Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 12 tháng 4, 2021

Quan niệm về cái xấu xí

Xem xét tính tương đối của cái đẹp trong lịch sử con người

Umberto Eco

Hà Vũ Trọng dịch

Hầu như trong mọi thế kỉ các nhà triết học và nghệ sĩ đã viết ra những ý tưởng của họ về cái đẹp, tuy nhiên có rất ít những văn bản quan trọng quan niệm về cái xấu, một trong số đó có cuốn Mĩ học về cái xấu xí viết năm 1853 của Karl Rosenkrantz. Tuy nhiên, cái xấu xí luôn được trình bày như cái nền để tôn cái đẹp lên – như Người đẹp và Quái vật mang nhiều hình thức. Điều này có nghĩa là, một khi bạn đặt ra tiêu chuẩn cho cái đẹp, thì một tiêu chuẩn tương ứng cho cái xấu gần như luôn tự động xuất hiện: “Chỉ cái đẹp có trật tự đối xứng,” Iamblichus nói với chúng ta trong Cuộc đời của Pythagoras, và “ngược lại, cái xấu làm rối loạn sự đối xứng.” Thomas Aquinas dạy rằng ba phẩm chất cần thiết để có vẻ đẹp – trước hết là tính toàn vẹn hoặc hoàn hảo – vì thế những thứ không hoàn thiện chính là do chúng bất toàn, “là xấu xí”. William Auvergne nói thêm: “Chúng ta cho rằng một người có ba mắt hoặc một mắt là xấu xí.”

Do đó, cũng giống như cái đẹp, cái xấu là một khái niệm tương đối.

Sự xấu xí đã được Marx định nghĩa rất rõ trong Bản thảo kinh tế và triết học viết năm 1844 như một thứ chỉ có nghĩa khi thiếu tiền bạc hoặc thiếu quyền lực, như chúng ta hiểu những lời của ông. Marx viết:

“Tôi xấu xí, nhưng tôi có thể mua cho mình người đàn bà tuyệt đẹp. Vì thế, tôi không xấu xí, vì tác dụng của xấu xí vốn là trở ngại nhưng đã được đồng tiền làm cho vô hiệu. Xét về đặc điểm cá nhân thì tôi là người què quặt, nhưng tiền cung cấp cho tôi hai mươi bốn chân. Vì vậy tôi không què quặt. Tôi xấu xa, bất lương, vô lương tâm, ngu ngốc; nhưng tiền được tôn thờ, vậy cũng như thế với người sở hữu tiền… Tôi đần độn, nhưng tiền là bộ não thực sự của tất cả mọi thứ, thế thì người có tiền làm sao đần độn được? Ngoài ra, hắn có thể mua cho mình cả những người thông minh, thế chẳng phải kẻ có thế lực đối với những người thông minh lại không thông minh hơn họ hay sao?”

Về điểm cuối cùng này, không phải lúc nào cũng đúng – nhiều người có tiền chỉ mua được những kẻ ngu ngốc – nhưng đó là câu chuyện khác. Vì vậy, qua nhiều thế kỉ, đã có nhiều văn bản về tính tương đối của cái xấu và cái đẹp. Vào thế kỉ 13, Jacques de Vitry viết: “Có lẽ những người khổng lồ một mắt (cyclopes) ngạc nhiên trước những người có hai mắt, như chúng ta… khi đánh giá người Ethiopia da đen xấu xí, nhưng trong số họ, người có da đen nhất được coi là đẹp nhất ”. Vài thế kỉ sau, Voltaire viết: “Hỏi một con cóc đực xem vẻ đẹp là gì… nó sẽ trả lời rằng cóc vợ của nó là xinh đẹp, với đôi mắt to lồi ra từ cái đầu nhỏ, cổ họng lớn và phẳng, tấm lưng màu nâu… Hỏi con quỷ: nó sẽ nói với bạn rằng vẻ đẹp là cặp sừng, bốn móng và cái đuôi."

Khi Darwin viết rằng những cảm giác khinh miệt và ghê tởm được thể hiện theo những cung cách giống nhau ở hầu hết các nơi trên thế giới – "Sự ghê tởm tột độ được thể hiện qua những cử động quanh miệng giống hệt với những động tác sắp nôn mửa" – ông nói thêm, ở Tierra del Fuego, một người bản xứ chìa tay ra để cảm nhận “miếng thịt (hộp) mà tôi đang ăn tại lán trại, và rõ ràng y tỏ ra vô cùng kinh tởm trước độ mềm của nó; trong khi tôi lại cảm thấy vô cùng kinh tởm khi thức ăn của mình bị một kẻ dã man trần truồng chạm vào, mặc dù bàn tay y không có vẻ gì là bẩn thỉu”.

Có những cung cách phổ quát phản ứng của con người trước cái đẹp hay không? Không, bởi cái đẹp là sự vô tư (detachment), không có dục cảm (passion). Ngược lại, xấu là dục cảm. Chúng ta hãy cố gắng hiểu điểm này, dựa trên những quan sát trước đây của những người khác rằng không thể có phán đoán thẩm mĩ về cái xấu. Nói cách khác, một phán đoán thẩm mĩ bao hàm sự vô tư. Tôi có thể xem một vật là đẹp ngay cả khi không có cảm xúc mình phải sở hữu nó. Tôi dập tắt đi những dục cảm của mình. Tuy nhiên, dường như sự xấu xí bao hàm một dục cảm – cụ thể là sự ghê tởm hoặc cự tuyệt. Vậy làm sao có thể có phán xét thẩm mĩ về cái xấu nếu không có khả năng vô tư?

Có lẽ có cái xấu trong nghệ thuật và cái xấu trong đời sống. Có sự phán đoán về cái xấu như là không tương ứng với lí tưởng về cái đẹp, chẳng hạn khi chúng ta nói rằng một bức tranh vẽ một bình hoa là xấu. Ai đã vẽ nó? Hitler. Chúng ta đang nói về một tác phẩm của Hitler thời trẻ. Thay vào đó là phản ứng cuồng nhiệt đối với những gì chúng ta cho là khó chịu, khó ưa, gớm, ghê tởm, kì cục, khiếp, đáng ghét, tởm, đáng sợ, đáng khinh, quái dị, ghê rợn, rợn tóc gáy, tởm lợm, khủng khiếp, kinh hoàng, gớm ghiếc, vô duyên, méo mó, biến thái, như khỉ, cục súc... (trong từ điển những từ đồng nghĩa với xấu có nhiều hơn so với đẹp).

Trái với Plato, người nói rằng nên tránh lối thể hiện cái xấu, từ thời Aristotle trở đi, người ta đã thừa nhận trong mọi thời kì rằng ngay cả cái xấu xí trong đời sống cũng có thể được miêu tả một cách đẹp đẽ, và điều đó thực sự giúp làm nổi bật cái đẹp hoặc hỗ trợ một lí thuyết đạo đức nhất định. Và, như Thánh Bonaventure đã nói: hình ảnh của ma quỷ là đẹp nếu đó là một miêu tả tốt về cái xấu. (virtual diabolo est pulchra, si Bene repraesentat foed Kate diaboli).

Và vì vậy, nghệ thuật đã phát huy hết khả năng của nó trong việc miêu tả sự xấu xí của quỷ. Nhưng cuộc cạnh tranh để miêu tả rõ nét sự xấu xí khiến chúng ta hoài nghi rằng, trên thực tế, một số người, bằng cách nào đó ngầm lấy làm khoái cảm thực sự trong cái cõi khủng khiếp và không chỉ trong những cảnh tượng khác nhau về địa ngục. Bạn không thể nói với tôi rằng một số địa ngục được tưởng tượng cốt để khiến các tín hữu khiếp sợ: chúng cũng được tưởng tượng để cho chúng ta xem một cú đá hậu rất tuyệt. Nếu chúng ta xem xét các cảnh sự Chiến thắng của thần Chết, với vẻ đẹp của bộ xương, hoặc bộ phim Cuộc Thương khó của Chúa Kitô của Mel Gibson, chúng ta có thể thấy sự kinh khủng như một nguồn khoái cảm. Friedrich Schiller đã viết trong một tiểu luận năm 1792 “Về nghệ thuật bi kịch”:

“Một hiện tượng phổ biến đối với mọi người, rằng những thứ đáng buồn, đáng sợ, thậm chí là kinh khủng, tác động lên chúng ta một sức quyến rủ không thể cưỡng lại, và rằng trước một khung cảnh hoang tàn và kinh hoàng, chúng ta cảm thấy lập tức vừa muốn quay lưng lại vừa bị thu hút bởi hai thế lực ngang nhau… Bất kì câu chuyện ma nào, dù được tô điểm thêm bằng những tình tiết lãng mạn, đều bị chúng ta nuốt chửng một cách thèm thuồng, và càng về sau càng dễ đưa tình huống câu chuyện khiến chúng ta dựng tóc gáy… Hãy xem đám đông kéo nhau đi theo tên tội phạm đến hiện trường trừng phạt như thế nào!”

Hãy xem xét vô số những mô tả về các cuộc hành quyết – mà không có cách gọi thực sự nào khác ngoài sự thích thú khi mô tả một vụ hành quyết, bởi vì nếu không thì chỉ cần nói “kẻ có tội đã bị xử tử”. Xem Biên niên sử của Niketas Choniates để biết sự mô tả này về những cực hình gây ra cho Andronikos, ông bị phế truất ngôi hoàng đế của Byzantium vào đầu thế kỷ 13:

“Bị trói theo kiểu này, ông bị đem diễu hành tới trước mặt Hoàng đế Isaakios. Ông bị tát vào mặt, bị đá vào mông, râu bị vặt, răng bị nhổ, tóc bị xén; ông ta được coi là đồ chơi chung của tất cả những người tụ tập; thậm chí còn bị đám phụ nữ dùng nắm đấm vào mồm ông cho bầm dập, đặc biệt là bởi tất cả những phụ nữ có chồng bị Andronikos giết chết hoặc chọc mù mắt. Sau đó, bàn tay phải của ông bị chặt đứt bằng rìu, rồi lại bị tống vào nhà tù, không cho ăn uống, không ai chăm sóc.

Vài ngày sau, một bên mắt của anh ta bị khoét, và khi ngồi trên một con lạc đà màu đen, ông bị đem diễu hành qua quảng trường… người dùng gậy đánh vào đầu ông, người dùng phân bò nhét vào lỗ mũi, có người dùng bọt biển, đổ chất bài tiết từ bụng bò và người lên mắt ông… Có người chọc mũi nhọn vào xương sườn ông.

Nhưng ngay cả sau khi treo ngược chân ông lên, đám đông ngu ngốc cũng không để yên cho Andronikos thống khổ hay tha cho thể xác của ông. Sau khi xé áo ông, họ xẻo bộ phận sinh dục của ông. Một kẻ hung ác chọc thanh kiếm dài từ miệng ông vào đường ruột, có những kẻ dùng cả hai tay giương kiếm trên cao và chặt vào lưng ông, thi xem ai chém sâu nhất và tự hào về những nhát chém ngọt nhất.”

Vài thế kỉ sau, vào đầu những năm 1950, Mickey Spillane, thi sĩ của chủ nghĩa McCarthy và bậc thầy của loại tiểu thuyết trinh thám hình sự sắt đá (hard-boiled), cho chúng ta biết cách thám tử tư Mike Hammer đã giết gián điệp cộng sản trong One Lonely Night:

“Họ nghe thấy tiếng thét của tôi và tiếng gầm khủng khiếp của khẩu súng và loạt đạn bị xé toạc vào trong xương và ruột và đó là lần cuối cùng họ nghe thấy. Họ đi xuống khi cố gắng chạy và cảm thấy bên trong ruột của họ bị xé tung ra và phun vào tường.

Tôi thấy đầu của vị tướng vỡ ra thành những mảnh bóng ướt và bắn tung tóe trên sàn. Anh chàng trên tàu điện ngầm cố dùng tay đỡ đạn và tan vào cơn ác mộng đầy lỗ đạn xanh.

Chỉ có anh chàng đội mũ bánh lợn cuống cuống tìm khẩu súng trong túi. Tôi nhắm khẩu súng tommy lần đầu tiên và cánh tay của hắn đứt lìa khỏi vai. Nó rơi trên sàn bên cạnh hắn và tôi để cho hắn nhìn kĩ nó. Hắn không thể tin sự việc đã xảy ra. Tôi đã chứng minh điều đó bằng cách bắn vào bụng hắn. Họ đều rất thông minh!

Tất cả chết tốt!”

Nhưng hãy lùi lại một bước. Người Hi Lạp, bằng cách đồng nhất cái đẹp với cái tốt – kalòs kai agathòs – đồng nhất cái xấu thể chất với cái xấu luân lí. Trong Iliad, Thersites, “người đàn ông xấu xí nhất đến Ilium, quặt quẹo, cà thọt, vai gập tới ngực, cái đầu nhọn đầy tóc rối,” là xấu. Những Siren cũng vậy, là những sinh vật ghê tởm, giống như loài chim và không giống những Siren được miêu tả sau này bởi văn nghệ sĩ Decadent coi chúng là những phụ nữ xinh đẹp. Những con Harpie, cũng xấu xí, cũng xấu xa – và chúng tiếp tục ở trong khu rừng tự sát của Dante. Minotaur cũng gớm ghiếc, cũng như Medusa, Gorgon và Cyclops, Polyphemus.

Tuy nhiên, sau thời của Plato, văn hóa Hi Lạp phải đối mặt với một vấn đề: làm sao mà Socrates, người có tâm hồn cao cả lại xấu xí đến như vậy? Và tại sao Aesop trông chướng mắt? Theo cuốn Truyện Aesop (The Aesop Romance) về thời kì Hi Lạp, người viết truyện thơ ngụ ngôn này, là “một kẻ nô lệ… có dáng vẻ khó ưa, trông chả ra gì như một tên đầy tớ, bụng phệ, đầu méo, mũi hếch, da ngăm đen, lùn tịt, chân vòng kiềng, tay ngắn, mắt lé, môi trề – một người cổ quái.” Hơn nữa, "ông ta câm, không nói chuyện được." Chỉ có một điều tốt là ông ta viết hay.

Đối với Kitô giáo, rõ ràng, mọi thứ đều đẹp; trên thực tế, vũ trụ học và thần học Kitô giáo đã bàn nhiều tới vẻ đẹp của vũ trụ, để ngay cả những con quái vật và sự xấu xí cũng nằm trong trật tự vũ trụ, hoạt động như sự tương phản sáng tối (chiaroscuro) trong một bức tranh để làm cho ánh sáng nổi bật. Vô số trang giấy đã được viết về điều này, trên hết là do Thánh Augustine. Nhưng chính Hegel đã chỉ ra rằng chỉ với Kitô giáo, cái xấu xí mới đi vào lịch sử nghệ thuật, bởi vì “Chúa Kitô đã bị đánh đập, mang mão gai, vác thập giá đến nơi hành hình, bị đóng đinh vào thập giá, qua đời đau đớn trong cái chết chậm do sự tra tấn – điều này không thể miêu tả bằng những hình thức của vẻ đẹp Hi Lạp.” Chúa Kitô chỉ có thể xuất hiện xấu xí bởi vì Ngài đang đau khổ. Và cũng như vậy, theo Hegel, “những kẻ thù được trình bày với chúng ta như là sự xấu xa từ bên trong bởi vì họ đặt mình đối nghịch với Chúa, lên án Ngài, chế nhạo Ngài, tra tấn Ngài, đóng đinh Ngài, với ý đồ xấu xa và thù hận bên trong đối với Thượng Đế lộ ra ở mặt bên ngoài, vẻ xấu xí, thô tục, man rợ, dữ dằn, và sự méo mó hình dạng bên ngoài của họ.” Nietzsche, cực đoan như thường lệ, đưa ra quan điểm riêng: "Cái quyết tâm của Kitô giáo muốn tìm cho ra cái thế giới xấu xí và tồi tệ đã làm cho thế giới trở nên xấu xí và tồi tệ."

Trên hết, trong cái thế giới xấu xa này, sự khiêm nhường ăn năn đền tội của thân xác mang một giá trị đặc thù. Trong trường hợp bạn cho rằng điều này chỉ giới hạn trong các cuộc đền tội thời trung cổ, thì đây là một văn bản thế kỷ 17, trong đó Cha Segneri tường thuật về các sự đền tội và tự hành xác đau đớn của Thánh Ignatius Loyola:

“mặc một chiếc áo vải gai bên ngoài chiếc sơ-mi thô nhám, buộc quanh bẹn một cái nịt bằng những dây tầm ma có gai nhọn hoặc mũi nhọn bằng sắt; nhịn ăn bánh mì và uống nước mỗi ngày, trừ Chủ nhật, và không cho phép mình ham mê gì khác ngoài một đĩa rau đắng trộn với đất hoặc tro; đôi khi suốt cả ngày, ba, sáu, hoặc thậm chí tám giờ liền, không ăn miếng nào; tự quất roi năm lần một ngày, và luôn ra máu; dùng đá nặng đập mạnh bình bịch vào ngực trần… Bảy giờ hàng ngày ông dành cho việc đắm mình suy niệm; nước mắt của ông không ngừng tuôn, và những việc hành xác cứ liên tục.”

Đây là quãng thời gian dài không gián đoạn trong cuộc đời mà ông đã thực hành trong hang Manresa, mà ông vốn không điều độ, bất chấp những ốm yếu và sự tẻ nhạt sớm dẫn đến hậu quả – "những suy nhược, ngất tỉnh, những cơn đau kịch phát, dữ dội, và thậm chí là những cơn sốt nguy hiểm" cuối cùng hẳn đã dẫn tới tử vong.

Tất nhiên, thời Trung cổ đầy dẫy những quái vật, nhưng chính cảm tính của chúng ta đã dẫn tới việc chúng ta xem những quái vật thời Trung cổ, như tôi đã lưu ý về cái đẹp, là xấu xí. Chúng thật kì lạ, chỉ được tạo ra bằng một bàn chân và với cái miệng trên ngực, nằm ngoài chuẩn mực. Chúng có màu đỏ tươi, nhưng được Thượng Đế tạo ra theo cách đó để trở thành phương tiện mang những ý nghĩa siêu nhiên. Mỗi con quái vật đều mang một ý nghĩa tâm linh riêng. Theo nghĩa này, những người thời trung cổ không coi chúng là xấu xí – nếu có, họ coi chúng là những sinh vật cổ tích hoang đường đầy thú vị. Họ đã xem chúng theo cách trẻ con của chúng ta ngày nay xem khủng long và thuộc lòng rất rõ tới mức có thể dễ dàng nói ra sự khác nhau giữa khủng long bạo chúa và khủng long phiến sừng. Họ xem chúng như những người bạn đồng hành. Ngay cả những con rồng thời Trung cổ cũng được xem bằng sự hiếu kì trìu mến này, bởi chúng là những biểu tượng của lòng trung thành. Chúng có một chỗ trên con tàu của Noah, mặc dù có một boong dành riêng cho chúng – cũng vậy, cùng với những con vật không hề quái dị, tất cả đều do chính Noah cứu vớt.

__

Trích dịch chương “Ugliness” trong cuốn On the Shoulders of Giants (Trên vai những người khổng lồ) của Umberto Eco, do Alastair McEwen dịch từ tiếng Ý sang tiếng Anh. Harvard University Press, 2019