Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2020

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 269): Bể dâu – Nam Dao (6)

ĐIỆU LUÂN VŨ TRÊN MÁU

Đầu tháng 5, trung đội của Dân là đơn vị đầu tiên của sư 304 vượt cầu Nhung chốt phía nam con sông cắt ngang quốc lộ 1. Cuộc hành quân chớp nhoáng, bất ngờ vây thành Quảng Trị rồi tách ra thọc sâu về hướng Mỹ Chánh. Lực lượng Bắc quân không gặp một sự chống cự nào đáng kể. Sư đoàn 3 bộ binh miền Nam hầu như không đánh trả. Phi cơ Mỹ oanh tạc liên tục, nhưng mục đích là làm chậm bước tiến quân, cố bảo vệ cho một cuộc triệt thoái bất ngờ của lính lẫn dân. Mặt con đường từ bờ sông Nhung đến Mỹ Chánh lỗ chỗ vết cày của pháo đủ loại từ những ngọn đồi quanh Quảng Trị ụp xuống. Lính chết. Dân chết. Trâu bò chết. Chó mèo chết. Cây cối, thậm chí cỏ dại, cũng chết. Cái chết lên ngôi, và sự sống thu lại ẩn náu trong xác suất li ti của những ngẫu nhiên con người gọi là ơn trên phép lạ.

Đại đội Dân được lệnh đào công sự phòng thủ. Chính ủy hân hoan vung tay nói, chiến tranh sắp kết thúc, ta không đàm ở Paris nữa, súng đã thay lời, toàn thắng ắt về ta. Dân bảo lính, đào hào cho sâu đắp bờ cho cao còn hưởng hòa bình. Dân văng tục rồi tiếp, chúng mày cố mà toàn thân, chết thì thôi, sinh Bắc tử Nam thế là xong, nhưng không chết mà mất chân mất tay thì ê chề hết một đời, sau chỉ có đi ăn mày mới có cái mà ăn. Chẳng cần dặn, lính đều biết. Thương binh về người ta hô anh hùng cho ít hôm, sau thành gánh nặng cho cả làng cả xã, có vợ vợ bỏ, cuối cùng chỉ có cái thẻ thương binh cho một chút đặc quyền để an ủi những mất mát. Đảo mắt, Dân tìm thằng Thục. Khi rời Vĩnh Mốc, Dân mới được đồng đội kể cho nghe Thục là kẻ đã báo cáo với chi bộ Đảng chuyện giữa Dân và Thắm. Nó thấp bé, mắt hiếng và có tật hay lấm lét nhìn trộm. Thường thì Dân găm trong lòng, nhưng hôm nay cơn giận trào lên như nước vỡ bờ. Đến cạnh Thục, Dân nhìn tròng trọc vào mắt, xách mé:

- Hòa bình rồi, anh làm gì?

- ...

- Nhưng bây giờ chưa hòa bình, thì đào công sự cho sâu. Bao cát, mỗi bao dày ba mươi phân. Đắp ba cát bao chiều dọc, sáu bao chiều ngang.

Ngắm nghía một bao, Dân thình lình rút dao đâm vào rồi rạch xuống, miệng quát:

- Thế này mà ba mươi phân à?

Thục cúi đầu, cười như mếu, lủi thủi lấy xẻng xúc cát, ậm à ậm ừ.

Đi một vòng kiểm tra công sự, Dân quay về vị trí của mình khi nắng bắt đầu tắt trên tàn những hàng cây dừa tít tắp phía biển đông. Xa xa, mặt nước ánh ráng hồng trong tranh sáng tranh tối đang phủ lên mặt đất một màu xanh thẫm mượt mà. Bọn lính đốt những ngọn đèn bằng vỏ hộp Coca Mỹ bấc nhỏ như đầu tăm, chơi trò bắt muỗi. Gần bờ sông lầy đất, muỗi chi chít. Chúng đủ loại, con to con nhỏ cứ thấy sáng là sà xuống rồi lao vào ngọn đèn đầy muội đen kịt. Đây, OV-10. Đây L-19. Con này nhanh, là F-108. Còn bay lừ đừ thế này, mày là B-52. Cuộc không chiến trong tưởng tượng ắt ‘‘phần thắng hẳn về ta’’. Lính so số muỗi chết, cười khúc khích phong nhau làm anh hùng diệt ‘‘muỗi’’.

*

Dẫu vẫn còn một ngày phép, Nhân rời Huế đi Phong Điền với tâm trạng hững hụt của kẻ vừa đánh mất một điều gì mơ hồ nhưng rất thiêng liêng. Quá giang xe nhà binh chở Thủy Quân Lục Chiến, Nhân ngoái đầu nhìn lại Huế lần lần biến sau rừng cây như một giấc mê hoảng giữa ban ngày. Nếu có chút dấu tích, bây giờ chỉ là vết máu trên bàn tay Ánh mà bụi hoa Tuyệt tình đâm sâu chạm trổ vào trí nhớ Nhân đang lắng xuống như gạn bùn khơi trong nước.

Dọc Quốc lộ 1, đàn bà trẻ con dắt díu nhau đi về Huế. Họ thất thần ngơ ngác, nét kinh hoàng đọng lại trên khóe mắt khô khốc, trắng dã, đi thất thểu trong câm lặng như một lũ âm binh. Đoàn xe ngừng lại. Trong lũ người dài dằng dặc, chợt có tiếng khóc. Một thằng nhỏ mặt lấm lem, áo thun, không quần vừa lê bước vừa kêu, chị Ba, cho tui về nhà. Chị nó, chắc chỉ đâu mười tuổi, tay nắm chặt tay em, kéo đi, miệng mím, nước mắt lã chã. Cho tui về, thằng bé tiếp tục rên rỉ, chân vẫn lê bước. Người lớn không ai nhìn, không ai nói. Chị Ba à, má đâu? Thằng bé dằng tay chị, hét, má ơi má!

Đám lính Thuỷ Quân Lục Chiến xì xào với nhau Lữ đoàn 1 Dù đã tới Mỹ Chánh. Pháo tầm xa Bắc Việt rót xuống, dân chạy, bảo nhau tránh bom tránh đạn thì phải tới Huế. Chiến tranh như cơn hồng thủy, nước tứ phía dâng lên, mùi máu tanh tưởi lẫn vào mùi thuốc nổ khét lẹt. Đoàn xe lại rồ máy. Tiếng súng ì ầm nghe mỗi lúc một gần. Trên đầu, phi cơ chiến đấu thỉnh thoảng xuất hiện, chao ngang, sáng lóe lên như cánh chim bắt lửa rồi lẫn vào chân mây. Viên Đại Úy ngồi cạnh Nhân mặt lạnh như thép nguội buột miệng chửi thề. Nhân hỏi. Hắn lẩm bẩm nói một mình:

- Đù mẻ! Chưa uýnh đã co chân chạy, cái bọn Sư Đoàn 3 như con cặc!

Nhân không nói gì thêm, quay mặt nhìn ra trời ngập nắng. Xe chạy với vận tốc rùa bò, lách từ từ giữa đám dân chạy loạn giong theo trâu bò, tay xách nách mang trăm thứ nồi niêu xoong chảo. Gió im phăng phắc. Cái nóng hừng hực ụp xuống nung chảy những lớp nhựa đường trên quốc lộ 1. Mặt lộ rỉ mồ hôi ướt nhẫy, bốc hơi khét lẹt, từ xa nhìn có đoạn ánh lên như tráng gương. Tiếng đại bác thỉnh thoảng vẳng lại báo những bất an rình rập đó đây. Lâu lâu, máy bay trinh sát L-19 lượn lờ, rồi hàng đàn F-4 từ biển tạt vào, đuôi nhả những vệt khói trắng loãng dần trong vòm trời xanh ngắt.

Đến Phong Điền, Nhân liên lạc ngay được với Đại đội Quân Y trong dãy lều căng tạm trên có dấu thập đỏ. Thiếu tá Trực thấy Nhân, tay giơ lên trời, ồm ồm:

- Toa ra sớm, may quá. Tụi này oải lắm rồi, cắt vá khâu may cả đêm...

Tiếng cánh quạt trực thăng tải thương đập phềnh phệch. Đám y tá khênh băng ca tất tưởi, đầu cúi rạp, chúi người gò lưng cáng thương binh. Trực vỗ vai Nhân, bảo, cứ mười phút, một hai chuyến là thường. Đấy là lính, còn dân nữa, nằm đầy trong kia. Tay chỉ, Trực mệt mỏi, pháo thì pháo địch, nhưng còn bom, bom ta. Nói xong, Trực cắt việc cho Nhân ngay.

Ngày nghỉ phép cuối cùng, Nhân làm việc liên tục cho đến ba giờ sáng, xin một bát cháo, húp được một nửa, vừa đặt xuống thì thiếp đi ngủ quên, quên hết.

*

Đêm về. Trên chiến trường, một đêm không có hỏa châu và pháo kích là một đêm tuyệt vời. Đêm buông xuống êm đềm nhắc nhở chuỗi ngày hậu phương tưởng đã xa xôi, gợi nhớ mái ấm gia đình, vòng tay người yêu và những giọt nước mắt chia tay. Đêm thả trôi những câu tâm sự chắp cánh ước mơ, đặt móng những dự định cho một mai hòa bình. Những đêm ấy, không vẩn đục hận thù, không nhơ nhớp những toan tính nhỏ nhoi. Tương lai trong dự tưởng trong ngần, giản dị, tưởng cứ với tay là bắt được như bắt bươm bướm, bắt chuồn chuồn trong những ngày thơ dại. Lính thì thào to nhỏ, chẳng một ai nhắc đến sự chết chóc thương vong rình rập trước mặt. Không nói, nhưng nó vẫn đấy. Chập chùng giữa những giấc mộng đời cho một ngày mai, sự chết lầm lì không nói, chỉ nhìn cái nhìn nghiêng bằng một con mắt nửa lạnh lùng, nửa khinh miệt. Không nói, nhưng lính sợ. Những lúc ấy, vòm trời chi chít sao là chỗ bám víu. Mọi sinh vật đều tương ứng với một vì sao cầm tinh trên kia đang lung linh tỏa sáng. Vì sao ấy còn, người còn. Số mệnh vì sao, không tùy thuộc vào bom đạn vô tình của thế gian. Số mệnh đó được sắp xếp bằng một quyền uy ngoài cõi, theo thứ phương án bí ẩn gọi là định mệnh. Và từ cổ chí kim, không khi nào cả trời sao trên kia sụp xuống tan hoang một lúc, trong một thoáng, không còn gì. Cho nên, mỗi người đều có thể hy vọng mình là một trong những vì sao tiếp tục tồn tại sau mưa bom bão đạn.

Hoà bình. Lời chính ủy tiểu đoàn của Dân được lệnh bổ xung tăng viện cho sư 304 vang lên: ta đã cắm cờ tổ quốc lên Cổ Thành Quảng Trị. Mỹ-Ngụy cuống quít quay lại phong tỏa Hải Phòng, đánh bom Hà Nội, Vinh...Nhưng nhân dân ta anh hùng, nhất quyết không nề hy sinh, giữ vững từng phân vuông đất nước. Nên dẫu đích thân Nguyễn Văn Thiệu bay ra Huế khảo sát chiến trường, hay Ngô Quang Trưởng lên nắm chỉ huy vùng chiến thuật này, hay Mỹ quay lại đánh bom miền Bắc mới đây thì cũng chỉ là cái vùng vẫy tuyệt vọng.

Hòa bình. Đến được cái mốc ấy phải trả bằng máu. Lữ Dù 1 và 2 quân miền Nam đã đến bờ sông Mỹ Chánh. Lính hai bên sắp sửa mở chốt cửa địa ngục xem mặt hòa bình ra sao. Dân chợt nghĩ đến Nhân, đứa anh em song sinh. Nó cùng tuổi mình, chắc chắn cũng là lính bên kia. Nó khác mình là chỉ có một cái khoáy tóc trên đỉnh đầu. Nó liệu có ở trong đám lính Dù đang sửa soạn phản công không? Dân nhắm mắt, tưởng tượng mình tay cầm M-16, quần áo rằn ri, đầu đội nón đỏ. Lính Dù, binh chủng thiện chiến nhất. Dân bên này giờ thành Nhân bên kia, chỉ khác quân phục, đầu mang mũ sắt ra trận. Nhân mang lon Trung úy, miệng ngậm điếu thuốc, vẫy tay dặn lính, ‘‘Trận này là trận sinh tử, phải tái chiếm Quảng Trị trước ngày Hòa đàm ở Paris. Nhảy dù cố gắng, anh em xông lên!’’. Dân hoảng sợ, ghìm khẩu AK-47, miệng gào ‘‘Đừng! Nhân ơi...’’. Nhưng không kịp nữa. Nhân đứng ngay trên mép hào công sự, chăm chăm nhìn, tay rút kíp lựu đạn. Dân bóp cò. Trong bóng đêm, họng súng khạc ra những chớp lửa liên tục thè cái lưỡi đỏ lè của những con ma chơi trần truồng hiện ra bắt hồn người sống. Nhân bị cái lưỡi ấy cuốn quanh, người quay vòng vòng, chân quíu vào nhau. Cái lưỡi co lại, đẩy cho Nhân ngã sấp mặt xuống, người đè lên Dân nặng đến nghẹt thở. Dân thét ‘’Nhân, Nhân ơi!’’, nước mắt trào ra, hai tay quơ nắm tuyệt vọng.

Khi Dân mở được mắt, Tạ đang lay, miệng hềnh hệch, ‘‘Thủ trưởng nằm mơ thấy cái Thắm, phải không? Người cứ giẫy như con đành đạch, sướng chứ?’’. Đẩy tay Tạ ra, Dân ngồi dậy. Vuốt mặt cho tỉnh, Dân tìm bi-đông nước, đưa lên miệng tu rồi co người dựa vào vách hào. Tạ bô bô ‘‘ Tớ thỉnh thoảng nhắm mắt cố nằm mơ thấy vợ mà đéo được!’’. Im lặng một lát, Tạ tiếp, giọng tiếc nuối ‘‘Sau Tết, vợ tớ tậu được một con lợn, định vỗ béo cho đến sang năm. Bây giờ Mỹ nó lại bom hậu phương, khéo toi con lợn’’.

Dân không nói gì, ngửa mặt nhìn lên trời sao. Ngôi sao nào là ngôi sao thủ mệnh của Nhân. Còn ngôi nào là ngôi của mình. Bất chợt, một ánh sao sa vạch nửa vòng cung cuối trời. Người ta bảo, khi thấy sao sa thì hãy nguyện cầu, cầu gì được nấy. Nhưng muộn mất rồi. Lời cầu chỉ linh khi sao chưa tắt. Dân tự nhủ, lần sau, ta sẽ cầu. Cầu cho Thắm yên lành. Cầu cho ta khỏi phải bắn Nhân như trong cơn ác mộng vừa rồi.

Cứ thế, Dân ngồi suốt đêm đợi sao sa.

*

Bãi đáp mé tây nam sông Nhung bị pháo Việt Cộng đánh banh ra thành một bãi sa mạc cát trắng trên ngổn ngang những thân cây cháy đen đủi nghiêng ngả đâm thốc lên trời. Tiểu đoàn 9 Lữ đoàn 2 Dù ở sườn đông bị chặn cứng, vùng vẫy, nhưng không mở được nút thoát. Bộ đội Phòng không Bắc Việt khạc hỏa tiễn tầm nhiệt, không làm sao đổ quân được bằng trực thăng. Tướng Trưởng ra lệnh, giá nào cũng phải vào Quảng Trị trước 27 tháng 7, là ngày hội nghị Paris họp lại để phân chia giới tuyến. Tiểu đoàn 11 Lữ Dù 1 sẽ mở một con đường bộ, đi vòng đánh xuyên qua sườn địch rồi chốt lại ở bờ Bắc sông Nhung, và khi bắt tay được với Tiểu đoàn 9 Lữ Dù 2, sẽ cùng tiến về La Vang.

Đi kèm Ban Chỉ Huy Tiểu đoàn 11, đám quân y gồm Nhân, một Trung sĩ và năm tà-lọt. Đêm đầu, khá yên tĩnh, không gặp Bắc quân. Lính Dù chia làm ba cánh, mỗi cánh là một đại đội. Thiếu tá Soạn, Tiểu đoàn trưởng, khóa 14 Đà Lạt, có tiếng là xung trận như một con cáo thành tinh, ra lệnh tiếp tục giữ đội hình cũng như vận tốc tiến quân. Đến trưa, đột nhiên pháo đổ xuống tới tấp, tiếng nổ đùng đục của đại bác 105 ly, tiếng chát chúa của hỏa pháo 122 ly dội lên khắp nơi. Soạn ra lệnh ém quân, đào hầm cá nhân, lỡ mà lui còn có chỗ tránh cái quào của ‘‘mụ già Định Mệnh’’. Tiếng điện đàm giữ liên lạc giữa những cánh quân mỗi lúc một khẩn trương. Soạn nói với cố vấn Mỹ, đề nghị trả đũa bằng dăm ‘’passes’’[1] bom. Quay sang Nhân, Soạn bảo:

- Bên thằng Năm, có mấy đứa ‘‘nằm ‘’, tu-bíp[2] qua ‘‘bển’’ coi giùm!

Đến gần vị trí Đại đội 5 đang bị chặn, pháo Việt Cộng rơi tua tủa mỗi lúc một khít. Mặt mũi đầy cát, ba người trườn mình trên những đụn cát trắng mốc meo, mùi thuốc súng xông vào mũi khét lẹt. Pháo bắn là loại cắm xuống đất một thước rồi mới nổ, cát bay bốc lên trời, rơi xuống rào rào như mưa. Đại úy Hiển, Đà Lạt khóa 16, phà thuốc, giọng tỉnh bơ:

- Tu-bíp hả! Một thằng ‘‘ngủ’’ rồi. Còn lại ba chú ‘‘nằm’’ bị miểng 75 ly, thằng đứt tay, thằng lòi ruột, còn một thằng thì cụt mẹ nó cái chân!

Nhân khom người chui xuống công sự đào tạm đêm qua, nhìn quanh đánh giá xem ai là kẻ bị nặng nhất. Đeo găng tay vào, Nhân lật ngửa một người bị thương ở bụng. Hắn khò khè, đầu óc đã mụ đi, nhưng mặt nhăn như một chiếc khăn ướt bị vắt khô, rên hừ hự. Nhân nhìn đống ruột bị lòi ra, chỗ trắng, chỗ nhớp máu đỏ lòm. Thò tay vào, người bị thương rú lên. Nhân mò, rút ra. Một mảnh gang, hai mảnh, rồi ba mảnh. Lấy ống thuốc sát trùng, Nhân nhấn vào vết thương, khởi động. Bấy giờ, người bị thương đã mê đi. Dùng cả hai tay, Nhân nhét phần ruột đã phòi ra, đẩy luôn cả băng bông máu đã thấm máu đỏ lè vào bụng rồi quấn băng vòng quanh, xiết cho chặt lại. Kèm vào một chai dextran có hòa thuốc chống xúc kích, Nhân chích thêm một mũi cầm máu nhưng thừa biết khó cứu mạng anh ta.

Pháo Bắc Việt tiếp tục đổ xuống. Người bị thương ở chân nằm bên cạnh người lòi ruột hét, em đau quá bác sĩ ơi. Hiển đến gần Nhân nhìn rồi hỏi:

- Bác sĩ có xin trực thăng tải thương không thì bảo?

Nhân gật, quay sang kẻ vừa hét. Xem xét vết thương rồi kéo cho chân co lên, Nhân thấy phản ứng chân anh ta trì xuống. Người bị thương chửi:

- Đù mẹ bác sĩ, làm con cặc gì mà đau dữ vậy!

Nhân mừng, bảo:

- May đấy, về mà không nhiễm trùng thì khỏi cưa, cha nội!

Băng bó xong, Nhân quay sang người bị mảnh 75 ly phạt cụt hẳn cánh tay trái. Tay lần động mạch, Nhân nhìn đồng hồ. Máu đã ra quá nhiều, mạch nhanh nhưng yếu. Anh ta bất tỉnh, mặt xám nghét, chỉ còn thở nhè nhẹ. Sai tà-lọt chích huyết thanh, Nhân cắt rồi khâu sơ qua bịt miệng vết thương lại. Không tiếp máu, cứ thế này, anh ta chỉ cầm cự thêm sáu tiếng là cùng.

*

Ba ngày đêm liên tiếp, hàng đoàn Con Ma tới tấp nhả xuống phòng tuyến dọc phía bắc sông Nhung hàng ngàn quả bom. Tiếng nổ vẫn lùng bùng trong tai dẫu đã nhét giẻ thấm ướt. Thần kinh doãi ra, chùng xuống. Lính nằm bẹp dí trong công sự, uể oải, tê liệt. Ban đêm, súng phòng không 57 ly ực lên từng chập nấc nghẹn, khạc ra những vằn lửa đỏ trong màn trời đen kịt.

Tiếng máy réo lên. Dân chụp ống liên hợp, ghé vào tai. Lệnh từ trên xuống, báo tiểu đoàn 11 Lữ Dù 1 đang di động đến chiếm bãi đáp làm chỗ đổ quân bằng trực thăng. Đại đội của Dân có nhiệm vụ chặn địch. Trung đội do Dân chỉ huy phải tiến về phía đông bắc, chốt phía dưới đường xe lửa, và ở đấy cho đến khi có lệnh mới. Nhìn bọn lính trẻ, Dân phổ biến nhiệm vụ, bảo Tạ phát BA-70, một loại lương khô cho lính, rồi dặn ‘‘Chiến đấu là để sống, không phải để hy sinh. Sắp hòa bình, thằng nào chết thằng ấy dại. Thằng nào què cụt, thằng ấy ngu! Nghe chưa!’’.

Lính lẳng lặng nhấm nháp lưong khô trước khi lên đường. Thằng An, mặt búng ra sữa, vừa nhai vừa ngâm ‘‘ Chiến trường đi, chẳng tiếc ngày xanh!’’. Tạ nghe, gầm lên ‘‘ Không im đi ngay ông nhét cứt vào mồm bây giờ. Thơ với thẩn. Địt mẹ, không tiếc thì chắc mày thừa ngày xanh à, thằng ranh con! Bọn chữ nghĩa láo cả! Ra trận, phải biết tiếc ngày xanh, tiếc để sống. Chúng mày phải chiến đấu để sống, đừng lơ ngơ nghe bọn làm thơ nó phỉnh!’’. Nhét thanh lương khô vào túi xách, Tạ khạc đờm xuống đất rồi tu một ngụm nước. Tu xong, Tạ lại làu bầu ‘‘...chẳng tiếc ngày xanh, hừm, thì còn cái đéo gì. Rõ thối!’’. Thình lình, Tạ tóm cổ Thục, quát ‘‘Còn mày, thằng bẻm mép. Tao biết hết. Lần này, cho mày báo cáo. Nếu còn về được mà báo với cáo!’’. Thục run như cầy sấy, miệng í ới ‘‘ Ơ kìa, ơ kìa...’’. Lúc đó, Dân gỡ tay Tạ, nói nhỏ ‘‘Thôi! Sắp đi, để chúng nó yên!’’

Đến rạng sáng, Trung đội Dân mới bò đến được vị trí chỉ định. Ở đó, một đơn vị bạn đã chiến đấu suốt ngày hôm qua. Họ bị thiệt hại khá nặng, số thương binh vẫn chưa mang đi được, tiếng rên rỉ vọng lên từ những giao thông hào nằm phía sau. Người chỉ huy nói, giọng mệt nhọc ‘‘Ta chốt cứng, nhưng Dù nó theo đúng phương châm di động nhanh, tiêu diệt gọn. Bây giờ ta ở thế của địch, và địch ở thế của ta lúc trước!’’

Sáng tinh mơ, sương còn phất phơ trên mặt đất lỗ chỗ vết đạn. Nắng ban mai phơn phớt vàng tươi lấn vào từng ngách công sự phòng không. Nắng hiền hòa, vô tâm, không mảy may mang bất cứ gì của một cuộc chiến khốc liệt đã bắt đầu. Đó là ngày mồng 2 tháng 7 năm 72. Cả một miền đang yên tịnh bỗng nhổm choàng dậy. Dưới đất, đại bác 155 ly chụp xuống. Ba trăm thước trước công sự, một hàng xe tăng ngỏng cao đầu pháo, từ từ sáp vào. Rồi chỉ còn tiếng động. Tiếng bom. Tiếng súng phòng không. Tiếng tên lửa. Tiếng AK đùng đục. Tiếng M-60 the thé. Tiếng B-40 hồng hộc. Rồi tiếng văng tục. Chiến tranh, cuộc hòa tấu lạ lùng. Có giọng người ở đủ mọi âm tiết đệm cho một giàn đồng-sắt nổ tung phẫn nộ, đánh banh mạng sống, đổ máu đỏ xương trắng làm chất liệu tạo hình vẽ trên mặt đất lồi lõm một bức tranh lập thể biết khóc và biết kêu.

Ôi, đất nổi tang thương, ruộng dâu đang thành biển cả.

*

Lính Dù bị pháo suốt ngày, không trực thăng nào lởn vởn đến được gần. Nằm bẹp trong công sự, nghe tiếng phi cơ đánh bom ì ầm, tiếng súng phòng không chống trả khục khặc ho khan từng chập, Hiển đùa với lính:

- Tối nay đi ‘’bùm’’, thằng nào cần thuốc nhức đầu, ỉa chảy, di tinh, hượt tinh thì hỏi bác sĩ ngay!

Chiều về loang loáng trên những bãi cát trắng. Ánh hoàng hôn đỏ sẫm màu máu, âm u rồi tắt dần, vạch đen ngòm con đường dẫn vào địa ngục. Hiển lệnh cho lính ăn uống, liên lạc với thiếu tá Soạn để kết hợp giờ ra quân. Hiển buột miệng bằng tiếng Pháp, va y avoir de la casse [3]! Thấy Nhân ngạc nhiên, Hiển cười:

- Tớ học trường Nhà Dòng mà! Nếu cứ thanh bình, chắc tớ thành linh mục, bỏ đời đi cứu phần hồn. Nhưng bây giờ, Hiển chặc lưỡi, tớ lo giết phần xác. Chưa kịp nghĩ đến phần hồn của ai thì, Chúa ơi, phải giết người để cứu ngay cái xác chính mình!

Hai chữ Chúa ơi, Hiển cố kìm lại, mơ hồ nghe văng vẳng như một lời kêu van.

Tiếng reo máy truyền tin thình lình cất lên. Hiển nhận lệnh lên đường, bậm môi tính toán. Mình cách Đại đội 2 một cây số rưỡi. Mục tiêu tấn công thì theo đường chim bay là sáu cây, nhưng phải vượt qua sông Nhung. Thám báo cho biết lính Bắc đang chốt chặt, bám cứng bờ nam. Sườn bên trái, phía tây là rừng. Không thấy báo địch ém quân, nhưng chưa chắc là an toàn. Hiển nai nịt rồi vẫy tay làm hiệu. Trong bóng đêm, lính lên khỏi công sự, trườn trên cát trắng, nhắm hướng đường xe lửa bò tới. Đụng phòng tuyến đầu, sau một cây số, Dù như hổ xổng chuồng, chỉ nửa giờ là đánh bật lính Bắc ra khỏi giao thông hào đào dọc bờ nam sông Nhung. Chiến lợi phẩm là hàng chục AK-47, một đại liên, hai súng chống chiến xa và hai mươi ba cái xác chưa kịp mang sang sông.

Dù bỏ lại giao thông hào hai lính bị thương, liên tục pháo kích từ đồi C3 và Caravelle xuống bờ bên kia. Hoả châu bắn lên, lượn vòng rồi tỏa sáng, sắc lạnh ngắt. Trước mặt Dù, lính Bắc đào hầm, kê đại bác, đặt súng cối đủ loại cự ly nhả đạn giở trò chốt cứng, chặn đứng. Hiển bốc máy truyền tin báo Ban Chỉ Huy. Tiểu đoàn trưởng Soạn lệnh cho Hiển phải giữ khoảng cách an toàn, yêu cầu thằng cố vấn Martin gọi đánh vài ‘’passes’’ B-52 . Hiển mở địa đồ chấm tọa độ, vạch ‘’line’’. Đêm hôm đó, Hiển dẫn lính vào rừng, đi dọc về hướng Bắc, trong tiếng bom nổ nhức óc đến độ lính phải nhét bông gòn vào tai. Đại đội 5, Tiểu đoàn 11, Lữ Dù 1 – tức thằng Năm – là đơn vị tiền kích chiếm lại La Vang, một địa điểm phòng ngự nằm phía tây nam cổ thành Quảng Trị .

*

Khi Dù chỉ còn độ trăm thước là đến phòng tuyến dọc bờ nam sông Nhung, máy bay ngưng ném bom. Chỉ còn tiếng súng cối ùng oàng. Tiếng đại liên, trung liên ròn rã. Lính Dù hét xung phong. Bám vào công sự, Dân ghì khẩu K-40, mặt căng thẳng, gân xanh hằn trên thái dương. Tạ quát lính trụ lại vị trí, thấy địch mới bắn. Ống liên hợp réo lên. Dân móc máy trên lưng người lính truyền tin, đặt vào tai. Đại đội trưởng ra lệnh chốt cứng. Pháo ta sẽ cản mũi địch, phải cho lại tọa độ thật chính xác. Tay mở bản đồ, Dân trả lời, mắt ghé sát vào những dòng số li ti. Pháo yểm trợ cho chốt bắt đầu bằng rơi hàng loạt. Địch trả đũa, cũng bằng pháo. Nhưng lính Dù lui lại. Đấy chỉ là bước đầu trong bản luân vũ. Kế đến, là bước sau. Lần này chiến xa M-113 vào trận nhưng đứng ở tầm B-40 không bắn tới được. Nhạc lại trỗi lên, đại bác đủ loại cự ly khạc đạn đệm cho bản tấu khúc biệt ly của thần chết ai oán cất những tiếng gào vô vọng.

Thằng Thục oặt người xuống. Nửa vai trái nó bị mảnh pháo chém dọc, ngực rách toạc lòi gân lòi xương, máu tứa ra. Dân gọi. Y tá biến mất, không thấy đâu. Dân quát, xé áo buộc chặt vết thương cho nó. Hai anh lính trẻ lóng ngóng, quay ngang quay ngược, thở hổn hển. Thằng Thục lả đi. Làm sao cầm máu cho nó, Dân hỏi Tạ. Lắc đầu, Tạ làu bầu, tìm cái thằng y tá chết tiệt chứ còn làm sao!

Dù lại xung phong lần thứ nhì. Điệu luân vũ tiếp tục, máu thấm đỏ sàn nhảy.

Nửa đêm, Chính ủy Đại đội báo cho mọi đơn vị rằng Tiểu đoàn 7 Dù 2 từ quốc lộ 1 vượt sông Nhung bọc xuống phía bắc chặn đường rút của ta. Nơi ban chỉ huy, hiện vòng vây đang khép lại. Lệnh vẫn là chốt, chốt đến cùng. Dân điểm lại số lính lành lặn của Trung đội. Rồi Dân đi nhìn tận mặt những kẻ bị thương. Khi thấy Dân, Thục rên:

- Thủ trưởng, em đau lắm. Xin thủ trưởng làm phúc cho em đi nhanh. Đằng nào cũng vậy!

Dân lắc đầu, quai hàm banh ra, nhớ đến lần bị kỷ luật ở Vĩnh Mốc và nhất là Thắm. Thục cố đưa tay nắm áo Dân, tha thiết:

- Thủ trưởng tha tội cho em, cái chuyện chị Thắm là chuyện em lầm lỡ... Đằng nào cũng thế, làm phúc đòm cho em một phát!

Dân bậm môi:

- Điều này trái quân luật! Không được...

Thục nức lên:

- Em đau... đau ghê lắm, đau như trong đầu có cả vạn con kiến lửa nó đốt. Máu ra thế này, chắc ngày sau thì mới chết được!

Không biết tự lúc nào Tạ đã đến đứng bên. Nhìn Dân, Tạ buồn bã:

- Để đó...

Cầm một túi giấy tờ của lính vừa chết vì bị thương, Tạ đưa vào tay Dân, nói nhỏ, ‘‘Tếch thôi’’. Dân ngửng mặt nhìn lên vòm sao hôm nào. Ôi, những ánh sao sa ở ngưỡng cửa tử sinh, hãy để cho tôi ước nguyện một điều thôi. Là đừng có bao giờ những con người phải tìm sự sống bằng cách giết những con người khác.

Dân quay bước, tai nghe một tiếng súng ngắn chát chúa. Dẫu gì, đó là tiếng súng nhân đạo độc nhất trong điệu luân vũ trên máu của những kẻ bị xô vào một cuộc chiến chẳng ai có quyền chọn lựa.


[1] lượt.

[2] tiếng lóng gọi bác sĩ.

[3] sẽ rồi có sứt mẻ!