Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 16 tháng 9, 2020

Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes - bản tường trình năm 1619 viết bởi LM João Rodrigues Girão (phần 24)

Nguyễn Cung Thông[1]

Phần này bàn về bản tường trình hàng năm gởi từ Ma Cao của LM Dòng Tên João Rodrigues Girão cho năm 1619. Ngoài bức thư bằng tiếng Bồ-Đào-Nha này, các tài liệu tham khảo chính của bài viết này là bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) tự điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra tự điển này trên mạng, như trang http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false. Các chữ viết tắt khác là Nguyễn Cung Thông (NCT), Hán Việt (HV), Việt Nam (VN), ĐNA (Đông Nam Á), LM (Linh Mục), CG (Công Giáo), PG (Phật Giáo), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh). Trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm. Tương quan Hán Việt ghi nhận trong bài không nhất thiết khẳng định nguồn gốc của các từ liên hệ (có gốc Việt hay Hán). Phần này cũng dựa nhiều vào bản dịch ra tiếng Anh đầu đề "Transcription and Translation of a Yearly Letter from 1619 Found in the Japonica Sinica 71 from the Archivum Romanum Societatis Iesu" của tác giả Jason Michael Wilber (luận án Thạc Sĩ/MA năm 2014 ở trường Brigham Young University - Provo/Utah - Mỹ). Tác giả bản tường trình 1619 là LM João Rodrigues Girão[2], tuy không đến Đàng Trong, nhưng đã thu thập các tin tức và dữ kiện ở từ trung tâm (đại học ~ college) Ma Cao để báo cáo chính xác hơn về tình hình truyền đạo mới bắt đầu ở các nước Á Châu. Theo truyền thống của Dòng Tên[3], hàng năm các giáo sĩ phải viết báo cáo tình hình hoạt động truyền giáo nơi mình làm việc để gởi về cho Bề trên nhà Dòng. Bản báo cáo được viết thành 3 bản, một bản lưu, hai bản được gởi về nhà Dòng theo hai đường khác nhau để phòng ngừa bị thất lạc. Nên biết thêm ở đây[4] là vào năm 1619 ở Đàng Trong thì đã có các LM Buzomi (từ năm 1615, người Ý), Fernandes (từ năm 1617, người Bồ), Marques (từ năm 1618, người Bồ), Pina (từ năm 1617, người Bồ), Borri (từ năm 1618, người Ý) và các tu huynh Dias (từ năm 1615, người Bồ) và José (1616, người Nhật). Một số dữ kiện trong bản tường trình 1619 sẽ được so sánh với bản tường trình của LM Borri (1631), người đã từng trải qua cùng một kinh nghiệm tuy thời gian viết là khoảng một thập niên sau đó. Từ năm 1619 đến 1624, LM de Rhodes kẹt ở Goa và Ma Cao (vì Nhật Bản cấm đạo) và đến Đà Nẵng vào cuối năm 1624. Các điều đáng chú ý trong bức thư 1619 là cách ghi nhận chữ quốc ngữ ban đầu và vài chi tiết thú vị về tình hình xã hội văn hóa và kinh tế của Đàng Trong vào đầu TK 17, khi các đời chúa Nguyễn bắt đầu xây dựng cơ nghiệp trong vùng đất mới - xem bản đồ bên dưới (LM de Rhodes/1653) với các địa danh liên hệ. Bản tường trình 1619 còn cho ta ấn tượng một nước Đàng Trong hoàn toàn độc lập và tích cực trong các hoạt động kinh tế, với bản chất mở rộng thị trường cho quốc tế. Người viết không nghĩ rằng có nhiều thay đổi lớn trong văn hóa và ngôn ngữ ở Đàng Trong trong những năm 1617/1619 cho đến khi các chi tiết được chép lại trong VBL (một khoảng thời gian trước năm xuất bản/1651). Hình trang sau là bản tường trình năm 1619 bằng tiếng Bồ được đánh máy lại:

clip_image002

Trích từ trang http://conggiao.info/quyen-sach-giao-ly-dau-tien-trong-cong-cuoc-truyen-giao-tai-viet-nam-d-52563 (tác giả LM Võ Đình Đệ, sđd). Tạm dịch/NCT: “(Nhà Chúa đã thông cảm và hiểu Thiên Chúa hơn thay vì phải thông qua chúng tôi) và nhà Chúa đã không cản trở công việc chúng tôi nữa, hay bất kỳ người nào khác cũng chẳng dám. Chúng tôi bắt đầu gặt hái được kết quả trong công việc làm qua sự tôn trọng và an bình, tĩnh lặng. Các thầy giảng địa phương bắt đầu giỏi tiếng Việt hơn và khiến cho nhiều người theo đạo hơn kể cả những người ngoại quốc, nhất là trường hợp một thầy giảng thông thạo tiếng Việt. Thầy giảng này rất chịu khó học tiếng Việt, đã dịch phần đầu của giáo lý CG và các thí dụ đến từ Thánh Hồng Y Bellarmine. Hiện nay, thầy giảng này vừa soạn xong một cuốn từ vựng thay vì một cuốn ngữ pháp, vì không thể làm được cũng giống trường hợp ngữ pháp tiếng Trung Hoa. Chúng tôi hi vọng nơi Thiên Chúa các nỗ lực này sẽ có kết quả hơn nữa...”. Hãy bắt đầu bằng cách ghi lại một số ‘chữ quốc ngữ đầu tiên’ và sau đó xem qua các hoạt động kinh tế và ảnh hưởng tôn giáo khó nhận ra hơn trong bức thư 1619 này.

1. Ondelim (Ông đề lĩnh)

1.1 Bản tường trình 1619 nhắc đến ông đề lĩnh một lần qua dạng ondelim - trích trang 86 sđd: "Khi quan trấn thủ qua đời, thì một trong các con của ông lên kế vị - còn gọi là ông đề lĩnh (ondelim, cũng như là một viên quan lớn). Cũng như cha mình, quan trấn thủ mới rất có thiện cảm với giáo sĩ chúng ta" tạm dịch/NCT. Theo LM Bartoli (sđd) thì ông đề lĩnh này là con cả của quan trấn thủ. Ondelim là một dạng kí âm của tiếng Bồ thường gặp với phụ âm cuối -m so với cách viết -nh bây giờ (khuynh hướng mũi hóa/nasalised của tiếng Bồ). Thí dụ như Tunchim là Đông Kinh trong bản báo cáo của LM Borri năm 1631 hay trên bản đồ năm 1653/Alexandre de Rhodes (ghi là TVMKIN, xem bên dưới - viết tắt là AdR trong bài này). Ngay cả đến thời LM Philiphê Bỉnh (cuối TK 18 - đầu TK 19) mà ông vẫn thường dùng[5] Báckim (Bắc Kinh), Namkim (Nam Kinh)... Như vậy là dễ nhận ra có ba đặc tính của chữ quốc ngữ vào giai đoạn phôi thai này, dù chỉ có vài dữ kiện giới hạn:

(a) viết liền nhau như Tunchim, Tumkin, ondelim, ondelimbay, Nuocman, Faifo, onsai…

(b) không (hay rất ít) ghi thanh điệu[6] như các thí dụ trên

(c) phụ âm cuối -m thay vì –nh: Tumchim, Tumkin… và có khi mất –m đi vì đồng hóa với nguyên âm (giọng mũi/nasalised - một đặc tính của tiếng Bồ).

1.2 Đề lĩnh vào TK 17 là một chức quan lớn, vì thế mới trao con trai (kế vị) của quan trấn thủ theo bản tường trình 1619, cũng như sự hiện diện của chức quan này trong một số bản báo cáo của các giáo sĩ Tây phương (td. LM João Roig 1621, LM Gaspar Luis 1626, LM João Rodrigues Girão 1619, LM Antonio de Fontes 1626...). Trước đó vào đầu TK 16 thì vua Lê Tương Dực (trị vì 1509-1616) đã đặt ra các cấp quan đề lĩnh 提領: "Bàn đặt quan đề lĩnh, có các chức chưởng đề lĩnh, đồng đề lĩnh và phó đề lĩnh, trông nom việc quân ở bốn mặt thành, chức trách là tuần phòng ở Kinh sư, canh phòng các nơi, tìm bắt kẻ gian phi" trích Đại Việt Sử Kí Toàn Thư, trang http://www.nomfoundation.org/nom-project/history-of-greater-vietnam/Search-History-of-Greater-Vietnam?uiLang=vn. Đến TK 17, quan đề lĩnh quản lý các vụ kiện tụng theo giải thích trong VBL. VBL ghi ông đề lĩnh (lễnh > lãnh) hai lần ở mục đề và mục lễnh (lĩnh, VBL ghi lỉnh với dấu hỏi):

clip_image004VBL trang 410

clip_image006V

BL trang 623. Ông đề lĩnh Quảng - một chức quan ở kinh đô (Đông Kinh) - chắc phải quan trọng lắm nên LM de Rhodes đã chép lại trong VBL.

Trong "Tường trình về Đàng Trong" (1645) trang 55, LM de Rhodes từng ghi nhận: "Một trong các quan cao cấp gọi là Đề Lĩnh, ông cho là mình mất tiếng nếu không bắt ép các bà bỏ đạo". Tới thời vua Gia Long, thì đề lĩnh/lãnh là quan coi vựa lúa nhà vua[7] (tự điển Béhaine –Taberd - Génibrel). Như vậy là có sự xuống cấp rất rõ của chức đề lĩnh: từ một vị trí rất gần với vua, rồi thành chánh nhị phẩm (đời Bảo Thái/vua Lê Dụ Tông) và thành tòng thất phẩm (nhà Nguyễn) - cũng như nhiệm vụ của đề lĩnh cũng thay đổi theo từng triều đại.

2. Sai (Sãi)

2.1 Bản tường trình 1619 ghi lại một lần chữ sai (không dấu) để chỉ Sãi: "Có một ông rất tốt sống gần nhà chúng tôi, người ta gọi ông là sai (sãi)... thường đi chùa mà ông xây ở gần nhà ông… Ông luôn bố thí cho thiên hạ dù mình có bao nhiêu cũng chẳng nề…". Sau này, ông sãi có vợ trên đã từ bỏ PG, dẹp chùa và theo CG cũng giống như câu chuyện của ông sãi (Onsaij) trong bản tường trình 1631 (LM Christoforo Borri) - xem hình chụp bên dưới. So sánh với cách ghi của LM Gaspar do Amaral (25/3/1637): sãy, cho đến thời VBL (1651) đã ghi là sãi. Thường khó nhận ra mặt chữ chính xác vào thời bình minh của chữ quốc ngữ như hiện nay: td. LM Borri ghi tên ông sãi là Ly, mà cũng có thể là Lý... Xem hình chụp từ bản gốc bên dưới:

clip_image008

Đoạn tường thuật về ông sãi tên Ly bỏ đạo Phật mà theo CG - trích từ nguyên bản "Xứ Đàng Trong" - Cristoforo Borri 1631.

Trong "Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài" (khoảng 1650), LM de Rhodes không thống nhất trong cách ghi sãi: có lúc ghi là saj (trang 146, 165, 210, 169 bản tiếng Pháp), có lúc ghi là sai (trang 70): tất cả đều không có ghi thanh điệu, khác với VBL. Để ý ranh giới Đàng Ngoài và Đàng Trong trên bản đồ Alexandre de Rhodes bên dưới, còn ghi địa danh Cuasay - so với dạng cua sai trong "Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài". Theo VBL trang 671 thì sãi (đàn ông) và vãi (đàn bà) là những người theo đạo Phật, thường xuyên lễ Phật và làm những chuyện thiện nguyện (bố thí) như làm cầu, xây nhà cho người ta/ khách thập phương tạm trú, v.v. Giải thích này phù hợp với bản tường trình 1619. Vì dân chúng đa phần là PG (ngay cả nhà Chúa) nên ảnh hưởng của giới sãi vãi rất lớn đối với chánh quyền đương thời. Các quyết định như làm chùa, cấm đạo CG chẳng hạn (vì bị cho là nguyên nhân của thiên tai trong nước như mất mùa, bão lụt...) đều có phần đóng góp của giới sãi vãi.

clip_image010

VBL trang 671

2.2 Vào thời VBL, sãi là người đàn ông theo PG và sãi tu (VBL) chỉ thầy tu so với sư chỉ thầy như tiên sư (thầy trước/VBL) chứ không thấy dùng như hiện nay. Có khả năng là các dạng sư, sãi và thầy có cùng một gốc. Xem lại các cách đọc chữ sư 師 (thanh mẫu sinh 生 vận mẫu chi 脂 bình thanh, khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

疏夷切 sơ di thiết (TVGT, ĐV, QV, TTTH)

霜夷切 sương di thiết (TV, VH, LT)

TNAV ghi vận bộ 支思 chi tư (dương bình)

CV ghi cùng vần/bình thanh 施 䙾 葹 鍦 鉇 詩 邿 翅 尸 屍 鳲 蓍 㕧 釃 廝 籭 簁 蓰 襹 䌳 絁 師 篩 獅 螄 蒒 (thi sư si)

申之切,音獅 thân chi thiết, âm sư (CV)

申之切,音詩 thân chi thiết, âm thi (TVi, CTT)

相资切,音司 tương tư thiết, âm ti/tư (TVi)

式至切,音試 thức chí thiết, âm thí (TVi), v.v.

Giọng BK bây giờ là shī so với giọng Quảng Đông sí và các giọng Mân Nam 客家话:[客英字典] sii1 [宝安腔] su1 [梅县腔] se1 [客语拼音字汇] si1 [沙头角腔] su1 [海陆丰腔] sii1 [台湾四县腔] sii1 [东莞腔] su1 [陆丰腔] sii1, giọng Mân Nam/Đài Loan là sai1, tiếng Nhật shi và tiếng Hàn sa. Sãi là âm đọc theo giọng Mân Nam của sư[8] như ghi ở trên, phản ánh vết tích của giao lưu ngôn ngữ trước đây với các vùng nam TQ - xem thêm cách đọc faifo của hoài phố bên dưới. Ngoài ra, khuynh hướng biến âm s - t đã cho ra dạng thầy (sai > *thai > thầy). Hai dạng cùng một gốc nhưng đã tách ra hai cách dùng khác nhau: Sãi (sai/saj) là một biến âm dùng cho những người sùng bái PG so với thầy (thaj) là bậc có kiến thức và dạy học trò. Ngay cả đến thời LM Taberd (1838), Lũy Thầy[9] vẫn còn ghi là Lũy Sầy – xem hình chụp bên dưới trích từ An Nam Đại Quốc Họa Đồ 安南大國畫圖 do LM Jean-Louis Taberd (1794 - 1840) soạn và xuất bản năm 1838:

clip_image012

2.3 Ảnh hưởng tiếng Bồ vào TK 16 và 17 – “bonzo”

Để ý cách kí âm của tiếng Bồ trong VBL (hình chụp bên trên) của danh từ phàm tăng 凡僧 (~ tu sĩ PG so với cách dùng bần tăng 貧僧) là bonzo < bonzō là gốc tiếng Nhật ぼんぞう. Phàm có một dạng âm cổ là buồm hay *bjom và tăng đọc theo tiếng Nhật trung cổ thành *zo với phụ âm cuối tha hóa: 凡僧 phàm tăng ~ *bjom *zo > bonzo (tiếng Nhật > tiếng Bồ-Đào-Nha và Tây-Ban-Nha) và cho ra các dạng bonze (tiếng Pháp, Anh, Đức, Hà Lan, Ý...) và бо́нза (tiếng Nga, Ukrainian...), phản ánh giao lưu Nhật-Bồ trước TK 17 thời VBL ra đời.. Xem thêm chi tiết về ảnh hưởng tiếng Bồ mà ít người nhận ra như trong các bài viết cùng tác giả/NCT "Tiếng Việt thời LM de Rhodes – “Phổ Kiến (Phúc Kiến), Chincheo và Varella…” (phần 23) hay "Tiếng Việt thời LM de Rhodes – cách gọi ngày tháng/thời gian" (phần 6)… Không những từng hiện diện trong vốn từ ngoại quốc mà ít người nhận ra, vết tích của tiếng Bồ còn thấy trong những trường hợp sau (ảnh hưởng gián tiếp).

3. Pulo Cambi hay Pulocamby

Bản tường trình 1619 cho ta một thông tin thú vị về địa danh Pulocamby, trang 85 (sđd): "Phần bờ biển Đàng Trong giáp với vương quốc Chăm Pa có một chỗ dừng chân mà cũng là nơi trầm hương và hương kì nam sinh sản rất nhiều. Người Bồ gọi nơi dừng chân này một cách đơn giản là cù lao dê vì hình dạng của nó. Ở giao điểm này có một thành phố và nhiều người cư trú gọi là Nuocman, cũng là chỗ ở thứ hai của chúng tôi" tạm dịch/NCT. Pulo trong tiếng Acehnese, Indonesian/Mã Lai (pulau), Tagalog, Sudanese đều có nghĩa là đảo (island), có gốc là proto Malayo-Polynesian (tiền Mã Lai Đa Đảo). Camby theo bản tường trình 1619 là tiếng Mã Lai nghĩa là con dê (goat), so với dạng kambing bây giờ (để ý khuynh hướng mũi hóa của tiếng Bồ nên phụ âm mũi cuối -ing có khả năng bị đồng hóa[10] vào nguyên âm -i). Bản đồ của LM Alexandre de Rhodes - xem bên dưới - cho thấy rõ liên hệ giữa Pulocamby (Pulo cambi) và Nuocman (Nước Mặn - ghi là Eau Salée trên bản đồ[11], đây là dịch ra tiếng Pháp). Ngoài ra, danh từ kambing cũng có gốc Mã Lai Đa Đảo *kambiŋ nghĩa là con dê: td. tiếng Asi, Indonesian/Mã Lai, Tagalog, Tiruray con dê là kambing. Do đó, các địa danh như Ponta da Varella (Thạch Bi Sơn, núi Đá Bia), Pulocambi (Nước Mặn), Chinceo đều cho thấy ảnh hưởng của tiếng Indonesian/Mã Lai qua tiếng Bồ vì tàu Tây phương thường phải dùng dân địa phương (Mã Lai) trong các hải hành đến ĐNA hay các vùng viễn đông.

clip_image014 

Bản đồ năm 1653/LM de Rhodes (AdR) với các địa danh Kẻ Mọi, Pulocambi, Nước Mặn (và Nước Ngọt), Haifo (~ Hoài Phố, faifo/VBL), Turon.

Hình trích bên dưới là bản đồ ĐNA của Nicholas Sanson (1600-1667), được coi như cha đẻ kỹ thuật vẽ bản đồ của Pháp. Xuất bản năm 1654 so với các bản đồ in trong tài liệu của LM de Rhodes (năm 1651, 1653) có hơi khác chánh tả (Ranram ~ Ranran, Pulocabis ~ Pulocambi...). Để ý cách ghi Haifo (~ Faifo, Hoài Phố/VBL), Royaume de Tuquin (vương quốc Đông Kinh) ở phía bắc và Royaume de Cochichin (Vương quốc Đàng Trong) ở phía nam.

Địa danh Haifo ghi trong bản đồ 1653 (AdR) hỗ trợ phần nào cho nguồn gốc tên gọi Hải Phố 海浦 của Faifo. Tuy nhiên, Hải Phố vẫn cho ra dạng Faifo qua liên hệ h-f cũng như Hoài Phố.

clip_image016

clip_image018

Bản đồ trên vẽ bởi Du Val - xuất bản đầu tiên vào năm 1665 - tái bản trong cuốn Cartes de Geographie les Plus Nouvelles (Paris, 1677). Nước Mặn không còn trên bản đồ và rút lại thành Cambir (đảo Cambir) so với faifoSinua (Thuận Hóa) có hình nhà thờđịa điểm không có tên nằm trên nhánh sông Cambodia chảy ra biển Đông ~ vùng Sài Gòn ngày nay.

clip_image020

Bức tranh vẽ Faifo (Hội An, vào khoảng TK 17) của thương gia Chaya Shinroku có tên là 交趾国渡航図巻 Giao Chỉ quốc độ hàng đồ quyển đang lưu trữ ở chùa Jomyo (thành phố Nagoya). Năm 1619 đặc biệt đánh dấu đám cưới của công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Hoa (con gái nuôi của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên) và thương gia Nhật Araki Sotaro. Thuyền buôn/chu ấn thuyền của Araki Sotaro còn gọi là hoang mộc thuyền 荒木船 (hoang mộc là nghĩa của tên họ Araki あらき trong tiếng Nhật).

clip_image021

Giao thương Nhật Bản-Á Châu vào TK 16 - đầu TK 17

Hình sao màu xanh trong bản đồ chỉ ‘thành phố Nhật’ (Japantown, so với Chinatown hiện đại), sao màu đỏ là khu vực có người Nhật (Japanese enclave), chấm đen là thành phố có giao thương quan trọng với Nhật. Bản đồ lộ trình của chu ấn thuyền[12] 朱印船 (shuinsen) là theo tác giả Thomas Jansen (2007), trích từ trang https://zh.wikipedia.org/wiki/%E6%9C%B1%E5%8D%B0%E8%88%B9

4. Cacham

Bản tường trình 1619 ghi hai chỗ ở[13] của các giáo sĩ Dòng Tên: tỉnh Cacham và tỉnh Pulocamby (trang 74). Cacham hay Kẻ Chàm - xem bản đồ của LM de Rhodes bên trên (AdR). Một thập niên sau, LM Borri ghi địa danh này là Cacciam (1631). Có lẽ nên nhắc lại năm phủ (province, nên dịch là phủ thay vì tỉnh) trong bản tường trình 1631: giáp Đàng Ngoài nơi Chúa ở là Sinuua (Thoanoa/AdR, Thoận Hóa/VBL, Sinua - Kẻ Hóa/VBL, Thuận Hóa/Xứ Hóa), thứ hai là Cacciam (Kẻ Chàm, Province de Ciam/AdR, Quảng Nam) nơi con Chúa trấn thủ, Quamguya (Qvamghia/AdR, Quảng Nghĩa, Quảng Ngãi), thứ tư là Quignin (Quinhin/AdR, Quy Nhơn) hay Pullucambi (Pulocambi/AdR) theo cách gọi tiếng Bồ, thứ năm thì giáp Chiêm Thành (Ciampa/AdR) gọi là Renran (Ranran/AdR, VBL). Để ý AdR (1653) ghi thêm phủ Quảng Bình (cực bắc). Ban đầu Đàng Trong chỉ có 2 trong số 13 trấn của nước Đại Việt là Thuận Hóa và Quảng Nam[14], 11 trấn còn lại do chúa Trịnh cai quản. Sau đó, càng ngày càng phân chia và mở rộng thêm (Nam Tiến).

clip_image023

Chương 10: nhà thờ, giáo dân ở Hội An (Faifo), Đà Nẵng (Turon) và Quảng Nam (Cacciam) - LM Borri/1631 - tạm dịch đầu đề/NCT.

Trong bức thư[15] viết gởi LM Jeronimo Rodrigues senior, LM Pina (từ Faifo, 1623) thường viết là Cachão, cũng có lúc viết là Cacham. Trong cùng một bức thư, ông viết về lý do Kẻ Chàm là trung tâm dạy tiếng Việt: "Về việc học ngôn ngữ, thì Kẻ Chàm vẫn là nơi tốt nhất, vì Triều Đình được đặt nơi đây; người ta nói năng rất chuẩn và có nhiều thanh niên học trò qui tụ về, nên những ai bắt đầu học ngôn ngữ có thể tìm được sự giúp đỡ nơi các học trò ấy" (xem phụ chú 9). Ngay cả đến thời LM Philiphê Bỉnh (cuối TK 18 - đầu TK 19), ông vẫn thường viết là Cachão: "vì năm ấy là năm 1635 thì cũ (cũng/NCT) chg? (chẳng/NCT) mưa, mà vạn bến Faifo thì cách kẻ chợ Cachão một dạm (dặm/NCT) đàng (đường/NCT)" trích trang 15 ‘Truyện Anam Đàng Trong’.

5. Caixa (đồng tiền)

Caixa tiếng Bồ có nghĩa là một cái hòm hay rương, hay còn là đồng tiền (‘loại đồng tiền nhỏ Ấn Độ’ - tự điển Bồ-Anh/1773). Theo giải thích của VBL trang 792 thì 1 tiền bằng 60 đồng tiền (60 caixas), 1 quan bằng 10 tiền...

clip_image025

VBL trang 792

clip_image027

Tự điển Bồ - Anh (1773) - Antonio Vieira Transtagano

Bản tường trình 1619 nhắc đến chuyện chúa Đàng Trong tiếp các giáo sĩ từ Ma Cao sang: "để cho họ ở trọ gần dinh Chúa, và cấp cho 5 ngàn đồng tiền (caixas, một loại tiền bằng đồng), ba vòng đeo tay bằng bạc, gạo và các thứ khác nữa" trang 84 - tạm dịch/NCT. Một lý do cho 5 ngàn đồng tiền là vì một cách dùng tiền xưa bằng cách xâu 5 quan lại với nhau thành một vỉa tiền[16] (một vác), nhưng đáng lẽ chỉ được 3 ngàn đồng tiền (=5x600 đ) thì nhà Chúa đã dùng hối suất ngoại quốc (cho Nhật Bản, TQ) thành ra là 5 ngàn đồng tiền (=5x1000 đ). Nhà Chúa cũng cho một sắc lệnh viết trên một tấm bảng kim loại với nội dung: "Bảng kim loại viết về sự chấp thuận của đức Vua[17] Đàng Trong cho các giáo sĩ CG. Bất kỳ ai có đọc bảng yết thị này, phải biết rằng đức Chúa đã cho các giáo sĩ Bồ-Đào-Nha được sinh sống/hoạt động ở đất này, cũng như đã từng cư trú cho tới ngày hôm nay; nếu có ai vì lý do là người nước ngoài mà sinh chuyện/làm khó dễ họ thì phạm luật nước này và sẽ bị xử phạt nghiêm khắc. Kí tên Yum[18] Lo thứ nhì, ngày 25 vào lúc trăng mới (sóc/New Moon)”. Các giáo sĩ rất biết ơn với sắc dụ này và muốn tặng một số bạc cho viên thư kí như tục lệ của xứ này, nhưng nhà Chúa từ chối vì nói rằng các nhà truyền đạo vẫn còn nghèo khó. Ngoài ra, đức Chúa Bà (vợ Chúa) còn cho quà và tặng các giáo sĩ vài tấm lụa rất tốt để may quần áo. Tấm bảng kim loại ghi sắc dụ nhà Chúa được treo ở ngoài nhà thờ Hội An để mọi người có thể đọc được, nhất là dân chúng tụ tập ở cảng hay đến chơi lễ hội và đến từ tàu phương xa. Sắc dụ trên cho thấy một liên hệ rất tích cực trong giai đoạn này, rất ít thấy tài liệu nào ghi lại như vậy, trong một quá trình truyền đạo CG không đơn giản chút nào - đầy nghi kỵ và tiêu cực (cấm đạo, tử vì đạo, bất đồng ngôn ngữ/tín ngưỡng...) - nhất là giữa các nền văn hóa rất khác biệt.

6. Xaca (Thích Ca)

Bản tường trình 1619 nhắc đến Xaca một lần trong trang 89 chỉ Phật giáo[19]. Đây là một cách kí âm tiếng Bồ của tiếng Phạn śākya शाक्य, vào thời VBL đã dùng âm HV Thích Ca 釋迦 (shìjiā theo pinyin). LM Borri cũng ghi dạng Xaca trong bản tường trình 1631, còn LM de Rhodes chỉ dùng Xaca một lần trong “Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài” nhưng ông nói rõ hơn là người Nhật gọi là Xaca và từ Ấn Độ (VBL cũng nhắc lại điều này). Trong VBL và PGTN, LM de Rhodes dùng dạng HV Thích (Thíc) Ca. Dạng Xaca gần dạng gốc Phạn hơn là các âm HV Thích Già, Thích Ca, v.v.

clip_image029

Chương 8: Tìm hiểu sơ qua về tín ngưỡng Đàng Trong - LM Borri/1631 - tạm dịch đầu đề/NCT. Để ý chữ Xaca xuất hiện ở đoạn đầu dòng 8 trong hình trên.

7. Thầy dạy chữ Nôm và Nho cho các giáo sĩ

Bản tường trình 1619 thuật lại việc chọn một học giả địa phương (Nước Mặn) như sau trong trang 87: "Ở địa điểm này (Nước Mặn/NCT), chúng tôi cố gắng đặt một người rất thông thạo chữ Đàng Trong[20] (~ chữ Nôm/NCT) và chữ Hán so với các đồng nghiệp, với mục đích là giúp các giáo sĩ học và viết tiếng Việt, cũng như dịch một số tài liệu. Chúng tôi cũng được lời, vì Thiên Chúa, nếu có thể thuyết phục người này vào đạo, ít nhất là giúp đỡ các bổn đạo với tình thương chan chứa, hay thay đổi các học trò khác vẫn còn mê tín dị đoan..." tạm dịch/NCT. Tuy là có thầy dạy nhưng vẫn không ‘đầy đủ’ như trong trường hợp LM Pina (năm 1623) thuật lại: "Từ ngày con đến Miền Truyền Giáo này cho đến nay, con luôn bước đi một mình để phục vụ Giáo Điểm, và con chưa bao giờ dám chi tiền để có được một người giúp đỡ mình. Thật vậy, giá như con chi tiền để mướn một gia sư dạy con tiếng nói và chữ viết, thì ngày nay con đã là một người thợ rành nghề rồi; trong khi đó, chính vì lý lo trên, hiện nay con không biết chữ viết, và điều này là một thiếu sót đáng tiếc; về phần tiếng nói, vốn từ ngữ con có được là những gì mà con đã dùng móng tay mình để cào lên được từ mặt đất, và chỉ có thế thôi" (xem phụ chú 9).

8. Faifo (Hội An)

8.1 Bản tường trình 1619 bàn về chuyện các tín đồ CG ở Nhật thường đến VN (Faifo) như sau: "Nhiều bổn đạo CG Nhật đến Đàng Trong vì những lễ hội nhà thờ và phần thưởng tâm linh (tôn giáo/NCT) cùng tài sản tinh thần - vì ở Nhật Bản thì các giáo sĩ và bổn đạo phải trốn tránh vì chánh phủ đang cấm đạo - do đó bổn đạo không xưng tội và làm lễ thánh như bình thường được, chỉ hiếm hoi lắm mới có. Vì thiếu sự giảng đạo chính thức và công khai, mà bổn đạo lại biết ở nước Đàng Trong thì có một vị giáo sĩ/linh mục biết tiếng Nhật và hai tu huynh người Nhật, tất cả đều có ở đây phục vụ bổn đạo người Nhật. Thành ra nhiều bổn đạo Nhật du lịch đến nước Đàng Trong hàng năm và ở đây thường là ba tháng[21] đủ để cho việc buôn bán. Họ thích đi lễ hàng ngày, xem lễ và nghe giảng ngày chủ nhật cũng như những lễ hội lớn, xưng tội lúc nào cũng được và nhiều lễ thánh khác cần thiết cho những người ngoan đạo… Các bổn đạo này thà chết chứ không chối đạo... Thời gian các bổn đạo Nhật ở Đàng Trong thì họ thường đến nhà thờ xem lễ và nghe giảng. Họ đã làm gương cho giáo sĩ chúng ta và dân bổn đạo địa phương cho thấy thế nào là lòng tôn kính và tình thương dành cho Chúa" tạm dịch/NCT. Ngoài những lợi ích tinh thần như đã viết ở trên, hàng năm vào mùa buôn bán giao lưu với Nhật Bản đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho nhà vua và nước Đàng Trong. Bản tường trình 1619 thuật lại rằng Faifo là hải cảng chính và nổi tiếng nhất ở nước Đàng Trong, nơi có nhiều người ngoại quốc đến đây buôn bán rất tấp nập. Đây cũng là một lý do Faifo xuất hiện trong VBL:

clip_image031

VBL trang 330 (Hoài Phố - Làng ở Đàng Trong nơi người Nhật ở và gọi là Faifo – NCT).

Có lẽ bản tường trình 1619 đã dựng lại cảnh Hội An đang hồi cực thịnh, vì chỉ khoảng hai trăm năm sau thì tình hình đã hoàn toàn khác hẳn, qua ngòi bút của viên trung úy hải quân Mỹ John White (1823, sđd) "Trên đường đi đến vịnh Đà Nẵng, tàu chúng tôi đi qua vịnh và thành phố Faifoe (Hội An/NCT) - trước đây là chỗ họp chợ đông đúc của các tỉnh miền bắc và trước cuộc nội chiến điêu tàn của cả nước (ám chỉ giai đoạn nhà Tây Sơn/NCT) và thành phố này đã bị tàn phá - Faifoe từng là nơi ghé thăm của người Bồ-Đào-Nha từ Ma Cao, và người Nhật làm cho việc buôn bán ở đây rất sầm uất. Nhưng bây giờ thì ở nơi đây trở nên nghèo khó và bỏ hoang, không còn ai đến đây nữa ngoại trừ lèo tèo vài chiếc tàu từ Đàng Trong hay Đàng Ngoài" tạm dịch từ nguyên bản tiếng Anh/NCT.

clip_image033

Tự điển Béhaine (1772/1773).

LM Béhaine (1772/1773) chép lại VBL, nhưng Taberd (1838) ghi thêm Hoài PhốQuảng Namphái phố là cách gọi của dân bản địa và Tây phương (so với dạng Faifo trước đó). Cụ Huỳnh Tịnh Của cũng giải thích y như LM Taberd (1895 – ĐNQATV trang 431). Một điểm đáng chú ý là cụm danh từ Hộy ăn xã (Hội An xã) hiện diện trong bản tường trình 1632 của LM Gaspar do Amaral (ở Đàng Ngoài); so sánh với các cách dùng Hòai Phố, Haifo, faifo (VBL/AdR): ta thấy là Hội An (chữ quốc ngữ) vào thời kì này không dùng để chỉ Hội An hiện nay.

clip_image035

Các dạng khác nhau của Faifo (chụp từ cuốn Địa Lý Thế Giới[22] - 1825)

8.2 Trong các bài trước[23], người viết/NCT đã đưa ra các dữ kiện cho thấy giao lưu giữa miền Nam TQ (Triều Châu, Phúc Kiến...) và VN xuyên suốt chiều dày lịch sử. Cách gọi Faifo cũng có thể được giải thích qua phương ngữ Nam TQ (giọng Mân Nam) khi đọc Hoài Phố (xem VBL trang 330) hay Haifo (AdR). Xem lại chữ hoài 懷 (thanh mẫu hạp 匣 vận mẫu giai 皆 bình thanh, hợp khẩu nhị đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

戸乖切 hộ quai thiết (TVGT, ĐV, QV)

乎乖切,音槐 hồ quai thiết, âm hoè (TV, VH, LT, TG 字鑑, LTCN 六書正擶, TVi)

TNAV ghi vận bộ 皆來 giai lai (dương bình)

CV ghi cùng vần/bình thanh 懷 褢 櫰 槐 瑰 淮 (hoài hòe côi)

胡隈切,音回 hồ ôi thiết, âm hồi (TVi, KH)

呼回切,音揮 hô hồi thiết, âm huy (KH)

苦禾切,音窠 khổ hoà thiết, âm khoả (KH)

胡乖切 hồ quai thiết (NT, TTTH)

乎才切,音槐 hồ tài thiết, âm hoè (CTT), v.v.

Giọng BK bây giờ là huái so với giọng Quảng Đông waai4 và các giọng Mân Nam 客家话:[客语拼音字汇] fai2 [沙头角腔] fai2 [梅县腔] fai2 [东莞腔] fai2 [客英字典] fai2 [陆丰腔] fai3 [台湾四县腔] fai2 [海陆丰腔] fai2 [宝安腔] fai2 潮州话:huai5, tiếng Nhật kai và tiếng Hàn hoy.

Ta thấy giọng Mân Nam là fai2/3 tương ứng với dạng phai tiếng Việt, giải thích tại sao Hoài Phố (Hội An) còn được kí âm là faifo (VBL), hay là kết quả của khuynh hướng môi hóa phụ âm đầu (hw- trở thành phụ âm môi răng f-). Cách đọc này đặc biệt thích hợp với người ngoại quốc trong thời kì buôn bán rất tấp nập của Đàng Trong. Tương quan h-f (Hoài Phố - Faifo) vào thời VBL còn thể hiện qua liên hệ phỉ báng 誹謗 ~ hủy báng (xem hình chụp bên dưới):

clip_image036

VBL/1651 – trang 600

clip_image038 

VBL/1651 – trang 342

clip_image040 

VBL/1651 – trang 888

8.3 Một cách dùng chữ quốc ngữ thời kì đầu là Hoa Lang. Tuy không xuất hiện trong bản tường trình năm 1619, nhưng từ nguyên của Hoa Lang đáng chú ý vì thể hiện tương quan h-f. Hoa/Hŏa Lang (chữ Nôm/Maiorica 花郎) chỉ nước Bồ-Đào-Nha bây giờ: "đến ngày sau khách Hoa Lang đến đấy" CTTr trang 113 (217). LM Cristoforo Borri (1631) phiên âm Hoa Lang là Hoalaom: "Con gnoo muon bau tlom laom Hoalaom chiam?" (con nhỏ muốn vào trong lòng Hoa Lang chăng?) - xem hình chụp bên dưới từ nguyên bản (tiếng Pháp/1631)

clip_image042

Hoa Lang rõ ràng chỉ Bồ Đào Nha theo nguyên bản 1631

Cách dùng vào trong lòng là cách nói ẩn dụ thường gặp vào thời VBL (cụ thể => trừu tượng) hàm ý nhập tâm hay gia nhập: "Hễ là lời cười chê rủa con đến tai Mẹ, thì vào trong lòng Đức Mẹ với" TCTM quyển thượng trang 91. Có khi chỉ dùng vào lòng như "Chớ gì lửa trọng này vào lòng người ta mà làm cho nóng" KNLMPS trang 55, v.v. Béhaine/Taberd (1772/1838) ghi Hoa Lang là Lusitani (Bồ-Đào-Nha). Học giả Huỳnh Tịnh Của lại ghi Hoa Lang là "người nước Lữ Tống" (ĐNQATV), có lẽ là đánh đồng người CG Bồ-Đào-Nha/Tây-Ban-Nha đến từ đảo Lữ Tống (Manila[24] từng là tổng hành dinh truyền giáo của Dòng Đa Minh và Phan-Xi-Cô). Hoa[25] HV 花 có các cách đọc khác nhau như hoa, fa (Triều Châu/Mân Nam - môi hóa âm *xua > fa), giải thích dạng kí âm Frank (một dân tộc cổ ở Âu Châu[26]) trở thành fa lang ~ hoa lang. Cụm từ Hoa Lang[27] đã hiện diện trước thời các giáo sĩ Dòng Tên sang VN: theo quyển “Đỗ tộc gia phả” tìm thấy ở họ Bồng Trung, xứ Kẻ Bền: người con thứ hai của cụ Đỗ Biểu[28] là ông Đỗ Hưng Viễn, một vị quan lớn của triều đình thời Lê Anh Tông (1556 - 1573), đã tiếp xúc với tàu buôn người Hoa Lang và theo đạo Hoa Lang. Cũng theo quyển gia phả này, ông Đỗ Viên Mãn (là con trưởng của cụ Đỗ Cảnh) đã theo đạo Hoa Lang khi có dịp tiếp xúc với người ngoại quốc cập bến Cửa Bạng (Ba Làng). Như vậy, có thể nói hai ông Đỗ Hưng Viễn và Đỗ Viên Mãn là những tín hữu đầu tiên theo CG không chỉ ở Thanh Hoa (Hóa) mà còn trong cả nước Việt Nam. PGTN trang 25 còn dùng dạng pha lang chỉ Bồ-Đào-Nha tuy không thấy ghi trong VBL: "Chớ có nói đạo này là đạo pha lang" (không phải đạo này là đạo của Bồ-Đào-Nha/NCT), xem hình chụp bên dưới:

clip_image044

Đại Việt Sử Kí Toàn Thư cũng dùng hoa lang (đạo và quốc/nước) - Vua Trị vì: Huyền Tông Mục Hoàng Đế [Lê Duy Vũ] Thời gian trị vì: ở ngôi 9 năm, đặt niên hiệu 1 lần [1663-1671] 冬十月禁天下學花郎道初有花郎國人入居國中立爲異道誕惑愚民鄙夫鄙婦多信慕之聽講之塲羣居混雜男女無已驅去其人而 đông thập nguyệt cấm thiên hạ học hoa lang đạo sơ hữu hoa lang quốc nhân nhập cư quốc trung lập vi dị đạo đản hoặc ngu dân bỉ phu bỉ phụ đa tín mộ chi thính giảng chi tràng quần cư hỗn tạp nam nữ vô biệt dĩ khu khứ kì nhân nhi. Trích trang http://www.nomfoundation.org/nom-project/history-of-greater-vietnam/Search-History-of-Greater-Vietnam?uiLang=vn

Hình chụp trang 388 từ cuốn "Lexique Franco-Annamite" của H. Ravier và J.B. Dronet (1903, Kẻ Sở):

clip_image046

Hoa Lang 花郎 Lusitani (nước Bồ-Đào-Nha/NCT) – trích tự điển của các LM Béhaine/1772-1773, Taberd/1838, Theurel/1877.

Tương quan f-h còn thấy trong cách dùng đậu phụ 腐, đậu hũtàu hủ (miền Nam VN). Phụ là cách đọc theo đúng phiên thiết (扶雨切 phù vũ thiết TVGT/ĐV/QV, hay 奉甫切 phụng phủ thiết TV/VH/LT) so với giọng Mân Nam (Phúc Kiến/Triều Châu) là hu1/7.

9. Gỗ trầm hương và hương kì nam ở Đàng Trong

9.1 Bản tường trình 1619 nhắc đến aguila (eagle-wood, trầm hương) và hương kì nam (calambac[29]) tuy nhiên không đi sâu vào chi tiết. VBL trang 343 ghi trầm hương và hương kì nam là loại gỗ thơm và rất quí. LM Borri thuật lại rõ hơn về trầm hương được buôn bán tự do, nhưng hương kì nam thì rất quí và chỉ có nhà vua mới có quyền mua bán. LM Borri ghi lại giá tiền mua hương kì nam tại chỗ là khoảng 5 ducats[30] mỗi một livre[31] (khoảng 0.4895 kilogram), khi đem ra bán ở các cảng tấp nập ở Đàng Trong thì ít nhất là 16 ducats mỗi một livre, khi đến Nhật Bản thì khoảng 200 ducats; nhưng nếu gỗ loại lớn có thể làm gối thì người Nhật sẵn sàng mua với giá ba đến bốn trăm đồng ducats. Ông cũng nhận xét thêm là chỉ có hạng vua chúa hay liên hệ mới có gối làm bằng hương kì nam. Ngoài ra, dù trầm hương rẻ hơn nhưng cũng có lời nhiều, thí dụ như chỉ cần một thuyền buôn chất đầy trầm hương là đủ sống trọn đời. Tỷ số gia tăng 40 lần (từ 5 ducats đến 200 ducats) trong bản tường trình 1631 cũng phù hợp với giá tiền 15 lạng ở Hội An nhưng bán ra là 600 lạng ở Nagasaki theo bài viết[32] của GS Tôn Thất Trình (600/15 = 40). Tỷ số gia tăng 40 lần của giá bán cho thấy dịch vụ mua bán hương kì nam rất có lợi, do đó không ngạc nhiên về tình hình giao thương quốc tế thật tích cực ở các hải cảng như Nước Mặn, Hội An... Đây là những hoạt động giúp nhà nước/tài chánh Đàng Trong càng ngày càng vững mạnh hơn so với Đàng Ngoài, và giải thích được phần nào kết quả cuối cùng của cuộc chiến Trịnh Nguyễn như lịch sử đã cho biết.

9.2 Trầm hương trong lịch sử

Theo Đại Việt Sử Kí Toàn Thư - Vua Trị vì: Thế Tông Nghị Hoàng Đế Lê Duy Đàm (黎維潭). Thời gian trị vì: ở ngôi 27 năm, đặt niên hiệu 2 lần [1573-1599], trích từ trang http://www.nomfoundation.org/nom-project/history-of-greater-vietnam/Search-History-of-Greater-Vietnam?uiLang=vn 先是使臣馮克寬等賫貢物及代身金人沉香象牙至燕京上表乞脩職貢

Trước đây, sứ thần là bọn Phùng Khắc Khoan mang vật cống cùng người vàng thay thân mình, trầm hương, ngà voi đến Yên Kinh, dâng biểu xin theo lễ cống.

Như vậy là trầm hương là một tài nguyên có tiếng của Việt Nam, ngay cả Bản Thảo Cương Mục đầu thời Minh cũng nhắc đến trầm hương ở Giao Châu, dân địa phương gọi là mật huơng 蜜香, tiếng Phạn gọi là a già lô hương 阿迦盧香. Để ý âm a già lô có dạng âm cổ phục nguyên là *akaru so với dạng agar của tiếng Hindi, agara của tiếng Odia và aguru của tiếng Phạn, tiếng Telugu và Kannada… Trầm hương gọi là agarwood trong tiếng Anh: gồm có gốc agar- (< tiếng Phạn *agaru) và wood (gỗ), hay aloeswood, eaglewood hay gharuwood.

clip_image048

VBL trang 343 phân biệt trầm hương và hương kì nam

Hương kì nam cũng được cống cho vua Minh, và được phản ứng rất thuận lợi từ triều đình nhà Minh, như Đại Việt Sử Kí Toàn Thư từng ghi lại như sau:

Vua Trị vì: Hiến Tông Duệ Hoàng Đế 1497-1504 [Lê Sanh 黎檉] 其有奇南異香一合呈付差官揀裁進入 kì hữu kì nam dị hương nhất hợp trình phó sai quan giản tài tiến nhập... Trích trang http://www.nomfoundation.org/nom-project/history-of-greater-vietnam/Search-History-of-Greater-Vietnam?uiLang=vn

10. LM Robert Bellarmine

Bản tường trình 1619 không nhắc đến bất kỳ tên vị linh mục nào trong các hoạt động truyền giáo ở Đàng Trong, ngoại trừ người soạn bức thư (LM Dòng Tên João Rodrigues Girão), LM Robert Bellarmine[33] (tên nguyên thủy tiếng Ý là Roberto Francesco Romolo Bellarmino) và LM Francisco Vieira. Không thấy tài liệu nào viết chi tiết về hoạt động của LM Francisco Vieira ở Đàng Trong, trừ câu chuyện về nhà thờ ở Faifo không chứa nổi số người đến dự[34] khi ông làm lễ (dù nhà thờ này rất rộng, năm 1618) - theo tác giả Tara Alberts (2013, sđd). Điều này cho thấy ảnh hưởng không nhỏ của LM Bellarmine, như đã ghi sơ lược trong bản tường trình 1619 ngay từ đầu: "Giáo sĩ này, đã chịu khó học tiếng địa phương (tiếng Việt/NCT) rất tốt và đã dịch xong phần đầu của giáo lý CG ra ngôn ngữ địa phương, cũng như các thí dụ thêm vào giáo lý trên từ đức Hồng Y Bellarmine". LM Maiorica cũng từng nhắc đến Hồng Y Bellarmine ngay trang đầu của tác phẩm chữ Nôm Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông/TCTGKM trang 13 (sđd):  "Thầy cả Rô-bê-tô Bê-la-mi-nô dọn, thầy cả Giê-rô-ni-mô làm ra tiếng An Nam"; nên nhắc ở đây là Maiorica được truyền chức LM bởi Hồng Y Bellarmine ở La Mã trước khi ông sang An Nam truyền đạo.

11. Tục lệ thờ Đức Mẹ Maria khi đi biển

Bản tường trình năm 1619 cho ta biết một tục lệ thờ Đức Mẹ Maria để đi biển được bình yên, hay còn gọi Đức Mẹ Maria là Our Lady of Good Voyage (tiếng Anh - tạm dịch/NCT "Đức Bà phù hộ cho đi biển an toàn") hay bằng tiếng Bồ Nossa senhora de boa viagem. Tục lệ này bắt nguồn từ các thủy thủ người Bồ-Đào-Nha và Tây-Ban-Nha (có đạo CG). Bản tường trình ghi "Bổn đạo CG ở Hội An rất trân trọng bức hình của 'Đức Mẹ Maria phù hộ hải hành' (Đức Mẹ/Trinh Nữ Maria), một vị thánh bảo trợ (patron saint) mà LM Francisco Vieira có nhiều kỉ niệm, ông là LM Giám Sát của giáo phận này, từng gởi tấm hình này từ Ma Cao. Bổn đạo đặt tấm hình trên bàn thờ với tất cả lòng thành kính và hạnh phúc..." tạm dịch/NCT. Tục lệ thờ Thánh Mẫu Maria khi đi biển cho thấy ảnh hưởng gián tiếp của Bồ-Đào-Nha trong tín ngưỡng CG vào TK 17. Điều này khó nhận ra hơn so với các dấu vết ngôn ngữ như tên gọi Phê-Rô (Pêro tiếng Bồ trung cổ, tiếng Hi Lạp Πέτρος/Petros ~ Petrus/L) còn bảo lưu trong tiếng Việt (CG), hay cách viết ch- nh- tiếng Việt (theo LM Pina), v.v.

Tóm lại, bản tường trình năm 1619 của LM João Rodrigues Girão, tuy số chữ quốc ngữ đầu tiên có phần hiếm hoi[35], nhưng khi đọc kỹ sẽ cho ta nhiều dữ kiện đáng quan tâm - như cách kí âm tiếng Việt vào khoảng đầu TK 17: ondelim (Ông Đề Lĩnh), nuocman (Nước Mạn), sai (sãi), Xaca (Thích Ca), Faifo (Haifo, Hoài Phố), Yum Lo. Chúa Nguyễn ở Đàng Trong ưu đãi thương gia Bồ và Nhật, cho họ nhiều điều kiện thuận lợi khác hẳn với tình hình khắt khe ở Đàng Ngoài. Điều này dẫn đến nhiều lợi ích tài chánh và quá trình mở mang bờ cõi (Nam Tiến) và kết quả cuối cùng không khác hơn được là sự thống nhất cả nước của nhà Nguyễn khoảng hai thế kỉ sau. Bản tường trình 1619 cho thấy là các LM đang cố gắng học tiếng Việt để hoàn thành một bảng từ vựngchưa có khả năng soạn ra một cuốn ngữ pháp tiếng Việt - dù đã có mặt LM Pina (rất giỏi tiếng Việt[36] và là thầy của LM de Rhodes, Fontes), Buzomi, Borri. Bài này đưa ra một cơ sở ngữ âm để giải thích liên hệ giữa các dạng Hoài Phố/Haifo và Faifo qua tương quan[37] phụ âm đầu h-f, cũng như Hoa Lang và Frank/Franc (so với Pha Lang/PGTN), đậu phụ và tàu hũ, Phúc Kiến và Hokkien. Cách đọc Faifo phản ánh phần nào khuynh hướng toàn cầu hóa[38] hải cảng nổi tiếng nhất Đàng Trong vào TK 17, môi hóa phụ âm đầu theo giọng Mân Nam (Nam TQ) và viết liền nhau như một từ đa âm của ngôn ngữ Tây phương. Đây cũng nằm trong chiến lược của các chúa Nguyễn xây dựng một cơ cấu thương mãi (quốc tế) hỗ trợ cho cơ cấu quân đội và một nhà nước phát triển lâu dài. Bản tường trình năm 1619 cho ta thấy hình ảnh của một phố Hoài (Faifo) rất thịnh vượng với nhiều dân tộc khác nhau sinh sống và buôn bán, đông nhất là bổn đạo Nhật Bản và Trung Hoa[39] (đến từ Nam TQ). Các món hàng lụa được ưa chuộng, đặc biệt là hương kì nam ở biên giới Đàng Trong - Chiêm Thành: giá bán ở Nhật có thể gấp 40 lần giá mua ở địa phương. Ngoài ra, bản tường trình còn giải thích nguồn gốc địa danh Pulo Cambi: gốc Mã Lai với nghĩa là đảo (pulo) hình con dê (Cambi ~ kambing dạng hiện đại) mà thủy thủ Bồ đã dùng trong những chuyến hải hành. Điều này cho thấy ảnh hưởng của Bồ-Đào-Nha ở Đông Nam Á, dùng con chữ La Tinh (chữ Bồ) để kí âm một số danh từ địa phương như Chincheo (Chương Châu, Phúc Kiến), Varella (chùa), Pulo Cambi. Bản tường trình còn thuật lại việc bổn đạo từ Cam Bốt và Hội An đến dự các lễ hội ở Nước Mặn (Quy Nhơn), điều này cho thấy sự thuận lợi trong việc giao thương và đi lại giữa các miền Đàng Trong[40]. Hi vọng bài viết này sẽ gợi ý cho bạn đọc tìm hiểu sâu xa hơn về giai đoạn phôi thai của chữ quốc ngữ, hoạt động tôn giáo và kinh tế của Đàng Trong, và ảnh hưởng rộng lớn hơn (quốc tế) của ngôn ngữ trong vùng ĐNA mà bây giờ ít người nhận ra.

12. Tài liệu tham khảo chính

1) Tara Albert (2013) "Conflict and Conversion: Catholicism in Southeast Asia, 1500-1700" NXB OUP Oxford (Anh quốc).

2) Gaspar do Amaral (31/12/1632) "Anual do reino de Annam do ano de 1632, para o Pe André Palmeiro de Companhia de Jesu, Visitator das Provincias do Japão, e China" (Bản tường trình hàng năm về Vương quốc An Nam từ năm 1632, gửi cha André Palmeiro, Dòng Tên, giám sát các tỉnh Nhật và Trung Quốc).

(25/3/1637) "Relação dos Catequista da Christadelle de Tumk e seu modo de proceder para o Pe Manoel Dias, Vissitador de Jappão e China" (danh sách về các Thầy giảng của giáo sứ Đàng Ngoài và về cách thức tiến hành của họ, gửi cha Manoel Dias, giám sát Nhật Bản và Trung Hoa).

3) D. Bartoli (1663) "Dell’Istoria della Compagnia di Giesù. La Cina" Terza Parte dell’Asia, Torino 1825 (or. ed. 1663) - xem thêm chi tiết ở mục 8 (Nguyễn Hồng).

4) Pigneau de Béhaine (1772/1773) - Bá Đa Lộc Bỉ Nhu "Dictionarium Annamitico-Latinum" Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM - 1999).

(1774/Quảng Đông - Địa phận Đàng Trong tái bản năm 1837) "Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ" 聖教要理國語 viết bằng chữ Nôm theo dạng Hỏi-Thưa. Y Doãn Ninh/Lê Bảo Tịnh phiên âm và chú giải, La Vang Tùng Thư xuất bản (Mỹ).

5) Phillipe Bỉnh (1822) "Sách Sổ Sang Chép Các Việc" NXB Viện Đại Học Đà Lạt, 1968.

(khoảng 1794-1802) "Nhật Trình Kim Thư Khất Chính Chúa Giáo" - xem bài viết trên mạng như https://www.scribd.com/document/118931952/Nh%E1%BA%ADt-Trinh-Kim-Th%C6%B0-Kh%E1%BA%A5t-Chinh-Chua-Giao-Philiphe-B%E1%BB%89nh

6) Cristophoro Borri (1631) "Relatione della nuova missione delli P.P. della Compagnia di Gesù al Regno della Cocincina (Nhiệm vụ mới của các cha Dòng Tên ở Vương quốc Đàng Trong - NCT)” bản dịch của tác giả Phạm Văn Bân 4/2011 - xem toàn bài trang này https://thunhan.org/images/file/OGaaTdIb0wgQAKwp/mar-31-11-cristoforo-borri-vietnamese-avril-5-1-.pdf.

7) Đỗ Quang Chính (1972) “Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659” NXB Đuốc Sáng (Sài Gòn).

8) Võ Đình Đệ (2019) "Ông bõ đỡ đầu công cuộc Truyền Giáo ở cư sở Nước Mặn và Bà đỡ khai sinh chữ Quốc Ngữ" có thể xem toàn bài trên trang này chẳng hạn http://conggiao.info/ong-bo-do-dau-cong-cuoc-truyen-giao-o-cu-so-nuoc-man-va-ba-do-khai-sinh-chu-quoc-ngu-d-52234...

9) Nguyễn Hồng (1959) "Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam - Quyển 1 - Các Thừa Sai Dòng Tên 1615 - 1665" NXB Hiện Tại (Sài Gòn).

10) Roland Jacques (2004) “Les missionnaires portugais et les débuts de l’Église catholique au Viêt-nam” (Các nhà truyền giáo Bồ-Đào-Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam) - NXB Đinh Hướng Tùng Thư (Pháp). Có thể đọc các bài viết của LM Roland Jacques trên mạng như http://www.dunglac.info/index.php?m=home&v=detail&ia=11502. Các bài viết như "Chứng tích hình thành và phát triển chữ quốc ngữ từ năm 1632 đến nay: tiến trình của Kinh Lạy Cha" của Roland Jacques (người dịch Nguyễn Đăng Trúc) trên mạng này http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=18656, v.v.

11) Charlotte Looram (2016) "Living and Trading in Hội An: The Development of a Nguyễn Port in the Seventeenth and Eighteenth Centuries" Lua6.n án thạc sĩ/Masters, School of Humanities and Creative Arts - Flinders University (Adelaide, Australia).

12) Gaspar Luis (1621) "Cocincinensis missionis annuae Litterae, anni 1620," đăng trong ARSI, JS 17 f.24r. Bức thư này được dịch sang tiếng Pháp và xuất bản tại Paris năm 1628 trong "Histoire de ce qui s'est passé en Ethiopie, Malabar, Brasil et les Indes Oriéntales: Tirée des lettres escrites és années 1620 iusques à 1624" tt.122-148. Bản dịch này được chụp lại và đăng trong BAVH, Juillet-Déc. 1931.

13) Giêrônimô Maiorica (thế kỷ XVII) "Mùa Ăn Chay Cả", "Thiên Chúa Thánh Mẫu - Quyển thượng", "Thiên Chúa Thánh Mẫu/TCTM - Quyển trung", "Đức Chúa Giê-Su - Quyển chi cửu & Quyển chi thập", "Thiên Chúa Thánh Giáo Hối Tội Kinh", “Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông”/TCTGKM, "Kinh Những Lễ Mùa Phục Sinh/KNLMPS - Quyển thứ ba", “Các Thánh Truyện”/CTTr. Sách lưu hành nội bộ (năm xuất bản 2002/2003, LM Nguyễn Hưng).

14) Alexandre de Rhodes (1651) "Phép Giảng Tám Ngày" - Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 - Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.

(1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính - NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).

“Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).

"Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646" dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên - Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).

15) João Roiz (1620) "Annua de Cochichina do anno 1620" đăng trong ARSI, JS 72 f. 6r.

16) Peter Schineller, SJ (sau năm 2006?) "Jesuit Dictionary" - có thể tham khảo qua dạng pdf trang này http://image.jesuits.org/CANADA/media/Jesuit-Dictionary.pdf.

17) Jean Louis Taberd (1838) - tên Việt là cố Từ - "Dictionarium Annamitico-Latinum" Serampore (Bengale).

18) Nguyễn Cung Thông (7/2020) "Tiếng Việt thời LM de Rhodes – “Phổ Kiến (Phúc Kiến), Chincheo và Varella…” (phần 23) Có thể đọc toàn bài trên trang này chẳng hạn https://nghiencuulichsu.com/2020/07/30/tieng-viet-thoi-lm-de-rhodes-pho-kien-phuc-kien-chincheo-va-varella-phan-23/, v.v.

19) Antonio Vieyra Transtagano (1773) “A Dictionary of the Portuguese and English Languages, in Two Parts: Portuguese and English, and English and Portuguese, Volume 1” NXB J. Nourse (London).

20) John White (1823) "History of a Voyage to the China Sea" NXB Wells and Lilly (Boston, Mỹ).

21) Jason Michael Wilber (2014) "Transcription and Translation of a Yearly Letter from 119 Found in the Japonica Sinica 71 from the Archivum Romanum Societatis Iesu" luận án Thạc sĩ/MA ở trường Brigham Young University - Provo/Utah (Mỹ).

22) Nguyễn Khắc Xuyên (1988) "Để hiểu lịch sử Đạo Thiên Chúa ở Việt Nam đầu thế kỉ XVII" NXB Ánh Sáng Escondido, California (1994).

23) Brian A. Zottoli (2011) "Reconceptualizing Southern Vietnamese History from the 15th to the 18th Centuries: Competition along the Coasts from Guangdong to Cambodia" Luận án Tiến Sĩ - The University of Michigan.


[1] Nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc) – email nguyencungthong@yahoo.com

[2] Lý lịch của LM João Rodrigues Girão (sinh năm 1558, 1561 hay 1562 – chết năm 1633 or 1634: có phải ông là tác giả của cuốn ngữ pháp Nhật đầu tiên và nổi tiếng "Arte da Lingoa de Iapam" hay không? Với một số dữ kiện giới hạn thì tác giả Jason Michael Wilber tin là như vậy, nhưng đây không là trọng tâm của bài viết này.

[3] Dẫn từ bài viết "Quyển sách giáo lý đầu tiên trong công cuộc truyền giáo tại Việt Nam" của LM Gioan Võ Đình Đệ (2019) - có thể xem toàn bài trên trang này http://ctqn.org/giao-ly/Giao-ly-vien/quyen-sach-giao-ly-dau-tien-trong-cong-cuoc-truyen-giao-tai-viet-nam-33.html. Các cha bề trên (Superiors) hay có nhiệm vụ đặc biệt (td. như giám sát/quản lý - Visitor) mỗi năm viết bản báo cáo gởi cho Tổng Quyền (General) gọi là thư hàng năm (annual letter/A ~ tường trình). Cuối bản báo cáo này ghi ngày ký là 20/12/1620 ở College of Macao.

[4] Trích từ bài viết (2016) "TỪ NƯỚC MẶN ĐẾN ROMA - Những Đóng Góp Của Các Giáo Sĩ Dòng Tên Trong Quá Trình La Tinh Hoá Tiếng Việt Ở Thế Kỷ 17" Trần Quốc Anh/Phạm Thị Kiều Ly - cập nhật 2019. Thật ra cùng đi với LM Buzomi có LM Diego de Cavalho cũng từng ở Hội An một năm (ở khu cư trú Nhật vì là vị truyền giáo của người Nhật bị trục xuất trước đó) sau đó lại trở về Nhật và tử vì đạo ở đây (1624).

[5] Trong Sách Sổ Sang Chép Các Việc/SSS, LM Philiphê Bỉnh có thường dùng Báckim và cũng có lúc viết Báckinh: có lúc dùng cả hai dạng này trong cùng một trang như "còn hai nhà Dòng ở trên kẻ chợ Báckinh thì lớn... có một thầy cả Bề ngoài ở kẻ chợ Báckim mà về" trang 140 (SSS).

[6] Trong các chữ quốc ngữ hiếm hoi của bản tường trình năm 1619, chỉ có LM Antonia de Fontes sau đó (1626) mới ghi Nuocman là Núocman với dấu sắc trên nguyên âm u.

[7] Còn quan coi việc kiện tụng/xét xử thì gọi là đề hình 提刑 (~ quan án sát). Học giả Huỳnh Tịnh Của (ĐNQATV/1895) giải thích đề lãnh (Đàng Trong đọc là lãnh so với lĩnh, sanh - sinh...) là "một chức quan võ".

[8] Nhưng theo các học giả Paul Schneider (1992) và Lê Ngọc Trụ (1993) thì sãi liên hệ đến sĩ HV 仕 - tham khảo "Dictionnaire historique des idéogrammes vietnamiens" Vol. 1 & 2 - Universite de Nice-Sophia Antipolis, Unite de Recherches Interdisciplinaires sur l'Asie du Sud Est, Madagascar et les Iles de L'Ocean Indien RIASEM; "Tầm Nguyên Tự Điển Việt Nam" NXB Thành Phố HCM.

[9] Thầy chữ Nôm ghi là sài HV 柴: "Vãi tu đường vãi, thầy tu đường thầy" Thiên Nam Ngữ Lục khoảng TK17. Để ý sự đối lập của vãi (sư bà) và thầy (sư ông), VBL trang 856 ghi sãi vãi ~ sacrificuli & sacrificulæ/L. Để ý chùa Thầy ở Sài Sơn (tên Nôm là núi Thầy) đều cho thấy tương quan sư - sãi - thầy tuy nghĩa phát sinh có hơi khác về sau. ‘Sãi Vãi’ còn là một tác phẩm chữ Nôm của Nguyễn Cư Trinh (1716-1767) ở Đàng Trong.

[10] Trong tài liệu viết vào tháng 5/1631, LM de Rhodes ghi Anná để chỉ An Nam.

[11] Để ý địa danh Nước Ngọt (Eau Douce) ngay trên địa danh Nước Mặn và cách viết chữ quốc ngữ thời LM de Rhodes (1651/1653) có khác chánh tả hiện đại.

[12] Chu ấn thuyền là thuyền Nhật Bản có giấy cấp cho buôn bán quốc tế (gọi là chu ấn trạng 朱印狀) ít nhất là từ năm 1592. Để ý cách dùng thuyền chỉ tàu lớn đi xa (tiếng TH và Nhật), nhưng vào thời LM de Rhodes (cho đến nay) thì thuyền chỉ chiếc tàu nhỏ mà thôi - tàu 艚 là loại thuyền nhỏ theo các tài liệu Hán Cổ (小船也 tiểu thuyền dã/Ngọc Thiên). Nét nghĩa này còn để lại vết tích trong cách gọi nước/người Tàu vì ở xa phải đi tàu đến.

[13] Chỗ ở đặc biệt của các LM Dòng Tên (~ tu viện) còn gọi là cư sở.

[14] Thời LM de Rhodes còn dùng kẻ Quảng để chỉ người Đàng Trong (cho tới thời Béhaine/1772/1773, Taberd/1838 nhưng từ thời Theurel/1877 cách dùng này bị loại bỏ - có lẽ không còn có nghĩa nguyên thủy nữa).

[15] Xem bài viết "Công cuộc truyền giáo tại Quảng Nam năm 1623 và vấn đề ngôn ngữ" của LM Roland Jacques (tài liệu Tập San Định Hướng) hay trang này chẳng hạn http://conggiao.info/cong-cuoc-truyen-giao-tai-quang-nam-nam-1623-va-van-de-ngon-ngu-d-7707, v.v.

[16] Tham khảo thêm bài viết “Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes – quan tiền xưa với nhận xét mới” (phần 21B) cùng tác giả/NCT trên trang này chẳng hạn https://nghiencuulichsu.com/2020/08/24/tieng-viet-tu-thoi-lm-de-rhodes-quan-tien-xua-voi-nhan-xet-moi-phan-21b/, v.v. Chính cách dùng vỉa tiền (một vác/Đàng Ngoài gồm 5 quan tiền) cho ta cơ sở giải thích tại sao nữ sĩ Hồ Xuân Hương lại có bài thơ mượn tiền "Sao nói rằng năm lại có ba" mà không phải sáu, bảy hay tám quan, v.v.

[17]Dịch từ tiếng Bồ El rey de Cochichina đức vua (không phải Chúa/NCT) của nước Đàng Trong. Để ý cách dùng rey (Bồ) ~ rex (La Tinh) ~ vua, khác với chúa (VBL trang 72 ghi rõ sự khác biệt).

[18] Yum có thể là kí âm tiếng Bồ của vĩnh 永, Lo có thể là to (ghi nhầm thành lo) hay tộ 祚: Vĩnh Tộ là niên hiệu của vua Lê Thần Tông (1619-1629) so với Đức Long (1629-1635). VBL trang 400 có ghi các niên hiệu trên, cũng giải thích là vua đổi niên hiệu để đất nước được thịnh vượng hơn (đổi thành Đức Long vào năm 1629) sau các nạn hạn hán và mất mùa. Tuy các Chúa nắm quyền hành ở Đàng Ngoài và Đàng Trong, nhưng khi tính thời gian thì vẫn theo truyền thống xưa nay như năm thì theo niên hiệu của vua Lê đương thời (cho chính danh!?).

[19] Kiến thức của Tây phương về PG vào thời gian này rất giới hạn, phản ánh qua cách ghi nhận của LM Borri: Sakya là họ của đức Phật Tổ và không phải từ Xiêm La (dù xứ này chịu ảnh hưởng PG rất lớn). Nhờ vào các bản báo cáo của các giáo sĩ đến Á Châu như vậy mà sau này Tây phương bắt đầu tìm hiểu PG cặn kẽ hơn.

[20] đây là chữ Nôm - LM Bartoli (Lịch Sử Truyền Giáo - Nguyễn Hồng/sđd) viết về giai đoạn này qua nhận xét của LM Buzomi như sau: "Họ viết bằng bút lông và chữ viết đó trong những giấy tờ thường dịch, còn muốn hiểu và đọc được sách chữ, thì phải học một số rất nhiều thứ chữ mà ở đây chúng tôi gọi là chữ Hán, chữ dân chúng thường dùng thì cũng giống thể chữ Hán, nhưng lối đọc lại khác".

[21] LM Borri (1631, sđd) ghi là họp chợ ở các hải cảng mỗi năm là bốn tháng và là nguồn lợi (thuế thu được) đáng kể cho nhà Chúa cũng như cả nước, lặp lại nhận xét của bản tường trình 1619.

[22] Hình chụp từ cuốn "Dictionnaire géographique universel, contenant la description de tous les lieux du globe intéressans sous le rapport de la géographie physique et politique, de l'histoire, de la statistique, du commerce, de l'industrie, etc, Volume 2" tác giả A.J. Killian (Paris, Pháp quốc) năm 1825.

[23] Xem bài "Tiếng Việt thời LM de Rhodes – “Phổ Kiến (Phúc Kiến), Chincheo và Varella - phần 23”/NCT…

[24] TCTGKM cũng từng ghi là nước Ma-Ni-La (trang 16): từ năm 1565 đến 1821, Phi-Luật-Tân là một thuộc địa của Tây-Ban-Nha. Do đó có thể gây lẫn lộn về cách dùng từ nước hay thành phố (hay giáo phận) Ma-Ni-La.

[25] Chữ hoa 花 (thanh mẫu hiểu 曉 vận mẫu ma 麻 bình thanh, hợp khẩu nhị đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết:呼瓜切,音譁 hô qua thiết, âm hoa (ĐV, QV, TV, NT, LT, CV, TTTH, LTCN 六書正)

TNAV ghi vận bộ 家麻 gia ma (dương bình)

CV ghi cùng vần/bình thanh 花 華 蕐 化 (hoa hoa/hóa)

呼瓜切, 化平聲 hô qua thiết, hoa bình thanh (TVi, CTT), 虎戈切, 音訶 hổ qua thiết, âm ha (TVi), 芳無切 phương vô thiết (TViB), 音訶 âm ha (CTT), v.v. Giọng BK bây giờ là huā so với giọng Quảng Đông faa1 waa4 waa6 và các giọng Mân Nam 客家话: [沙头角腔] fa1 [陆丰腔] fa1 [台湾四县腔] fa1 [梅县腔] fa1 [海陆丰腔] fa1 [客英字典] fa1 [东莞腔] fa1 [宝安腔] fa1 [客语拼音字汇] fa1, 潮州话:何锅1 何娃1, huê1 (hue) hua1 (hua), giọng Mân Nam/Đài Loan hoa1, tiếng Nhật ka và tiếng Hàn hwa.

[26] Một bộ tộc rất mạnh thời trung cổ ở Âu Châu theo truyền thống CG, là gốc của tên nước Pháp France.

[27] Tham khảo thêm các ý kiến của LM Roland Jacques trên trang này https://hoaxuongrong.org/tac-gia/duong-huu-nhan/nguon-goc-va-y-nghia-cac-ten-goi-hoa-lang-va-hoa-lang-dao_a64 và học giả An Chi "Về bài liên quan đến hai tiếng 'Hoa Lang' của Roland Jacques" (Kiến Thức Ngày Nay số 365, ngày 01-10-2000).

[28] Tham khảo các bài viết về người CG đầu tiên ở VN như http://ubdkcgvn.org.vn/vi/van-hoa-nghe-thuat/2013/01/81E207E0/nguoi-cong-giao-viet-nam-dau-tien, v.v.

[29] Calambac có gốc Mã Lai kalambaq nghĩa là gỗ thơm (fragrant wood), được phổ thông trong các ngôn ngữ Tây phương qua tiếng Bồ calamba (hay calambuco theo VBL - tiếng Pháp vào TK 17 là calambou). Bản tường trình của LM Borri/1631 còn ghi thêm là vùng núi Kẻ Mọi (Kemoij) có nhiều loài gỗ quí này - xem bản đồ 1653/LM de Rhodes ở bên trên.

[30] ducat là một một loại tiền dùng ở Ý (Venice) bằng khoảng 1 đến 2 quan tiền An Nam.

[31] livre là một đơn vị khối lượng của nước Pháp thời trung cổ, từ thập niên 1350 đến TK 18 thì tương đương với 0,4895 kilogram - trước đó thì bằng khoảng 0,3671 kg.

[32] Bài viết "Cây gỗ trầm hương – kỳ nam" của GS Tôn Thất Trình (2011) - có thể đọc trên mạng như https://khoahocnet.com/2011/10/08/gs-ton-th%E1%BA%A5t-trinh-cay-g%E1%BB%97-tr%E1%BA%A7m-h%C6%B0%C6%A1ng-%E2%80%93-k%E1%BB%B3-nam/, v.v.

[33] LM Bellarmine (1542-1621) dạy thần học và là Tiến sĩ Hội Thánh (Doctor of the Church, chỉ có 36 người được danh dự này trong lịch sử CG). Ông được phong chức Hồng Y và soạn một số tác phẩm nổi tiếng như "Disputationes de controversiis christianae fidei" (còn gọi tắt là Controversiae) và "Dottrina cristiana breve" (tạm dịch/NCT "Tóm tắt giáo lý CG" - một tài liệu ngắn gọn/short version và một tài liệu chi tiết hơn/long version). Cuốn tóm tắt giáo lý trở nên rất phổ thông và được dịch ra trên 50 ngôn ngữ trên thế giới. Ông được phong thánh vào năm 1930 sau một thời gian dài (hồ sơ phong thánh của Dòng Tên bắt đầu ngay sau khi ông chết). Ảnh hưởng bản giáo lý tóm lược của Thánh Hồng Y Bellarmine còn thấy trong TCTGKM trang 37 qua cách giải thích đặc biệt như "như khi trước có cha chẳng có mẹ, đến sau có mẹ chẳng có cha thế gian", hay trong PGTN trang 310 "đời trước vô cùng, mà vô mẫu, lại là người thật, có sinh ở thế bởi Maria đồng thân, mà vô phụ" - so với bản dịch năm 1633 "was borne on earth of mother without Father, as in heaven he was borne of Father, without mother". Hồng Y Bellarmine từng nhắc lại 'giáo lý thông thường' (common teaching) của Hội Thánh là trong lòng đất (địa ngục) có bốn hang, thứ nhất và thấp nhất là cho những kẻ phạm trọng tội (TCTGKM trang 50), hang thứ hai ở trên hang thứ nhất có lửa giải tội, hang ở trên nữa là hang thứ ba cho các trẻ chết chưa kịp giải tội và hang trên cùng (địa ngục thứ bốn/PGTN trang 240) là nơi các thánh đã qua đời trước chúa Giê-Su. Các giảng giải trên đều được LM Maiorica và de Rhodes ghi lại chi tiết trong TCTGKM và PGTN, tuy rằng ít người nhắc đến các ‘thuyết’ ('giáo lý thông thường') này vào thời buổi này, v.v. Đây là một chủ đề tôn giáo thú vị nhưng không nằm trong phạm vi bài viết này.

[34] LM Francisco Vieira là Cha Giám Sát (Father Visitor, có nhiệm vụ coi sóc một số giáo phận các nước), theo bài tường trình 1619. Tác giả Tara Alberts (sđd) ghi thêm chi tiết này để tham khảo: Annua do Collegio de Macao 1619 - BA JnA 49 V7, f.168v "consolados por alcharem ali, o que em japam nam tem haja alguns annos".

[35] Bản tường trình năm 1619 có 4 chữ quốc ngữ (kí âm bằng mẫu tự La Tinh) so với tài liệu viết tay của LM João Roiz (1621) có 11 từ và cụm từ, LM Gaspar Luis (1621) có 5 từ và tài liệu năm 1626 có 13 từ, LM Cristophoro Borri (1621) có 32 từ và cụm từ, LM de Rhodes (11625) có 3 từ, LM Antonio de Fontes (1626) có 16 từ và cụm từ, LM Buzomi (1626) có 4 từ - theo tác giả Đỗ Quang Chính (sđd).

[36] Tham khảo bản dịch tiếng Việt ở trên (trang 2). Ngoài ra trong trang giới thiệu (cùng độc giả) phần đầu của VBL, LM de Rhodes viết "Ngay từ đầu tôi đã học với Cha Francisco de Pina người Bồ-Đào-Nha thuộc Dòng Jésus rất nhỏ bé của chúng tôi, là thày dạy tiếng và là người thứ nhất trong chúng tôi am tường tiếng này, và cũng là người thứ nhất có thể thuyết giảng bằng ngôn ngữ đó mà không cần thông ngôn". Còn LM Pina thì có những nỗ lực đóng góp như "ngay từ năm 1622, ông đã hoàn thành việc xây dựng một hệ thống chuyển mẫu tự latinh cho thích hợp với lối phát âm và thanh điệu tiếng Việt Nam. Ông đã làm được một tuyển tập và bắt đầu viết một bản văn phạm. Kết quả đó, linh mục Pina đã đạt được một cách vất vả, với sự trợ giúp của một số ít học sinh Việt Nam qui tụ chung quanh ông" theo LM Roland Jacques trong "Bồ Đào Nha và công trình sáng chế chữ quốc ngữ - Phải chăng cần viết lại lịch sử?" Tập San Định Hướng No. 17 /Fall 1998, Pp 18-62.

[37] Tương quan ngữ âm hw-f (môi hóa phụ âm đầu) có khả năng giải thích được tại sao Hoài Phố (Haifo) trở thành Faifo rất dễ đọc và dễ nhớ cho người nước ngoài. Cách giải thích này phù hợp với địa lý vùng này: tên con sông Hoài chảy qua Hòai Phố (Hội An) - xem thêm chi tiết bài viết "Về danh xưng Faifo - Hội An" của tác giả Nguyễn Chí Trung (2016), có thể đọc trên trang https://hoianheritage.net/vi/trao-doi-chuyen-nganh/chuyen-de-nghien-cuu-trao-doi/ve-danh-xung-faifo-hoi-an-493.html. Không phải ngẫu nhiên mà trong vốn từ Hán cổ có các từ chỉ hoa như 花 (hoa, giọng Quảng Đông fa1), 華 (hoa) và 葩 (ba, giọng Mân Nam là pha).

[38] Phải chăng lịch sử đã lặp lại với cảng Cam Ranh trong TK 21?

[39] Số dân ở Faifo trước kia là 60000 người, chỉ còn 15000 vào năm 1839 (người viết/NCT ghi năm xuất bản từ tài liệu trích) với 2 phần 3 là người TQ - theo cuốn "Dictionnaire géographique universel, contenant la description de tous les lieux du globe intéressans sous le rapport de la géographie physique et politique, de l'histoire, de la statistique, du commerce, de l'industrie, etc, Volume 5" A. Lacrosse, 1839 (Bruxelles).

[40] Giai đoạn bản tường trình 1619 ra đời cho thấy nước Đàng Ngoài vẫn còn rất dè dặt với người nước ngoài so với thái độ rất cởi mở của nước Đàng Trong - xem thêm nhận xét này trên trang 77-78 "Conflict and Conversion: Catholicism in Southeast Asia, 1500-1700" của tác giả Tara Alberts (sđd).