Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 16 tháng 2, 2021

Trăng không in bóng (kỳ 9)

Tiểu thuyết của Bùi Việt Sỹ

13

Mưa mỗi lúc nặng hạt. Cái gạt nước phải làm việc hết công suất mà mặt kính vẫn cứ loè nhoè. Đường lầy lội càng khó đi hơn. Nhưng mưa cũng có lợi là lũ “giặc nhà trời ướt cánh” bỏ ăn đêm luôn. Hùng tranh thủ bật đèn gầm dọi xa và sáng hơn. Xe vẫn bám theo con đường núi cheo leo.

Lại có ba-ri-e. Xe vừa dừng lại thì một người mặc áo tơi mũ lá từ nhà hầm chui ra.

- Xe QSZ130-05 phải không? Vẫn câu hỏi quen thuộc như mọi lần trước.

Lài hạ kính, thò đầu ra đáp gọn lỏn:

- Chính xác!

- Xe có tời kéo không?

- Có... Tời dài và khoẻ. Hùng đáp vọng ra.

- Cách đây chừng hai chục cây, vuợt suối rộng có phà kéo tay. Nhưng phía hạ lưu gặp sự cố. Tiểu đội trực phải đem dây cáp đi cứu xe hàng và mảng... bị lũ cuốn rất nguy kịch. Hiện chỉ còn một đồng chí đang ốm trực ở nhà... Người mặc áo tơi nói một thôi dài. Nếu vượt được suối lũ thì tốt. Nếu thấy không chắc chắn thì lùi xe lại năm cây. Có chỗ đỗ xe an toàn.

- Rất cám ơn! Lài đáp lại và Hùng đánh xe lên.

Xe đến bờ suối thì đỗ lại. Từ trong cái lán tạm bợ, một tiếng ho sù sụ vọng ra. Lài xuống xe bước vào. Trong lán tối om.

- Xin cho hỏi... đồng chí trực bến mảng phải không ạ ?

- Vâng! Tôi đây, nhưng đang lên cơn sốt. Mà nước lũ chảy xiết lắm. Ngày thường suối chỉ rộng khoảng hai mươi lăm mét, nước sâu độ mét rưỡi, mét tám là cùng - Người trong lán lại lên cơ ho khá sâu và kéo dài - Còn bây giờ phải rộng ngoài bốn chục mét, sâu cũng phải hai mét rưỡi...

- Mảng ở bờ bên này hay bên kia ? - Lài hỏi.

- Vẫn ở bên này. Có cáp móc, không thì trôi lâu rồi.

- Chúng tôi đánh xe xuống rồi dùng tời kéo qua bên kia được chứ?

- Tuỳ các đồng chí thôi. Nhưng theo tôi chờ hai ba ngày nước rút hãy qua.Như Ở tuyến dưới cách đây năm cây mảng trôi, đang phải đi cứu mà chưa biết thế nào.

- Được rồi! Cám ơn đồng chí. Để chúng tôi xuống thị sát xem, nếu được thì cố qua. À, còn mảng thì cứ neo ở bên kia cũng được chứ gì? - Lài hỏi một cách cặn kẽ.

- Được! Nhưng nhớ kéo cao lên bờ kẻo lũ cuốn phăng đi thì mệt lắm đấy - Anh lính nói không ra hơi.

Hùng đánh xe sát mép nước rồi mở cửa bước xuống. Mấy lần trước anh cùng thủ trưởng cũng cho xe vuợt suối bằng tời. Nhưng những lần đó suối không rộng nước chẳng xiết như lần này. Mà ai bơi sang bờ bên kia để móc tời vào cọc sắt hoặc gốc cây đây? Hùng tự hỏi mình. Anh thì không thể rời khỏi buồng lái được rồi. Vậy thì chỉ có Lài. Liệu chị ấy có thể vuợt được dòng nước xiết như thế này không? Hay làm theo lời khuyên của anh lính, chờ nước rút. Có thêm người hãy cho xe vượt suối. Chờ thì dễ. Mà hàng thì lại cần phải đến đích sớm ngày nào hay ngày ấy. Lài cứ để cả quần lội xuống đến quá đầu gối. Nước chảy quá xiết. Mới ở trong bờ mà đã thế này thì giữa dòng chắc còn mãnh liệt hơn nhiều.

- “Đằng ấy” tính thế nào? - Bước lên bờ Lài hỏi Hùng.

- Cũng nan giải lắm. Cái chính là làm thế nào vượt được suối để móc tời ở phía bên kia. Liều có khi lại mất cả chì lẫn chài. Hùng không nói ra là mình không thể bỏ xe để vượt suối được. Đấy là nguyên tắc. Nhưng Lài hiểu là Hùng một là lo cho mình, hai là không tin mình có thể vượt suối lũ được.

- Tời có đủ công suất để kéo xe qua không? - Lài hỏi.

- Công suất thì thừa... Nhưng còn sợ cái mảng. - Hùng đáp.

- Nhưng mấu chốt ở đây là phải đưa được tời móc vào cột bên kia.

- Tôi bơi qua được!- Lài đáp như đinh đóng cột.

- Chị không liều...- Hùng định nói “như lần phá bom vừa rồi đấy chứ” nhưng đã kịp dừng lại.

- Không liều mà phải có cách. Lài chậm rãi. Tôi sẽ cởi hết quần áo. Eo thắt chiếc thắt lưng da to bản của thủ trưởng - Móc tời vào đấy! - Tôi bơi lặn cũng không tồi. Nếu vượt được thì tốt. Nếu bị lũ cuốn trôi thì... “đằng ấy” thu tời về vớt tôi lên.

- Chị đã nghĩ chăc chắn chưa? Hùng vẫn băn khoăn.

- Có gì mà phải băn khoăn. Có chết đuối cũng không sợ mất xác đâu mà sợ. Lài vừa nói vừa đùa.

- Thôi được rồi. Tôi không ép chị đâu đấy nhé!

- Nhiệm vụ là trách nhiệm của chung. Không ai ép ai. Cái chính là tự nguyện, đúng không?

Lài cởi phăng áo trước, tiếp đó là chiếc nịt vú. Rồi cởi quần ra, quần lót định cởi nốt nhưng nghĩ chẳng vướng víu gì nên để lại.

Đúng như kịch bản được vạch sẵn chiếc móc tời móc vào chiếc thắt lưng đa to bản ở phía sau lưng Lài. Nước khá lạnh, càng ra xa càng chảy xiết. Lài bơi sải, nhưng không vội vàng để giữ sức và cố bơi chéo về phần thượng lưu, để có bị đẩy xuống cũng không quá bị xa bờ bên kia.

Trên xe Hùng hồi hộp theo dõi - Tời vẫn nhả đều đều theo từng sải tay của Lài. Nếu dây tời bị giật liên hồi thì Hung phải cấp tốc thu lại ngay. Ba phút, năm phút, rồi.. mười phút trôi qua. Lài đã qua được bờ bên kia. Mệt đến đứt hơi, nhưng vẫn vui mừng quát to:

- Tôi đã qua sông rồi!

Rồi mò mẫm lên bờ, trời tối om. Mưa vẫn rơi xối xả Lài tìm mãi mà vẫn không thấy chiếc cột nào cả. Đang loay hoay thì thấy một gốc cây bằng bắp đùi. Chẳng hiểu là cây gì mà không còn ngọn. Lài buộc sợi cáp lùa vào thân cây theo kiển thòng lọng chó, càng kéo thì càng thít chặt vào. Xong Lài cầm sợi dây, rung liên tục báo hiệu cho Hùng rút tời, kéo chiếc mảng trên có chiếc xe đặc chủng vượt suối lũ.

Chiếc mảng ra đến giữa dòng, tưởng mọi việc đã suôn sẻ, ngon ăn thì bất ngờ từ thượng nguồn một thân cây cả cành cả rễ trôi xuống. Gặp dây cáp chắn ngang thì dừng lại. Chiếc mảng lùi cũng không được mà tiến cũng không lên. Nước xiết đẩy chiếc phà kéo căng sợi đây cáp ra. Lài thấy chiếc gốc cây trên bờ có dấu hiệu chuyển động. “Thôi chết rồi, nước lũ tác động vào cái phà kéo căng sợi cáp, sợi cáp căng quá có thể nhổ phăng cái gốc trên bờ thì nguy to. Chiếc mảng trên có xe sẽ bị cuốn theo dòng lũ”. Lài hốt hoảng nghĩ như thế. Trong thế ngàn cân treo sợi tóc, nhưng vốn là người từng trải, bốn năm ở chốn bom đạn hiểm nguy, Lài vẫn sống, vẫn lập được những chiến công chả lẽ lần này lại đầu hàng. Mà đầu hàng có nghĩa là chết. Thế là nhanh như cắt, Lài cởi chiếc thắt lưng, lồng vào sợi dây cáp. Và từ thế trên bờ cao, Lài tụt nhanh xuống. Cây và mảng và xe vẫn nhùng nhằng giữa dòng suối lũ. Lài cởi dây lưng bò lên cành cây rồi tìm cách leo được lên mảng. Và rồi nhảy như một người máy. Lài lần ra chỗ cốp xe đựng đồ nghề, rồi rút ra được con dao to bản. Lài móc dây lưng vào sợi cáp treo mình dưới dòng suối lũ. Bước đầu tiên là chặt. Chặt các cành loà xoà trước. Chặt tới đâu đẩy nhanh cho lũ cuốn đi. Cuối cùng chỉ còn chiếc thân, Lài cưỡi lên, cố đè nó xuống, luồn qua sợi cáp. Và cùng với sức đẩy của lũ, của người, thân cây đã trôi nhanh qua được.

Hùng ngồi trong buồng lái, thót tim theo dõi mọi diễn biến dưới lòng suối lũ hung hãn, đến lúc này tăng tốc thu dây khiến chiếc mảng lao lên vun vút.

Khi cho xe lên bờ, tháo dây tời, chiếc gốc cây đã bị nhổ lên khỏi mặt đất một nửa. Thật là hú vía. Lài vẫn chỉ đánh độc chiếc quần lót trèo lên cabin. Thở cả bằng mũi bằng miệng và bằng tai. Tuy nhiên Lài vẫn đã tỉnh táo giục Hùng cho xe vượt bờ suối càng xa càng tốt. Lúc này theo kim đồng hồ dạ quang trên tay đã chỉ bốn giờ sáng rồi. Chỉ con hơn một giờ nữa, vừa cho xe chạy vừa phải tìm chỗ dấu xe cho cả ngày đang đến gần.

Trong buồng lái tối om, Lài đang dùng tay quơ tìm đống quần áo vứt lên lúc trước thì hai hàm răng va vào nhau cồm cộp khiến Hùng nghe rất rõ. Rồi tiếng Lài thầm thào cất lên:

- “Đằng ấy” ơi! Tôi bị cảm lạnh mất rồi! Hùng vội tắt đèn gầm, bật đèn mờ trong cabin và cho xe đỗ vào vệ đường. Lài đã gục đầu vào cửa lên xuống. Mặt tái nhợt môi tím ngắt, Hùng chạm vào chiếc chân nửa co nửa duỗi của Lài trên đệm ghế. Vội rụt tay lại vì giá buốt - Làm thế nào bây giờ? Một câu hỏi loé lên trong đầu Hùng - Anh vội nhấc đệm ghế lấy ra chiếc chăn dạ để vo viên ở trong đó. Việc đầu tiên Hùng làm là tung chiếc chăn phủ kín thân thể Lài. Rồi anh chợt nghĩ ra dưới đệm ghế còn có chai dầu gió, to bằng bao thuốc lá. Anh mở nút, đổ một vốc nhỏ vào gan bàn tay rồi luồn qua tấm chăn dạ xoa vào vùng ngực Lài. Bàn tay anh xoa từ vùng cổ xuống vùng ức, rồi qua hai bên. Bàn tay anh bỗng cảm thấy hẫng hụt. Bởi bầu vú bên phải đã không còn, không một chút gợn về nhục dục, lúc này cấp cứu cho nạn nhân là trên hết. Theo kinh nghiệm đã từng học hỏi được. Sau khi xoa nóng vùng ngực, Hùng nhấc đùi Lài lên, đổ dầu xoa vào hai gan bàn chân. Bàn tay Hùng chà sát liên hồi cho tới khi thấy đã có hơi ấm anh mới dừng lại. Tiếp đó là xoa hai gan bàn tay. Và cuối cùng là lật sấp người Lài xuống, đổ chỗ dầu còn lại xoa suốt từ gáy, dọc sống lưng tới tận vùng xương cụt. Nhưng vướng chiếc quần lót còn uớt sũng ở thắt lưng. Không ngần ngại, Hùng cởi phăng qua hai đùi, xuống ống chân rồi bàn chân. Hùng cứ mải miết làm, mồ hôi anh vã ra... Quả là tình huống anh chưa từng gặp phải bao giờ.

Hơi nóng của dầu, sự ma sát hết sức nhiệt thành cộng với năng lượng còn rất trẻ khoẻ sung mãn của Hùng đã truyền cho Lài một sinh khí để vượt lên cơn cảm lạnh đột ngột do phải ngâm mình dưới nước suối quá lâu. Đôi môi tím bầm và hai chiếc má lúm đồng tiền đã phơn phớt sức sống màu hồng.

- Đỡ tôi ngồi dậy được rồi! Lài đã cất được tiếng nói đầu tiên khiến Hùng thở được hơi dài nhẹ nhõm. Nhưng khi vừa ngồi dậy. Lài lại nổi lên một cơn nôn khan dữ dội. Hùng lại lúng túng không biết xử lý thế nào?

- Có gừng không? Lài thều thào - Đánh dập ra rồi cho vào miệng tôi một miếng.

May quá Hùng lục dưới đệm xe thì phát hiện ra cả một cục to bằng bàn tay trẻ con. Hùng bẻ ra một nhánh, không biết làm thế nào để đập dập, bèn đưa lên miệng nhai. Song cố không để thoát mất nước. Rồi Hùng dùng tay đút nhánh gừng đó vào miệng Lài. Lài nhai tiếp rồi nuốt nước vào bụng. Hơi nóng của nước gừng khiến cơn nôn khan của Lài rút dần.

- Tắt đèn buồng lái đi Hùng! “Đằng ấy” quấn chăn vào cho tôi và ôm chặt lấy tôi một lúc có được không? Lài thẳng thắn đề nghị.

- Vâng! Vâng! Tôi sẽ làm ngay... làm ngay - Hùng cuống quýt đáp.

Một đôi trai gái, tuổi vừa quá đôi mươi trong buồng xe tối om và chật hẹp họ ôm và truyền hơi ấm cho nhau, hoàn toàn vô tư như hai người cùng giới. Không ai gợn lên trong đầu một ly, một lai dục vọng.

- Thôi! Tôi thấy dễ chịu rồi! Hùng buông tôi ra và xem đồng hồ mấy giờ sáng rồi ?

- Bốn rưỡi!...

- Phải cố vượt qua trọng điểm này trước sáu giờ. - Giọng Lài đã như ra lệnh.

Hùng nổ máy bật đèn gầm và cho xe tăng tốc, đường xấu, Lài quấn chăn, người lúc đập vào thành cửa, lúc chúi về phía kính xe.

Trời hửng sáng thì ngớt mưa - Loay hoay mãi Hùng mới tìm được chỗ trú ở một khe núi hẹp.

- “Đằng ấy” xuống xe đi cho mình thay quần áo. - Lài nói.

- Xin tuân lệnh! Nói rồi Hùng bật cửa xe nhảy nhanh xuống.

Lài chui xuống gầm xe. Ăn uống xong, Hùng bảo:

- Chị còn mệt lên xe nằm! Tôi ôm AK, trải bạt nằm dưới gầm.

- Không được! Lài kiên quyết phản đối. Tôi quấn chăn nằm dưới này cũng được.

Tranh cãi một lúc, Hùng phải nhượng bộ.

14

Hai người vừa thiu thiu ngủ được hơn một giờ thì tiếng phản lực gầm rú, quần đảo trên đầu, tiếp đó là tiếng bom, tiếng rocket nổ rung chuyển phía chân núi. Dưới đó là quốc lộ 1A. Không hiểu chúng phát hiện ra điều gì mà hơn ba giờ đồng hồ, có tới tám đợt oanh tạc liên tục.

Không thể ngủ được, Hùng gọi với Lài lên xe.

- Đêm qua chị liều quá! Những chuyến trước đi với thủ trưởng, gặp trường hợp như thế bao giờ thủ trưởng cũng quyết, trước tiên là tìm chỗ giấu xe thật an toàn, chờ tới khi nào đi được mới đi.

- “Đằng ấy” đứng trách tôi! Những việc ứng phó với suối lũ tôi đã có kinh nghiệm mấy năm nay rồi. - Lài thành thực bảo.

- Cái gì? Chị có theo cánh lái xe đâu mà phải ứng phó với suối lũ - Hùng hăng hái vặn lại.

- Không theo cánh lái xe. Nhưng phải bảo vệ đường, báo vệ cầu, bảo vệ ngầm - Lài chậm rãi nói - Mà bảo vệ ngầm mùa mưa thì có khác gì việc phải vượt suối lũ như đêm qua. Nhưng bọn này làm khác hơn. Thượng nguồn và hạ nguồn của ngầm bọn này làm các cây cầu dã chiến dự trữ. Gỗ rừng thì đầy, mà tre luồng không thiếu. Trụ cầu thì chặt gỗ tròn bằng bắp đùi, dài chừng hai mét, xếp từng lớp theo kiểu cũi lợn. Cứ khoảng năm mét làm một trụ. Mặt cầu thì chặt tre, đục lỗ xâu vào với nhau. Độ ba bốn lớp, tuỳ theo tre tốt hay xấu, lại đục lỗ ghép chồng lên nhau, bảo đảm chắc hơn buộc bằng dây thép... đơn giản vậy mà xe mười hai, mười lăm tấn qua... ngon như không. Nhưng thế thì đánh Mỹ dễ quá! Ai cũng biết suối lũ là thế nào. Đâu chỉ có nước cuốn như thác lũ... mà kèm theo đó là đất đá, là cây cối, gãy đổ nước cuốn theo. Trụ cầu là chỗ cây cối hay mắc vào nhất. Nó không chỉ ùn tại đó mà hợp lực với dòng lũ cuốn phăng cả cầu đi. Mà muốn xử lý nó chỉ có một cách là chặt trụi các cành, chặt gọn các thân cây rồi đẩy cho nó luồn qua cầu. Nói thì như thế, song làm thì khó hơn nhiều. Chỉ đứng phía trên thì nhằm nhò được gì. Mà phải buộc dây ngang người treo vào mặt cầu. Người nửa chìm nửa nổi.... tay cầm cây rựa thật sắc... Phạt, chém… gạt, đẩy... dìm những thân to đã chặt trụi cành... luồn cho nó trôi qua mặt cầu... Đó, những việc như thế, có khác gì việc... tối qua đâu? À, mà có lần một con hoẵng bị lũ cuốn, đã chết trương lên, mắc vào trụ cầu. Thế là đơn vị được một bữa cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần... khiến có người nói vui: “Giá vài ngày được một chú hoẵng chết trương thì đánh Mỹ cả trăm năm vẫn thấy sướng”.

- Nhưng việc hôm qua, quả thực là đã quá sức chị.

- Có thể là như vậy nhưng mà may “đằng ấy” cũng biết cách cấp cứu chứ không có đã “ai viết tên chị thành liệt sĩ rồi”. - Lài vừa nói vừa pha trò.

- Tôi muốn hỏi thật một điều, không biết chị có cho phép không?- Hùng nửa rụt rè, nửa mạnh bảo nói.

Má Lài hơi đỏ ửng lên. Chị biết Hùng muốn hỏi điều gì rồi.

- Chiến tranh mà! Mất mát, hy sinh là chuyện thường. “Đằng ấy” muốn biết thì tôi kể, có ngại ngần gì đâu…

- Quả thực lúc ấy… vì việc cấp cứu nên phải làm như vậy. Tôi không cố ý chắc chị cũng hiểu..

- Rồi sau thế nào nữa - Thầy Ivan Ivanovitch có vẻ sốt ruột hỏi.

- Vâng, mọi việc diễn tiến như sau…- Lài đáp - Chập choạng tối, Hùng đánh xe từ khe núi ra. Xe chạy đến nửa đêm thì gặp một trạm gác. Vẫn câu hỏi cũ:

- Xe QSZ130-05 phải không?

- Đúng xe đồng chí hỏi đây. - Lài thò cổ ra đáp. Có chỉ thị gì của cấp trên không?

- Có. Địch đang tập trung đánh hết sức ác liệt ở khu rừng này và vùng lân cận. Xe chạy khoảng bốn chục cây số nữa. Phía dưới đường 1A là ngã ba Đồng Lộc. Bởi thế chay ba mươi cây nữa thì rẽ vào suối cạn. Cứ thế ngược lên mười lăm, mười bẩy cây nữa. Xe có tời kéo khoẻ chứ? - Đột ngột người hướng dẫn hỏi.

- Tời sử dụng tốt. - Lài đáp chắc chắn.

- Thế thì được, vì nhiều đoạn suối dốc đến 45 độ... Phải dùng tời kéo từng đoạn để đi tiếp...

- Đồng chí còn dặn dò gì thêm nữa không?

- À, suýt nữa thì quên. Đi gần hết suối cạn thì phải nghỉ lại, vì tới đó trời cũng sắp sáng rồi. Chờ hôm sau mới đi tiếp vì phải vượt qua đường 15. Mà đường 15 bây giờ thì địch đánh cả ngày lẫn đêm.

- Đi tiếp theo hướng nào? - Lài hỏi thêm.

- Lên đường 15 đi thẳng chừng hai cây số nhìn thấy một cây cụt ngọn ở vệ đường bên trái thì cho xe rẽ vào. Thực ra vẫn là con suối cạn, bị đường 15 ngăn đôi ra, ngược lên chừng ba chục cây thì gặp một khe sâu, ngăn cách giữa hai sườn núi. Khe rộng chừng bốn mươi mét, có cầu dây cáp bắc qua, một tiểu đội tám người trực ở hai bên, nếu cần thiết họ sẽ hỗ trợ.

Lại một đêm nhọc nhằn. Nhưng là thứ nhọc nhằn khác. Xe lăn trên những hòn đá đầu sư to nhỏ khác nhau. Hòn nhỏ như cối đá lỗ. Hòn to thì bằng cả một chiếc bàn, khấp khểnh, trơn trượt. Nhiều lúc xe nghiêng như muốn lật. Lúc lại nhẩy câng câng như trái bóng, đầu đội lên trần cabine choang váng. Nhưng oải nhất là những đợt sống lưng, nén xuống rồi bật lên tưởng muốn long đĩa đệm. Xe chao đảo, nhiều lúc Lài và Hùng cùng xô về một phía, ôm choàng lấy nhau. Lúc đầu thì còn cười đùa khúc khích. Sau thì chỉ còn những tiếng kêu “ối”, “á”.

Mỗi giờ xe chỉ chạy được năm cây số là cùng. Đúng như lời đồng chí hướng dẫn ở trạm gác. Xe chưa chạy hết suối thì trời đã hưng hửng sáng. Cả hai đều mệt bở hơi tai, lưng đau như dần nên không ai muốn khơi mào kiếm chuyện để nói. Ăn uống xong, vẫn như mọi khi Hùng nằm trong buồng lái. Lài lấy võng tìm mấy chạc cây để mắc.

Chiều. Nắng vẫn còn lọt qua kẽ lá. Lài đã giục Hùng đánh xe đi.

- Còn sớm mà chị! - Hùng bảo.

- Tranh thủ “nửa sáng nửa tối” phải vượt qua được hai cây số của đường 15. Đó là thời điểm bất ngờ nhất chứ nhọ mặt người là lũ quạ sắt lại đi săn đêm đó.

Ra tới đường 15 , đã thấy lác đác một số xe phủ bạt kín mít, cành lá nguỵ trang cắm xù xì hai bên thành xe. Đường bụi mù mịt. Lài phải nhắc Hùng kiểm tra đồng hồ cây số trên xe. Rất may, Hùng chạy làn trái nên dễ phát hiện ra cây cụt ngọn vội tạt xe vào. Một tiếng rầm nổi lên. Hai cái đầu đội mũ sắt muốn vỡ tung ra vì dội lên trần cabin quá mạnh và đột ngột. Đồng thời xe cũng chết máy luôn. Sau một phút định thần Hùng đề lại, máy chỉ xì ra mấy tiếng “khạc! khạc!”.

- Bỏ mẹ! Không khéo một bộ phận nào tung ra trong ca-pô rồi! Lần đầu tiên từ lúc lên xe, Lài thấy Hùng văng tục.

- Bình tĩnh! Đề lại lần nữa xem!- Lài nhẹ nhàng động viên - Nếu không nổ... để tôi xuống quay ma-ni-ven vậy.

Hùng không đáp lại, vừa mớm ga vừa đề. Bất ngờ máy rồ lên.

- Thế chứ! Chiếc xe này có phản chủ bao giờ. Bấy giờ Hùng mới nói.

Tuy nhiên loay hoay mãi, phải cài thêm số phụ, chiếc xe mới vượt qua được chiếc “ổ voi” vừa như đánh bẫy vừa như nguỵ trang khéo léo.

Hai cây bên bờ um tùm che kín dòng suối cạn. Xe mới chạy chừng nửa giờ, đã thấy phía sau (tức đoạn đường 15) tiếng bom chát chúa từng hồi vọng lại.

- Liệu biết có xe nào bị “dính” không biết? Lài thở dài than.

- May mà chị có kinh nghiệm - Hùng đế vào - Chứ đi chậm có khi “tử” với chúng nó.

Khúc suối trên này có phần êm ả hơn khúc dưới. Nhưng nếu không phải là xe đặc chủng chắc chắn là không thể chạy lên được. Gần hai giờ đêm. Để xua tan cái mệt, Hùng nói đùa một câu.

- Bà nào có mang mà ngồi lên xe này thì chỉ có nước tụt thai thôi!

- “Đằng ấy” “phởn chí” cái gì mà lại... nói bậy thế?- Lài vặn lại.

- Ấy là thí dụ thế thôi. Có “chết ai” đâu?

Hùng vừa “cãi” tới đó thì phía trước có ba tiếng súng trường, phát một rất đanh.

- Thôi chết rồi! Lại có thương vong rồi! Lài đau đớn thốt lên. Mà ở chỗ cầu cáp treo thì phải?

- Cũng có thể! Xe mình đã qua gần ba chục cây mà sao không thấy tiếng máy bay phản lực nhỉ? - Hùng tự hỏi mình.

- Ta cứ đi tiếp, hay để tôi đi bộ lên trước xem sao?- Lài đề nghị.

- Cứ đánh xe lên, cụ thể thế nào sẽ tính toán sau. - Hùng quả quyết.

Xe chạy chừng hơn một cây số nữa thì con suối cạn lượn ngược lên trên. Vắt vào như một chiếc chạc ba của một thân cây là con đường đá rộng chừng trên ba mét, khá phẳng phiu.

- Chắc là đường dẫn lên cầu cấp rồi.- Hùng nói.

- Chắc vậy! - Lài đế vào.

Hùng cho xe từ từ chạy lên. Mới qua được khoảng trên ba trăm mét thì một tiếng còi tuýt lên. Rồi từ vệ đường một người mặc áo lính, nửa nằm nửa ngồi giơ súng ra hiệu cho xe dừng lại.

Như thường lệ Lài xuống xe.

- Có vấn đề gì thế đồng chí?- Lài từ tốn hỏi lại.

- Chết và bị thương gần hết rồi. - Người lính nửa nằm nửa ngồi thều thào cất lên.

- Có thấy máy bay đến oanh tạc đâu?

- Bom toạ độ. Mà không phải loại nổ ngay. Nó chui xuống đất không biết từ lúc nào. Không phát hoả sớm, phát hoả muộn, mà chờ đúng lúc anh em tiểu đội tập trung ăn cơm thì oành một cái... Tôi ngồi xa, chỉ bị vào chân, đã được băng bó rồi. Giờ nằm đây gác cầu.

Lài gọi Hùng xuống xe. Cả hai xem lại vết thương ở bắp chân người chiến sĩ. Hùng lấy nước tăng lực ra và lương khô mời, nhưng anh ta chỉ uống nước và bảo:

- Miệng đắng lắm! Thương anh em lắm… Có vàng, có bạc cho vào miệng cũng không nuốt nổi đâu. - Những tiếng sau rên rỉ như ai oán.

- Nhiệm vụ của các đồng chí ở đây là gì?- Lài tranh thủ hỏi.

- Mỗi bên sườn núi là bốn người.- Anh ta thều thào nói- Có xe qua thì tìm hiểu trọng luợng, khuôn khổ của xe, xe nào quá khổ, quá tải thì phải kéo cáp thêm. Nếu tải trọng vừa rồi nhưng lái xe run thì anh em lái giúp. Anh em đều là những tay lái dũng cảm có kinh nghiệm cả.

- Bây giờ đồng chí để chúng tôi ra nghiên cứu được không? - Lài đề nghị.

- Cũng không có cách nào hơn! Nếu các đồng chí thấy tự qua được thì hãy qua. - Giọng anh ta đã bớt thều thào - Còn nếu thấy có gì… cấn cá... thì đánh xe vào chỗ cất giấu, chắc cũng phải vài ngày cấp trên mới có hướng giải quyết được.

- Anh có cần chúng tôi giúp đỡ gì không? - Lài hỏi theo phép lịch sự - Nếu không cho chúng tôi ra xem sao…

- Các đồng chí cứ đi đi. Có gì ta trao đổi với nhau sau. - Anh lính thều thào đáp.

Trước mặt Lài và Hùng là hai vách đá dựng đứng. Nối hai vách đá ấy là hai sợi dây cáp to bằng cổ tay trẻ con, dài chừng bốn chục mét. Không nhìn thấy đáy, nhưng nước dưới đáy vực réo lên một cách rùng rợn, ma quái. Dưới ánh dèn gầm lờ mờ của chiếc xe tải, đứng phía sau một chút, Lài bỗng thấy Hùng rùng mình ớn lạnh như bị cảm.

- Thế mấy lần trước “đằng ấy” chưa đi qua loại cầu cáp này à? - Lài lo lắng hỏi.

- Ba lần trước đi đường khác. Hùng đáp - Mà thời kỳ huấn luyện khắc nghiệt nhất cũng chưa từng phải đánh xe qua kiểu... cầu thế này.

- Thế bây giờ “đằng ấy” tính thế nào? Lài nhẹ nhàng hỏi.

- Vực sâu hun hút thế này mà lạng tay lái một chút thì cả xe và người đều tan xác pháo. Người chết đã đành nhưng còn hàng trên xe mới gay. Rồi đây lại phải huy động cả tiểu đoàn, thậm chí trung đoàn ra sông, ra biển để vớt. - Hùng trầm tư đáp.

- Nếu vậy thì quay lại, hỏi đồng chí bị thương chỗ giấu xe. Đành chờ người trợ giúp vậy. - Lài cố nén một tiếng thở dài đề nghị.

- Nếu chờ được thì thượng cấp đã không quyết định bổ sung chị thay đại đội trưởng đi cùng với tôi. Tất nhiên là chúng ta không đơn độc, thượng cấp nói vậy. Trên đường sẽ có đường dây hữu tuyến bám sát các trạm gác giúp đỡ khi cần. Ở chiến trường thương bệnh binh đang chờ thuốc cấp cứu, quân đội chờ lương thực, đạn dược và cả các tin tức tình báo nữa. Trong khi đó thì xe lại phải nằm chết dí ở đây. - Hùng than vãn với chính mình.

- Ta cùng tính toán, suy nghĩ xem có cách nào khác không. - Lài vẫn nhẹ nhàng gợi ý.

- Thế theo chị... ta có thể làm gì được trong lúc này? - Hùng cũng nhẹ nhàng hỏi lại.

- Tôi nghĩ là có, nhưng nói ra tôi sợ “đằng ấy” lại cho tôi là... quá liều.- Lài bảo.

- Đến nước này thì ai nỡ trách ai. Có gì thì chị cứ nói ra. Chúng ta cùng bàn bạc thêm. - Hùng đáp.

- Xe của ta được trang bị tời kéo rất lợi hại. Đã mấy lần tời giúp chúng ta vượt qua suối lũ, rồi suối cạn, sao bây giờ ta không dùng đến nó? - Lài đặt vấn đề.

- Dùng là dùng thế nào? - Hùng băn khoăn hỏi lại.

- Thế này nhé. - Lài bắt đầu hào hứng giải thích - Tôi sẽ mang tời sang móc thật chắc vào các thân cây hoặc cọc sắt neo các dây cáp - Rồi “đằng ấy” đánh xe qua... Rủi tay lái có bị “lạng”... xe cũng không thể rơi thẳng xuống vực được. Mà chỉ treo lơ lửng giữa hai vách núi thôi. Lúc đó ta bắn tín hiệu cấp cứu bằng bốn phát đạn AK. Không sớm thì muộn, xe xích xe cẩu hoặc anh em sẽ xúm vào kéo cả người cả xe lên.

- Chị nói cũng có lý, nhưng làm sao để chị có thể sang bên kia trên các đoạn cáp này được. - Hùng hỏi lại.

- Cái đó thì quá dễ - Lài đã bắt đầu thấy có “tia sáng cuối đường hầm” nên giọng có phần vui vẻ và tự tin - Thì “đằng ấy” cứ móc tời vào thắt lưng phía sau tôi... Tôi sẽ trổ tài “làm xiếc trên dây” để qua... Mà có “tai nạn” thì “đằng ấy” lại kéo tời là tôi bình an, vô sự liền.

- Có lẽ cách ấy của chị là khả thi nhất trong lúc này. - Hùng đồng ý với phương án đó của Lài.

Chị mở cốp đựng đồ nghề ở phía dưới thùng xe. Lấy ra con dao phát. Nhìn quạnh, nhìn quẩn thấy một thân cây khá thẳng, dài chừng ba mét to bằng cổ tay bèn phăm phăm tiến đến lia vài nhát.

Và rồi sau khi bỏ đôi giày Kosyghin giả da nặng chịch dành cho sĩ quan đại đội trở lên, vứt vào cabin như một diễn viên thực thụ, tay cầm khúc thân cây giữ thăng bằng, chân đạp lên tấm sợi cáp, nhẹ nhàng và khéo léo vượt qua bờ bên kia.

Khoảng năm bảy phút sau chị lại cầm khúc thân cây để giữ thăng bằng và lộn trở lại. Lần này thì không còn chiếc móc tời móc sau lưng khiến tim Hùng thót lại. Nói dại... Nhưng Lài đã an toàn trở lại. Miệng nói như mở cờ trong bụng:

- Tời đã được thít cổ chó vào một thân cây lớn. Ngoài ra còn móc tiếp vào thanh thép neo sợi cáp làm cầu, tuyệt đối an toàn. Rủi xe có rơi xuống thì hai đứa chúng mình - Lài đột nhiên đổi giọng hết sức thân mật - cứ ngồi trong buồng lái, ăn lương khô... và uống nước tăng lực mà chờ... cứu viện.

- Chị đã qua rồi thì còn quay lại làm gì Hùng hơi gắt.- Lúc này tôi thấy nguy hiểm quá.

- Ở quê tôi có câu nói “chết trâu không sợ bằng làm thợ một mình”. Có hai người trong buồng lái “đằng ấy” sẽ thấy vững dạ hơn. Mà nếu có sao, chết chung với nhau cũng chẳng là vấn đề gì. - Giọng Lài chân thật, phát ra từ đáy lòng khiến Hùng cảm thấy ấm cúng và thân thương vô cùng.

Hai người chào anh lính bị thương và lên xe. Hùng cho xe nổ máy, định tăng ga thì Lài ngăn lại bảo:

- Đừng đạp chân ga! Nhỡ chân run, xe lúc nhanh lúc chậm dễ chao đảo. Để chế độ tời kéo đều đặn, từ từ...

- Chị quả là người phụ nữ... sáng dạ nhất mà tôi đã từng gặp. Hùng cảm phục thốt lên - Ấy vậy mà khi thượng cấp gọi ra nhận thủ trưởng tôi đã cười trong bụng, cái thứ “quần lụa” ấy có khi còn làm vướng víu thêm.

Sáu bánh xe đã lăn trên hai sợi dây cáp bắc qua vực sâu hàng trăm mét. ánh sáng đèn gầm đủ soi rõ mười mét phía trước. Tiếng tời quay đều êm ái và nhẹ nhàng.. Xe qua được mười mét. Hai mươi mét… rồi ba mươi mét. Bỗng hai bánh xe phía sau như lún xuống.

- Tăng tốc tời tối đa lên! - Lài vội kêu thất thanh - Hùng nhanh tay kéo cần gạt. Chiếc xe chồm lên. Bốn bánh đã bám vào mặt đường phía bên này. Đúng lúc đó thì một trong hai sợi dây cáp đứt đánh “phựt”, mặc dù ngồi trong xe nhưng cả hai đều nghe rất rõ. Nhưng “thế cờ” không thể lật ngược. Bốn bánh đã bám chắc vào mặt đường và tời vẫn quay. Bất chợt, thật bất chợt, cả Lài và Hùng cùng quay sang ôm chầm lấy nhau. Hai cánh tay dài của Hùng chẳng những xiết lấy tấm thân khá đẫy của Lài rất lâu mà còn chặt hơn cả cái đêm xe vượt suối lũ cô bị cảm.

- Thôi! Thôi! Được rồi. - Lài vừa nói vừa gỡ tay Hùng ra - Hùng buông thõng hai tay, ngồi thừ ra một lúc.

- Để tôi xuống gỡ tời ra. - Lài nói. Ta đã mất khá nhiều thời gian ở đây rồi.

Kể tới đây Lài muốn dừng lại chờ chủ nhật sau, nhưng thầy Ivan Ivanovitch cố nài nỉ kể nốt. Thầy còn khoe có món chuối Columbia và cam Maroc, mà thầy đã xếp hàng nửa ngày thứ bẩy hôm qua mới mua được. Cô Anna cũng “vun vào” theo thầy. Lúc đầu Lài định chỉ kể về công việc, nhưng rồi ma xui, quỷ khiến thế nào Lài lại vanh vách kể ra cả chuyện riêng tư, lẽ ra chỉ nên chôn chặt trong lòng.

B.V.S.