Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2020

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 286): Bờ dâu – Nam Dao (5)

*

Cắp chiếc nạng vào nách, Dân nhảy lò cò lên những bực thang lát xi-măng. Vừa đẩy cửa ngoài, một bà già đứng đằng sau khung cửa sắt nhìn rồi the thé ‘’Tìm ai?’’.

- Dạ, cháu tìm nhà cụ Nguyễn Tuân ạ!

- Gác hai, trên kia kìa!

Dân gật đầu, lại nhảy lò cò. Gõ cửa, tiếng khàn khàn vọng ra, hỏi ai đấy.

- Dạ, cụ Nguyễn Tuân có cho tôi cái hẹn. Dân đáp, lòng hồi hộp.

Cửa mở hé. Ðôi mắt sau cặp kính lão nheo nheo nhìn Dân tra xét. Rồi cửa mở rộng ra. Ông cụ tóc búi tó quay lưng, vừa nói ‘‘Ông vào!’’ vừa chỉ tay xuống chiếc ghế mây để trước một cái bàn mặt kính trên có khay trà. Dân khép nép để cái nạng xuống đất. Ông cụ lẳng lặng rót nước chè vào một cái tách, chậm rãi:

- Ông Ngọc có nói là ông đến tôi vì cái luận văn ở khoa Văn. Trước nay tôi ngại nói về văn lắm, nhưng ông Ngọc bảo tôi làm một cái ngoại lệ với ông. Tay đưa lên xoa râu, ông cụ hóm hỉnh - ngoại lệ chắc là vì ông, chứ tôi thì tôi không thể là ngoại lệ được! Thế ông có uống rượu không?

- Dạ thưa không, hoặc... thỉnh thoảng!

- Ơ hay nhỉ, thế là ‘’ngoại lệ’’ không uống rượu! Bật cười, ông cụ hỏi - thế tứ khoái, khoái cái nào nhất!

- Tứ khoái nào ạ!

- Thật lạ, ‘’ngoại lệ’’ không biết thế nào là tứ khoái! Ăn, ngủ, đ... và ỉa ấy mà!

Dân đỏ mặt, không biết trả lời thế nào. Ông cụ nhìn chằm chằm:

- Nói đi chứ!

- Dạ... Nói thật, chỉ có cái thứ tư. Nghĩ lại, ăn ít thì cái... đó... cũng giới hạn thôi.

Ông cụ gật gù:

- Thế cái món thứ ba?

- Món thứ ba, cháu chưa có đối tượng, có muốn cũng chẳng ‘’hủ hóa’’ được ai. Còn ngủ, thưa cụ, cháu sợ ngủ lắm. Chợp mắt là ác mộng, lắm lúc cố mà thức!

- Ðược! ‘’Ngoại lệ’’ khá đấy. Ông Ngọc có lý. Sinh viên Văn đến đây, ông là người thứ ba từ hai mươi năm nay. Thường thì tôi cáo... Nhưng trước khi nói chuyện, tôi không thích ông gọi tôi bằng cụ. Chúng ta bình đẳng, ông và tôi, thế có được không?

- Dạ... Dân lí nhí, không biết nói thế nào, miệng cứng lại.

- Ông kể cho tôi nghe một cái ác mộng trong giấc ngủ của ông xem?

- Mới đâu hôm qua ...tôi nằm mơ thấy mẹ. Mẹ, tôi thực sự chỉ biết mặt qua một tấm ảnh vàng ố. Tôi gọi, người quay lại không có mặt. Vâng, từ cổ trở lên, tất cả là một hình tượng nhòe nhoẹt. Người đó thình lình bỏ chạy. Tôi đuổi theo, nhưng không đuổi kịp. Cho đến lúc không chạy được nữa, tôi nằm vật xuống. Người đó quay lại, với gương mặt của Thắm. Tôi mừng quá, chạy được là hai chân tôi lành, và cuối cùng, Thắm trở lại...

- Nhưng Thắm là ai?

Dân kể mối tình với Thắm ở Vĩnh Mốc. Ông cụ trầm ngâm:

- Mơ thế thì sao gọi là ác mộng?

- Dạ... Ác mộng khi mắt mở, tay sờ xuống thì chân đã cụt! Và làm gì có Thắm...

Ông cụ gật gù, thái độ thình lình thay đổi. Giọng đột nhiên trầm xuống, ông cụ lẩm bẩm một mình như Dân không còn đó. Sực tỉnh lại, ông cụ thân mật:

- Ông Ngọc có nói ông muốn viết về văn tôi? Ông định viết gì? Cả nước đang ồn ào chuyện chính quyền thu về một mối để thống nhất đất nước, mà ông - Nguyễn Tuân cười khà khà - ông đi lo cái vặt là văn tôi à?

Dân rụt rè:

- Thầy Ngọc có đề xuất, thưa ông, là so sánh văn Nguyễn Tuân và một tác giả Pháp. Thầy Ngọc bảo, điều phải hỏi là Nguyễn Tuân đọc và thích tác giả Pháp nào?

Ông cụ ngao ngán:

- Thế thì chẳng đi đến đâu cả! Về phương pháp, là hỏng. Thứ nhất, tôi đọc và thích những tác giả khác tôi. Càng khác càng thích bởi tôi ‘’nhắm’’ tôi mãi, đâm phát chán. Thứ nhì, mỗi ngôn ngữ tạo ra văn chương của cái ngôn ngữ đó. Gần nhau như tiếng Việt và tiếng Hán, thì anh gà chị vịt, còn so được bộ lông, cái mỏ. Chứ Ta với Tây, kiểu một loài trên cạn, một loài dưới nước, cứ như con ngựa vằn với con cá chép, làm thế nào mà so? Ngước lên nhìn Dân, ông cụ trầm giọng - nhất là kiểu chữ nghĩa của tôi, ông định so với gì?

- Thưa... Chùa Ðàn!

- À! Chùa Ðàn thì tôi không biết so với gì. Tại sao ông không viết, kiểu Ngữ pháp Tây trong thơ Xuân Diệu chẳng hạn, vừa dễ, lại vừa làm ông ấy vui? Nhưng cớ gì ông lại chọn Chùa Ðàn?

- Dạ... vì thích, thưa ông!

Ông cụ chép miệng, lẩm bẩm Mê Thảo, cái vùng Mê Thảo xa xưa... Mủm mỉm cười, ông cụ lại hỏi:

- Thế ông thích gì?

- Ðoạn giữa. Bỏ đi đoạn đầu và đoạn cuối, Chùa Ðàn là một tác phẩm tuyệt vời. Và tiếng đàn oan nghiệt, thưa ông!

Ông cụ nheo nheo mắt:

- Thế tức ông chê cái đầu với cái đuôi. Ông chỉ ăn khúc giữa, kể ra thế là biết ăn đấy! Văn chương, không có kiểu nhất thủ nhì vĩ như thịt gà. Nhưng ông chắc chưa biết rằng ở ta, đầu phải cải tạo, đuôi làm Cách Mạng, thì giữa mới ‘‘chui’’ được ra thành sách. Cái đầu cái đuôi tôi thêm vào sau này, chứ bản chính chỉ có khúc giữa bị chụp cái mũ tư sản, lại sặc mùi phong kiến. Tất cả vì chẳng ai hiểu được tiếng đàn!

Thình lình, ông cụ hỏi:

- Hết chiến tranh, ông có tin cô Thắm chưa?

Dân lắc. Ông cụ bảo, giọng thân tình:

- Ði Ý Yên đi. Chính nỗi sợ đã đẻ ra ác mộng đấy! Ði đi! Tìm được Thắm, ông trở lại đây ta sẽ nói tiếp chuyện văn chương. Có thế, ông mới hiểu ra tiếng ngân của đàn ngay cả khi dây đã đứt.

*

Co ro trong chiếc áo dạ giữ được từ thời đi lính, Dân vừa bước qua phòng trực thì có người gọi. Anh sinh viên tay chìa một tờ giấy học trò gấp tư, nhanh nhẩu ‘‘Có người đến tìm anh, viết nhắn lại đây!’’. Không đọc ngay, Dân cám ơn rồi đút túi áo, khập khiễng chống nạng về phòng. Ðến chiếc giường ngủ, Dân ngồi xuống. Dân chậm rãi mở tờ giấy gấp tư. Thế là nước mắt, nước mũi tràn ra. Cổ họng như có ai chặn ngang, Dân nuối nước bọt ừng ực. Chàng đọc lại, vỏn vẹn có bốn chữ “Thắm đã về. Cự”.

Dân báo với phòng trực chàng có việc gấp và xin nghỉ một ngày. Ra khỏi cổng trường, Dân trực chỉ Ngã Tư Sở. Ở đó, chàng tìm một người đèo xe đạp, đi thẳng về Phúc Xá. Vừa đến cửa, Dân gọi tên Cự toáng lên. Thấy Cự, Dân hổn hển ‘‘Làm sao anh biết được!’’. Khoác tay Dân, Cự vừa đi vừa nói ‘‘Mình nhờ một anh bạn quê cũng Ý Yên. Chị Thắm về làng từ hơn năm nay!’’. Dân vội vã ‘’Thế nào? Có thương tích gì không?’’. Cự lắc đầu. Dân ngồi thụp xuống, thầm nghĩ ‘‘Giá mà Thắm cũng mất một cánh tay, hay một cái chân nhỉ!’’. Ðây là lần thứ hai Dân nghĩ như vậy. Ðỏ mặt, Dân không dám nói cho Cự nghe, chỉ thốt ‘‘May quá, may quá!’’. Cự chìa cho Dân một phong thư. Thắm viết: “Biết tin anh đã về, em mừng lắm. Nếu anh đã quên con bé dại dột ở Vĩnh Mốc thì thôi. Giả như anh còn nhớ, thì em vẫn đợi”.

Tay vỗ vào chiếc nạng, Dân cố cười. Ðúng lúc đó, Xuân từ bãi dâu về nhà. Xuân hồn nhiên:

- Thế hôm nào mình đi Ý Yên đây?

Dân không biết trả lời thế nào, nhìn xuống chân, lắc đầu. Xuân hướng về phía Cự:

- Chuyện anh mượn cái xe thế nào?

Lúc ấy, Cự quay nhìn Dân:

- Mượn thì không, nhưng thuê thì có thuê rồi. Mai, chúng ta đi. Dân mà không chịu thì tôi mất toi một tháng lương phục viên đấy!

Buổi chiều hôm ấy, Dân ở lại nhà Cự. Từ trái bếp nhìn ra, sông Hồng nâu lợ uốn quanh những bờ dâu vòng vèo bãi sông đất bồi từ không biết bao nhiêu đời. Trời rỉ rả mưa phùn. Dân cời lửa bếp đuổi cái lạnh thấm vào từng lỗ chân lông, buột miệng kêu ‘‘Tang điền thương hải!’’

Xuân bỡ ngỡ hỏi:

- Anh nói gì vậy?

- À, đó là cái tích ruộng dâu thành bể cả trong văn học cổ Trung Quốc, ý nói về những thay đổi. Ta thì nói gọn lại là chuyện bể dâu...

Cự góp chuyện:

- ‘’ Trải qua một cuộc bể dâu’’ trong Kiều đấy!

Trầm ngâm một lát, Dân thổ lộ:

- Tuổi thanh xuân chúng ta là phải sống một thời dâu bể. Cái tụ lại được, là tấm lòng với nhau. Chính vì thế mà vài chữ Thắm gửi đã cho tôi chút can đảm. Nhưng nỗi sợ vẫn sờ sờ ra đây. Vỗ vào cái chân cưa quá gối, Dân buồn bã - giá mà Thắm thương tật như tôi thì tôi không sợ, nhưng...

Xuân vội ngắt lời:

- Anh dở hơi! Thiếu gì người lấy thương binh. Em bảo thật, hoàn cảnh chị Thắm lấy chồng ở quê cũng khó. Tiếng là thanh niên xung phong, có ai biết đã hy sinh thế nào đâu. Người ở hậu phương thì cho là đồ lang chạ. Còn bộ đội tiền tuyến, về mà lành lặn thì tha hồ chọn các cô còn tân, trẻ trung, lại có học có hành!

Nhìn Cự, Xuân nói nhỏ đi, giọng thì thào:

- Em đây là may mắn đấy. Rồi anh xem, như em nghĩ thì chị Thắm cũng sẽ là một người may mắn như em...

Cự xen vào, đùa cợt:

- Mai ta đi! Nhìn Dân, Cự cười - xưa trên bom dưới đạn thì không sợ. Rồi chạy đón đường người yêu, bất chấp kỷ luật sắt, cũng không sợ. Nay thời bình, Cự vỗ ngực - có Chính Ủy đây ‘‘tổ chức’’ cho hàn huyên, mà rúm người lại là làm sao, hả Dân?

Dân gượng cười, thầm nhủ, thời bình có những vấn đề của thời bình. Thật ra, thời chiến là thời của nhiều hy sinh, nhưng lại đơn giản. Trong suốt cuộc chiến, Dân chỉ trăn trở đúng một lần, khi Dân đã định đầu hàng, với hy vọng rằng như tù binh, Dân sẽ sống và tìm được mẹ. Nhưng sau đó, mọi chuyện chỉ rút lại một điều: làm sao thoát cái chết. Sự sống trở thành bản năng, chẳng phải chỉ là bản năng một cá nhân, mà là bản năng bầy đàn. Bầy đàn đẩy cá nhân đi, lúc này thành anh hùng, lúc sau lùi lại nép bóng đồng đội mong tránh cái chết, dẫu rằng sống-chết vượt khỏi mọi tính toán lẻ loi. Đối mặt mỗi ngày với cái chết trong thời chiến, con người bộc trực với nhau, vì chỉ dăm ba phút sau, một phát đạn, một mảnh bom có thể kết thúc tất cả. Trong thời bình, đối mặt không phải một ngày mà hàng tháng hàng năm với cái sống. Sống trong thiếu thốn, con người co lại, tính toán thủ đắc, so đo lợi hại cho chẳng chỉ riêng mình, mà cho cả vợ con mình. Thế người anh hùng xưa vượt chiến hào lên cứu đồng đội nay trở thành kẻ ngậm miệng ăn tiền mặc mọi người xung quanh.

Ôi chao, lòng dạ đổi thay, cũng bể dâu như con nước bạc cuốn bãi xanh nhận cho chìm để chẳng thể nào hy vọng vào một mùa xuân? Dân bần thần ngước lên nhìn Cự và Xuân. Dân đỏ mặt xấu hổ, miệng thầm thì, ơ hay, có phải mọi người trong thời bình đều như thế cả đâu. Hai người xa lạ này cớ gì lại đùm bọc mình như vậy? Lòng tràn trề biết ơn, Dân mỉm cười, vùng ngồi lên. Nhìn Cự, Dân hỏi, giọng xúc động:

- Mai ta đi sớm lắm, phải không anh?*

Xe rời Hà Nội khi gà gáy sáng. Dọc Quốc lộ 1, độ tám giờ hơn thì xe vào địa hạt Hoa Lư. Anh tài xế, vốn trước lái xe tiếp vận Trường Sơn, lè nhè:

- Cái đoạn này xưa Mỹ nó bom, đường bị cầy lên toàn hố là hố. Lắm khi, chỉ mười cây số đi mất cả tiếng đồng hồ.

Cự quay sang anh ta:

- Từ đây, phải ghé vào Ninh Bình rồi mới sang Ý Yên hả?

- Không! Chỗ mình đi là xã Yên Phong, bên kia sông Ðáy. Ta rẽ trái, bắt tỉnh lộ 480, vòng vèo rồi qua cầu. Bên kia thêm độ bốn năm cây số là đến nơi.

Dân im lặng giả như không nghe nhưng mỗi lúc một nóng ruột, lòng lửa đốt, mắt dán vào những cánh đồng sau mùa gặt. Xuân ngồi cạnh phá cái không khí ngột ngạt bằng cách hát nho nhỏ ‘‘Anh cứ bảo rằng em không thương, em đo lường thì rất cặn kẽ. Bởi thương anh nên em bàn với mẹ...’’. Anh tài kêu:

- Chị ơi! Xe không đài, chị hát to to lên cho đỡ buồn ngủ đi...

Xuân cười khúc khích, đùa:

- Tôi chỉ nhớ một bài ru em, nghe thì ngủ thật đấy!

Tiếng Xuân hát văng vẳng trong đầu, Dân nhớ lại tối đầu gặp Thắm trong địa đạo. Thắm cũng hát bài Xuân vừa hát, và giữa những tiếng cười nói, Tạ đã bắt Dân ‘‘chiêu đãi’’ Thắm, ngâm thơ để thù đáp toán thanh niên xung phong có nhiệm vụ cấp dưỡng cho đơn vị.

Sông Ðáy xa xa chảy dọc đường xe chạy. Gió hắt vào mặt, lạnh cóng. Một chút nắng le lói trong đám mây đục trên cao hứa hẹn một ngày quang tạnh, nhưng trời còn âm u, mưa có thể bất chợt không mời nhưng vẫn đến. Xe vòng vèo đi ngược về phía bắc. Cây cầu bắt qua sông hiện ra, đìu hiu, xa vắng. Xuân reo:

- Thế là sắp đến rồi! Như để trấn an Dân, Xuân vui vẻ - Sáng nay ra ngõ không gặp gái nên xe đi thông suốt, chẳng trục trặc gì!

Xe lăn qua cầu, lồng lộn trên một đoạn chắp vá bằng những thân cây xếp ngang. Anh tài xế cất tiếng:

- Chắc đoạn này bị đánh thời Mỹ oanh tạc. Gớm, cái thời đó xe bọn chúng tôi đều ngụy trang, nghe tiếng máy bay là bom đã nổ, cứ thấy bờ thấy bụi là rúc luôn vào.

Cự đưa mắt nhìn Dân như những lần khi xưa đơn vị sắp sửa lao vào chiến trận. Môi mím lại, nhưng nay Dân không giữ vẻ mặt bất cần của lính đã nguyền sinh Bắc tử Nam. Không! Người sĩ quan ngang ngạch ngày nào đâm ra e dè, tay xoa vào nhau, vai co lại, đầu quay đi không nhìn một ai.

Xe vào lối mòn mỗi lúc một nhỏ dần. Anh tài đạp thắng, nói:

- Yên Phong ở dưới kia, các bác phải lội bộ thôi!.

Lục đục xuống xe, Cự đi trước. Theo sau, Xuân tươi cười:

- Giao anh Cự nhiệm vụ trinh sát, vào trước căn cứ chị Thắm, báo tin cho chị ấy biết ta trên đường ‘‘giải phóng’’ nhé!

Dân khẽ nói, giọng tần ngần:

- Thôi, vào cả một lúc hay hơn...

Xuân khập khễnh, cắt ngang:

- Cái anh này! Chẳng biết tâm lý phụ nữ chúng em. Báo trước là để chị Thắm ‘‘Bõ công trang điểm má hồng răng đen’’ chứ ai lại cứ xộc xà xộc xệch đón anh!

Cự quay bảo, ‘‘Thế Xuân với Dân cứ thong thả nhé!’’. Nói xong, Cự cắm cúi dấn bước.

Dân chống nạng đi cạnh Xuân, buột miệng ‘‘Cái ngày xưa sao nó mịt mùng đến vậy!‘’. Liếc nhìn, Xuân đoán chừng nỗi lòng Dân, nói lấp:

- Ấy xa mà gần lắm đấy. Em gặp lại anh Cự nhà em, cái ngày xưa biến mất lập tức, anh Dân ạ! À mà này anh có biết câu đầu anh Cự nói với em thế nào không? Không đợi Dân đáp, Xuân tiếp - Anh ấy bảo, không tìm được em thì anh chết không nhắm mắt.

Xuân khúc khích:

- ...Anh xem, nói thế thì chết người ta mất!

Hiểu là Xuân đang nhắc mình chuẩn bị, Dân tự hỏi, nói gì với Thắm đây. Nhớ đến cánh bướm đen trên có nửa vết tim đỏ như máu, Dân thầm nhủ, có lẽ mình bảo đi đâu cũng tìm, nhưng lần thấy nó là khi Dân đang ngồi viết kiểm thảo về cái tội không thể hiện chính sách “chưa yêu thì khoan yêu” của Ðảng, nên vẫn chưa bắt được để ép tặng Thắm. Chiếc nạng trượt trên đất nhão, khiến Dân đi chậm lại. Nhưng không hiểu thế nào trong đầu chàng vẫn nghe thấy lộc cộc, lộc cộc. Lạ thật. Tiếng lộc cộc lớn dần. Rồi nó chói tai như vỡ toang ra.

Lộc cộc, lộc cộc...

Dân dừng bước, tay đưa lên ôm thái dương, mắt nhắm, nhưng thấy trước mặt tóe lửa. Và nóng. Bom Napalm à? Không. Hết chiến tranh rồi cơ mà. Mìn gài chưa gỡ, nổ. Chắc vậy. Người Dân đột nhiên như bị tung vào hư vô. Và từ hư vô, sức hút trái đất khiến gió lồng lộng thổi ngược. Dân ngã, mặt đập xuống đất. Cây nạng văng xa, tai Dân văng vẳng tiếng Xuân thét lên gọi Cự.

Khi Dân mở được mắt ra, thế giới hư ảo hồi sinh, đất cục cựa cưu mang sức nặng của một kiếp người. Dân lờ mờ cảm nhận mô đất dưới đầu mình, bờ cỏ ngang tay mình và khuôn mặt lấm lem một người đang cúi xuống, nức nở:

- Anh Dân ơi! Về đến đây chẳng nhẽ anh lại bỏ em mà đi sao? Anh đi đâu, hở anh? Thắm đây, anh có nhận ra em không? Em đây này, anh ơi...

Thắm à. Có thật không? Dân mở căng mắt. Khuôn mặt lấm lem chan hòa nước mắt lúc một gần. Dân thì thào:

- Thật hay mơ? Ai đấy? Sao... mặt đầy bùn... thế này!

- Em đây! Thôi chết, em đang bừa đất nghe anh Cự là em chạy ra đây. Thắm đây. Em rửa mặt, anh sẽ thấy em vẫn là Thắm ngày nào ở Vĩnh Mốc. Tỉnh lại, anh ơi! Ðừng bỏ em...

Cố gắng, Dân chỉ vào cái chân cụt, thều thào:

- ... chẳng được như xưa đâu!

- Nếu anh không phải là ma hiện thành người thì thế là đủ với em rồi! Ðể em đi rửa mặt cho anh nhận ra em nhé.

Tay nắm vạt áo Thắm, Dân nói, giọng chắc lại:

- Không cần. Anh đã nhận ra em từ mùi của đất... Như mùi đất cái buổi trưa dưới cơn mưa ở Vĩnh Mốc. Đừng đi đâu cả... Ở lại đây, Thắm nhé!

*

Mở phong bì bức thư gửi từ Hưng Nguyên, vỏn vẹn chỉ một câu ‘‘Mừng hai cháu, người không đi được, nhưng lòng thì sẽ ở cạnh’’. Bức thư không ký tên. Ở làng, bà Nhiều đã nhờ Thành báo bà yếu lắm, khó mà đi đâu được. Vậy thì cưới hỏi thế nào đây? Dân vẩn vơ, thầm nghĩ. Có lẽ phải nhờ vợ chồng Cự. Nghe Dân hỏi, Cự reo:

- Thì vợ chồng mình đại diện nhà trai! Ðược quá đi chứ lại!

Xuân vun vào, rồi hỏi, giọng phấn khích:

- Làm đám hỏi, rồi đám cưới. Nhưng rước dâu về đâu?

- Thắm với tôi bàn nhau, vì còn đi học, tôi cứ ở Hà Nội. Lấy nhau xong, Thắm vẫn ở dưới quê lo lắng cho bà Thắm tuổi đã cao, lại yếu đuối, bệnh hoạn. Ðám hỏi và đám cưới là một. Cưới xong thì tôi ở ‘‘rể’’ ngay, chẳng rước dâu về đâu cả.

- Ờ... Thế thì cũng gần như anh Cự với em. Bây giờ cứ làm thế nào nhanh gọn là tốt, Xuân phẩm bình với giọng hồn nhiên.

- Nhưng gì thì gì, cũng phải ra cưới ra hỏi đàng hoàng. Chuyện trăm năm mà! Cự cười vui vẻ, tiếp - thế nhà trai mời những ai?

Không nhắc đến ông chú ở Hưng Nguyên, Dân kể chỉ có Thành ở Kiến Thụy và vợ chồng Cự. Nhớ đến nhà văn Nguyễn Tuân và thầy Ngọc, Dân định nhắc nhưng lại thôi. Bụng ngẫm nghĩ, Dân tự nhủ mời như thế có thể làm phiền, chỉ báo hỉ cũng đủ lễ nghĩa. Cự như chợt nhớ ra, hỏi:

- Cậu nay sinh hoạt Ðảng ở đâu? Phải báo và xin phép Chi bộ.

Dân kể đã báo cho Chi bộ Ðảng ở Ðại Học. Bí thư Chi bộ hỏi và khi biết Thắm thuộc thành phần ‘‘cơ bản’’, lại từng là thanh niên xung phong, nên không ‘‘thắc mắc’’ gì! Bọn sinh viên cùng khóa vui vẻ vun vào, đùa dặn ‘‘vui duyên mới chớ quên nhiệm vụ’’, khẩu hiệu thời chiến trong những đám cưới.

Xếp đặt tạm ổn phần mình, Dân về Yên Phong. Trước đây, cứ được nghỉ liền hai ba hôm không phải học là Dân đi thăm Thắm. Ở với bà ngoại, Thắm lo đủ bề, từ ăn uống đến tắm giặt. Bà bị hen, trời ẩm ướt là khó thở, lắm hôm chỉ ngồi rên khò khè, không làm được gì ngoài chuyện thỉnh thoảng vá víu dăm đụp quần, đụp áo. Trong Hợp tác xã, Thắm ở đội sản xuất, khi bừa khi cấy, khá vất vả. Bản tính yêu đời, nàng không hề than vãn, lúc nào cũng phấn đấu, cũng tích cực. Có một đứa em trai, Thắm ít nhắc tới, và cứ lờ đi ngay cả khi bà ngoại hỏi đến. Dân ngạc nhiên. Căn vặn mãi Thắm mới nói, ‘‘Nó đi buôn, nay đang bị cải tạo ở Hà Tây!’’

Dân lên kế hoạch, nhất định sau Tết là cưới. Thắm tính toán rồi bảo:

- Thế nào thì cũng phải có cái gì khao làng khao xã. Từ nay đến Tết chỉ một tháng nữa mà chúng mình thì xác xơ thế này, làm sao cho kịp được!

- Em xem, hai ba hay năm bảy tháng nữa thì cũng vẫn xác xơ. Nước ta còn nghèo...

- Ờ... Thắm ngặt nghẽo cười - Biết rồi, cán bộ! Còn nghèo mà lại sau chiến tranh nên cứ ‘‘vô tư’’, cái quần cái áo không có thì cứ tồng ngồng làm lễ tơ hồng nhé!

Dân bật lên cười. Bà ngoại nghe, lò dò từ bếp lên. Thắm giục Dân ‘‘Anh nói đi!’’. Dân lí nhí ‘’Thì em nói cũng được!’’. Thắm đay, giọng trêu chọc, ‘’Anh đi hỏi vợ hay em đi hỏi chồng?’’. Bà ngoại ho rũ người ra, tay ôm lấy ngực:

- Có gì mà chúng bay cứ rúc ra rúc rích thế?

Dân nuốt nước bọt, tay mân mê cán chiếc nạng, chậm rãi xin bà cho Thắm làm vợ. Bà nghe xong, lại ho. Hết cơn, bà đáp:

- Lấy nhau thì lấy, nhưng con phải để vợ ở nhà quê với bà, cho đến ngày bà nhắm mắt nhá!

Gật đầu, Dân khẩn khoản:

- Cháu gia đình chẳng có ai. Bà cho cháu ở rể, cháu đội ơn bà!

- Ối dào... quí báu gì! Bà đây cũng là dân ngụ cư thôi. Khi nào bà về với các cụ, chúng mày lên Hà Nội mà sống!

Bà gốc Bắc Ninh, xưa nổi tiếng hát quan họ một thời. Ông vốn mê hát, bạn bè rủ nhau đến Ðình Bảng. Ông gặp bà, hai năm đi lại bà mới nhận về làm dâu đất Yên Phong. Ðến khi giành chính quyền, ông được bầu làm chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã nhưng người làng quen cách thời xưa, gọi là ông Lý Trưởng. Cái tên Lý Văn bắt nguồn từ việc ông theo Cách Mạng. Nhưng oái oăm, bọn trẻ sau này không biết cứ tưởng ông bà thuộc thành phần phong kiến. Thời Cải Cách Ruộng Ðất, ông đã mất sau khi để cho bà một mụn con. Bà suýt bị đấu vì chính sách phản phong, may nhờ một người bạn ông từ chiến khu Việt Bắc về đứng ra xác minh và phân giải.

Bà lại lên cơn ho. Kéo chiếc áo bông vào người, bà thì thào:

- Con Thắm lấy chồng, bà cũng yên tâm. Nhưng con ạ, gọi mẹ mày về dịp này, dù sao...

Mẹ Thắm bỏ đi lấy chồng khi Thắm còn bé. Ít khi nhắc, nhưng lần này Thắm chắc không thể lơ đi được. Thắm ngắt lời bà, miệng bắt sang chuyện khác:

- Bà tính xem mình phải mời những ai trong số các bà các cụ?

Bà lẩm nhẩm không đáp. Ði vào buồng trong, lát sau bà ra, tay đưa cho Thắm một cái nhẫn vàng:

- Cháu cầm cái này để mà chi phí. Nhìn Dân, bà cười, giọng đùa bỡn - lấy chồng anh hùng chỉ mất chớ không được, anh nào cũng trên răng dưới giái cả! Thôi bà đi ngủ trước đây! Nhớ đậy cái bếp trước khi vào nằm với bà, Thắm nhá.

Thắm rũ ra cười. Ðợi bà đi khuất, Thắm béo má Dân, nũng nịu:

- Ðấy! bà vẫn không quên dặn vào nằm với bà. Lần trước anh ngủ qua đêm ở đây, em nằm cạnh cứ cục cựa là bà lại ho, có muốn cũng lại phải giả ngáy cho bà yên lòng.

Dân tinh quái:

- Nhưng muốn gì?

- Muốn gì, tí khắc biết! Thắm khúc khích cười.

Ðêm dịu dàng đắp lên mặt thế gian một lớp nhung huyền. Lửa bếp bập bùng, siêu nước sôi ấp úng cất lời. Gió thốc vào khiến Thắm ngả người để Dân ôm lấy, thỉnh thoảng ngước nhìn, tay xiết lấy tay Dân:

- Anh còn nhớ chứ, cái thời ở địa đạo, cũng lạnh thế này. Hôm em ra, anh đang gác, trời mưa gió anh nhỉ?

Dân lẳng lặng gật đầu. Bà lại hục hặc ho. Thắm buông tay Dân, miệng bảo em đi ngủ đây. Dân nhìn theo, lòng bỗng hững hụt như vừa đánh rơi một cái gì thiêng liêng. Gió, bên ngoài gió lên. Và lạnh, khiến ai cũng thèm chút hơi ấm. Không biết là mấy giờ, nhưng chừng đã quá canh hai. Tiếng côn trùng và tiếng gió lùa qua mái rạ. Thỉnh thoảng, chó sủa. Dân đang lơ mơ, tỉnh dậy khi Thắm rón rén rúc vào trong chiếc chăn bông, đầu giúi vào vai người yêu, miệng thì thầm:

- Hôm nay bà ngủ say đến độ bà ngáy chứ không phải em? Anh có ngửi thấy gì không? Em gội đầu rồi tắm bằng nước bồ kết đấy.

Dân vòng tay ôm Thắm. Da thịt nàng bốc thành lửa sau bao nhiêu tháng ngày nung nấu. Dân áp mặt vào ngực Thắm, hít thật sâu:

- Không, anh chỉ thấy mùi đất trong cái ngày mưa gió ở Vĩnh Mốc, Thắm ơi... Thắm!