Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2020

Những tháng năm cuồng nộ (kỳ 6)

Tiểu thuyết Khuất Đẩu

LÃO TIỀN BỐI

4

Đứng trên boong tàu Ba Lan nhìn rặng núi Phương Mai ở cảng Quy Nhơn mờ dần, chút tình quê hương vẫn khiến cho ông ngậm ngùi. Ai đâu tưởng rằng đang đi về cõi thiên đường trên mặt đất, nơi làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít, ngay cả không làm cũng có ăn, nơi lúc nào cũng ngập tràn ánh sáng và tiếng ca, ai tin mặc kệ, chứ ông thì tin rằng cả bọn chen chúc nhau ra bắc là để đi trốn những cuộc trả thù khi chính quyền bù nhìn của tụi Pháp từ Sài Gòn ra tiếp thu. Và điều sâu kín khiến cho ông yên tâm bỏ làng ra đi là thoát khỏi tai mắt của bọn mật thám. Cái tội ăn cắp tiền, chứ không phải được tiền (nói ai tin) dù đã mấy chục năm rồi vẫn cứ phải ra chết già ở đảo Côn Lôn.

Đặt chân lên cảng Hải Phòng, ông liền được điều lên lên cái miền đất anh hùng là Điện Biên Phủ, gọi là để xây dựng cho đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, thực ra là để thúc dân đang mỏi mệt và sợ hãi trong chiến trận vừa qua thu nhặt những xác chết đang thối rữa, lấp những hố bom và những giao thông hào để đón những đoàn khách nước bạn Đông Âu, Cu Ba đến quay phim chụp ảnh. Cái áo len màu nâu mà bà vợ đã thuê người đan hết một bó tiền tín phiếu trước khi tập kết vẫn không đủ ấm để chống lại cái rét cắt da cắt thịt của núi rừng. Thôi rồi, mình bị đày lên đây, chứ một lão già như mình thì xây dựng cái nỗi gì. Giống như 500 năm trước ông cha mình đã bị đày vào đất Đồ Bàn.

Xa cách vợ con, giữa một đám người Thái người Mèo xa lạ, ông thấm thía hơn ai hết cái công tác dân vận. Ăn cùng dân, ngủ cùng dân, làm cùng dân nhưng để họ tin và nghe theo mình, tức là nghe theo đảng, đâu có dễ. Trong con mắt của họ, con mắt xếch và sắc như dao, rực lên ánh nhìn lạnh lẽo nghi ngờ nếu không muốn nói là thù hận. Những cán bộ miền nam đối với họ chỉ là những tên cai đồn điền cao su mà họ đã từng lạnh mình khi nghe nói tới, chỉ khác là không có roi da hay dùi cui trong tay mà thôi.

Rõ ràng là họ không mong đợi những người mà sự xuất hiện cứ như những cơn mưa đá làm tan nát nhà cửa mùa màng, còn tệ hơn nữa, như một trận lũ quét sắp cuốn họ ra khỏi bản làng. Trước kia dưới tầm đạn của Pháp và chính quyền cũ, núi rừng sông suối vẫn là của họ. Ngày họ lên nương lên rẫy, tối về đốt lửa hát ca. Giờ đây họ phải làm quần quật, mà làm không công, chỉ để được khen là xuất sắc là anh hùng, tối đến lại phải ngồi bó gối để nghe ba hoa về thế giới đại đồng, về thiên đường cọng sản, về giải phóng miền nam. Giải phóng để mà chi, trong khi họ dần dần bị biến thành những đàn cừu chỉ cần một con chó nhỏ cũng chăn dắt được. Ông chính là con chó nhỏ mà đảng muốn thay mặt để chăn dắt với mỹ từ là lãnh đạo.

Hai năm sau, người ta cho ông về hưu sớm. Nhưng về đâu, giữa núi rừng tây bắc, không cửa không nhà, không vợ con họ hàng thân thuộc? Bao nhiêu trái cau bằng vàng, bao nhiêu lần treo cờ rải truyền đơn, bao nhiêu lần són đái trong quần, giờ được trả công như vậy sao? Mình đã một lòng tin theo đảng nhưng đảng có tin mình đâu! Hết lần này đến lần khác, thủ trưởng gọi mình lên, đặt tay lên vai, vỗ vỗ ra chiều thân mật, hỏi: này có thật số vàng ấy nộp hết rồi chứ? Thưa thủ trưởng nộp hết chớ để làm chi. Thủ trưởng không tin tôi sao? Tin, tin chứ, chỉ hỏi cho vui vậy thôi. Ấy là tôi nhắc chừng chôn dấu đâu đó có khi quên chưa đào lên hết.

Vậy, cho mày chết dí ở xứ Mèo xứ Thái để xem mày xài vàng bằng cách nào. Đày lên đây, ông nghĩ, ý chừng đảng muốn trị mình cái tội không trung thực đây. Hay là vì mình quá trung thực nên phải bị đi đày? Phải chi mình không quá dại mà nộp hết một lúc, và lúc đó mình thưa rằng, dạ còn, dạ để tôi nộp cho thủ trưởng thì đâu đến nỗi. Thủ trưởng sẽ khen mình trung thành sau khi đã cất vàng vào túi, sẽ đề bạt chức nọ chức kia chứ đâu có mỗi cái chức mặt trận mà không hiểu mặt trận là cái mặt gì. Nỗi oan này biết kêu ai? Trời của đất bắc chứ đâu phải trời của quê hương mà kêu. Trời lạ. Đất lạ. Chỉ có nước chết mà thôi.

Nhưng ông không chết. Cái tên Chín Gối mà cha mẹ đặt cho đã khiến sức sống trong người ông lồm cồm bò dậy. Đói đầu gối cũng phải bò. Mà mình đến những chín gối kia mà. Mình bò bằng bốn bằng năm người khác chớ bộ.

Thế là ông đan hai cái sọt lang thang khắp núi đồi theo chân những đàn bò của nông trường, nhặt những cục phân rơi vãi để bán cho những người trồng thuốc phiện lậu. Những cục phân bò không hôi như phân người. Ông không đến nỗi phải cặp cái mo đựng cơm bên cạnh cái giỏ đựng phân như dân Phù Mỹ đã vào tận làng An Định mà nhặt cả phân người vì đất ở đó toàn cát sỏi. Buổi trưa, ngồi dưới bóng cây, họ lấy cơm ra ăn, nghĩ mà tội. Hồi đó, mỗi lần về nhà là ông và các bạn trên tỉnh ăn thịt dê nướng thơm phức, chứ có đâu thúi hoắc như họ. Mà đó là những bần cố nông cốt cán kia đấy! Cái bất công ngày đó ông thấy nó lù lù nhưng đã làm ngơ. Giờ ông đang nhặt từng cục phân, mừng như bắt được vàng, thì bạn bè trong cơ quan đã lên cấp Trung ương, trong những tòa nhà cao to của Pháp để lại, chắc là đang ăn những thứ sơn hào hải vị chứ đâu có như mình ngồi gặm từng trái bắp cứng như sỏi.

Nhiều năm trên cao nguyên giá lạnh, cứ như Tô Vũ chăn dê, tóc ông bạc trắng như lau. Ông cũng muốn để râu, để mà trông thấy nỗi buồn của mình mỗi ngày một dài ra, một đôi khi buồn tình lại ve vuốt cho đỡ buồn. Nhưng có người nói nhỏ vào tai, bác Tôn phó chủ tịch nước kia mà còn chưa dám để râu huống hồ là một lão cán bộ nhép như ông, hỏi sao vậy, cười bảo, cả nước chỉ mỗi mình Bác được có râu, chỉ mình Bác là ông tiên của các cháu thiếu niên nhi đồng! Nghe nói thế, ông thở dài, tiếng thở sâu và buồn và lạnh tưởng chừng đó là hơi thở của núi rừng.

Một ngày sau tết Mậu Thân, nghe nói thắng to ở miền nam, lúc đó ông đang tha hai cái giỏ đựng đầy phân về lều, ông trông thấy một người đàn bà khô đét như một trái táo nhơn lò dò chống gậy leo lên dốc. Ông sững người nhìn một lúc, mới nhận ra đó là bà Chánh nhạc, đã một thời làm tỉnh hội phụ nữ. Nói sao cho hết nỗi xúc động của hai cán bộ già. Ông quăng hai cái giỏ, mặc cho những cục phân khô lăn xuống dốc như những bánh xe làm bằng trái vông, chạy đến bên bà. Rồi họ lao vào nhau, dính khít nhau như hai anh em sinh đôi Ang và Eng. Phải chi cứ thế mà bay lên thì đúng là họ đang bay lên thiên đàng. Họ không còn nước mắt để khóc, không biết hôn nhau như Tây, họ cứ đứng ôm nhau mãi tưởng chừng mọc rễ trên đất.

Đêm hôm đó, trong cái lán nhỏ như ổ chuột, trên chiếc chiếu đã mục, những ngón tay run rẩy tìm kiếm trên thân thể của nhau chỉ thấy toàn những da và xương. Tất cả chút sinh lực hiếm hoi của ông đã rơi rớt trên cao nguyên. Còn chút nhan sắc của bà thì cũng bị tàn phai héo úa trong những lần đứng sắp hàng chờ mua gạo mắm đường sữa theo tem phiếu. Trong bao nhiêu năm họ không phải sống mà là khô héo teo tóp dần, cho đến lúc được gặp nhau, người nào cũng nguội ngắt như một que củi đã tắt lửa. Không còn gì để bù sớt cho nhau, ngay cả hơi thở cũng đứt quãng, họ nằm nghe những tiếng động của núi rừng, mơ hồ tưởng như tiếng hú xa xăm của một thời tươi trẻ vọng lên từ đáy vực.

Bà thều thào dỗ dành: ngủ đi mình, ngủ đi!

Ông liu xiu ôm mà không ấp nổi.

Một tháng sau thì bà chết.

Khuôn mặt của bà vàng ệch, một màu vàng tái ngắt đói nghèo chứ không phải màu vàng rực rỡ giàu sang của vàng đem từ cái giếng Hời lên.

5

Nhờ sự giúp đỡ lén lút của những người buôn thuốc phiện lậu, ông cũng có được sáu miếng ván tươm tất để chôn vợ. Bia là một tảng đá mà phải mất một ngày ông mới khắc được mấy chữ Tô Thị Đậm méo mó.

Ngôi mộ của vợ đem đến cho ông một chút ấm áp trong lúc tuổi già cô độc. Khi cô con dâu nghe tin mẹ chồng mất lên thăm, bảo khi nào thống nhất sẽ lấy cốt đưa về An Định. Mà biết bao giờ mới thống nhất đây. Bom Mỹ cứ dội suốt! Không chừng cái lòng chảo Điện Biên này nó cũng sẽ nhảy dù xuống như thằng Pháp. Mệt quá chừng, mỗi lần có báo động là những công nhân phải lùa bò trốn vào hang. Nhưng nhờ vậy mà mình khỏi phải đi xa cũng có khối phân để hốt.

Trong khi đi nhặt phân bò, ông cũng nhặt những hòn đá nho nhỏ ngồ ngộ về xếp quanh mộ vợ. Có những viên tròn giống những trái cau bằng vàng, ông cất riêng vào trong bọc. Cái vẻ nằng nặng trong lòng bàn tay khiến ông nghi là có chứa vàng. Giờ thì không đứa nào lấy được của mình, ông vừa nói vừa cười. Lúc này ông hay nói lẩm nhẩm một mình. Cái giếng ở nhà mình giờ xác chết chắc đã chất đầy lên tới miệng. Nghe nói trong đó đánh nhau dữ. Là những chiến công hay tội ác? Cái giếng lâu đời giống như cái hố sâu của lịch sử. Biết bao người đã chết trong tăm tối, oan ức, vậy mà vẻ vang được sao? Khi nào về mình sẽ cho người lấp lại. Sống bên cạnh một cái giếng như thế thì không thể nào khá lên được.

Ông thường gặp những người ở Hà Nội, Hải Phòng…những người của chế độ cũ sau khi không xài được nữa cũng bị đày lên đây. Họ được đưa đi chăn bò, chăn ngựa, chăn dê, cả chăn heo chăn gà gọi là tham gia lao động. Người nào cũng dấu kín trong lòng một nỗi hận khôn nguôi. Nhưng họ cũng như ông, là những viên sỏi chứ không là những giọt nước. Có nằm cạnh nhau cũng cứng ngắt chứ không thể nào tan ra để sẻ chia tâm sự. Ai cũng cố mài mòn những góc cạnh để có thể lăn tròn, lăn mãi, cho đến khi rơi tòm xuống cái hố thẳm của tuyệt vọng.

Từ ngày vợ chết, ông bắt đầu để râu, mà râu ông chắc vì buồn nên chóng dài. Chưa đầy năm đã dài tới ngực. Cả tóc nữa cũng không thèm hớt. Ông đâu có giống một ông tiên mà sợ xì xào phê bình kiểm điểm. Ông giống lão giáo Huế khùng dưới chân núi Mò O, chỉ thiếu là không cỡi lên một cái đọt tre, nhong nhong chạy qua làng tung bụi lên mù mịt để lũ trẻ con trần truồng thích thú chạy theo hò hét. Mỗi khi xuống suối tắm giặt, ông lại ngồi nhìn bóng mình, hết cười lại khóc. Không ai có thể tin được ông Chánh nhạc ở làng An Định tươi tắn phương phi ngày nào giờ thảm hại như một lão ăn mày. Cách mạng để đổi đời, đổi như lộn mề gà thật là xót!

Lại nghe có hòa đàm Paris. Cũng như Giơ-neo, không biết lại chia mấy nữa đây. Đã chia hai rồi giờ chẳng lẽ chia hai nữa thành bốn, rồi bốn thành tám…cái nước Việt này đúng là nát như tương. Làm lãnh đạo mà để đất nước chia năm xẻ bảy là có tội. Tội với người sống và tội với người chết. Cái tội ấy nặng lắm à.

Nhưng không có chia. Đánh ở Buônmêthuột, Pleiku. Rồi Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn. Cái gì lạ vậy cà? Hai mươi năm ghìm nhau từng tấc đất, giờ bỏ chạy cái rẹt là sao?

Giải phóng! Giải phóng rồi!

Bắc nam liền một cõi. Vậy là sắp được về nam. Ôi chao ở cái đất bắc lạnh căm này, những người già như mình, xương cốt đau nhức không đêm nào ngủ được. Lại còn bị nghi ngờ là CIA của Mỹ, lại bị canh chừng chống đảng. người nọ rình rập người kia. Đi hốt phân bò mà cũng bị hỏi tới hỏi lui. Những đêm dài ở đất bắc, có khóc cũng chỉ dám khóc thầm.

Về nam, mau về đi thôi, về ngâm mình trong nước mát ở bến Trén, sáng chiều ngồi trước ngõ mà ngắm tháp Bánh Ít xanh ngắt ở chân trời, về nam ăn một miếng bánh hỏi, bánh tráng, bánh ướt bánh xèo…thứ gì cũng ngon, uống nước bắp nấu ngọt như nước dừa, xuống ruộng bắt cua làm mắm cua chua ăn với cơm nguội cho đã thèm, về nam nằm ngủ giữa nhà rộng rinh chứ đâu chỉ bó trong hai thước vuông, về nam trồng đậu trồng cà, trồng khoai trồng bắp, muốn ăn bầu có bầu muốn ăn bí có bí, đâu phải chực chờ giành nhau từng cộng rau muống già ngắt dai nhách!

Sống khổ sống sở trên hai chục năm để có ngày về thì thật là cay đắng, nhưng được sống tới ngày này là phước đức lắm rồi, đừng có mà kêu ca gì nữa, dại một lần chứ không thể dại thêm, đảng có dụ khị cho cả cái nhà lầu to ở Hà nội cũng xin cảm ơn mà về, nhưng liệu mình có đủ sức đi nổi không đây, nghe nói đường sá bị bom mìn đi lại rất khó khăn, nhưng mà khó khăn mấy cũng về, những đống phân bò ai muốn lượm bao nhiêu thì cứ lượm, lão đây không thèm tranh nữa đâu, về nam, chưa đi sao mà đã thấy sướng lâng lâng rồi.

Sau mười bốn ngày, vừa đi bộ vừa đi xe, với cái ba lô con cóc đựng hài cốt vợ trên lưng, một cây gậy cầm tay, cụ chánh nhạc năm xưa đã về tới làng An Định trong một ngày cuối thu năm bảy lăm giữa một rừng cờ vẫn còn hai màu xanh đỏ chọi nhau.

Nhưng …

Cái chòm cây cao thấp lô nhô kia là làng sao? Những nền nhà cỏ mọc đầy, những bức vách trơ trọi lạnh lẽo và những con người mới hồi cư ngơ ngác tụm năm tụm ba ở miễu thượng. Chẳng ai nhìn ra cụ và cụ cũng chẳng nhìn ra ai.

Số phận của làng sao giống số phận của mình. Ai đã làm ra nông nỗi này? Những người của đảng cài lại, những kẻ giả bộ đi tập kết rồi lộn về, những đứa như thằng Định con Thảnh hăm hở đi B. Đi giành lại quê hương mà như thế này thì giành lại để làm gì? Sẽ xây dựng lại, nhưng ai xây, chẳng lẽ những cụ già, những bà mẹ và cả những đứa bé nét mặt vẫn chưa hết kinh hoàng ngồi nằm kia xây dựng sao? Hay là đưa cả miền bắc đang thiếu gạo thiếu cơm thiếu cả cây kim sợi chỉ ngoài kia vào xây dựng ?

Cụ bàng hoàng như lúc mới đưa lên Điện Biên. Nhưng đất dưới chân là đất của làng mình, trời trên đầu cũng là trời của làng mình. Sẽ chôn nắm xương khô của vợ dưới chân núi Mò O cho hồn bà còn được trông thấy ruộng đồng trải dài ra tận biển. Sẽ chặt cây cất một cái chòi trên thềm nhà cũ. Lúc buồn sẽ hát mấy câu bài chòi. Sẽ kêu bớ Bạch Huê, bớ Nọc Đượng, kêu cả tên tục và cả Chín Gối tên mình nữa. Sẽ không bị ai dòm ngó nghi ngờ. Sẽ chờ cái chết đến như chờ mẹ đi chợ về.

Đêm hôm đó cụ ngủ trên nền của miễu thượng cùng với những người mới hồi cư. Trong mơ cụ thấy mình một lần nữa lại được bạc. Mà lần này thì không có ai là xứ ủy chỏ mũi vào.

K.Đ.

(Xem tiếp kỳ sau)