Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 3 tháng 8, 2020

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 258): Người đi trên mây – Nguyễn Xuân Hoàng (24)

NGƯỜI ĐI TRÊN MÂY (Kỳ 69, 70 & 71)

Kỳ 69

Mẹ tôi ở xa, quá xa, cho nên những lục đục trong gia đình tôi chậm đến tai bà. Tuy vậy đối với bà chỉ có nước mắt là người sứ giả hòa bình duy nhất được gửi đến trong một trận chiến tranh mà sự đổ vỡ rõ ràng là không thể hàn gắn được.

Với tôi, cho đến bây giờ, bà vẫn luôn luôn là người phụ nữ xinh đẹp nhất, tuyệt vời nhất, mặc đủ chưa bao giờ trên đôi môi bà có một chút son, trên gò má xanh xao bà có được chút phấn hồng, đừng nói chi một vòng cẩm thạch, một chiếc kiềng vàng. Bà chỉ có sự giàu có về nỗi khổ đau, và cha tôi luôn luôn là người thừa thãi thứ tài sản ấy để có thể cung cấp cho bà những tặng phẩm nước mắt. Ông là nỗi hãi hùng của cả nhà. Hoặc là ông không uống rượu và ông lặng thinh như đá. Hoặc là ông uống rượu và ông chửi bới. Không, ông không chỉ chửi bới những lời cay nghiệt. Ông rượt chém mẹ con tôi bằng dao nhà bếp và rựa vót mây.
Ông như là ma quỉ, là diêm vương, là bóng tối. Tôi có bao giờ đi lại con đường ông đã đi? Tôi ghét chính trị, tôi thù rượu chè, tôi căm phẫn những bữa cơm gia đình dưới bóng đèn tròn màu vàng ám mà mỗi người gầm đầu xuống những chén cơm đã nguội được chan bằng nước mắt và câm nín. Có lần nào trong đời tôi, tôi lập lại những điều ghê gớm ấy đâu! Tôi mang đến nụ cười thì thấy trả lại bằng nỗi lạnh băng. Tôi đem đến sự tin cậy chỉ được đền đáp bằng điều phản bội.
Tôi nhớ anh tôi. Đó là người đàn ông để lại trong tôi nhiều dấu ấn. Anh khỏe mạnh, cương quyết, thẳng thắn và rộng lượng. Anh là hình ảnh của một thỏi thép: cứng rắn và không biết lùi bước trước bất cứ một trở lực nào. Anh hiểu biết và sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Anh yêu mẹ, thương em và rất can đảm khi phải đối diện với cha tôi. Tôi thấy rõ là cha tôi chỉ nể có mình anh. Nhưng, sự thẳng thắn của anh tôi không phải lúc nào cũng có người chia sẻ. Đời sống xã hội của sự giả trá khó chấp nhận một sự thẳng thắn kiểu ấy và một tai nạn thảm khốc đã đến đời anh. Đang là một người lạc quan, anh bỗng trở thành một người bi quan cùng cực. Tuy vậy anh vẫn là người duy nhất, ngoài Quỳnh, biết rõ những nỗi khổ tâm của tôi, và những gì anh nói về tôi, về cái thảm cảnh mà tôi đang chịu đựng, về sự đỗổ vỡ đang đè trên đời sống tinh thần tôi. Tôi biết rằng tôi kính trọng anh hơn tất cả những người mà tôi từng gặp. Anh là người lính dám nói thẳng với cấp chỉ huy của mình về sự tham nhũng và lạm dụng quyền thế. Tôi nghĩ anh và Vinh, bạn tôi, rất gần nhau, nhưng một bên là hành động còn một là lý thuyết. Anh ca ngợi Nhơn, một bạn học thuở nhỏ của tôi, người bác sĩ một mình trấn thủ một bệnh viện và chết giữa những viên đạn của đồng đội chỉ vì dám chống tham nhũng.
Tôi cho tay vào túi áo. Túi tôi cợm lên những tờ giấy chụp lại từ bản chính của Bản Đại Tự tòa án. Người nữ luật sư đã gửi toàn bộ hồ sơ gồm có Bản Văn được công bố trên một tờ báo chỉ định và Bản Đại Tự ghi rõ tình trạng ly hôn. Đứa con gái ở với mẹ, đứa con trai ở với cha. Nhưng vì đứa con trai còn nhỏ nên quyết định cho người mẹ nuôi giữ. Án phí hoàn toàn do người đàn bà chịu.
Tờ giấy được chờ đợi sau cùng đã có mặt. Ly dị? Tôi tự hỏi còn có sự khôi hài nào nặng hơn? Lấy nhau, đẻ con, chia tay... những động tác ấy trong đời tôi chỉ là một chuỗi lầm lẫn sao? Con người đâu phải là loài vật, đi một chu kỳ sinh hóa đơn giản đến chừng ấy!
Quỳnh, tôi đang thấy lại khuôn mặt em, nghe lại giọng nói đầy tình cảm em. Tôi đang thở trong tôi hơi thở em. Có thật là chúng ta cần nhau không? Có thật là chúng ta sẽ không bao giờ đi lại trên những vết chân lỗi lầm trước đây không?
Ôi, rốt cuộc đi tìm sự yên tĩnh, tôi chỉ gặp có sự náo nhiệt của một trái tim rộn ràng.
Tôi đứng lên, bước qua những hàng ghế trống. Trời đầy mây đen. Bên tay trái, trên cao đồng hồ nhà Bưu Điện chỉ mười giờ, nhưng có vẻ như buổi chiều đang sụp xuống thấp và trên đỉnh những ngọn me bên kia đường.
Tôi đi bộ trở xuống quán nước, kêu một ly cà phê, đổi một đồng xu bưu điện và gọi dây nói cho Quỳnh.
-Em đang làm gì?
-Em đang không làm gì cả!
-Sao? Hôm nay không có việc gì để làm à?
-Không, anh. Em đang bắt đầu ngày phép thứ nhất của em mà!
-Bao nhiêu ngày?
-Em đã nói với anh rồi!
-Bao giờ em đi?
-Ngày mai!
-Ngày mai?
-Thì em đã nói với anh rồi mà!
-Tôi muốn gặp em!
-Em cũng vậy, em cũng đang muốn gặp anh.
-Tôi đang ở Givral. Em đến ngay được không?
-Em đến ngay!

Kỳ 70

Đặt ống nói xuống, trở lại bàn, bật lửa đốt một điếu thuốc, tôi nhìn tôi trong kính. Hình như tôi đang thấy một người nào khác. Đâu phải tôi, đôi mắt đó! Đâu phải tôi, khuôn mặt kia? Đâu phải tôi, mái tóc bù xù dài thượt như một người tiền sử! 

Tôi đó hả? Làm sao tôi có thể tưởng tượng nổi bộ mặt mệt mỏi và đăm chiêu đến thế kia có ngày bị tôi gọi là tôi!
Tôi hút thuốc, nhưng muốn nuốt khói. Tôi cứ phì phà hết nửa điếu này sang nửa điếu khác. Tôi hớp từng ngụm nước cà phê, nhẩn nha trong những hình ảnh và ý tưởng rời rạc. Tôi đeo kính mát lên mắt. Tôi gỡ kính xuống. Đủ quá rồi! Vẫn là tôi. Tôi nhớ đến đôi mắt Đăng nhìn tôi trong một nỗi buồn kỳ lạ. Tôi liên tưởng đến chiếc miệng nhỏ nhắn chất đầy câu hỏi của Mai, những câu hỏi làm tôi ứa nước mắt.
-Sao ba không ở nhà với tụi con?
-Má chửi tụi con cả ngày!
-Tối nay ba ngủ với tụi con nghe ba!
-Sao ba ốm quá vậy?
-Ba đừng để râu nữa. Cái mặt có râu ghê thấy mồ! Cái áo ba đứt nút rồi nè. Để con lớn con học giỏi, con đi làm, con nấu cơm ba ăn, may áo ba bận, chịu hông ba?
Bây giờ tôi đã có trong tay Bản Đại Tự. Đối với tôi, tờ giấy ấy là nhát dao sau cùng cắt đứt một sự chịu đựng về mối dây liên hệ đã kéo dài quá lâu. Những cái còn lại không phải là giữa hai người lớn. Cái đau xót dai dẳng chính là hai đứa bé...
-Anh!
Tiếng kêu làm tôi giựt mình. Quỳnh đã đến và đứng đó tự bao giờ.
Đặt chiếc xắc tay lên bàn, cô kéo ghế ngồi đối diện tôi:
-Anh đang nghĩ gì mà em đến không biết?
-Hút thuốc.
-Hút thuốc? Em thấy rồi, nhưng anh nghĩ gì khi hút thuốc?
-Hút thuốc có nghĩa là không nghĩ gì!
-Lẻo mép!
-Em uống gì? Sprite há?
Quỳnh gật đầu.
-Lúc này anh biến kỹ quá! Em tìm khắp các quán nước mà không thấy anh!
-Vẫn ở nhà bác Phan.
-Em có gọi điện thoại, nhưng cô Uyên nói anh không có ở nhà!
-Thiệt không?
-Thật. Cô Uyên kiểm duyệt kỹ nhé!
-Cô ấy nói gì?
-Chẳng nói gì. À! Cô ấy mời em dự sinh nhật.
-Của ai?
-Của cô ta chứ còn ai!
-Bao giờ?
-Tối nay. Anh không biết thật à?
-Không!
-Thật?
-Không. Không biết. Nhưng em đã nhận lời rồi chứ?
-Tất nhiên là nhận lời!
-Tại sao tất nhiên?
-Mà tại sao em không nhận lời mới được chứ?
-Thôi, không vòng vo tam quốc nữa. Tôi muốn cho em biết một điều. Tòa đã xử xong. Hiện tôi đã có Bản Đại Tự.
-Ồ! Quỳnh kêu lên kinh ngạc.
-Mà anh có từ bao giờ vậy?
-Hôm qua. Em thấy sao?
-Mừng cho anh!
-Tại sao?
-Thế anh không mừng à?
-Dửng dưng.
-Sao trước kia anh hăm hở thế?
-Bây giờ thì cũng chỉ là vô ích thôi! Cái trước đây mình tưởng là cần lắm, giờ đây đã không còn cần nữa!
-Em không hiểu!
-Em không hiểu? Anh cần gì Bản Đại Tự với Tiểu Tự chớ! Nếu chỉ cho bản thân thì cái Đại và Tiểu kia có thay đổi được gì nơi anh chớ?
-Vậy theo anh Bản Đại Tự ấy cần cho em à?
-Anh không muốn nói như vậy. Nhưng chẳng lẽ mình tìm nhau để nói chừng ấy câu chuyện à?
-Em nhớ anh!Bỗng nhiên Quỳnh cầm tay tôi.
-Em nhớ anh vô cùng, Thăng ơi!

Kỳ 71

Tôi nắm ngược lại bàn tay Quỳnh kéo về phía mình, cúi xuống hôn lên những ngón tay dài xanh xao của Quỳnh.
-Có phải là ngày hôm nay là ngày cuối mình gặp nhau không?
-Cứ cho là như vậy đi. Anh không thấy nhớ em sao?
-Tại sao em cứ muốn tôi phải nói là nhớ em?
-Một ngàn lần em muốn nghe anh nói như vậy, mặc dù thực tế có thể là anh không nhớ em?
-Tôi biết là tôi không thể quên em!
-Anh vẫn nhất định không chịu nói là nhớ em? Quỳnh cười.
-Tôi muốn mời em một bữa cơm tạm biệt!
-Ngay bây giờ?
-Phải ngay bây giờ!
-Không được!
-Tại sao?
-Em còn bao nhiêu việc phải làm trước một chuyến đi xa thế này! Em chỉ muốn ngồi đây nhìn anh, bởi vì em biết là mình đã mất nhau.
-Em nói gì vậy? Tôi vẫn giữ tay Quỳnh trong tay tôi.
Bỗng nhiên Quỳnh rút tay lại, đứng dậy, quàng sắc lên vai.
-Thế nào tối nay em cũng sẽ về dự sinh nhật cô Uyên. Nhưng xin anh coi như chúng ta đã uống với nhau một ly nước tạm biệt ở đây.
-...
-Em muốn đến nhà Kỳ Đồng đưa Đăng và Mai đi ăn kem. Em muốn hôn các cháu trước ngày lên đường. Chắc chắn là em sẽ nhớ chúng nó lắm!
-Tôi muốn nói chuyện với em. Tôi muốn đi với em một quãng!
-Em tự về một mình được. Từ nay em sẽ tập sống với không một hình bóng ai trong đầu!
Quỳnh mang kính mát lên mắt, che kín cả khuôn mặt, mở cửa bước ra ngoài.

Chợ Đũi chiều Thứ Bảy có cảnh tượng của một đám giỗ nhà quê. Ánh nắng sắp tắt của mặt trời chiều rất thích hợp với không khí một bữa nhậu trong làng. Bàn ghế lổng chổng, xô lệch, chỗ ngồi tạm bợ. Cả đám bạn tôi, dân quán Cái Chùa, kéo rốc hết ra đường Trần Quý Cáp. Chúng nó nói hôm nay sẽ bắt tôi say nhừ một trận.
-Lý do? Tôi hỏi.
-Tại sao cần phải có lý do? Tâm hỏi lại.
-Tao ghét say rượu lắm!
-Dạy Triết mà không biết say rượu sao gọi là dạy Triết! Nhật nói móc.
-Tại sao?
-Người không đam mê rượu khó mà giảng thành công một bài tâm lý đam mê!
-Úi dà! Hôm nay nhà báo còn dạy tôi cả cách dạy học nữa! Ghê gớm! Thiệt là ghê gớm!
-Mày công nhận là người ta chỉ nói và viết thành công về những gì người ta đã có kinh nghiệm. Phải không? Tâm chen vào.
-Mày công nhận là những bài phóng sự chiến trường của thằng Nhật được viết từ kinh nghiệm sống của nó, chớ không phải viết từ tưởng tượng phải không?
-Đúng quá!
-Tao đếch tưởng tượng nổi một thằng ngồi xa lông trong phòng trà mà lại có thể viết được một trận đánh nếu chính hắn không kinh qua chiến trường đó. Phải không?
-Đúng quá đi chớ!
-Tao đếch tưởng tượng nổi chuyện “phê” với “không phê” khi làm một phát tuyệt vời. Phải không?
-Đúng! Nhưng mày nói xong chưa? Tôi hỏi gặng.
-Còn nữa. Nhưng thôi, như thế cũng tạm đủ. Tao chỉ muốn chứng minh là thằng Nhật nói đúng thôi. Mày không đam mê thứ gì cả sao mày có thể nói cho người khác hiểu đam mê là cái gì?
-Nhưng mà... tao muốn hỏi ngược lại một chút. Phùng chen vào.
-Phải chăng, chỉ có rượu mới là đối tượng duy nhất của đam mê trên cõi đời này?
-Bênh nhau quá! Đồng hội đồng thuyền có khác! Nhật lắc đầu.
-Thầy hai kêu chi thầy hai? Tôi thấy chị chủ quán đứng sau lưng Tâm khá lâu, chị hỏi Nhật bất ngờ giữa lúc câu chuyện bắt đầu sôi nổi.
-Sao chị hỏi sớm quá vậy? Nhật nói mắc.
-Thầy hai thông cảm thầy hai. Mấy cha nội ở bàn kia cho chó ăn chè, em phải dọn mà! Lu bu quá! Thầy hai kêu chi thầy hai!
-Giỡn chơi chị thôi. Mượn chỗ này ngồi nói dóc chút, không kêu chi được không? Nhật tiếp tục chọc.
-Tự nhiên thầy hai, nhưng... Người chủ quán cười giả lả.
-Nhưng sao? Nhưng cái gì?

(còn tiếp)

Nguồn: https://ngo-quyen.org/p3623a5041/nguyen-xuan-hoang-nguoi-di-tren-may-ky-69-70-71