Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2021

Hội họa và mùa xuân

Trần Mộng Tú

Trong đời tôi, thỉnh thoảng lặp đi lặp lại cái sở thích “Học Vẽ”. Khi thì học chì than, khi thì màu dầu, khi màu nước. Bắt đầu năm mới học lớp Đệ Lục, ở một trường Công Giáo tư thục bên Thị Nghè (nhà tôi ở Thị Nghè) tôi mon men tới trường Mỹ Nghệ Thực Hành ở Gia Định, xem các học trò vẽ, rồi thích, ghi danh xin thi vào học (như thi vào Đệ Thất trường Công Lập) may mắn sao tôi đậu, nhưng Ba tôi nói, không được. Nếu con vào đó học tức là con mất hai năm. Năm tới con lên Đệ Ngũ, vào Mỹ Nghệ con như học lại Đệ Thất, hơn nữa ở đó học vẽ nhiều hơn học chữ. Thế là tôi mất cơ hội học vẽ. Cho đến thời gian rất lâu sau đó, đã học hết Trung Học rồi, may mắn có việc làm, tôi đi làm, lại nghĩ đến chuyện học vẽ. Lúc đó ở Hội Việt Mỹ, cuối tuần có thầy Họa sĩ tên Nguyễn Lâm tới dạy, và tôi vác giá, vác cọ đi học, học vẽ sơn dầu. Thầy Lâm đưa học trò ra ngoài học vẽ phong cảnh. Chúng tôi vào Sở thú, ra ngoại ô, vào cả trong Chợ Lớn vẽ cảnh mấy ngôi chùa Tàu, có những chùm hương vòng thật to treo ngay trước cửa chánh điện rất đẹp và cái màu đỏ của những cây cột ở chùa vô cùng đặc biệt. Tôi cũng có một bức vẽ chùa Tàu, ưng ý lắm, ông Chánh Văn Phòng xin ngay.

Sang Mỹ, sau thời gian ổn định, tôi lại mon men tới College ghi tên học lớp vẽ chì than. Cũng hí hoáy được vài bức, cho bạn bè… Rồi lập gia đình, bận bù đầu với ba đứa con bằng nhau như ba con gà con mới nở nên chẳng có thể nghĩ đến việc vẽ vời gì nữa.

Bây giờ ở tuổi rất già, không bận cho ai ngoài bận cho mình, hoặc tự mình muốn bận cho người khác… tôi lại ngứa tay, muốn vẽ. Tôi học vẽ màu nước.

Tôi không học làm Thơ bao giờ cả, tôi vẫn tự làm Thơ, nhưng quả thật, với tôi, vẽ thì phải học kỹ thuật xong mới tự sáng tác được.

Cô giáo dạy vẽ đặt mua hộ tôi vài hộp màu và cọ. Cô dẫn giải: Gọi là “Màu Nước” thì nước phải là chính, nước hướng dẫn màu, không phải màu hướng dẫn nước.

Hộp màu để trước mặt là cả một thế giới màu sắc hấp dẫn và từ thế giới này tôi sẽ học cách tạo thành những thế giới khác. Nhưng trước khi muốn tạo thế giới khác phải biết pha màu. Thí dụ muốn có màu xanh lá cây thì pha màu xanh dương với màu vàng. Muốn có màu nâu thì pha màu xanh lá cây với màu đỏ, v.v.

Pha màu cũng giống như mình chọn cách sống thích nghi với môi trường mình đang sống. Mình không có thể làm trái với công thức thông thường mà mọi người tuân theo, nếu mình chưa đạt được trình độ làm hoàn toàn khác đi để tạo được cái gì chưa ai biết tới… Điều này hơi khó đấy.

Cô giáo dạy tôi làm ướt tờ giấy trước khi cho màu vào. Nhưng ướt bao nhiêu là đủ để cái giọt màu từ cọ rơi xuống có thể chạy loang đúng tầm mình muốn. Nếu giấy ướt quá màu sẽ chạy lung tung, nếu chưa đủ ướt màu sẽ đứng nguyên một chỗ hoặc loang rất dè dặt. Tôi vừa nhìn mặt giấy vừa hồi hộp: Giọt màu rơi xuống nở tung một cánh hồng tươi hay ngập ngừng những cánh hoa héo cong queo. Chơi với màu nước không dễ như mình tưởng, chẳng khác gì làm thơ lục bát, rơi vào “vè” như chơi, nếu chỉ cần sao cho vần.

Cả buổi học dài ba tiếng, tôi học làm ướt tờ giấy và học thổi giọt màu loang sao cho đúng ý mình muốn, thấy thật là khó.

Nhỏ xuống trên mặt giấy

Giọt màu loang loang xa

Như nhỏ một giọt tình

Vào trái tim rất lạ (*)

Trải tờ giấy vẽ trước mặt, tôi nhúng cọ vào nước quét ngang mặt giấy, quét sao cho không sũng nước, không khô quá, quét sao cho đủ độ ướt trên giấy để màu vừa đủ chạy khi tôi cầm một ống hút thổi giọt màu trôi loang theo ý mình. Nghệ thuật thổi màu trôi trên giấy không dễ, cánh hoa thì phải ngưng lại ở đâu và dải mây trắng trên nền trời xanh phải bắt đầu như thế nào.

Nếu mà em thổi được

Mùa đông trên tóc anh

Ước gì em nhuộm lại

Cho tình còn màu xanh (*)

Tôi phân vân tự hỏi, mấy mươi năm về trước khi đi học vẽ, tôi có đắn đo giữa những giọt màu như bây giờ không. Chắc là không. Cũng như khi còn trẻ, người ta thường ít đắn đo với tình yêu vừa ập tới.

Thế giới màu sắc dắt con người đi thật là xa, nhưng khi còn trẻ, người học vẽ, vẽ một cơn dông với những gam màu u ám vẫn thấy hồn mình hưng phấn, vẫn thấy vui với bức tranh hoàn toàn, dù là bức tranh đầy dông tố. Đến khi lớn tuổi, chỉ một ngọn cây nghiêng ngả trong tranh người ta cũng nghĩ ngay đến một cơn bão theo sau. Nhìn bức tranh vẽ bến thuyền người ta nghĩ đến chia ly hơn là hội ngộ.

Hay là học vẽ động vật cho vui, tôi nói với cô giáo tôi muốn vẽ những con vật. Chọn những con bé bé: cá vàng hay chim sâu.

Cô bảo vẽ màu nước dễ nhất là cá, rồi tới chim: vì đuôi cá, vi cá cũng như cánh chim dễ uốn lượn trên giấy màu nước. Dễ với cô giáo không có nghĩa là dễ với học trò, nhất là học trò đã có bàn tay không còn vững chắc lắm, có thể chỉ một ngón tay rung nhẹ cũng làm gãy cánh chim hay là cụt mất cái đuôi con cá vàng. Chao ôi là khó!

Cứ thế mỗi tuần chúng tôi gặp nhau. Cô giáo trẻ rất kiên nhẫn với học trò già. Cô như mùa xuân cho tôi dựa vào, tôi như mùa Đông cho cô chiêm nghiệm, những ống màu và những trang giấy không có mùa làm trung gian cho hai thế hệ.

Khi một giọt màu nhỏ xuống trang giấy, cô giáo trẻ thổi theo hơi thở khỏe mạnh nhưng rất chừng mực và kinh nghiệm của cô, giọt màu đến đúng kích thước cô muốn cho một cánh hoa hay chiếc lá thì dừng lại. Người học trò luống tuổi vừa thổi vừa ngập ngừng, chỉ sợ cái vệt màu đi vượt qua cái bề mặt chiếc lá mình muốn vẽ, đôi khi hấp tấp vì sợ màu không kịp đến cái cuống hoa mình muốn, nước trên giấy đã khô. Bức tranh đó nào có khác gì câu thơ viết ngập ngừng vì người làm thơ chưa tìm ra đúng chữ.

Em thổi giọt màu trên trang giấy

Tờ giấy vui mừng đợi hóa thân

Nụ hồng khe khẽ cong một góc

Chiếc lá chao xanh một giọt tình (*)

Mùa Đông đang trôi qua và mùa Xuân đang đứng chờ trên những tán cây trong vườn.

Tôi làm cho tờ giấy ướt sũng, vẩy lên đó một chùm màu xanh, một chùm màu đỏ, tôi để cho những vệt màu trôi tự do trên mặt giấy như bàu trời ngoài kia.

Ngoài kia, mùa xuân đang thách thức với đất trời mùa đông trong từng mầm lá, từng hạt nhựa cây.Tôi thổi hai giọt màu trên trang giấy, tôi kéo dài hai vệt màu đó khéo léo hay vụng về, điều đó không quan trọng, điều quan trọng là làm sao trên tờ giấy đó hai giọt màu nở bung một mùa Xuân. Một câu thơ Haiku chạy qua những ngón tay.

Trên tờ giấy thấm nước

Hai vệt màu cùng nhau hóa thân

Mùa xuân vừa rơi xuống. (*)

Xuân Tân Sửu - 2021

(*) Thơ trong bài - tmt