Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2021

Về bài khai bút của Phan Khôi đăng Nam Phong, tết 1918

Phan Nam Sinh

Nhớ có lần ông Lại Nguyên Ân bảo với tôi, đại ý rằng nên đọc những bài Hán văn của Phan Khôi và bản dịch tiếng Việt trong Phan Khôi, tác phẩm đăng báo 1917-1924, xem chỗ nào sai sót thì góp ý để khi sách tái bản được hoàn thiện hơn. Tôi đã trả lời ông là tôi không đủ trình độ để làm cái công việc khó khăn ấy. Nhưng gần đây, nhân đọc bài Khai bút của Phan Khôi và bản phiên âm, dịch nghĩa, in trong cuốn Phan Khôi, tác phẩm đăng báo 1917-1924 (nhà xuất bản Tri Thức, 2019), trang 121, tôi nhận thấy hai chỗ còn đang phân vân nhưng xin để nói sau, trước hãy chép phần nguyên văn và phần phiên âm, thấy ở sách ấy đã.

Nguyên văn:

開 筆

久 戒 新 正 不 作 詩

今 朝 使 酒 試 為 之

朅 來 逆 旅 春 如 客

拓 落 中 天 我 是 誰

豈 心 忻 忻 同 草 木

故 應 默 默 對 妻 兒

浪 吟 薄 醉 成 何 事

壯 歲 驚 臨 忽 不 知

Phiên âm:

Khai bút

Cửu giới tân chính bất tác thi,

Kim triêu sử tửu thí vi chi.

Khiết lai nghịch lữ xuân như khách,

Thác lạc trung thiên ngã thị thùy.

Khởi tâm hân hân đồng thảo mộc,

Cố ưng mặc mặc đối thê nhi.

Lãng ngâm bạc túy thành hà sự,

Tráng tuế kinh lâm hốt bất tri.

Về nguyên văn, tôi ngờ chữ thứ hai, câu thứ năm trong bài thơ không phải là chữ tâm (心) mà phải là một chữ có thanh trắc, bởi nếu nó là chữ tâm (thanh bằng) thì bài thơ thành ra thất niêm, điều chắc chắn là cụ Tú tài nho học Phan Khôi không khi nào cho phép mình làm!

Chữ tâm (心) ấy, theo tôi có thể là chữ tất (必) như chữ tất (必) trong khởi tất (豈 必) ở bài thất ngôn bát cú của vua Càn Long, nghĩa như hai chữ hà tất (何必) là sao lại phải ta vẫn dùng. Tôi chưa tìm ra nhan đề bài thơ là gì, chỉ thấy nói là trong Hậu cung như ý truyện (後 宮 如 懿 傳), để tỏ lòng nhớ thương Hiếu Hiền hoàng hậu. Hai câu thơ ấy như sau:

Nguyên văn:

豈 必 新 琴 終 不 及

究 輸 舊 劍 久 相 投

Phiên âm:

Khởi tất tân cầm chung bất cập

Cứu thâu cựu kiếm cửu tương đầu

Chính vì nhầm khởi tất (豈 必) với khởi tâm (豈 心) nên người dịch đã dịch câu khởi tất hân hân đồng thảo mộc (豈 必 忻 忻 同 草 木) của Phan Khôi là há trong lòng hớn hở cùng cỏ cây. Đúng ra câu ấy phải là Sao lại phải vui vẻ cùng cỏ cây, chứ chả có trong lòng nào cả, thêm rườm rà.

Về phần phiên âm, tôi tưởng chữ thứ tư câu thứ nhất của bài thơ (正) phải phiên âm là chinh mà không thể phiên âm là chính, bởi nếu là chính thì bài thơ thành ra thất luật. Ai biết một ít chữ Hán cũng biết rằng chữ 正 vừa đọc là chính như chính thức (正 式), chính danh (正 名) vừa đọc chinh như chinh nguyệt (正 月), chinh sóc (正 朔).

Vì trình độ có hạn, không chắc tôi nói đã đúng. Vì vậy nếu có gì sai lầm, mong bạn đọc lượng thứ cho!

Viết thêm về sau:

Xem bài của tôi lúc còn trên Facebook, ông Lại Nguyên Ân đã gửi cho tôi ảnh chụp trang Nam Phong (ảnh kèm theo) có đăng bài Khai bút của Phan Khôi, xác nhận trong nguyên bản là khởi tất (豈 必) chứ không phải khởi tâm (豈 心). Trong ảnh chụp trang báo Nam Phong, bài Khai bút (開筆) của Phan Khôi từ dòng 11 tới dòng 13, đọc từ phải sang, từ trên xuống.

14-7-2020

image