Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2020

Văn học miền Nam 54-75 (678): Xuân Vũ (kỳ 22)

XƯƠNG TRẮNG TRƯỜNG SƠN

22

Độ mười ngày sau thì đường thông, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình. 
Các bạn thử tưởng tượng chúng tôi đi với sức lực nào, với tâm tư nào. Vậy mà chúng tôi phải đi, trong khi đó thì lại có người đi ngược chiều với chúng tôi.

Lúc bấy giờ vào khoảng tháng sáu dương lịch. Mưa vẫn còn đang mùa. Mưa là kẻ thù của chúng tôi, không kém nguy hiểm hơn bom đạn. Leo núi lại dầm mưa. Cả nghị lực dường như cũng bị nước mưa dội vào làm cho nó nhũn hẳn đi. Mưa tàn nhẫn, mưa không thương xót. 
Bây giờ tôi lại phải để ý tới bước đi của ông bạn “Tiếng Còi Trong Sương Đêm” của tôi. Hoàng Việt luôn luôn đi tụt ở sau và cách người cuối cùng ít nhất là trăm thước. Tôi cứ phải dừng lại để chờ ông ta. Ông ta đi chậm quá làm lắm lúc tôi cũng phải bực mình. 
- Đi gì đi chậm thế cụ? 
- Tao đi đây là quý lắm rồi nhé! Cậu bảo với thằng giao liên tao là người chớ không phải là máy nhé! Mẹ kiếp, đi gì đi mãi thế. Đi không thấy đến đâu cả. 
Tôi cười giả lả. 
- Thì tại đường đi nó thế chứ có phải tại giao liên đâu! 
- Tại đường thế nào? Nó phải thông minh nó lựa đường dễ đi cho mình chớ. 
Anh giao liên chờ tôi và Hoàng Việt đến lại bắt đầu đi và nói: 
- Các đồng chí chuẩn bị xuống dốc nhé! 
Bộ đội ì ạch nặng nề đi qua mặt chúng tôi. Trông đến đau buồn. Thú thật lắm lúc tôi không dám nhìn, vì thấy họ như đoàn người tù chung thân. 
Tôi thầm nghĩ. 
- Xuống dốc thì khỏe rồi! 
Trời đã xế hẳn. Mặt trời thiêu đốt cả vùng rừng núi suốt ngày giờ đã hạ nhiệt độ, nhưng những tia nắng vẫn còn gay gắt xuyên qua lớp áo đẫm mồ hôi của chúng tôi và chọc thẳng vào làn da bệnh hoạn của chúng tôi, làm cho chúng tôi gây gây khó chịu. 
Tiếng chân bộ đội đi nặng chình chịch. Vai chịu đòn, tay vịn đòn, còn một tay họ phải chống gậy, để đi cho vững, hoặc để gượng lại mỗi khi trượt chân. 
Hai anh bộ đội đi trước mặt tôi khiêng một cái nòng súng không biết súng gì phủ lá um tùm tôi không nhìn thấy chỉ thấy hai người khiêng ì ạch quá. 
Chân họ như cong vòng ra dưới sức nặng của nòng súng. Và cái nòng súng thì cứ trút xuống dồn sức nặng xuống vai người đi dưới. 
Cứ chốc chốc người đi dưới lại kêu nặng và lại đổi người đi trên xuống dưới. Tôi thấy đau hai đầu gối của tôi và đau hai đầu gối của những người khiêng nòng pháo. 
Đường đi xuống vừa trút lại vừa quanh gắt. Đang đi xuống lại phải quanh qua ngay, nếu bước sấn tới một bước thì lao ngay xuống hố. Trong trường hợp này hai chân đóng một vai trò quyết định. Không có nó thì cái nòng súng sẽ đưa cả hai người xuống hố! 
Nhưng không phải chỉ có một nòng súng mà có rất nhiều nòng súng. Có lẽ đây là một đơn vị pháo binh. Trong sự vắng lặng của rừng chiều, tôi chỉ nghe tiếng gậy chỏi thật nặng tay xuống mặt đất cứng như đá, gây thành những tiếng khô khốc cộc cằn như tiếng nói của các nhà lãnh tụ. 
Tôi cứ quay lại hỏi anh giao liên đang đi phía sau tôi: 
- Tới chưa đồng chí? 
- Đồng chí cứ đếm đủ tám trăm bậc thì tới. 
- Trời đất ơi! 
- Tôi nói thiệt đấy. 
- Vậy nãy giờ đi mấy trăm rồi đồng chí? 
- Theo đồng chí thì đi được mấy trăm? 
- Bốn năm trăm chắc! 
- Mới hai trăm rưỡi thôi. 
- Sao mà xem lâu quá vậy? 
- Tại vì mình đi chậm. Phải đi tới cái gốc cây to dưới kia thì mới được nửa đường. Các đồng chí cố đi nhanh lên, không chốc nữa tối là khó đi lắm. 
Mà thật vậy, khi chúng tôi đi qua cái mốc đánh dấu nửa đường một chốc thì trời bắt đầu nhá nhem, bước chân cứ chập choạng, không chắc chắn nữa. Giao liên bảo lấy đèn pin ra rọi đi cho dễ. 
Chớp lóe khắp trên đường. Nhìn phía trước thấy đèn, phía sau cũng thấy đèn. Tội nghiệp những anh bộ đội không có đèn đóm gì hết, phải đi nhờ đèn của cán bộ dân chánh. 
Tôi thấy thương hại anh bộ đội khiêng nòng pháo quá, nên không nỡ vượt qua mặt họ. Tôi tự cho tôi cái nhiệm vụ giúp ánh sáng cho họ đi. 
Anh giao liên thì vừa đi vừa chờ. Anh nói với tôi: 
- May mà không mưa. Mưa thì còn chết nữa đồng chí ạ! Nhiều lúc tôi đưa anh em khiêng thương binh từ chiều đi lên tới hết dốc là sáng trắng. 
- Còn đi xuống thì bao lâu đồng chí? 
- Ít nhất năm tiếng! 
Hoàng Việt xen vào hỏi: 
- Lên hồi nào mà xuống dữ vầy? 
- Tôi cũng không biết nữa. 
Tôi nói: 
- Có lẽ mỗi ngày lên một chút nên mình không hay. Có những lúc mây bay lất phất qua đầu mình mà mình không để ý. Ở đây có lẽ đã cao ngang với dốc lên Sa Pa rồi đấy. 
Hoàng Việt nói: 
- Ở Sa Pa, xe lên dốc thì còn dừng lại đổ nước, còn mình thì cứ lội đều đều, nước lã cũng không có mà đổ nữa! Mẹ kiếp. Bây giờ trong đầu gối không còn một chút nước nhờn. Cái bánh chè đã khua lọc cọc như ổ đạn của chiếc xe đạp tòng tọc rồi. Cậu có thấy hai cái đầu xương chỏi vào nhau đau thốn ghê quá không? 
- Có chứ, nhưng phải cố gắng? Biết làm thế nào? Xài đèn pin thì sợ hao pin mai mốt không có mà xài, nếu không bấm lên thì đi không được. Còn lúc bấm lúc tắt thì con mắt không quen, vả lại đường đi thì không chỗ bằng phẳng. Cho nên đành phải bấm bụng mà xài đèn suốt. 
Hoàng Việt cứ rên rỉ càu nhàu luôn mồm. Năm Cà Dom thì vụt lên phía trước. Còn Thu thì cứ đi trước với cái ánh đèn của tôi vừa rọi cho hai anh khiêng nòng pháo vừa rọi cho Thu. 
Rõ tội cho nàng. Bây giờ thì tâm tư nàng nặng nề tối ám biết mấy. Lệnh xuất phát đưa ra một cách bất ngờ, trong lúc nàng còn nuôi hi vọng thằng Hồng trở lại. Nàng đi mà cứ quay lại nhìn xem thằng em trai có chạy đuổi theo không? 
- Nó không sao đâu em ạ. Trận B52 đó cách xa bệnh xá mà. 
- Thế sao nó không trở ra? 
Tôi an ủi nàng: 
- Biết đâu đấy! – Nhưng tôi lại thấy mình cộc lốc, tôi bèn nói ngay – Nhưng em cứ tin rằng trong một đêm nào đó nó sẽ đến bên võng em! 
- Giấc mơ có bao giờ trở lại hai lần. 
- Sự mơ ước quá khát khao thì chính nó sẽ trở thành sự thực. 
- Lần này mà em gặp lại nó thì em sẽ không cho nó đi rời em một bước. 
Bỗng tôi nghe một tiếng đánh xoảng sắc gọn tiếp theo là một tiếng kêu ngắn, rồi thôi không nghe gì nữa. Tôi chỉ trông thấy một tia lửa lóe lên như điện xẹt. 
- Cái gì vậy? 
Tôi nghe tiếng một vật rơi lăn lóc càng ngày càng xa, rồi im bặt. Anh giao liên đi nhanh tới trước. Rồi tôi và Hoàng Việt, Năm Cà Dom cùng tới chỗ vừa xảy ra câu chuyện. Thì ra anh bộ độ khiêng nòng pháo đi phía trước rơi xuống hố. Nòng pháo rơi theo đè lên anh và cả người và vật nối nhau rơi. Còn anh bộ đội đi sau thì bám lại kịp ở sát miệng hố. 
Ba bốn cái đèn pin chụm lại rọi xuống. Ở dưới kia sâu hun hút, tôi không còn trông thấy anh bộ đội nữa, cũng không nghe tiếng rên la. 
Còn cái nòng pháo rơi được một quãng thì quay ngang, một đầu ghim vào vách đá, một đầu gác trên một cái rễ cây. Người ta nhìn nhau. Vô kế khả thi. Làm sao mà giải quyết một “ca” như vậy? 
Trời tối, chân mỏi, đường cheo leo. Chỉ bước sẩy một bước là tan xác ngay. Trường hợp của anh pháo binh xấu số như thế đó. 
Rồi cuộc đi lại tiếp tục. 
Tôi, Hoàng Việt và Năm Cà Dom đều lặng câm bước. 
Thế là xong à? Không có cách gì khác à? 
Tôi hỏi anh giao liên: 
-Vậy mà bỏ luôn sao đồng chí? 
Anh giao liên lặng thinh một hồi lâu rồi mới hỏi lại tôi: 
- Theo đồng chí thì đồng chí làm sao? 
- Tôi cũng không biết làm sao! 
- Ừ, thì như vậy đó. Coi như đồng chí ta hy sinh trên mặt trận và không lấy xác được thôi. Tôi chỉ hơi ân hận là tới chỗ quanh gắt sát miệng hố mà tôi không báo trước cho các đồng chí đề phòng... Thế thôi! 
- Hồi đó tới giờ đồng chí có gặp trường hợp nào như vậy không? Ở trên dốc này hoặc ở nơi khác? 
- Có chớ. Tôi đã từng trông thấy, cũng một anh bộ đội leo lên vách núi bằng một cái rễ cây. Leo một vài bước thì anh ta rơi xuống, không hiểu sút tay hay đứt cái rễ cây. Bây giờ nhớ lại tôi còn rởn tóc gáy. 
Tôi cũng rởn tóc gáy và tôi cứ giật mình thon thót mỗi khi bướcnhằm một hòn đá con con làm bàn chân tôi trượt tới phía trước. 
Tôi hỏi anh giao liên: 
- Gần tới chưa anh? 
- Cũng còn xa xa. 
- Nghĩa là bao nhiêu? 
- Còn vài trăm nấc nữa! 
- Trời đất! 
- Thì tôi đã bảo cái dốc này, nếu leo lên thì phải mất một đêm, còn đi xuống thì sẽ mất sáu tiếng đồng hồ mà, kêu cái gì? 
- Tôi có kêu gì đâu, tôi phải hỏi cho biết con đường tôi đi chớ. Chẳng có lẽ tôi đi trên một con đường mà tôi không biết nó dẫn tôi tới đâu mà rồi tôi không có quyền hỏi? 
Anh giao liên phát cáu: 
- Các đồng chí rắc rối lắm. Yêu cầu các đồng chí cứ đi theo tôi chừng nào tôi bảo đến là đến, còn tôi chưa nói gì hết thì cứ đi theo tôi. Có thế thôi! 
Tôi càng đi càng có cảm giác là mình đi xuống âm phủ. Bóng đêm với những ánh đèn chập chờn càng làm cho tôi có cảm giác ấy rõ rệt hơn. 
Quả thật là tôi đang đi dần tới cái chết. Chung quanh tôi bốn bề là cái chết? Chỉ có cái chết. Muốn thoát khỏi vòng vây của cái chết thì tôi phải đi, nhưng khốn khổ thay càng đi tôi càng thấy mình chỉ tới gần cái chết mà thôi. 
Càng đi tôi càng thương Hoàng Việt. Tôi đã từng nhìn ngắm cặp giò của anh ta. Nói như Thu, thì chân của bộ đội như những cây cọc màn còn cặp chân của Hoàng Việt thì chỉ còn bằng những chiếc chân hương. Tôi sợ một lần nào đó, khi bước xuống một nấc thang, cái chân của anh ta sẽ gãy lọi như một cây mía tây vàng. 
Ơ dưới kia có người khiêng thương binh đi lên. 
Trời đất! Một cái việc mà chỉ mới trông thấy thôi, tôi cũng đã hoa cả mắt. 
Ở cái suối ngoài kia, tôi đã từng trông thấy tận mắt những chuyện não lòng, bây giờ đây, cái dốc này lại là bối cảnh xảy ra những chuyện não lòng khác nữa. 
Mỗi cái ba lô trên lưng đã trở thành cái bướu của mỗi người đi, vứt nó đi thì không được, còn mang nó, thì cùng với sức nặng của thân mình, cái sức nặng của nó dằn xuống làm cho người ta lúc nào cũng chúi xuống, phải chống gậy chỏi ngược lên để khỏi ngã úp mặt xuống đất. 
(Hoàng Việt ơi! Anh chết rồi, nhưng khi viết lại những dòng này thì tôi lại thấy như anh còn sống đang lom khom đi trên cái dốc quái gở đó, nó không tên nhưng không bao giờ tôi quên. 
Hồi ở Hà Nội, tôi và Hoàng Việt ờ chung với nhau một thời gian khá dài. Kỷ niệm còn lưu lại biết bao nhiêu. Rồi vượt Trường Sơn, kỷ niệm càng nhiều hơn nữa. 
Khi tôi viết thiên hồi ký này lòng tôi cứ xót xa nghĩ tới Hoàng Việt. Tôi biết gia đình anh ở đâu đây nhưng không rõ địa chỉ nên không đi thăm được. 
Chúng tôi đã từng làm giỗ Hoàng Việt lúc tôi còn ở Kiến Hoà, một con người tài hoa chết vô lối, phí uổng trong khi Tổ Quốc đang cần. 
Hoàng Việt ơi? Bây giờ đời không còn anh. Tài năng của anh chưa kịp dâng hiến cho đời và cháu bé Lê Tương Phùng, tội nghiệp thay, mồ côi cha từ trong bụng mẹ, nó có hiểu vì đâu? Lý do gì?) 
Tôi và các bạn đi xuống hết dốc thì ngồi phệt ra. Đây là đâu? Trên cao cũng như ở dưới thấp, tôi không thấy áp suất không thấy khác nhau là mấy, tôi không thấy gì cả. Cả người tôi như một chiếc xe bò nát sắp rã ra từng mảnh. 
Thế mà lại có tai nạn xảy ra. 
Vắn tắt thế này: là có mấy cậu lính thuộc về ‘con rơi con rớt’của một đơn vị nào đó nằm lại đây, lúc chiều đi “dạo mát” chẳng ngờ lại gặp của “loạ”. Vốn con nhà lính cho nên tay chân hay táy máy. Mấy anh chàng thấy một cái quả chi chi to bằng quả bứa mắc trên cành cây. Mấy anh chàng bèn lấy que chọc cho rơi xuống chơi. Cái que chọc lên, cái quả kia lập tức rơi theo và đoàng!... 
Nó nổ toang ra. Úy chu mẹc] ơi! Nó là quả bom bi. Hiểu ra thì đã muộn. 
Một anh bị thương nặng. Lòi ruột ra. Đồng đội anh ta khiêng anh ta về đến lều một chập thì chúng tôi vừa đổ dốc xong.
- Ở đây có anh nào bác sĩ không? 
- Để làm gì? Năm Cà Dom vọt miệng hỏi lại. 
- Mổ giùm cái thằng kia! 
- Nó làm sao? 
- Phèo ruột. Anh chàng đối đáp với Năm Cà Dom càu nhàu một mình. Chơi cái gì vậy mà chơi kia chứ. Bom bi mà không biết lại lấy cây chọc như chọc cam chọc quít vậy? Bây giờ thì nằm phơi ra đó mà thở nghe è è. 
Năm Cà Dom hỏi: 
- Anh thuộc đơn vị nào? 
- Có đơn vị chó nào đâu, toàn một lũ ma cà rồng ăn chung ở chạ rồi thành lũ với nhau, ăn cắp lẫn nhau, đánh nhau chớ đơn vị cái nước mã gì đâu. 
Năm Cà Dom lại hỏi: 
- Thế anh thương binh kia nằm đâu? 
- Ở kia kìa! 
- Dẫn tôi tới xem nào. 
Rồi Năm Cà Dom đi theo anh kia. Anh bác sĩ Cà Dom lúc nào cũng tỏ ra có lương tâm của người thầy thuốc. Chao ôi! Giữa rừng hoang, ánh lửa chập chờn leo lét như ma trơi âm hồn lẩn quất ẩn hiện đâu đây, như có hằng trăm kẻ chết oan dậy lên lởn vởn trong bóng tối. 
Vậy mà sắp có thêm một oan hồn gia nhập vào cái lũ oan hồn đó. Ý nghĩ ấy làm cho tôi rùng mình. 
Tôi ngồi đờ người ra không muốn cử động nữa. Bên cạnh tôi chị Tâm như một cái bóng cố lê chân đi, có lẽ chị đi tìm suối. Tôi quay mặt đi, tôi chỉ còn đủ sức quay mặt đi và nhắm mắt lại. Tôi vẫn nhớ rằng bên tôi còn một con người mà lúc nào tôi cũng phải để mắt tới và một con người khác nữa đang lôi hút đôi mắt của tôi. 
Hai người đó là Thu và Ngân nhưng tôi không buồn làm gì hết. 
Năm Cà Dom đi một chập rồi trở lại bên tôi: 
- Chuyện gì đâu không biết nữa. 
Thấy tôi lặng im, Năm Cà Dom tự biện luận một mình: 
- Bây giờ chẳng lẽ mình lại trơ mắt ếch ra mà ngồi ngó? Vô lý quá! 
- Cậu muốn làm sao cho có lý thì làm. Ừ thì cứ làm như cái kiểu bên bờ suối hôm trước. Tớ không có ý kiến. 
Năm Cà Dom âm thầm lục “đồ nghề” mà tôi biết là không có gì ngoài mấy mũi Nô-vô-ca-in và một ít Sul-fa-mít. Mặc kệ anh ta, tôi không còn thương ai nữa hết…
Năm Cà Dom đi thì tôi ráng mắc võng, leo lên võng nằm. Tôi định nghỉ cho đỡ mệt một chút rồi sẽ dậy tính cách giải quyết vấn đề bao tử, xong rồi mới mắc tăng che sương. Nhưng tôi thiếp đi hồi nào không hay. 
Tôi giật mình ngồi dựng dậy vì tiếng kêu rống lên như tiếng rống của một con bò bị đâm họng. 
- Cái gì vậy? Cái gì vậy? 
Có tiếng hỏi. Nhưng tôi đã hiểu ra rồi. Bác sĩ Năm Cà Dom đang giải phẫu vết thương cho cái anh bị bom bi…
Anh ta giải phẫu với cái gì? 
- Không có cái gì cả, ngoài cái tình cảm xót xa trước vết thương của đồng đội. 
Tôi nhìn về hướng có ánh lửa lập lòe. Anh ta đang làm những việc tinh vi nhất với cái ánh sáng khi mờ khi tỏ đó. Anh chàng bị thương cứ rống lên từng chập. Tôi hình dung một anh chàng tay chân bị trói chặt vào gốc cây không cựa quậy được, còn ông bác sĩ thì nghiến răng mà cắt cứa da thịt thối hỏng để vứt đi. 
Tôi không còn đủ sức khỏe để chịu cho những tiếng kêu rống kia dội thẳng vào tâm não tôi. Tôi chúi mũi vào vách võng mà tưởng tượng ra những chuyện khác. 
Tôi cũng ngủ thiếp đi và tiếng kêu thét kia cũng mòn mỏi dần. 
Sáng hôm sau tôi mới gặp lại Năm Cà Dom tay còn dính đầy máu, cả trên mặt cũng có vết máu. 
Tôi hỏi: 
- Thế nào? 
- Thế nào gì? Năm Cà Dom hỏi vặn lại. 
- Kết quả không? 
- Kết quả lắm chứ! 
Năm Cà Dom lắc đầu và kể lại cho tôi nghe câu chuyện giải phẫu vừa qua. Không kém cái “ca” mổ ruột thừa bằng lưỡi cạo râu trước đây tôi đã từng nghe kể. 
- Tôi chưa từng thấy, Năm Cà Dom vừa nói vừa lắc đầu. Chưa từng thấy ở đâu lại có trường hợp như thế này. Cậu biết không, tớ đã trở thành một tên đồ tể làm lợn. Mặc cho lợn kêu, mình vẫn cứ đâm họng nó. Cậu hãy tưởng tượng, tớ đã moi hết tất cả ruột của anh ta ra xếp trên một tấm ni lông trải dưới đất bên cạnh anh ta. Và dưới ánh sáng chập chờn của mấy ngọn đèn pin đã hết điện cộng với mấy ngọn đuốc, tớ phải lần dò mằn mò từng khúc tìm những chỗ thủng của đường ruột. Tất cả là chín lỗ. Ruột thủng phân chảy tràn ra ngoài, sẽ làm nhiễm trùng tất cả các bộ phận khác. Không mổ nó cũng chết thôi chi bằng mổ may ra nó có thể sống. Tôi đã vá lại bằng chỉ may quần áo tất cả những lỗ thủng đó xong tôi rửa bằng thuốc đỏ cả đường ruột rồi dồn trở vào bụng nó như cũ. 
Tôi chặn ngang và hỏi: 
- Vẫn được à? 
- Được chứ? Tại sao không? 
- Tại sao lại dễ dàng như thế. Giống như là mổ lợn vậy. Cậu nói tớ nghe còn dễ hơn mổ lợn nữa.. 
Năm Cà Dom nói tiếp: 
- Ruột nó để lâu ngoài gió nó sình lên to tướng cậu ạ. Cho nên khi vá xong rồi thì tớ nhét nó không vào hết bên trong nữa mà cứ thừa ra bên ngoài. Thế mới chết. Không có cách nào khác! Cậu biết đấy, người ta mổ là phải ở trong buồng kín không có tí gió lọt vào Còn mình thì cứ phơi nó ra đấy, trên tấm ni lông trải dưới đất thì làm sao mà nó không sình chướng lên. 
- Thế rồi cậu làm sao? 
- Thì mình vẫn cứ làm hết sức thì thôi. 
- Vậy là anh ta vẫn được sống à? 
- Sống thế nào mà sống? Tôi có nói nó sống bao giờ đâu! 
- Cậu thiệt! 
- Sao? 
- Vậy mà nãy giờ cứ nói lằng nhằng, tôi tưởng cậu đã làm cho khoa học hiện đại lùi lại thời kỳ đồ đá. 
- Tớ nói thật với cậu, tớ hết biết cái sự đời ở đây nữa. Tớ hơi tiếc rằng cậu không đến xem sơ qua, chỉ xem sơ qua thôi. Chỉ nhìn cái bọng không của nó và cái mớ ruột đã tuôn ra ngoài thì cậu sẽ có thêm tài liệu mà “sáng toác.” 
Sau cái đêm xuống dốc kinh hồn đó, cả bè lũ chúng tôi móc dính vào một đơn vị bộ đội. 
Cũng từ đây trở đi, cứ mỗi bước đi của chúng tôi là một sự điêu đứng và cái chết lúc nào cũng lấp ló bên mình. 
Chúng tôi quyết định đi theo sát chân bộ đội, để bớt lo sợ, nhất là biệt kích, kế đó là dựa vào thế lực của bộ đội cho giao liên sợ. 
Ở dưới dốc này tôi và Năm Cà Dom đã gặp chính tiểu đoàn trưởng Mạnh, bạn cũ của Năm Cà Dom cũng đang trên đường “về nước”. 
Cổ anh ta hơi rụt lại, nên anh em quen gọi là Mạnh cổ rùa rồi do đó mà gọi tắt là Mạnh rùa. 
Ban đầu Mạnh không muốn nhận, Mạnh nói: 
- Không được đâu, các cha toàn là tài tử giai nhân, làm sao chơi với chúng tôi được? 
- Thôi mà cha! Người ta đang “cu ki”, hãy thương xót giùm chút. Ở đây coi tệ tệ vậy chớ vô tới trong kia rồi đốt đuốc tìm không ra đó! 
Mạnh nói: 
- Đi chung với tụi tôi rủi gặp chiến đấu rồi làm sao? 
- Làm sao thì làm chớ! 
Mạnh nháy mắt và nói: 
- Hì hì… mà này, các cậu đi đầu, đi giữa hay đi sau chót? 
- Đi đâu cũng được? Miễn là có dính hơi “lính” thì thôi! 
Mạnh cứ ngần ngại mãi không dứt khoát nhận chúng tôi vào đơn vị nói: 
- Phần tôi thì được rồi, để tôi còn hỏi lại ông chánh trị viên thủ trưởng của tôi đã. Anh ta khó tính lắm. 
Thủ trưởng đơn vị là Tuất, một anh chàng râu rậm, râu mọc rất đậm ở mép và ở dưới cằm làm thành một cái vòng tròn như một cái chén dính lọ vừa in vào đấy. Tuất trầm lặng, có lẽ không phải do tính tình mà do đau buồn: 
- Các đồng chí muốn đi với chúng tôi thì cứ đi, nhưng chúng tôi hoàn toàn không chịu trách nhiệm về các đồng chí. Nghĩa là đau ốm chúng tôi không có thuốc men, bị thương chúng tôi không khiêng, thiếu gạo chúng tôi không chia chác. Đấy các đồng chí có đồng ý như thế thì cứ đi. Đường đất rộng mênh mông, ai muốn đi thì cứ đi. 
Tôi nghe những lời giao ước mà thối chí, nhưng trong hoàn cảnh này thì đành phải chấp nhận thôi. 
Buổi tối hôm đó trong lúc tôi đi xuống suối múc nước về nấu cơm, tôi gặp một anh chàng bị trói ở gốc cây. Anh chàng này còn rất trẻ, nhưng gầy gò, tay chân dài ngoẳng. Thấy tôi đi ngang anh ta rất thản nhiên, không có vẻ gì xấu hổ. Tôi hỏi: 
- Sao vậy ông tướng? 
- Ơ, họ cho nghỉ phép vài tiếng đồng hồ vậy mà. 
- Lý do gì nghỉ phép? 
- Cũng có khuyết điểm tí ti…
- Có cần tôi “giải phóng” cho không? 
- Để hết giờ thì họ thả! 
Tôi ghé tạt vào một cái lều, tôi hỏi thăm đầu đuôi câu chuyện. 
Thì ra đó là một tay nhám nhúa nhất đại đội. Anh ta có biệt tài “mượn đồ đạc của bạn bè không thời hạn”. Một anh chàng tên là Ngạc nói với tôi như thế. Ngạc còn tiếp: 
- Nó tên là Roánh. Quê ở Hà Nam, Nam Định chi đó. Học hết lớp bảy, ở nhà chuyên môn đi đánh dậm thành ra vô đây anh ta cũng quen tay quen chân mò mẫm của anh em! 
-Thế à! 
- Anh nghe cái tên Roánh có buồn cười không? 
- Tên cúng cơm hay anh ta cải danh khi đi vô Nam? 
- Em cũng không rõ nữa. Chỉ biết rằng Roánh là một tay ảo thuật độc nhất vô nhị ở đây. Em nói thật đấy, anh không coi chừng thì rồi đồ đạc của anh sẽ mất hết cho mà coi. Anh đừng ngạc nhiên chi cả. Rồi anh sẽ thấy. Ngay cả khẩu phần của chúng em, anh nuôi vừa chia ra đầy đủ cho từng người, quay qua quay lại là mất đi vài khẩu phần. 
- Anh ta làm thế nào mà hay thế? 
- Không rõ đâu anh ạ! Đại khái là anh ta rất lanh tay lẹ mắt. Anh nấu cơm vừa cạn, loay hoay làm thức ăn, đến chừng thức ăn chín, trở lại nhắc cơm mới hay là cái cà mèn cơm đã bay mất từ lúc nào. Đó là ông Roánh chứ ai vô đây. 
Anh ta ăn hết cơm rồi, thừa cơ hội tốt, anh ta vứt cái cà mèn lại cho anh. Em được biết thêm là anh ta có một cây cần câu. Anh ta câu cơm rất tài. 
- Trời đất? Câu cơm thế nào? 
- Đấy nhé! Cơm anh nuôi nấu xong thì vắt ra từng vắt tròn bằng nắm tay sắp hàng trên một tảng đá, đếm cho đủ rồi mới mang đi phát cho anh em. Đấy, trong lúc anh nuôi đang bận rộn thì Roánh vác cầu câu tới, rồi tùy địa thế, Roánh sẽ hành động, hoặc Roánh lén lên mõm đá thò cần câu xuống chĩa từng nắm rồi rút cần câu lên, anh ta chỉ cần thành công vài mẻ thế là đủ no bụng rồi. Hoặc địa thế xấu quá, thì Roánh đứng ngay sau lưng anh nuôi bỏ cần câu qua vai anh nuôi mà câu. Hễ lộ bí mật thì Roánh ném cần câu mà chạy. Nếu không bị bắt thì thôi, Roánh vừa chạy vừa tọng vắt cơm vào mồm, còn nếu bị bắt thì Roánh cũng đã nuốt xong vắt cơm. Vấn đề là no bụng. No rồi có bị đòn bị phạt thì đó là chuyện về sau. 
Ngạc tiếp: 
- Trận vừa rồi anh ta bị phục kích nên không chạy thoát được. Bị mất cắp nhiều lần, anh nuôi bực tức. Biết thủ phạm không ai lạ hơn Roánh nhưng không bắt quả tang được. Một hôm họ phục kích. Đợi cho cậu ta giở trò cũ, mấy đứa xông ra đuổi riết. Roánh là tay chạy giỏi. Roánh vừa chạy vừa tọng vào mồm và nhai và nuốt trửng hai vắt cơm, nhưng chằng may, Roánh ta vấp ngã. Cả đám xô lại đấm đá tơi bời không thương tiếc. Tội nghiệp, bị đánh như thế mà Roánh nhà ta vẫn còn nuốt cho trôi vắt thứ ba. Roánh bị đánh cho đến lả người ra và bị trói, đem nộp cho ban chỉ huy với tờ biên bản ghi rõ “ăn cắp cơm vắt khẩu phần của đồng đội.”
Bất giác tôi nói: 
- Đáng gì mà đánh anh ta như vậy! 
- Thật không đáng gì, nhưng mà nếu không có vắt cơm thì làm sao sống? 
- Giác ngộ anh ta thôi chớ, đánh đá như thế còn gì là tình đồng chí. 
- Thì ở đây nó như thế đó đồng chí ạ. Chẳng có ai coi ai là đồng chí hết. Tình đồng chí có khi nhẹ hơn nắm cơm thực ra chỉ to bằng quả trứng. 
Tôi nghe mà buồn lòng ghê. Triết lý ở đây tàn nhẫn vô cùng. Ở cái xã hội này muốn sống phải xem cá nhân mình trên hết. 
Ngạc kể tiếp: 
- Vừa rồi anh ta đã tái diễn cái trò ấy, và cũng bị nện cho một trận nhừ tử và lại bị trói ở gốc cây. Thế thôi! 
- Có định bao giờ sẽ trả tự do cho anh ta không? 
- Không rõ nữa, chỉ được cái là hễ anh ta ôm gốc cây thì cơm không bay mất nữa. 
- Không giác ngộ anh ta được à? 
- Không có gì bằng hình phạt.

Nguồn: https://vietmessenger.com/books/?title=vuot%20truong%20son%202%20%20%20xuong%20trang%20truong%20son&page=22