Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2020

Quý Cao

Vũ Thư Hiên

Tôi rất nhớ những người bạn tôi từng gặp.

Họ ở ngoài tôi, tất nhiên, nhưng tôi luôn thấy họ trong tôi. Đó là điều có thực. Người ít người nhiều, gián tiếp hay trực tiếp, thấy được hay không thấy được, đều đã đóng góp vào sự hình thành cái thằng tôi bây giờ. Tôi rất muốn viết về họ, nhưng viết sao cho đủ, cho hết, về những người đã để lại dấu vết trong đời mình.

Thôi thì nhớ đến đâu viết đến đấy. Tôi ghi lại trước hết để cho mình, để khỏi ân hận rằng có cái đáng viết mà mình lại không viết.

Thí dụ về một lãng tử tên Quý, biệt danh Quý Cao.

Lãng tử, theo cách nghĩ một thời, phải là một tên “tạch tạch sè”, tức tiểu tư sản thành thị. Mà anh bạn của tôi nhà quê đặc, nhà quê từ đầu đến chân. Theo cách nhìn của riêng tôi, lãng tử chỉ là người lơ tơ mơ với mọi sự, không coi là quan trọng bất kỳ cái gì, không phân biệt tỉnh hay quê. Quý Cao không cao hơn người bình thường là mấy. Biệt danh này tồn tại, được nhớ đến nhiều, không phải trong đám bạn bè, mà trong giới trộm cắp.

Quý Cao làm chấp pháp ở trại giam Hoả Lò. Chấp pháp là chức danh một thứ công an chuyên việc hỏi cung.

Những tên lưu manh từng chạm trán với Quý Cao mà tôi gặp trong đời tù của mình có chung một nhận xét:

- Cái ông chấp pháp này lạ lắm. Rơi vào tay ông ấy đứa nào ăn một cái bạt tai nảy đom đóm thì mừng. Đứa nào ông ấy thương tình cho điếu “ken tẩy” (thuốc lá) thì khóc hết nước mắt.

Quý Cao tỏ ra thương hại đứa nào thì đứa ấy chắc chắn nằm trong danh sách “boọp", thứ tù không biết ngày về – có thể chỉ một “lệnh” ba năm, mà cũng có thể mút mùa, đến Tết Công-gô.

Không phải Quý Cao có quyền quyết định số phận kẻ rơi vào tay anh. Án tại hồ sơ. Anh tiếp nhận hồ sơ, thường rất sơ sài, hỏi cho rõ thêm để khẳng định tội trạng, rồi chuyển lên cấp trên để người ta xét tha hay cho đi “tập trung cải tạo”, thế thôi.

Tôi quen Quý Cao qua Phan Thanh Hoài, bác sĩ khoa sản của bệnh viện C, Hà Nội.

Hai người này là một bộ đôi cọc cạch. Vì sao họ thân nhau, tôi không thể giải thích. Họ quen nhau từ khi nào tôi không biết. Khi biết Hoài thì đã thấy Quý Cao bên cạnh.

Tôi quen Phan Thanh Hoài qua Văn Cao. Tình bạn rất thân thiết giữa một anh nhạc sĩ tài hoa với một anh bác sĩ chuyên nghề đỡ đẻ cũng thế, không thể cắt nghiã. Người đến với Văn Cao nhiều vô số kể, nhưng thân thiết đến mức tin cậy nhau được thì ít. Phan Thanh Hoài ở trong số ít ấy.

Văn Cao nói về Phan Thanh Hoài:

- Thằng này tốt từ trong trứng. Chơi được.

Phan Thanh Hoài nói về Quý Cao:

- Chẳng hiểu sao nó lại là công an?

Cái sự quen nhau theo cách dắt dây đã làm cho Quý Cao trở thành bạn tôi. Chúng tôi quen nhau rồi thân nhau qua những bữa đánh chén bao giờ cũng có mặt Văn Cao.

Phan Thanh Hoài có tính thương bạn. Người được anh thương nhất là Văn Cao. Thấy Văn Cao gầy còm, anh tha về những cỗ nhau bà đẻ băm nhỏ tráng trứng. Vào cái thời được nói tới ở đây, nhau bà đẻ là thứ thuốc bổ thời thượng. Người ta còn dùng nó để chế tạo thứ thuốc được coi như bách bệnh tiêu tán vạn bệnh tiêu trừ tên là Filatov.

Trứng tráng nhau bà đẻ Văn Cao ăn ngon lành. Tôi có ăn nhưng không thấy nó ngon. Món này vẫn có cái gì đó tanh tanh. Nể bạn, tôi gắp vài miếng gọi là.

Trong Hoả Lò có một cái kho đặc biệt chứa đầy tài liệu tịch thu của những tên tù “phản động”, coi như tang vật. Khi bắt “phản động” người ta thu tuốt tuột mọi sách bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, gọi chung là tiếng nước ngoài, không tha cả Lenin toàn tập. Thấy tôi ham đọc, Quý Cao tha về cho tôi nhiều sách tiếng Pháp. Trong số sách Quý Cao tha về cho tôi, có Les Miserables của Victor Hugo và Les Gens, les années, la vie của Ilya Ehrenbourg. Hai cuốn ấy đối với tôi là của quý.

Khi cuộc bắt bớ cái gọi là "nhóm xét lại chống Đảng" bùng lên, anh Nguyễn Trọng Luật, viện trưởng Viện Bảo Tồn và Bảo Tàng khuyên tôi:

- Chú cứ về Hưng Yên, địa bàn cũ của tôi. Tôi sẽ uỷ thác chú cho người tôi tin tưởng, chú ấy là trưởng công an huyện, chú ấy sẽ thay tên đổi họ cho chú, lo việc ăn ở cho chú. Ban lãnh đạo đảng bây giờ là một bande des salauds, chú bảo vệ mình cũng là bảo vệ đảng. Thời thế rồi sẽ khác, không thể mãi thế này.

Anh vẫn còn tin cái đảng của anh. Tôi thì không.

Phan Thanh Hoài bảo:

- Cậu đến Quý Cao. Nó không bao giờ phản bội bạn bè. Qua đợt này cái đã.

Tôi suy nghĩ, rồi nghe Hoài. Đó là một trắc nghiệm tốt. Nếu Quý Cao tố giác để người ta bắt tôi thì Hoài sẽ biết anh chàng công an bạn mình là người thế nào.

Tôi bị theo dõi rất chặt. Nhưng cắt đuôi không phải là việc quá khó. Tôi cắt đuôi rồi đến Quý Cao. Anh có một căn phòng nhỏ. Thấy tôi đến, anh không ngạc nhiên:

- Cậu cứ tạm lánh ở đây. Hoài nó tính thế là phải: chẳng ai có thể nghĩ cậu trốn ở nhà một thằng công an. Tớ không hiểu cái chuyện này nó ra làm sao. Nhưng tớ hiểu cậu. Cậu cũng như thằng Hoài, đâu có dính vào chính trị.

Tôi ở nhà Quý Cao một tuần. Quý Cao dặn tôi:

- Đừng thò mặt ra ngoài. Đứa nào gõ cửa cũng mặc, coi như tớ không có nhà. Cơm nước tớ lo.

Chẳng có việc gì làm, sách không có để đọc, tôi uống trà, thứ Quý Cao có cả bịch, uống cả ngày, hết ấm này đến ấm khác.

Nói ngắn lại: ở nhà Quý Cao bình yên vô sự. Tôi không có ý định trốn. Họ, tức là các lãnh tụ đảng, đã khởi lên vụ trấn áp, thì họ sẽ làm đến cùng. Tôi chỉ muốn kéo dài thời gian để tính toán việc gia đình tôi sẽ tồn tại ra sao khi hai cha con tôi đều bị tù.

Rồi tôi bị bắt sau cha tôi một tháng, rồi ở tù miết, suốt chín năm. Chuyện này không kể nữa.

Ra tù, tôi gặp lại Phan Thanh Hoài:

- Cậu viết những gì mà khi hỏi cung tớ chúng nó giơ ra cả một bản liệt kê những tác phẩm của cậu mà tớ không hề biết?

Hoài cười toác:

- Toàn thứ gạch đầu dòng những cái định viết ấy mà. Chứ đã viết gì đâu.

- Nhưng có một bản như thế, phải không?

- Có, tớ có ghi vào một mảnh giấy – Hoài gật – Nó mất lúc nào tớ không biết, chắc đem nhóm bếp. Hoá ra chúng nó chui vào nhà cuỗm đi. Tại tớ thân với cậu, chúng nó nghi.

- Không phải Quý Cao chứ?

- Bậy nào. Quý Cao đâu có làm việc bần tiện ấy.

- Nhưng nhiều bạn tớ cũng bị như cậu, sao chúng không hỏi.

- Có trời biết chúng nó nghĩ gì. Điều tớ biết là trong những bài học cơ bản cho nghề công an là mở khoá, ăn trộm.

- Thật thế à?

- Quý Cao nói thế.

Tôi sực nhớ Quý Cao.

- Dạo này nó thế nào? Lên cấp rồi chứ?

Hoài lắc:

- Nó ra khỏi ngành rồi.

- Sao thế? Bị kỷ luật?

Hoài lại lắc:

- Không. Đúng lúc được thăng chức thì nó bỏ.

- Bây giờ nó làm gì?

- Nó về quê, ở Ninh Bình. Làm ruộng.

Văn Cao nói:

- Cũng khó hiểu thật. Việc bở thế mà quăng đi không tiếc.

Chúng tôi lại đánh chén với nhau như trước khi tôi vào tù. Phan Thanh Hoài vẫn làm ở bệnh viện C, vẫn làm trứng tráng nhau cho Văn Cao bồi dưỡng. Văn Cao gầy nhẳng, vẫn uống rượu, còn uống nhiều hơn trước. Bệnh đau dạ dày của Văn Cao là do rượu. Nói cho đúng là do buồn.

Hoài hiểu Quý Cao hơn chúng tôi:

- Con người còn giữ được bản năng thiện nó thế – anh giải thích – Nhiều hôm khuya rồi nó còn mò đến tớ, đòi uống rượu. Uống suông, không cần món nhắm. Nó bảo: “Tớ là thằng thất đức. Ờ, lưu manh thì phải bỏ tù, cho xã hội sạch. Nhưng chẳng lẽ chỉ có mỗi cách ấy. Tớ đưa chúng nó vào tù nhiều lắm. Rồi một hôm tớ nhìn thấy một bà mẹ khóc ngất ở cổng Hoả Lò vì không được gặp con. Nó bị đưa đi cải tạo. Tớ như bừng tỉnh. Tớ hiểu ra: cái nhà nước này không biết làm cái gì khác ngoài bắt bớ, bỏ tù. Như thằng Hiên ấy. Nó làm gì mà tù miết? Ờ, thì nó có điều không bằng lòng cái nhà nước này, nó có nói cái gì đó không hay về mấy ông lãnh đạo, nhưng nó đâu có viết truyền đơn kêu gọi lật đổ các ông ấy. Tớ còn ở cái ngành này thì có khác gì tớ cũng nhúng tay vào việc bắt bạn mình vô tội”.

- Nó nói với cậu như thế?

Hoài gật.

- Hôm nào chúng mình đi Ninh Bình thăm nó đi.

- Ừ, hôm nào rảnh, ta đi.

Chúng tôi rồi chẳng có hôm nào rảnh.

Tôi thì bận tối tăm mặt mũi lo kiếm sống cho cái gia đình rách rưới. Vợ tôi là công chức mẫn cán. Mẫn cán hay không mẫn cán thì cũng thế – lương không đủ ăn, một nách ba con nhỏ. Có tôi, cũng như không có tôi khi vừa rời khỏi nhà tù. Tôi làm đủ thứ việc, nhưng cái việc tôi có thể làm thì bị cấm. Tôi làm đến bạc mặt.

Tôi làm thợ cán cao su. Nhìn tôi lam lũ trong bộ đồ bảo hộ lao động bê bết bột trắng, bột vàng, Văn Cao rơm rớm nước mắt.

- Làm vừa vừa thôi mày – anh nhắc – Đừng cố quá mà sụp.

Không rảnh là vì thế.

Dòng đời cuốn tôi đi ngày một xa Quý Cao.

Tôi không gặp lại anh lần nào nữa.

Phan Thanh Hoài kể:

- Có một chuyện làm cho Quý Cao quyết định bỏ nghề công an.

- Chuyện thế nào?

- Một hôm, nó phải thụ lý một vụ án – Hoài kể – Có mấy thằng oắt con ở huyện Thuỷ Nguyên lập đảng. Chẳng nhớ cái đảng của chúng nó tên gì, Quý có nói, tớ không nhớ. Đại khái là một cái đảng, thế thôi, không cương lĩnh, không đường lối. Thằng nào vào đảng phải uống nước cống ăn thề.

Tôi bật cười.

- Chuyện có thật đấy, Quý nó không bịa.

- Rồi sao?

- Mấy thằng oắt bị bắt, di lý lên Hà Nội, Quý Cao phải hỏi cung. Quý Cao hỏi, chúng nó khai thật, tuốt tuột. Quý cho mỗi thằng một cái bạt tai, rồi làm hồ sơ: “Chuyện trẻ con. Đề nghị đá đít, tha bổng”.

- Rồi chúng được tha?

- Nào có. Mới ra chuyện.

- Người ta gây sự với Quý?

- Không. Nhưng mấy thằng oắt bị đi tù.

- Có án hay tập trung cải tạo?

- Tớ không biết.

- Có thế thôi mà Quý bỏ nghề?

- Có thế thôi – Hoài nói – Nhưng là đỉnh điểm. Nó là thằng có tâm. Nó thương bọn trẻ con. Nó bảo: tớ không ưa cái nhà nước trẻ không tha, già không thương.

Văn Cao nói:

- Thương nó quá. Tiếc nó quá!

Chuyện có thật về một người công an đến đây là hết.

Tôi ghi lại chuyện. Tôi không bình luận.