Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 29 tháng 10, 2020

Những lá thư của họa sĩ Mai Thứ

Thụy Khuê sưu tầm

image

 

Lời mở đầu

Ngày nay, chúng ta thực tình muốn biết Chu Văn An đã viết gì trong những bản điều trần gửi nhà nước (vua) khiến ông được lưu danh muôn thủa.

Ngày nay, chúng ta đã có đủ khoảng cách thời gian để nhìn lại lịch sử một cách trung thực và mục đích của tôi khi công bố những tài liệu dưới đây, là để cho mọi người biết tấm lòng của họa sĩ Mai Thứ đối với đất nước, dân tộc.

Tôi được biết, sau 1975, ba trí thức nghệ sĩ lớn: Hoàng Xuân Hãn, Mai Thứ và Lê Bá Đảng, đều mong muốn trở về Việt Nam làm việc để phục vụ dân tộc, nhưng việc không thành.

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, sẽ sàng kể lại rằng ông lấy làm tiếc đã không về được nước để làm việc, để đọc những văn bia tại chỗ, để bổ sung những thiếu sót trong sách, hoặc để giảng dạy học trò... Nhưng ông chỉ nói với những ai có dịp gần cận, và tôi đã có may mắn ấy. Học giả không viết lên giấy những bực bội của mình, nên chúng ta không có chứng từ hiển nhiên.

Hai họa sĩ Mai Thứ và Lê Bá Đảng có những phản ứng trực tiếp và mạnh bạo hơn nhiều.

Lê Bá Đảng đã từng nói thẳng về vấn đề này, trong những câu chuyện riêng tư hay khi ông trả lời phỏng vấn của chúng tôi, ông còn viết thành văn bản những chương trình mỹ thuật đồ sộ ông hoạch định để giúp nước như thế nào; kể lại việc ông về nước năm 1976, "xin" vào quốc tịch Việt Nam, bị Lê Đức Thọ từ chối bằng những lời khiếm nhã ra sao, khiến ông giận, trong 16 năm không về nữa. Hành trình của Lê Bá Đảng, tôi sẽ trình bày trong một dịp khác.

Họa sĩ Mai Thứ cũng đã phẫn nộ và ông viết thư cho người "có thẩm quyền" biết, từ năm 1975, và chúng ta sẽ được đọc thư của ông dưới đây.

Mai Thứ là một trong những danh họa hàng đầu của Việt Nam, nhưng rất ít người Việt được nhìn thấy tận mắt tác phẩm của ông, vì ông sống ở Pháp. Ông học khoá đầu trường Mỹ thuật Đông Dương, cùng với Nam Sơn, Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Lê Văn Đệ... Ra trường năm 1930, ông dạy học và sáng tác tại Huế. Năm 1937, ông sang Pháp dự triển lãm rồi ở lại. Ông là một trong bốn họa sĩ Việt Nam đầu tiên đã thành danh tại Pháp: Mai Thứ, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm và Lê Thị Lựu.

Họa sĩ Mai Thứ trở về nước hai lần, lần đầu, năm 1962, ông về Sài Gòn 5 tháng. Sau sự đàn áp Phật giáo khiến nhiều nhà tu hành tự thiêu, ông giữ khoảng cách với chính quyền trong Nam và sau khi quân Mỹ vào miền Nam, từ 1966, ông chống Mỹ.

Tết năm 1974, ông đi cùng phái đoàn Việt Kiều, về Hà Nội.

Trong tập tư liệu của ông Ngô Thế Tân, chồng họa sĩ Lê Thị Lựu trao cho tôi lưu giữ, có năm lá thư của họa sĩ Mai Thứ mà tôi công bố hôm nay, chia làm hai loại:

- Thư "chính thức" gồm:

Tài liệu 1: Thư gửi ông Võ Văn Sung, Đại sứ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại Pháp, năm 1975.

Tài liệu 2: Thư gửi ông Huỳnh Trung Đồng, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Pháp, năm 1979.

Tài liệu 3: Thư viết tay gửi bà J. Phi, một nhân vật trong giới Việt Kiều, năm 1980.

Ba lá thư này, Mai Thứ đều làm bản sao gửi các bạn thân như Lê Thị Lựu và ông Ngô Thế Tân còn lưu giữ trong hồ sơ.

- Thư riêng, gồm hai bức thư viết tay gửi Lê Thị Lựu:

Tài liệu 4: Thư viết ngày 13-7-79, báo tin bệnh tim của ông có dấu hiệu báo động đầu tiên.

Tài liệu 5: Thư viết ngày 20-8-80, kể lại vụ ông bị đột qụy, hai tháng trước khi ông qua đời.

Nhân đây, chúng tôi cũng xin đính chính một điều gần đây được đưa lên Internet[1] không đúng về ông Ngô Thế Tân:

Ông Ngô Thế Tân là kỹ sư canh nông, làm công chức ngạch Đông Dương của Pháp. Cuối năm 1939, ông nhận sự thuyên chuyển qua Pháp làm việc thay các đồng nghiệp Pháp phải nhập ngũ. Ông không "giúp đỡ" gì cho "hoạt động cách mạng", và ông cũng không lên "Tuyên Quang", bởi vì ông bà Ngô Thế Tân - Lê Thị Lựu, đã đáp tàu Jean Laborde đi Pháp tháng 3 năm 1940, mà ông Hồ Chí Minh chỉ về nước lần đầu, năm 1941. Năm 1956, ông Tân trở về Việt Nam làm việc, công tác ở Bộ Ngoại thương, bà Lựu ở lại Pháp. Đến cuối năm 1958, vì bệnh lao tái phát, ông phải về Pháp điều trị. Ông Ngô Thế Tân mất ngày 25-2-1997[2].

Sự tạo dựng nên câu chuyện gặp gỡ, thân quen với một nhân vật, và tô điểm tiểu sử nhân vật đó, vì bất cứ lý do gì, là điều không nên làm, vì sai sự thật.

*

Tài liệu 1: Thư gửi ông Võ Văn Sung, ngày 16-1-1975.

Tài liệu này bị thiếu trang chót, tuy nhiên vẫn có giá trị, vì là bức thư họa sĩ Mai Thứ gửi cho ông Đại sứ Võ Văn Sung, ngày 16-1-1975, lúc chiến tranh chưa chấm dứt, để ông Sung chuyển về Chính phủ miền Bắc: ông đề nghị một chương trình hoạt động giúp đỡ nền mỹ nghệ Việt Nam, huấn luyện một số người trẻ, tổ chức lại cách làm việc và ông tình nguyện về làm việc không lương trong sáu tháng. Nếu được, thì tháng 9-1975, ông sẽ trở về.

clip_image006

clip_image008

Thư Mai Thứ gửi Võ Văn Sung

Paris ngày 16 tháng giêng 1975

Kính gửi ông Võ Văn Sung Đại Sứ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại Pháp

Thưa ông Đại Sứ,

Hồi Tết năm 74 tôi may mắn được về thăm nước nhà, thăm họ hàng, thăm bè bạn,

Nhân dịp đó tôi có ngỏ ý với các anh em trong khoa Mỹ thuật muốn đi coi các Mỹ nghệ Việt nam hiện giờ. Tôi đã được đi rất nhiều nơi, và nhận thấy rằng: Mặc dù gần ba mươi năm chiến tranh liên tục, nước bị tàn phá, nhà bị tiêu tan, gia đình bị chia cắt, vậy mà đồng bào ta lúc nào cũng giàu lòng làm việc, không ngại gian khổ, khó khăn. Thật vậy, tôi rất lấy làm phấn khởi, và càng động viên anh em thêm nữa. Tôi có ngỏ ý muốn được về để cùng với các anh em ấy làm việc, thì mọi người đều hoan nghênh cái ý kiến đó.

Tôi tự nghĩ rằng mỹ nghệ Việt Nam cần được khuyến khích và ủng hộ một cách triệt để vì nó có thể đi xa nhiều hơn nữa. Phần đông người Á Đông vẫn được tiếng là khéo léo, mà dân Việt Nam ta ngoài cái khéo léo, lại thêm được có óc sáng kiến, và cái tài áp dụng dễ dàng bất cứ về phương diện nào. Trong giai đoạn chiến tranh vừa rồi ta đã được thấy rõ. Bởi vậy ta phải phát huy hơn nữa cái tài, cái óc đó, nếu không thì thật là uổng. Không cần nói thì ai cũng thấy là về kinh tế nước ta còn thấp kém, cho nên cần phải tìm hết cách để sản xuất và bán ra nước ngoài. Trong các món hàng xuất ngoại thì đồ mỹ nghệ chiếm một phần lớn vì nó là một món hàng có thể bán được nhiều nếu ta tăng cái phẩm chất của nó lên phần nào đó. Muốn vậy thì ta phải theo mấy điểm chính bất di bất dịch như sau này:

1- phải có vẻ mỹ quan

2- phải có tính cách thông dụng

3- phải theo truyền thống và giữ cái đặc tính Á Đông dù là tìm kiểu tân tiến theo thời.

Từ bao nhiêu năm nay tôi vẫn để tâm đến vấn đề này, và vẫn thường mong mỏi một ngày kia được về nước cùng với đồng bào trong nước làm việc trong ít lâu. Cái nguyện vọng đó mà thực hiện được thì tôi rất lấy làm sung sướng là đã làm một việc gì có ích cho nước nhà.

Nếu bây giờ Chính Phủ cần mà kêu gọi thì tôi sẽ rất vui lòng nhận lời ngay, và tình nguyện về làm việc không lương trong một thời gian là sáu tháng.

Vậy tôi thành thưc xin nhờ Đại Sứ chuyển về bên nhà. Nếu Chính Phủ chấp nhận và gọi về thì đến tháng Chín 1975 tôi xin về. Từ đây đến đó tôi còn phải thu xếp công chuyện gia đình, tính toán công việc với cửa hàng tôi vẫn làm, đồng thời tôi cũng phải sưu tầm tài liệu có thể giúp ích cho việc làm sau này.

Nếu được về thì tôi sẽ trù tính một chương trình như thế này:

A- Huấn luyện một số anh em trẻ chuyên việc sáng tác các kiểu cho các ngành mỹ nghệ.

B- Đi thăm viếng các nơi trong nước, những nơi nào có chút thủ công bất cứ tư gia hay của nhà nước.

C- Sẽ do đó và cũng tùy theo điều kiện, tùy tình thế từng nơi, từng chỗ mà tìm cách, hoặc tu bổ, hoặc tổ chức lại cách làm việc, làm thế nào cho nó thuận tiện hơn, mau lẹ hơn, và không phí sức khỏe.

Chương trình này tôi tính có thể thực hiện được một phần lớn trong thời gian sáu tháng, nếu được các bạn bên nhà chuẩn bị trước khi tôi về. Chuẩn bị về mặt lựa các bạn trẻ, tôi xin gợi ý, nên lựa 10 người ở trường

*

Tài liệu 2: Thư gửi ông Huỳnh Trung Đồng ngày 1-11-1979

Năm năm sau khi gửi lá thư đầu cho ông Đại Sứ, không được trả lời, họa sĩ Mai Thứ viết bức thư thứ hai, toàn diện và quyết liệt hơn, về mọi vấn đề, nhấn mạnh đến việc ông không về được, chứ không phải ông không được về. Trong thư này, họa sĩ phê phán những lời tuyên bố phản dân chủ của bà sơ Vendermerch trên các đài truyền hình Pháp năm 1979. Ông phản bác tinh thần Ái quốc hẹp hòi và phê bình chính sách cai trị của chính quyền đưa đến thảm họa thuyền nhân.

clip_image010

clip_image012

clip_image014

clip_image016

clip_image018

Thư gửi Huỳnh Trung Đồng

Paris ngày 1 Nov 1979

Kính gởi anh Huỳnh Trung Đồng

Chủ tịch Hội người V.N. tại Pháp

Chắc anh lấy làm lạ bắt được thơ này: sở dĩ tôi buộc lòng phải viết là vì Thu Trang đã nêu lên giấy câu chuyện của tôi định về nước làm việc, và cũng do đó mà anh đã nói với T.T. là nếu tôi không được về là lỗi tại tôi không gõ đúng cửa. (Xin mở ngay dấu ngoặc để nói rằng: Từ khi tôi ra nhận trách nhiệm với đời, với xã hội, đã được nửa thế kỷ rồi, từ việc công cho đến chuyện trong đời tư, không bao giờ tôi kiếm cửa ngang hay ngõ sau, bao giờ cũng đường hoàng đi cửa chính, xin đóng dấu ngoặc).

Trước khi vào đề tôi xin nói rõ: thơ này không có văn vẻ hoa hòe gì hết và cũng không quanh co quắt quéo, tôi nói thẳng vào đích, và sẽ có thể có những câu không được nhẹ nhàng, nên xin lỗi trước.

Việc tôi định về, tôi cần phải nói rõ tại sao tôi không về được cho khỏi có những sự hiểu lầm, ngay trong vòng những người tôi quen.

1974, tôi cùng với Đoàn được về thăm nước và thăm gia đình, tôi về với một tâm hồn rất thoải mái và phấn khởi, chủ định thế nào cũng phải đi coi hết các ngành Mỹ nghệ nước nhà. Bởi vậy khi tới nơi, ngoài mấy ngày đón tiếp với đoàn, và bảy ngày đau nằm liệt giường, tôi đã cùng với một bạn phụ trách Mỹ nghệ đi coi khắp nơi trong tỉnh và ngoài tỉnh, nơi nào tôi cũng nhận thấy cần phải khuyến khích, không những về mặt mỹ thuật, cả đến điều kiện và tổ chức làm việc cần phải thêm hoặc bớt để mà nâng cao sức sản xuất. Đến đâu tôi cũng nói chuyện với các anh em thủ công, và có hứa, nếu anh em bằng lòng, tôi sẽ về cùng nhau làm việc trong 6 tháng. Ai nấy đều hoan nghênh ý kiến đó. Sau đó tôi trực tiếp với các bạn ở bộ Văn hóa và bộ Ngoại thương, rồi tới Thủ tướng P.V.Đ. [Phạm Văn Đồng], ai ai cũng đều tán thành và bảo rất nên về. Như vậy là tôi đã đi theo từ bản gốc cho đến trên ngọn, chắc anh cũng công nhận là đúng?

Ngày 16 tháng giêng năm 75 tôi biên một lá thơ chính thức (officielle) trình bày một chương trình rõ rệt để làm việc trong 6 tháng, và nhờ Đại sứ... chuyển giao về Chánh phủ (voie hiérarchique) nếu chánh phủ bằng lòng tôi sẵn sàng và rất vui lòng về ngay làm việc. Gõ cửa như vậy có đúng không, nếu có cửa nào khác anh cho tôi biết.

Năm năm qua, không có tin gì cả, thực là lạ!! Ở các nước tư bản hay đế quốc như bên Pháp này chẳng hạn, ngay như những kẻ quét đường, nếu họ biên giấy yêu cầu việc gì, họ đều có quyền được thư trả lời, huống hồ bức thơ chính thức của tôi đề nghị một vấn đề xây dựng nền Mỹ nghệ V.N. và do đó có thể liên hệ một phần nào tới nền kinh tế nước nhà; vậy mà năm năm qua, biểu đồng tình hay không biểu đồng tình, tuyệt nhiên không có một lời một chữ phúc đáp... Thái độ như vậy, các bạn nghĩ coi: nên đáng buồn hay đáng trách.

Nhưng mặc dầu thái độ thế nào, riêng lòng tôi, tôi rất ân hận là không giữ được lời hứa để về cùng làm việc với các anh em. Các bạn bên Mỹ thuật cũng ở trong trường hợp như vậy: L.B.Đ. [Lê Bá Đảng] muốn giúp rất nhiều mà cũng không giúp được gì cả. Hai bên M.n. [Mỹ nghệ] và M.t. [Mỹ thuật] đều có khả năng, sẵn lòng hăng hái làm việc (nhất là các anh em M.t. Thiếu đủ mọi thứ: Giấy bút thuốc...). Họ chỉ muốn làm để mà đủ sống, và có thể một phần nào nâng cao trình độ Mỹ-thuật và Mỹ-nghệ V.N. để có thể cạnh tranh với thiên hạ, và do đó có thể «làm tiền» được cho nước. KHÔNG!! Họ không được phép làm. TẠI SAO???

Tôi nhớ lại mấy lời của bà sơ Vandermerch nói trên đài Télé về hai chữ Tự-do V.N.: «Tự-do bên V.N. hiện giờ không phải là tự do làm giầu cho mình, hay làm những việc tồi bại. Tự-do V.N. bây giờ là Tự-do sinh sống, Tự-do làm việc của DÂN-CHÚNG» (xin miễn bình phẩm)

Ân hận, rồi lại thêm phẫn uất: Phẫn uất vì thấy mình có khả năng làm ra tiền, không nhiều thì ít, mỗi chỗ một ít cũng thành ra nhiều, vậy mà phải bó tay không được làm gì, mà để tay đó ngửa ra xin thiên hạ từng xu, như vậy tôi cho là nhục rồi. «Tự giúp mình đã rồi trời sẽ giúp sau», quên rồi sao? Không tự giúp mình, đợi họ giúp, bây giờ họ giúp thẳng cho người di tản, họ bảo lỗi tại V.N., lại thêm nhục lần nữa.

Xin tiền của đồng bào hải ngoại, lẽ tất nhiên là đồng bào ai mà chẳng có tâm hồn hướng về đất nước, dầu xa cách lâu năm, ai mà chẳng có bà con họ hàng thân thích, lẽ tất nhiên là người cho ít kẻ cho nhiều, tùy theo lực lượng từng người, chả cần phải khêu gợi bằng những danh từ to lớn như: ân nhân, sổ vàng sổ bạc, ái quần ái quốc... Làm cho tôi nhớ lại hồi còn phong kiến, biết bao nhiêu người đã sạt nghiệp để mua cái hàm cửu phẩm, cái chức ông nghị, cái huy chương long bội tinh v.v... Tuy là thể hiện nó khác nhau, nhưng tinh thần và óc háo danh vẫn in hệt, đáng buồn! Nếu chỉ bỏ ra trăm, nghìn, vạn, nếu chỉ ra công trường nói mấy câu sáo, hô vài khẩu hiệu mà được danh là ÁI QUỐC, chẳng hóa là dễ dàng lắm sao? Biết bao nhiêu người đã hy sinh tính mạng vì ái quốc, biết bao nhiêu người nếm mùi tù ngục cũng vì ái quốc, nhưng tiếc thay, cũng biết bao nhiêu người đã lợi dụng hai tiếng đó, và nhiều khi lạm dụng giữ làm độc quyền. Không! Chữ Ái Quốc không phải là của riêng của một người hay nhóm nào cả, ai cũng có quyền có hai chữ đó... nhưng ai mà có gan dám nhận, những người chân chính, họ để cho hậu thế xét xử. Thời gian còn dài để mà suy xét, và có thể nó cũng rất ngắn để thay đổi thời cục, thay đổi cả óc con người. Những sự xảy ra trong vòng 40 năm nay là những chứng cớ hiển nhiên. Các nhà sử học, trừ những trường hợp rõ rệt, ai đã dám quả quyết rằng người này là ái quốc người kia là phản quốc. Vì thế nghĩa hai chữ đó rất phức tạp và khó giải, nên không thể dùng nó một cách khinh xuất được (à la légère), cũng như dùng hai chữ Tự-Do, nó cao quý thiêng liêng gấp bao lần hai chữ Ái Quốc. Vì Ái Quóc nó chỉ quanh quẩn trong một phạm vi bé nhỏ, và rồi đây, cũng chẳng bao lâu nữa họ sẽ gác vào Bảo Tàng Viện, vì đã bắt đầu đến Thời Đại Liên-Châu, và ít lâu nữa sẽ tới Liên Hành Tinh, nên hai chữ Ái Quốc nó sẽ không còn nghĩa lý gì cả, Còn hai chữ Tự Do nó to lớn bao la cả Vũ Trụ, cả Nhân Loại. Chứ không như nhiều người tưởng lầm nó chỉ quanh quẩn chung quanh hồ Hoàn Kiếm, ngồi câu cá trước cái biển đề «Cấm câu cá», đó là tự do! Một là họ khinh rẻ chữ Tự Do, hai là có lẽ họ không hiểu cái nghĩa cao quý của nó cho nên mới trộn lẫn với vô kỷ luật.

Họ có biết đâu rằng từ thủa Tạo Thiên Lập Địa tới giờ, hàng Triệu, hàng Ức, hàng Tỉ người đã hy sinh để giữ hoặc để giành lấy Tự Do. Đến ngay loài súc vật cũng muốn Tự do. Đến ngay loài súc vật cũng muốn Tự do. Dân tộc V.N. mấy nghìn năm nay đã bao phen hy sinh chống xâm lăng để giành lấy Tự do và Độc lập... thế rồi đây, cũng vì hai chữ Tự do mà biết bao nhiêu người từ bình dân cho đến trí thức đã phải liều mạng bỏ xứ sở... bỏ nhà cửa, bỏ mồ mả ông cha, bỏ tài sản có khi chẳng có gì, nhưng phải biếu chánh phủ, nghĩa là bỏ hết lại, chỉ còn hai bàn tay trắng ra đi (đây tôi không nói gì đến người Hoa, và những kẻ vì trường hợp đặc biệt phải trốn cho yên thân).

Viết đến đây tôi cảm thấy một mối buồn vô hạn, vì mấy lâu nay thường nghe trên đài hoặc báo, thấy những lời tuyên bố về việc di tản, nghe và đọc chỉ toàn thấy đổ lỗi cho người khác: Trung Quốc xâm lược (đúng), Mỹ tàn phá cả nước bằng bao nhiêu triệu tấn bom (cũng rất đúng), còn V.N.? Theo tuyên bố thì V.N. không có gì đáng trách cả. Ông cha ta đã có câu: «Tiên trách kỷ, hậu trách nhân». Thử suy nghĩ xem mình có làm cái gì lầm lỗi không? Phải có một cái gì thì con dân họ mới bỏ hết để vào con đường chắc chín mươi chím phần trăm là chết, nghĩ thực là bi thảm.

Tôi nhớ lại tôi có biên một bức thơ dài cho một bạn ở bên nhà, trong đó có đoạn: Trên thế giới không có một dân tộc nào đã chịu cực khổ bằng dân tộc V.N. trong hơn 30 năm trời, và cũng không có một dân tộc nào có những đức tính đặc biệt như dân tộc V.N.: «Can đảm, Cương quyết, Nhẫn nại, Hy sinh». Vì những đức tính ấy mà dân tộc V.N. trong vòng 30 năm đã đánh bại hai cường quốc trên thế giới, làm cho đất nước được vẻ vang, và được hoàn cầu khâm phục. Với những đức tính đó mà dùng để xây dựng thì chẳng bao lâu V.N. sẽ được cường thịnh, dầu là nước bị phá hoại một phần lớn...

Nhưng mà không được, họ không có quyền làm, (đây tôi chỉ nói về hai ngành Mỹ nghệ và Mỹ thuật). Đâu là Tự do sinh sống, Tự do làm việc, của bà sờ Vdch [Vandermerch]... TẠI SAO?? Nhiều người thắc mắc muốn biết rõ.

Đã không được làm việc để mà sống, để mà hưởng một chút Hòa Bình sau mấy chục năm cực khổ, họ lại bị kiềm chế đủ mọi đường nhất là những trí thức, nhiều người có thiện chí cố ở lại để giúp nước, nhưng không được, không những họ bị kiềm chế một cách chặt chẽ, lại thêm có những người không đủ khả năng để kiểm soát. Còn dân chúng, họ bị đe dọa hằng ngày bằng cách nhẹ nhàng, và bó buộc bằng cách tâm phục (persuasion) phải tố cáo lẫn nhau, một hành động có thể cho là hèn hạ nhất trên đời, ngay những kẻ trộm hay cướp họ cũng còn trọng cái nhân phẩm của họ không bao giờ họ tố cáo kẻ khác, huống hồ là dân lương thiện...

Đó là những cái gì mà tôi đã nói ở trên, nó làm cho bao nhiêu người đã liều sinh mạng bỏ nước ra đi, đó là những giọt nước nó làm tràn ra ngoài bát, đó là bầu không khí hằng ngày mà một dân tộc anh dũng phải thở... Bà sờ Vandermerch còn nói: «những người bỏ ra đi là hèn nhát, họ trốn bổn phận làm dân, nhất là trong lúc nước cần phải kiến thiết.» Nhưng nếu bà là một phần tử trong nước, chắc bà cũng phải nhận thấy sự thực ra sao. Cũng như mấy người ngoại quốc và mấy nhà báo, làm sao họ thấy được «không khí» và dân V.N. rất trọng nhân phẩm, không bao giờ họ để lộ ra ngoài mặt, cái khổ tâm của họ.

Đó là một hiện tượng kỳ lạ hiện giờ ở V.N.: bầu không khí khó thở. Một di tản trí thức có nói: Pol Pot nó diệt dân bằng súng đạn, gươm giáo, thuổng cuốc, đào lỗ chôn sống... Còn V.N. diệt dân bằng hành hạ tinh thần. Tôi cho là quá đáng, và dám chắc không bao giờ có thể đi tới đến mực đó được.

Vài hàng rất thành thật để nói lớn lên những điều mà một số đông bà con nghĩ thầm trong bụng mà không muốn nói ra.

Xin kính chào

Mai Thứ

35 r. Dumoncel

Paris 14

T. B.

Đọc bài của 30 trí thức bên nhà gửi cho dân Pháp tôi thấy nói rằng có nhiều sự sai lầm. Có can đảm mà nhận như vậy là tốt, nhưng cũng phải có nhiều can đảm để diệt trừ hẳn đi chứ còn để nó trở lại thường ngày thì cũng chẳng hay gì. Và cũng nên có nhiều can đảm hơn nữa để nói rõ cho dân chúng cái thể chất những sai lầm ấy thế nào. Vì từ 45 tới giờ có vài sự sai lầm, nó đã mỗi lần làm cho bao nhiêu người chết oan.

Anh có nói với Lê Huy Cận rằng vì tôi không vào Hội Người V.N. Tại Pháp nên việc tôi định làm với Alliance hồi mấy năm trước, anh không muốn dự.

Hội [Người Việt Nam tại Pháp] thỉnh thoảng nhờ tôi việc này việc nọ, nếu có thể, không bao giờ tôi từ chối. Hai thái độ khác nhau ở chỗ đó... nó cũng là một lý do mà tôi không vào Hội. Còn nhiều lý do xác đáng hơn, quan trọng hơn nữa.

Anh là Chủ tịch có thể anh có tầm mắt xa và cao hơn mọi người, nếu anh muốn biết những lý do và hoạt động (cũng 1 lý do) ngoài nghề chính của tôi trong vòng 40 năm nay, mà rất ít người biết, tôi sẵn sàng cho anh hay, và rất vui lòng tiếp anh một buổi tại xưởng vẽ của tôi.

Anh cứ gọi điện thoại từ 13 – 14 giờ (để chuông lâu vì tôi điếc). Số điện thoại 327 67 13

Thơ này tôi in nhiều bản để gửi cho các người quen biết ở bên nhà và bên này để các bạn biết những lý do mà tôi không về được để làm việc.

*

Tài liệu 3: Thư gửi bà J. Phi, ngày 2-3-1980

Bà J. Phi là một nhân vật có tiếng trong giới Việt kiều Paris. Lá thư này liên quan đến việc tổ chức triển lãm UNESCO. Mai Thứ dứt khoát từ chối cộng tác và ông nói rõ lý do tại sao: trong năm năm [từ 1975 đến 1980] ông đã bốn lần thất vọng. Từ nay ông chỉ Kính-Nhi-Viễn-Chi.

clip_image020

clip_image022

clip_image024

Thư gửi bà Jeanne Phi

Ngày 2 Mars 80

T.g. Jeanne Phi

Trưa bữa thứ tư 27 Fév, J. có lại nhà để nói chuyện về triển lãm ở UNESCO, tôi nóng tính có hơi to tiếng một chút, vậy xin thành thật vài hàng để xin lỗi, và cũng tiện dịp để bày tỏ một cách rành mạch những mục điểm của tôi đối với việc này, và có thể đối với sự liên lạc của tôi với các bạn.

J. có nói: «mặc dầu ý kiến tư tưởng ra sao, phải nên nghĩ tới nước, tới dân chúng.» Phải, câu nói rất đúng lý; và tôi cũng đã nghe nhiều lần đã từ lâu, cả những hồi tôi về thăm nhà năm tháng tại Sg. năm 1962. Mấy chữ «Tổ quốc» nói ra một cách rất trang nghiêm trịnh trọng, những người nghe ai mà chẳng rung động cả tâm hồn.

Nhưng... khốn nỗi cứ phải nghe hoài, nghe hủy, rồi tự mình nghiệm thấy rằng phần đông họ chỉ nói để mà… nói (Pháp gọi là bla bla bla và VN có thể cho vào hạng nói Xạo) nghĩa là chỉ nói miệng mà Không làm gì cả. Đó là một chứng tật thiên nhiên của một số đồng bào. Tôi cũng thường nghĩ đến nước, đến đồng bào. Có thể nói rằng từ ngày tôi ra làm việc với xã hội nghĩa là hồi mới ra trường, trong mấy năm ở đất Huế, tôi đã cùng với vài bạn hết sức khuếch trương những đồ nội hóa ở trong nước. Rồi sang tới Pháp, bắt đầu từ 46 tôi vẫn thường nghĩ tới đất nước, tới VN độc lập. Tôi nghĩ nhiều mà làm cũng nhiều. Từ hơn 30 năm việc lớn có việc nhỏ cũng có, mỗi việc làm, mỗi hành động đều có liên hệ ít nhiều đến VN, và cũng một vài phần có kết quả. Cũng vì tôi không nói ra những công việc của tôi làm nên ít người biết tới, và cũng vì ít người biết nên có kẻ bảo tôi rằng «không làm việc gì cho nước mà lại chỉ trích luôn». Nếu phải đem so sánh các công việc, chưa chắc ai đã có thành tích hơn được.

Tôi vẫn thường nghĩ tới đất nước, tới dân tộc, và tôi nghĩ tới anh em Mỹ nghệ, Mỹ thuât nên tôi mới tình nguyện về giúp các anh em sáu tháng, mặc dầu thời cục khó khăn hồi đó ở nước nhà, mặc dầu công việc làm ăn, công truyện gia đình ở bên này không phải là nhỏ, là dễ.

Phải, tôi nghĩ tới «tổ quốc» tới dân tộc anh hùng đã thắng lợi môt cách vẻ vang về mặt binh bị và mặt chánh trị. Tôi nghĩ tới nước VN về mặt văn hóa cũng cần phải thắng lợi, bởi vậy tôi điều đình với học xá quốc tế để họ cho mượn phòng, và chung một phần để tố chức một tháng Văn Hóa. Tôi nghĩ cần phải có uy thế hơn nên tôi nghĩ tới Ủy Ban Tương Trợ một nhóm vừa mới ra đời, để mong có thể có kết quả lớn, nghĩa là được danh, được tiền cho Ủy ban, bởi thế nên tôi trân trọng mời Ủy ban dự và tổ chức cùng với học xá quốc tế. Rất tiếc rằng công truyện không thành. TẠI SAO? Ấy chỉ vì cái óc hẹp hòi của vài bạn, không nghĩ tới đại sự mà chỉ nghĩ đến những chi tiết nhỏ mọn, nghĩ tới đặt đít ngồi ghế cao, nghĩa là địa vị trước đã. Tranh dành mất hai buổi rốt cuộc vẫn ngồi dưới, nhưng mà họ đã gây ra một cái bầu không khí không được trong sạch lắm lắm. Thất bại cũng tại một phần vì đó. Còn lý do khác nữa nó buồn hơn và có thể sau này nó thành một trò hề... nói ra không tiện.

Nghĩ mà đáng buồn, và cũng đáng cười, vì, bất cứ thời đại nào, ở phương nào, hay chế độ nào: phong kiến, tư bản, độc tài hay xã hội, cái địa vị đối với người VN là duy nhất, hầu hết mọi sự (cả đại sự nữa) cái lối ăn trên ngồi trốc mà! Hàng bao nhiêu thí dụ trong mười mấy năm nay.

J. còn nói: Bây giờ hết quay về dĩ vãng và phải nhìn về tương lai (tôi không hiểu làm sao lại truy điệu Nguyễn Trãi!!) Tương lai VN? Nó còn mờ mịt lắm chưa thấy một chút tia sáng nào cả. Có lẽ là chưa phải lúc chăng, hay là cũng có thể bỏ hẳn dĩ vàng mà chỉ nhìn tương lai, nên tương lai chả thấy gì, mà những cái sai lầm, cái dở của dĩ vãng nó còn lại chưa hết hẳn, mấy năm lại một lần công bố sửa đổi hoặc diệt trừ nhưng có lẽ cũng chưa phải là lúc.

Tôi cũng nhìn về tương lai, nhưng tôi quay lại dĩ vãng để tránh những cái dở. Tôi nghiệm thấy rằng hơn 30 năm nay những công việc mà tôi cộng tác theo lời thỉnh cầu, phần nhiều bị Trắc Trở, bất mãn. Nói ra thì nhiều nói sao cho hết. Tôi chỉ lấy mấy việc gần đây trong vòng 5 năm qua: Ngoài hai việc lớn kể trên đều thất vọng, năm 77, buổi nói truyện ở đại học xá nói về ca dao VN: bất mãn, năm 78, truyện Tranh in (reproduction) cũng bất mãn.

Năm năm, thôi, bốn lần thất vọng. Như vậy mà còn muốn tôi còn cộng tác nữa sao? Với một cái óc eo hẹp, bủn sỉn như vậy làm sao mà làm được một cách hoàn toàn, ấy là nói nếu không có gì trắc trở. Nghĩ mà buồn, mà chán. Biết bao giờ mới có một chút thay đổi. Bao giờ mới phải là lúc.

Phải tôi cũng đợi cái Lúc đó. Lúc nào mà có cái Óc rộng rãi, Cao thượng, một tâm hồn Quảng đại, lúc đó nếu tôi chưa có cái may mắn lên thiên đường mà còn phải ở dưới phàm trần này, tôi sẽ vui lòng cộng tác một cách rất chân thành và tận lực.

Trong khi đợi cái LÚC đó, tôi đành phụ lòng các bạn Mỹ nghệ Mỹ thuật, mà lấy lại cái châm ngôn mà tôi đã gác bỏ từ năm 66 hồi giặc Mỹ nó đánh rất là khủng khiếp trên đất V.N. Châm ngôn đó là:

- KÍNH – NHƯ – VIỄN- CHI – các bạn

- Câu này dùng làm chấm rứt

Thân

- Mai Thứ

*

Tài liệu 4: Thư gửi hoạ sĩ Lê Thị Lựu ngày 13- 7- 79

Ông báo tin cho bạn biết, tình cờ đi kiểm tra sức khoẻ, bác sĩ khám phá ra ông bị bệnh tim khá nặng và bắt buộc ông phải nghỉ làm việc trong hai tuần, lúc đó ông đang sửa soạn cuộc triển lãm lớn và phải làm việc ngày đêm.

clip_image026

clip_image028

Thư gửi Lê Thị Lựu

13-VII-79

Lựu,

Nhận được thơ Lựu từ lâu rồi nhưng không trả lời ngay là vì bận lắm lắm, chắc Lựu cũng hiểu rồi và đáng lẽ, cũng từ giờ đến sang năm mới biên được. Nhưng ….. nhưng vì hôm thứ ba tuần trước đi lại Dispensaire [Chẩn y viện] làm bilan [kiểm tra], thì thầy thuốc cho biết có sự cảnh cáo rất nghiêm trọng về tim và bắt buộc phải nghỉ hẳn trong 2 tuần, bởi vậy mới có thì giờ mà nguệch ngoạc mấy chữ xuống thăm. Và thấy nói tránh được 1 tai nạn lớn [mưa bão] thì cũng mừng cho T L [Tân Lựu], nhưng hiện giờ, ở dưới đó cũng có vẻ nguy ngập. Có dính dáng gì đến vùng đó không?

Đang làm việc mà phải bỏ cả cũng hơi buồn. Còn phải làm ít ra hơn 1 chục cái nữa. Trong ba tháng không hiểu có kịp không. Nhưng dầu sao cũng không dám làm như trước nữa.

Ở dưới ấy thế nào, bây giờ chắc là sáng sủa lắm phải không. Như vậy làm việc đỡ mệt mắt. Nói đến mắt bây giờ mắt T [Thứ] cũng kém rồi nhưng cố làm việc rồi đến sang năm sẽ liệu.

Ở trên này hiện giờ trời cũng xấu, vì thế nên cũng mệt. Thêm mấy hôm nay trời mưa từng đoạn, vả lại T cũng chả đi đâu hết nên cũng không cần trời xấu tốt, mà nếu có đi course [mua bán] chỉ đi quanh quẩn đây thôi, đi chậm chạp như «ông cụ», Thế có chán không.

Tước [bác sĩ Trần Hữu Tước] có biên thư trả lời, coi giọng thì có vẻ cáu, cứ nhắc đi nhắc lại lòng yêu nước, nhưng… lại sợ tương lai không tốt đẹp cho hai đứa con, thực là mâu thuẫn. Nếu tin tưởng thì phải mừng cho các con chứ...

Hiện giờ một ít anh em định biên thơ về nhà để nói về việc dân tản cư, và xin chánh phủ cho biết cái chính sách hiện giờ ra sao.

Nhưng T thiết nghĩ dầu nói sao thì cũng vẫn thế, đường lối họ đi như vậy thì làm sao mà thay đổi được hết.

Chỉ có thay đổi người cầm đầu thì mới có sự mới mẻ. Nhưng làm thế nào.

Đợi xem thời cuộc ra sao.

Chúc T L mạnh

13-VII-79

Thứ

*

Tài liệu 5: Thư gửi ông bà Tân - Lựu ngày 20- 8- 1980

Sau đợt báo động sức khoẻ tháng 7-79, họa sĩ Mai Thứ làm việc trở lại để hoàn tất 50 tác phẩm cho cuộc triển lãm ở Galerie Vendôme, khai trương tháng 12-1979, đề tài Vũ trụ thơ Mai Thứ (L'Univers poétique de Mai Thứ). Sang năm 1980, ông chuẩn bị cho cuộc triển lãm "Một trăm tranh nhỏ"...

Lá thư dưới đây có giá trị đặc biệt, có thể là thư cuối cùng Mai Thứ gửi cho bạn. Ông đã mô tả chi tiết cảnh ông bị đột qụy, làm ta thấy rõ tình trạng cứu cấp bệnh tim ở Pháp năm 1980, và có lẽ sự chậm chạp này đã gây ra cái chết của ông hai tháng sau. Đồng thời cho ta thấy tình bạn khăng khít thâm sâu, giữa Mai Thứ và Lê Thị Lựu, đồng nghiệp, và cũng là người em gái tài ba và thân thiết nhất. Tất cả ba họa sĩ Vũ Cao Đàm, Lê Phổ và Mai Thứ đều thân thiết với Lê Thị Lựu trong suốt thời gian sống lưu vong trên đất Pháp, họ như chim liền cành, nhưng có lẽ Mai Thứ cưng chiều Lê Thị Lựu hơn cả, lá thư cuối cùng ông dành cho Lựu.

clip_image030

clip_image032

clip_image034

clip_image036

clip_image038

20 Août 80

Tân Lựu

Thật là số vận con Tiều. Anh em mình cùng số hẩm hiu không bệnh này thì lại bệnh khác. Đến cái tuổi nó rỗng tuếch cả rồi thì chỉ còn có đi mà đợi thôi.

Hiện giờ T [Thứ] lại trở lại nhà thương Broussais may ra thì tuần tới nó cho ra.

Nhưng không hiểu là nó có lại được sức khỏe không.

Trưa thứ bẩy 16 vừa rồi, cùng mấy bạn lên ăn ở Forum[3] ăn tỉm sắm rồi lại thêm mỳ mần thắn. Cả bọn no nê. Vợ chồng Hoan và Tiết, tôi đưa xe lên tận Forum. Khi sắp rời bàn thì tự nhiên bại cả một tay phải cho tới gần vai, tôi không dám nói ra sợ Tiết và Hoan sợ, nhưng thấy không có một lời nào cho gẫy gọn, thành ra cũng sợ. Không dám nói ra một lời nào hết. Tuy rằng vẫn sáng suốt, nhưng thực thì không thể thốt ra một câu nào. T cũng thấy Tiết và Hoan lo lắm và hai bà cứ ghì hai tay kéo đi, T cũng biết và cứ để hai bà kéo, kiếm xe taxi, mặc kệ xe để ở phố hẻm Forum từ mấy hôm nay rồi.

Đến nhà, vợ chồng Hoan kéo tôi vào, và thấy như người mất hồn. Tiết thì chạy vội về (cũng gần đó) để điện thoại, và may Tiết lại gặp một ông Tầu lai di tản. Tiết liền kéo về nhà và bảo ông ta châm cứu ngay. Chừng 15, 20 phút mình thấy lại sức, lúc đó khoảng 4 giờ, các bạn bỏ ra về. T ra đóng cửa. Có lẽ Hoan và Tiết hối vì sợ bỏ một mình, nên Hoan sang cạnh commissariat [sở cảnh sát] đó bảo phải có police secours [cảnh sát cấp cứu]. Nhưng cửa đóng ở trong nên họ phải phá cửa nhà bếp rồi vào mở khóa. Cả ba agent police [viên cảnh sát] họ kéo dậy, mình tuy biết rõ nhưng không nói được, nên cứ để họ kéo lên police secours [xe cảnh sát cấp cứu] rồi đi hôpital Broussais. Tới nơi khoảng chửng 18 giờ gì đó. Họ kéo quần áo rồi đưa lên buồng. Khổ một nỗi là không biết làm thế nào cho biết là phải gọi về Vanves [nhà riêng] và về nhà quê (Sao ở nhà quê)[4]. May mà trong giấy tờ có miếng giấy biên rõ ràng những số dây nói «cấp cứu». Vì thế ở nhà thương họ gọi về Vanves, may cũng là Minh nó cũng vừa về, nó được dây nói, nó gọi ngay cho Sao về nhà quê. Vì thế trưa chủ nhật Minh nó tới ngay nhà thương và trở về atelier đem đồ đạc cần dùng. Còn Sao thì mãi tới chiều mới có xe ca. Thành ra mãi tới thứ hai mới tới nhà thương. Từ chiều thứ bảy và ngày chủ nhật, thực tình T rất lo về cái tay bại và cái lời nói, nghĩ bụng nếu không có gì thay đổi có lẽ là nguy.

Đến trưa chủ nhật khi Minh nó tới thăm, nói còn líu la líu lơ, không nói được rành mạch. Mãi tới hôm nay thấy hơi khá nhiều, nhưng thỉnh thoảng cũng bafouiller [nói ấp úng] và biên vào viết cũng vậy. Ngay bây giờ biên thơ cho Lựu cũng nhiều khó khăn, Lựu trông thơ thì thấy rõ.

Về mấy chỗ khám, thì có chỗ họ thử electro xem xem ở mạch máu gần cổ gần mặt xem có bị bouché [tắc nghẽn] không. Nhưng hình như chưa có thể trầm trọng, rồi họ tiêm 3 tiêm một ngày da bụng bằng calciparine để cho máu khỏi đặc sợ là embolie [tắc huyết] gì đó.

Đó mình tưởng nghỉ mấy tháng trên núi thấy sức khỏe tốt. Từ khi về tới giờ, vẫn mạnh, vẫn có bạn cũ và bạn tới. Thế mà bây giờ quỵ. Thế có tức không, thành ra đi Trung quốc cũng bỏ cả. Đáng lẽ mồng hai tháng 9 này - Các bạn ở Trung Quốc mong đợi, thành ra xôi hỏng bỏng không. Thực tức mình.

Nhưng cũng may là nó bị ngay cho biết chứ đang lúc hành trình và nhất là 14 hôm chạy như ngựa, chưa chắc đã chịu nổi và bị đau ốm thì nguy.

Sang tuần sau sẽ thơ dài.

Mong Tân Lựu biên thơ nhá.

Thứ

Ông mất ngày 10-10-1980 tại Clichy, ngoại ô miền Bắc Paris và chôn tại nghiã địa Vanves, gần nhà ông, ngoại ô Nam Paris.

Paris tháng 10- 2020


[1] Bài Bác Lang Thanh, facebook Vũ Thư Hiên, ngày 3-10-2020.

[2] Những nét chính về cuộc đời ông bà Ngô Thế Tân - Lê Thị Lựu, tôi đã ghi rõ trong phần Niên biểu, cuốn Lê Thị Lựu Ấn tượng hoàng hôn, Nxb Tổng hợp, thành phố Hồ Chí Minh và Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, 2018. Cũng xin đính chính, trong cuốn sách này, tôi ghi ngày mất của họa sĩ Mai Thứ là 14-10-81 hoặc 10-10-80, vì lúc đó chưa kiểm chứng được. Nay xin sửa lại là 10-10-80.

[3] Forum des Halles, ở trung tâm Paris.

[4] Hoạ sĩ Mai Thứ có ba điạ chỉ: Xưởng vẽ, 35, rue Rémy Dumoncel, Paris 14. Nhà riêng ở Vanves, Avenue du Parc, ngoại ô sát Paris và nhà ở miền quê. Vợ họa sĩ tên là Jeanne Sineray, tức là bà Sao, lúc này đang ở nhà quê.