Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 20 tháng 5, 2021

Game thủ

Đinh Thanh Huyền

Vốn là bậc đại lạc quan, Chúa quan sát thái độ lạc quan của con người

thông qua sự phục tùng của họ

(E. Mundasep)

Tháng 4 năm 2021, sự kiện chùm tác phẩm thơ của tác giả Tòng Văn Hân đoạt giải cao nhất tại cuộc thi thơ 2019-2020 của báo Văn Nghệ đã gây nên nhiều tranh cãi về chất lượng giải và chất lượng thơ, đặc biệt xung quanh bài Mẹ tôi chửi kẻ trộm. Cư dân mạng đồng loạt gọi đó là “Bài thơ mất gà”. Một cơn “áp thấp nhiệt đới” nho nhỏ kéo lên trên thế giới mạng. Rất nhiều người, cả nổi tiếng lẫn vô danh, văn nghệ sĩ, trí thức lẫn nhà buôn trong nước ngoài nước tham gia cuộc bàn luận. Sau vài ngày ào ào tấn công đối tượng (gồm cả “Ban tổ chức mắt mù”, “tác giả ngây ngô”, đám bất đồng “quan điểm bố láo”, những kẻ không chửi nhau với họ...) và xác quyết về sự “ngu xuẩn”, “kệch cỡm” của giải thưởng, tiện thể bẻ cổ vài kẻ dám tỏ ra khách quan trong sự bênh vực, những người phê phán rắn mặt nhất cũng chán, họ bỏ con mồi đó lao vào con mồi khác, áp thấp tan.

Nhưng biến cố “thơ mất gà” – thú vị thay – làm xuất hiện chùm thơ Thử làm bài thơ mất gà của Lê Vĩnh Tài.

Ngày nay, ngay cả những người điềm tĩnh nhất, cũng khó mà tin rằng thơ ca chỉ để dùng theo cách trang trọng. Giống loài chúng ta vốn dĩ không sinh ra để làm mặt lạnh. Phần lớn thời gian của chúng ta dành để cười cợt một cái gì/một ai đó. Nhưng Nhân loại – thậm chí không hề biết rằng họ – chỉ vui khi tránh xa được cái nghiêm trọng. Cách hiểu phổ biến về siêu chức năng của văn học hóa ra chỉ là câu chuyện ngụ ngôn lỗi thời và những giá trị được tung hô thì lại giống ảo ảnh nhiều hơn. Hệ quả là, khi thiên hạ phát hiện đám nhà văn rốt cuộc là những kẻ thích nghịch đang bày trò (có thể với lon bia và đĩa lạc luộc), họ phát cáu. Nhưng ai đó sẽ nói: “Ơ, thế ông nghĩ chơi không phải là trò nghiêm túc à?”. Vâng, đó chính là vấn đề. Trong cõi đời hư huyễn này, thứ duy nhất nghiêm túc là… trò chơi. Chấp nhận tính trò chơi của văn học sớm chừng nào thì chúng ta sẽ ngừng cãi cọ và bắt đầu cuộc chơi cùng sớm chừng ấy.

Có một sự thật là: trong khi nhiều người nhìn một cách nghi ngại vào thứ thơ như thơ Lê Vĩnh Tài, thận trọng nếm chút xíu và lắc đầu như thương một cái gì đáng ngờ, thì có vài người sốc xỉu ngang xỉu dọc, còn vài người khác không nhịn được bèn cất tiếng chửi. Dĩ nhiên, sẽ có người chửi lại, bởi chửi nhau trên “đất” văn chương là quyền không của riêng ai, cũng không ai sứt mẻ hề hấn gì ngoại trừ một chút mất mặt.

Phớt lờ những nghi hoặc, Lê Vĩnh Tài thản nhiên viết, thản nhiên đăng thơ trên mạng. Bởi, anh ta đang CHƠI. Tôi coi Lê Vĩnh Tài là một Game thủ vì lẽ đó.

Hãy hình dung như thế này, trong bóng đá, trò chơi được tạo ra không phải từ bản chất của quả bóng mà là cách tương tác với quả bóng theo định hướng của người chơi. Như vậy, có thể đá, tâng, rê, dắt, bắt bóng tùy ý, thậm chí đá quả bóng vào khán giả, đó là những lựa chọn thú vị. Với bản chất là một trò chơi, văn học cũng cho phép các bên tương tác với nhau. Quan niệm này chống lại mặc định về tính độc tài của nghệ thuật. Hầu hết thơ Lê Vĩnh Tài đăng tải trên mạng xã hội. Không có môi trường công bố này, Lê Vĩnh Tài khó có thể chơi được trò chơi lớn của mình. Mạng xã hội là nơi nhà thơ có thể tương tác ngay với người đọc. Một bài thơ post lên, nhận lấy những comment, tác giả đáp lời, đó là sự tương tác tức thì mà mạng xã hội mang lại. Nếu lùi đủ xa để quan sát, ta sẽ nhận ra toàn cục trò chơi đang diễn ra đầy hứng thú, tùy biến, sinh động, kết quả bất ngờ. Lê Vĩnh Tài có lẽ ý thức được điều trên nên đã chơi chủ động, dẫn dắt lối chơi một cách khôn ngoan, điệu nghệ. Trong vòng tương tác, Lê Vĩnh Tài không phản ứng bất cứ lời bình phẩm nào. Lời khen tiếng chê đều được đón nhận bằng lời “vâng”. Nhưng đố ai biết được sau chữ “vâng” nhu mì đó là gì.

Với chùm Thử làm bài thơ mất gà, Lê Vĩnh Tài đã thành công trong việc làm cho độc giả rối tinh rối mù. Rất giỏi trò nhanh-tay-nhanh-mắt, như một ảo thuật gia, Lê Vĩnh Tài sử dụng một chiến thuật mơ hồ để quảng bá cho một cảnh tượng kì quặc, với con gà và tên kẻ trộm làm tâm điểm. Sử dụng nguyên liệu đó, nhà thơ nhào trộn và chế biến thành vài món, món nào cũng dính tí gà và trộm. Cuộc chơi được thiết kế để trải qua các vòng chơi, độ khó tăng dần lên. Đầu tiên là Thử làm bài thơ mất gà, tiếp theo là Tôi đã tìm thấy con gà giống như bạn tìm thấy cơn mưa. Vòng ba là Thử tiếp một bài thơ mất gà, ngay sau đó là Mẹ nói với con trai về kẻ trộm. Tên bốn bài thơ vừa có yếu tố lặp lại vừa có yếu tố biến đổi giống hệt thiết kế game. Lê Vĩnh Tài dẫn người đọc đi qua bốn vòng chơi – bốn bài thơ. Không bài nào trong số đó liên quan đến tác phẩm của Tòng Văn Hân ngoại trừ mấy từ “mất gà” và “kẻ trộm. Sử dụng những từ khóa ấy, Lê Vĩnh Tài bỏ qua nồng độ nhân hậu lộ liễu trong bài thơ của Tòng Văn Hân để làm ra một thứ hoàn toàn khác. Khoản đầu tư duy nhất là “mất gà” và “kẻ trộm” đã sinh lời khi bốn bài thơ xuất hiện. Bài thứ nhất Thử làm bài thơ mất gà, người đọc được khởi động với tâm trạng của kẻ mất gà nhưng đã tìm được cách tự an ủi:

gà đã mất nhưng tôi vẫn còn những ngón tay

sự tinh khiết của những cô gái bên nương

bí ẩn còn hơn cả thịt gà nướng

tôi sẽ cắn ngập một ngàn bông hoa

bằng hàm răng lẽ ra được nhai thịt gà

đã bị người ta

ăn cắp

Bài thứ hai Tôi đã tìm thấy con gà giống như bạn tìm thấy cơn mưa là level cao bởi những câu thơ thật thà một cách tinh quái:

ôi tôi đã mừng như thế nào

bộ lông gà ướt như cánh đồng sợ hãi

với lớp bụi mê ngủ

tôi dễ dàng ôm lấy con gà của mình

như bạn vẫn ôm lấy sự nhạt màu của cơn gió

cuốn những linh hồn

tôi nhìn con gà

mừng như bạn nhìn vào bầu không khí trong lành mát mẻ

quanh sân gôn

Bài thứ ba Thử tiếp một bài thơ mất gà, mọi chuyện đã khác. Con gà chết tiệt và gã trộm vô liêm sỉ khơi lên một cơn đau dữ dội, một cảm giác tê tái đáng sợ.

hỡi kẻ ăn cắp gà điên cuồng

ngươi đã mang lại cái chết tàn nhẫn cho chúng ta

và sau đó ngươi bắt đầu nhảy múa

con gà cuối cùng chiếc lá cuối cùng

quay cuồng trong bữa ăn cuối cùng

chúng ta không phải những tử tù

chúng ta là thi sĩ

không thể chết vì miếng ăn

chúng ta chỉ nhăn răng ra mà sống

chúng ta đứng bơ vơ trước quán cơm gà

như từng chơ vơ trước mặt trăng mỗi tối

Phải coi những câu thơ này là vũ khí sát thương bởi nó đột nhiên lao ra tấn công người-đang-chơi-vui-vẻ. Khuẩn E. coli tâm lý đã được thả ra, người chơi buộc phải chống cự sự đau đớn từ bên trong bởi không đề phòng. Nhà thơ thắng sát ván trong vòng đấu sinh tử này. Nhưng người chơi, sau những phút giây bất ngờ, chấp nhận để dư âm của bài thơ lan đi trong huyết quản, âm ỉ, nóng bỏng, đau một cách êm ái. Như vừa trải qua một cú Jumpscare (nhảy sợ), kẻ thắng và người thua dắt tay nhau đi đến vòng cuối của trò chơi: Mẹ nói với con trai về kẻ trộm.

không chỉ heo hay gà

chúng ta được sinh ra để bị kẻ trộm bịt miệng

hay đánh bả

những tế bào của mẹ và cha

lẽ ra đã thành một kiệt tác của tạo hóa

con đi học bằng tiền bán mấy quả trứng gà

cũng chẳng bao giờ con nhớ

con cũng chẳng cần biết tên của kẻ trộm gà

cũng chẳng cần biết vì sao mình học dốt

con đã bay qua số phận của mình

không lạch bạch như gà không eng éc như heo

Bài thơ cuối, đơn giản như cái kết của bất kì game nào, nhưng để vượt qua nó, người chơi phải thực sự thu nạp hết mọi thông tin để đối mặt với một kịch bản không thể sửa chữa.

và khi đến lượt con, con cần phải hỏi anh ta

(một kẻ trộm gà nhưng thích làm cây sậy biết suy nghĩ

rất nhân văn về huyền thoại của sự vô tội

đất nước này không ai có lỗi):

- tôi tồn tại để làm gì? tôi tồn tại để làm chi?

Tồn tại để làm chi? Câu hỏi sặc mùi hiện sinh đó xuất hiện trong một bài thơ đầy tính ngẫu hứng, được viết trong một ngữ cảnh rất khôi hài. Nhưng cái không hề khôi hài trong câu chuyện này là: thế kỉ 21 ở Việt Nam chứng kiến nhiều ý niệm chắc đặc về văn chương bị phá vỡ. Không ai lạc quan đến mức tin rằng sẽ có một sự kì diệu như làn sóng của Thơ Mới đầu thế kỉ 20 ập vào bờ biển văn học Việt. Nhưng có những điều đã được chấp nhận với mức đồng thuận ngày càng lan rộng, trong đó có quan niệm văn học là trò chơi. Trước khi Nguyễn Duy, Bùi Chí Vinh tách ra khỏi dàn đồng ca, tự thể nghiệm cái bản ngã thú vị riêng biệt thì Lê Đạt cặm cụi đào xới trên cánh đồng chữ trồng lấy thơ tạo sinh; khi Trần Dần “tự rủ mình vào cửa khó” với thứ ngôn ngữ phi duy lý; khi Bùi Chát, Lý Đợi ngoi lên khỏi bể của chủ nghĩa trữ tình lênh láng, hào hứng thu nhặt thứ ngôn ngữ dưới đáy, ngôn ngữ ngoại vi,… đời sống thơ Việt bắt đầu khác. Mù quáng về sự “thiêng liêng” của thơ, nhiều người đã quyết liệt đòi hỏi lòng chung thủy với sứ mệnh thi ca. Người ta hoảng hốt như khi một gia đình tan vỡ. Nhưng lại không nghĩ rằng sự tan rã của một quan niệm đã tạo ra một sinh khí mới, hứa hẹn những mùa màng mới.

Hãy nhìn lại Thơ mới. Chẳng phải đó thứ thơ đã phải nhận bao nhiêu xỉ vả, có nguy cơ bị xem là thứ lạc loài sao? Vậy mà chính nó đã tạo nên một chuẩn mực mới cho cả một nền thơ chính thống sau này. Còn các nhà thơ có xu hướng trò chơi hóa thơ ca như Lê Đạt, Trần Dần, Dương Tường, nhóm Mở Miệng... không tạo nên khuôn mẫu nào. Thơ của họ không ai bắt chước được và cũng không ai có nhu cầu bắt chước. Đó có thể là một ví dụ cho cái cương lĩnh “trò chơi vô tăm tích” mà Phạm Thị Hoài từng nói. Tuy nhiên Lê Đạt, Trần Dần là những người chơi nghiêm cẩn trên tinh thần duy mỹ, chú trọng kỹ thuật. Ở một góc độ nào đó, họ vẫn đang lang thang trong hàng rào. Còn Lý Đợi, Bùi Chát, Khúc Duy, Nguyễn Quán phá vỡ mỹ học của thơ chính thống để tuyên bố một phản đối gay gắt. Nhóm Mở Miệng bước vào cuộc chơi với thơ, với người đọc, với chính mình. Họ đã ra hẳn ngoài lề. Cuộc chơi của Lê Vĩnh Tài không khó khăn, nhọc nhằn như Lê Đạt, Trần Dần, cũng không phải lối chơi của một chủ thể mang vị thế kẻ bên lề, mang ẩn ức bị tỏa chiết ở nhóm Mở Miệng. Lê Vĩnh Tài không thách thức, không giải tỏa, không xây cũng không chống... Thơ Lê Đạt, Trần Dần khiến người đọc cảnh giác vì độ khó “nhằn” của tác phẩm. Nhóm Mở Miệng làm người đọc tổn thương vì kiểu phá hoại “độc ác” của lối chơi. Thơ Lê Vĩnh Tài mang lại cảm giác dễ dàng, đơn giản, dụ dỗ giống những trò chơi rất dễ ở vẻ bề ngoài, từ thiết kế đến luật chơi. Nhà thơ đưa người đọc vào game một cách nhẹ nhàng, vui vẻ. Với chùm Thử làm bài thơ mất gà, người chơi bắt đầu đầy khoái hoạt với chiêu nhại giọng điệu:

- “tôi sẽ lội ruộng đi tìm

lội nương đi kiếm,

- “con ơi chúng ta đều là những kẻ mộng mơ”.

Giọng điệu của bài ca thuần phác cất lên từ núi rừng xa xôi đã chinh phục thế giới thị thành kiêu ngạo. Chính giọng điệu ấy góp phần làm tan vỡ ảo tưởng về một thứ văn chương trau chuốt duy mỹ. Sức hấp dẫn của giọng điệu miền núi là sức hấp dẫn của rượu và bếp lửa, của trập trùng mây trắng, của mênh mông rừng, bao la núi, khắc nghiệt đá. Bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm của Tòng Văn Hân mang chính cái giọng đó, và thật ngạc nhiên khi bị ghét vẫn bởi cái giọng đó. Cuộc chơi trở nên kích thích hơn bởi chất giễu nhại nhảy nhót trên câu chữ

và con gà làm sao có thể trốn ở trong trái tim bạn

nó lạng quạng trong cơn gió

như bạn lảo đảo đi phá kho

lúa, có đói bụng thì cũng đừng la to

Lê Vĩnh Tài là một cao thủ về giễu nhại khi anh viết:

khi đại dương đã yên ả trở lại

bất hạnh theo sau ngươi

lây lan như căn bệnh ghẻ

những dịch giả cái l. Đức Mẹ

Có lẽ, đến thời điểm này, trong thơ Việt Nam, hiếm người có thể mang vào thơ những chi tiết nóng hổi của đời sống, chính trị, văn học một cách dồi dào, ngồn ngộn, tinh vi và tài hoa như Lê Vĩnh Tài. Có vẻ như nhà thơ này đã nắm được công thức để chế tạo ra một hợp chất có khả năng biến hình lạ lùng. Anh dệt vào bài thơ của mình những mảnh nào đó của các văn bản khác, hòa hợp một cách tài tình:

một số nhà thơ đã phát điên vì khát

xé xác bài thơ là ngươi, để hút máu

Còn nữa:

bài thơ đốt cháy những ngôi làng đang ngủ

những cơn sốt đang tan chảy dưới da mọi người

trong quyển vở chép những câu chuyện rung chuyển của lịch sử

trong những con tàu tối đen trên biển

trong những điệu văn tế vẫn còn châm biếm

như cái lưỡi trong miệng kẻ giết người

Và đây là một mảnh tê buốt của lịch sử u tối trở lại trên dòng chữ. Những bóng ma quá khứ dẫn đường cho thơ đi, xuyên qua dặm dài máu và nước mắt, in hằn trong sự nhẫn nại câm nín của con người:

cả nhà chúng ta không phải sống nhờ vào con gà

hay mấy con heo

mà sống trên đôi vai của Mẹ

đôi vai đã sẫm màu

rừng rậm trong cơ thể Mẹ

ngày người ta dẫn Cha con đi đâu đó không về

Bóng của giễu nhại phủ đến đâu, lãnh địa của trò chơi mở rộng đến đó. Không phải ai cũng chơi được trò này, rất nhiều người đã coi đây là thứ tầm thường, giẻ rách, khó chịu của kẻ làm thơ phá phách bất lịch sự. Nhưng ai cũng biết, kẻ đi bật cái công tắc giận dữ của người khác, ắt phải có nguyên do.

Rốt cuộc, cả giễu lẫn nhại đều là cách để nhà thơ và người đọc đối diện với phần quan trọng nhất của trò chơi: Câu đố. Bốn bài thơ của Lê Vĩnh Tài là một câu đố kì lạ. Nhà thơ là kiến trúc sư của câu đố đó, nhưng anh ta không biết mình đang đố gì. Câu chữ tự động viết ra, bài thơ tự động hình thành, nhà thơ chỉ là người ghi lại nhịp đập của trái tim thơ, vẽ lại dòng chảy của thi tứ. Nhưng ở trò chơi này, nhà thơ không chỉ là người viết game, anh ta cũng là người chơi. Bốn bài thơ là một câu đố mà việc giải câu đố đó phải trải qua một hành trình. Lời giải có thể bật ra ngay trên đường hoặc ở chặng cuối của cuộc chơi. Lời giải có thể sáng rõ với người này hoặc mù mờ với người khác. Có người sẽ không tìm ra lời giải, có người tìm thấy vài lời giải. Không ai biết chắc mình đúng hay sai. Đó là hiệu ứng của trò chơi văn chương. Nó gần mà cũng thật xa với tính năng giải trí. Với trò chơi văn chương, không ai có thể thỏa mãn với cái mình tìm thấy. Kể từ khi những người tiền sử vẽ tranh lên vách đá đến nay, sự khiêu khích và thách thức của nghệ thuật chưa bao giờ thay đổi. Cái gọi là sứ mệnh thiêng liêng của văn học có lúc được khẳng định như đóng đinh vào cột. Rồi nó mất dần vẻ quan trọng, cho đến lúc trở nên không quan trọng thật. Một khi văn học cởi được cái lễ phục đẹp và quá nặng, nó bắt đầu nhảy múa hát ca.

Trong thơ Lê Vĩnh Tài, nhân vật chính của trò chơi là THƠ. Anh ta chơi với thơ và mời người đọc cùng chơi. Nhưng trước hết hãy xem anh ta chơi với THƠ như thế nào.

Trần Dần, Lê Đạt, nhóm thơ Mở Miệng... tạo ra thơ phản trữ tình như là bước đi đầu tiên cần thiết để giải phóng thơ khỏi phạm vi luân lí và chuẩn mực. Trong nỗ lực đó, Lê Đạt, Trần Dần làm cho thơ thành khó đọc, thành trò chơi không dành cho nhiều người. Nhóm Mở Miệng thì tước bỏ sạch mọi khả năng có thể tạo ra tính trữ tình cho bài thơ, biến bài thơ thành một thứ cộc cằn, trơ trụi để phát đi thông điệp: thơ có thể như củi khô, không ai cấm thơ được khô khốc, chỏng trơ, trụi lủi. Còn Lê Vĩnh Tài, anh đã vượt sự cực đoan đó để giữ cho thơ chất trữ tình. Cái cây thơ của Lê Vĩnh Tài vẫn xanh lá nhưng đó là kiểu xanh của xương rồng, kiệm để người ta phải nhìn thật sâu vào cái lá hiếm hoi của nó, nhận ra trong từng đường gân thớ lá dòng nhựa nồng đượm âm thầm chảy. Hãy đọc những dòng thơ này để cảm nhận sự hòa trộn của hài hước và trữ tình:

khoảng thời gian yên tĩnh

lấp đầy với âm thanh của tiếng gió thổi

và tiếng gầm gừ

khi họ đã bỏ rơi ngươi

và bài thơ thích những bóng ma

lang thang trên biển

sự trôi dạt của ngươi

để biện minh cho nghịch lý

hy vọng công lý được thực hiện

như mong ước bất tử của con người

trời ơi là bất tử...

Không hề rối trí trước những ầm ĩ quanh bài thơ – cái cớ Mẹ tôi chửi kẻ trộm, Lê Vĩnh Tài xuyên qua rừng rậm rạp của ác ý và thương hại, đón lấy những ý tưởng phong phú để kiến tạo khu vườn của mình. Thượng Đế đâu có keo kiệt, chỉ con người nghèo nàn ý tưởng mà thôi. Một khi nhà thơ là kẻ thích chơi, biết chơi, anh ta có đủ niềm tin để sáng tạo. Có chăng, nhà thơ chỉ khó xử trong lựa chọn: chơi thế này hay chơi thế kia. Lê Vĩnh Tài, trong khi giải cấu trúc các định kiến thẩm mỹ, không hề phủ nhận những khoái cảm thẩm mỹ có thể phát sinh do thơ:

tôi ôm con gà đi lảo đảo

với cái lạnh của nụ cười

bạn nằm giữa vòng tay tôi, vì

con gà khổng lồ của bạn đã bay đâu mất

không phải bị ăn cắp

mà nó bị sập

bẫy thiên đường...

Lê Vĩnh Tài rõ ràng đang từ chối phục vụ một món thơ “hay” theo menu của đại chúng. Không có một tiêu chí nào của thẩm mỹ trung tâm luận được đếm xỉa đến trong những dòng thơ ấy. Đó là nỗi thất vọng sâu sắc cho những ai quen đọc thơ chính thống (mặc dù, chính thống hay bên lề đều là chơi). Nhưng cái ngọt ngào mênh mông, cái tươi tắn diệu kì, cái tinh quái đáng yêu từ những dòng trên chính là THƠ, như vốn dĩ.

Cuối cùng, vì sao Lê Vĩnh Tài chơi? Tôi nghĩ, cũng như nhiều nhà thơ khác Lê Vĩnh Tài đã chơi trên nền nỗi sợ. Một nỗi sợ hãi được bồi đắp qua quá nhiều biến động lịch sử, hòa trộn giữa cái sợ của tôn tri trật tự lễ giáo phong kiến đến cái sợ của thiết chế xã hội hiện đại. SỢ trở thành một trong di sản tinh thần phổ quát nhất, đặc trưng nhất của ý thức con người Việt Nam. Xả bỏ nỗi sợ đó, Lê Vĩnh Tài chơi với niềm hào hứng bất tận của mình.

Và tôi, ở bài viết này, xin thú nhận rằng tôi cũng đang chơi./.

Hà Nội, ngày 16/5/2021