Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 30 tháng 4, 2021

Nhật ký chiến tranh (kỳ 10)

Vương Trí Nhàn

2/9
Nóng về Hà Nội quá, về Hà Nội để hiểu tình hình chính trị. Tôi dự cảm hình như những biến động chính trị sâu sắc và có ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống dân tộc, đang bắt đầu ngấm ngầm ở tận sâu xa. Và nếu về Hà Nội, tôi sẽ biết sớm hơn. Tôi cần biết để hành động trong ngày mai, những ngày mà con tàu sẽ hãm phanh lại, để chạy về hướng khác. Sự hãm phanh sẽ làm con tàu xáo động, như những năm 1954-56... Tôi cần biết trước để biết hướng chuẩn bị vào một cuộc chiến đấu mới – cuộc chiến đấu sẽ gian nan và căng thẳng, sẽ kinh khủng nữa – kinh khủng thực sự là cái ngày mai.

Còn như bây giờ, đi đến đâu cũng thấy người ta bàn đến những thay đổi. Nhiều dấu hiệu quá. Cả về phía ta lẫn về phía địch.

Ở nhiều nước hiện nay, báo chí, văn nghệ bên cạnh việc nói về cái đang diễn ra  phần chủ yếu còn là phỏng đoán cái sẽ diễn ra và đó mới là chỗ chứng tỏ tài năng và bản lĩnh mỗi người. Ở ta cái đó chưa có. Bây giờ không phải là thời gian của làm việc cụ thể làm việc ra sản phẩm mà hình như là thời gian của tích luỹ.
Đọc trên đường: Một số ý kiến của đạo diễn Mayerhon

Mỗi nhà văn như một cái cây, phải có lúc rụng lá, lúc ra quả.

Mỗi người viết đều phải giản dị. Nhưng mỗi người sẽ đạt đến sự giản dị theo cách của mình.

Bélinski nói: Làm cho người ta cười thật khó hơn làm người ta khóc.

Người viết là những người chỉ vui được một ngày, còn thì dằn vặt suốt cả đời. Có những người làm ra bộ khinh bạc, tự cao thực ra cũng là một cách giấu đi sự dằn vặt của mình. Và Maiakovski là một người như thế.

3/9

Từ Ninh Yên sang Ninh Xuân. Con người ở đây chỉ xác định bằng một trong hai thứ –  học hành (chữ Hán, văn chương…) hoặc đi làm cách mạng. Ngoài một trong hai thứ dó, con người ở đây không có gì là đáng chú ý.

Nghĩa trang chung ở trên huyện. Những nấm mồ của anh em bộ đội. Đồng bào khu 3 vào thăm hỏi mộ con cái mình. Địa phương không cho bốc mộ. Bốc trộm. Bốc nhầm. Cuộc phiêu lưu của những linh hồn chết.

Ven đường Vĩnh Linh những nấm mộ có thể thấy bất cứ ở đâu. Ngày 27/7 là ngày đi dọn cỏ các mộ. Hè 1968, ai đến Ninh Yên, người ta bảo: Làm lễ truy điệu đi, rồi hãy đến.

Xúc động của chúng ta trước những biến động vẫn chưa phải đã tê dại hẳn. Chôn người có thể không khóc. Nhưng nghe một chuyện gì đó vẩn vơ, có thể lại ứa nước mắt.

Một học sinh lớp 10 kể lớp nhiều con gái quá. Trung bình 40 con gái, chỉ có 4 con trai. Lớp nhiều nhất 8 đứa con trai. Con trai đâm ra chán học. Bố mẹ phải cho nhiều tiền, đi mà ăn quà. Con gái phải làm đủ các việc chặt nứa, làm nhà. Con gái cũng đá bóng, chạy rầm rầm (các gia đình nay không thích cho con trai mình lấy con gái học cấp 3 nữa).

Trong lớp yêu nhau loạn lên. Một đứa con trai, mấy đứa con gái tranh nhau, có đám lấy nhau rồi vẫn đi học không biết ngượng.

Những ngày sắp đi bộ đội, con trai không đi học, ở nhà tiếp khách. Bạn gái đến chia tay đầy nhà, con gái con trai ngồi trong màn nói chuyện.

Một cậu hay nghịch nhưng học giỏi. Năm nào cũng vậy, đều đi thi học sinh giỏi. Trèo lên cây me. Cởi quần áo ra bọc me vì sợ con gái đến mót. Bảo đứa nào đến tao ỉa lên đầu.

4/9

Mưa làm cho mọi người sống trở lại với mái nhà của mình. Người lớn nghỉ việc. Trẻ con cũng không đi chơi nữa, chúng nó chơi đầu thềm, chơi ở trên giường.

Còn những ngày nắng ráo xem, người ta đi tứ tung khắp mặt đất. Tôi nhớ những ngày ở Vĩnh Thái, nói chung là ở vùng biên, nơi cái nhà chỉ là một thứ tạm bợ, một nơi trú chân, còn người ta thì bật ra sống với bãi cát, rừng dương, và cả bãi biển rộng rãi.

Những ngày trời mưa gió, rồi nắng bảng lảng, trời thấp xuống, mặt cát cứ lồng bồng như không có gì là chắc chắn cả.

6/9

Văn Thảo Nguyên kể một số chuyện thăng trầm và nhận ra rằng trong khi lớp trẻ lứa bạn tôi khôn ngoan quá thì khối người trên 40 còn mắc bệnh ảo tưởng. Không phải người ta không biết đâu, nhưng ảo tưởng cứ là ảo tưởng.

Nhàn:

– Ví dụ như ông Trần Việt Phương chắc?

Nguyên tiếp tục tấn công :

– Đúng thế. Nhiều người như ông, như bè bạn ông, chỉ ước được bằng 1/4 cái hoàn cảnh của Việt Phương thôi... Thế mà Việt Phương vẫn dám làm mọi chuyện.

Vẫn Nguyên, lần này nói dài hơn, y như một đoạn độc thoại:

–... Giờ đây, tôi sợ cho sự khôn ngoan của các ông. Sợ cho đời sống. Tính cơ hội cũng chỉ là một khía cạnh của sự khôn ngoan, một khía cạnh của các ông thôi. Càng về sau, các thế hệ sau càng khôn ngoan. Như thằng cháu tôi, bây giờ nó đào ngũ về, thế là nó khôn ngoan. Hồi nó đi, cả lớp đưa tiễn. Thằng đi phi công, thằng làm công nhân, một thằng lái ô tô. Tôi bảo: Sau này, cái cậu lái ô tô ấy sẽ chở  tất cả các bạn cậu về họp mặt một chuyến. Tất cả chúng nó cười ồ lên. Tôi mới thấy tôi dại quá. Làm gì có chuyện ấy.

Nhưng mà bây giờ ông chưa được thử thách đâu. Ngoài 30, người ta cũng vẫn còn dại (một lần khác Nguyên từng kể rằng một ông thầy tướng bảo Nguyên chỉ vì sự tự ái, mà anh cả quyết theo đuổi một sự nghiệp!).

Tính ảo tưởng – cái hạt nhân tư tưởng của Nguyên là đây chăng? Cái hạt nhân tư tưởng của cả một lớp người già hiện nay cũng là vậy chăng? Họ tưởng rằng họ có quyền lái đời sống mãi theo một kiểu nào đó.

Nguyên còn nói đến những chuyện thiêng liêng. Khi kẻ địch trở lại đây thì mọi việc sẽ ra sao? Cho nên, tôi giật mình khi buột ra một câu vốn chôn chặt trong lòng – bây giờ chả có ai trung thành với ai đâu. Sợ. Vẫn một nỗi sợ xưa nay, sợ trước chung quanh, nhưng có thể nói, ở đây còn nỗi sợ cho mình –  bây giờ còn cái gì thiêng liêng không? Hay là Chúa đã chết và thế giới sẽ lộn xộn tuỳ hứng.

Mưa bão đã mấy hôm nay. Thứ mưa trong bão: chốc tạnh, chốc hửng nắng, chốc lại mưa. Lẽ nào cứ ru rú một chỗ, không đi đâu. Nhưng có thể, chỉ đi một quãng là anh ướt.

Và tôi chợt nhận ra chiến tranh cũng là một thứ mưa bão, không biết đâu mà lường tính trước như vậy. Sự lo lắng của người ta là phải, mà lắm lúc cũng là buồn cười.

Lần đầu tiên trong đời, bị một chuyện bão giam chân lại một chỗ mấy ngày liền. Thế mới biết, mình cũng thèm yên ổn, cũng mong về sống trong những hoàn cảnh quen, chứ không phải chỉ mong phiêu lưu, như tôi tưởng. Những ngày này, tôi đang phải rút ruột ra, sống bằng chính ý nghĩ và một ít kỷ niệm của mình. Chỉ có thế.

8/9

Khó chịu đến khổ sở, vì chờ đợi một chuyến xe cụ thể ở đây, nhưng hơn thế, vì chờ đợi một cuộc sống bình thản, khẩn trương, vốn xa đã lâu. Căng thẳng quá – hậu phương của chúng ta có một sự im lặng căng thẳng quá. Mọi người bình tĩnh đến phát sợ lên được. Ăn uống, nghỉ ngơi, lại còn đi chơi đi bời, lại còn những người phụ nữ nhìn đàn ông hau háu nữa.

Ở cái đất Nghệ An này, quá nhiều người tỏ ra hiểu biết, quá nhiều người nói những việc quan trọng – trong khi đó làng nhỏ hẹp, nhà nhiều ruồi, mùi phân trâu xông lên nồng nặc. Và ngoài kia, trời mưa, nước sông Lam to như chưa bao giờ to như vậy, nước đã vào ngập các nhà ở ngoài đê. Cảnh chạy lụt của Hà Nội, tôi gặp lại đây, và chợt sợ hãi cái thứ trời nước mà tôi rất thích, bây giờ đang bao vây tôi.

Mưa nghe còn lâu... Tiếng loa đầu ngõ gọi chống lụt. Người ta kể năm 54, nước trôi cả nhà, nhiều dân công đi Lào về còn bị chết. Giờ đây cũng vậy, chung quanh điếm trên đê đông đến nghìn người nhưng làm sao có thể ngăn được nước.

Đêm qua, pháo địch bắn rền, tôi cứ tưởng là bom, sao bom nhiều vậy. Lại là lúc có thể bỏ hết mọi việc để lo sinh mạng con người. Những người của chúng ta, sống bùng nhùng với nhau, lừa lọc nhau, yêu thương nhau, và cùng chịu bom với nhau.

Làng chúng tôi đóng quân đang có đợt gọi đi nghĩa vụ. Nhiều đứa trẻ 14-15 đòi đi, trong khi những cậu 22-23 xin miễn. Trời đất gì, đi lính là một lối thoát?

Tôi đã chán ngán đến nỗi đọc lại những cái mình viết mà chán, và đọc bất cứ cái gì cũng chán. Đầy cả ruột, điên cả ruột. Những buổi sáng, đi uống cà phê và uống chè, về ngà ngà say, nôn nao, muốn nói càn, muốn hoài nghi, muốn gây sự, muốn nói thật nhiều, muốn rất yêu thương mọi người bằng cách chửi bới mọi người một hồi mà không được. Cựa quậy làm gì nhỉ, vô ích.

Dù ở vị trí nào chúng ta cũng bị cuộc chiến tranh này bòn rút hết sức lực hết tình yêu, hết cuộc sống. Bom đạn không chạm đến người, nhưng nó làm cho người ta sống thấp hèn đi. Bao giờ cho chúng ta có thể bình tĩnh sống cho ra người? Quả thật, bây giờ mà bàn chuyện lấy vợ lấy chồng thì cũng quá lắm đấy. Chỉ có nhập nhằng với nhau, đú đởn với nhau một tí thì có.

Nguyên: Sau chiến tranh, sẽ chém giết nhau.

Nhàn: Thà thế đi, nhưng mọi thứ sẽ trở nên rõ ràng. Bây giờ cứ lộn nhèo một đống thế này, cay đắng không chịu được. Còn như phải tỉnh táo, đó là điều cần nhất.

9/9

Mưa, mưa, để cho người ta cảm thấy đầy đủ những nỗi bất hạnh, mà cùng một lúc người ta phải chịu. Nghèo khổ, bom đạn, và thiên nhiên quấy đảo.

10/9

Quỳnh Lưu. Đi bộ từ Nam Đàn, qua Xã Đoài Nghi Lộc Diễn Châu, ra đến huyện cuối cùng của Nghệ An ba ngày hôm nay, và tôi đột nhiên bị kích động đến không sao bình tĩnh nổi. Tôi chán cái tốc độ cuộc sống chậm rì rì này quá rồi. Tôi sợ những trì trệ trong cách sống chung. Biết làm sao, cuộc sống đang bị đe doạ, vấn đề là còn hay mất, chứ không phải là chậm hay nhanh. Nhưng tôi vẫn cứ phiền muộn. Vì mọi người không cùng sốt ruột như tôi.

Ngay khi đi trên đường cũng vậy. Chỉ đường cho chúng tôi– chỉ đường cụ thể – là những ông già bà già. những đứa trẻ con, những người đàn bà – những người rất tốt bụng.  Nhưng có ai hiểu tâm lý chúng tôi. Ví dụ ai cũng chỉ con đường mà họ cho an toàn nhất. Còn xa hay gần, chúng tôi đi bao nhiêu ngày đến nơi không cần biết.

...Những ngày của người đi bộ, những ngày chờ đợi, rẻ rúng đốn mạt thật không đáng hào chỉ. Nhiều khi chúng ta đắn đo so kè từng giờ đồng hồ, từng quãng đường ngoặt. Thế nhưng, cả cuộc đời mình, thì có tính toán được đâu!

Hồi đầu chiến tranh, còn nhắc nhau làm gì cũng phải cân nhắc. Đã tính kỹ chưa có liều lĩnh không? Liệu có vì hành động này mà mình bỏ mất cuộc sống lâu dài?

Nay thì cứ bước đại thôi, nhắm mắt mà bước, với niềm tin sâu xa là chính đất nước cũng như đang trong một cuộc lần mò.

12/9

Trên đường đi ra, gặp rất nhiều người với cùng một loại câu hỏi. Các chú ở đâu ra đấy? Đi mấy năm rồi mà được ra? Sao người quê tôi không có ai ra?

Vẻ mặt những người cấy bên đường cùng ánh lên. Tất cả nhìn theo, cho đến khi tốp lính đi khuất. Những người lính đang đi giống một người nào trong con em họ.

– Ở đây có hàng quán gì không mẹ?

– Đến đây sao lại còn hỏi hàng quán? Có khát thì vào nhà bên đường mà uống.

– Người khu ba ta vào đây đông thật. Cứ thấy đéo mẹ thật nhiều, thì biết đúng là người Nam Hà.

Bộ đội gặp nhau, người xuôi chê người ngược:

– Mấy ông ra thì phải. Trông nhếch nhác quá.

– Toàn thể quân đội ta bây giờ nhếch nhác chứ riêng gì ai? Rồi sẽ có lúc các anh cũng như chúng tôi.

Rất nhiều người lính đang lang thang trên đường ra. Những linh hồn phiêu tán trong chiến tranh.

Thật là đôi lúc chúng ta quá cảm động, vì những người tốt trên đường. Trước những người ấy, chúng ta cứ hơi ngường ngượng. Tôi đã nói dân địa phương ai cũng chỉ đường một cách tận tuỵ. Chỉ có điều mỗi người chỉ một khác và chúng ta không biết tin vào ai cả.

Văn Thảo Nguyên chẳng hạn là một người mà ai tốt với người ta một lần, anh ta tin mãi –  cho đến lúc thất vọng thì xoay ra chửi kịch liệt.

Tôi, tôi không muốn thế. Tôi quý cái tốt, nhưng tôi phải xem liệu cái tốt ấy có thực không, có ích cho mình không. Nhiều việc, động cơ tốt, nhưng xem ra vô bổ. Mà ai chê thì sẽ bị chửi là thực dụng.

Lúc nào chúng ta sẽ được bàn về cách sống?

Đang những ngày tháng 9. Chuẩn bị vào năm học mới. Rất nhiều xe đạp đèo đằng sau vài tập giấy. Trẻ con khênh bàn đi các nơi. Nhìn vào một trường cấp 2 chỉ còn văn phòng, và nhà thầy giáo ở, hai cái nhà xiêu vẹo, chung quanh hàng rào thưa, cỏ mọc, trâu chui qua hàng rào vào gặm cỏ.

13/9

Tĩnh Gia. Lại đi trên con đường số 1, cảm thấy một cách tự hào thế là ta vẫn ở con đường của ta vị trí của ta (như mọi khi được ở Hà Nội). Không phải là kẻ địch đã chiến thắng ta, càng không phải nó khống chế được ta ở mọi nơi, mọi lúc.

Sẩm tối thì cuộc sống trên đường trở dậy - xe dệ, xe hỏng, kéo xe một lúc, rồi ngồi chờ phà. Đó là lúc mà tất cả những người lái xe ngồi ở ca bin, lắng nghe từng phút nhịp đập trên đường và cũng rất bình tĩnh mà chờ đợi. Không ai nói những chuyện ba hoa, tục tĩu. Dường như với đêm khuya thiêng liêng, những chuyện ấy trở nên lạc lõng. Những người lính hát những bài hát tâm tình của mình. Trở lại với cuộc sống xe-đường, tôi còn cảm thấy một cái gì rất trật tự. Xe cộ xếp hàng. Không có một vụ lộn xộn nào. Đó là niềm vui riêng của đêm nay, hay của tất cả mọi đêm khác?

Đêm chỉ thật sự bắt đầu khi sau một hồi chờ đợi, anh cảm thấy phà thông, cảm thấy đường hoạt động trở dậy. Từ cái phía hậu phương mà anh hướng tới, bỗng có những tiếng ì ầm, rồi những ánh đèn mờ mờ hắt lên, rồi những đoàn xe vụt qua, và anh vẫn lắng nghe tiếng động cơ ấm áp của nó. Có lẽ người ở bờ Bắc đi vào, trong lúc vội vã, không bao giờ cảm thấy hết cái sung sướng của đường sá và không khí thanh bình vừa ở lại sau lưng. Chỉ người ở Nam ra, sau khi đã làm xong một cái gì đó, được dịp nhìn ngắm một phần cái công việc của mình, mới thật sự thú vị. Ngạc nhiên cả với những đoàn xe lớn chở hàng vào. Những người lái xe đứng nép vào một bên hỏi đường, nhận người quen. Và hơn lúc nào hết, họ cùng trở thành những con người của đường sá và bãi bến. Đã đến lúc xe mình chạy. Lòng không khỏi se lại nhỡ không may mà đến lượt mình, cầu hỏng. Để rồi, khi qua cầu, trong tiếng xe đổ đánh xầm xuồng cầu hay hự một cái bên đường, anh ngấm dần cái sung sướng của một người từ giờ phút này bắt vào một guồng máy hoạt động mới.

Lại những đoạn đường bom thả, đường uốn lượn quanh những hàng cọc, và những đoạn cầu bé nhỏ chênh vênh.

Những vùng nông thôn khác nhau của chúng ta. Trong một tỉnh như Nghệ An thôi, Nam Đàn trầm lặng, hơi cổ (chỉ có chữ và cách mạng) không như Quỳnh Lưu. Nhà ở Quỳnh Lưu dài vuông vức. Những người con gái Quỳnh Lưu mau mắn. Một lần tôi chứng kiến giữa một đám nhân công hợp tác đắp đường, một chị tuổi đã dầu dẫu, đuổi một chị khác đè ra trên đường, kêu rinh lên: “Phải nằm lại đây, không được tính cái chuyện chạy máy bay một mình thế được…”. Quỳnh Lưu quê hương của Xuân Hương mà lại.

Người Quảng Bình và người Thanh Hoá khác hẳn nhau. Có cảm tưởng Quảng Bình hiện đại hơn, ra sản phẩm chống Mỹ hơn. Người Quảng Bình ăn mặc đa đá theo mốt khu Ba theo mốt thành thị (phụ nữ quần phíp, áo cộc) chứ không yếm váy nhiều như Thanh Hoá. Và vào một nhà Quảng Bình, thấy bao nhiêu đồ bộ đội. Thanh Hoá ít hơn (hay tôi chưa đi trên đường giao liên, tôi không biết?). Nhưng nhất là cái này, trong cách đối xử với người lính, người dân Quảng Bình vừa hiểu biết nhanh nhạy, vừa ráo hoảnh đi – trong khi người dân Thanh Hoá trước sau vẫn là người dân của kháng chiến chống Pháp và thường đối xử với anh lính chống Mỹ như đối xử với những anh bộ đội mặc áo trấn thủ.

14/9

Qua phà Ghép. Cay đắng mà chịu đựng cuộc khiêu vũ của dốt nát. Doãn Nho bảo sự tận cùng của nông nghiệp lạc hậu. Người “công nhân” kéo phà, như thể người nông dân kéo con trâu của mình. Vừa làm vừa chơi, đứng đó mà nói những lời rất dài dòng với người lái ca-nô ở dưới. Và lại còn giạng dái ra mà hút thuốc lào nữa.

Mãi, khi mà một người lái xe nghĩ ra cách là lùi hai cái xe lại cho phà vênh lên, người ta mới cặp bến.

Doãn Nho bảo cứ thế này vài đêm, thì bạc tóc mất.

...Tôi đã ngồi lặng đi ở một thành phà. Bao nhiêu tiếng văng tục của những người làm phà, của những người đi xe, những tiếng bàn tán, tất cả đều vô nghĩa lý. Tôi tự suy xét. Và thấy rằng mình đã làm hết khả năng cá nhân. Tôi quay cuồng trong ý nghĩ bất lực, đúng là bất lực, đúng là phải trở lại ý nghĩ thế giới này là lộn xộn... Giá bây giờ có một cái máy bay đến đây nữa, thì thật là trọn vẹn.

...Chúng ta bước vào một cuộc chiến tranh hiện đại trong khi dân ta chưa đủ trình độ để tiến hành cuộc chiến tranh như thế.

Một cuộc chiến tranh gọi là có văn hoá đòi hỏi hiểu biết ở mỗi người dân thường chứ không phải chỉ ở những người đóng vai chèo lái nó.