Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2021

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 296): Bể dâu – Nam Dao (15)

Ðọc báo Nhân Dân và Quân Ðội Nhân Dân, xưa nay là một sinh hoạt của trại, nhưng không còn nhốn nháo như thời trước Ðại Hội V. Trong thời gian trù bị Ðại Hội, tù cũng hy vọng, kháo nhân vật tiến bộ và cởi mở Võ Nguyên Giáp sẽ thành Chủ Tịch Hội Ðồng Bộ Trưởng. Cặp Duẩn-Giáp chắc ngả về phía Liên-Xô, và sau khi môi răng cắn nhau từ Hữu Nghị Quan cho đến hang Bắc Bó, hẳn màn xiệc ngoại giao đi dây căng giữa Trung và Liên Xô không thể giữ được thăng bằng như trước. Ðến khi ông Giáp được ủy nhiệm làm Trưởng Ban Sinh Ðẻ có Kế Hoạch thì tù cười, rồi thôi bàn tán. Quả cứ như đùa! Vì khi họ Ðặng bên Trung Quốc bắt chuột, dùng mèo không kể đen hay trắng, với điều kiện mèo bắt chuột chứ không được nhăm nhe quyền lực chính trị, thì tư bản Mỹ bắt đầu thăm dò khả năng một thị trường gần tỉ nhân mạng. Ðồng thời Liên-Xô, chỉ ba năm sau khi trịnh trọng tuyên bố đã ‘‘hoàn thành’’ Cách Mạng Xã hội Chủ nghĩa, đã bắt đầu kiệt quệ về mặt kinh tế. Rỗng ruột, làm sao tiến đến xã hội cộng sản đây? Thế nhưng lãnh đạo ở nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khác. Họ đã đánh thắng Ðế Quốc Mỹ, họ làm gì mà chẳng xong. Kiên trì. Phải kiên trì. Nhất định tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa. Thiếu gạo, ta dùng tinh thần sáng tạo Cách Mạng, trồng sắn. Tù trại Vĩnh Quang nhìn ra, chỉ trong hai tuần, toàn bộ những ngọn đồi bị cạo trọc đầu. Bội đội và dân quân xô vào cắt cây xanh, thoáng một cái, dãy đồi trùng trùng vây quanh trở thành hàng trăm cái đầu sư cạo nhẵn thín, la liệt phủ phục chầu ngọn Tam Ðảo xa xa. Sư huynh hét tướng lên ‘‘Có nhớ lời tiên tri không, anh em mình sắp được về rồi!’’. Dũng chồm lên ‘‘Bao giờ hả Sư huynh, nói đúng thì em mắc võng cho Sư huynh nằm cho đến khi tới Sài Gòn!’’.

Về, ôi một chữ sao mà trân quí đến vậy! Kẻ nào mất cái hy vọng đó, kẻ đó rơi như chiếc lá mục lìa khỏi cành đời. Và họ ra đi vì mất hy vọng như vậy, kể cũng đã khá nhiều.

*

Sau Tết năm Nhâm Tuất, Nhân đang ở Bệnh Xá thì một quản giáo mời lên văn phòng trại trưởng. Ðẩy cửa, Thiếu tá Cát vồn vã mời vào. Quay lưng về phía Nhân, một người quần áo chỉnh tề đứng lên. Thầm nhủ chắc dính dáng đến vụ cha mình là Chính đây, Nhân sửa soạn tinh thần. Quyền lực xã hội này đánh tận gốc, trốc tận rễ, ba đời cũng sẽ đào lên, Nhân chặc lưỡi. Người lạ quay lại, nhìn thẳng vào mắt Nhân. Ô hay, lạ quá. Nhân xô lại kêu ‘’Lương, có phải là Lương không?’’.

Ðúng là Lương. Xa nhau gần chín năm trời, Lương cao lên, người to ra, nay đã thành một thanh niên chững chạc. Tin về Lương mẹ chỉ báo qua loa, Nhân nhớ loáng thoáng năm ngoái hay năm kia Lương đã bảo vệ luận án Tiến sĩ về Kinh Tế. Khi xưa được Huyền gửi gắm, Lương liên hệ với một gia đình ngày trước cũng tham gia kháng chiến. Từ quan hệ đó, Lương vào hội Liên Hiệp người Việt, sinh hoạt trong nhóm sinh viên - học sinh, một hội đoàn người Việt ở Pháp ủng hộ miền Bắc từ trước những năm 45. Sau 75, Hội đổi tên thành Hội Người Việt Nam tại Pháp, mở một quán cơm trên đường Monge. Lương vừa đi học, vừa xung phong đến giúp, ngày nào cũng gặp các ‘‘anh’’ lãnh đạo Hội đến ăn. Lương được ‘‘hội’’ cử, quần chúng đoàn viên ‘‘bầu’’ vào Ban Chấp Hành phân hội sinh viên. Hoạt động tích cực, Lương được đánh giá khá tốt, lại lọt vào mắt xanh của Võ Văn Sung, đại sứ Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Pháp. Ít lâu sau, tuy không nói ra nhưng các ‘‘anh’’ đều cho rằng Lương có khả năng là thế hệ ‘‘kế thừa’’ trong tương lai, được ‘‘tiến cử’’ với các cấp lãnh đạo cao như dịp Thủ Tướng Phạm Văn Ðồng thăm chính thức nước Pháp, và sau đó, với Bộ Trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch ở Hà Nội. Hiện Lương giảng dạy tại Đại học Paris 10, nghiên cứu xử dụng toán kinh tế trong đề xuất những phương án và kế hoạch.

Tiến về phía Nhân, Lương tay đưa ra bắt tay Nhân, dĩ nhiên rất lịch thiệp. Thiếu tá Cát trịnh trọng, nói như nói với loại quan chức:

- Báo cáo với anh, anh cần biết gì về các trại viên đang cải tạo thì cứ hỏi anh Nhân đây, lâu nay đã trở lại nghề bác sĩ, là ‘‘ông thầy’’ của Bệnh Xá. Chính sách của Ðảng thế nào thì anh rõ, hết sức nhân đạo, và chỉ mong trại viên ‘‘giác ngộ’’ là đề đạt trả họ về với gia đình. Xoa tay, Cát tiếp - Các anh là anh em nhà, nay gặp lại, có nhiều chuyện riêng tư, tôi mời hai anh trao đổi riêng ở phòng khách của trại.

Lương lắc đầu:

- Chúng tôi tuy là anh em nhưng chuyện nhà chẳng có chi, cho nên anh đừng ngại có cái gì riêng tư phải trao đổi riêng.

Nhân ngạc nhiên, bùi ngùi thấy mình không nhận ra Lương, đứa em nhỏ ngày nào mình còn chăm nom, bảo bọc. Nay Lương tự tin, ăn nói rất nguyên tắc, bài bản đến độ lạnh lùng. Khi đề cập đến tương lai, dĩ nhiên tương lai một xã hội với những nghị quyết, Lương tự hào, mắt bốc ánh lửa quyết liệt của kẻ tử vì đạo, miệng say sưa nói những dự tưởng như đóng đinh vào cột. Ngay khi Nhân chuyển sang nói chuyện gia đình, Lương vẫn giữ Thiếu tá Cát lại, chỉ đáp:

- Em bận công tác, không ở nhà mà ở khách sạn Cửu Long chỗ bến Bạch Ðằng để tiện đi lại làm việc, nên mới chỉ gặp mợ có một lần từ khi về nước!

Nhân thất vọng, muốn đứng lên trở về lán và được lui vào chốn chỉ một mình. Người hững đi, Nhân cảm thấy mất mát lạ lùng. Rồi Lương cuối cùng ra xe. Ðó là một chiếc xe của Bộ Ngoại Giao, có tài xế và hai đồng chí bảo vệ. Cát đưa ra tận xe, mở cửa, hai tay bắt tay Lương, lưng hơi khòm xuống. Nhân đứng trong nhìn ra, lòng quặn lại. Chàng đau xót cảm nhận khoảng cách rộng một đại dương ngăn mình với đứa em nay đã khôn lớn, nhưng chẳng giữ được một hình bóng nào của thời thơ dại.

*

Thông báo một số khá đông tù chính trị sẽ chuyển trại về Hà-Nam-Ninh khiến không khí háo hức chờ đợi căng ra. Ai cũng biết là sau đó, có lẽ đến ngày mồng 2 tháng 9, tù sẽ được phóng thích về ‘‘thế giới bên kia’’, cách tù gọi một thế giới không có quản giáo. Thường là cần một thời gian ‘‘vỗ béo’’ nhìn cho đỡ thiểu não tàn tạ trước khi đoàn tụ với gia đình, tù phải học tập thêm một đợt. Lần này, ai cũng hăm hở, cứ như những ngày đầu giải phóng khi chính quyền kêu gọi trình diện đi học tập ngắn hạn.

Một ngày trước khi rời Vĩnh Quang, Dự gấu sang chào anh em bên ngụy. Nắm tay Sư huynh, Dự bùi ngùi:

- Em cứ ngỡ các bác ‘‘gian ác’’ lắm, nhưng khi làm việc mới thấy không phải, các bác ‘‘ngây thơ’’ nên thua cũng đúng đấy! Có bài chú này, em tặng lại các bác nhớ đề phòng thêm nhé!

- ...

- Tiền, là tiên là Phật, là sự thật của loài người, là nụ cười của tuổi trẻ, là sức khỏe của người già, là cái đà của danh vọng, là cái lọng của nịnh thần, là cán cân của công lý, tiền là... ‘‘hết ý’’. Sau mà có đứa bảo nhất thân nhì thế, các bác chớ tin. Nén bạc đâm toạc tờ giấy, các cụ dạy chẳng sai đâu!

Sư huynh bật cười. Không biết làm thế nào Dự đưa vào lán tù được vài chục chai bia Trúc Bạch, dăm bộ lòng lợn và chục lít rượu trắng. Chỉ Thưởng là ngồi bó gối, cả lán sà vào liên hoan, đâu đến tối thì Dũng biến đâu mất. Ðến sáng hôm sau, Dũng về, ngoái lại, thấy Mai nép ở gốc cây, mắt đỏ hoe, giơ tay lên vẫy.

Làm xong thủ tục xuất trại, mặt trời đã lên cao. Nhân hít đầy không khí vào lồng ngực, khấp khởi nhìn ra bãi đậu xe. Năm chiếc cam-nhông sơn màu lá ngụy trang cho gần hai trăm tù nằm đợi tựa năm con mèo nằm phơi nắng, bụi phủ khắp mình. Bí thư Ðảng ủy có mặt. Khi anh ta bắt tay Sư huynh, ‘‘đại diện’’ tù, chúc thượng lộ bình an thì Thưởng sấn đến trước mặt, gằn:

- Còn tôi, tôi chúc các anh ở lại địa ngục. Cái câu cuộc chiến này chỉ có người Việt chiến thắng, anh xem đúng hay sai? Thắng, các anh bắt chúng tôi bỏ tù, gọi văn hoa là học tập cải tạo. Nói thật, năm năm tù vừa qua, tôi chỉ học được đúng một điều, và là một điều cũ rích: đừng tin những gì Việt Cộng nói, hãy nhìn những gì Việt Cộng làm. Nhìn, thì tôi chỉ thấy các anh trả thù những kẻ chiến bại... Ðấy, tôi ‘‘thành khẩn’’, các anh cứ giữ tôi lại, nếu các anh muốn!

Quay đi, Bí thư Ðảng ủy làm như không nghe thấy. Thiếu tá trại trưởng Cát đến cạnh Nhân, bùi ngùi:

- Cám ơn bác sĩ trong những ngày qua. Ði làm cai tù chục năm nay, chưa bao giờ tôi thoải mái như lần này!

Nhân cười, giọng có chút mỉa mai:

- Chắc là nhờ đường dây thuốc của Dự gấu... Anh em tù cũng thoải mái, thưa cán bộ!

Ngạc nhiên thấy Cát buồn lặng người đi, Nhân ngừng nói. Cát bắt tay Nhân, cười méo xệch:

- Các anh thì có ngày ra rồi còn về với gia đình chứ chúng tôi, là cai tù đấy, nhưng cũng là một loại tù. Và chẳng biết lúc nào là ngày ra nên chúng tôi không hy vọng gì cả!

Ðộng lòng, Nhân nói nhỏ:

- Chuyện ‘‘làm ăn’’ của Dự, sớm muộn cũng vỡ lở. Cán bộ xin chuyển công tác càng sớm càng tốt...

Cát thở dài, ngắt:

- Vỡ lở thì đã vỡ lở ngay từ đầu, nên chúng tôi là thứ gươm treo cổ. Cai tù lúc nào thành tù cũng chỉ cần một chữ ký là xong. Ai người ta cho chuyển để mà chạy tội! Những bọn tội tầy đình thì lại có quyền ký cái chữ ký ấy! Thôi, ta chia tay!

Nhân lên xe. Chỉ chớp mắt, hơn sáu năm lao cải, ăn đói nhịn khát trong trại Tân Lập rồi Vĩnh Quang trôi đi vùn vụt. Dự gấu và anh em bên hình sự đứng trong sân giơ tay lên vẫy. Mai, cô y tá đa tình, mắt sưng húp đang giả vờ cười. Dũng vẫy lại. Dẫu gì thì cũng là một cuộc tình suýt đã nhận chìm Dũng trong lòng con suối cạn ngày nào.

Sư huynh cười, vứt hết cái nét đăm đăm về phía sau. Chỉ có Thưởng là vẫn nhăn nhó, mặc dầu Thưởng là người độc nhất trút được nỗi căm găm trong lòng vào mặt tay Bí thư Ðảng ủy của trại.

*

Thời gian ở trại Hà-Nam-Ninh tương đối cũng dài. Nếu có lâu, là lại thủ tục. Tù được trả về đời sống bình thường phải về trình diện ở địa phương. Mỗi nơi có chế độ quản lý riêng, nhưng nói chung, theo phổ biến của trại, tù phải tự giác ra ‘‘làm việc’’ định kỳ với những cơ quan quản lý của chính quyền. Thưởng lại càu nhàu:

- Thế có nghĩa là quản chế. Hết sắn, hết khoai không nuôi nổi tù thì thả để gia đình nuôi. Thế mà ngoài miệng thì cứ ‘‘khoan hồng’’, không biết ngượng! Cái ‘‘thế giới bên kia’’ cũng là một trại tù khổng lồ, có khác là tù phải tự liệu lấy miếng ăn, thế thôi!

Anh em tù nghe, chỉ cười. Dẫu sao, về vẫn còn hơn là bó chân nhìn nhau, mãi rồi Tam Quốc hết chuyện và sau Kim Dung phải trộn Lộc Ðỉnh Ký với Cô Gái Ðồ Long, sáng tác những tiểu thuyết võ hiệp không lấy gì làm hay cho lắm. Và về, nhất là có đàn bà. Trời ơi! Sáu năm không được ngửi cái mùi ‘‘ấy’’. Thế rồi tù được phát một bộ quần áo, chút tiền đường, và cả những điều qui định ‘‘thế giới bên kia’’. Tù lúc nhúc chen nhau lên xe ra Hà Nội. Rồi từ đó, phải ‘‘độc lập tác chiến’’, mua vé tầu Thống Nhất vào thành phố Hồ Chí Minh.

Chỉ khi chen chúc xô đẩy leo lên một toa tàu chật ních người, tù mới thực sự cảm thấy mình đã tự do. Dũng ghé được chợ Nam Ðịnh, mua chiếc võng làm bằng giây dù, mắc cho Sư huynh trong góc toa tầu như đã hứa. Sư huynh cười duyên và đủng đỉnh đưa võng, lắc lư bảo ‘‘ Ấy, cái chuyện tôi về có cái võng cũng được tiên tri rồi!’’. Cả bọn lại nghe Thưởng lẩm bẩm ‘‘Ờ tù khổ, nhưng về chắc gì sướng hơn?’’. Câu Thưởng nói khiến Dũng sợ. Hai năm nay, Dũng không có tin vợ con. Dũng tự nhủ, vợ chẳng chờ đợi gì mình nữa, nhưng giờ đây sống thế nào? Hai đứa con ra sao? Nếu vợ mình đã đèo bồng thêm một bước, mình sẽ phải xử sự làm sao cho phải? Dũng khều tay Sư huynh, xin xem lại tiểu hạn tử vi cho mình. Sư huynh chiều, bấm tay, lẩm bẩm rồi phán ‘‘Trai anh hùng năm thê bảy thiếp. Cậu lại đẹp trai, lo gì... Cung Nô của cậu tốt lắm, chẳng sợ nằm không một mình lâu đâu’’. Dũng vội vã ‘‘Thế cung Thê thì sao?’’ Sư huynh không đáp, quay sang bên Thưởng, trầm giọng: ‘‘Về thì cậu bớt cau có và phát biểu linh tinh đi. Chẳng được cái đếch gì, chỉ vạ miệng!’’.

Tầu Thống Nhất ì ạch bốn ngày sau mới về đến Sài Gòn. Nắng ở thành phố này rực rỡ, khác hẳn đất Bắc đã vào độ chớm đông. Xe chưa lăn vào ga tù đã sẵn sàng bị gậy. Con buôn chắc đoán họ là ai, đều nhường bước, bớt chen lấn. Thật lạ, chỉ lúc ấy Nhân mới biết chắc mình sẽ về nhà. Báo chậm, chàng biết không ai ra đón, mặc dù ga xe lửa chỉ cách nhà mươi phút đi bộ. Tự nhiên, chàng nghĩ đến Ánh và thèm được soi gương. Rất trẻ con, chàng hỏi Dũng ‘‘Cậu thấy mình mặt mũi râu ria thế nào?’’. Dũng đáp, giọng thành thật ‘‘...Thì như quỉ nhập tràng về với thế gian loài người chứ gì nữa’’.

Nhảy xuống sân ga, Nhân biết mặt đất không tròng trành như mặt biển. Chàng bước về nhà trên con đường quen nhưng vẫn cảm thấy mình chênh vênh ngụp lặn trong một khoảng mù khơi đã dìm chàng trong những năm tháng chắc chàng chẳng bao giờ muốn nhớ lại.