Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 20 tháng 5, 2021

Chuyện đời tôi (kỳ 6)

Hồi ký của Nguyễn Minh Nhị

Học hành đành thất vọng

Tựu trường năm học 1957 - 1958, tôi về học lớp Nhì. Ba một mình ở lại cùng với cậu Út, em bà con xa với bác Tư gái, phụ tiếp với ba cho đến gần hết mùa lọp, cất giấu xong dàn lọp trong rừng tràm, ba về sau. Tôi về đến nhà thì thấy nhà rất đông đủ, đặc biệt có anh Tư Hoàng Lan, lính trinh sát của anh Ba Quế thuở chống Pháp. Ba má tôi nhận anh làm con nuôi. Anh đẹp trai, thông thái, lưu loát nên rất được cảm tình với phụ nữ, nhất là với chị Tư Mum, bạn chị Năm tôi hay đến nhà chơi. Anh bày ra làm bông giấy trang trí nhà để bán Tết, bọn tôi phụ tiếp làm. Ngày Chủ nhật tôi cùng anh Hoàng Lan đi bán qua các xóm. Dân nghèo không đủ gạo ăn, dân có tiền thì ít, lại không quen món văn hóa này nên bán được chỉ duy nhất một bộ cho nhà bác Hai Két là chỗ quen biết. Vốn hai chỉ vàng (200 đồng) mà anh Tư tôi mượn từ cô Hoa mất đứt. Cô Hoa là bà con chéo và xa, có quan hệ trên tình cảm với anh tôi. Còn anh tôi, khi trúng tuyển quân dịch, được Huyện ủy Tịnh Biên cử đi để làm nội tuyến, tháng 12. 1957. Trước khi đi, anh được Chi bộ Nhơn Hưng kết nạp Đảng tại nhà ba cất lần đầu đang bỏ hoang ở vườn bông như đã kể. Buổi sáng anh đi, bà ngoại đi chợ Nhà Bàn nên không hay, khi về đến ngang nhà cậu Út Tiến ở đầu xóm, nghe tôi báo tin, bà quăng thúng hàng đang đội trên đầu, nằm vật ra và chửi Ngô Đình Diệm tan nát hết.

Nhà tôi đang vui nhộn nhưng khi anh tôi đi quân dịch rồi trở nên hiu quạnh. Má và các chị vẫn tiếp tục làm bánh, làm xôi bán chợ, bán xóm. Bữa nào ế mà tôi không có đi học, đội bánh ra xóm chùa Hòa Thạnh bán tiếp. Tôi có khiếu mời mọc mấy người quen, nên thường là bán hết.

Nhà cũ của chị Ba cất qua con mương lộ Nhà Bàn - Cây Mít, trước cửa nhà cậu Bảy Xe Thùng, quay mặt về hướng Đông, mùa mưa nước chảy như con suối. Khi làm ăn không được, nghèo đói, anh Ba đau ban đen trọc đầu cùng một lúc với anh Tư, má phải đem về nuôi, cháu Tuyết Mai con thứ ba (em kế cháu Lệ) đau ban bạch chết… Trong khi tôi và ba đang làm lọp ở đồng tràm. Lúc này, mới xì xầm là cất nhà ở chỗ ấy ngóc đầu không lên, nên phải dời. Trước Tết 1958, nhà chị Ba dời về chỗ mới ở nhờ đất cậu Sáu Thành, con thầy cai Trọng, gần lộ làng. Tại đây, cháu Trà, em kế Tuyết Mai, cũng bệnh chết. Bác Tám Thinh, ông nội các cháu là thầy thuốc Bắc nổi tiếng nhưng phải đành than: “Ông nội hết thời, nên không cứu được cháu”. Tính từ sau hòa bình, chỉ mới mấy năm, chị tôi mất hai đứa con gái vì nghèo không tiền lo thang thuốc. Còn Lệ, em của cháu Sơn, vì sợ “có noi” nên không dám gọi đúng tên, sửa lại kêu tên Lùn cho “xấu hấy” một chút, rồi những đứa kế sau này tên Bân, tên Khoe (Lùn - Bân - Khoe). Sau Tết 1958, tức sau khi cắt mướn xong vụ lúa mùa, anh chị Ba về Tám Ngàn làm đìa, tôi và cháu Sơn giữ nhà, vừa đi học vừa chăm sóc bầy heo con mới đẻ. Anh cắt lúa mướn một buổi đứng, khoảng hơn 10 giờ trưa được 2 công tầm cắt (một công 1296 m2), trong khi đó người ta cắt chừng đó thời gian mới xong một công là giỏi. Công cắt tính bằng hiện vật, mỗi công là một giạ lúa (20 ký). Lúc này, ở trên có lệnh kêu anh thoát ly để lập lực lượng võ trang. Anh xin ở lại, lên Ô Tà Bang - núi Dài Nhỏ phá đất rừng làm được một mùa rẫy, mới đi. Nghe đâu, anh bị kỷ luật thì phải, nhưng anh vẫn chấp hành kỷ luật, lo trả hết nợ để lại cho chị và các cháu bầy heo, bồ lúa và mấy chỉ vàng phòng thân, dời nhà về cất trên nền đất của ba má tôi vừa bán giở đi cho gần ông ngoại và các cậu; gần cuối năm 1958, anh mới thoát ly vào xây dựng lực lượng võ trang tỉnh.

Năm học lớp nhì, tôi tập trung hết sức để học, gần như không nghỉ ngày nào, chỉ trừ có mấy buổi đi liên lạc thư từ đột xuất do các cậu giao cho. Ðây là lớp học cao nhất, mới mở lần đầu ở trường làng. Thầy giáo Nguyễn Văn Sơn là y tá kháng chiến cũ, chỗ quen biết với gia đình tôi trong vùng tự do. Thầy chưa đậu Trung học đệ nhất cấp nhưng có tâm huyết và sáng tạo, dạy học trò có nhiều mới lạ, rất thích thú, tiến bộ nhiều. Thầy biết phát huy óc tự do và sáng tạo của học sinh. Thầy tự đặt bài địa lý về làng Thới Sơn nơi trường tọa lạc để cho học trò biết về cái làng của mình để mà yêu mến. Thầy hướng dẫn bọn tôi sinh hoạt ngoại khóa, sinh hoạt như Hướng đạo sinh, đi cắm trại trên núi Tà Pạ - Tri Tôn. Không khí thi đua học tập không cần ai phát động mà chúng tôi tranh nhau lên “Bảng vàng danh dự”, từ hạng Nhứt đến hạng Năm. Bạn bè tôi như Tư (lớn), Tư (lùn), Thanh, Dương, Khải, Hoa… đều là những bạn tốt và đều học tốt. Lúc này, Cách mạng hoạt động ngày càng mạnh lên, mấy ngày lễ 3.2, 2.9, trên núi Két cờ đỏ sao vàng, cờ búa liềm luôn xuất hiện. Tôi nghe rạo rực trong người. Một hôm, cậu Bảy tôi (Huyện ủy Tịnh Biên) đưa tôi một thư xếp nhỏ, bảo tôi đưa cho thầy Sơn, thầy nhận thư không trả lời mà chỉ “hỏi thăm sức khỏe các anh”. Tôi nghĩ rằng thầy sợ. Sau ngày Giải phóng gặp lại, thầy cho tôi biết, lúc đó thầy thiếu dũng cảm nhận nhiệm vụ Cách mạng. Thầy rất quí tôi về nhân thân gia đình Cách mạng và cũng là một trong những học trò giỏi của thầy. Thầy thường giao tôi cộng sổ điểm hàng tuần cho thầy.

clip_image002

Thầy dạy tôi năm lớp Nhì – Thầy Nguyễn Văn Sơn.

Ảnh năm 1.989 – Lần họp mặt đầu tiên sau 30 năm.

Sau khi anh Tư đi quân dịch (nội tuyến lần thứ nhất), ngày 05.1.1958 (16.11 âm lịch) bà ngoại qua đời vì bệnh xơ gan cổ trướng, thọ 74 tuổi. Các cậu, nhất là cậu Mười Ngưng chăm lo cho ngoại hết lòng, gởi mua thuốc đặc trị tận Nam Vang, còn thầy thuốc Bắc, thuốc Nam thì không thiếu, vì cậu là Hội trưởng Đông y mà, nhưng bệnh vẫn không qua. Tôi lúc này ăn ngủ ở nhà ngoại vừa đi học vừa làm công việc lặt vặt như đi thơ hoặc đưa đón, gác đường cho các cậu, các chú hội họp. Trở lại chuyện nhà tôi, sau khi thu xếp giàn lọp cất lại đồng tràm, ba và má quay sang làm đìa, làm mắm đem về Nhơn Hưng bán. Anh Hoàng Lan sau khi thất bại vụ làm bông giấy bán Tết, bỏ đi một lúc, gần hết mùa đìa, khoảng tháng 3.1958, anh quay lại bày chuyện nấu dầu lá tràm, anh trình bày kế hoạch đầy tham vọng làm giàu bằng việc chưng cất tinh dầu tràm, nghe đâu có nấu thử bằng nồi nhỏ thí điểm tại nhà bác Tư Văn, có dầu chừng vài phân khối nên ba mới tin và duyệt kế hoạch vay vốn mua thùng phuy làm qui mô lớn. Chuẩn bị vào sản xuất lớn, ba chạy lo đầu ra, lên Sài Gòn ghé chỗ bác sĩ Tín tìm hiểu thông tin, vì dầu Khuynh Diệp mang tên ông rất nổi tiếng hiện thời, tiện thể lên Gò Vấp thăm anh Tư vừa xong lớp huấn luyện tân binh quân dịch ba tháng được bổ ra đơn vị. Chương trình nấu dầu lại bất thành, nợ lại chồng lên nợ, anh Hoàng Lan bỏ trốn biệt tăm. Ba buồn, bỏ về lại Tám Ngàn một mình, gom giàn lọp về lo làm ăn mùa nước tới. Anh Tư một lần về phép trước khi được giải ngũ, anh dành tiền lương ít ỏi mua vải cho ba má và các em. Tôi được hai cái áo tay măng-sết và sửa lại cái quần Tây màu xanh của con cô Tám Liên cho, tất cả do chị Năm Kiểm lúc này đang còn học may với tiệm Thanh Vân ở Nhà Bàn may và sửa. Lần đầu tiên, tôi có áo mới được đo cắt nghiêm chỉnh. Bạn bè trầm trồ tôi “bảnh trai”, mắc ngượng. Rồi chị Năm đi theo chồng, nhưng lúc đầu không ai biết đi đâu. Ở nhà chỉ còn có má, tôi và em Định. Chị Sáu, em Sương, lúc này, ở nhà ngoài bờ kinh làm bánh bán theo xóm kiếm gạo ăn; em Út Định đi học trường tư ở xóm dưới do thầy giáo Son (rể bác Sáu Sắc) dạy từ vỡ lòng đến lớp Tư. Em Định không có cặp, tôi lấy giấy dầu dán lại làm cho em một cái cặp như cái phong bì to, bên ngoài có vẽ hình một em gái tóc cắt bum-bê, em mừng lắm. Nhà tôi lúc này tứ tán chỉ vì đi tìm cái ăn. Tôi đi học chỉ có hai cái quần cụt đen và một cái quần soóc đồng phục vải kaki màu xanh với hai cái áo ngắn tay màu trắng. Buồn lắm! Sao hình ảnh này cứ vấn vương mãi trong đầu cho đến khi bạc tóc, hễ nhớ lại là trào thương cảnh nhà nghèo, cảnh anh chị em tôi quấn quít thương nhau thuở đó. Lúc nghỉ hè, má tôi cũng đổ bịnh, cũng vàng da giống bà ngoại nên tôi rất sợ. May mà bệnh vào lúc tôi nghỉ học nên tôi có thời gian lo cho má. Không hiểu sao, tôi lúc này lại là trụ cột trong nhà. Nghèo không đủ gạo ăn, tiền đâu lo thuốc? Cậu Mười chỉ tôi vào xóm mới ở xã An Phú gần chợ Tịnh Biên, kể bịnh và nhờ thầy Ba Tốc hốt thuốc Nam về sắc cho má uống. Thầy Ba Tốc nhà ở Miếu Bà - Cây Mít, trước đây tôi từng đến hốt thuốc từ thiện nên quen. Ngày ấy làm gì có bác sĩ, thuốc Tây, hầu hết là “Người Nam thì uống thuốc Nam”, thế thôi. Giàu rồi, đôi khi chảnh mà quên hết sự đời. Bệnh má kéo dài gần cả tháng mới hết. Mỗi lần đến bác Ba hốt thuốc, tôi thường xin được chặt thuốc góp công, vì thuốc miễn phí, và nhờ hay hỏi bác Ba mà tôi biết dược tính của nhiều loại cây cỏ thuốc Nam, làm thầy lang cũng được. Không hiểu sao, khi Đồng Khởi, ông bị ta giết, nghe tin tôi rất ngậm ngùi. Sau này, khi có vị trí, tôi hay tới lui giúp đỡ mấy nhà thuốc Nam và mấy thầy Đông y, như xây dựng cơ sở điều trị ở Chợ Mới, giải tỏa sự hoài nghi từ phía Công an đối với một số trường hợp ở Bình Thủy, Bình Thạnh Đông… Tôi hiểu, nỗi niềm người nghèo lúc bệnh và cả người giàu mắc chứng nan y, họ chỉ còn một niềm tin và dựa vào chiếc phao cuối cùng này, và chiếc phao này cũng từng tỏ ra hữu hiệu, như trường hợp má tôi và nhiều trường hợp mà tôi biết. Đừng vì lý do gì mà nhận chìm chiếc phao ấy!

Lúc má bệnh, cậu Hai Mạnh Hà, sau này mới biết là ba của Sáu Hội, ông đang là Chánh văn phòng Ban cán sự huyện Tịnh Biên, thường ở nhà tôi, ăn cơm bên nhà ngoại (hình như có bà con xa, kêu bà ngoại tôi bằng cô). Tối nọ, ông kêu tôi dẫn đường qua nhà bác Hai Tứ. Ông đứng ngoài, bảo tôi vào mua một con gà giò 15đ đem về để nấu cháo cho má. Má tôi nghẹn ngào cầm tay cậu mà khóc. Tôi cũng mũi lòng cho thân phận, thương mẹ và cảm cảnh nghèo nhà mình. Cậu Út, cậu Mười thấy hết gạo, kêu tôi qua xúc một tụng (cái giỏ bàng nhưng có đáy vuông), thấy tôi gánh nước đêm ì ạch chỉ có nửa thùng tận ngoài xóm chùa Hòa Thạnh, có khi ra tới kinh Vĩnh Tế, các cậu gánh tiếp cho đầy lu. Có đêm, gánh nước về mà vì đứng lại nghỉ mệt nên theo không kịp ai, về ngang nền chùa Cây Trôm (cũ), cây trôm không còn nhưng tôi cứ tưởng tượng có “ma” hốt cát vãi sau lưng mình, cong lưng chạy về tới nhà không còn giọt nước, còn hai gót chân bị cặp thùng đập vào bầm xanh, đau điếng. Cũng vào khoảng này, một hôm ông Hương quản (Cảnh sát trưởng) Đặng Văn Lủy bất chợt ghé nhà thăm má tôi, tình cờ gặp cậu Hai Mạnh Hà và cậu Mười Ngưng tại nhà. Cậu Hai lúng túng như gà mắc tóc, còn ông Ba Lủy thì có hơi rượu, mang khẩu colt-12 xệ bên hông ngồi trên bộ vạt giường má tôi nằm bệnh. Ông nói: “Tôi họ Đặng với nhà này, trước sau không làm hại gia đình, nhưng các anh phải kỹ lưỡng hơn”. Thật tình, ông quen gia đình tôi hồi trong vùng Việt Minh, mình vận động đưa ông vào làm Tề để nhờ cậy, chúng tôi đều quen gọi ông là cậu.

Má hết bệnh, ba về bàn bạc thống nhất về lại kinh Tám Ngàn. Trước khi tựu trường, tôi còn có thời gian cùng ba má lo chuyển đi, chỉ còn chị Sáu còn ở lại nhà ngoài bờ kinh làm bánh bán kiếm thêm tiền. Hôm chuyển về Tám Ngàn, ba bệnh cụp xương sống, chỉ mang theo lõi me chua vạt ra ngâm rượu làm thuốc uống, vậy mà cũng hết bịnh. Ba má bắt đầu xây dựng lại cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng và mang tiếng là “đi trốn nợ”. Ba làm “kế hoạch” và bắt đầu từ những liếp cải củ để có gạo ăn liền, sau khi ăn hết mấy giạ gạo các cậu, dì cho mang theo. Ban đêm, thấy dơi bay bắt muỗi, ba mua mấy chùm lá thốt nốt treo thử dụ dơi về lấy phân; phải mấy tháng nó mới về, ba chăm sóc từng con đến khi thành đàn và cho phân, ngày đêm đến mấy giạ. Má lại làm bánh tầm, bánh lọt bán dài theo tuyến đường mà tôi và má từng đi bán trong lần trở về lúc còn lính Ba Cụt. Còn tôi, hôm chuẩn bị đi về Tám Ngàn, tôi xin bà con cho mười lăm con gà bằng cổ tay mang theo gầy giống. Cuộc sống gia đình tôi đến con đường cùng, lại bắt đầu hồi sinh từ đây.

Từ ngày Đình chiến 7.1954, đến lần này chánh thức trở lại Tám Ngàn, tháng 5.1958, đi tìm mưu sinh nhưng cũng là trốn nợ. Chỉ khoảng thời gian không đầy bốn năm mà gia đình tôi trải qua như hàng thế kỷ, vì phải lặn ngụp trong nợ nần, đói rách, bệnh tật: Hai đứa cháu gái con chị Ba tôi bệnh thương hàn chết vì không lo nổi thuốc thang; bị những người không hiểu biết, kể cả bà con miệt thị, khinh khi. Ngoài hai nơi ở xóm Chùa Cây Trôm và  bờ Bắc kinh Vĩnh Tế gần mộ bà nội, ba tôi dựng cái trại trên nền nhà cũ ở đường Củi Giữa, để khi cần trở lại làm củi, làm lọp và làm nơi trung chuyển để ba đi biển mua cá khô về Sà Tón bán lại. Tôi và chị Sáu thường theo ba vào đây, có lần ba đi biển hay đi đâu mà hai chị em ở chờ mỏi mòn, ban đêm nhờ anh Tư Tổng (con bác Ba Cù) đến ngủ “giữ ma”, ban ngày chị em tôi đi cưa củi chất cự dưới mé kinh để ai qua thấy mua thì bán kiếm tiền, om đường mía ba mua để kho cá biển bán và giạ lúa giống ba mua trong lần cha con tôi ghé thăm người quen ở Cả Cội - Lình Quỳnh (Rạch Giá), hai chị em tôi thắng kẹo, vọt lúa ra gạo nấu ăn “cứu đói”, đến hết, ba mới về. Có khi, cha con tôi về Nhơn Hưng, gởi nhà lại cho bác Ba Cù và lối xóm. Nghỉ hè 1958, trừ chị Sáu và em Sương còn ở lại Cây Mít làm bánh bán, tôi và ba má cùng em Định về lại Tám Ngàn là lần cuối cùng hết đường để đi. Những chi tiết hoạn nạn, đi lại, chồng chất lên nhau, giống nhau và nhiều như những nếp nhăn trên chiếc áo vải cũ của má bị nhàu, khiến tôi không nhớ rõ nếp nhăn nào có trước nếp nhăn nào có sau, mà nó vốn chỉ vỏn vẹn ngần ấy thời gian thôi!

Tháng 9.1958, tựu trường, tôi về Cây Mít ở với chị Sáu, đi học. Hàng ngày cuốc bộ đến trường, đem theo cơm trưa, chiều mới về. Tôi lên lớp Nhứt cũng là lớp mới mở đầu tiên. Thầy Nguyễn Văn Nô vừa tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Huế ra trường. Thầy đẹp trai và là người có văn bằng cao nhất trường này. Thầy Rở vẫn tiếp tục làm Hiệu trưởng, dạy lớp Ba, thầy Sơn dạy lớp Nhì. Cùng về với thầy Nô, thầy Tư, còn có cô Hương (em y tá Chấn), hình như, cô dạy lớp Tư, lớp Năm gì đó cùng với thầy Đặng. Trường lúc rày thật sung túc, tôi đáng lý phải hăng hái lên, nhưng do đa mang cảnh nghèo và tương lai học lên rất mờ mịt, nên bị hụt hẫng. Bù lại, do có thầy mới và giỏi, chúng tôi học đầu óc mở mang trông thấy nên cũng tạm quên “cái án” bỏ học đang chờ. Một hôm, làm bài kiểm tra học kỳ I môn văn, thầy Nô bận nên vắng mặt, nhờ thầy Sơn coi làm bài. Tình thầy trò cũ, thầy đóng cửa làm dàn bài dạy chúng tôi bài văn tả về người thanh niên Việt Nam. Tôi làm theo suy nghĩ của mình, có lẽ hợp ý thầy nên được 8 điểm và đọc làm bài mẫu. Cho đến khi tôi nghỉ học, có lẽ văn đạt điểm 8 duy nhứt chỉ có một bài. Được bạn bè động viên, khen ngợi, tôi lại phấn khích vô cùng. Để tiện giúp việc lặt vặt của Chi bộ xã và cho ông ngoại bớt quạnh hiu, các cậu kêu tôi về ở nhà ngoại đi học. Chiều thứ Bảy, tôi thường về nhà ở bờ kinh, cùng đi với Tư Lùn nhà cũng ở gần đó, nó kêu tôi bằng chú. Chủ nhật, tôi thường ra bửng Cây Mít câu cá chạch lấu, cá rô biển… rất ham. Cá rô biển to bằng bàn tay, chị Sáu nấu canh chua ăn ngon, làm tôi nhớ đời. Mỗi sáng thứ Hai, tôi thường thức sớm, đến nhà kêu Tư Lùn cùng đi cho có bạn. Lần nào cũng vậy, Ba Lùn (chị nó) cũng nấu sẵn cơm, tôi được mời ăn no bụng. Được ăn cơm trắng với cá thiểu kho khô, đối với tôi cũng là một hạnh phúc. Thật tình, suốt thời gian đi học, tôi không có chế độ ăn sáng, nên nhịn đói riết cũng quen. Thậm chí, có bữa đem cơm theo ăn trưa ở trường mà chiều hôm trước trong bếp không còn thức ăn thừa, đành múc nước mắm đồng từ trong khạp nổi dòi ngọ nguậy, kề miệng thổi cho nó dạt ra, mới lấy muỗng múc…, là thường tình. Trưa bày cơm ra ăn, tôi phải tách riêng ra một góc vì tủi thân, vì sợ các bạn thấy càng tủi thân thêm. Nhưng có bạn Khải (nhà ở Thới Sơn), cứ rề theo tôi để ăn chung và chia sớt thức ăn, mời tôi cùng ăn với nó, làm tôi bối rối và tôi cũng nói thật với nó là tôi quá nghèo. Còn quần áo của tôi thì toàn là áo ngắn, quần cụt, nhiều lúc không có bộ thứ hai, khi nào giặt phơi thì vận khăn chờ khô iu ỉu là mặc vào. Có lẽ, tôi là đứa học trò nghèo nhất trường, nghèo đến mức không thể tự ti, mặc cảm hơn được. Khải hiểu và quí tôi chân thành, từ đó hai đứa thân nhau cho đến sau này.

clip_image004

Sau 30 năm thầy trò gặp lại (1989). Trường xây trước năm 1945. Và ngôi trường tồn tại đến năm 1990!

Sau khi thi xong học kỳ I, thầy thông báo ai không có khai sanh được lập chính thức tại Tòa án Châu Đốc thì không được thi vào lớp Đệ Thất. Vậy là “cái án” đã “tuyên”. Tôi về báo lại các cậu, cậu Út dạy tôi vận động học trò trong lớp nghỉ học, làm reo, đòi được thi bằng giấy “Thế vì khai sanh” đã có. Các bạn ở vườn đều nghỉ hết, trừ các bạn ở chợ Nhà Bàn. Cảnh sát vào trường hăm he bắt bớ, vài ngày sau các bạn đi học lại gần hết, nghe nói bị thầy phạt mấy roi. Tôi vào trường sớm trước thầy, gặp bạn Khải là đứa tôi tin và thân nhất để hỏi và lắng nghe, cảm thấy như vậy là bị sỉ nhục, nên lặng lẽ lấy vài món học cụ còn sót lại, từ giã bạn bè, về nhà luôn. Không hiểu sao, khi đi qua mặt các bạn gái, tôi thấy buồn buồn; bởi có một bạn trong số đó về nhà nói lại sao mà chị của bạn Hoa có tìm đến nhà tôi ở bờ kinh, lúc tôi đi vắng, hỏi thăm và nhắn lại chị tôi, động viên tôi đi học tiếp. Tôi không ngại sĩ diện để đi học tiếp cho hết lớp Nhất, nhưng con đường học lên nữa bít chịt: Không tiền làm khai sanh, nếu không có khai sanh thì làm sao ra Châu Đốc học được. Tiền đâu? Trước mắt và sau lưng tôi một thời lận đận, một màu đen tối và luôn ám ảnh trong tôi hai chữ “gạo” và “tiền”, theo đúng nghĩa đen của nó. Và lúc nào cũng vậy, tôi luôn nghĩ ra cách làm sao cho có tiền và ít nhất là có cái gì để ăn cho khỏi đói, khỏi thèm mà không phải xin hoặc trộm cắp. Ba tôi từng một thời khá giả, từng cho vay lúa ngàn bao một năm, mà cũng hay căn dặn tôi: “Làm cái gì để một ngày có được một lít gạo cũng làm, làm ra một lít ăn một lít, không ăn thâm lít gạo của ngày trước để dành, cũng là tốt”. Đến nhà ai, đầu tiên là tôi nhìn bồ lúa của họ. Nhà nào có bồ lúa 50-100 giạ, là tôi rất thèm mình được vậy.

Thương phận mình thì ít, thương ba má thì nhiều, vì cực khổ cả đời mà không chu toàn được cho các con. Trong thâm tâm tôi nảy ra mặc cảm về “số phận” và tự nhiên thành kiến, oán hận bọn quan quyền và kẻ giàu có a dua theo chúng. Tâm hồn tôi như bị chấn động và để lại di chứng khá nặng nề. Cả khi sau này, trong Cách mạng, ai xuất thân giàu có và nhất là cán bộ lãnh đạo, tôi rất ngại gần gũi. Tôi có số phận của tôi. Và tôi nghĩ “Cách mạng là cứu cánh đời tôi”, nên khi học về đấu tranh giai cấp, tôi say sưa và hy vọng. Bần cùng là đất màu cho mọi suy tư lãng mạn sinh sôi mang “hương vị Cách mạng” là vậy. Cũng như người đang trong “biển khổ” thì thường mơ về một “thiên đường”. Tôi hy vọng, “ngày ấy”, tôi được đi học mà không bị làm khó, sống không bị ai ức hiếp, được tự do đi lại làm ăn và biết làm cho có tiền, có gạo là được rồi, chớ chưa dám hình dung mình sẽ giàu hoặc có quyền “lấy của nhà giàu cho nhà nghèo”.

Sau khi anh Tư Đào mãn quân dịch trở về, tháng 2. 1959, tôi nghỉ học cũng về Tám Ngàn; chị Sáu, em Sương cũng về theo; anh em tôi quyết tâm ở nhà phụ giúp cha mẹ lo cho cuộc sống gia đình. Anh về mấy hôm, lập tức, mấy cha Chi bộ xã Bình Sơn đến dò la tin tức, điều tra (“lính ngụy” mà). Rồi cậu Út tôi lại vào. Lần này cậu xin ba má cho anh Tư và tôi đi làm Cách mạng nữa! Cậu trình bày cụ thể với ba má tôi: Anh Tư Đào được Huyện ủy cử trở lại hàng ngũ địch (để làm nội tuyến). Còn tôi, về ở với cậu, vừa tiếp tục đi học vừa công tác hợp pháp tại xã. Hai anh em tôi đang là trụ cột của gia đình, trong khi gia đình còn quá túng thiếu mà ba má tôi đồng ý với cậu, thiệt là một sự hy sinh rất lớn. Thật tình tôi không muốn đi, nhưng sống dưới chế độ Sài Gòn thấy không được đi học, không có tương lai, còn sống với Cách mạng tại địa phương thấy cán bộ vốn không học hành ra gì mà thái độ sao nghi kỵ, kỳ thị gia đình mình quá, tôi cảm  thấy bơ vơ lạc lõng. Vậy là tôi chấp nhận rời xa chỗ này để đi tìm một cái gì sẽ dễ chịu hơn.

Khoảng hơn một tháng sau, anh và tôi trở lại Nhơn Hưng. Anh lo thủ tục đăng lính tình nguyện; tháng 3.1959, anh lên đường. Ba, bốn tháng sau, tôi có đến thăm anh mấy ngày ở đồn Vàm Cống để giữ mối liên lạc giữa anh và Huyện ủy Tịnh Biên. Anh bảo với tôi, đã dọ Trường tư thục Quang Trung ở Long Xuyên cho tôi đi học. Anh nói: “Anh còn làm nội tuyến, anh sẽ nuôi em đi học, chế độ nào cũng cần người biết chữ chớ không ai dùng người dốt. Người dốt chỉ để người ta sai vặt!”. Tôi thấy khó, nhưng không nói gì. Sau này, tôi nghiệm ra mới hiểu ý các cậu tôi xin cho tôi về với các cậu là để làm liên lạc trực tuyến với anh tôi cho bảo đảm bí mật là chính, chớ không phải làm gì to tát đâu. Còn việc không trở lại học cho hết lớp Nhứt, do tôi nghĩ: Nếu học ráng thêm có nửa lớp cũng không là gì, nhưng sau này tôi thấy tiếc, vì nó rất quan trọng ở các bài học kết thúc cái nền tiểu học, rất căn cơ để có điều kiện nâng cấp nhận thức của mình.

clip_image006

Nhà Ngoại được phục dựng làm Di tích lịch sử của Huyện Tinh Biên.

Tuy về ở với ngoại và cậu nhưng tôi vẫn tới lui thăm ba má và có khi nán lại tiếp ba làm một số việc nhà vì thiếu người làm. Một lần về nhà, nghe ba má nói lại một chuyện đau lòng, làm tôi choáng váng. Số là tôi được lịnh của các cậu và anh Ba tôi nhắn về, tôi đưa anh Út Võ và anh Tám Ngôn lần lượt đến nhà tôi ở Tám Ngàn để “điều lắng”. Hai anh đều là đảng viên xã Xuân Tô. Hai anh với anh Ba tôi là anh em bạn kết nghĩa từ hồi kháng chiến chống Pháp. Anh Út Võ còn xin làm con nuôi ba má tôi, anh Tám Ngôn sau này còn gả con gái cho con trai anh Ba tôi. Ở Kiên Giang lúc này có lực lượng võ trang Ba Cụt ly khai, ta cử người vào “nằm đoàn” chi phối, không biết mắc kế ly gián thế nào mà họ bắt anh Út Võ; khi Huyện ủy Tịnh Biên can thiệp thì họ đã thủ tiêu anh. Anh Tám Ngôn bỏ chạy đâu, tôi không biết. Còn ba tôi thì cũng “tắt đài” luôn, không dám phê phán những việc làm sai của địa phương nữa, vì sau khi giết anh Út rồi, bọn họ trực tiếp đe dọa ba tôi. Đúng là bọn vô tri thủ ác rồi đổ cho “bị ly gián”, như ta thường thấy. Vì lý do này mà tôi “chỉ làm Cách mạng ở An Giang thôi”. Trong cảm tính nông cạn, tôi cho rằng An Giang có chánh nghĩa hơn, văn minh hơn. Tội cho chị Út, vào thăm không gặp chồng, thật thảm thiết, xem như “ta giết ta” mà! Thằng con riêng (lớn) của chị, tức “con ghẻ” của anh, nghe tin liền đăng ký tòng quân ở Tịnh Biên để được trả thù cha, được thủ trung liên cũng là loại cừ khôi vào lúc đó, và rồi cũng hy sinh. Chiến tranh là vậy, yêu nước đôi khi cũng oan khiên vậy đó, và rồi sau này tôi không biết cha con anh Út Võ ai là liệt sĩ, ai là “Việt gian”, mà có khi cũng không ai đòi, không cần có và không ai nhớ để nhận danh nhận tánh cho cha con anh. Đúng là oan nghiệt!

Thấy tôi cương quyết không trở lại học, cậu Út dạy tôi học đánh máy chữ. Bàn phím là tấm bìa các-tông, cậu vẽ đúng theo khuôn bàn máy và dạy tôi học đánh mười ngón tay đúng cách. Cậu nói, ráng học để thi lấy bằng và sau này cậu sẽ lo chỗ cho vào làm Thư ký dinh quận để thu thập thông tin cho Cách mạng. Hồi ấy, cái gì thì cũng cho Cách mạng trước hết. Tôi không nghĩ gì nhiều, chỉ biết rằng học thêm nghề cũng là tốt. Tôi học rất nhanh, rồi để đó, chớ không biết làm gì.

Trong thời gian ở nhà ngoại với hai cậu, tôi vừa học đánh máy, viết tài liệu, truyền đơn, đưa rước cán bộ và phụ tiếp nuôi cặp bò cho cậu Mười. Tôi chịu sự phân công trực tiếp của cậu Út, đi đâu ông cũng thường dẫn tôi theo. Có một bữa tối, ông kêu tôi ra phía sau hè, vào cái chòi chứa củi, nhưng có cái gác bằng vạt tre, trên để toàn lá dừa khô cột lại thành bó, vạch lá dừa ra, tôi và cậu leo lên nằm nghe radio đài Hà Nội. Cái radio điện tử xài cục pin to, có tai nghe. Lần đầu được nghe đài Hà Nội, tôi phấn chấn lạ kỳ.

clip_image008

Cậu Út tôi năm 1957

Ở với cậu Út được mấy tháng, tôi lại về Tám Ngàn. Tôi định ở nhà luôn nên mua sách dạy chăn nuôi, bày ra chăn nuôi gà vịt, thỏ, trăn, chim cảnh và trồng cây cảnh… Chăn nuôi, trồng trọt đối với tôi không chỉ để sinh lợi mà còn là thú vui. Ngồi không, chơi rong đối với tôi là sống lạc lõng. Nhà không có lúa, tôi cho gà lớn ăn toàn khoai mì, vịt xiêm ăn chuối cây trộn cám, khoai mì băm nhỏ và nhất là cá con kéo vó càng dưới kinh. Đặc biệt thích thú, ba mua cho một con xích (là loài vẹt, to hơn con két) làm chim mồi, giá 50 đồng (bằng 15 ký gạo); vì chỗ nhà tôi là đường chim két, xích bay qua lại đi ăn. Tôi làm chỗ cho chim mồi đậu để dụ chim rừng. Bắt được mấy con, tôi ham hết biết. Đi bán bánh với má, thấy nhà người nọ ở Mũi Tàu có con trăn bằng ngón chân cái rất dạn, bò quanh quẩn theo vách nhà, thấy tôi ham quá, má cho 50 đồng để mua về nuôi. Nó lớn nhanh và không đi đâu cả, đồng thời mua cặp thỏ trắng cũng ngoài Mũi Tàu về nuôi. Ba má tôi tuy có chiều con, nhưng cũng ham nuôi, mới bấm bụng bỏ tiền ra mua. Mấy tháng ở nhà, tôi làm với ba được nhiều việc, từ cuốc đất trồng khoai, trồng củ cải, treo lá thốt nốt cho dơi ở để lấy phân… và đốn tre, cắt tranh, đào đất đắp nền chuẩn bị cất nhà. Anh Ba về phép, chị Ba vào thăm có phụ tiếp tôi và chị Sáu cắt tranh lợp nhà. Tranh ở đây tốt nhất, có chiều cao hơn một mét, gấp đôi lại bện thành tấm lợp rất đẹp. Nhà cột tràm do má và tôi tuyển mua từ từ, từng cây ở tận Lung Lớn từ tiền bán bánh lọt dành dụm; kèo, đòn tay là tre già của nhà trồng ngâm nước, lợp tranh nhìn sáng rực, dừng vách lá dừa nước. Tháng 7.1960 nhà dựng xong. Một ngôi nhà to, đẹp nhất của gia đình tôi từ trước đến giờ tôi biết và cũng là nhất ở đây. Cuộc đời cơ cực của tôi và gia đình bao lâu nay đến giờ tạm thời hài lòng với mức sống ngang bằng hoặc có nhỉnh hơn so với bà con ở đây, do chính tay cha mẹ và chị em chúng tôi tạo ra. Cuộc sống gia đình bắt đầu khởi sắc! Tôi hăng hái lao động, chăm chỉ việc nhà, ngoài ra, ban đêm còn dạy cho các em ở xóm học chữ từ sách vỡ lòng và cũng chỉ mới biết đọc ráp vần. Các cô gái con bác Ba Cù, chú Sáu Tòng, bác Tám Của tuổi cỡ bằng tôi, chỉ có mấy đứa trai như thằng Lạc thì nhỏ hơn. Tất cả đều kêu tôi bằng “thầy”, tôi mắc cỡ quá, xin gọi anh được rồi. Vậy mà hơn ba mươi năm sau, tôi về thăm, tất cả đều đã có sui gia, chỉ có cái nghèo và cái dốt thì còn nguyên, mà còn sanh sôi thêm nhiều con nghèo, con dốt tách ra từ cha mẹ nghèo ngày ấy!

Tháng 9. 1960, cậu Út lại kêu tôi về Nhơn Hưng tiếp tục công tác. Nhà cậu có hai hầm bí mật, tôi và cậu thường viết lách, đánh máy hoặc in truyền đơn, tài liệu… dưới hầm, dưới nền chuồng gà, có động tịnh gì tự tay đậy nắp lại và một ở trong nhà lớn phòng khi bất trắc lúc ban đêm.

clip_image010

Dưới nền chuồng gà là hầm bí mật phục dựng sau này.

Tại đây, cậu khắc hai con dấu Tiểu đoàn 512, 510 và con dấu “Tiểu đoàn trưởng Vương Bình Giang”. Tôi hỏi sao không để 307 cho oai, cậu nói 307 đã đi tập kết, còn 512, 510 là lực lượng võ trang mới của nhân dân miền Nam. Ông còn giải thích thêm, cái họ Vương của ông Giang này cũng có vấn đề đó, bởi cũng có người hỏi: “Đồng chí họ Vương, mà vương là vua, có ý gì không?”. Tôi thấy trong “thế giới bí mật” mà tôi đang bước vào, thì ra, cũng có chuyện này chuyện nọ, nhưng tôi không quan tâm mà chỉ một lòng khâm phục, tin và làm theo cậu Út tôi sai bảo. Cậu chỉ sai tôi mà không thấy sai Kim Anh việc gì, một hôm Kim Anh nói với tôi: “Thằng Trước báo cáo với chú Út là nó xây dựng được hai đứa mình làm cơ sở của nó!”. Trước là con của mợ Tư Tỉnh, lớn hơn hai tôi chừng vài ba tuổi nhưng vai hàng xóm là nhỏ hơn. Tôi nghe rồi cười, vì tay này gà mờ thật, hai tôi dưới tay cậu sai bảo rồi, Trước vẫn biết mà sao lại báo cáo lếu láo vậy, chắc để lập công. Mà cái vó bộ của anh ta cũng chộn rộn thật. Anh báo cáo vậy, nếu được cậu Út tôi công nhận hai tôi là cảm tình viên của anh ta, thì anh sẽ là Tổ trưởng. Vậy mà sau đó, chỉ mấy năm vào bộ đội, anh ta cũng sớm có vợ (tên Phước thợ may ở Lương Phi) rồi cũng lại sớm đi chiêu hồi, chỉ điểm.

Vào thời điểm nông dân bắt đầu cày đất làm mùa, tháng 12.1960 (?), một hôm trời mờ sáng, tôi đang ngủ với thằng Kim Anh tại nhà nó, cậu Út đến kêu tôi dậy và đưa cho hai khẩu súng ngắn, dặn đến nhà ông Năm (sau này là nhạc phụ cậu) giao cho anh Công và anh Sáu Lọ. Lần đầu thấy mình có súng, tôi mừng quá. Cậu thắt dây xen-tuya vào bụng tôi và giắt hai khẩu súng vào, vì cái áo tay ngắn tôi thường mặc đi học cũng ngắn vạt, nên tôi phải lấy hai tay kéo vạt áo che cho kín súng lúc chạy ngang sóc Lình Quỳnh. Tôi như nín hơi chạy một mạch đến nơi cũng là lúc trời sáng rõ. Hai anh mặc đồ bà ba trắng, đội nón nỉ, mang dép Lào từ sau nhà bếp bước ra, gặp tôi cười cười nhận súng từ tay tôi; tôi cũng cười đáp lại và “Chúc hai anh thắng lợi”. Theo kế hoạch, chị Phải (chị của Thanh, bạn học của tôi, sau này cũng hy sinh) có một con, thôi chồng, rất đẹp người. Được ta vận động, chị dụ tên Trọng ra Châu Đốc đăng phòng ngủ; hai anh sẽ đón xe gần chợ Nhà Bàn và hành động ở đoạn đường vào bệnh viện huyện bây giờ. Rủi là lúc đó có chiếc xe GMC chở lính từ Vĩnh Trung ra chạy cùng chiều. Chờ cho nó qua mặt cách xa mới hành động thì đã khỏi cầu Trà Sư cả ngàn mét. Tên Trọng chết, anh Công bị thương bể ruột, chị Phải cũng bị thương ở tay hay đâu đó, nhưng nhẹ. Chị kể: Anh Lọ dìu anh Công đi, nhưng anh xô anh Lọ ra và bảo “mày chạy đi” rồi anh chạy thẳng xuống đám lác cặp theo mương lộ về phía Bài Bài. Dì Chín Hương (bà con với má tôi) có nhà gần đó thấy rõ, kể lại: Người còn lại (anh Sáu Lọ) đi về hướng Châu Phú, cứ cách vài trăm mét anh lột nón, lột áo để lại và lấy đất cày dằn lên, có lẽ làm dấu để tìm đường trở lại lấy xác. Rồi anh cũng hy sinh trên đường rút về căn cứ Thới Sơn khi vừa lội qua kinh Trà Sư bị địch đi bằng xe Lambretta (loại chở khách) truy kích đón đầu. Xóm tôi buổi sáng giết gà ăn mừng trừ được tên ác ôn, buổi chiều lại làm gà cúng người liệt sĩ!

Năm 1960, quê hương tôi bắt đầu một thời máu lửa bằng những cái chết có tên gọi mới khác nhau của những người con cùng quê, thậm chí cùng huyết thống: “Hy sinh” và “đền tội”, để tạo thành “hai bên” cái làn ranh: “địch - ta” khó hiểu! Cuối đời nghiệm lại: “thắng - thua” rồi cũng là mình!

Tiếp theo sự kiện anh Công và anh Lọ hy sinh, tên Trọng đền tội; anh Chừng, sau khi bị chị Năm Kiểm từ hôn, nghe đâu anh mới có vợ, trong một đêm đi rải truyền đơn gần sân banh (giữa đường Nhà Bàn - Cầu Sắt kinh Trà Sư), bị địch phục kích bắn chết, chị Tư Mum (em anh Ba Cát) nói với chị Năm tôi: “May cho mầy, không thì đội khăn tang rồi!”. Tôi nghe và ngẫm nghĩ: Chị tôi may thì người vợ anh Chừng mới cưới kia là rủi. Vậy thôi! Hai người hai hoàn cảnh khác nhau, nhưng trong một đất nước như thế này đều chung một số phận, số phận bị nhiều thiệt thòi nhất trong chiến tranh vẫn là phụ nữ và trẻ con!

Sau khi anh Ba tôi thoát ly, chị Ba dời nhà về ở trên đất của ba ở gần nhà ngoại, cạnh nền nhà bếp đối diện nhà ngoại như đã nói. Tôi lúc này sang ở với chị Ba cho vui. Tại đây, vợ chồng chị Năm Kiểm về thăm, nhận lỗi với ông bà cô bác về chuyện “áo mặc dám qua khỏi đầu”, rồi ai cũng hỷ xả. Anh Năm có nghề trị bệnh trĩ, làm y tá vườn. Anh chị Năm cũng xin tá túc để trị bịnh trĩ và làm y tá vườn trị bịnh kiếm tiền. Tôi cũng theo anh học lóm và nhờ tinh ý mà biết cũng khá. Lúc này, cậu Út đã thoát ly khỏi xã về huyện, không kịp làm đám cưới với cô Mười Trà. Hôm đám cưới, tôi có cùng đi rước dâu. Bà con hỏi chú rể đâu, được trả lời là “trốn quân dịch”.

Mối tình của cậu tôi với cô Út Tho ở Lung Trạo mà hai bên hứa hẹn. Sau ngày hòa bình, khoảng năm 1957, ông bà ngoại và cậu tôi đến nhà ở cầu Cây Me - Tri Tôn để giáp lời lần cuối. Không hiểu sao, ông bà Út Trinh nói lơi ra: “Tùy con!”. Rồi bà kêu cô Út ra đứng trước ngoại và cậu tôi nói: “Cháu chưa muốn lập gia đình, hai bác về tìm hôn nhân khác cho anh Út đi”. Bữa cơm khách thân quen, nếu không nói sẽ là thông gia mà “vườn rộng rào thưa khó đuổi gà”. Ông bà tôi buồn, còn cậu tôi thì giận lắm, vì cho rằng bị “phản vận” do cô Út bị ép phải từ hôn. Nhưng sau đó không lâu, bà ngoại tôi qua đời, cô Út trở bộ, đôi lần đến gặp cậu tôi và lần nào cũng khóc. Có lần gởi thơ cho cậu nhờ tôi chuyển, cậu xem rồi bảo tôi đọc cho mợ Bảy tôi nghe, nội dung thanh minh và muốn nối lại tình cũ. Thơ có đoạn: “Anh xem xong thơ này hãy đốt đi, thay cho lời tạ tội của em trước hương hồn má!”. Mợ Bảy tôi khóc ròng và nói: “Út ơi, tao cũng xin má tha cho nó, em hàn gắn lại đi”. Cậu tôi nói: “Khi nào má sống dậy nói tha thì tôi mới tha”. Cậu viết thư hồi âm do tôi mang đi, cũng nói như vậy. Mợ Bảy tôi nói: “Chú Út nó thật là sắt đá!”. Từ đó tôi không có liên hệ gì với cô Út Tho nữa và cũng không còn nghe ai nhắc chuyện này. Cậu tôi thật có hiếu, rồi cưới cô Mười Trà là hoàn toàn do Đảng và gia đình chủ động. Ngày cưới không có chú rể, cũng đủ biết sự thiệt thòi cho cả hai người!

Cậu Út đi rồi, tôi ít được ai giao công tác, chỉ có cậu Mười Ngưng thỉnh thoảng giao việc lặt vặt nên tôi cũng chán. Một hôm, cậu Mười kêu tôi đi tìm anh Tư Đào, báo tin một cơ sở ta bị bắt để anh đề phòng. Xuống Long Xuyên không gặp, tôi xuống tận Cái Răng (Cần Thơ). Tôi cho anh hay là về nhà tôi sẽ thoát ly luôn. Anh nhắn các cậu, anh sẽ thu xếp về sau. Về ở nhà ngoại tôi lại thấy buồn vì ít việc làm, nhớ ba má cực khổ mà không có tôi phụ tiếp, tôi quay trở lại kinh Tám Ngàn. Kinh Tám Ngàn lúc này như Vùng Giải phóng, địch không dám vào. Thỉnh thoảng, các anh ở địa phương nhờ tôi viết tài liệu, in bột giúp. Tôi làm tốt, các anh thích lắm và rủ tôi chánh thức vào tổ chức địa phương. Tôi từ chối khéo: “Tôi là cơ sở ở An Giang, tôi sẽ về trên ấy, nay mai”.

N. M. N.