Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 22 tháng 10, 2020

Những lá thư Nguyễn Gia Trí gửi Phạm Tăng (3)

Thụy Khuê

3- Số phận bức tranh lớn nhất của Nguyễn Gia Trí

clip_image002

Ba lá thư cuối cùng dưới đây cho ta cái nhìn khái quát về tình trạng sống của họa sĩ Nguyễn Gia Trí năm 1970 và 1974, và những dòng tâm sự của ông về nghệ thuật của chính mình.

Lá thư ngày 22/6/70 cho biết Nguyễn Gia Trí đã có những khó khăn tài chính trong năm 1970, việc tiền bạc trở nên cấp thiết, nên ông phải bán tranh cho Phạm Tăng và giục bạn phải quyết định ngay.

Lá thư ngày 22 tháng 9/70, ông tâm sự với bạn những chán nản của ông trước điều kiện sống của người nghệ sĩ tạo hình.

Lá thư chót viết ngày 2/8/74, ông cho biết những thông tin về bức tranh lớn nhất và đây là lần đầu tiên, ta biết được bức tranh này lưu lạc ở đâu và ông đã sáng tác năm nào.

Tài liệu 10

NGT-70-06-22

 

Thư ngày 22/6/70

NGUYỄN GIA TRÍ

36/26/8 Đường Cách Mạng

SAIGON

Saigon, ngày 22.06.70

Anh Phạm Tăng thân,

Cách đây một tháng, tôi có gởi thư trả lời anh về vụ tranh sơn mài anh muốn mua. Tôi cũng đề chừng vấn đề gửi tranh khó khăn khiến anh cũng ngán nên anh chưa trả lời tôi ra sao.

Vậy anh gấp trả lời tôi đi, vì như tôi vẫn thường nói với anh, có bao giờ tôi có để dành được lấy một bức tranh nhỏ hòng để trưng bày bán. Bao giờ lúc túng tiền là cũng bán non đi cho người này người khác để lấy tiền chi tiêu cho xưởng, thợ, công việc liên tục điều hòa. Lúc này là cũng trường hợp như vậy đó anh Tăng.

Dĩ nhiên anh lấy tranh đối với tôi vẫn là hơn vì anh vẫn gắn bó với vấn đề đó từ lâu và anh là người nghệ sĩ biết giá trị của bức tranh. Vì đã nói chuyện với anh nên tôi cũng ráng đợi một tuần nữa qua thời gian đó tôi sợ bị áp lực của nền tài chính đã cạn, phải ưng thuận với mấy ông thương gia ở đây gấp đổi giấy bạc Việt nam ra bất cứ món hàng gì có thể tiêu thụ được ở ngoại quốc. Họ lại có sẵn những phương tiện chuyên chở rất lợi hại. Nói gì ai, ông Q.V.K. Văn Hóa ở đây vừa đi Tây, mang theo sách vở, tranh sơn, và nhất là hàng tạ cassette âm nhạc, bán chạy như tôm tươi. Anh biết không trước khi đi lão còn sai luật sư dụ tôi trao tranh cho hắn, hắn sẽ tháo khoán trả tiền nốt cho tôi, bằng không sẽ đưa ra tòa. Tôi cũng nhờ luật sư trả lời chừng nào Thư viện xong tôi sẽ trao tranh, ông Q.V.K. Văn Hóa nên để thời giờ làm việc gì ích lợi cho quốc gia hơn là đi thưa kiện một anh họa sĩ nghèo.

Xin anh cho tôi biết một cách chắc chắn ý định của anh ngay. Trong trường hợp tôi phải chịu áp lực của tình thế thì xin anh cũng vui lòng thông cảm cho. Dù sao đi nữa, không phải vì thế mà bãi bỏ chương trình tôi vẫn có thể làm mấy tấm sơn mài khác thay vào những cái tôi bó buộc phải bán, chỉ vị thời gian giao tranh cho anh chậm thêm thôi, anh chịu không?

Thân mến,

Nguyễn Gia Trí

Nguyễn Gia Trí cần tiền và giục Phạm Tăng phải quyết định ngay nếu không ông sẽ phải bán tranh cho người khác: "Vậy anh gấp trả lời tôi đi, vì như tôi vẫn thường nói với anh, có bao giờ tôi có để dành được lấy một bức tranh nhỏ hòng để trưng bày bán. Bao giờ lúc túng tiền là cũng bán non đi cho người này người khác để lấy tiền chi tiêu cho xưởng, thợ, công việc liên tục điều hòa. Lúc này là cũng trường hợp như vậy đó anh Tăng". Một mặt vì, chính phủ chưa trả hết tiền tranh làm cho Thư viện, và ông còn bị Mai Thọ Truyền dọa nạt: "Lão còn sai luật sư dụ tôi trao tranh cho hắn, hắn sẽ tháo khoán trả tiền nốt cho tôi, bằng không sẽ đưa ra tòa. Tôi cũng nhờ luật sư trả lời chừng nào Thư viện xong tôi sẽ trao tranh, ông Q.V.K. Văn Hóa nên để thời giờ làm việc gì ích lợi cho quốc gia hơn là đi thưa kiện một anh họa sĩ nghèo."

Khó có thể tìm thấy một ông Bộ trưởng văn hoá nào xử sự một cách vô văn hoá như Mai Thọ Truyền. Và một trưòng hợp mà hoạ sĩ phải dùng đến luật sư để bảo vệ sáng tác của mình không bị ông bộ trưởng văn hoá chiếm đoạt.

Kết cục Phạm Tăng có mua tranh Nguyễn Gia Trí vì qua ông Phạm Hải Nam, em rể Phạm Tăng, tôi được biết: năm 74-75, ông thấy ở nhà họa sĩ tại Rome còn hai bức tranh của Nguyễn Gia Trí.

Tài liệu 11

NGT-70-09-22-1NGT-70-09-22-2

 

Thư ngày 22/9/70

NGUYỄN GIA TRÍ

36/26/8 Đường Cách Mạng

SAIGON

Saigon, ngày 22 tháng 9/70

Anh Phạm Tăng thân,

Tôi đã nhận được thư anh, và rất mừng rằng anh không trách gì tôi về sự kém sốt sắng của tôi. Sự thực thì tôi quen thói, làm cái nghề này nó dềnh dàng chậm chạp và nhiều bất trắc ghê. Vì vậy tôi luôn luôn bị thiếu hụt tiền nong, thất hẹn với khách hàng về thời hạn làm xong tranh. Tuy vậy mình ở trong nước, đều là những người quen biết, mình cũng có được đôi chút tín nhiệm gây được từ lâu, nên tôi thấy làm việc cũng tương đối dễ chịu. Tôi sở dĩ còn làm được cái nghề này vì dù sao nó cũng còn hợp với cái hoàn cảnh "chậm tiến" của nước mình. Ở đây, người ta còn có thời giờ chờ đợi một năm, hai năm mới có tranh chơi, anh phải biết. Đó là một điểm rất quý báu đối với tôi. Nói chung thì, vì tự tôi không làm quảng cáo bao giờ, những khách hàng của tôi tự họ tìm đến nên tôi thấy họ đều có thiện chí sẵn, có lẽ vì người mình đã lâu đời quen chơi đồ cổ, đồ xứ, chơi cây cảnh, nên họ không có thành kiến gì vững chắc về những thuyết hội họa, dù tả chân hay trừu tượng, họ hỏi cái tranh này đề tài gì, mình cũng tùy cái tranh mà nói, họ thấy ưa là được rồi. Mà tôi cũng thành thực làm, vừa ý mới thôi, không phải họ dễ dãi mà mình làm ẩu, hay phải thuyết phục gì họ khó nhọc.

Thư trước nói chuyện với anh đó là nói ví dụ ở trong nước mà có tay marchand d'art nào kiểu Tây phương như vậy đó chứ, anh nghĩ tôi bây giờ còn đâu đủ sức vùng vẫy như anh tưởng, đó là tôi nói ví dụ trong nước có một tay như vậy họ chịu làm giao kèo với mình thì dễ chịu biết bao! Mà thật! Nhưng chắc có thật thì họ cũng có những điều kiện – chẳng hạn về thời gian giao tranh – khó khăn, khó mà mình theo nổi!

Tôi sợ đời sống trong xứ mình mỗi ngày một khó khăn chẳng khác gì ở ngoại quốc, rồi cái nghề làm sơn ta như tôi làm sẽ không ai làm được nữa, chỉ vì lý do nó lâu quá và vì nó lâu giá nó sẽ đắt quá, thế thôi. Có lúc tôi cũng nghĩ mình cố làm sao được một bức tranh sơn đẹp như đá hoa, như than đá như san hô, hổ phách, nó có ánh biêng biếc như thép, êm dịu như nấm như mốc như rêu... có khi mình lẩn thẩn chăng? Sao lại cầu kỳ đi tìm những cái đẹp ấy? Có còn là nghệ thuật nữa không, khi cầu kỳ khó khăn như vậy? Nhưng sau lại nghĩ, tại nghệ thuật của mình, bản lãnh của mình còn kém, thế cho nên nghĩ vậy mà rồi vì thế cứ tìm riết hoài cách nào có vẻ dễ hơn, rút cục mỗi lần đi tìm cái dản dị thì lại gặp cái khó khăn lâu mới vượt nổi. Cái Đẹp càng đi càng thấy xa xôi. Ảo tưởng! Ảo tưởng!

Đồng nghiệp mình nói chuyện với nhau như vậy được. Nhưng nói như vậy với người ngoài còn ai chơi tranh, đặt làm tranh nữa. Mình tạo ra những ảo tưởng, bán cho thiên hạ những người cũng muốn tìm những ảo tưởng như mình, một cái trò tự dối trá đồng lần, anh nghĩ sao?

Không phải mình định bụng lừa dối mình hay ai. Mình vẫn thành thực hẳn hoi, tin tưởng chắc chắn.

Nhưng bởi chưng đời là thế, mọi sự đều là thế, nói chi hội họa hay nghệ thuật gì?

Tôi sực nghĩ về tình tôi đã lắp lại một tư tưởng không biết là Lão Trang hay Phật giáo? Khổng giáo không? Tôi sợ nhất là những nhãn hiệu, có người [mất vài chữ] thuộc về hay thích phái gì? Tôi thường nói giời [mất vài chữ] con cá con voi, chứ con cá con voi đâu có tư [mất vài chữ] loại đó, hay biết loại đó [mất vài chữ] nào khác?

Tôi mới nghĩ ra một tên để có thể đề [mất vài chữ] tranh tôi làm mà [mất vài chữ, có lẽ không] dùng tới chữ "trừu tượng". Tôi đã làm hai cái, tôi đương muốn làm cái nữa, tôi đề là: "Ánh trăng dưới nước". Như vậy ai muốn là tả chân cũng có thể hài lòng, mà ai thích trừu tượng thì được trừu tượng. Làm cái sơn ta có cái khoái là mình đỡ bị ràng buộc bởi những quan niệm hội họa Tây phương, tôi sở dĩ gắn bó với nó là vì vậy. Không biết anh nghĩ sao, chứ tôi thấy dù sao mình làm gì đi nữa mục đích cũng vẫn là mở mang trí óc con người, đâu phải dàng buộc nó.

Thôi hết giấy tới nơi rồi, chúc anh mạnh giỏi về mọi phương diện.

Thân mến,

Nguyễn Gia Trí

Họa sĩ xác định lại một lần nữa, sự túng thiếu của mình: "Tôi luôn luôn bị thiếu hụt tiền nong, thất hẹn với khách hàng về thời hạn làm xong tranh". Nhưng ông vẫn còn sống được bằng nghề vẽ vì: "ở đây, người ta còn có thời giờ chờ đợi một năm, hai năm mới có tranh chơi".

Họa sĩ tỏ ý chán chường và hoài nghi cả đến cái đẹp trong nghệ thuật mà mình theo đuổi:

"Có lúc tôi cũng nghĩ mình cố làm sao được một bức tranh sơn đẹp như đá hoa, như than đá như san hô, hổ phách, nó có ánh biêng biếc như thép, êm dịu như nấm như mốc như rêu..."

Rồi ông tự nhủ: "mình lẩn thẩn chăng? Sao lại cầu kỳ đi tìm những cái đẹp ấy? Có còn là nghệ thuật nữa không, khi cầu kỳ khó khăn như vậy? Nhưng sau lại nghĩ, tại nghệ thuật của mình, bản lãnh của mình còn kém, thế cho nên nghĩ vậy mà rồi vì thế cứ tìm riết hoài cách nào có vẻ dễ hơn, rút cục mỗi lần đi tìm cái dản dị thì lại gặp cái khó khăn lâu mới vượt nổi. Cái Đẹp càng đi càng thấy xa xôi. Ảo tưởng! Ảo tưởng!"

Những lời tâm sự đắng cay và bi đát này chính là lòng thành của người nghệ sĩ trải ra không che đậy, chẳng khi nào ta đọc được những hàng như thế, bởi vì ta đang đọc trộm thư riêng của một đồng nghiệp viết cho một đồng nghiệp, với những thú nhận cực kỳ đớn đau:

"Mình tạo ra những ảo tưởng, bán cho thiên hạ những người cũng muốn tìm những ảo tưởng như mình, một cái trò tự dối trá đồng lần, anh nghĩ sao?"

Và ông tiên đoán trong tương lai không ai có thể nối nghiệp ông được:

"Tôi sợ đời sống trong xứ mình mỗi ngày một khó khăn chẳng khác gì ở ngoại quốc, rồi cái nghề làm sơn ta như tôi làm sẽ không ai làm được nữa, chỉ vì lý do nó lâu quá và vì nó lâu giá nó sẽ đắt quá, thế thôi."

Bẵng đi bốn năm không có thư trao đổi (còn lưu lại), lá thư cuối cùng này Nguyễn Gia Trí nhờ Phạm Tăng tìm người mua bức tranh lớn nhất do ông bà Drouin sở hữu, nhờ đó ta biết thêm được lai lịch bức tranh này.

 

Tài liệu 12

NGT-74-08-02-1NGT-74-08-02-2NGT-74-08-02-3

 

 

Thư ngày 2/8/74

NGUYỄN GIA TRÍ

36/26/8 Đường Cách Mạng

SAIGON

Saigon, ngày 2/ 8/ 74

Anh Phạm Tăng thân mến,

Tôi đương có một việc cần viết thư sang anh thì may quá anh chị Quýnh đến chơi mang cho bức thư của anh. Tôi mừng rỡ vội biên thư gửi anh ngay, mượn cái đà để trị chứng bịnh cố hữu là bịnh lười viết của tôi. Xin dần kể cho có đầu đuôi câu chuyện. Số là ở Paris, có ông bà Drouin (77 Bd Suchet, Paris 16e) là những người tôi quen biết từ thủa còn học Trường Bưởi, đã khuyến khích tôi trong sự học hành và tôi cũng còn chịu ơn cứu mạng nữa. Hồi 1942-45 tôi có làm cho ông bà D. một bức tranh lớn (3m10x4m40) gồm 10 tấm sơn mài ghép lại, vẫn để ở 51 Av. George Mandel, Paris 16e vì nơi ở hiện tại quá chật hẹp, muốn bán đi, mà vì hai ông bà cũng đã nhiều tuổi, vốn người hiền lành không quen thuộc với đời sống buôn bán bon chen, giới buôn bán tranh, galleries d'art cũng vậy. Nên có viết thư hỏi tôi có quen biết amateurs nào Mỹ, Pháp, Việt bất kể, có thể mua bức tranh đó thì giới thiệu. Tội nghiệp, anh nghĩ coi có ngược đời không chứ. Cái thứ chim hiếm có đó mà hỏi tìm ở chỗ xó xỉnh Việt nam làm sao thấy được? Tôi đã có viết thư gửi vài chỗ ở Paris mà tôi hi vọng, trong số đó có Võ Lăng thì tôi viết rồi vì tôi có địa chỉ và Võ Lăng ở ngay Paris, cũng quen biết nhiều trong giới galleries d'art. Anh thì ở tận Roma, hơi xa và di chuyển đi Paris có thuận tiện không? v.v. Tôi đương phân vân thì nhận được thư anh. Vậy xin anh vì tôi nghĩ cách giúp đỡ ông bà D. giới thiệu và bán bức tranh lớn nói trên thì tôi cảm ơn anh vô cùng. Tôi rất tha thiết với vấn đề này vì muốn bù đáp phần nào mối thịnh tình ân nghĩa ông bà D. (cùng với cụ Y) đã dành cho tôi thủa xưa. Đây cũng là một dịp anh có thể giới thiệu sơn mài nghệ thuật với giới thẩm mỹ và galeries d'art mà anh quen biết.

Tôi cũng biết rằng việc này không hoàn toàn đáp ứng với chương trình và ý nguyện anh thường bàn với tôi mà chúng ta vẫn chưa thực hiện được vì quá nhiều trở ngại. Dần dần thì rồi chúng ta cũng vẫn hi vọng làm được một ngày nào đó, nếu kiên nhẫn và quyết định đi tới. Nhưng những trở ngại hiện giờ còn gấp mười gấp trăm lần những trở ngại trước đây, không nói xa xôi gì về tình trạng chiến tranh chính trị, kinh tế tài chánh. Hãy nói gần là nghề làm sơn mài hiện nay cũng lâm vào cảnh khốn đốn, bị lũng đoạn vì những bàn tay bí mật xua tư bản vào chiến dịch sản xuất sơn mài đem ra thị trường quốc tế, vơ vét và tích trữ nguyên liệu, vơ vét thợ thuyền và trả lương gấp năm gấp 10 giá thường, rồi bỗng dưng trên thị trường khô cạn hết sơn. 200.000 một thùng sơn sống kiếm đâu cũng không có, thợ sơn thất ngiệp cũng nhiều nhưng những yêu sách về lương lậu không giảm vì cũng như mọi thứ khác đã lên thì không xuống được nữa. Tôi đương phải làm một bức tranh lớn (5m40x2m00) mà nhận công việc 9 tháng rồi làm vóc chưa xong vì vấn đề khan hiếm nguyên liệu với nhân công. Anh ở xa không biết chứ đời sống ở xứ mình nó bấp bênh như vậy, nghệ sĩ như cái bèo cái bọt, ba chìm bảy nổi, sống cho qua ngày tháng để làm tròn cái nghề nghiệp của mình, hơi đâu tìm kiếm gì ở tận xa xôi. Tôi thường nghĩ đến nếu có một galerie nào mê cái sơn mài của ta mà đặt commande để tôi sản xuất đều đều thì tôi cũng không dám nhận nữa trong tình trạng hiện nay xứ mình. Vả chính tình trạng tuổi tác và sức khỏe của tôi cũng không cho phép tính toán một kế hoạch gì dài hạn quá. Anh đừng buồn vì sự bàn tính của chúng ta từ trước tới nay chưa đạt tới một kết quả nào.

Nhưng đọc thư hôm rồi của anh, tôi đã thoáng thấy một cái gì cụ thể và vừa phải, tôi có thể làm được, để tạ lòng người bạn tri kỷ bấy lâu nay khăng khít thắm thiết như vậy với sơn mài. Bây giờ chúng ta đặt nguyên tắc là anh muốn có một hai tác phẩm sơn mài do tôi làm, và tôi sẽ làm hầu anh – chứ không phải một thẩm mỹ gia nào – kích thước thì nhỏ nhất là 37cmx45cm, lớn hơn mà cũng còn dễ mang để trong valise là 45cmx60cm. Nhưng muốn được thoải mái ít ra cũng 60cmx80cm, nhất là loại non figuratif, anh cũng biết, càng lớn càng khoái mà cũng càng khó nữa. Giá tiền là (theo thứ tự) 120.000$, 200.000$, 400.000$, đại khái căn bản là 800.000$ m2. Cách trả tiền thì đối với bạn bè rất chun rãn, có những người có tiền thì tranh chưa được nét bút nào đã trả hết, những bạn nào eo hẹp hơn thì làm như đóng hụi cũng xong. Như chị Long, anh B.S. Quát, B.S. Hồng, Đôn, v.v. đều dùng phương thức đóng hụi ấy cả.

Hôm anh chị Quýnh tới tôi thì cũng không có bức tranh nào sẵn cả. Rất tiếc. Nói gượng thì có một bức nhỏ 37x45 cũng phải 2 tháng nữa mới xong. Nhưng thực ra nếu là làm cho anh thì tôi không hài lòng gì. Làm cho anh tôi nghĩ to nhỏ cũng phải cái gì đích đáng hơn thế. Chẳng hạn nhỏ như loại ấy tôi sẽ làm một cái gì nhẹ nhàng như thủy họa, hoặc một tính chất nặng hơn thì cũng không có vẻ quá kỳ cọm. Bây giờ nguyên tắc đã đặt ra rồi chỉ còn vấn đề có 'dịp' có người mang sang cho anh. Tranh nhỏ thì dễ rồi, nhưng nếu anh muốn có tranh cỡ 60x80 chẳng hạn, để tiêu biểu rộng rãi sơn ta hơn thì một hai cái có dịp 'nhảy dù' sang đó, tôi nghĩ không phải chuyện khó khăn gì. Anh có tranh rồi, tìm người gửi đi không phải là một kế hoạch đại quy mô làm ăn buôn bán xuất cảng mà ngại.

Tôi nói như vậy, nhưng sự thực chính tôi không có phương tiện lo về những chuyện ấy. Tôi chỉ biết, anh đồng ý rồi kể từ nay làm được cái nào đắc ý là tôi để phần anh, trong những cỡ kể trên tùy anh lựa chọn.

Tôi đã có ý gửi ngay thư này sang anh ngay, vì tôi cũng nóng ruột không biết về vấn đề cái tranh lớn ở Paris hai ông bà bạn già của tôi xoay xỏa ra làm sao. Nhưng vì đã hẹn với anh Quýnh mấy hôm nữa lại lấy thư nhờ anh Nam mang đi chuyển anh.

Xin anh coi có thể làm được gì, liên lạc thì địa chỉ như sau: Mme A. Drouin, 77 Boulevard Suchet, Paris 16e.

Tôi gửi anh photocopie một bức ảnh trong báo Indochine xuất bản ở Hà Nội 1944.

Thân mến,

Nguyễn Gia Trí

Lá thư cuối cùng này cho thấy:

Phạm Tăng vẫn kiên trì giữ ý định tiếp tục mua tranh của Nguyễn Gia Trí để bán ra nước ngoài. Một hình thức giúp bạn, đồng thời giới thiệu nghệ thuật sơn mài của Nguyễn Gia Trí ra ngoại quốc. Năm 1974, giá tranh Nguyễn Gia Trí đã tăng lên 800.000$/m2, nhưng tính sang đô la, cũng chỉ có 1142 đô la/m2.

Điều này chứng tỏ năm 1974, đời sống kinh tế vẫn khó khăn, tiền vẫn sụt giá, nên tranh tiếp tục mất giá. Nguyễn Gia Trí nhấn mạnh đến sự xuống cấp trầm trọng này, như sau:

"Nhưng những trở ngại hiện giờ còn gấp mười gấp trăm lần những trở ngại trước đây, không nói xa xôi gì về tình trạng chiến tranh chính trị, kinh tế tài chánh. Hãy nói gần là nghề làm sơn mài hiện nay cũng lâm vào cảnh khốn đốn, bị lũng đoạn vì những bàn tay bí mật xua tư bản vào chiến dịch sản xuất sơn mài đem ra thị trường quốc tế, vơ vét và tích trữ nguyên liệu, vơ vét thợ thuyền và trả lương gấp năm gấp 10 giá thường, rồi bỗng dưng trên thị trường khô cạn hết sơn. 200.000 một thùng sơn sống kiếm đâu cũng không có, thợ sơn thất ngiệp cũng nhiều nhưng những yêu sách về lương lậu không giảm vì cũng như mọi thứ khác đã lên thỉ không xuống được nữa".

Họa sĩ còn cho biết, năm 1974, ông cũng đang bắt đầu làm một bức tranh lớn:

"Tôi đương phải làm một bức tranh lớn (5m40x2m00) mà nhận công việc 9 tháng rồi làm vóc chưa xong vì vấn đề khan hiếm nguyên liệu với nhân công".

Câu này cho thấy ông đã bắt đầu làm bức tranh Vườn Xuân Nam Trung Bắc do bác sĩ Bùi Kiến Tín đặt từ năm 1973. Đến năm 1975, ông làm chưa xong, bác sĩ Tín di tản ra nước ngoài. Họa sĩ đã dành những năm tháng kế tiếp để hoàn thành tác phẩm.

Theo Đinh Cường, năm 1991, họa sĩ được mời ra Hà Nội, sau đó Uỷ Ban Nhân Dân TPHCM quyết định mua với giá 600 triệu đồng (100.000 đô la) và hiện nay, kiệt tác Vườn Xuân Nam Trung Bắc được trưng bày ở Bảo Tàng Mỹ Thuật TPHCM

nguyengiatri_vuon-xuan-nam-trung-bac

Vườn Xuân Nam Trung Bắc, Bảo tàng Mỹ Thuật TP Hồ Chí Minh

Bức tranh lớn nhất của Nguyễn Gia Trí

Nhưng điều quý giá nhất trong bức thư viết ngày 2/ 8/ 74 này là họa sĩ cho biết những thông tin về bức tranh lớn nhất của ông, thực hiện cho ông bà Drouin.

Về bức tranh này, Hoàng Hưng viết: ""Thiếu nữ trong vườn", tác phẩm cỡ lớn nhất trong cả đời sáng tác của Nguyễn Gia Trí gồm 6 tấm, tổng cộng 12 m2 bán cho ông bà Drouin, Giám đốc Sở Điện Nước Miền Bắc Đông Dương"[1]. Con số 6 tấm là sai, thực ra là 10 tấm.

Trong thư trên, Nguyễn Gia Trí nhờ Phạm Tăng kiếm người mua hộ bức tranh này cho ông bà Drouin, nay đã già yếu:

"Số là ở Paris, có ông bà Drouin (77 Bd Suchet, Paris 16e) là những người tôi quen biết từ thủa còn học Trường Bưởi, đã khuyến khích tôi trong sự học hành và tôi cũng còn chịu ơn cứu mạng nữa. Hồi 1942-45 tôi có làm cho ông bà D. một bức tranh lớn (3m10x4m40) gồm 10 tấm sơn mài ghép lại, vẫn để ở 51 Av. George Mandel, Paris 16e vì nơi ở hiện tại quá chật hẹp, muốn bán đi".

Vậy, ông bà Drouin là ân nhân của Nguyễn Gia Trí, không những đã khuyến khích họa sĩ trong việc học hành, và hoạ sĩ còn chịu ơn cứu mạng nữa.

Cứu mạng trong hoàn cảnh nào? Khi ông bị Pháp bắt giam năm 1941-1943 cùng với Hoàng Đạo và Khái Hưng, lúc đó ông bị Pháp đánh đập tàn nhẫn. Chắc không phải, vì vẫn trong bài viết đã dẫn ở trên, Hoàng Hưng cho biết: Công sứ Cresson đã bảo lãnh cho ông ra tù năm 1943. Vậy, có thể ông bà Drouin đã "cứu mạng" Nguyễn Gia Trí năm 1946, bằng cách giúp ông trốn khỏi sự lùng bắt của Việt Minh để chạy sang Tàu?

Bức tranh "Thiếu nữ trong vườn", năm 1974 hai ông bà Drouin muốn bán lại, và nhờ Nguyễn Gia Trí tìm người mua giùm, không biết việc này đi tới đâu, nhưng năm 1998, chúng tôi được xem tuyệt tác này trong cuộc Triển lãm Paris-Hà Nội-Sài Gòn tại Pavillon des Arts (Forum des Halles) từ ngày 20/3/1998 đến ngày 17/5/1998.

Cuộc triển lãm quy mô này đặt dưới bối cảnh trình bày hành trình lịch sử hội họa hiện đại Việt Nam, từ khi Pháp thành lập trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương năm 1925 đến năm 1998. Chia làm ba thời kỳ:

- Thời kỳ Đông Dương, 1925-1945 với tác phẩm của Victor Tardieu (giám đốc sáng lập, 1925-1937), Evariste Jonchère (giám đốc, 1938-1944), Joseph Imguimberty, Alix Aymé... và của những họa sĩ đầu tiên: Nam Sơn, Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Thứ, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị, Hoàng Tích Chù, Tạ Tỵ.

- Thời kỳ chiến tranh từ 1946 đến 1975 với Diệp Minh Châu, Văn Cao, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Trung Tín.

- Thời kỳ đổi mới từ 1988 đến 1998 với Nguyễn Trung, Đỗ Quang Em, Trần Lương, Trương Tân, Đinh Ý Nhi...

Tác phẩm của Nguyễn Gia Trí được đánh số 40, ghi ở bên cạnh như sau:

Nguyễn Gia Trí

Les fées

Laque

1936-1937

290-440 (10 panneaux)

Collection Géraldine Galateau

LesFees1

Thiếu nữ trong vườn

Tác phẩm này được chụp ảnh trong vựng tập Paris Hà Nội Sài Gòn do Paris Musées xuất bản năm 1998: Một bức ảnh toàn thể (nhỏ) và một bức trích 4 panneaux (phóng lớn).

Tên tranh Les Fées (Tiên nữ) có lẽ do Géraldine Galateau chủ nhân của bức tranh, đặt sau này. Còn tên Thiếu nữ trong vườn do Hoàng Hưng ghi lại có lẽ là tên gốc của Nguyễn Gia Trí, không biết Hoàng Hưng chép lại ở đâu. Nhưng ghi vẽ năm 1936-1937, là sai. Theo lời họa sĩ viết trong thư trên đây thì ông sáng tác năm 1942-1945, tức là ông đã phác họa tranh từ khi còn ở trong nhà tù Vụ Bản. Chiều kích 2m90-4m40, có sai chút ít, so với chiều kích Nguyễn Gia Trí ghi trong thư: 3m10- 4m40. Số panneaux đúng là 10 tấm.

LesFeesDetail

Thiếu nữ trong vườn (chi tiết)

Chúng tôi đã ghi lại cảm nhận khi đứng trước kiệt tác này như sau:

"Người xem dừng lại, sững sờ và kinh ngạc trước chiều kích hội họa Nguyễn Gia Trí. Tác phẩm ngoại hạng trong nhiều khiá cạnh: Ở đây, hồn Việt Nam bay bổng trên thượng từng nghệ thuật. Mầu sắc, đường nét tạo nên giấc mơ hoành tráng của con người: Những đường cong dị kỳ, những dáng dấp tiên nga trần thế, thẫn thờ, úp mở trong điệu múa nghê thường mà lại vô cùng trần tục, một vũ trụ mơ-thực giao thoa trong không gian vàng diệp, vừa rực rỡ vừa u buồn như quá khứ đang hồi sinh trong hiện tại và mời gọi tương lai.

Có nỗi ám ảnh của thể nữ thiên thần Botticelli trong hồn Giáng Kiều, có hừng sáng giấc mơ Chagall gọi về cõi thiền xa xăm trong khóm trúc. Nguyễn Gia Trí đã làm sống lại trong sơn mài những chất, những mầu không còn tại thế: một mầu sồng cửa Phật, một chút sơn son thiếp vàng Bích Động Hoa Lư, một thời lãng mạn Loan-Nhung trong đoạn tuyệt lạnh lùng, một dáng áo Lemur Cát Tường thoảng trong gió chiều Thê Húc. Tất cả dừng lại ở đây trong khoảnh khắc Paris hiện tại này.

Nguyễn Gia Trí đã cấu tạo không gian lịch sử và văn hoá Việt, ngoài cõi Việt, phi thời gian, trên những lá vàng, vỏ trứng, chất gỗ, sơn mài, đường nét: tất cả tung bay trong không gian hội họa huyền bí của hôm nay mà có cả xưa, sau."[2]

Paris 2019

Thụy Khuê sưu tầm và biên soạn

thuykhue.fr.fr


[1] Hoàng Hưng, Nguyễn Gia Trí, bậc đạo sư của sơn mài nghệ thuật, in trong sách Những người lao động sáng tạo, nxb Lao Động, 1998. Có thể đọc trên mạng: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=13595&rb=0202.

[2] Trích bài Triển lãm hội họa Paris-Hà Nội-Sài Gòn, phát thanh trên đài RFI, tháng 4/1998, in lại trong Hợp Lưu số 41 tháng 6/1998.