Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 31 tháng 8, 2020

Quy Nhơn và Qui Nhơn

Hoàng Dũng

Chính quyền tỉnh Bình Định vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng cho điều chỉnh tên TP Qui Nhơn thành Quy Nhơn. Xung quanh chuyện này, còn có nhiều ý kiến khác nhau.

Có người cho rằng: “Nếu viết Qui thì phải đọc thành "cui", không phải "quy" trong Quy Nhơn nữa”. Ý kiến này không đúng: nó không giải thích được tại sao thúythúi chẳng hạn, đọc khác nhau, còn quy hay qui thì ai cũng đọc như nhau.

Lý do thực ra đơn giản: Trong thúy, thì âm đệm u được đánh dấu bằng y, do đó nếu viết i thì người đọc sẽ đọc thành thúi, tức u là âm chính, chứ không phải âm đệm. Còn trong qu, âm đệm u được đánh dấu bằng q. Như thế, nếu ở thúy, âm đệm chỉ có một lần đánh dấu (bằng y), thì ở quý, âm đệm được đánh dấu hai lần (bằng y và bằng q). Nếu bớt đi việc dùng y để đánh dấu âm đệm (tức là viết qui, chứ không phải quy) thì vẫn còn chữ q cho thấy u là âm đệm, để phát âm không nhầm quí với cúi.

Nói cách khác, viết quy hay qui chỉ là chuyện chữ viết, chứ không thành vấn đề về ngữ âm, như trường hợp thúy/thúi. Nói tóm, khi sự khác biệt về chữ không tạo ra sự khác biệt về âm, thì mới có tranh cãi về chữ viết.

Nhưng việc tỉnh Bình Định đề nghị viết Quy Nhơn thay Qui Nhơn, thì không phải là chuyện Ngôn ngữ học, mà là chuyện hành chính.

Quả vậy, tại Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 8-7-2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bảng danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam, thì tỉnh Bình Định có đơn vị hành chính cấp huyện là Qui Nhơn, trong khi trước đó các văn bản của nhà nước (Quyết định số 41/HĐBT, ngày 24-8-1981 và quyết định số 81/HĐBT ngày 3/7/1986) đều ghi là Quy Nhơn.

Điều đáng nói là đối với trường hợp tương tự, ngay trong Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg có cả cách viết y lẫn i: 39 trường hợp đơn vị hành chính cấp huyện xã trong 21 tỉnh thành được viết với y, như huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), xã Đồng Quý (Tuyên Quang), phường Tân Quý (Thành phố Hồ Chí Minh), thị trấn Quy Đạt (Quảng Bình), …; và 11 trường hợp ở 8 tỉnh thành viết i, như huyện Phú Quí (Phú Yên), xã Qui Hướng (Sơn La), … Có khi sự không nhất quán đó thể hiện ngay trong cùng một tỉnh: ở tỉnh Tuyên Quang, có xã Đồng Quý, nhưng lại có xã Quí Quân; ở tỉnh Thanh Hoá, có các xã Cẩm Quý, Hoằng Quỳ, Hoằng Quý, Hóa Quỳ, Xuân Quỳ nhưng lại có xã Quí Lộc.

Có người cho rằng đây là tên riêng, nên “phải tôn trọng”. Quả là phải “tôn trọng” tên riêng: tên tôi là Quy, đó là tài sản của riêng tôi, không có lý do gì mà buộc tôi phải viết thành Qui. Đó là chưa kể nếu anh gửi tiền cho tôi qua ngân hàng, mà ghi tên tôi là Qui, thì rất có khả năng ngân hàng không cho tôi nhận tiền! Tuy vậy, đó là tên người. Còn nếu tên riêng là địa danh thì nhà nước hoàn toàn có quyền quy định viết như thế nào.

Việc xử lý Quy Nhơn hay Qui Nhơn cần đặt trong tổng thể 50 trường hợp không nhất quán y/i trên đây. Có thể thấy người soạn thảo văn bản cấp quốc gia hoàn toàn không có ý thức về quy tắc chính tả có liên quan đến cách viết y/i, dẫn đến việc xử lý không nhất quán như trên. Do đó, cần một quy định cấp quốc gia về chính tả trong văn bản hành chính để tránh những sự cố tương tự. Tiếc thay, cho đến nay, mới chỉ có văn bản cấp bộ, mới nhất là Quyết định số 1989/QĐ-BGDĐT ngày 25/5/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về chính tả trong chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong đó có đề cập vấn đề viết y/i đối với tên riêng với chỉ một câu: “Trường hợp âm tiết chứa âm i là tên riêng thì viết theo đúng tên riêng đó, ví dụ: bản Vy, Vi Văn Định, Nguyễn Vỹ, Thy Ngọc,...”. Như thế, Quyết định này một mặt có phạm vi hiệu lực rất giới hạn (chỉ áp dụng trong chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông), mặt khác do không phân biệt nhân danh và địa danh, nên rất khó áp dụng: ở cấp quốc gia, Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 8-7-2004 chỉ quy định tên của cấp hành chính đến xã/phường, thì một địa danh như bản Vy viết như thế nào (Vy hay Vi) cho “đúng tên riêng đó”?

Ghi chú: Trong bài https://tuoitre.vn/he-luy-tu-nhieu-thap-nien-tranh-cai-y-i-20200829095833541.htm, có viết rằng tôi “là người theo quan điểm có thể viết cả y dài i ngắn trong từ Quy Nhơn, Phú Quý...”. Tôi không hề nói như thế. Tôi chỉ giải thích tại sao có sự không nhất quán viết y/i ở quý/quí, mà không ai tranh luận gì ở trường hợp thúy.