Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 3 tháng 12, 2020

Ý Nhi và Trần Mộng Tú, hai nguồn thơ, hai phương trời

Liễu Trương

Tiến sĩ Văn học đối chiếu, Đại học Paris III, Sorbonne Nouvelle

Họ cùng trang lứa, cùng yêu quê hương, cùng say mê chữ nghĩa,  văn chương; ngoài đời, họ có thể là hai người bạn, hai chị em. Nhưng lịch sử đã xui khiến họ ở hai phương trời cách biệt.

Ý Nhi sinh ở Hội An, Quảng Nam, năm 1944, nhưng lại trôi giạt ra đất Bắc khi còn nhỏ; Trần Mộng Tú chào đời ở Hà Đông, Bắc Việt, năm 1943, lại theo làn sóng di cư vào Nam, năm 1954. Hai cô gái lớn lên và trưởng thành dưới hai chế độ: chế độ cộng sản và chế độ tự do, nhân bản, hai hệ tư tưởng chống đối nhau để rồi đi đến một cuộc chiến tranh tương tàn. Hai cô gái mang trong tâm hồn những vết thương, những nỗi đau của thời mình sống, và nguồn thơ nảy sinh từ đó. Thế rồi khi tiếng súng im bặt, khi vĩ tuyến 17 không còn ngăn cách đôi miền Nam Bắc, thì không gian mở rộng mênh mông. Từ Hà Nội, Ý Nhi mang túi thơ lên đường khám phá miền Nam, dừng chân đây đó ở Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt, rồi cuối cùng chọn cái đất Sài Gòn làm nơi cư ngụ. Nhưng Trần Mộng Tú thì đã biến thành con chim từ biệt quê hương, bay đến những chân trời mới lạ, tìm đất lành để đậu. Từ xa, con chim cất tiếng hót, giọng nó cuốn hút, sưởi ấm lòng kẻ lưu đày, và tiếng hót vọng về quê hương như hẹn ngày tái ngộ. Trần Mộng Tú xuất hiện ở hải ngoại như một nhà thơ nữ Việt Nam hiện đại với những thi phẩm:

Thơ Trần Mộng Tú (1990)

Để Em Làm Gió (1996)

Ngọn Nến Muộn Màng (2005)

Thơ Tuyển Trần Mộng Tú (2009)

– Thơ dịch của Trần Mộng Tú được đưa vào sách giáo khoa Mỹ, chương trình trung học: American Literature, Glencoe, 1999.

– Thơ dịch của Trần Mộng Tú được giới thiệu trong biên khảo của Huỳnh Sanh Thông: An Anthology of Vietnamese Poems: From the Eleventh through the Twentieth Centuries. Yale University Press – New Haven and London.

Trong nước, nguồn thơ của Ý Nhi cũng làm rung động lòng người, ngoài hai tập thơ xuất bản chung với hai nhà thơ khác, Ý Nhi có 8 thi phẩm sau đây:

Đến Với Dòng Sông (1978)

Người Đàn Bà Ngồi Đan (1985) Giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam

Ngày Thường (1987)

Mưa Tuyết (1991)

Gương Mặt (1991)

Vườn (1998)

Thơ Tuyển ( 2000)

Ý Nhi Tuyển Tập (2011)

Từ thơ, Trần Mộng Tú và Ý Nhi còn bước sang văn xuôi để cống hiến độc giả trong và ngoài nước những tập truyện ngắn. Trần Mộng Tú là tác giả các tập truyện: Câu Chuyện Của Lá Phong (1994), Cô Rơm Và Những Truyện Ngắn Khác (1999), Vườn Măng Cụt (2009) (gồm truyện ngắn, tùy bút và ký) và một tập tạp văn: Mưa Sài Gòn Mưa Seattle (2006). Ý Nhi là tác giả tập truyện ngắn: Có Gió Chuông Sẽ Reo (2014).

Và rồi với thời gian, tài năng của hai nhà thơ nữ càng được độc giả thưởng thức, yêu chuộng, được giới thẩm quyền nước ngoài về văn học nhìn nhận. Năm 2003, Trần Mộng Tú nhận giải The New California Media “Ethnic Pulitzers”. Nhiều bài thơ của Trần Mộng Tú cũng được phổ nhạc. Về phần Ý Nhi, tuy bắt đầu sáng tác trong thời chiến, Ý Nhi thật sự nổi tiếng khi đất nước thanh bình. Thơ của Ý Nhi được dịch ra nhiều thứ tiếng, và năm 2016, Ý Nhi được trao Giải thưởng Văn học Thụy Điển Cikada.

Danh vọng do người đời tặng thưởng hẳn đem lại cho nhà thơ niềm vui và gây phấn khởi, nhưng có là bao so với sự đam mê suốt đời cái đẹp của chữ nghĩa. Cả hai nhà thơ đều say sưa biến chữ nghĩa thành những vần thơ ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, sự huy hoàng của vũ trụ, ca ngợi mãnh lực của tình yêu và kể lể về những nổi trôi của phận người, theo văn phong độc đáo của mỗi người.

Ở hai nhà thơ, vẻ đẹp của thiên nhiên không chỉ dành cho sự hân hoan, hứng thú của giác quan, thiên nhiên còn là nơi tình yêu xuất hiện, là nơi tình yêu được cất giấu, được nuôi dưỡng.

Ý Nhi, trong bài thơ Dẫu Chỉ Là Cơn Mưa, nhắc lại rằng mưa của bốn mùa làm tươi mát cỏ cây và gây nhớ một tình yêu vững bền. Nước mưa của bốn mùa tượng trưng cho thời gian đang trôi, nhưng vẫn còn lại mặt trời là ngọn lửa bền lâu của tình yêu:

Dẫu Chỉ Là Cơn Mưa

     

Mưa ồn ào mùa hạ

mưa dịu hiền mùa xuân

tháng ba ngày mưa nhuần

vòm hoa xoan tím ngát

 

Đất cằn trong khô khát

bỗng mát lành sau mưa

cây lá xanh vườn trưa

lại nồng nàn hơi thở

 

Anh có còn luôn nhớ

cái mùa mưa đầu tiên

con suối nhỏ bên thềm

bỗng cồn cào mùa lũ

 

Anh có còn luôn nhớ

mùa đông mưa trắng đồi

hoa lau phơ phất gió

dốc Dài và suối Đôi

REPORT THIS AD

Hay chỉ mình em thôi

tháng năm dài vẫn nhớ

như nhớ về ngọn lửa

như nhớ về mặt trời

chắc bền và rực rỡ

thân gần và xa xôi

 

Em chẳng dám quên đâu

những gì mình đã có

để làm nên ngọn lửa

suốt cuộc đời hai ta

dẫu chì là cơn mưa

em làm sao quên được.

Ý Nhi (1976) 

Trong thơ Trần Mộng Tú, mặt trời và lửa biểu tượng cho tình yêu:

Ngày Hạ Chí

Anh đến với em vào ngày hạ chí

ngày mặt trời tình tự với đêm

buổi chiều trên cao buổi chiều không cúi xuống

sao bóng anh ngã xuống bóng em

ngày hạ chí thân thể anh như đuốc

anh kéo mặt trời xuống thắp sáng em

những tia lửa rắc cả vào trong áo

ngày tham lam không nhường chỗ cho đêm

 

Ngày hạ chí như có ngàn nến thắp

soi buổi chiều trong suốt hồn em

anh đứng đó như mặt trời không tắt

tự nhóm than nung đỏ đời mình

 

Khi anh đến em rơi vào hạ chí

anh dắt em trong vũng sáng hoang mang

đêm không xuống mà hồn em sao thắp

làm thế nào phân biệt thời gian

Trần Mộng Tú, Tạp chí Da Màu, 2006   

Trần Mộng Tú cũng bị thiên nhiên thu hút, nên phó thác cho thiên nhiên nỗi khao khát yêu đương, như “hoa cúc tháng mười”:

Tháng Mười Hoa Cúc  

 

Bây giờ là tháng mười
Em như hoa cúc nhỏ
Sao anh không là gió
Thổi mùa thu vào em

Bây giờ là tháng mười
Em hiền như hoa cúc
Sao anh không là đất
Cho em ngả vào lòng

Bây giờ là tháng mười
Em gầy như nhánh cúc
Sao anh không là mưa
Cúi hôn từng cánh lá

Bây giờ là tháng mười
Em mong manh như cúc
Sao anh không là nắng
Ôm em ấm một ngày

Bây giờ là tháng mười
Sao anh không là rượu
Em là hoa cúc vàng
Cho anh Hoàng Hoa Tửu

Tháng mười tháng mười đến
Mùa thu mùa thu qua
Cúc vàng cúc vàng héo
Anh xa anh xa... xa

 

Trần Mộng Tú

Ý Nhi thường hướng về ngoại giới, tỏ ra dịu dàng, kín đáo, chừng mực, cho nên ngôn từ mang nhiều im lặng, nhưng là những im lặng giàu về gợi ý, gợi cảm. Tuy nhiên khi nói về những người thân yêu, giọng thơ của Ý Nhi vẫn có những cung bậc dạt dào tình cảm.

Trần Mộng Tú thì quá đa cảm, quá thiết tha, cảm thấy cần xuống tận cùng nỗi đau của mình, cần đi xa trong tình cảm của mình, với một ngôn từ hồn nhiên, chân thật và giàu nữ tính.

Khi nhớ đến người mẹ, Ý Nhi xúc động:

Kính Gửi Mẹ 

Con đã đi rất xa rồi

ngoảnh nhìn lại vẫn gặp ánh đèn thành phố.

 

Sau cánh rừng, sau cù lao, biển cả

một ánh đèn sáng đến nơi con

và lòng con yêu mến, xót thương hơn

khi con nghĩ đến cuộc đời của mẹ

khi con nhớ đến căn nhà nhỏ bé

Mẹ một mình đang dõi theo con.

Giữa bao nhiêu mưa nắng đời thường

đã có lúc lòng con hờ hững

thấy hạnh phúc của riêng mình quá lớn

ngỡ chỉ mình đau đớn xót xa thôi.

 

Giữa bao nhiêu năm tháng ngược xuôi

đã có lúc lòng con đơn bạc

quên cả những điều tưởng không sao quên được

như người no quên cơn đói của chính mình.

 

Sao đêm nay se thắt cả lòng con

khi con gặp ánh đèn thành phố

nơi mẹ sống, mẹ vui buồn, sướng khổ

chỉ một mình tóc cứ bạc thêm ra.

 

Sao đêm nay khi đã đi xa

lòng con bỗng bồn chồn quay trở lại

bên đời mẹ nhọc nhằn dầu dãi

nỗi mất còn thăm thẳm trong tim.

Đời mẹ như bến vắng bên sông

nơi đón nhận những con thuyền tránh gió

như cây tự quên mình trong quả

quả chín rồi ai dễ nhớ ơn cây

như trời xanh nhẫn nại sau mây

con đường nhỏ dẫn về bao tổ ấm.

 

Con muốn có lời gì đằm thắm

ru tuổi già của mẹ tháng năm nay.

Ý Nhi, Đà Nẵng – Hà Nội, 11-1978

Trong khi Ý Nhi từ xa nhìn về ngôi nhà của mẹ, lòng xót xa đau, thì Trần Mộng Tú đi tìm bóng mẹ trong một ngôi nhà trống không và chỉ tìm thấy những di vật của mẹ:

Mẹ Và Ngôi Nhà Cũ

Bây giờ thì mẹ đã đi thật xa

Ngôi nhà cũ con trở về chiều nay không thấy mẹ

Con đi chung quanh căn bếp nhỏ không nghe tiếng bát đũa cười

Con mở cửa từng căn buồng ngày xưa của mấy đứa nhỏ và căn buồng của mẹ

con không nhìn thấy ai

trẻ con đã đến ở một thành phố khác

và mẹ thì đi thật xa

con chẳng biết đâu tìm

Con mở từng ngăn kéo tủ

tìm những chiếc áo cũ của các con

những cái áo mẹ khâu tay

những chiếc quần mẹ vá đầu gối

những chiếc vớ rách mẹ mạng dọc mạng ngang

con chạm tay vào từng đường chỉ

nghe lòng mang mang

Từ ngày không còn mẹ

trẻ con không biết miếng vá là gì

chúng lớn lên

chúng đi xa

bỏ lại những chiếc áo mới mặc một hai lần

quên là mình đã có.

Dù con đã nhủ lòng

Thôi đừng giữ nữa

trong ngăn kéo của mẹ

chiếc áo lụa

cái khăn quàng

chuỗi tràng hạt

đôi hài nhung

chiếc quạt trầm

vẫn nằm cuộn vào nhau nhớ mẹ rưng rưng

Con đi ra vườn sau

những bông hoa héo bên hàng dậu

người hàng xóm mới

trong vườn không bóng chim

con ngơ ngác gọi mẹ

biết nơi nao tìm

Trần Mộng Tú, Ngày lễ các Bà Mẹ, 2004

Cả hai nhà thơ đều gợi lên hình ảnh một ngôi nhà khi tưởng nhớ đến người mẹ. Phải chăng do sự đưa đẩy của vô thức? Theo Gaston Bachelard, nhà triết học chuyên về khoa học luận, về thơ, thì ngôi nhà là biểu tượng của người nữ trong cái nghĩa ngôi nhà là nơi ẩn náu, là người mẹ, là lòng mẹ, là sự che chở.

Tình yêu là chủ đề được đưa lên tuyệt đỉnh. Định mệnh an lành hay khắc nghiệt đều hiện rõ trong tình yêu.

Trong thơ của Ý Nhi, tình yêu được định mệnh an bài, êm đẹp cho những người yêu nhau:

Trong ánh chớp của phận số

Em đã kịp nhìn thấy anh

Trong vòng quay không ngừng nghỉ của phận số

Em đã dừng lại đúng nơi anh

ôi thời khắc huy hoàng.

……………………………..

Em đã mơ thấy anh trong đêm

Cho tới buổi mai

Rồi em mơ thấy anh khi em thổi cơm

khi em giặt giũ.

Em mơ thấy anh ngoài phố đông

qua những tán cây quen

qua những gương mặt người xa lạ.

Em mơ thấy anh khi em đọc sách

khi em cười vui

khi em hỏi ai đó một điều gì

trả lời ai đó một điều gì

khi em nói không

khi em nói có.

Em chẳng kể cùng ai giấc mơ của mình

bởi có ai mà hiểu thấu, ngoài anh

người cũng hoà nhập với cuộc đời này bằng một giấc mơ.

Ý Nhi, Năm Lời Cho Bài Hát

Trần Mộng Tú thì không được định mệnh ban cho sự may mắn, chiến tranh là một hung thần đã cướp đoạt hạnh phúc của người phụ nữ đang yêu:

Mùa mưa đang về giữa Sài Gòn

Con đường Tự Do vỡ oà bong bóng

 

Em đi dưới trời mưa

Em nhớ anh

Em khóc

…………………………

Sao anh còn trẻ thế

Sao em còn trẻ thế

Sao tình yêu hai ta còn trẻ thế

Lại lăn vào

Một cuộc chiến già nua

 

Trần Mộng Tú, Buổi Trưa Sài Gòn

 

Tôi người đàn bà thi sĩ Việt Nam

Bỏ lại trên quê hương

Một mối tình

Một mối tình được gắn huy chương

Huy chương anh dũng bội tinh

Lấp lánh ngôi sao bạc

(Ngôi sao bạc trông xa

Giống như một hạt lệ)

Ôi mối tình của thi sĩ

Được gói thân yêu trong Quốc kỳ.

 

Trần Mộng Tú, Người Đàn Bà Thi Sĩ Việt Nam

Cả hai nhà thơ nữ đều trăn trở, khắc khoải, trước cái chết của con người.

Thơ của Ý Nhi nói nhiều về cái chết, Ý Nhi thấy Xuân Quỳnh trong chiêm bao, Ý Nhi đi viếng mộ Hàn Mặc Tử, thắp nén hương tiễn đưa danh họa Bùi Xuân Phái, rồi tưởng niệm một họa sĩ khác: Tưởng Niệm Họa Sĩ Nguyễn Sáng hoặc sáng tác một bài thơ mang tựa đề: Cái Chết Của Nhà Thơ. Lại có những cái chết bên trời Tây: cái chết của Đôn Kisốt (Don Quichotte), cái chết của bác sĩ Zivago.

Khi nói về cái chết của những danh nhân, Ý Nhi lòng đầy khâm phục, kính cẩn, đồng thời giữ một khoảng cách với người đã khuất bóng, như bài thơ sau đây về Hàn Mặc Tử:

    

Viếng Mộ Hàn Mặc Tử

 

Bốn mươi năm trước

Hàn Mặc Tử dừng lại

chôn vùi nỗi đau đớn cùng cực của mình

giữa núi và biển.

 

Ai còn đi trên đường đời bốn mươi năm sau ông

còn có thể tuyệt vọng

còn có thể hạnh phúc

còn có thể kiếm tìm

còn có thể xuất hiện với một khuôn mặt mới

ai đem thơ làm trang sức

làm những nấc thang danh vọng.

 

Những câu thơ Hàn Mặc Tử

không có gì để tô vẽ

không biết đến ghẻ lạnh hay vồ vập

bốn mươi năm còn xanh ngời màu lá trúc

qua khuôn mặt người.

 

Giữa núi và biển

ông đã dừng lại

đó là sự lựa chọn của chính ông

hay là sự sắp đặt lạ kỳ của số phận.     

 

Ý Nhi, Qui Nhơn 1986

 

Trong bài thơ khóc danh họa Bùi Xuân Phái sau đây, tác giả vẫn đầy lòng khâm phục, kính cẩn, nhưng khoảng cách giữa người chết và người sống ngắn lại, vì người quá cố là một người mà tác giả thân quen, mến mộ tài năng, câu thơ có giọng bùi ngùi, thương tiếc:

     

Khóc Bác Bùi Xuân Phái

 

Thưa Bác

cháu thắp nén hương này

xa Hà Nội hàng nghìn cây số

và xa bác biết chừng nào.

 

Hà Nội bao thăng trầm

phố Thuốc Bắc cũ xưa

đã ồn ào chợ búa

căn phòng nhỏ đã quá chừng chật chội

bác mãi giữ gìn một Hà Nội thanh cao

góc phố thưa người

ngói nâu buồn lặng lẽ.

 

Đời bác bao thăng trầm

bao ngặt nghèo, buồn khổ

bác vẫn đem bức tranh mới nhất làm quà

vẫn đón bạn bè với chén rượu trên tay

vẫn nhẹ bước qua những phố mùa đông quạnh vắng.

 

Mùa đông này rồi sẽ quạnh vắng hơn

những phố dài Hà Nội

rồi sẽ chẳng có gì bù đắp nổi

một phần Hà Nội đã ra đi.

 

Thưa bác

từ rất xa

cháu xin thắp nén hường này.       

 

Ý Nhi, tháng 7-1988

 

Và khi những nhà nghệ sĩ cùng thế hệ đột ngột ra đi, mọi việc vẫn còn dang dở, Ý Nhi ngỡ ngàng, luyến tiếc:

Chưa kịp đọc hết cuốn sách anh gửi tặng

Chưa kịp hiểu hết bức tranh anh vẽ

Chưa kịp nói lời cám ơn

Sao anh lại ra đi  (…)

Ý Nhi, Tiễn Biệt

Câu Sao anh lại ra đi lặp lại nhiều lần trong bài thơ như một điệp khúc là một tra vấn định mệnh.

Trong khi Ý Nhi có bài thơ: Cái Chết Của Nhà Thơ, tiết lộ sự cảm thông nhà thơ chỉ sau khi ông đã khuất bóng, thì Trần Mộng Tú có bài thơ Khi Thi Sĩ Chết, nói về di sản lớn lao người thi sĩ để lại cho đời. Nhưng gần gũi hơn, đau buồn hơn, đối với Trần Mộng Tú, là cái chết của nhà thơ Thanh Tâm Tuyền:

Anh

Người thi sĩ đó vừa chết hôm qua

Em muốn gọi anh

mà anh đã bỏ đi xa

em hụt hẫng đứng nhìn buổi sáng

trên mặt hồ lặng thinh

và dãy núi thì trắng toát đến rùng mình

Chao ôi lòng em buồn bã!

những câu thơ tự do

rồi lấp vào trong đất

nó mọc cùng cỏ xanh

gió thổi đi xa tắp.

Thời gian rồi đi qua

xóa mờ khuôn mặt

những sợi tóc bỏ trần gian

nằm trong đáy huyệt

và những ngón tay chàng

sẽ mục thành phân bón.

Mặt trời đen

mặt trời không mọc nữa

và cả tên chàng

chẳng còn ai bật lên thảng thốt

mặt trời không còn nữa.

Chao ôi lòng em buồn bã!

buổi sáng kéo một vệt dài

trên mặt hồ phẳng lặng

câu thơ kéo dài

một đường thẳng nằm ngang nghĩa trang mùa xuân.

Thi sĩ…

Cúi xuống

tình yêu và những cuộc biệt ly ở một nơi hư không.

Chao ôi lòng em buồn bã!

Khi anh trở về

một thi sĩ đã đi qua biền biệt.

Không Đề, nghĩ tới Thanh Tâm Tuyền  

Trần Mộng Tú, tháng 3-2006

Đối với Ý Nhi, cái chết ở bên ngoài, và luôn luôn có khoảng cách giữa người sống và người chết. Còn đối với Trần Mộng Tú, cái chết được cảm nhận từ bên trong, ngay cả khi thương tiếc một nhà thơ có tài năng như Thanh Tâm Tuyền, cách xưng hô thân mật của tác giả, tiếng than thở Chao ôi lòng em buồn bã! lặp lại ba lần, và hình ảnh thân xác con người tan ra tro bụi, những yếu tố đó khiến người sống và người chết gần lại với nhau. Và khi người chết lại là một người thân yêu của tác giả thì sự mật thiết giữa đôi bên càng làm tăng nỗi đau. Trần Mộng Tú ngỡ ngàng, đau đớn, khi bị cái chết tước đoạt những người thân yêu, trước tiên là người yêu, người chồng. Khi chung sống với chồng chưa tròn một tháng thì tin dữ đã đến: người chồng tử trận. Trần Mộng Tú khóc chồng trong bài thơ sau đây:

     

Quà Tặng Trong Chiến Tranh

 

Em tặng anh hoa hồng

Chôn trong lòng huyệt mới

Em tặng anh áo cưới

Phủ trên nấm mồ xanh

 

Anh tặng em bội tinh

Kèm với ngôi sao bạc

Chiếc hoa mai màu vàng

Chưa đeo còn sáng bóng

 

Em tặng anh tuổi ngọc

Của những ngày yêu nhau

Đã chết ngay từ lúc

Em nhận được tin sầu

 

Anh tặng em mùi máu

Trên áo trận sa trường

Máu anh và máu địch

Xin em cùng xót thương

 

Em tặng anh mây vương

Mắt em ngày tháng hạ

Em tặng anh đông giá

Giữa tuổi xuân cuộc đời

 

Anh tặng môi không cười

Anh tặng tay không nắm

Anh tặng mắt không nhìn

Một hình hài bất động

 

Anh muôn vàn tạ lỗi

Xin hẹn em kiếp sau

Mảnh đạn này em giữ

Làm di vật tìm nhau.  

        

Trần Mộng Tú tháng 7/1969

Người thân yêu thứ hai ra đi là cô em của tác giả, mất năm 2020. Nửa thế kỷ sau cái chết của người chồng, Trần Mộng Tú vẫn còn chơi vơi, hụt hẫng trước cái chết của người em: 

Chiếc Áo Của Ai

 

Em mất một trăm ngày

Hương còn đầm khăn áo

Chị tung áo khắp nhà

Nỗi buồn không tiếng động

 

Nhớ em mặc áo này

Nhớ em quàng khăn ấy

Tiếng cười còn vướng lại

Giữa hai đầu chéo khăn

 

Cầm lên lại bỏ xuống

Chiếc áo màu tím than

Màu tím như nốt nhạc

Rơi xuống buổi chiều vàng

 

Em đã nằm im lặng

Trong chiếc bình lặng im

Chị khua mặt hồ động

Nước không còn bóng chim

 

Chị không “đập cổ kính

Cất tàn y” xưa sau

Hương em trong ngực chị

Đọng tím một nỗi sầu

 

Lưỡng lự rồi cũng chọn

Một chiếc áo cất đi

Xếp cùng khăn áo chị

Như thuở bé nằm kề

 

Một trăm ngày rồi đấy

Rồi một năm, hai năm

Chị già thêm, chị lẫn

Ngu ngơ giữa áo khăn

 

Áo em và áo chị

Ký ức thời gian phai

Một ngày tay sẽ hỏi

Ồ, chiếc áo của ai.

 

Trần Mộng Tú, 23/6/2020

 

Giữa hai bài thơ dòng thời gian đã trôi qua, người vợ trẻ đang tuổi xuân xanh khóc chồng năm nào nay đã thấy tuổi già lấp ló, nhưng vẫn đau cái đau của mất mát khi người em ra đi. Trong khi khóc lóc, đối thoại với người chết, Trần Mộng Tú có cái đặc điểm là phải cầm trong tay kỷ vật của người khuất bóng, kỷ vật của người mẹ, của người chồng, của người em, làm như khi nắm kỷ vật trong tay, tác giả níu kéo được người chết để kể lể, khóc than. 

Chúng ta vừa đến với Ý Nhi và Trần Mộng Tú, hai nhà thơ nữ đã dâng cho đời những vần thơ đẹp, đầy cảm xúc, hai nguồn thơ chị em vẫn còn xa cách nhau trên quả địa cầu, nhưng rồi mai kia sẽ chảy ra biển, sẽ gặp nhau trong đại dương của Mẹ Việt Nam.