Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2020

Viết giữa ngày lụt - 2020

Liêu Thái

 

Đất chuồi đất chuồi như ma cười

Lòng núi thành mồ chôn xác người

Ngàn năm đất nở hoa xương máu

Đồng bằng vang vọng âm đười ươi…

 

Giấc mơ ngồi lại với đám dơi

Chồn cáo buồn tình nghe sói ca

Hang ổ động rừng đêm đắm chết

Cõi người tàn tạ những bóng ma…

 

Những đoàn ma rủ nhau đi lấy gỗ

Đi hái trái rừng mừng tinh mơ

Biệt điện ngà voi sừng tê giác

Những linh hồn trống đêm toang hoác…

 

1.

Có lẽ nào đất nước tôi là vậy?

Những nơi tôi đi qua, nơi nào cũng thơ mộng

Những triền đồi thoải thoải, đường Trường Sơn dài dải lụa

Vắt ngang giấc mơ tuổi trẻ màu xanh

Khi nói về người Việt, lồng ngực tôi âm âm

Niềm kiêu hãnh của một gã trai Việt

Chịu đựng, gồng mình chống chọi với thời gian

Dải bờ biển trải từ Bắc vào Nam

Những dòng sông uốn lượn đồng bằng

Những đồng xanh bát ngát

Những cánh rừng hun hút cây

Những con đường mộng mị…

 

2.

Mọi thứ như một giấc mơ

Tôi từng đi qua và từng tự hào với bạn bè rằng

Không nơi nào đẹp như Việt Nam

Không nơi nào bình yên như Việt Nam

Quê hương dịu dàng xoa dịu mọi vết đau

Giữa cái nắng và khí quyển ngột ngạt

Quê hương như một người mẹ hiền vỗ về con trẻ

Quê hương như một người cha bí ẩn núi cao

Tôi từng nghĩ vậy…

 

Nhưng khi ngồi giữa bốn bề nước

Nước lụt nơi tôi ở chưa dữ tợn bằng nơi khác

Ở những nơi tôi từng đi qua

Từng là thiên đường mặt đất

Trở nên cuồng nộ tự bao giờ?

Đất chuồi, lũ quét, núi nổ mùa mưa

Hạn hán, cháy rừng vào mùa nắng

Những con sông mùa khô trơ đáy cát

Mùa mưa chuyển dòng lũ dữ gầm cuồn cuộn

Cuốn phăng mọi thứ khi nó đi qua

Những mạng người bị lấy đi thay cây

Bà tôi kể rằng năm 1964

Trận lũ năm Thìn đã lấy đi một ngôi làng

Ngôi làng này sống bằng nghề rừng

Họ chuyên hạ gỗ rừng để bán về xuôi

Lụt đi qua và cuốn phăng ngôi làng

 

3.

Anh tôi kể rằng năm đó anh trên thuyền

Suýt mất mạng vì thuyền buộc vào cây duối

Cây duối bị nước cuốn

May sao anh kịp nhảy sang thuyền khác

Và trong chốc lát con thuyền bị hút xuống lổ xoáy

Anh cũng chứng kiến cảnh những người Cà Tang kêu gào giữa sông

Họ ngồi giữa nóc nhà và căn nhà vừa trôi vừa chìm

Giữa Giao Thủy, nơi gặp nhau của Thu Bồn với Vu Gia

Những ngôi nhà Cà Tang chìm dần…

 

4.

Anh tôi nói rằng nơi ngôi nhà anh ở

Trên vùng B Đại Lộc

Hồi anh còn nhỏ

Cứ mỗi tối anh nhìn thấy một người đàn ông vận bộ đồ trắng

Cầm câu liêm hái đu đủ nhà anh

Những trái đu đủ rơi lộp độp nghe rợn người

Lần đầu anh nhìn thấy đã gọi bác tôi ra chỉ

Vì anh nghĩ đó là trộm

Bác tôi tái mặt dặn anh không được nói gì

Vài năm sau đó, tức năm Giáp Thìn

Buổi tối, sau cái ngày tang thương của người Cà Tang

Anh nhìn ra Giao Thủy

Thấy đèn đuốc sáng rực dưới lòng sông

Thấy những đoàn người hát hò và chống những bè gỗ to

Anh gọi bác ra chỉ

Bác tôi sợ quá, dặn anh đừng bao giờ lên tiếng

Sẽ bị quở, vì đó là người cõi âm hay người thủy cung

đi lấy cây rừng về xây cung điện

Câu chuyện anh kể thực hư chưa rõ

Nhưng tôi để ý

Hầu như năm nào lũ lụt lớn

Những ngôi làng bị thiên tai nặng nề nhất

Đều là làng của dân làm rừng

Tôi đâm sợ vì điều này

Đương nhiên nỗi sợ hãi của tôi có chút man rợ

Tôi biết có những quan chức làm nhà bằng gỗ quí và họ phá rừng tàn bạo

Gấp bội lần những người dân làm rừng

Hoặc giả họ bỏ tiền ra thuê những người làm rừng lấy gỗ

Giả sử người cõi âm biết được điều này

Và trừng phạt kẻ đầu sỏ

Thì chắc chắn đồng bằng cũng không tránh khỏi họa

Vì để lấy lại được cây từ những biệt phủ này

Trời đất phải hoành hành tàn phá

Người nghèo chúng tôi càng tan nát

Sau khi thiên nhiên đòi được công bằng…

 

5.

Có lẽ nào quê hương tôi là như thế?

Là chuyện Thủy Tề lên rừng lấy gỗ về xây cung điện

Là thủy điện lấy gỗ rừng lòng hồ

Cuộc giằng co vì mất gỗ giữa Thủy Tề với thủy điện

Chứ chẳng phải Sơn Tinh với Thủy Tinh gì…

Một cuộc chiến bằng nước, máu trộn lẫn đất đá

Đánh kịch liệt

Đánh tan tành

Đánh cho không còn manh giáp che thân

Đánh cho tóc dài răng đen (vì không còn kem để đánh và ăn quá nhiều vỏ cây với cỏ)

Đánh cho sạch bóng lâm tặc phá sơn lâm đâm hà bá

Đánh cho tỉnh giấc tham muội ngàn thu

Đánh cho ngóc đầu không nổi trỗi đầu không lên

Đánh cho đời đời nhìn lên non cao tỉnh ngộ…

 

6.

Lẽ nào quê hương tôi là thế?

Rừng vàng biển bạc là một giấc mơ

Những nơi tôi từng đi qua

Từng nghĩ rằng đây là giấc mơ đẹp, là thiên đường mặt đất

Bỗng rền vang tiếng đau rừng già

Rền vang tiếng đau loài người

Rền vang tiếng khóc dã nhân…

Lẽ nào…?!

 

Thơ Liêu Thái đã xuất hiện nhiều lần trên Văn Việt: http://vanviet.info/tag/lieu-thai/.

Về nhà thơ LIêu Thái, xin xem: http://vanviet.info/tho/tho-liu-thi/