Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2021

Dòng nhạc kỷ niệm với nhạc cũ Miền Nam (kỳ 133): Phạm Duy & Linh Phương: Kỷ Vật Cho Em

T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện (2020)

clip_image001

clip_image002

clip_image003

clip_image004

Kỷ Vật Cho Em – Sáng tác: Phạm Duy (Nhạc) & Linh Phương (Thơ)

Trình bày: Thái Thanh (Pre 75)

KỶ VẬT CHO EM… THƠ CỦA AI?

Bài thơ liên-quan bản nhạc Kỷ-Vật Cho Em của Phạm-Duy

clip_image005

Hơn 40 năm dài, từ năm 1969. Tình cờ qua trang của lính, tôi đọc được một bài viết của anh Tr/Tá Bùi Đức-Lạc PB ND liên-quan đến người bạn ND quá-cố của tôi xin chia-xẻ cùng anh em.

Bài nhạc nổi danh của nhạc-sỹ Phạm-Duy đã được nhiều ca-sỹ hát đi hát lại, nói lên nỗi lòng của anh em trẻ đi vào cuộc chiến thuở bấy giờ thật xúc-động và ngậm-ngùi!

Sự thật tác-giả không phải của Phương-Linh mà của Chuẩn-Nghị!

Chuẩn-Nghị tên thật là Nguyễn Đức-Nghị người Phan-Rang. Đi khóa 26 Thủ-Đức, anh ta viết nhiều thơ đăng trên báo Văn-Nghệ Tiền-Phong trong trang thơ của Lý Thụy-Ý phụ trách.

Năm 1969, tôi bị thương mới hồi-phục, Nghị đóng quân ở Bình-Điền, khi lại thăm Nghị và các anh em trong đơn-vị cũ trong đó có Nguyễn-Trọng-Nhi, Trần Chí Mỹ, và các anh em khác.

Khi tâm-sự riêng với nhau, Nghị rất bực-tức về bài thơ mà anh làm gởi đăng báo Tiền-Phong lại được Phạm-Duy phổ-nhạc với tên tác-giả khác! Người sĩ-quan trẻ trong đơn-vị Nghị nhờ đưa bài thơ này cho Lý Thụy-Ý lại giao cho nhạc-sỹ Phạm-Duy, thấy hay nên ông này làm bài nhạc luôn!

Trong bài thơ của Nghị là lời nhắn lại cho Nga người tình mà khi hữu-sự Nghị biên thư cho tôi trao cho cô ấy. Hoàn-cảnh đang bị bế-tắc vì mẹ cô Nga không thích Nghị người miền Bắc! Sau đó khi đi hành-quân ở Tây-Ninh Nghị tử trận.

Chuyện khiếu-nại với Phạm-Duy kể như im luôn và bài nhạc được phổ – biến với lời thơ của Phương Linh mãi cho đến nay chỉ có một bài viết của anh cựu Tr/Tá Nhảy Dù Bùi Đức-Lạc đưa ra trở lại.

Bài thơ này Nghị viết bằng mực đỏ, cho tôi xem, nhưng vì lời thơ quá chán đời, tôi không chịu lấy, chỉ đọc qua thôi! Trước khi tôi bị thương ở Vên Vên Đá Hàn, Nghị có tặng cho tôi bốn câu thơ cũng giọng thơ chán đời chết chóc, Nghị viết trong một miếng giấy khổ lớn cũng bằng mực đỏ và trao cho tôi trong phòng ngủ của đơn-vị, tôi cho là điềm xấu xé đi sau khi đọc nó.

Nghị nói: “Tao cho mày bốn câu thơ này làm kỷ-niệm! Nếu tao có chết mày lấy ra đọc để nhớ tao!”

Tôi còn nhớ nó như sau:

“Ngày mai gục chết đau thương,

Thây ma vất-vưởng nơi phương trời nào.

Người yêu ai có nguyện cầu?

Cỏ hoang xanh mọc lên màu lãng-quên!

(Chuẩn-Nghị)

Khi Nghị mất, đem xác về nghĩa-trang Quân-Đội Biên-Hoà, tôi và Nga có lên tiễn linh-cửu lần cuối-cùng để đưa về chôn ở Phan Rang. Sau đây là bài thơ chánh mà Chuẩn Nghị viết lúc ấy gởi báo Tiền-Phong nhưng không đến. Xin gởi các bạn xem:

KỶ VẬT

Em hỏi anh bao giờ trở lại?

Xin trả lời mai mốt anh về.

Anh trở về không bằng Mũ Đỏ Áo Hoa,

Anh trở về không bằng huy-chương chiến-thắng.

Anh trở về trong chiều hoang chiếu nắng,

Trong hòm gỗ hoặc trên chiếc băng-ca.

Anh trở về nằm giữa vòng hoa,

Những vòng hoa tang chan-hòa nước mắt.

Anh gởi về cho em vài kỷ-vật,

Đây chiếc nón sắt xuyên mấy lỗ đạn thù.

Nó đã từng che nắng che mưa,

Đã từng hứng cho anh giọt nước.

Chiều dừng quân nơi địa-đầu lạnh buốt,

Nấu vội-vàng trong đó nắm cơm khô.

Anh gởi cho em một tấm poncho,

Đã rách nát theo hình-hài năm tháng.

Lều dã-chiến trên đồi hoang cháy nắng,

Che cơn mưa gió lạnh buổi giao mùa.

Làm chiếc võng nằm nhìn đời lính đong-đưa,

khi anh chết cũng poncho tẫn-liệm.

Nay anh gửi cho em làm kỷ-niệm,

Nhận không em chút tình lính này đây?

Tình lính đơn-sơ vì chinh-chiến kéo dài,

Nhưng tình lính chỉ lạt phai

Khi hình-hài và con tim biến-thể.

Chuẩn-Nghị 1969.

Gởi các bạn một chút gì để nhớ lại thời son trẻ, mong những lời mọn này giải-tỏa được u-uẩn của linh-hồn bạn tôi… Thân,

TT Phong

LỜI BÀN CỦA “CAO BỒI GIÀ”: theo lời bạn TT Phong xác nhận, nhạc phẩm “Kỷ vật cho em” do NS Phạm Duy phổ nhạc là từ bài thơ “Kỷ vật” của Chuẩn-Nghị. Nhưng từ nhiều năm nay trên diễn đàn văn nghệ, mọi người đều cho rằng Phạm Duy phổ từ bài thơ “Để trả lời một câu hỏi” của Linh Phương.

Cao Bồi Già xin trích dẫn bài viết từ Wikipedia (Bách khoa toàn thư) một bài khác “Kỷ vật cho em” thơ Linh Phương do Nguyễn Việt viết và đã post trên “Văn nghệ người Sài Gòn vào ngày 6/11/2009. Cuối cùng là lá thư của chính NS Phạm Duy viết cho “tác giả chính thức” bài “Kỷ vật cho em”, để rộng đường dư luận:

Bài trên Wikipedia:

Người phổ nhạc bài này là nhạc sĩ Phạm Duy, tuy nhiên về nguồn gốc bài thơ được phổ, suốt một thời gian dài từ khi ra đời nó đã là một nghi vấn.

Đầu tiên là vấn đề bản quyền. Trong các bản in ban đầu, Phạm Duy chỉ ghi tên tác giả bài thơ là “Vô danh”, khiến cho dư luận thắc mắc, báo chí đặt câu hỏi, có báo còn đưa tin Linh Phương sẽ kiện Phạm Duy ra tòa. Sau một thời gian ông Phạm Duy mới gặp Linh Phương để trả tiền tác quyền. Từ đó những bản in của Phạm Duy mới ghi tên tác giả phần lời là Linh Phương.

Nhưng Linh Phương là ai thì người ta chỉ đoán là một anh lính nào đó, còn sống hoặc đã mất, không những thế còn có nhiều người tự nhận là Linh Phương. Còn có ý kiến cho rằng bài thơ gốc là bài “Kỷ vật” của chuẩn úy Nguyễn Đức Nghị, bút danh Chuẩn Nghị xuất thân từ khóa 26 sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức, người này đã hy sinh vào năm 1969.

Không chỉ là nghi vấn về tác giả, người ta còn đưa ra hai văn bản được cho là “bài thơ gốc”, hai văn bản này khác nhau nhiều nhưng đều có phần mở đầu là:

Em hỏi anh bao giờ trở lại

Xin trả lời mai mốt anh về

Tuy nhiên, về văn bản, bài “Kỷ vật” của Chuẩn Nghị thì làm bằng thể thơ tự do còn “Để trả lời một câu hỏi” của Linh Phương làm bằng thể thơ thất ngôn. Nội dung cả hai bài cùng nói về sự mất mát của chiến tranh và nhiều hình tượng như trong bài “Kỷ vật cho em” đã được phổ nhạc, nên người ta đã sinh lưỡng lự trong việc xác định danh tính tác giả. Đến năm 2006, mọi việc dần sáng sủa khi tạp chí mạng Văn nghệ Sông Cửu Long cho đăng loạt bài khẳng định rằng bài này là của Linh Phương, và trong thời gian này chính nhà văn Linh Phương cũng đã viết hồi ký của mình và về bài thơ, nhận làm tác giả của bài.

CHUYỆN BÀI THƠ ĐEM PHỔ NHẠC

– Bài Nguyễn Việt

Vào năm 1971 khi nhạc phẩm “Kỷ vật Cho em” được các ca sĩ Lệ Thu rồi Elvis Phương diễn tả trong những chủ đề băng nhạc mang tên Shotguns, đã làm rung động tâm hồn mọi người vì một lý do, tác phẩm nói đến một tâm tình một anh lính đã trở thành phế binh sau một trận chiến, qua những lời ca khúc:

Em hỏi anh bao giờ trở lại/ Xin trả lời mai mốt anh về/ Không bằng chiến thắng trận Pleime/ Hay Đức Cơ- Đồng Xoài- Bình Giả…/Mai anh về trên đôi nạng gỗ/ Bại tướng về làm gã cụt chân…

Lúc đó ai cũng nghĩ nhạc và lời của Phạm Duy, vì trên poster được in ấn để bán ra cho người hâm mộ chỉ có mỗi mình tên của Phạm Duy.

Nhưng đùng một cái bài “Kỷ vật cho em” trở thành scandal sau đó không lâu, không phải bị tịch thu, bị cấm hát vì mang tinh thần phản chiến trong thời gian đó. Nên nhớ người viết từng có bài viết “Ca nhạc sĩ Sàigòn trước năm 1975”, khi nói đến chính quyền thời bấy giờ luôn động viên các văn nghệ sĩ trong các sáng tác phẩm mang tính chiến đấu. Nhạc phẩm “Kỷ vật cho em” không nằm trong diện này, mà vì có một người làm thơ mang tên Linh Phương lên tiếng cho rằng bài thơ “Kỷ vật cho em” đã được anh gửi đăng trên nhật báo Độc Lập, lúc còn bận hành quân trên lãnh thổ Campuchia, có lẽ tình cờ nhạc sĩ Phạm Duy được đọc bài thơ trên nên đã phổ thành nhạc. Rồi Linh Phương phát biểu tiếp: “Phạm Duy đã “cầm nhầm” bài thơ “Kỷ vật cho em” của tôi để phổ nhạc mà không cần biết tới tôi là ai…”

clip_image009

Tuy phát biểu như thế nhưng Linh Phương vẫn hoàn toàn giữ thái độ im lặng, không tìm đến Phạm Duy để đòi tiền bản quyền khi chưa xin phép anh phổ nhạc bài thơ này. Nhưng sau khi báo chí đăng tải nguồn tin trên, trên thị trường đã có những poster “Kỷ vật cho em” được tái bản, và hình như nhạc sĩ Phạm Duy đã cẩn thận in rõ ràng trên đó là “thơ Linh Phương – nhạc Phạm Duy”. Điều này ít ra cũng đã xoa dịu phần nào tự ái của nhà thơ vốn mang tính… ngông trong đời lính.

Nhưng một thời gian sau, nhà thơ Linh Phương đã khám phá được trò “ma giáo” (theo trang web của Linh Phương) của Phạm Duy. “Đàn anh văn nghệ” vẫn cố tình không để tên đàn em trong tập nhạc mang chủ đề “Kỷ vật cho chúng ta”, trong đó đăng bài nhạc “Kỷ vật cho em”. Làm nhà thơ Linh Phương nổi giận.

Ký giả Phan Linh lúc đó cộng tác trên tờ “Sân Khấu Truyền Hình số 1 – bộ mới năm 1971” viết:

– “Thú thật, chúng tôi rất lấy làm ngạc nhiên khi nghe anh Linh Phương phàn nàn, khi nghĩ về thái độ không được đẹp của nhạc sĩ tài danh Phạm Duy, người mà gần đây được giới trẻ gán cho danh từ “Bố già Hippy”.

Anh Linh Phương khẳng định, sở dĩ anh chưa thực sự lên tiếng trên báo chí về trường hợp “Kỷ vật cho em” là vì anh muốn chờ ở Phạm Duy có một cư xử văn nghệ. Vả lại, anh không muốn hạ một kẻ đã ngã ngựa như Phạm Duy, một nhạc sĩ tài hoa với “Bà mẹ Gio Linh”, với những bài dân ca ngày xưa, nay đã bán linh hồn cho quỷ dữ sa tăng, dâm ô đồi trụy…” (sic)

Bài báo tiếp tục viết:

Bởi thế nhà thơ Linh Phương dự định tổ chức một đêm thơ nhạc “Kỷ vật cho em – Từ vùng đất chết” tại một quán văn nghệ ở Sài Gòn, sẽ mời Phạm Duy cùng một số anh em ký giả, văn nghệ sĩ đến chứng kiến cuộc nói chuyện công khai cùng nhạc sĩ Phạm Duy về bài nhạc “Kỷ vật cho em”.

Sau khi bài báo trên ra mắt, nhạc sĩ Ngọc Chánh ông bầu băng nhạc Shotguns đã cùng Phạm Duy tức tốc đi tìm nhà thơ Linh Phương để giải quyết bản quyền bài thơ “Kỷ vật cho em” dứt điểm, bởi Ngọc Chánh đâu ngờ ông mua độc quyền nhạc phẩm “Kỷ vật cho em” của Phạm Duy để khai thác trong các băng nhạc Nguồn Sống, lại đụng đến bản quyền của một người khác tức nhà thơ Linh Phương.

Mặc dù Phạm Duy phải chịu trách nhiệm, nhưng nhạc sĩ Ngọc Chánh là người làm ăn nếu để mang tai tiếng khi cơ sở của ông đang khai thác độc quyền bài “Kỷ vật cho em”, nên một lần nữa ông “bỏ tiền ra” trả bản quyền giùm cho Phạm Duy. Nghe đâu tiền tác quyền bài thơ khoảng 150.000đ tương đương giá trị của 5 lượng vàng lúc đó.

Sau đây nguyên tác bài thơ “Kỷ vật cho em” trước khi Phạm Duy phổ nhạc:

ĐỂ TRẢ LỜI MỘT CÂU HỎI

Nguyên tác bài thơ phổ nhạc “Kỷ vật cho em”

Em hỏi anh bao giờ trở lại

Xin trả lời mai mốt anh về

Không bằng chiến thắng trận Pleime

Hay Đức Cơ - Đồng Xoài - Bình Giả

oOo

Anh trở về hàng cây nghiêng ngã

Anh trở về hòm gỗ cài hoa

Anh trở về bằng chiếc băng ca

Trên trực thăng sơn màu tang trắng

oOo

Mai trở về chiều hoang trốn nắng

Poncho buồn liệm kín hồn anh

Mai trở về bờ tóc em xanh

Vội vã chít khăn sô vĩnh biệt

oOo

Mai anh về em sầu thê thiết

Kỷ vật đây viên đạn màu đồng

Cho em làm kỷ niệm sang sông

Đời con gái một lần dang dở

oOo
Mai anh về trên đôi nạng gỗ

Bại tướng về làm gã cụt chân

Em ngại ngùng dạo phố mùa xuân

Bên người yêu tật nguyền chai đá

oOo

Thì thôi hãy nhìn nhau xa lạ

Em nhìn anh – ánh mắt chưa quen

Anh nhìn em – anh cố sẽ quên

Tình nghĩa cũ một lần trăng trối

Và sau đó thì lá thơ của Phạm Duy được lên báo:

THƯ CỦA NS PHẠM DUY

Sài Gòn, ngày 11 Tháng Tám, 1971.

Kinh gởi anh Linh Phương.

Trước hết, tôi xin thành thật xin lỗi anh vì đã liên lạc với anh quá chậm trễ, nhưng cho mãi tới hôm nay tôi mới được biết anh ở đâu tên thực là gì, dù rằng đã từ lâu tôi đã nhờ thi sĩ Phổ Ðức, Du Tử Lê cũng như đã nhờ vài người bạn quân nhân cùng binh chủng với anh bằng cách đăng tin tìm anh trên nội san của binh chủng mà chưa có kết quả. Nay anh đã liên lạc được với tôi qua báo chí, thì tôi thấy đành phải nhờ báo chí để liên lạc với anh (trong khi tôi mong được gặp anh để đỡ phải làm phiền hà báo chí).

Là một người rất yêu quý tất cả những cái đẹp của quê hương xứ sở (trong đó có thi ca), tôi thường hay tìm cách để giới thiệu cái đẹp đó cho mọi người biết. Việc phổ nhạc bài thơ của anh cũng chỉ nằm trong mục đích đó. Tôi không nhớ đã đọc và thuộc lòng bài thơ của anh vào lúc nào và cũng quên hẳn không biết bài đó đăng ở đâu, nhưng chắc chắn phải là vào lúc mà người bạn thơ Trần Dạ Từ và tôi đồng ý với nhau rằng những kỷ vật mà chúng ta tặng nhau lúc đó chỉ có thể là những vỏ đạn, mảnh bom hay dây thép gai.

Tập thơ “Tỏ Tình Trong Ðêm” của Từ cũng mang rất nhiều ý tính đó. Cho nên bài thơ của anh được phổ thành ca khúc đã mang tên “Kỷ Vật Cho Em” trong khi, nếu tôi không lầm, nó được anh đặt tên là “Trả Lời Cho Một Câu Hỏi.”

Những điều anh trách tôi như: “Không đăng tên thi sĩ hoặc đăng sai năm ra đời” thì việc này xin được giải thích như sau:

1/- Tất cả những bài bản của tôi làm ra trong vòng 30 năm nay đều không do tôi ấn hành xuất bản. Thường thường, gần đây là những bạn thân bỏ tiền ra in, và thường tôi ít được duyệt lại lần chót trước khi hoàn thành tuyển tập. Do đó, ngoài lỗi lầm lớn lao đã không đăng tên anh, còn khoảng 12 lỗi khác cũng rất quan trọng, và khi tuyển tập ra đời, tôi đã nói với anh bạn xuất bản nên in một “phụ bản đính chính” (erratum) tất cả những khiếm khuyết hay sai lầm. Dù sao tôi cũng nhận lỗi đã không cứng rắn đối với anh bạn xuất bản. Từ nay trở đi chắc tôi sẽ khó tính hơn.

2/. Việc đề niên hiệu của ca khúc rất có thể do trí nhớ kém cỏi của tôi hoặc do vội vàng đưa bài ca đó vào lúc chót: Xin thú thật với anh bài thơ bất hủ của anh được phổ thành ca khúc đã không được phép hát và ấn hành; nhà xuất bản cũng như những nơi phổ biến ca khúc đó không bị phiền hà cũng là một sự may rủi.

Tôi hiểu sự buồn giận của anh và mong anh sẽ hiểu cả sự vô tình mắc lỗi của tôi. Tôi tự nghĩ trong suốt cuộc đời sáng tác của tôi, ngoài sự gìn giữ sự tự do tuyệt đối của mình có thể làm cho nhiều người không ưa, tôi chưa hề bao giờ phải làm buồn lòng những người làm thơ mà tôi phổ nhạc. Tôi ước ao anh sẽ không phải chỉ làm một bài thơ đó để cho tôi phổ nhạc và mong anh sẽ còn cho cuộc đời nhiều thi phẩm bất hủ hơn.

Ngoài ra, tôi mong được gặp anh để người bạn xuất bản có thể thanh toán tiền tác giả.

Phạm Duy 215 B Chi Lăng Phú Nhuận Sài Gòn

Cao Bồi Già (tổng hợp)

Nguồn: NGHI ÁN “KỶ VẬT CHO EM” | Một thời Sài Gòn (wordpress.com)