Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2020

Út Phận, hạt cát sau chiến tranh

(Đọc ĐỒNG BẰNG – Hồi ký Nguyên Ngọc, kỳ 2)

Lê Học Lãnh Vân

Đọc bài văn này của Nguyên Ngọc, không ít lần tôi lặng người. Cũng như Nguyên Ngọc và các bạn của anh, sau thời gian dài luồn rừng núi, ngày kia leo lên một đỉnh Trường Sơn cao vòi vọi, “đứng lặng nhìn về hướng Đông và thấy đồng bằng. Một dải đồng bằng mờ ảo, như trong mơ. Những đụn cát dài tít tắp, trắng mờ. Rồi biển, không cùng, xanh như thực như hư… Đồng bằng đấy!”.

Nhìn đồng bằng, các anh khóc.

Không khóc, nhưng tôi cay mắt vì chất người trong đoạn văn!

Đấy là thời rất gian khổ trong chiến tranh. Tại Miền Nam, một tấc đất cắm dùi cũng không có, Nguyên Ngọc và các đồng chí của anh “bắt đầu một công cuộc dài thăm thẳm” là giải phóng Miền Nam. Thời đó, tại Miền Nam các anh “chưa có gì hết”, “mênh mông bốn bề tất cả là của đối thủ”, còn các anh đang là “một nhúm người “bất hợp pháp”, một thứ giặc cỏ vô tăm tích trốn chui trốn lủi trong rừng sâu, chọn đỉnh núi cao nhất, hiểm trở nhất mà ở, tìm con suối vô danh, không hề có tên trên mọi tấm bản đồ quân sự tỉ mỉ nhất mà uống nước, ngày không dám đốt một ngọn khói, đêm không dám nhen to một đống lửa”.

Trong những ngày đó, tất cả sinh lực tuổi trẻ được đổ cuộc sống gian khổ, nguy hiểm, “trốn chui trốn lủi trong rừng sâu” chuẩn bị cuộc chiến, còn đồng bằng ngoài kia là đời sống bình yên. Các anh không thắc mắc gì cả.

Sau những ngày dài đó, lú đầu khỏi đỉnh núi cao nhìn về đồng bằng, lòng nào mà chẳng rơi nước mắt của tình người!

Tình người của các anh, sâu thẳm nhất, vồn vã nhất và cũng hồn nhiên nhất, đặt nơi những người “con gái đồng bằng”, “đàn bà đồng bằng”. Kín đáo, vồ vập hay sỗ sàng, nỗi khao khát đồng bằng nơi các anh hình như chẳng khác nhau. Rất thương các anh sống một quãng đời mà tình người dung dị và thuận lẽ tự nhiên ấy bị đè nén, bóp méo…

Trên những căn cứ rừng núi của các anh, phụ nữ đồng bằng hiếm và quí hơn hột xoàn!

Một chị nấu ăn, người gọn ghẽ, nở nang, trong hoàn cảnh chiến tranh mà sống với niềm yêu đời phơi phới. Sinh hai con, chị tự vẫn hình như “vì cái lối phê bình kiểm điểm thô bạo của một viên cán bộ phụ trách”!

Sau khi Tứ Mỹ, cái xóm đồng bằng đầu tiên ở Khu 5, được giải phóng, các anh có thêm nhiều du kích. Đêm đêm, đề phòng có thể bị bất ngờ tập kích, “vài chục cô cậu đều trẻ măng kéo lên treo võng ngủ trong một khu rừng mít phía Tây thôn 7. Nào đâu có ngủ được, con trai con gái treo võng nằm lẫn lộn, rì rầm nói chuyện suốt đêm”. Trong đám thanh niên hồn nhiên tươi trẻ đó, cô Út, người “con gái quê đang mơn mởn dậy thì”, có lẽ nhỏ tuổi nhất, dễ thương nhất… Mãi đến sau này, Nguyên Ngọc mới biết cô Út tên Phận, Út Phận.

Chiến tranh, lạ vậy, có thể khiến cho con người mất sạch tính người, cũng lại chính nó có thể khiến cho con người người hơn bao giờ hết. Chiến tranh, kỳ vậy, rất lắm khi là môi trường của tình yêu. Và đã yêu nhau trong khói lửa ấy thì người ta trao cho nhau hết, không giữ lại chút gì”. Trong những ngày thường trực sống chung với cái chết bất ngờ, nhẹ nhàng hay thảm khốc, một đồng nghiệp, đồng chí của Nguyên Ngọc, đã cùng với Út Phận để lại một giọt máu nơi thôn Tứ Mỹ, xã Kỳ Sanh, huyện Nam Tam Kỳ, một vùng đất bán sơn địa bị chà đi xát lại bởi chiến tranh!

Út Phận chính là cô Mẫn trong Mẫn và Tôi, tác phẩm nổi tiếng của văn học cách mạng. Vâng, người đồng nghiệp, đồng chí nói trên của Nguyên Ngọc là nhà văn Phan Tứ. Một số nhà văn cùng thời biết chuyện này! Tôi từng nghe những người đàn anh kể lại và cũng nghe những nhận xét khác nhau. Là kẻ hậu sinh lại chưa từng trải đời bộ đội, du kích, tôi không dám có ý kiến gì về cá nhân của những nhân vật thực ngoài đời trong câu chuyện Mẫn và Tôi. Chỉ thấy mối tình đẹp và rất người trong chiến tranh!

Từ “cô du kích đáng yêu nhất trong đám du kích trẻ măng rì rầm mãi những đêm không ngủ, thỉnh thoảng lại cười ré lên không ai có thể biết vì chuyện gì rồi lại suỵt nhau im lặng”, người “con gái quê đang mơn mởn dậy thì” Út Phận đã thành Người Yêu, Người Mẹ trong chiến tranh. Trong khói lửa, còn hình ảnh nào của tình người, đời người đẹp hơn hình ảnh đó?

Tôi lại lặng người đọc những dòng kết của Nguyên Ngọc: “Út Phận nhỏ nhoi ngày ấy chắc còn chưa biết chữ, bằng tình yêu thơ dại, liều lĩnh, say mê và can trường cắn răng im lặng suốt mấy mươi năm chung thủy của cô”.

Cắn răng im lặng! Chao ôi, cho tới năm 1995, khi nhà văn Phan Tứ qua đời, mẹ con Út Phận vẫn chưa có danh phận gì với Phan Tứ, với gia đình Phan Tứ.

Một chi tiết về Út Phận: bà bị chế độ Việt Nam Cộng Hòa bắt giam tại nhà lao Quảng Tín từ giữa năm 1967 đến đầu năm 1971. Ra tù, bà tiếp tục hoạt động cách mạng. Tháng 2 năm 1975, một cán bộ cách mạng bị mật phục sát hại tại Tứ Mỹ. Út Phận bị bắt giam vì bị nghi làm tay trong cho địch. Cho dù nhiều đồng chí đã xác nhận bà không hai mang, Út Phận, tới bây giờ, vẫn chưa gỡ được dấu hỏi nghi ngờ kia treo mãi trên kiếp người đã gần đất xa trời của bà! Và bà vẫn mòn mỏi đi tìm bằng cớ cho sự trong sạch, không hai mang của mình, “chỉ mong chính quyền cho tui cái giấy chứng nhận tui đã tham gia cách mạng”!

Tôi chợt nhớ một viên phi công Mỹ bị bắn rơi và bắt làm tù binh tại khách sạn Hilton Hỏa Lò Hà Nội. Khi ra tù về nước, ông được thăng hai cấp. Những chiến sĩ cách mạng Việt Nam khi ra tù thì bị xác minh lý lịch trong thời gian ở tù bằng một cách rất xét nét. Không xác minh được, người chiến sĩ không trút bỏ được dấu hỏi nghi ngờ như thanh gươm Damocles treo lơ lửng trên sự nghiệp chính trị, xã hội của minh! Đó là trường hợp của không ít người!

Việc Út Phận và người con trai chưa có danh phận gia đình gì với Phan Tứ có liên quan không với chi tiết Út Phận sa cơ bị bắt giam trong nhà lao Quảng Tín và sau đó bị nghi ngờ hai mang?

Cuộc chiến vừa qua, với những người tham gia, là cuộc chiến chính nghĩa. Mối tình kia trong cuộc chiến là mối tình rất đẹp. Cuộc chiến đó, mối tình đó đã mang tới điều tốt đẹp gì cho cuộc đời Út Phận?

Chiến tranh luôn đem tới bất hạnh và chia rẽ xã hội sau khi nó kết thúc. Sự chia rẽ và nỗi bất hạnh lớn hay nhỏ, kéo dài hay mau chóng được chữa lành phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm, cách thức tiến hành chiến tranh cùng cách thức đối xử hậu chiến với nhau.

Sau hòa bình, cuộc chiến quá lâu và quá lớn vẫn còn đổ sẫm bóng trên đồng bằng, suốt chiều dài bờ biển quê hương, trong đó cuộc đời và mối tình Út Phận như một hạt cát nhỏ nhoi…

Ngày 18 tháng 8 năm 2020