Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 4 tháng 1, 2021

Ruột rà

Vũ Thư Hiên

Bác sĩ viện trưởng, mắt lấp lánh sau cặp kính cận, nhìn Tân:

- Đồng chí đợi chút - ông gập tờ bìa xanh, vuốt lại cái mép bị cong. Tân thấy tên mình trên đó – Tôi hỏi thật: đồng chí thấy trong người giờ thế nào?

- Tôi hoàn toàn khỏe mạnh - Tân nhắc lại câu nói hôm trước – Thật mà. Xin đồng chí cho tôi ra viện!

Ông viện trưởng mỉm cười, ngả người trên thành ghế, nheo mắt nhìn anh. Ông thích anh chàng vui tính và nhanh nhảu vừa dậy khỏi giường bệnh đã lăn vào săn sóc thương binh cùng với cán bộ quân y.

- Thật. Tôi cảm thấy khỏe hẳn rồi – anh nhắc lại lần nữa, bằng giọng nhấn mạnh.

Ông lắc đầu, tháo cặp kính ra lần thứ hai, thói quen mỗi khi ông gặp chuyện khó xử.

Trời rét ngọt - gió rì rào trong tán lá. Đôi mắt không kính của bác sĩ làm ông có vẻ ngơ ngác.

- Để xem sao - ông đeo kính vào, trả cho đôi mắt sắc thái nghiêm nghị, rót nước trong phích mời Tân.

- Uống cho ấm, đồng chí. Cuối năm mà chả thấy ấm hơn. Tết đến nơi rồi. Mùa xuân ở đây chỉ bắt đầu vào cuối tháng giêng âm lịch. Lúc đó cây cỏ mới đâm chồi, các thứ hoa mới nở. Xuân đến, tôi thấy mình trẻ lại - đấy là cái mâu thuẫn muôn thuở giữa cái cảm thấy và cái sự thật, anh bạn ạ!

Tân kiên trì nhắc lại đề nghị.

- Tôi hiểu, hiểu rồi. Sao lại không hiểu chứ? Nằm mãi ở cái bệnh viện giữa rừng này thì vui thú nỗi gì?

Ông đặt bệnh án xuống, gõ mấy ngón tay xuống mặt bàn nứa ghép, ngẩng mặt nhìn anh hồi lâu rồi hạ câu phán quyết:

- Tôi đồng ý.

Tân không tin ở tai mình.

Đến gặp bác sĩ lần này, anh tin rằng sự việc sẽ diễn ra y như mấy lần gặp trước: viện trưởng sẽ nói chuyện giời đất nắng mưa với anh một lúc rồi ân cần đẩy anh ra cửa.

- Thật đấy! - ông hài lòng nhìn nét mặt sửng sốt của Tân và bật lửa châm điếu “sừng bò”.

Khói thuốc đặc sệt che phủ cái nhìn ranh mãnh của ông.

- Với điều kiện: đồng chí không được về đơn vị ngay – ông nói tiếp – Cần phải nghỉ thêm. Không ở đây thì ở nơi khác. Về nhà chẳng hạn.

Tân thở dài.

- Tôi biết chứ: đồng chí ngượng vì vết thương của mình. Người ta cụt chân, cụt tay, thủng bụng, vỡ ngực, còn đồng chí thì đố ai gọi là thương binh. Một mảnh “moóc” tí xíu găm vào đầu! Nó vào sâu thêm một phân thì thành tử sĩ rồi đấy, còn bây giờ thì chỉ độc một dải băng quấn trên đầu. Giống một thằng bé bị ngã khi trèo ổi!

Ông nhại đúng ý nghĩ của anh làm anh đỏ mặt.

- Kể cũng khó – ông tiếp - Về quê thì không được rồi, đường dài, có biến chứng thì sao? Này, tôi với đồng chí người cùng quê đấy. Chà, ở đây tôi nhớ biển vô cùng. Đêm nào nằm mơ thấy biển là sáng dậy tôi ra một chỗ thật vắng, nằm lên một cây gỗ đổ, nhìn những đám mây và nhớ những cái diều…

- Ở rừng người ta không chơi diều - Tân rụt rè mỉm cười.

Ông đứng dậy, đi đi lại lại.

– Hừm, đồng chí có họ hàng gần đây không? Không à? Hay là về một làng nào đó mà đồng chí đã dừng lại trên đường hành quân, nhỉ? Nghĩ đi. Rồi lên gặp tôi.

Tân trở về, tủm tỉm trong lòng. Anh yêu bác sĩ của mình cả trong những phút ông cáu kỉnh.

Giờ đây, đi trên đường, nhớ lại câu chuyện với bác sĩ, anh cảm ơn ông đã gợi một ý hay.

Ra khỏi khu rừng, anh ngồi lại một lúc bên dòng suối róc rách qua một tảng đá rạn nứt, ngắm những con sóc nhút nhát nấp trong lá rậm. Chúng đứng trên hai chân sau nhấm nháp những quả khô, lúc lắc cái đầu xinh xinh ngờ vực nhìn anh. Tân tự hứa với mình rồi sẽ trở lại đây, nơi anh bỏ lại những bạn quen, một cô y tá mắt bồ câu hút hồn anh, rồi buồn rầu nghĩ anh đã tự hứa như thế nhiều lần mỗi khi rời một nơi nào đó.

Trên con đường ngoằn nghèo nằm lút giữa màu xanh đơn điệu của rừng Tân chỉ thích có hai thứ: cây lá trắng và cây hương xôi.

Cây lá trắng anh hay gặp ven những con đường hàng tỉnh hoang vắng.

Nó lạ - trên những cành đầy lá xanh bỗng nổi bật những đốm trắng, đến gần thì thấy chỉ là những cái lá. Nhìn từ xa ai cũng tưởng ở đó có một đàn bướm đang vẫy cánh. Những cánh bướm thực vật gợi nhớ những cánh bướm động vật chập chờn trong tuổi thơ. Cây lá trắng ân cần chào đón và lưu luyến tiễn đưa người đi ngang. Anh không biết tên thật của nó là gì, anh không có kiến thức về thực vật. Với anh, nó đơn giản là “cây lá trắng”.

Rừng còn đón anh bằng mùi cơm nếp gợi nhớ mẹ. Mẹ thường nấu xôi cho anh, những đĩa xôi đủ các loại vị và màu: xôi đỗ đen, xôi đỗ xanh, xôi vừng, xôi vò, xôi gấc, xôi lạc… Trên đường hành quân thỉnh thoảng anh lại bắt gặp ở một đoạn khuất nẻo nào đó mùi xôi mẹ nấu bay trong gió. Anh không biết tên cây cơm xôi. Người ta chỉ cho anh một bụi nhỏ nằm lẫn trong những khóm cây con um tùm. Khi anh đến gần thì hương nếp biến mất. Nó cho anh kỷ niệm về mùi xôi nếp khi anh ở xa. Những vật gợi nhớ thường thế, chúng gọi về kỷ niệm bằng những nét thấp thoáng.

Không ai hái lá trắng dù nó đẹp kỳ lạ. Các thiếu nữ trong tuổi học trò ép chúng vào giữa những trang lưu niệm. Tân đã viết những dòng ủy mị vào một trang như thế. Rồi anh quên cả cuốn sổ lẫn chủ nó, một cô gái tóc thề ngang vai, cặp mắt mơ màng và giọng nói trong vắt. Người lính không được phép mang trong lòng nhiều kỷ niệm.

Ông bác sĩ già vui tính đã gợi nhớ tới lời mẹ dặn trong đêm anh lên đường.

- Con nhớ tìm dì, con ạ - bà sụt sùi - Biết đâu trời phật chả dun dủi cho con gặp. Có người nói dì ở Cầu Hai hay Cầu Ba trên đường Phú Thọ đi Tuyên Quang, mẹ không biết có nhớ đúng không. Con tìm dì, nói mẹ nhắn ông bà mất rồi, đừng giận ông bà nữa. Bố mẹ ai chả thương con, thương quá đâm ra làm khổ con. Bảo dì rằng mẹ nhớ lắm, về dòm mẹ một cái cho mẹ thấy mặt. Có khi dì cũng muốn về đấy, cơ mà loạn lạc thế này, về sao được. Con cố mà tìm.

Người làng kể: “cô Ngọ” phải lòng anh kép trong gánh chèo qua làng. Ông ngoại Tân ép dì anh làm dâu một nhà giàu. Dì anh không chịu. Một buổi sáng bà ra đồng bắt cua rồi “cứ thế xách giỏ cua đi thẳng”. Người ta không hiểu sao cứ đinh ninh “cô Ngọ” xách giỏ cua đi thẳng chứ không vứt nó lại một bờ ruộng nào đó.

Mẹ anh vẫn còn xấu hổ về việc em mình bỏ nhà theo giai. Nhưng trong lòng, bà thương, bà nhớ em mình khôn nguôi.

Sau khi suy nghĩ Tân quyết định đi tìm dì anh ở Cầu Hai như mẹ dặn. Anh không biết có cái cầu nào khác dính với một con số nằm trên đường anh đi không. Có thể mẹ anh nhớ nhầm.

Những dây bìm bìm xanh thẫm đã bám chắc trên xác mấy chiếc xe tăng han rỉ ở Trạm Thản. Những chiếc xe tăng chính đơn vị anh đã đánh.

Tân rẽ vào thăm các bạn đã nằm lại trên sườn đồi bên đường. Trên những ngôi mộ, hoa cúc dại đung đưa. Những con bướm xanh hoa lý bay quanh những đồng tiền vàng của cúc rừng.

Một bà lão bán hàng nước ở cuối con phố lèo tèo đãi anh cơm với cá kho, lắc mái đầu bạc trắng:

- Tìm cầu may thế thì biết bao giờ thấy, hả con? Bằng đáy biển mò kim, con ạ - bà chép miệng - Con tìm mấy hôm rồi?

- Con mới đến đây, chưa đi đâu khác.

- Tìm người như thể tìm chim. Vất vả lắm.

Bà dọn giường cho anh ngủ nhưng bà không ngủ được. Bà lão nhớ đứa con cũng bộ đội như anh.

- Này con! - nửa đêm, bà gọi Tân - Con thức hay con ngủ đấy?

- Con còn thức, mẹ ạ.

- Thảo nào, mẹ thấy con giở mình luôn. Mẹ bảo: “Hay là nó lạ nhà?”. Rồi mẹ lại cười lẩn thẩn: “Bộ đội có đứa nào lạ nhà”. Mẹ tính thế này, con ạ.

- Sao hả mẹ?

- Con cứ dọc đường con tìm. Có cái nhà nào bên cạnh cái cầu thì xông vào mà hỏi. Chửa biết chừng thấy cũng nên.

- Vâng, mẹ ạ! Chửa biết chừng…

- Chắc mẹ con lẫn, không nhớ là cầu gì. Già rồi ai cũng lẫn. Cầu Hai cũng không xa đây.

Tân nghe theo lời khuyên của bà. Đàng nào anh cũng nghỉ, tại sao không thể nghỉ trên đường? Anh vừa đi vừa ngắm cảnh, vừa nghĩ mung lung. Nắng lên, anh xuống suối tắm và đùa nghịch với những con cá béo lẳn lấy mõm đấm vào những vết sẹo đã lành trên người anh. Anh lắng nghe chú gõ kiến - người gác rừng nhẫn nại - đang từng bước dịch ngược trên thân cây mà gõ công cốc hết ngày này sang ngày khác.

Anh nghĩ đến dì anh, bà chắc giống mẹ anh, cũng cái dáng đi tất bật như muốn làm một lúc tất cả mọi việc, cũng cái giọng nói ngọt ngào và hơi run run trong tuổi già, cũng đôi mắt nhìn anh trìu mến.

Anh chăm chú nhìn những người đàn bà gặp trên đường, ngờ vực nhìn vào những nếp tranh trên sườn đồi và tim anh đập mạnh mỗi lần gặp một mái lá xám lộ ra trong màn cây xanh hoặc đột khởi trên nương sắn, bên một cái cầu.

Một buổi tối, rẽ vào túp lều ven đường anh gặp một ông già đang uống chè tươi một mình.

Ông già mừng rỡ đón anh như thể ông biết anh sẽ đến và ông đang chờ anh. Ông rót cho anh uống thứ chè móc câu đặc biệt của vùng ông, đặc sánh và tuyệt ngon.

Ông già rủ anh ngồi bên bếp lửa đặt giữa nhà, thỉnh thoảng lại mỉm cười vô nguyên cớ với ngọn lửa rồi lấy que cời đập vào than hồng cho bụi lửa bay lên. Bụi lửa soi sáng khuôn mặt chất phác với những nét thô, phân minh của ông già bằng một thứ ánh sáng làm cho nó trở nên quắc thước.

- Bà Ngọ hử? - ông lão kêu lên - Ngọ, phải không nào? Người vùng xuôi lên đây từ lúc còn trẻ, phải không nào? Người hơi gày này, có cái nốt ruồi ở đây này, bên dưới dái tai một tẹo, đúng không? Thế thì tôi biết. Dì anh à? Khắp vùng này ai ở xuôi lên tôi biết hết. Làm sơn tràng, có rừng nào tôi không vào. Những lúc rảnh rang hoặc giả xong công xong việc thì ngồi trong rừng làm gì? Ngắm khỉ đánh đu à? Thế là gặp nhà nào ở gần là tôi mò vào, làm điếu thuốc, uống bát nước, rồi chuyện nọ xọ chuyện kia...

Tân rụt rè nhắc ông quay lại với dì anh!

- Vậy ra anh không biết mặt dì? Khổ? - ông lắc đầu, thương hại - Đi tìm hú họa như thế thì có mà đến Tết năm Mùi, tôi nói thật. Bà Ngọ đúng là ở gần cầu, nhưng không phải Cầu Hai, Cầu Ba dì sất. Cái cầu ấy không có tên. Nó bé tèo tẹo ấy mà. Bắc qua cái suối, nói anh bỏ ngoài tai, vừa bằng cái dạng đái. Suối ở trong rừng ấy anh ạ, phải to, bốn mùa ăm ắp nước mới gọi là suối. Còn đây là cái rãnh. Giời ơi, bà Ngọ! Bà ấy chuyến này mừng phải chết. Được, sáng mai tôi đưa anh đi. Cách đây hơn chục cây thôi.

- Phiền ông giúp con.

- Phiền gì? Chẳng phiền gì sất. Nhân dân thì phải giúp bộ đội thôi. Anh không cần cảm ơn. Bà Ngọ với tôi đây là chỗ quen biết. Anh là cháu bà Ngọ thì cũng như là cháu tôi, nói anh đừng giận. Tính tôi thật thà.

Tân mừng quýnh. Cùng với những bát chè đặc, niềm vui sẽ được gặp người thân không cho anh ngủ.

Anh nằm nghe tiếng gió rít ở ngạch cửa, đòi được vào nhà.

Ông lão đặt mình xuống chiếc chõng tre là lập tức ngủ ngay, ngáy khe khẽ. Ánh lửa yếu dần chập chờn trên tấm chăn sui (*) trên mình ông. Những hòn than thôi nổ lép bép chỉ còn lại một chút hồng dưới lớp tro mỏng.

Ông già dậy từ sớm gầy lại bếp, luộc mấy củ sắn cho hai người rồi mới dẫn anh đi. Dọc đường ông luyên thuyên hết chuyện này đến chuyện khác. Anh phải bước rảo mới theo kịp ông.

Dì anh không có nhà, căn nhà lá ba gian đóng im ỉm không cài then. Ông già thành thạo lên nương tìm và lôi về một cô gái giương đôi mắt to ngây thơ như mắt thỏ con ngỡ ngàng nhìn anh. Trời lạnh mà cô mặc phong phanh như mùa hè. Mặt cô đỏ hồng vì gió bấc.

- Anh mày đấy! - ông lão cười hà hà ngả người về phía sau, hết ngắm cô gái lại ngắm Tân - Còn con bé đây là em Vân. Anh em đôi con dì mà giống nhau gớm. Anh đi tìm mẹ cháu, tức thị là dì anh ấy. Đã nghe ra chửa?

- Anh ạ! - cô gái chào khẽ và bẽn lẽn nhìn xuống, mân mê vạt áo.

Rồi cô ngẩng đầu lên, lấy ngón út tay phải đẩy nhẹ mấy sợi tóc mai ra sau, cử chỉ quen thuộc của những cô gái mới lớn. Cô liếm môi, mỉm cười e thẹn và ấp úng:

- Mời bác với lại anh vào nhà xơi nước.

- Chao ôi, cháu tôi! - ông lão cười to - Nhớn rồi mà chẳng biết ăn biết nói gì sất. Anh ấy không phải vào nhà xơi nước mà ở lại đây, nghe chửa? Anh ấy về nhà mình.

Bà mẹ đi chợ xa, tối mịt mới về.

Anh ôm lấy dì như ôm mẹ:

- Cháu đã thất vọng, tưởng không tìm được dì.

Ông sơn tràng mặt sáng bừng ngắm hai dì cháu:

- Anh ấy đã tưởng không tài nào tìm được bà. May mà gặp tôi.

Bà dì ôm anh với một chút bỡ ngỡ rồi tất tả bắt gà làm cơm đãi khách.

Ông già lục lọi trong nhà, lôi ra một chai rượu:

- Rượu thuốc. Cũng tốt. Một ngày vui thế này mà không có chút đưa cay thì vô duyên lắm. Mà bà ngâm gì vậy?

Bà ngẩng mặt, thở dài:

- Tam thất, với lại trăm thứ bà dằn nào khác, em không biết đâu. Nhà em ngâm từ năm nảo năm nào, em không nhớ.

- Ông ấy mất dễ đến năm năm rồi, bà nhỉ?

- Sáu, ông ạ.

Tân ngồi bên dì xem bà vặt lông gà:

- Mẹ cháu nhớ dì lắm. Dặn đi dặn lại thể nào con cũng phải tìm dì bằng được. Nhà chỉ có hai chị em mà giờ mất dấu nhau. Rồi khóc, dì ạ.

Bữa cơm đoàn viên thật vui. Dì anh đon đả gắp thức ăn cho anh, cho ông già, nụ cười không tắt trên môi.

- Anh kể cho dì nghe nữa đi. Dì muốn nghe nữa mà. Dì nhớ mẹ anh lắm, nhớ lắm í.

Tân kể. Nỗi nhớ mẹ trào dâng. Anh nhớ lúc mẹ tất tả chạy theo anh ngày anh lên đường vào bộ đội, dúi vào tay anh cái đồng hồ Wyler. Anh quý nó lắm. Nó ở với anh không lâu. Thoạt đầu, nó được trao cho trung đội trưởng để theo dõi các phiên gác. Rồi nó sang tay đại đội trưởng trong một trận công đồn quy mô tiểu đoàn tập trung. Rồi nó đi đâu tiếp, anh không biết, không nhớ.

Đêm ấy, anh ngủ vùi trong cảm giác hạnh phúc.

Anh ngủ say đến nỗi không nghe thấy dì anh và ông già sơn tràng nói chuyện gì trong đêm khuya ấy.

Anh không biết dì anh nói:

- Anh bộ đội nhầm, ông ạ. Tôi không có chị.

- Tội nghiệp, anh ấy đinh ninh đã tìm được.

- Ông chớ nói gì nhá.

Ông già gật:

- Tôi không nói đâu.

Dì anh đặt tay lên vai ông, một cử chỉ bất thường:

- Chẳng có gì sai. Anh bộ đội có thêm một bà dì. Tôi có thêm một đứa cháu. Phải không ông?

- Chí phải.

Ông già nói, thấy mũi mình cay cay và mắt mình rơm rớm.

Moskva, 1993

(*) Chăn sui làm bằng vỏ cây sui được lóc ra, ngâm dưới suối, rồi đập kỹ cho mềm, dùng làm chăn.