Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 3 tháng 9, 2020

Kỷ niệm 75 năm Ngày Nhật Đầu Hàng 2.9.1945-2.9.2020 (Phần II): Tội ác của Nhật, tỉnh thức của thế giới và Việt Nam

Đỗ Kim Thêm

Tiếp theo phần 1: Nguyên Nhân và Ảnh Hưởng

Tóm lược: Sau 75 năm, trong mối bang giao đối với các nước Á Đông, Nhật cố làm tăng tầm quan trọng địa chính trị, nhưng vẫn chưa làm sáng tỏ về các tội ác trong chiến tranh và sự thật lịch sử vẫn còn là một gánh nặng.

Cộng đồng quốc tế đã tỉnh thức và mong muốn ngăn chặn các hiểm hoạ diệt vong do vũ khí nguyên tử gây ra để tồn tại và phát triển, nhưng các cường quốc, vì nhiều lý do khác nhau, chưa có một đối sách chung cho việc xây dựng hòa bình thế giới.

Lịch sử Việt Nam tái diễn trong thương đau. Đảng Cộng sản đang gây ra thảm hoạ Bắc thuộc cho dân tộc. Đã đến lúc toàn dân nên tỉnh thức trước hiểm họa diệt vong, phát huy tinh thần đoàn kết Diên Hồng và quyết tâm gìn giữ non sông. Hy vọng chúng ta thoát ra khỏi tử huyệt này.

Hình phạt cho các tội ác của Nhật trước lịch sử?

Tại các mặt trận Á Đông, số người chết do Nhật gây ra khó kiểm chứng, nhưng có thể cao hơn 10 triệu. Vụ thảm sát Nam Kinh vào năm 1937 với khoảng 300.000 người Hoa bị giết là tàn bạo nhất. Trên 100.000 phụ nữ tại Mãn Châu và Hàn Quốc bị hãm hiếp là hình ảnh Nhật tàn ác mà số liệu không thể trình bày chi tiết.

Trong nạn đói năm Ất Dậu 1945 ở Bắc Việt, có khoảng đến 2 triệu người chết và số người Việt chống Nhật chết là không có ước tính, đó là hai thí dụ thương đau điển hình do Nhật gây ra cho Việt Nam.

Vào tháng 8 năm 2015, nhân kỷ niệm 70 năm ngày kết thúc chiến tranh, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe bày tỏ sự hối tiếc về cuộc chiến, nhưng tránh lời xin lỗi các tội ác đã gây ra. Tại sao không?

Khác với Đức và Ý, vấn đề tội ác và hình phạt trước những bất công trong lịch sử không được đề cao tranh luận tại Nhật. Lý do là có sự khác biệt trong nền tảng tôn giáo và truyền thống văn hoá.

Tại châu Âu, với tinh thần thuần lý và trọng pháp, ngay trong Thiên Chúa giáo và Tin Lành giáo, lý luận chung cho rằng, khi một hành vi được quy trách là phạm tội, phạm nhân đương nhiên mang hậu quả đúng theo tội quy định. Trong các phiên xử của Toà Quân Pháp Quốc tế ở Nürnberg, Đức, giới trí thức đã công khai thảo luận về tội ác và trách nhiệm bồi thường của Đức. Về sau, vấn đề các tồn đọng trong quá khứ lịch sử còn được tranh luận sôi nổi trong công luận Đức.

Ngược lại, với người dân Nhật có lòng tôn sùng Thần Đạo và Nhật hoàng, họ có những lập luận khác hơn:

Lệnh của Nhật hoàng ban ra là thiên lệnh và dân chỉ tuân thủ. Dân Nhật được huy động tham chiến và sẵn sàng hy sinh mà Quân luật Bảo vệ Tổ quốc do Quân đội Nhật ban hành vào ngày 20 tháng 4 năm 1945 là bằng chứng: “Mọi quân nhân hãy chiến đấu đến cùng và chúng ta sẽ chiến đấu đến người dân cuối cùng”. Mỗi người dân Nhật đều tham chiến được hiểu là cả phụ nữ và trẻ em. Trước chính sách của Thiên hoàng và Quân luật của Quân đội Nhật, không ai có can đảm tranh luận vấn đề đạo đức tập thể, cắn rứt lương tâm hay quy trách theo luật chiến tranh.

Do đó, công khai thú nhận tội ác là không phù hợp với lòng tự hào về danh dự của người Nhật và suy tôn Nhật hoàng, đó là sĩ diện quốc gia, một truyền thống oai hùng bất khuất không thể bị xâm phạm.

Cũng vì thế, ngay cả Mỹ cũng phải thu xếp cho Nhật hoàng đuợc hưởng miễn tố trước Toà án. Các phạm nhân khác bị Toà kết án xử tử vì tội ác chống nhân loại vẫn được dân Nhật suy tôn là các nhà ái quốc hay thánh tử đạo.

Theo truyền thống Thần Đạo, Đền Yasukuni (Tỉnh Quốc Thần Xã) được vua Minh Trị lập ra vào năm 1869 nhằm tôn vinh cho những người hy sinh vì dân tộc là một biểu tượng linh thiêng.

Hằng năm đến ngày 15 tháng 8, chính giới và dân Nhật đến đền Yasukuni để tưởng niệm, nhưng họ mang một tâm cảm khác: luôn nhớ Nhật là nạn nhân của hai quả bom và quên Nhật là thủ phạm của một chính sách xâm lăng tàn bạo. Với truyền thống tư duy này, tội ác và hình phạt của Nhật đã bị xoá nhòa theo năm tháng.

clip_image002

Trước chính điện của đền Yasukuni. Nguồn ảnh: Internet

Gần đây nhất, thống kê thăm dò dư luận của đài truyền hình Nhật NHK cũng xác nhận là, 69% cư dân Hiroshima và 50% cư dân Nagasaki còn nhớ việc ném bom trong khi toàn nước Nhật chỉ có 30%. Giới trẻ Nhật thiếu kiến thức lịch sử là một thực trạng báo động và có nhiều lý do.

Cụ thể, dân số Nhật bị lão hoá trầm trọng, giới trẻ không quan tâm lịch sử và giáo dục cũng không đặt nặng việc duy trì ký ức tập thể cho hậu thế. Đó cũng là tình trạng tương tự như giới trẻ Việt Nam khi được hỏi về cuộc thảm sát Mậu Thân tại Huế hay giới trẻ Trung Quốc về biến động Thiên An Môn.

Thực ra, chính giới Nhật đã ý thức được các bất công thương đau của lịch sử tồn đọng khi cố làm giảm bớt gánh nặng trong quá khứ và tăng cường tầm quan trọng địa chính trị.

Vào tháng 12 năm 2015, tranh chấp của Nhật với Hàn Quốc về việc bồi thường cho một số nô lệ tình dục còn sống đã được thỏa thuận giữa hai chính phủ.

Đối với các nước châu Á, Nhật đứng đầu về việc đóng góp đầu tư công trong các chương trình viện trợ phát triển kinh tế. Tại Việt Nam sau ngày Đổi Mới, vai trò đầu tư của doanh nghiệp tư nhân Nhật là quan trọng hàng đầu sau Trung Quốc. Gần đây, khi dịch COVID-19 bùng phát, các doanh nghiệp Nhật tăng cường đầu tư tại thị trường Việt Nam sau khi tháo chạy khỏi thị trường Trung Quốc.

Nhưng sự thật về tội ác của Nhật trong chiến tranh đối với các nước Á Đông vẫn còn là một gánh nặng trong bang giao mà chưa được làm sáng tỏ, nhất là trong các sách giáo khoa về lịch sử cận đại.

Nhân loại tỉnh thức trước hiểm hoạ diệt vong?

Việc Mỹ ném bom nguyên tử tại Nhật trong năm 1945 đã làm cho nhân loại tỉnh thức chưa? Các cường quốc sẽ còn sử dụng bom nguyên tử để làm gì? Tự hủy diệt hay như thành tựu khoa học?

Thực tế cho thấy là sau 75 năm, chính giới quốc tế vẫn chưa khôn ngoan hơn và tình hình an ninh thế giới hầu như không thay đổi; ngược lại, mức độ nghiêm trọng lại tăng lên và biến dạng.

Sau năm 1945, một kỷ nguyên mới trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh bắt đầu. Hai khối Tự do, do Mỹ và Cộng sản, do Liên Xô lãnh đạo, thi nhau chạy đua sở hữu vũ khí nguyên tử và vũ trang. Dù cả hai trang bị tối đa cho Đồng Minh tại châu Âu, nhưng Thế chiến thứ Ba đã không bùng nổ.

Sự ngăn chặn thành công đã phát huy tác dụng dẫn đến ổn định xã hội và phát triển kinh tế cho các quốc gia trong hai khối. Ngược lại, những xung đột ý thức hệ mang tính ủy nhiệm lan tràn ở mức độ các địa phương và khu vực khác, mà chiến tranh Việt Nam là thí dụ điển hình.

Thoạt đầu, Hoa Kỳ, Liên Xô, Trung Quốc, Vương quốc Anh và Pháp tham gia cuộc chạy đua sở hữu vũ khí nguyên tử. Thời gian sau, Israel, Ấn Độ và Pakistan cũng theo đuổi mục tiêu này khi ý thức được tầm quan trọng chiến lược. Thụy Điển, Thụy Sĩ, Iraq và Lybia cũng bị ảnh hưởng trào lưu, nhưng sau một thời gian cạnh tranh phải từ bỏ, vì không thể trang trải kinh phí với mức độ khổng lồ. Đến nay, Nam Phi là nước duy nhất tự nguyện hủy diệt loại vũ khí này.

clip_image004

Biểu tượng chung cho các phong trào yêu chuộng hoà bình thế giới. Nguồn ảnh: Internet

Trước hiểm họa nhân loại bị diệt vong ngày càng cao, các phong trào yêu chuộng hòa bình thế giới phản ứng cực kỳ mãnh liệt việc nghiên cứu và sử dụng bom. Công luận quốc tế đòi hỏi không trang bị vũ khí nguyên tử đã tác động nhất định đến bang giao các cường quốc.

Nhờ các nỗ lực trong toàn cầu này đã thúc đẩy cho Hoa Kỳ và Liên Xô đàm phán tài giảm binh bị và vũ khí nguyên tử. Cuối cùng, các Hiệp ước đã thành hình và số lượng vũ khí đã giảm bớt. Đáng kể nhất là cho đến năm 1986, Liên Xô còn chiếm hữu 40.000 đầu đạn, hiện nay số lượng còn khoảng 6375; Hoa Kỳ trước năm 1986 là 20.000, hiện nay còn khoảng 5800.

Lạc quan trước các thành tựu này, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon đã kêu gọi bãi bỏ toàn bộ vũ khí nguyên tử trên toàn thế giới. Năm 2017, Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của Liên Hiệp Quốc đã được thông qua. Cộng đồng quốc tế cũng còn nhiều lo âu với thành tựu lịch sử này, vì vẫn còn tiềm tàng các xung đột trong các cường quốc. Hiểm hoạ đang nằm ở đâu?

Điểm lo ngại chung là sức công phá của bom khốc liệt hơn, sức bom tại Hiroshina là 16 Kiloton TNT và Nagasahi là 20 Kiloton, ngày nay Liên Xô đã thử nghiệm một loại bom mới với sức bom 50 Megaton.

Ngày xưa, bom hủy diệt trong một diện tích nhỏ như Hiroshima và Nagasaki; trong năm 2009, thử nghiệm bom của Pháp chứng minh có thể tàn phá toàn diện dưới lòng biển.

Do sự phát triển của máy vi tính và tia Laser và các kỹ thuật số, bom có thể điều khiển tấn công tại các bộ chỉ huy bí mật đặt dưới lòng biển và sâu trong lòng núi. Các mục tiêu chiến lược luôn di động như các hàng không mẫu hạm hay các doanh nghiệp trá hình cũng sẽ bị nhận diện và tấn công chính xác, nhanh chóng và dễ dàng.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình SIPRI, Stockholm, cho biết, tính đến đầu năm 2019, trên khắp thế giới vẫn còn 13.865 đầu đạn nguyên tử, trong số này 90% là thuộc sở hữu của Nga và Hoa Kỳ. Số lượng giảm không có nghĩa là vấn đề xây dựng hòa bình chỉ còn nằm độc quyền trong tay Hoa Kỳ và Nga. Vì số lượng các cường quốc nguyên tử tăng lên, do đó, một sự thoả thuận chung cho mục tiêu hòa bình là khó khả thi.

Cho đến nay, vấn đề chính là Hoa Kỳ và Isarel không phê chuẩn Hiệp ước và các cường quốc vẫn tỏ ra lạnh nhạt đối với thỏa thuận này. Việc Nhật ủng hộ cho lý thuyết răn đe là một thất vọng lớn.

Liên Xô và Trung Quốc tiếp tục bí mật thử nghiệm bom trong khi Bắc Hàn công khai. Các cuộc thương thuyết tại Singapore và Hà Nội thất bại, cho thấy Bắc Hàn kiên quyết theo đuổi mục tiêu đe doạ an ninh khu vực để gây uy tín quốc tế và không lo sợ trước các biện pháp cấm vận của cộng đồng quốc tế.

Xung đột giữa Iran và Hoa Kỳ làm cho mức độ an nguy trong khu vực Ấn Độ Dương trầm trọng hơn, nhất là khi quốc tế không thể kiểm chứng việc tinh luyện năng lượng nguyên tử của Iran là cho mục tiêu dân sự hay quốc phòng.

Khi Pháp, Ấn Độ, Bắc Hàn, Pakistan và Anh sử dụng năng lượng nguyên tử để hỗ trợ phát triển vũ khí hoặc cung cấp chất nổ cho các lò phản ứng quân sự, các diễn biến này nằm ngoài tầm kiểm soát của Liên Hiệp Quốc.

Trong bối cảnh hỗn loạn của thế giới hiện nay, chủ thuyết đa phương tan vỡ và khả năng đối thoại song phương trong các cường quốc là mong manh. Tin tưởng vào thiện chí xây dựng hòa bình là điều kiện khởi đầu, nhưng ai còn tin ai? Chỉ có lên án, đe dọa và trả đũa mà xung đột tại Biển Đông và Ấn Độ Dương là thí dụ.

Quyết định đàm phán cần có một tinh thần thuần lý. Nhìn vào nội dung tranh chấp hiện nay trong các nước có bom nguyên tử, phương sách giải quyết là phức tạp hơn. Xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan là vấn đề biên giới, đối nghịch Liên Triều có đặc điểm ý thức hệ, bất hòa Mỹ-Iran mang sắc thái thương mại và hận thù Iran-Israel có nhiều lý do khác.

Tùy theo nội dung giải quyết mà phản ứng các nước có bom nguyên tử rất khó lường đoán theo tinh thần thuần lý chính trị. Ba cường quốc nguyên tử tại Washington, Moscow và Bắc Kinh vẫn chưa có đủ vị thế để đứng ra đảm nhận vai trò lãnh đạo cho một phong trào chung vì hòa bình thế giới.

Cuối cùng, sau 75 năm, qua trào lưu toàn cầu hoá và mậu dịch quốc tế, nhân loại đã thông cảm nhau nhiều hơn và mong muốn ngăn chặn các rủi ro để tồn tại, hợp tác và phát triển, nhưng các cường quốc còn dị biệt quan điểm theo địa chính trị và lạm dụng cơ chế phủ quyết của Liên Hiệp Quốc cho quyền lợi quốc gia, đó là lý do làm cản trở cho việc xây dựng hòa bình thế giới.

Việt Nam tỉnh thức trước hiểm họa diệt vong?

Kỷ niệm 75 năm ngày Nhật đầu hàng là một cơ hội để chúng ta cùng nhau nhìn lại các dông bão lịch sử và tìm ra các bài học mới.

Ngày 11 tháng 3 năm 1945, theo chính sách Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á, Nhật thành lập chính phủ Đế quốc Việt Nam do Hoàng đế Bảo Đại và Thủ tướng Trần Trọng Kim đứng đầu. Có những cáo buộc cho rằng Bảo Đại không có quyền tự trị tài chính và điều động nhân sự, vì mọi quyết định đều do Nhật nắm giữ.

Việc Bảo Đại và Trần Trọng Kim có bù nhìn hay không, đó là một lối giải thích về bản lĩnh chính trị của giới lãnh đạo trong nhất thời; Việt Nam cũng không hơn và không kém các nước khác trong vùng Á Đông khi bị Nhật chiếm đóng. Về sau, thực tế cho thấy là có sự khác biệt trong bản lãnh đấu tranh của các giới lãnh đạo. Dù trong cùng hoàn cảnh, các nước thoát ra khỏi lệ thuộc của Nhật; dĩ nhiên, trong lịch sử cũng có những yếu tố may mắn hay tình cờ khác đóng góp.

Nhìn chung trong toàn cảnh, bang giao quốc tế đang diễn biến với một khởi đầu mới bất định. Cụ thể là Mỹ chưa quan tâm, xem Việt Nam như vấn đề chiến lược phòng thủ, Trung Quốc còn phân tranh Quốc-Cộng và chưa trỗi dậy và Nga chưa phát triển. Do đó, sự đối kháng của hai khối Tư Bản và Cộng Sản chưa thành hình và khuôn khổ Chiến tranh Lạnh phát triển sau đó chậm hơn. Việt Nam không phải là mối bận tâm cho các cường quốc.

Còn về chính trị quốc nội là một bất hạnh khởi đầu. Bảo Đại và các phong trào đấu tranh cho quốc gia đã không đủ mạnh để đoàn kết và tương kế tựu kế để làm bước chuyển biến thuận lợi cho dân tộc, đó là một thất bại. Trong giai đoạn này, 95% dân chúng còn mù chữ và nạn đói hoành hành ờ miền Bắc là hai thảm hoạ khác. Các yếu tố này làm cho Hồ Chí Minh có cơ hội thao túng và lũng đoạn. Không trực diện chống Pháp và Nhật, Hồ Chí Minh không thể tự hào Cách mạng tháng Tám là một công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, mà là bằng bạo lực cướp chính quyền Trần Trọng Kim còn quá non trẻ và suy yếu. Chuyện toàn quốc kháng chiến chống Pháp là về sau.

Sau khi Nhật ra đi, các thách thức để lại cho Việt Nam, dù là phức tạp, nhưng không phải là nan giải; chúng ta cần phải so sánh với các giải pháp tương ứng khả thi hợp lý của nước khác để nhìn lại thành tựu lịch sử.

Bằng giải pháp ngoại giao, Ấn Độ và các nước khác tiết kiệm được xương máu cho dân tộc khi giành độc lập, còn Việt Nam thì không. Tại sao?

Khi nhận định về tình hình trong giai đoạn này, Jean Sainteny, đại diện cho Pháp, cho là Việt Minh không có khả năng trị an, việc xung đột với Pháp không là vấn đề chính, các phe phái của người Việt tự đánh phá lẫn nhau cần phải cấp thiết giải quyết. Do đó, Anh hoặc Trung Hoa phải đến can thiệp kịp thời, còn Pháp thì không thể. Cho đến ngày nay, tinh thần đoàn kết dân tộc trong đấu tranh chống ngoại thuộc vẫn còn là bài học quý giá để áp dụng.

Sau 75 năm, so với tình trạng của đất nước trong năm 1945 cũng giống như năm 2020. Giới lãnh đạo làm bù nhìn cho Nhật hay hèn với Trung Quốc là hai tâm thế giống nhau và 95% dân chúng mù chữ hay đa số vô cảm trước chính sự ngổn ngang không khác nhau.

Sự khác biệt ở đây là khi xưa, thời Bảo Đại, triển vọng thu hồi chủ quyền quốc gia từ Nhật trong khuôn khổ Đại Đông Á hay sau đó từ Pháp trong khuôn khổ Liên Hiệp Pháp là một hiện thực khả thi, vì phương tiện đấu tranh là chính trị, ngoại giao và nghị trường; còn ngày nay, Đảng Cộng sản nhân danh thay mặt cho dân tộc, lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối, lại tìm những chốn đoạn trường mà đi, nên cuối cùng Bắc thuộc là tử lộ.

Trước đây, Đảng tước quyền dân tộc tự quyết; hiện nay, Đảng không còn đủ nội lực để hành xử chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Còn dân chúng ở đâu, nghĩ gì và làm gì trong cả 75 năm dài?

Dân Việt chưa một lần nào quyết định cho vận mệnh đất nước và không biết phải làm gì để có cơ hội hành xử quyền tối thượng thiêng liêng này. Lập luận quen thuộc của đa số thầm lặng cho rằng vô cảm là “thượng sách” vì xưa nay chuyện “vô chiêu thắng hữu chiêu” củng có nhiều, nên “ngư ông đắc lợi” mãi mãi là ước vọng chân thành.

Nhưng thực tế phủ phàng đang đánh bại những ước vọng. Bối cảnh quốc tế năm 2020 tê liệt trầm trọng hơn năm 1945: Dịch bệnh COVID-19 tràn lan, tình trạng kinh tế thế giới khó hồi phục nhanh chóng, nội bộ Mỹ lung lay và khắp nơi tẩy chay Trung Quốc. Khi cảnh quan chung u tối, chính sự quốc nội ngày càng bất ổn làm cho dân chúng điêu linh, thì không ai có phép lạ nào để làm cho Việt Nam toả sáng và tương lai đất nước còn mù mịt hơn.

Nước non còn đó? Không, tấc lòng của con người với lịch sử hào hùng cũng đã xoá mờ theo tháng năm. Đất nước của tiền nhân để lại bằng bao xương máu với lắm cuộc binh đao mãi là nơi để tìm hiểu, mến yêu và xây dựng, không phải là nơi để cho lãnh đạo bất tài bòn rút, tháo chạy và dân chúng vô cảm.

Lịch sử Việt Nam đang tái diễn trong thương đau. Để tìm ra một sinh lộ và tránh thất bại của các bậc tiền nhân đã vấp phải, một bài học cho chúng ta cần áp dụng là:

Nên tỉnh thức trước hiểm họa diệt vong, phát huy tinh thần đoàn kết Diên Hồng và quyết tâm gìn giữ non sông. Vấn đề chọn lựa thái độ là khó khăn nhưng can đảm hành động là cần thiết. Chúng ta hy vọng sẽ còn cơ hội gìn giữ non sông và xây dựng lại tươi đẹp hơn.