sử lý Việt trong hai thế kỷ qua, Đảng Ta vô tình đã gần như tiếp tay hoàn tất cái mà Thực dân Pháp cũng như đế quốc Tàu đã thất bại – đó là chủ trương tiêu diệt ý chí tổ quốc và tinh thần yêu nước của dân Việt. Đảng Ta và Thực Dân Pháp là hai khuôn mặt của một đồng tiền vốn nay đã hoàn tất xong Thời quán lịch sử và đã không còn mang giá trị Sử tính.

Vượt biên, Di cư là Ý chí Phủ định Quốc gia

Ở đầu thế kỷ XXI, cái Ta dân tộc trên cơ bản cá nhân đang dần hồi sinh trở lại trong ý chí cá thể. Nhưng khi nhìn cục diện và bản chất đại thể Đang Là, từ ngày 30 tháng Tư, 1975, cá nhân Việt mang một ý chí tiêu cực và thụ động mới. Lần đầu tiên, cái Ta cá nhân muốn từ bỏ tổ quốc, xem nhẹ lòng ái quốc, để lên đường ra khỏi nước, để định cư làm lại cuộc đời cho mình và cho các thế hệ con cháu ở một quốc gia văn minh, tiến bộ và đạo đức hơn.

Khi xách gói lên đường ra biển, hay vượt biên đường bộ, hay di cư bằng đường bay quốc tế, cái Ta dân tộc này không những chỉ muốn phủ định Đảng Ta, hay guồng máy công quyền của nhà nước, mà là cái Ta đại thể tổ quốc mà Đảng Ta đang chiếm giữ. Từ trong sâu thẳm của năng lực Tự ý thức về Ta và về khách thể, về Đại thể tính Tổ quốc, cái Ta Việt không mang hy vọng gì ở ý chí lịch sử của con người Việt Nam – không những chỉ ở nơi Đảng Ta, mà là của cả giống nòi Việt tộc trên bàn cờ biện chứng khả thể cho một tương lai Sẽ Là cho đại cuộc. Hắn sợ hãi Việt Nam như là một tổ quốc chung, cảm thấy rất bất an về tương lai, ngao ngán con người dân tộc – như là sợ hãi tình trạng giao thông, ô nhiễm môi trường hay là an ninh cá nhân ngay trong nhà ở của mình.

Dĩ nhiên không chỉ có ở Việt Nam thì mới có câu chuyện dân chúng ào ạt bỏ nước ra đi định cư ở các nước Âu Mỹ. Đây là thảm kịch của thời đại mới khi truyền thông đã nâng cao khả thể tự ý thức cho nhân loại. Thế kỷ trước, di cư là một hiện tượng thành thị hóa khi dân quê nông nghiệp bỏ làng xóm lên phố thị sinh sống. Nay thì họ vượt biên giới quốc gia, vượt qua ý chí tổ quốc, để trở thành những con người thế giới đi tìm đồng cỏ mới cho thế hệ kế tiếp.

Nhưng khi Ta nói về hiện tượng bỏ nước ra đi của dân tộc Việt, Ta nhìn thấy được cái biên độ giới hạn của chủ nghĩa quốc gia, tình yêu nước mù quáng và cực đoan. Cộng thêm trình độ quản lý yếu kém bởi một tập thể cán bộ, đảng viên với ý thức hạ cấp, Đảng Ta đã tạo nên một phản ứng thuần phủ định đối với ý thức về quốc gia đại thể.

Tuy nhiên, trên trường biện chứng cho năng lực tự ý thức về Ta mà Đảng Ta đã nắm đầu dây cương lĩnh, cái Ta dân tộc trong tiến trình phát huy tính tiêu cực trong ý chí phủ định chủ nghĩa quốc gia cũng đồng thời đang vươn về một chân trời khả thể mới.

Đó là ý thức nhân loại phổ quát: Khi nhìn vào cái Ta cá nhân trên bình diện con người như là con người phổ biến, chứ không phải chỉ là dân tộc giới hạn. Bản sắc tự ý thức của họ đang được giải phóng ra khỏi biên giới quốc gia chật hẹp để đi ra biển lớn với cộng đồng nhân loại. Họ nhận chân rằng chân lý cứu cánh về tự do, công lý và hạnh phúc không tuỳ thuộc vào chủ nghĩa Quốc gia. Con người phải biết hành hoạt và tồn tại trên cơ sở con người có ý thức – chứ không phải là một thành phần của một tập thể bị chi phối bởi biên giới chủng tộc và địa lý.

Nên nhớ rằng chủ nghĩa Cộng sản cũng chủ trương một cứu cánh tính vượt qua biên giới quốc gia và dân tộc. Tuy nhiên sự khác biệt giữa hai dòng ý chí – giữa chủ nghĩa quốc tế Marxist và phong trào di cư tỵ nạn gần đây – nằm ở nơi biện chứng nguyên nhân và hệ quả. Ý chí quốc tế của người Cộng sản là nguyên nhân cho ý chí Sử lý vô tổ quốc. Còn ý chí di cư, từ bỏ quốc gia, dân tộc là hậu quả của chủ nghĩa quốc gia và những hệ luỵ tiêu cực của nó. Cả hai là đối tính phản diện trên một đồng tiền của năng lực tự ý thức về Ta mà trên hành trình Sử lý, cái Ta dân tộc và quốc gia cuối cùng cũng sẽ phải được vượt qua.

Khả thể Nhân thức

Ý chí lịch sử Marxism mà Hồ Chí Minh đem đến cho Việt Nam cũng như cái gia sản tiêu cực thuần phủ định mà Đảng của Ông để lại cho dân tộc đã đóng góp cao độ cho hành trình Tự ý thức đó. Quốc gia đối với cái Ta cho chân lý hoàn vũ cuối cùng thì cũng chỉ là một Thời quán tiến hóa – vốn phải được vượt qua. Cái gì được xác định tối đa cũng rồi cuối cùng bị triệt để phủ định. Chủ nghĩa Quốc gia, tinh thần yêu nước của Việt Nam đã tiêu thụ hết năng lượng của Thời đại. Cá nhân Việt nay là khối nhân loại trống rỗng về tình yêu nước, ý thức công dân, và ý chí chính trị. Tương lai Việt Nam sẽ được định đoạt bởi khoảng trống tinh thần này.

Ngoại trừ cái Ta Việt đứng dậy trong khả thể Tự ý thức mới – khi cá nhân là hiện thân cho giá trị nhân loại phổ quát vượt qua biên giới quốc gia, dân tộc. Tôi gọi nó là khả thể Nhân thứcthe Individuated Universal. Nhân thức chính là cứu cánh lịch sử – chứ không phải là quốc gia dân tộc.

Từ đó, Đảng Cộng sản của HCM đã thành công rất lớn trong việc hoàn tất vở kịch vô thức cho Sử tính Việt Nam – mà trên bình diện siêu hình thì tất cả những thăng trầm bi tráng của dân tộc này chẳng qua chỉ là một trường hiện tượng biện chứng “giảo hoạt của Trí năng” – the cunning of Reason – mà Hegel nói đến.

(Trích từ “Sử Tính và Ý Thức: Một Triết học cho Sử Việt,” XIII (California: NXB Sống, 2016)).