Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 24 tháng 9, 2020

Văn học miền Nam 54-75 (684): Xuân Vũ (kỳ 29)

XƯƠNG TRẮNG TRƯỜNG SƠN

29

Mặt trời đã xuống thấp hơn ngọn cây rừng khi chúng tôi được lệnh hạ trại của anh giao liên. 
Thiệt là may phước. 
Tôi và Năm Cà Dom cố treo võng căng tăng thật nhanh cho ông Chín, rồi hai đứa ngã lăn ra đất như lần trước.

Anh giao liên đến bên tôi, với giọng thân thiết: 
- Xin lỗi nhé! Nếu không có các anh tôi cho cái đám thổ phỉ này lội rừng sáng đêm nay. 
Anh ta lôi tôi ra rỉ tai: 
- Ngày mai vừa hừng sáng là tôi hô biệt kích tới nhé. Các anh cứ nằm ngủ như thường, để tôi cho chúng nó “tập thể dục” một trận nữa. 
Mạnh Rùa cũng không phải là tên chỉ huy gà mờ. Cho nên tôi vừa chợp mắt là hắn đã hầm hầm tới. Hắn quát: 
- Thằng giao liên đâu rồi? 
Anh giao liên đang nằm trên võng ngay bên cạnh tôi. Anh ta liệu bề không thoát được nên vội lên tiếng: 
- Dạ… em đây ạ! 
- Tiên sư mày, mày là thằng phản động phá hoại quân đội, tao bắn mày bỏ đây cho cọp Plei-me ăn xác mày nghe chưa? 
Mạnh Rùa vừa nói vừa nghiến răng, rồi hắn quát lính trói anh giao liên lại. Tuy là tàn quân nhưng đơn vị của Mạnh còn đủ sức trói một thằng người vào gốc cây. 
Mạnh Rùa móc súng ra bước tới, lên đạn. Tiếng cơ bẩm lùi ra rồi chạy tới đưa đạn rền nòng nghe rõ quá, làm tôi ngồi bật dậy. 
- Anh Mạnh! Tôi kêu rú lên. Bắn nó ai dắt đường. 
Mạnh quay lại tôi, đôi mắt lườm lườm: 
- Tao không cần ai dắt cả. Tao vạch lấy đường mà đi! 
Mạnh Rùa mổ súng vào trán anh giao liên: 
- Mày định giết hết đơn vị tao phải không, mày là thằng gián điệp. Tao bắn mày là bắn một thằng gián điệp! 
Anh giao liên cười nhếch mép: 
- Thằng nào bắn tao mới là thằng gián điệp. Mày đã giết gần hết binh sĩ của mày rồi. Ai bắt tội mày mà mày bắt tội tao? Đơn vị này rồi sẽ có thằng tố cáo mày. 
Tôi bảo Năm Cà Dom can ngăn Mạnh Rùa. Hắn há không nhớ cái chuyện cướp kho gạo đã đưa đến cái hậu quả nào hay sao? Bây giờ lại làm cái trò này nữa. 
Mạnh Rùa có lẽ đã bị câu nói của anh giao liên đảo lộn tâm thần nên hắn quay đi, và kéo cơ bẩm lẫy viên đạn văng ra lăn lóc dưới đất. 
Hắn lẩm bẩm: 
- Tôi đi guốc trong bụng chúng nó mà. Làm trời với ai chớ với tôi thì tôi diệt. Nó tưởng tôi không biết cái trò trẻ con đó hả? 
- Thôi đi cậu! Năm Cà Dom xô Mạnh Rùa ra xa rồi đến mở trói cho anh giao liên. 
Trời tối nhanh với cơn mưa đố ập xuống bất ngờ. 
Anh giao liên được mở trói, đến ngồi phệt bên tôi cứ nhổ nước bọt xoèn xoẹt, tỏ vẻ bất bình đến cực độ. Anh ta ngồi im như gỗ, còn tôi không biết nói động tới anh ta bằng cách nào với lời lẽ nào cho khỏi bị anh ta phản đối. Sợ chọc anh ta nổi xung lên thì khốn. 
Nhất trạm nhì trời mà! 
Nhưng may quá, anh giao liên lại lên tiếng: 
- Hắn ta biết cái Plei-me là cái thứ gì mà mới nghe tôi nói thế đã vội nhảy cỡn lên bênh vực chứ? Đấy là tôi mới nói sơ sơ thôi chớ chưa nói sự thực thê thảm của quân ta trong trận này đấy. Nếu tôi nói sự thực ra chắc tôi bị xử bắn chắc. 
Tôi hỏi: 
- Sự thực bi thảm lắm sao đồng chí? 
- Thua to quá to đứt đuôi đi rồi chớ còn bi thảm bi thiết gì nữa. 
Bố nó!
Ở ngoài Hà Nội, mới nhong nhong vô tới đây tưởng mình là ông tướng nhà trời. Đụng với Mỹ, nó giã cho vài trận thì trọc đầu đi đừng có mà lên mặt! 
Anh giao liên ngoảnh lại hỏi tôi: 
- Một trận đánh như vậy đó mà khi kể lại tôi nói rất dè dặt, thế mà hắn ta tát tai tôi là thế nào? Các ông ấy thích nghe báo cáo chiến thắng lắm. Chiến thắng thì khó chứ báo cáo chiến thắng thì dễ mà. Thí dụ như trận tập kích của hắn ta ném vào quân Mỹ vừa rồi đó cũng là chiến thắng! 
Tôi hỏi anh giao liên: 
- Tới trạm có gạo không đồng chí? 
- Cái đó tôi không được biết đồng chí ạ! 
- Chớ bình thường các đồng chí ăn gạo ở đâu? 
- Chúng tôi lãnh lúa hoặc bắp. 
- Trời đất, rồi làm sao mà ăn? 
- Vịt gà ăn lúa thì sao? 
- Đồng chí nói gì kỳ cục vậy? 
-Tôi mong có lúa để mà sống, chỉ sợ không có lúa thôi. 
- Mỗi khẩu phần là bao nhiêu? 
- Người ta phát bao nhiêu thì lãnh bấy nhiêu. 
-Không có qui định gì hết à? 
- Có nhưng giao liên là cơ quan bán quân sự cho nên phải tự túc lấy tám mươi phần trăm, chỉ lãnh được hai mươi phần trăm mà không có đủ để phát cho chúng tôi. 
Sáng hôm sau nắng lên đẹp. 
Một ngày nắng lên giữa rừng là một hạnh phúc quá to lớn đối với người đi đường. Cho nên khi nắng lên ấm một chốc là đã thấy có người tắm dọc hai bờ suối. 
Ôi chao! Trông thật là vui, và thật là nhộn. Có cả một sự biểu dương xương sống xương sườn. Không phải một cuộc biểu dương sức mạnh mà ngược lại. 
Riêng tôi thì tôi nhớ chắc chắn rằng từ ngày đi trên đường này tới nay tôi chỉ tắm có một lần, còn những trận dầm mưa hay ngâm mình dưới suối thì không kể. Vì tắm đối với tôi có nghĩa là sốt. 
Tôi thấy mình vừa nhát vừa lười, tôi không còn tin tưởng ở cái gì nữa cả. Đã vậy tôi còn cho lòng tin là một sự ngu xuẩn. 
Càng tin thì càng bị lừa và càng thất vọng. 
Tôi còn đang chưa biết làm gì thì Năm Cà Dom đến rủ tôi đi đào trùn hổ về ăn, vì Năm đã trông thấy có người đào được loại ký sinh trùng này ở đằng kia. Tôi miễn cưỡng đi theo Năm Cà Dom nhưng không bao giờ tôi nghĩ rằng mình có thể nuốt trôi được con trùn hổ. 
Năm Cà Dom hỏi: 
- Cậu đã từng ăn con cóc chưa? 
- Chưa! 
- Làm cách mạng giải phóng miền Nam thì phải tập ăn cóc, rắn mối, dế nhủi, mối cánh, v.v. nhưng có con “kiếc” là đừng có xực nghe chưa? Ăn là chết ngay! 
- Con kiếc là con gì? 
- Nó cũng là loại cóc nhưng da nó đỏ, và có gai nhọn. 
Có tiếng Mạnh Rùa đang cãi nhau với Tuất làm tôi và Năm Cà Dom dừng lại lắng nghe. 
- Tại cậu tất cả? 
- Chứ để cậu bắn chết nó à? 
- Thì đã sao? Hơn là nó trốn mất rồi. 
- Chính là tại cậu. Tại sao lại tát tay nó? Tớ nói thật. Đây chẳng phải phê bình gì cậu. Tớ thấy cậu đối xử với mọi người như một anh gì chớ không phải cấp chỉ huy. 
- Lính tráng như thế ai chỉ huy được? 
Rồi Mạnh Rùa quay ra quát: 
- Đi tìm cho được lôi cổ nó về đây. 
Vì sự sống chung của đơn vị và cũng là sự sống riêng của từng thằng, đám lính chạy tủa ra. 
Như vậy là anh giao liên đã trốn rồi. Một trường hợp chưa từng xảy ra từ trước tới nay. Thế là rắn đã mất đầu. Cuộc hành quân đình lại hoàn toàn. Và chưa biết là chuyện gì sắp xảy đến cho chúng tôi Biết đâu lại chẳng có một màn vui vẻ như cái màn tiếp theo vụ cướp kho hôm trước? Độ vài giờ sau có lính chạy về vừa thở hồng hộc vừa phi báo cáo với Mạnh Rùa. 
- Tôi… đã gặp! 
- Gặp cái gì? 
Người lính đứng thở đằng mồm mãi mới nói tiếp được: 
- Em gặp một cái võng mắc trên ngọn cây, em gọi mãi nó cũng không đáp lại. Em dọa bắn, nó cũng im luôn. Đích thị hắn rồi. Em cho người giữ chặt. Em chạy về báo cáo. 
Mạnh Rùa quát: 
- Gọi nó xuống ngay. Không xuống cứ bắn bỏ! 
Mấy người lính khác lại chạy đến báo cáo: 
- Đồng chí Thưởng đã chết! 
Mạnh Rùa quát: 
- Thưởng nào? 
- Thưởng Trung đội trưởng trung đội sáu đại đội hai. 
Mạnh Rùa như bị ngọn roi bất thần quật vào giữa mặt tối tăm trời đất. Mạnh Rùa nhảy cỡn lên la rối rít: 
- Sao nó chết? Nó chết ở đâu?
Ôi! Trời đất ơi! 
Anh lính báo cáo lại rành mạch đầu đuôi. từ hôm qua Mạnh Rùa đã đập Thưởng mấy gậy, đã cởi hết quân phục của Thưởng và bỏ Thưởng ở lại phía sau trong lúc Thưởng vừa đau dạ dày vừa sốt rét, cho Mạnh Rùa nghe. Nghe xong Mạnh Rùa hỏi: 
- Bây giờ nó ở đâu? 
- Ở đằng kia. 
- Đằng kia là đằng nào? 
Rồi Mạnh Rùa chạy theo anh lính. 
Thưởng nằm úp mặt trên một cái rễ cây. Mình mặc một cái may ô. Mạnh Rùa quì sụp xuống, ôm xốc Thưởng lên, ngửa mặt Thưởng lên. 
Nét mặt của Thưởng đã xanh ngắt và mũi đầy bụi đất. Trong mồm Thưởng có mấy cái lá xanh còn thòi cả ra ngoài hai hàm răng. Hai tay Thưởng giơ thẳng ra phía trước như trong lúc ngã xuống Thưởng cố vươn tay lên bám lấy cái gì để nhoài tới, bây giờ đã cứng ngắt không xếp xuống được. 
Mạnh Rùa kêu lên: 
- Trời ơi, sao mày bò tới đây Thưởng!
Mày giận tao lắm phải không? Tao là thằng khốn nạn! 
Rồi viên chỉ huy gục đầu trên ngực của thằng bạn và là cấp dưới của mình. 
Nghe Thưởng chết, tôi và Năm Cà Dom chạy đến. Tôi thấy cái cảnh tượng Mạnh Rùa gục trên ngực thằng đồng đội mà khóc rống lên. Có lẽ Mạnh Rùn hối hận về sự đối xử của mình đối với Thưởng. Nhưng có lẽ cũng chưa có một viên chỉ huy nào bị dồn vào tình thế bế tắc như Mạnh trong những ngày mà tôi đi trên đường Trường Sơn này. Những trận bom liên tiếp, những trận đánh thất bại, những cơn đói, không có một phương tiện liên lạc và chỉ huy trong tay… Làm chỉ huy như Mạnh thật cũng khổ. 
Tôi thấy Mạnh giải quyết mọi công việc với những quyết định bất thường, như xét ba lô chúng tôi, rồi cướp kho gạo, rồi mở đường máu, và tát tai anh giao liên. 
Nhưng tôi hiểu Mạnh, tình thế của đơn vị làm cho Mạnh lên cơn sốt tâm tư. Mạnh muốn hành động ghê gớm để vượt lên mọi gian nan đang dìm đơn vị của Mạnh xuống, nhưng Mạnh bất lực. 
Mạnh đã xử sự với Thưởng như một chúa đảng đối với một tên lâu la có tội. Mạnh kéo quân đi, bỏ Thưởng ở lại. Mạnh cũng không còn nhớ tới Thưởng bị bỏ lại. 
Bây giờ Thưởng đã bò lê tới đây, quyết đuổi theo kịp đơn vị để chết trước mặt Mạnh. Cái chết đó là một sự trả thù đắt giá nhất đối với Mạnh. Linh hồn Thưởng chắc được thỏa thuê, khi mà thân xác của Thưởng cứ được nước mắt của viên chỉ huy bạo tàn đang hối hận tưới lên. 
Những mảnh mặt trời nhảy múa loáng thoáng qua kẽ cây như những mảnh hồn oan hiện về sưởi ấm chúng tôi, như những mảnh xương biết đi, đi tìm người quen cũ. 
Tôi không hiểu tôi là ai, là cái gì, chỗ này là chỗ nào nữa, nếu không có tiếng Năm Cà Dom gọi tôi sang lều ông Chín. 
- Nhanh lên! Nguy quá rồi! 
Tôi vọt sang. Nguy thật. Ông Chín năm trên võng như một nhà tu sắp liễu đạo. Người ông tóp ve sát với chiếc võng. 
Mắt ông Chín vẫn còn thần sắc, ông nói sang sảng từng tiếng một: 
- Tôi đi không đến! Tôi phải nằm lại đây rồi. Các đồng chí hãy tiếp tục đi cho đến nơi. 
- Ông Chín! Ông đừng nói gở! 
- Không, tôi biết sức tôi. Tôi không thể nào đi đuợc nữa. 
- Không đi thì nằm lại đây. 
- Tôi sắp chết! Tôi biết. Tôi nằm lại đây mãi mãi. 
- Chúng tôi sẽ khiêng ông Chín cho tới nơi. 
Ông Chín nhếch môi cười. 
Đây đâu phải là chuyện vui mà ông Chín lại cười. Ông Chín cười vì chúng tôi bịa ra một câu chuyện và để cho nó mãi mãi là một câu chuyện bịa. 
Ông Chín móc trong túi áo trên, chọn trong xấp giấy lấy ra một tấm ảnh bốn sáu của ông, nói: 
- Các đồng chí mang giùm ảnh tôi về đến nơi, thì coi như tôi cũng về đến nơi với các đồng chí. 
Ông Chín giơ tấm ảnh lên, không cố ý đưa cho ai nhất định. Năm Cà Dom đón lấy. Năm là người Gia Định với ông Chín. 
Rồi ông Chín nhắm mắt đi luôn một hơi. 
Như người ta đóng kịch. Thật là đơn giản hết sức. 
Chúng tôi đâu có cái gì trong tay để đào đất, ngoài con dao găm lụt như trành bằm mà chúng tôi đeo trong lưng lâu nay như thanh bửu kiếm. 
Đất ở Plei-me cứng. Cho nên tôi và Năm Cà Dom ráng sức bình sanh bươi mãi mà chỉ được cái lỗ cạn như heo ủi. 
Chúng tôi có người chết mà đơn vị của Mạnh Rùa không hề giúp đỡ tí gì. Giá phải còn thằng Roánh ở đây thì ít ra nó cũng tiếp chúng tôi một tay. 
Còn đằng này thì họ xem như không có chuyện gì xảy ra. Tôi chỉ nghe họ nói với nhau: 
- -Lão già đi âm ty rồi! 
- Thôi chết cho khỏe cái thân già. Về trong đó ổng cũng không sống thêm được mấy ngày. 
- Cái ba lô của lão không biết còn gì trong đó. 
Ông Chín nằm trên võng, chiếc màn xanh lá cây đã phai màu phủ lên người ông như ông đang ngủ. Năm Cà Dom giở màn đưa tay vuốt mặt ông Chín và nói với giọng bình thường: 
- Thôi ông Chín nằm lại đây ngủ cho ngon nhé. Tôi về tới Gia Định tôi sẽ tìm đến gia đình ông. 
Chúng tôi soạn ba lô ông Chín. Không còn gì cả. Gạo, muối, đường sữa đều hết sạch, củ sâm cuối cùng ông Chín đã dùng hôm qua. Còn mấy chiếc áo quần và cái chăn bằng vải dù của ông đổi được ở dọc đường, chúng tôi đem cả ra lớp đắp lớp quấn cho ông ấm lòng. 
Đấy gia tài của một người cán bộ đi theo đảng hơn hai mươi năm! Cứ để ông Chín nằm như thế trên võng, tôi và Năm Cà Dom xỏ đòn vào khiêng với sự giúp sức của Hoàng Việt và ông già Noël đưa ông Chín ra phần mộ. 
Huyệt mộ cạn và thiếu bề dài. Thiệt là tủi thân cho người mãn phần. Tôi định đào thêm một chập nữa nhưng Năm Cà Dom bảo đặt ông Chín xuống đất và bảo: 
- Đừng đào tôi có cách. 
- Để ông Chín nằm nghiêng và co lên à? 
Chúng tôi lấp đất lên. Đất không đủ che kín thi hài ông Chín. Chúng tôi bẻ lá đắp thêm. Sau cùng Năm Cà Dom nhặt một hòn đá to đặt nơi dầu mộ làm như dựng bia cho người bạc phận. 
Chúng tôi cúi đầu. 
Vĩnh biệt ông Chín! 
Có lẽ mỗi người đều cảm thấy sinh mạng của mình mong manh quá. Trời ơi! Thế mà đã xong một đời người. Trên đời này có cái chết nào rẻ hơn không? 
Nhưng kể ra thì ông Chín hãy còn yên ấm hơn những mảnh xương vô thừa nhận phơi nắng phơi mưa trắng cả vùng rừng núi Plei-me này. 
Tôi nằm li bì trên võng, cảm thấy mình vừa chôn theo cái xác già cùng kiệt kia tất cả ý chí của mình. 
Vâng, tôi giờ đây chỉ còn là một cái xác cử động, chưa biết sẽ vấp ngã mà không đứng dậy nổi lúc nào. 
Có lẽ để cho người nằm lại không cô đơn, Mạnh Rùa cho đem chôn Thưởng bên cạnh ông Chín. Cũng một nấm đất sơ sài, có rào cây tết lá, nhưng trên lưng mộ hình như có những cái gân đất nổi lên như những lằn gậy đập trên thân người Trung đội trưởng. 
Cả đoàn tôi và đơn vị của Mạnh Rùa đang mong chờ các toán đi tìm, trở về với anh giao liên bị trói gô với vẻ mặt hằn học, nhưng chuyện đó chưa xảy ra thì có mấy người về báo cáo về cái võng treo trên ngọn cây. Tôi nghe họ nói với Mạnh. 
- Tụi em leo lên đến nơi treo cái võng. Một thằng chết. 
- Thằng nào? 
- Dạ em không dám nhìn kỹ. Em sợ quá. 
- Thằng nào mà chết kỳ cục vậy? 
Rồi không ai nói tới ai nữa. 
Chiều, người ta lại nhóm lửa. Nhưng trong gà-mèn không có được một hạt gạo. Người ta tìm lá rừng. Người ta đi hái nấm. Người ta nấu nước sôi. 
Tôi lại đến với Ngân. 
Ngân đang nấu cháo. Trong những gợn nước sôi trào những hạt gạo nhào lộn một cách thoả thích như một bầy tiên nữ nõn nà bơi lội đùa cợt nhau trong một dòng sông thần kỳ. 
Ngân chân thật: 
- Sao hồi tối anh không lấy gạo về nấu? 
- Mưa ướt củi hết không nấu được. 
- Rồi anh nhịn đói à? 
- Cũng không đói lắm. 
- Anh tự ái phải không? 
Tôi cười và ngồi xuống gần bếp lửa. Ngân lại hỏi: 
- Anh giao liên trốn mất hả anh? 
- Trốn mất rồi. 
- Như rắn mất đầu. Rồi làm sao mình đi? 
Tôi làm thinh. 
Ngân sớt cháo ra nắp ga-men và trao cho tôi. Không chút ngần ngại tôi đỡ lấy cái nắp ga men gần đầy cháo loãng. Mùi thơm xộc vào mũi tôi ngây ngất. Nước mồm ứa ra, tôi nuốt chận vào hai ba lượt để có đủ sự bình tĩnh mà thưởng thức món cháo ngon do những ngón tay của Ngân tạo nên. Những ngón tay lúc nãy đã vo những hạt gạo này, những ngón tay dính tro lọ lem và có vết bỏng lửa và rươm rướm mồ hôi. 
Tôi nâng chiếc nắp ga-men cháo lên môi mà mắt vẫn không rời những ngón tay của Ngân đang hoạt động. 
- Ngân ạ! 
- Dạ! 
- Bao giờ về đến Châu Đốc, anh ghé nhà em thì sẽ được thết một bữa cháo cá phải không? 
Ngân nhìn tôi, đôi má ửng hồng, đôi mắt nhấp nháy. Tôi chờ đợi ở Ngân một tiếng nói. 
Nhưng, “đoàng”! Tiếng súng! Súng nổ! 
Ở phía đằng kia, cách nơi này hơi xa. Tôi cho là không quan trọng, nhưng chỉ một thoáng là người ta đã đồn khắp khu rừng: 
- Tiểu đoàn trưởng tự sát. 
- Ai tự sát? 
- Mạnh Rùa! 
- Có chết không? 
- Bắn vào đầu mà không chết? 
Sau mấy cái chết liền nhau lại đến một cái chết. 
Sau cái chết của Mạnh Rùa, mọi người đều cảm thấy mình mất linh hồn. Cuộc hành quân giải phóng miền Nam đang đến hồi vui vẻ nhất. Chúng tôi đi lang thang trong rừng, mò mẫm tìm đường đi với sự lãnh đạo của Tuất. Nhưng Tuất kém xa Mạnh. Tuy vậy, chúng tôi vẫn phải vạch một con đường. 
Tôi bảo Năm Cà Dom xem lại kỹ vết thương, nhưng ông bác sĩ lắc đầu. Tôi quay trở về võng nằm chúi mũi vào mép võng, tay chân như rã ra từng mảnh. Chung quanh tôi, những mẩu xương trắng ánh lên trên một bãi đất mênh mông đầy những hố bom, chào đón thêm một linh hồn. 
Sài Gòn, Hè 1974

Nguồn: https://vietmessenger.com/books/?title=vuot%20truong%20son%202%20%20%20xuong%20trang%20truong%20son&page=29