Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2020

Đồng bằng (7)

Nguyên Ngọc

Chính vì nghĩ tới điều ấy tôi muốn nói đến một con người tôi đã được gần cả trong chiến tranh và sau đó nữa: anh Hồ Nghinh, bí thư Quảng Đà. Anh Nghinh xuất thân gia đình nho học. Thân phụ anh từng làm huấn học, tức quan chức chăm lo việc học ở hai huyện Quế Sơn, Tiên Phước Quảng Nam. Anh cũng đã học tú tài Tây ở Quốc học Huế. Ở con người ấy có thể nhận ra phong thái từ tốn, thâm trầm của nhà nho, lẫn tinh thần tự do, tự trị của người có Tây học.

Cho tôi nói trước một ít về một người em tài hoa của anh Nghinh, anh Hồ Thấu, đã mất sớm, từ đầu thời chiến tranh chống Pháp. Anh bị lao, thời ấy chưa có streptomycine, lao thuộc hàng tứ chứng nan y, không thuốc chữa. Lại phải cách ly rất khắc nghiệt. Người ta đặt anh nằm trong một chiếc miếu cô độc giữa cánh đồng, hằng ngày có người mang cơm nước ra, và anh đã mất ở đấy. Anh có một bài thơ cuối cùng gửi người bạn thơ thân nhất, tên là Phạm Văn Kỳ. Hồ Thấu viết:

Kỳ ơi ta chết rồi đây

Huyệt chờ trên nội kiếp này phụ nhau

Tiệc vui tóc chửa xanh đầu

Ga đời còn mấy chuyến tàu nhạc hương

Nhưng thôi ta ngã giữa đường

Bốn bên bạn hữu sầu thương cũng rồi

Chiến trường ai khóc chia phôi

Khải hoàn ai nhắc đến người hôm qua

Chừ đây ôn lại đời ta

Một đời trong trắng như hoa giữa đồng

Ái ân chưa bận tấc lòng

Bạc tiền chưa vướng túi không bao giờ

Cuộc đời chỉ đẹp và thơ

Ra đi còn tiếc cuộc cờ thiếu tay…

Tôi không được gặp anh Thấu, chỉ nghe nói về anh, đọc và nhớ một số thơ anh. Giọng thơ một thời, không hiện đại được như bây giờ, nhưng chân thành và còn vương vất mãi trong tâm trí. Ngày ấy chúng tôi đã phải chép, giấu giếm chuyền tay nhau, vì nó từng bị phê phán nặng nề: tiểu tư sản, ích kỷ, kiêu căng cá nhân chủ nghĩa, người ta đay nghiến những câu “Khải hoàn ai nhắc đến người hôm qua”, “Ra đi còn tiếc cuộc cờ thiếu tay”… Tôi thì tôi nhớ chính vì những câu ấy, bởi nó lạc lõng cá nhân ngay giữa những ngày còn rất tập thể anh hùng ca. Anh Thấu là người tham gia cách mạng rất sớm, cùng học một lớp với Tố Hữu ở Huế, nhưng anh manh nha cảm nhận “cá nhân chủ nghĩa” sớm hơn Tố Hữu nhiều (nhà nghiên cứu Phan Ngọc dịch individualisme là cá nhân luận, chứ không dùng cái đuôi chủ nghĩa). Hồ Thấu mất năm 31 tuổi.

Ở anh Hồ Nghinh có một chút gì đó phảng phất Hồ Thấu, tuy theo chỗ tôi biết anh không hề làm thơ. Quảng Đà là chiến trường ác liệt nhất miền Trung vì có căn cứ hải lục không quân khổng lồ của Mỹ lớn thứ hai miền Nam chỉ sau Sài Gòn. Gò Nổi lại ác liệt nhất Quảng Đà, vì là bàn đạp để đánh vào Đà Nẵng.

Sau 1975 tôi có tìm về Gò Nổi, hầu như tuyệt đối không còn gì trên mặt đất, đứng chơ vơ giữa bốn bề trống hoác, nhìn quanh không thể nào định hướng được, mãi sau tìm thấy còn sót lại một cái giếng từng quen thuộc, nhận ra một góc gạch mẻ ở thành giếng, từ đó mới lấy làm mốc dần dần đoán nhận ra đâu từng là Phi Phú, đâu là Bảo An, Xuân Đài, Tam Điện… rồi Bến Đền, Thi Lai, Hà Mật… những làng kéo tơ và dệt lụa nổi tiếng thuở nào…

Việc anh Nghinh gần như một mình về đứng ở Gò Nổi những ngày tháng khốc liệt nhất sau Mậu Thân không chỉ rất anh hùng, mà còn độc đáo và sâu sắc. Quả thật, có anh đứng ở đấy, không bí thư huyện, xã, không tổ Đảng ở thôn xóm nào bỏ dân mà chạy. Và Quảng Đà còn là vì thế. Được đi theo anh những ngày ấy là hạnh phúc. Cũng có lúc tôi đã thấy anh xắn quần tận bẹn bì bõm lội bùn chạy Mỹ, có lúc thấy anh trùm bộ áo liền quần không thấm nước lấy được của Mỹ chạy trong bói, bởi lội trong bói buổi sáng thì ướt đầm như tắm vì sương và lá bói sắc tựa dao lam cắt đứt hết tay chân mặt mày.

Nhưng, lạ vậy, hình ảnh anh Nghinh trong trí nhớ tôi bao giờ cũng là một người tầm thước, tóc đã pha chút muối tiêu, ung dung bộ đồ bà ba lụa trắng, thong dong và hay hài hước, như một triết nhân. Mà sống ở Quảng Đà ngày ấy là thử thách sinh tử từng phút. Làm bí thư tất phải xử trí căng thẳng cũng từng phút, nhưng lại phải biết, hay đúng hơn là trên cơ sở biết nghĩ rất sâu, rất xa, đến cuộc đời lâu dài, đến bất tận, và cách con người chọn lựa để sống, để ăn ở với nhau trong cuộc sinh tồn thế gian ấy. Nghĩa là giữa khói lửa cấp thời mà cứ bình tĩnh ngẫm nghĩ sự đời và cái phần chọn lựa lâu dài riêng của mình trong sự đời ấy.

Anh thường có những mối quan tâm, bất ngờ với mọi người. Hồi chuẩn bị Mậu Thân, hăm he vào thành phố, đến mức có hôm tôi và Nguyễn Đình An, Cao Phương đã giở bản đồ ra tính coi vô Đà Nẵng ai sẽ đóng chỗ nào, anh Nghinh đi qua nhìn thấy, dừng lại hỏi: Các ông có biết vô Đà Nẵng thì cái gì là quan trọng nhứt không?… Tôi nói đây, nhớ kỹ nghe, quan trọng nhứt là musée Chàm, anh nói tiếng Tây, nhớ chưa, giá nào cũng phải giữ kỳ được bảo tàng Chàm… Trong đợt tả khuynh kỳ quặc bùng lên khắp nước sau 1975 đập phá chùa chiền, anh xuống Hội An, đứng lặng rất lâu nhìn quanh, rồi nói nhỏ nhẹ: Tuyệt đối không được động tới nó, Phố Cổ, không được động tới các đền chùa… Để ta còn Hội An hôm nay…

Nhưng lạ nhất là chuyện này: Đâu khoảng 1970-71, không hiểu anh em làm thế nào đó mà bắt được tay bí thư Tỉnh ủy Quốc dân đảng khét tiếng. Biết đã sa vào tay Việt Cộng, chỉ có chết, ông ta, đã hơn 70, hung hăng chửi bới lung tung. Anh Nghinh gặp, yên lặng nhìn ông ta hồi lâu, rồi ôn tồn bảo: Thôi, cởi trói cho ông ấy. Thả ông ta ra. Tay bí thư Quốc dân đảng kinh ngạc đứng sững một lúc, rỗi bỗng sụp quỳ xuống lạy như tế… Anh Nghinh bảo chúng tôi, người ta trên 70 rồi, giết làm gì, để rồi đến đời con, đời cháu, đời chắt, đời chít… chắc sẽ không dám nói ra đâu, nhưng còn nuôi oán thù mãi, kiếp này truyền kiếp khác, bao giờ cho hết. Mà cũng phải nghĩ, vì sao họ thù ta đến thế… Chẳng lẽ nuôi oán hận mãi sao… Ông ấy, được thả ra quá bất ngờ, hình như lúc đầu định vùng chạy, theo phản xạ tự nhiên hay còn sợ bị bắn theo, nhưng rồi bước đi rất chậm rãi, lúc lúc quay nhìn lại, chưa hết sững sờ. Anh Nghinh lặng lẽ đứng nhìn theo, hơi lắc đầu, và tôi nhận ra trên khuôn mặt anh thoáng một nét cười buồn.

Có lần anh Nguyễn Ngọc Giao ở Paris viết e-mail hỏi tôi trong kháng chiến chống Pháp, Khu 5 có làm cải cách ruộng đất không. Tôi trả lời anh Khu 5 chưa làm cải cách ruộng đất như ở miền Bắc, nhưng từ năm 1953 đã có “tích cực giảm tô giảm tức và thí điểm cải cách ruộng đất”. Tôi biết một địa chủ tên là Bùi Ngang ở Bình Định đã bị đem ra đấu tố thí điểm. Từ 1952 trong bộ đội đã có học chỉnh quân, dạy về đầu tranh giai cấp. Bên ngoài quân đội thì có chỉnh huấn…

Chỉ mới chừng đó thôi mà đã có thể nhận ra xáo động, có thể không ồn ào, nhưng đã bắt đầu động tới nền tảng của các quan hệ xã hội trước đó vốn khá thuần nhất và êm thuận, âm ỉ từng ngày phá vỡ các quan hệ ấy, dần dà, cho đến tận gốc. Khi tôi vào bộ đội thì anh Cao Văn Khánh Tư lệnh quân khu vừa được điều ra Việt Bắc để làm Sư phó sư đoàn Quân tiên phong 308, sư đoàn chủ lực đầu tiên của Việt Nam. Chính phủ Trần Trọng Kim chỉ tồn tại có bốn tháng mà đã làm được nhiều việc quan trọng. Chính phủ ấy có Bộ Thanh niên do ông Phan Anh làm Bộ trưởng, ông lập trường đào tạo cán bộ quân sự tên là trường Thanh niên tiền tuyến, tiêu chuẩn sinh viên vào trường là phải có bằng tú tài Tây.

Anh Cao Văn Khánh tốt nghiệp Thanh niên tiền tuyến, về làm Tư lệnh quân khu 5 mà không phải là đảng viên. Người thay thế khi anh Cao Văn Khánh được rút đi là anh Nguyễn Thế Lâm, cũng tốt nghiệp Thanh niên tiền tuyến và cũng không phải đảng viên. Liên khu 5 còn có điểm độc đáo: khi Pháp trở lại Sài Gòn rồi đánh chiếm rộng ra, từ miền Bắc rầm rộ một phong trào Nam tiến, thanh niên trong đó có rất nhiều học sinh sinh viên Hà Nội, Hải Phòng… ngày đêm đổ vào Nam để đánh giặc cùng đồng bào Nam Bộ. Nhưng phần lớn họ đã không vào đến được Sài Gòn, Nam Bộ, vì Pháp đã nhanh chóng ra tới Đèo Cả. Họ ở lại với Liên khu 5. Và trong kháng chiến chống Pháp 9 năm Liên khu 5 bỗng có thêm một lớp sĩ quan và binh lính trí thức miền Bắc, họ để lại ảnh hưởng rất đặc biệt và lâu dài không chỉ với cuộc chiến mà với cả đời sống văn hóa xã hội ở vùng đất này. Họ góp phần “văn minh hóa” kháng chiến và xã hội. Tôi chỉ xin kể tên một người: anh Việt Phương là ở trong số đó…

Từ khi ngọn gió đấu tranh giai cấp của ông Mao từ bên Tàu thổi sang, thì tình hình thay đổi. Không thể còn chuyện Tư lệnh quân khu không phải đảng viên. Anh Nguyễn Thế Lâm cũng chuyển ra Bắc. Ông Nguyễn Chánh, nguyên Chính ủy đội du kích Ba Tơ – theo tôi là một vị tướng rất giỏi – làm Bí thư Liên khu ủy, Chính ủy kiêm Tư lệnh quân khu. Vai trò cán bộ trí thức không còn như trước, cán bộ công nông được đề cao hơn. Chúng tôi được dạy bao nhiêu điều tốt đẹp của công nông… Tuy nhiên hình như trong quân đội sự thay đổi không quá cứng nhắc, hẳn vì luôn có thách thức sống mái trước kẻ thù. Tướng giỏi thì vẫn là tướng giỏi. Chỉnh huấn chỉ đem đến cho chúng tôi một hiểu biết mới, khác: Chúng tôi chiến đấu không chỉ vì mong muốn đuổi Tây, giải phóng đất nước, mà còn, quan trọng hơn, giải phóng giai cấp. Điều còn mơ hồ lắm, như đối với riêng tôi, là cái loại lửng lơ, từ nay biết mình thuộc hạng tiểu tư sản, dễ dao động, chẳng hay ho gì, phải cố gắng mà tự cải tạo… Cũng có người được tác động sâu hơn, như Nguyễn Chí Trung, nếu trước đây anh coi việc phải đi ở nhờ ông bác ruột giàu có kỳ thực là đầy tớ trong nhà chỉ là chuyện mâu thuẫn gia đình, thì bây giờ anh hiểu ra ra sâu sắc đấy là xung đột và hận thù giai cấp, cũng là động lực sống và chiến đấu của đời anh… Song, hình như những trường hợp như vậy không nhiều.

Nhưng ở ngoài xã hội thì khác. Thời ấy tôi ở Tây Nguyên thỉnh thoảng mời về đồng bằng đôi ba bữa, chỉ ghé qua nhà tản cư ở Hưng Mỹ, Bình Triều, Thăng Bình có hai lần, dịp đi chiến dịch Hè ở Bắc Quảng Nam 1952, và thoáng chốc trước ngày đi tập kết. Ngắn ngủi thế thôi, mà tôi đã kinh ngạc nhận ra câu chuyện giai cấp, nhập từ bên Tàu về, không chỉ đã quấy trộn làng xóm vốn yên bình, mà con chen cả vào trong gia đình tôi, một gia đình bình thường và hiền lành, đến mức rồi sẽ xé nát nó ra, tới đẫm máu, hận thù truyền đời.

Tôi có một ông cậu anh cả trong nhà, tên là Nguyễn Công Liên, thường gọi là ông Giáo Liên, sống ở vùng Việt An - An Tráng, một trong các nguồn chính của sông Thu Bồn. Ở miền Trung, kinh tế nguồn là rất quan trọng. Cắm ở những đầu nguồn ấy thường là một nhà buôn lớn, người Hoa là chính, họ thu gom lâm sản từ miền núi rất rộng ở các tỉnh này, đến tận Tây Nguyên, chuyển về xuôi, tới Hội An. Việc cậu Giáo Liên của tôi át được người Hoa ở đầu nguồn quan trọng này chứng tỏ ông rất có thế lực. Ông vừa buôn trên núi, vừa có ruộng dưới quê ở Bình Triều, Bình Sa (xã quê của anh Hoàng Minh Thắng), hằng năm mợ Giáo vẫn về thu tô. Về chính trị, ông có quan hệ khá gần gũi với cụ Huỳnh Thúc Kháng và các nhân vật rơi rớt của Cần Vương, về sau ông ít nhiều có dính dáng đến Quốc dân đảng vốn là nơi lân la và tập họp các địa chủ…

Mẹ tôi là con út, thứ bảy, thường gọi là cô Bảy Nam, có một người anh, thứ sáu, tên là Nguyễn Công Hà, thường gọi là cậu Nhậm theo tên con. Cậu Nhậm làm thợ may ở chợ Hưng Mỹ, Bình Triều, rất nghèo, là Bí thư chi bộ. Cậu Nhậm rất khí khái, không bao giờ nhận chút giúp đỡ của cậu Giáo Liên. Chuyến ghé về nhà năm 1952, tôi đã thấy quan hệ giữa hai ông cậu ruột tôi có rạn nứt, đến chuyến về năm 1954 trước khi đi tập kết thì đã rõ là hai ông không còn nhìn mặt nhau. Có lẽ vai trò của dì Khanh chị ruột của mẹ tôi (là người đã đào hầm bí mật nuôi anh Hoàng Minh Thắng mấy năm sau đó) và của cả mẹ tôi đã góp phần giữ cho quan hệ giữa hai ông anh không bùng nổ. Gia đình bên ngoại tôi, tôi nghĩ, thuộc một dòng họ có gia phong lâu đời, gốc Nghi Xuân, Hà Tĩnh, đều là con cháu cụ Nguyễn Công Trứ, đến đời ông ngoại tôi là một ông đồ Nghệ (Tĩnh) lưu lạc vào Nam dạy học. Một gia phong lâu bền có sức chống chọi nhất định với tà thuyết giai cấp du nhập. Và, may mà cũng buồn thay, cậu Giáo Liên tôi lại mất sớm vào những ngày ấy, để không phải dính dấp gì đến cái chết thảm khốc của cậu Nhậm tôi, em ruột ông…

Mẹ tôi còn có một ông cậu xa, tên là ông Khánh, xa đến mức hồi nhỏ người lớn thường “cặp đôi” tôi với một cô cháu gái của ông, nghĩa là giữa chúng tôi không có quan hệ huyết thống gì. Ông Khánh là địa chủ có tiếng ở Hưng Mỹ, Bình Triều, và hẳn từng là đối tượng trấn áp của những người cộng sản kháng chiến. Tôi ở Tây Nguyên thời ấy, tôi không biết được cụ thể cậu Nhậm tôi, vốn là người chất phác và rất hiền lành, khi thấm nhiễm thuyết giai cấp, đã làm những gì với gia đình ông Khánh, để hận thù được tạo ra giữa hai bên cao ngút đến thế. Hồi ấy còn có một người nữa, tên là ông Năm Đảng, cũng là thợ may, từ Hội An tản cư về Hưng Mỹ, cùng ở trong một chi ủy với cậu Nhậm. Tôi có biết ông Năm Đảng, ông là thợ may giỏi, và cũng rất hiền lành. Những con người như vậy đã có thể trở nên thế nào khi họ tin theo một học thuyết chia thế giới con người thành đối lập sống mái, và hận thù là động lực của lịch sử…

Nhân đây cũng cho tôi nói luôn, những vụ tàn sát trả thù người kháng chiến sau 1954 là có thật, tôi không biết ở Nam Bộ thế nào, nhưng ở Liên khu 5, ở Quảng Nam thì đặc biệt nhiều và rất độc ác. Không phải đến luật 10-59 đâu. 10-59 là tận 5-6 năm sau. Ngay từ khi tập kết chưa xong. Thời gian tập kết được quy định 300 ngày.

Vụ tàn sát đầu tiên là vụ Chợ Được diễn ra ngày 4 và 5 tháng 9-1954, tức chưa đầy hai tháng sau Hiệp định Genève và ngày bắt đầu tập kết. Chợ Được và Hưng Mỹ, cách nhau ba cây số, đều thuộc xã Bình Triều, suốt chín năm kháng chiến chống Pháp là vùng tự do, dân đã quen sống với chính quyền cách mạng. Quân ta vừa rút đi, quân đội Sài Gòn đến, không cần hỏi ai, xin ai, họ tự do chặt cây phi lao, ở đây người ta gọi là cây dương, chắc để làm doanh trại. Phi lao là cây chống cát bay, người Pháp rút kinh nghiệm mang từ châu Phi sang, hàng trăm năm đã thành rừng rậm rạp che chở cho cả một dải hàng nghìn cây số đồi cát ven biển miền Trung. Lính Sài Gòn ỷ thế quân mới đến chiếm đóng ngang nhiên chặt bừa, dân đã quen thế làm chủ kéo ra phản đối kịch liệt, càng phản đối họ càng chặt, xung đột bùng lên, súng nổ, 34 người chết, 23 người bị thương ở Chợ Được.

Nhưng không chỉ có lính Sài Gòn ở Chợ Được. Còn có địa chủ ở Hưng Mỹ và một số vùng gần, đứng đầu là ông Khánh và con trai ông, tên là Võ Đường, đã được chính quyền Sài Gòn đưa lên làm quận trưởng Trà Mi ngay sau tập kết. Họ nhân lúc lộn xộn tranh tối tranh sáng ra tay trả thù. Cậu Nhậm tôi và ông Năm Đảng bị giết, vùi xác trên nỗng cát Hưng Mỹ. Cách giết cực dã man chứng tỏ hận thù cực độ. Không phải bằng súng, cũng không phải bằng kiếm hay dao. Bằng mảnh tre cật già chuốt mỏng, vót nhọn, đâm thẳng vào tim trong khi đã bị trói chặt. Tại sao lại chọn giết người bằng thứ thô sơ và quen thuộc nhất ấy, tôi còn bị ám ảnh mãi. Cứ như muốn trở lại thuở con người mới tự phân biệt mình với loài vượn hoang dã. Mợ Nhậm tôi kể bà con nghe tiếng gào thét thảm thiết giữa đêm khuya nhưng không ai dám ra. Gào thét kéo dài, mợ Nhậm tôi kể, bởi vì đâm được một mũi tre xuyên tim thì chậm và buốt hơn một nhát dao nhiều. Anh Quả con trai đầu của cậu Nhậm và em trai tôi ở lại chắc chắn bị giết nốt, phải trốn ra Huế, nương nhờ ông chú làm nhà in một thời gian, rồi tìm đường lần đến vĩ tuyến 17, vượt sông Bến Hải, ra Bắc. Cha mẹ và các em nhỏ tôi chạy vào Quảng Ngãi, thời ấy gọi là “đổi vùng” tránh mặt đám chính quyền mới được lập quen mặt ở địa phương… Sau 1975, anh Đức, con trai thứ của cậu Nhậm, nhạc sĩ từng làm việc ở Sở Văn hóa Đà Nẵng, cầm khẩu AK lăm lăm về tìm ông Khánh, tôi phải can…

Sau Chợ Được là hàng loạt vụ tàn sát khác, đều rùng rợn, cứ như con người bỗng bị đẩy trở lại thành dã thú với nhau. Nổi tiếng nhất là vụ Vĩnh Trinh ở xã Duy Trinh, ngay quê hương anh Hồ Nghinh. Không phải vì số người bị giết nhiều nhất mà vì thủ đoạn ác độc nhất. Ba ngày trước tết Ất Mùi 1955, Lê Đình Duyên, quận trưởng đồng thời là thủ lĩnh Quốc dân đảng quận Duy Xuyên tuyên bố tổ chức thả tù cộng sản, nhưng kỳ thực tống họ lên xe đưa đến đập Vĩnh Trinh, đánh đập dã man, cắt mũi cắt tai, rồi bỏ vào bao tời cột đá nhận nước. 37 người, nhưng có một chị đang mang thai nên được tính là 38.

Như vậy sự thực là phức tạp hơn những điều hai bên đã nói về chuyện này. Vụ Chợ Được bắt đầu từ bàn tay trực tiếp của lính Sài Gòn, đám Quốc dân đảng nhân cơ hội hùa theo trả thù. Chính quyền Sài Gòn dung túng, hay đồng lõa. Vụ Vĩnh Trinh, Lê Đình Duyên vừa là thủ lĩnh Quốc dân đảng vừa là quận trưởng của chính quyền Sài Gòn. Những vụ khác chủ yếu là do Quốc dân đảng. Chính quyền Sài Gòn giai đoạn này sử dụng trong bộ máy cai trị của họ người của Quốc dân đảng mà họ biết là những người có hận thù sâu sắc nhất với cộng sản kháng chiến. Nhưng sự câu kết này có thời hạn. Về sau Quốc dân đảng đã thành một phe đối lập với chính quyền Ngô Đình Diệm. Vụ tự vẫn của lãnh tụ Quốc dân đảng Nhất Linh Nguyễn Tường Tam là một minh chứng… Tính chất nội chiến nồi da xáo thịt là có từ đầu trong chiến tranh Việt Nam, và rất phức tạp. Nếu muốn nói về một thời điểm bắt đầu, thì theo tôi, là từ khi câu chuyện đấu tranh giai cấp được du nhập vào đời sống của dân tộc này.

Vừa rồi hai anh bạn Hoàng Hưng và Hoàng Dũng ghé lại thăm tôi ở Hội An. Chúng tôi có đi tìm viếng mộ La Hối, nhạc sĩ tài hoa bị Nhật giết năm 1945, và mộ Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, nay đã được gia đình đưa về quê gốc Hội An, đặt ở một nơi gọi là nghĩa trang Cao Đài. Không nói với hai bạn hôm ấy vì e câu chuyện sẽ phải rất dông dài, nhưng khi đứng trước mộ Nhất Linh con người từng trầm luân trong thời cuộc đất nước và dân tộc một thời, tôi bỗng nhớ đến anh Hồ Nghinh, và việc anh quyết định thả tay Bí thư Quốc dân đảng giữa hồi ác liệt nhất của chiến tranh. Dũng cảm can trường như anh thì còn có những người khác, như anh Phương tôi đã kể, nhưng dám độc lập sâu sắc như anh để nhận ra cái vòng tròn lẩn quẩn hận thù ta đã tự rước về và tự mắc vào cho mình và cho dân tộc, để bằng một hành động quyết dứt ra như Đức Phật quyết dứt ra khỏi vòng luân hồi, thì tôi mới chỉ thấy có anh.

Tôi có may mắn ít nhiều được ở gần anh cả trong và sau chiến tranh, Anh có dặn và nhờ tôi hai việc mà tôi đều không làm trọn được. Sau 1975, hết chiến tranh, hôm đến chào anh để trở ra Hà Nội, anh cười dặn tôi: Ra ngoài đó, muốn làm gì thì làm, nhưng mình dặn một điều, đừng có đi học trường Nguyễn Ái Quốc nghe, chỉ đần người đi… Tôi đã không làm được điều anh dặn, khi ông Tố Hữu buộc tôi đi học trường này trước lúc về làm Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà văn. Cũng may là chán quá tôi đã bỏ dở chừng lấy cớ Ban Bí thư trung ương đã lập Đảng đoàn rồi, cử tôi là người chủ trì, tôi phải về làm việc ngay.

Khoảng cuối năm 1988, có dịp về Đà Nẵng rồi trở ra Hà Nội, tôi được anh nhờ ra nói với anh Chín Cần bấy giờ là Phó Ban thứ nhất Ban Tổ chức trung ương, đừng có giải tán Đảng Xã hội và Đảng Dân chủ, cứ để đó, sẽ rất cần. Tôi ra đến nơi thì cả hai đảng đều đã long trọng tuyên bố “hoàn thành nhiệm vụ lịch sử”, được tặng huân chương Sao vàng cao quý nhất và tự giải tán mất rồi…

Sau khi nghỉ hưu, có thời gian anh Nghinh vào Sài Gòn, sống với người con rể làm ở Hàng không Việt Nam. Mỗi lần biết tôi vào, anh thường bảo anh Đặng Thanh Tịnh Phó Tổng biên tập báo Thanh niên lấy xe của báo đưa tôi đến chỗ anh chơi. Có lần anh bảo Tịnh hôm nay để ông Ngọc ở đây ăn trưa với mình. Tôi hiểu anh muốn giữ tôi lại nói chuyện suốt ngày. Anh kể cho tôi nghe về hậu trường Đại hội VI của Đảng. Tôi có cảm giác, đã cao tuổi, anh muốn ít nhất có một người biết rõ những chuyện này. Sau Quảng Đà, anh có thời gian ra làm Phó Ban Kinh tế trung ương, và ở trong số người có tác động đến Tổng bí thư Trường Chinh để có một Đại hội VI đổi mới… Anh bảo, nhưng bọn mình cũng có chỗ dở: tập trung làm đường lối, trong khi Lê Đức Thọ cứ lặng lẽ làm tổ chức nhân sự. Cho nên Đổi mới mới lỡ dở thế này. Hóa ra ở đời đã tưởng khôn, có đứa khôn hơn mình…

Gần cuối đời anh Nghinh có một sự cố đáng vừa buồn vừa cười. Nguyên ở Quảng Nam có một anh tên là Trần Phát, từng là ủy viên thường vụ tỉnh ủy Quảng Nam từ hồi kháng chiến chống Pháp, là một người trí thức, có làm thơ, bài thơ của anh về Trần Thị Lý được dư luận khen hay hơn bài của Tố Hữu cùng viết về đề tài này. Cuối đời anh bị mù, về sống ở Tam Kỳ. Có lần không biết bằng cách nào đó anh hỏi anh Nghinh một số điều anh có suy nghĩ và thấy khúc mắc về chính trị và xã hội ở ta. Anh Nghinh viết thư trả lời dài. Nhưng anh Phát có đọc được đâu, anh mù mà, anh nhờ một người khác đọc hộ. Người ấy lại đem thư đưa cho một ông tướng tên là Th. từng làm Tham mưu trưởng quân khu. Ông tướng Th. thấy lá thư đầy tư tưởng phản động, mà hình như ở ta không nhiều vị tướng có hiểu biết về điều luật bí mật thư tín, trong khi lại rất hăng hái phát hiện các tư tưởng khác lạ, phản động. Ông Th. một mặt đem thư báo cáo ông Nguyễn Văn Chi bấy giờ là Bí thư Quảng Nam, mặt khác cho photocopy ra rất nhiều bản phân phát khắp nơi như truyền đơn tố cáo ông Nghinh. Hồi ấy chưa có cụm từ hay ho “tự diễn biến, tự chuyển hóa, suy thoái đạo đức lối sống”. Ông Th. ngang nhiên phát động một phong trào tố cáo Hồ Nghinh hư hỏng, suy đồi tư tưởng, xét lại, chống Đảng. Bí thư Nguyễn Văn Chi tích cực hưởng ứng. Ông có câu nói nổi tiếng, giọng Quảng Nam đặc: “Thèng nồ đoa đoảng, tô béng hết!”. Ông cho công an bao vây và theo dõi anh Nghinh từng bước…

Anh Nghinh biết, chỉ cười. Chính những lúc này tôi lại nhớ lại thấy hình ảnh một anh Nghinh vẫn ở mãi trong tâm trí tôi: một người tầm thước, đến lúc đã rất luống tuổi mái tóc vẫn chỉ đậm hơn một chút màu muối tiêu, tình thế nào cũng thong dong, hay hài hước, ung dung trong bộ bà ba lụa trắng ngà.

Đối với Nguyễn Văn Chi, anh chỉ cười, thương hại và khinh bỉ.

֎֎֎

Tôi làm báo Văn nghệ chỉ đúng một năm rưỡi, từ giữa 1987 đến cuối 1988. Năm 1988, chúng tôi tập trung vào vấn đề đang nóng hổi nhất, nông dân, nông thôn, nông nghiệp. Định sang năm sau sẽ chuyển sang tập trung vào vấn đề người trí thức trong xã hội, theo tôi là rất quan trọng và lâu dài, kỳ thực đã manh nha được động đến trong một số truyện ngắn của Phạm Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp. Nhưng đến cuối tháng 12-1988 đã có quyết định “thuyên chuyển công tác” đối với tôi của Ban Thường vụ Hội Nhà văn do Nguyễn Đình Thi và Chính Hữu đứng đầu.

Để đến hôm nay mới có dịp nói đôi điều về hai kiểu nguời trí thức tôi từng biết.

HO NGHINH 2

Hồ Nghinh

B

Từ phải qua: Hồ Nghinh, Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn

N. N.

N. N.

1995-2020