Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2020

Văn học miền Nam 54-75 (683): Xuân Vũ (kỳ 27)

XƯƠNG TRẮNG TRƯỜNG SƠN

28

Hôm sau thì đơn vị xuất phát. Không hiểu ban chỉ huy của Mạnh Rùa và Tuất đã nắm tình hình địch như thế nào mà dám mang cả đơn vị lao vào. Tôi có dịp nhìn lại tiểu đoàn của Tuất từ sau trận B52. Thật thảm hại. Không còn được một trăm quân lính. Cậu nào cậu nấy đứng không vững, mặt mũi thì không còn văn vẻ nào tả cho xiết. Vừa đen tối vừa xanh xanh, tóc tai rậm rạp và cặp mắt thì có lẽ chứa đựng những ý nghĩ kỳ lạ, mỗi người mỗi khác nhau.

Họ kéo quân đi, không quên để lại một toán hậu bị. Tôi và Năm Cà Dom, ông Chín, Hoàng Việt, Ngân và một đám ma trơi tìm chỗ lui về phía sau để được an toàn hơn. 
Ngày hôm sau thì tôi thấy một anh lính lùi về. Anh ta chửi văng tục hằng tràng, không rõ chửi đích danh kẻ nào, nhưng có vẻ hằn học và nổi loạn đến cực độ. 
- Chúng nó bảo tụi Mỹ là lính gà tồ, công tử bột. Thế nhưng mới vừa nổ mấy phát AK chưa biết có rụng cái lông nào của nó hay không mà nó đã nã pháo như mưa không ngóc đầu dậy được. 
Đánh thế chó nào như thế mà xua con người ta vào đánh. Không nắm được địch tình, không nắm được địa hình địa vật chi cả thế mà cứ nhắm mắt lủi vào. Mẹ kiếp rồi còn máy bay nữa chứ. Máy bay gì mà như con nòng nọc nó cứ bâu đen trên đầu, bắn vuốt mặt không kịp. Ối dào, phen này vô số thằng nằm ngay cán cuốc ra đó. Thối cả rừng, cả suối, tai hại cho mà xem! 
Tôi thấy anh chàng chỉ còn có khẩu súng dính trên vai, còn bao đạn ngang lưng thì rơi đâu mất, và cái ba lô cũng không còn ngồi xổm trên chiếc lưng gầy của anh ta nữa. Anh ta cứ chửi toáng lên như để gây sự chú ý đối với chúng tôi, nhưng cả lũ chúng tôi cứ nằm im làm cho anh ta hơi ngượng. 
Anh ta cởi áo vứt trên cành cây, ném súng xuống đất lót ngồi và lại chửi đổng một cách hăng hái. Và cuối cùng biết chắc rằng không thể lôi hút được sự chú ý của chúng tôi anh chàng bèn đi vào lều của tôi. Anh ta quệt mồ hôi trán và nói nhỏ nhẹ: 
- Anh có nước không cho em ngụm. 
- Có đây, nhưng chưa nấu. 
- Mặc kệ, em cháy cổ họng mất. 
Tôi đưa cái bi đông nước suối cho anh ta. Anh tu một hơi và dốc hẳn chiếc bi đông lên. Xong anh ta đánh rơi chiếc bi đông và ngả lăn ra trên đống lá khô không cựa quậy. Độ một tiếng đồng hồ sau thì anh ta mới tỉnh dậy và ngơ ngác nhìn tôi. Tôi hỏi ngay: 
- Trận đánh thế nào cậu? 
- Đánh đá gì anh ơi. Chết cả nút. 
- Tình hình ra sao? 
- Chả ra sao cả. 
- Nghĩa là thế nào cậu nói tử tế nghe coi. 
- Em đã bảo là nó không ra sao cả mà. Nghĩa là đi đánh địch nhưng có thấy địch đâu mà đánh? Đi mò mẫm cả ngày, chưa đụng nó, nó đã nổ súng trước minh rồi. Kế đó là máy bay tới đen như ruồi. Lo mà chạy. Rồi lại pháo nã tiếp theo đưa chân cho mình chạy mau lên. 
Anh lính tiếp: 
- Thế đó! Chỉ huy ngu như bò, coi sinh mạng lính như rác. 
Tôi hỏi: 
- Mạnh Rùa và Tuất ở đâu? 
- Đâu có biết ở đâu là đâu. Đâu có ai chỉ huy được ai đâu. Mạnh ai nấy chạy tán loạn trong rừng. 
Bỗng anh lính kêu lên: 
- Ố giời! Em mất mẹ đôi dép rồi. 
-Thế à? 
- Mất dép khác nào chân bị chặt! Em làm sao mà đi! 
Hai người nữa lại về. Một người nằm trên lưng người kia. Máu chảy ròng ròng. Người bị thương rên hừ hừ. Vết thương không được băng bó, máu khô đen quánh lại trên vải. 
Tôi cảm thương Mạnh Rùa và Tuất vô cùng. Hai gã đâu còn chút uy tín gì để phán lệnh xuống cho binh sĩ. 
Mạnh Rùa rũ xuống như cái áo tả tơi. Hắn đến lều tôi ngồi phệt dưới đất và có lẽ định tìm cơ hội để phân trần cho nên hắn cứ ngồi hoài không chịu đi. Tôi an ủi hắn, nhưng hắn gạt phăng đi: 
- Thôi đi cha non! Mạnh Rùa xua tay ngán ngẩm. Đánh giặc thì có thắng có bại, đồng ý rồi, nhưng ở đây cứ toàn bại. Bại trận và bại hoại tinh thần. 
Tôi hỏi: 
- Sao đơn vị còn thưa quá vậy? 
- Thì còn sao nữa? Chẳng lẽ đánh giặc lại sống cả à? 
- Trận này thế nào? 
- Gặp sứa lửa rồi! Mới nổ một phát nó đã quặp mình lia lịa. Mẹ kiếp, cái kiểu này vừa chết, vừa đói, tụi lính nó làm thịt tôi mất. 
- Gì mà bi quan thế cậu? 
- Đù mẹ, tớ về được Hà Nội, tớ lột hết lon trả lại chúng nó ngay. Người ta đưa mình vào bước đường chó chết, mà cứ giục mình lập công. Tớ chưa từng gặp một tình cảnh nào như vầy. Cậu thấy không? Thương binh như thế, lấy gì băng? 
- Tốt hơn đừng đánh. 
- Đừng đánh cứ nằm đây, lấy gì ăn? Đánh cũng chết, đói cũng chết. Nên chọn cái nào? 
Máy bay đã lượn trên đầu chúng tôi. Rồi chỉ trong giây phút chúng tôi đã nằm trọn vẹn trong cái vòng vây của chúng. Hãi hùng quá! 
Cố nhiên là những trận mưa bom xảy tới. Có lẽ đàn máy bay thích lắm. Lâu nay chúng tìm mà không thấy dấu vết nhưng nay thì bỗng nhiên các vị lại nổ súng chẳng khác kêu lên “lạy ông con ở bụi này”. 
Những người chết và những người sống sót mất tinh thần. Thì cũng giống như những trận bom khác, thế thôi. 
Chỉ có một điều may mắn duy nhất từ khi chúng tôi rời Hà Nội đến nay, là bỗng nhiên lính Mỹ rút đi. Thiệt là phước đức trời cho. 
Chiều hôm đó, một vấn đề đặt ra rất khó xử cho tôi là cái hộp sữa của Hồng cho tôi lúc tôi từ giã cậu ta mà rời bệnh xá. 
Làm sao ăn nó? 
Nghĩa là làm sao uống sữa giữa lúc thiên hạ đói meo và máu me đầy người. Cố nhiên là phải thủ tiêu cái hộp sữa kia một cách vô cùng bí mật và phải rủ những người nào tối cần thiết. Năm Cà Dom và Hoàng Việt, tất nhiên rồi! 
Nhưng còn địa điểm thì bí mật hoàn toàn. Đây là sự sang trọng cực chẳng đã. Uống sữa trong lúc không có gạo nấu cháo. 
Đợi cho ai nấy ngủ hết, tôi mới sang rỉ tai Hoàng Việt và Năm Cà Dom. Hai vị này cứ tưởng tiên trên trời mới ban xuống. Tôi bèn ấn cái hộp sữa vào ngực vào tay họ để cho họ tin chắc. 
Thế là chúng tôi uống sữa. Có trời mới biết được xuất xứ của hộp sữa này. 
Nói đúng ra là uống nước sôi có pha tí sữa. Thiếu chút nữa Năm Cà Dom lấy ống tiêm tiêm vào mạch máu chúng tôi, như tiêm thuốc trường xuân bất lão. 
Chúng tôi không quên để dành cho ông Chín một cốc. Hoàng Việt nói: 
- Ông Chín yếu quá rồi! 
Quả thật, ông Chín đã kiệt sức. Ông không còn nói năng hoạt động bảo vệ lập trường như trước kia nữa.Tôi nghĩ, bây giờ có lẽ trong thâm tâm, ông Chín đã tự nhận rằng chuyện vô kỷ luật, mất lập trường thậm chí phản động là những chuyện tất nhiên, của bộ đội trên con đường này. 
Sáng rồi. 
Tôi sợ buổi sáng vô cùng, nhất là cái buổi sáng hôm nay, mà chúng tôi biết được rằng nó đến với tất cả sự bất lợi. 
Tôi không dám nhìn hai nhà quân sự Mạnh Rùa và Tuất. Họ đang làm những việc ngoài khả năng của họ để dựng dậy đám lính không còn hồn. 
Mạnh Rùa huýt còi liên tục. 
Còi báo động khẩn cấp nhưng không có ai đi hoặc bò lết tới cả. Mạnh Rùa và Tuất phải đi dựng từng người dậy và lôi họ đến chỗ tập họp. 
Mạnh Rùa nói: 
- Bây giờ tôi không còn thì giờ để nói nhiều hơn nữa, tất cả hãy sẵn sàng và rút ngay khỏi nơi này. 
Tất cả binh sĩ rã hàng trở về lều, bước đi nặng chịch, mắt nhìn xuống đất. 
Tôi và Năm Cà Dom tuy không nằm trong quân số của Mạnh Rùa nhưng chúng tôi đã ba lô lên vai và sẵn sàng tiếp tục làm chùm gởi bám vào đơn vị của anh ta. 
Trông ông Chín, ông già Noël và Hoàng Việt chống gậy đứng gục xuống dưới sức nặng của chiếc ba lô như quả núi đè trên lưng. Tôi hết muốn nói gì. Ba người này nếu dự vào một cuộc chạy đua thì chưa biết ai sẽ về nhất. Mạnh Rùa quát luôn mồm: 
- Mau lên! Nó đến rồi! Đồ ăn hại, cứ lờ đờ thế kia! 
Còn Tuất thì có vẻ chính trị viên hơn: 
- Ráng lên các đồng chí. Vào đến trạm trong tôi sẽ kiếm bò đãi các đồng chíí. Tha hồ tẩm bổ! 
Một binh sĩ mỉa mai: 
- Bò gì? Bò lết chắc. 
Họ còn tiếp tục mỉa mai cấp chỉ huy của họ, gần như công khai. Một người nói: 
- Phen này thì các người mất chức hết. Ba tháng hành quân làm cho đơn vị này từ ba trăm người nay còn lại nấu không ngọt bát xáo. 
- Im im! Hung thần đến! Sa tăng! Sa tăng, suỵt! 
- Hung thần à? Tớ cũng đếch sợ. Hắn cũng bỏ trận địa chạy vắt giò lên cổ như chúng mình thôi. Từ rày đụng trận, tớ chạy. Kẻo chết bỏ vợ bỏ con… ông đấm… ông đấm… ông đếch sợ sa tăng. 
- Chà ghê nhỉ. Có dậy hành quân không? Đồ ôn binh. 
Cả đám im phắc và nhảy nhổm cả lên, Mạnh Rùa đã đến đúng lúc. Hắn quát: 
- Này liệu cái hồn. Có dậy không? 
Cả đám chạy tản ra. Chỉ còn một cậu nằm nín lại. Mạnh Rùa tới ngay. Hắn lại quát vào cái võng im lìm: 
- Sao nằm đây. Sao nằm đây? 
Mạnh quát hai ba lượt mới có tiếng đáp: 
- Em đau dạ dày. 
- Tại sao lại đau dạ dày? 
- Dạ… em em… 
- Không đi đánh trận vừa qua à? Anh lại là trung đội trưởng nữa! 
- Dạ em đau. 
- Tại sao vào đây lại đau dạ dày? 
- Dạ em đau từ Hà Nội, nhưng bác sĩ vẫn cứ lấy em đi như thường. 
- Láo, đồ láo! Thằng bác sĩ nào lại vô lương như thế. 
- Dạ sự thật thế ạ. Em đau quá. Không ăn được gì cả. 
- Cũng may là ở đây không có cái gì để anh ăn. Nhưng anh vẫn phải hành quân nghe chưa. Đứng dậy, đi ngay! 
-Dạ em không đi được ạ. 
- Anh nói với ai vậy? Anh có nhớ anh là trung đội trưởng không? Tôi hạ lệnh cho anh đứng dậy, điều động trung đội ngay. 
Mạnh Rùa đi lướt qua một lượt. Hắn dừng lại không biết mấy lần để hò hét gầm gừ. Đến người cuối cùng ngay bên cạnh tôi, hắn không nói nhiều nữa. Hắn đưa chân đá vào chiếc vông no tròn. 
Mãi chiếc võng kia mới ngọ nguậy. 
- Dậy ngay. 
-Dạ em sốt ạ.Tiếng nói vang ra từ bên trong chiếc màn xanh rũ xuống võng. 
-Tại sao sốt? 
- Dạ tại em lên cơn. 
-Tại sao lên cơn? 
- Dạ em ăn lá bép bị kiết lỵ nữa. 
- Tôi không biết. Lệnh là lệnh. Dậy ngay! 
Mạnh Rùa lại sút vào chiếc võng như đá bóng. 
Hẳn lầu bầu: 
- Ở đây không có bệnh với tật gì cả. Bom đạn không vị tình. Người ta đi… Không phải bằng cái chân, mà bằng cái đầu, hiểu chưa hiểu chưa? 
Rồi Mạnh Rùa tốc màn ra. Hắn nhìn thấy bàn chân của bệnh nhân. Hắn reo lên ngay như bất chợt gặp một sự thú vị. 
- À đây rồi. Đây là cái thằng đã bắn vào chân phải không? Và nhảy tàu ở Hàm Rồng phải không? Hay nhỉ, vào đến đây lại giơ cái sốt rét và kiết lỵ ra để không hành quân. Kỳ này tao bắn dùm cho một viên vào đầu. 
Rịch rịch! Mạnh Rùa lại sút liên miên vào chiếc võng, làm cho nó đưa qua đưa lại. Mạnh như một cầu thủ điên tiết đá túi bụi không còn kể trúng trật nữa. Và tiện tay hắn ta giật luôn dây võng làm cho bệnh nhân ngã lăn kềnh xuống đất. 
Cặp mắt Mạnh Rùa đỏ nọc. Hắn nắm lấy tóc anh chàng quật ngửa anh ta ra. Một tay hắn mò mẫm vào báng súng ngắn đeo bên hông. 
- Đồ ăn hại! 
Tôi nhắm mắt lại. May quá, không có tiếng súng nổ. 
Mạnh Rùa dạng hai chân ra, mồm phùng ra thổi còi với tất cả sức cha sanh mẹ đẻ. Tiếng còi vang lên như bứng tung những gốc cổ thụ. Hắn cắm đầu xuống mà thổi, hắn nhắm tít mắt lại mà thổi, hằn tuôn tất cả cơn lôi đình vào cái còi bé nhỏ. 
Rồi hắn đi. 
Hắn quay lại chỗ anh trung đội trưởng đau dạ dày. Anh này tên là Thưởng. Mạnh Rùa vớ lấy một thanh cây cầm trong tay. Mạnh Rùa hất hàm: 
- Thế nào đồng chí trung đội trưởng? 
- Dạ dày em đau quá! 
- Ở đây không có mỏng và dày, chỉ có hành quân ngay thôi. Đồng chí có đi không? 
- Dạ… dạ… 
Vút vút vút Mạnh Rùa quật vào anh trung đội trưởng đau dạ dày. Anh này nằm im không kêu. 
Mạnh Rùa đánh đúng ba gậy rồi ném chiếc gậy đứng thở dốc. Hắn đã thấy võ lực trở thành bất lực. Hắn đứng há hốc mồm ra mà thở. 
Rồi hắn quát gọi. Một anh nào đó cũng hãy còn biết đến thượng cấp đã chạy đến nghe Mạnh Rùa truyền lệnh. 
Mạnh Rùa lạnh lùng bảo: 
- Cởi hết quân phục nó ra. 
Thấy anh kia không chịu thi hành lệnh của mình, Mạnh Rùa lại quát. 
- Cởi mau! Đồ phản bội! 
Trung đội trưởng Thuởng mà ba gậy vừa quật vào người vẫn nằm im như không có, đã ngóc đầu dậy khi bị viên tiểu đoàn trưởng của mình gán cho cái danh từ phản bội. 
Thưởng cố nắm mép võng gượng ngồi dậy. Một con người lép kẹp như một cái mái chèo, không còn tim phổi trong lồng ngực. Thưởng trân trối nhìn vào Mạnh Rùa, môi mấp máy không nói ra lời và hai hàng nước mắt chảy ròng ròng xuống má. 
Mạnh Rùa quát: 
- Tao ra lệnh lột quân phục của mày và tuyên bố kể từ nay mày không còn trong đơn vị tao nữa. 
Anh kia từ từ bước lại gần Thưởng đề thi hành cái lệnh của Mạnh Rùa, nhưng Thưởng xua xua tay: 
- Được rồi! Các đồng chí không phải nhọc công. Tôi thấy tôi không còn xứng đáng… 
Rồi Thưởng gục mặt vào hai bàn tay nức nở. 
Mạnh Rùa bỏ đi. Anh kia cũng bỏ đi theo Mạnh. Thưởng cố đứng dậy cởi hết quần áo mang đi trả cho Mạnh rồi trở về ngã vật trên võng. 
Thưởng khóc, Thưởng than thở một mình: 
- Tôi đã làm gì nên đảng đuổi tôi? Hay tôi đã không làm được gì nên đảng đuổi tôi? 
Cuộc hành quân cấp tốc vẫn bắt đầu. Nói đúng ra là một trận chạy bán mạng, chạy không cần kiểm điểm kẻ còn người mất miễn sao thoát khỏi cái khu rừng đi bị máy bay trinh sát khoanh tròn. 
Chúng tôi chạy theo anh giao liên muốn đứt ruột, bụng đói meo, dạ dày lép như trấu, hai đầu gối khua nghe lọc cọc, hai màng tai muốn vỡ tung ra. Không cần biết anh giao liên dắt mình đi đâu vì cái chết đang trùm xuống đầu tôi với đôi cánh sắt kia rồi. 
Khi chúng tôi được lệnh dừng lại thì không đứa nào đứng vững được nữa. Tất cả đều ngã quy xuống như những cây cỏ bị phạt ngang gốc. Tôi tưởng như hai lá phổi của tôi đã dán vào lồng ngực và dòn như bánh tráng. 
Chập sau, anh giao liên lân la đến nói chuyện với tôi. Tôi moi trong ba-lô tìm một điếu thuốc để mua chuộc anh ta. 
Thuốc chẳng thay cơm được nhưng nó làm cho người ta tươi lên. 
Tôi hỏi: 
- Nghe nói đây là Plei-me phải không anh? 
- Đúng! Đây là Plei-me. 
Anh ta ngồi hút đến quá nửa điếu thuốc mới nói tiếp: 
- Nếu chúng ta nhìn nhận sự thực thì chúng ta thua to nhất ở trận Plei-me. Chắc có lẽ các anh ngạc nhiên khi nghe tôi nói như thế. Nhưng vì tôi là người đã tham dự trận này cho nên tôi dám nói như vậy. Đánh với một đối phương mà mình chỉ biết trên khái niệm, mà lại khái niệm sai trăm phần trăm thì làm sao? 
Anh giao liên chậm rãi kể tiếp: 
- Vừa chạm súng là chúng tôi mất tin tưởng ngay. Chúng tôi không biết đã đội bao nhiêu bom pháo. Không biết đối phương ở đâu và không biết cả cấp chỉ huy ở đâu. Bom nổ và lửa cháy thành biển. Và tôi chạy… Ba ngày sau tôi mới thoát khỏi cái trận đồ quái ác đó. Tôi là người thứ nhì của đại đội còn sống sót. Người thứ nhất còn nguyên vẹn thân thể nhưng đã phát điên, còn tôi chưa điên, nhưng đã lãnh một cái “mề đay” vào bả vai bây giờ vẫn chưa gỡ ra được. Sau trận đánh ba tháng, người ta vẫn chưa dám dùng nước suối ở vùng này. Xác người nằm lang thang khắp nơi. Người ta nói cọp ở các rừng khác đánh hơi biết, kéo tới đây tha hồ phá cỗ. Vì thế cho nên cọp vùng này rất thích thịt người, và cũng vì thể, người ta nói cọp Plei-me dữ hơn cọp ở các rừng khác. 
Bỗng một tiếng quát: 
- Giao liên trốn đâu rồi? 
Tôi thấy Mạnh Rùa hầm hầm đi tới. Anh giao liên lên tiếng: 
- Em đây ạ! 
- Lại đây bảo! Mạnh Rùa chống nạnh và hất hàm. Cậu thấy tạm trú ở đây đêm nay được không? 
- Dạ đư… ợc ạ!.. 
- Có bảo đảm không? 
- Dạ được nhưng không bảo đảm... vì... đây là bãi chiến trường Plei-me ạ. Máy bay Mỹ đi ngang qua đây là cứ bắn không cần biết mục tiêu và kết quả ra sao hết. 
Mạnh Rùa ngạc nhiên khi nghe nói đây là Plei-me. 
- Đây là Plei-me à? 
- Vâng! Đây là Plei-me, bãi xương trắng của hằng ngàn người… Đồng chí có muốn xem… 
- Câm ngay! Tao bắn bề đầu. Pốp! 
Cậu giao liên ôm mặt tiu nghỉu lùi ra. Thấy Mạnh Rùa nổi cáu tôi cũng không biết làm sao. Còn Năm Cà Dom thì rỉ tai Mạnh Rùa: 
- Cậu giao liên là người có dự trận Plei-me đấy ông bạn. Cậu ta biết rất rõ. Cậu ta thấy cậu là nhà quân sự cho nên cậu ta kể sự thực cho cậu liệu bề mà điều quân. 
Mạnh Rùa lặng thinh. Có lẽ y thấy mình vô lý. Y nói chữa ngượng: 
- Thế ra mình không thể dừng ở đây được à? 
- Đúng! Mình phải vượt qua cái tử điểm này chớ! 
Mạnh Rùa bỏ đi một nước. 
Anh giao liên đợi cho Mạnh Rùa đi khuất, bèn nói với chúng tôi: 
- Cán bộ tiểu đoàn đấy. Sáng suốt nhỉ! 
Tôi vuốt giận anh ta: 
- Thôi cậu. Anh ta vừa thua một trận, nền anh ta cáu. 
- Sao anh ta có quyền đánh cấp dưới. 
- Có chứ! Có thừa nữa chứ! Anh ta đập cả bằng gậy! 
Anh giao liên gạt phăng: 
- Thôi được! Các anh chuẩn bị, tôi đi đây! 
Tôi biết là bỏ mạng sa tràng rồi. Ở đây nhất trạm nhì trời. Sao Mạnh không chịu hiểu! 
Thế là cuộc hành quân bắt đầu. Anh giao liên đứng trước mặt Mạnh Rùa dập gót chào hẳn hoi. 
- Tôi xin dắt đường tiếp tục. 
- Cho khéo nghe. Lạc đường tao bắn bỏ. Đồ ăn hại! 
- Vâng ạ! Nhưng em xin báo cáo là bãi pháo ở trước mặt. Đơn vị phải vượt nhanh thật nhanh. 
Chúng tôi xốc ông Chín dậy, nhưng ông còn sức đâu nữa mà dậy. Lão già ngoại ngũ tuần đã mài mòn hết cái khối con sức khỏe trên đá Trường Sơn, bây giờ ngồi dậy không nổi, còn sức đâu mà vượt qua bãi pháo? Ông Chín lấy sâm Triều Tiên ra ngậm cầm hơi. Ông cố lắm mới mở mắt ra được. Người ông như cái áo giấy mắc mưa. 
Ông Chín gượng đứng dậy với sự giúp sức của tôi và Năm Cà Dom. 
Vấn đề lương tri, lương tâm, lương gì gì nữa đều được đặt ra ở đây tại chỗ này, nơi hai bàn chân của ông già lập trường đang run run đứng. Dìu ông ta đi hay bỏ ông ta ở lại đây, nơi mà cọp đang thèm thịt người? 
Dìu ông ta đi là đúng, đúng quá đi chớ. 
Ai không biết vậy, nhưng lấy gì để mà dìu ông Chín? Trong bụng mỗi người chúng tôi đều chỉ có nước lã, dìu ông Chín đi thì ông sẽ đi được mấy bước, còn khiêng ông trên vai, thì là chuyện không thể làm đối với bất cứ ai ở đây. 
Ông Chín tuy mệt mỏi thể xác nhưng tinh thần rất minh mẫn. Ông nói với tôi một thôi dài không dứt đoạn: 
- Cám ơn các đồng chí. Các đồng chí muốn cho tôi đi tới gần quê hương hơn nhưng tôi biết sức tôi đã kiệt cạn rồi. Tôi đành nằm lại đây thôi. Nhưng tôi cũng đã toại nguyện lắm rồi. Dù sao tôi cũng gần quê tôi hơn khi tôi ở ngoài kia. Ở đây là miền Nam rồi. Các đồng chí cứ yên lòng bước tới, tôi mở mắt to ra mà nhìn các đồng chí đi mỗi bước gần quê hương thêm một bước. 
Khi tôi còn ở Hà Nội tôi có nghe một câu chuyện đã trở thành giai thoại như sau: Có một lão già Nam Bộ vượt Trường Sơn. Khi về tới gần ranh Nam Bộ thì ngã bệnh nặng. Biết lão không thể sống được anh em trong đoàn bèn khiêng lão về tới đất Nam Bộ. 
Lão già cố sống cho đến lúc anh em nói cho lão biết đây là đất miền Nam. Có lẽ lão chỉ mong chờ cái giây phút đó thôi, cho nên khi lão nghe anh em nói thế thì lão thòng chân xuống chấm đất thì tắt thở. 
Câu chuyện đó không biết có xảy ra hay không. Mà bây giờ tôi lại thấy một chuyện thực trước mắt đây. 
Tôi và Năm Cà Dom mỗi đứa một bên xốc nách ông Chín, lê ông già đi tới. 
Anh giao liên dắt cả lũ vừa quân vừa dân chánh lủi trong rừng, đi theo một con đường mới hoàn toàn, dưới chân không có quãng mòn nào cả. 
Một cuộc chạy băng rừng nối tiếp theo một cuộc chạy băng rừng, bụng ọc ạch nước suối, đầu nóng rực như than lửa. 
Anh giao liên cứ dừng lại và quát: 
- Chỗ này máy bay bay qua thường lắm. Đi cho kỹ. 
- Đây là bãi pháo. Chạy nhanh lên! 
Đây là sự trả thù. Cái tát tai của Mạnh Rùa mang lại kết quả này. Tôi biết mà tôi không sao ngăn được. Cái khổ của tôi là phải chia một nửa trọng lượng của một lão già với Năm Cà Dom. Hết leo lên lại tuột xuống, không có một bước nào bằng phẳng. 
Hơi thở của ông Chín phụt ra nóng như lửa đốt mặt tôi. Thỉnh thoảng ông lại ngã hằn đầu vào vai tôi. Bộ râu khó coi của ông quệt qua quệt lại trên mặt tôi. Còn cặp mắt ông thì nhắm híp lại. 
Chân tôi đã rụng rời. Tôi thở hết ra hơi. Tôi vẫy anh giao liên lại và nói: 
- Thôi đồng chí… cho… tôi xin đi! 
Dường như anh giao liên biết rằng tôi hiểu ý định của anh nên anh xổ ra ngay một tràng dài như đại liên: 
- Bố chúng nó chớ. Gặp ông chơi thì có mà hộc máu mồm rụng cả chân. Bảo cho chúng nó biết chúng nó bỏ cái thói đó đi. Chưa hết đâu, ông còn cho tiếp một màn nữa.

Nguồn:

https://vietmessenger.com/books/?title=vuot%20truong%20son%202%20%20%20xuong%20trang%20truong%20son&page=28