Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2020

Hợp tuyển Frankfurt (kỳ 6)*

 

Phạm Kỳ Đăng dịch

 

BÀI THƠ “NGHIỆM TRẢI CÁI CHẾT” CỦA RAINER MARIA RILKE

 

Oliver Vogel

 

Bài thơ này của Rainer Maria Rilke vô danh khắc trên mộ chí của nữ nam tước Uexküll. Đến thăm bia mộ trên đảo Capri, đột nhiên người ta hiểu ra ý nghĩa của những câu thơ đó. Ai nhận mình đi tới Capri, người ấy cũng sẽ xao xuyến trong lòng về một mặt trời đỏ hạ chìm xuống biển. Thì thực sự người ta phải gắng công mới tìm thấy yên tĩnh trên hòn đảo; hoàn toàn chắc chắn không ở gần bến cảng Marina Grande, nơi có những con phà từ Neapel đến neo đậu. Băng qua con đập, nhìn về xa tắp sẽ tới Cimitero Acattolico, nghĩa trang của những người xa lạ.

Ở đây, từ cuối những năm 60, nữ nam tước Gudrun Baronin Uexküll yên nghỉ dưới một bia mộ, trên đó người ta có thể đọc được bài thơ “Nghiệm trải cái chết” của Rilke không ghi tiêu đề và tên tác giả. Nếu nữ nam tước, từ vị trí ngôi mộ của mình có thể nhìn được thứ gì đấy, hẳn bà có thể phóng tầm mắt nhìn khắp bầu trời xanh dương phi thực của vịnh Neapel, đằng sau được trấn giữ bởi vòm cầu của núi lửa Vesuvius. Đây là một chốn phong cảnh đẹp nhưng ầm ào tiếng động, nơi ngay lập tức người ta hiểu nỗi nhớ mong sự yên tĩnh và thực tại của một cuộc đời khác mà bài thơ đề cập đến. Năm 1907, Rilke đã viết bài thơ tưởng niệm bà mẹ của nữ nam tước đã mất một năm trước. Năm ấy ông 37 tuổi, người cha ông đã mất trước đó nửa năm, và từ 7 tháng nay ông chia tay với Rodin – người thầy dạy của mình và người ông đã dành một quãng thời gian giúp việc.

 

Vài tuần lễ kéo dài Rilke đã sống bên những người bạn trên đảo Capri. Nữ nam tước, người cho khắc Nghiệm trải cái chết” trên bia mộ của mình rõ ràng muốn để lại cho người sống một sứ điệp. Bởi vì trong bài thơ này, trước hết mọi điều không liên quan tới cái chết. Bài thơ xoay quanh cuộc đời. Bài thơ của Rilke nói tới chúng ta và muốn vừa ý. Bài thơ giải hòa chúng ta với sự bất an do cái chết của người khác gây ra, và với một hình thức nghiêm ngặt phân định lại ở phía bên này. Thông qua phép chấm câu, khổ thơ trung tâm thứ ba khai mở. Khổ này đề cập tới một hiện thực chỉ một lần giữa cuộc đời hiển lộ. Nhưng mà làm sao có thể giải thích được, rằng “Nghiệm trải cái chết” phê phán cái vẻ sân khấu của hiện thực như một nhược điểm điệu bộ và cũng trong cùng một hơi thở bày ra vẻ đẹp và sự phô diễn hình thức rõ nét như vậy? Sau khi hiện thực của cái chết chiếu hắt vào, làm sao lại có thể thành ra “Chúng tôi diễn tiếp” vậy? Mang tính quyết định là một khác biệt tinh tế: Ban đầu chúng ta đóng diễn các vai, nhưng cuối cùng của bài thơ ấy lại chính cuộc đời. Và vở chơi còn mãi.

 

Bị cuốn theo diễn vở cuộc đời

 

Đối với Friedrich Schiller, “thú vui ở vẻ ngoài, chí hướng ham chơi” như cầu nối giữa Tư duy và Cảm thụ. Wilhelm Dilthey còn đi xa hơn: Tuy thế giới bên ngoài sẵn bày ra như một sự xuất hiện, mà thế chỉ tới trong trải nghiệm thế giới mới trở thành hiện thực cho ý thức, với tư cách là thực tại không thể tách rời khỏi kinh nghiệm. Một trải nghiệm như vậy là cái chết: Nếu như ai đó chết, nếu như người đó biến đi, rất dễ có suy nghĩ rằng, chẳng chỉ riêng con người này, mà tựu trung lại không có gì, cái rỗng không, thực sự tồn tại. Và bằng cách chúng ta hình dung ra điều đó, “với sức mạnh không sao cưỡng nổi, thực tại đã hiện ra ngay trước chúng ta”. Đó là ý tưởng của bài thơ: Kinh nghiệm về cái chết là một nghiệm trải nối liền thế giới bên ngoài với ý thức, và tư duy với cảm thụ. Như thế màu xanh diệp lục trong bài thơ không chỉ trích xuất những cung bực sáng tối khác biệt nhất của vịnh Neapel – từ “màu xanh tối ve chai” tới “xanh sáng”, như Rilke miêu tả trong bút ký từ đảo Capri. Ông cũng còn gọi lên những suy tưởng mang tính lý thuyết nhận thức của quỉ Mephistopheles: “Này anh bạn, mọi lý thuyết đều là màu xám/ Và xanh tươi cây vàng kim cuộc đời” giải thích sự khác biệt giữa lý trí và cảm xúc, giữa trường học và cuộc đời, sự khác biệt giữa xanh (diệp) và “xanh của xanh chân thực”.

 

Nghiệm trải cái chết có nghĩa là hiểu cuộc đời trong những liên quan của nó. “Làm sao có thể sống được?”, Rilke vấn hỏi trong một bức thư, “nếu như, với chúng ta, những nguyên tố của cuộc đời lại hoàn toàn không nắm bắt được? Nếu như chúng ta cứ liên tiếp thiếu thốn trong yêu đương, thiếu tự tin trong quyết định và bất lực đương đầu với cái chết, thử hỏi làm sao có thể tồn tại được”. Làm sao chúng ta có thể đảm đương những nhiệm vụ chúng ta có trong đời “một cách lúng túng như kẻ mới vào cuộc, giữa những sự hốt hoảng và biện bạch, một cách thảm hại làm vậy. Có phải điều đó không sao nắm bắt được hay không?”. Điều này nguyên còn là điều không thể tri nhận như vẻ đẹp phi hiện thực của đảo Capri, thứ Rilke thoạt đầu hầu như không thể chịu nổi trong khoảng thời gian của những cuộc chia ly này. Mãi về sau này ông mới nói về chuyện ông “dạo đó bằng một cách nào cơ hồ đã lấy lại sức cho nhiều năm tiếp”. Có vẻ như, nếu như mặt trời đỏ lặn chìm xuống biển xanh lục, người ta học cách bị cuốn theo diễn vở cuộc đời.

 

NGHIỆM TRẢI CÁI CHẾT

 

Rainer Maria Rilke (1875-1926)

 

Chúng tôi biết cái bằng không về cuộc đi tuyệt tận đó,

chẳng chia sẻ cùng. Chúng tôi chẳng có nguyên do

chỉ ra ngưỡng mộ và tình yêu hay oán thù

cho thần chết bị cái miệng che mặt nạ

 

của than vãn bi thương làm biến dạng đi kỳ lạ

thế giới còn đầy vai chúng tôi đóng trò,

chừng nào lo, liệu chúng tôi cũng vừa ý cho

thần chết cũng diễn trò, dẫu hắn không vừa ý.

 

Mà thế khi anh đi, đây đó hắt vào sân khấu

một vệt hiện thực qua khe nọ mỏng manh

anh đã đi qua tới đó; xanh của thực sự xanh,

nắng chân thực và rừng chân thực.

 

Chúng tôi diễn tiếp. Xướng lên điều học được

một cách dè dặt, gian nan, và sau sẽ đến thời,

vượt qua cử chỉ; nhưng sự Tồn thế của anh xa vời

nảy sinh từ vở diễn của chúng tôi, thư thoảng

 

có thể lay chuyển chúng tôi, như một sự hiểu biết

về hiện thực nọ, đang chìm xuống hạ màn,

khiến hồi lâu chúng tôi cuốn theo làn,

diễn vở cuộc đời, không nghĩ về tán thưởng.

 

©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức bài viết từ Hợp tuyển Frankfurt – Frankfurter Anthologie

 

 

TODES-ERFAHRUNG

 

Rainer Maria Rilke (1875-1926)

 

Wir wissen nichts von diesem Hingehn, das

nicht mit uns teilt. Wir haben keinen Grund,

Bewunderung und Liebe oder Hass

dem Tod zu zeigen, den ein Maskenmund

 

tragischer Klage wunderlich entstellt.

Noch ist die Welt voll Rollen, die wir spielen.

Solang wir sorgen, ob wir auch gefielen,

spielt auch der Tod, obwohl er nicht gefällt.

 

Doch als du gingst, da brach in diese Bühne

ein Streifen Wirklichkeit durch jenen Spalt

durch den du hingingst: Grün wirklicher Grüne,

wirklicher Sonnenschein, wirklicher Wald.

 

Wir spielen weiter. Bang und schwer Erlerntes

hersagend und Gebärden dann und wann

aufhebend; aber dein von uns entferntes,

aus unserm Stück entrücktes Dasein kann

 

uns manchmal überkommen, wie ein Wissen

von jener Wirklichkeit sich niedersenkend,

so dass wir eine Weile hingerissen

das Leben spielen, nicht an Beifall denkend.

 

Chú thích của người dịch:

Oliver Vogel (sinh năm 1966): Phụ trách chương trình văn học Đức, giám đốc nhà xuất bản FS. Fischer

 

Rainer Maria Rilke (1875-1926): Nhà thơ, nhà văn, nhà tiểu luận và dịch giả, ông thuộc về những thi sĩ quan trọng nhất của văn chương Đức và châu Âu hiện đại.

 

Tiểu sử: Rainer Maria Rilke sinh ở Praha, Bohemia (thời đó là Áo-Hung, nay là Cộng hoà Séc) trong một gia đình công chức. Tuổi thơ sống ở Praha, sau đó ở München), Berlin, Paris, Thụy Sĩ. Học Văn học, Lịch sử nghệ thuật, Triết học ở Đại học Praha, Đại học München, Đại học Berlin. Những tập thơ đầu tiên, Leben und Lieder (Cuộc đời và những bài ca, 1894); Traumgekrönt (Đăng quang trong mơ, 1897)…, thể hiện những đề tài theo khuynh hướng suy đồi cuối thế kỉ 19. Sau 2 chuyến đi sang Nga (năm 1897 và 1900) Rilke gặp Lew Nikolajewitsch Tolstoi và tiếp nhận ảnh hưởng của văn học Nga. Năm 1901 kết hôn với nữ điêu khắc gia, họa sĩ Clara Westhoff và sinh con gái trong năm này, sau đó chuyển sang sống ở Pháp. Thế chiến thứ nhất xảy ra, Rilke tham gia quân đội một thời gian, sau đó sống ở München, năm 1919 sang Thụy Sĩ. Năm 1921 sống ở Muzot, hoàn thành Duineser Elegien (Bi ca Duino) viết dở từ năm 1912 và viết Die Sonette an Orpheus (Sonnets gửi Orpheus). Từ năm 1923 vì lý do sức khoẻ phải sống ở khu điều dưỡng Territet bên hồ Genève. Các bác sĩ không chẩn đoán đúng bệnh tình, chỉ trước khi chết không lâu mới xác định ra đó là bệnh máu trắng. Rilke qua đời ngày 29 tháng 12 năm 1926 tại dưỡng viện Val-Mont. Nhà thơ tự chọn cho mình câu thơ yêu thích khắc trên bia mộ: Rose, oh reiner Widerspruch, Lust, Niemandes Schlaf zu sein unter soviel Lidern. (Dịch: Bông hồng, ôi mâu thuẫn tinh khiết, thích thú là giấc ngủ không của riêng ai dưới bao hàng mi).

 

 

 

BÀI THƠ “NGƯỜI CHƠI MÚA RỐI” CỦA NELLY SACHS

 

Mathias Mayer

 

Nelly Sachs đã đưa vào cả một tổ khúc “Chữ đề bia mộ viết vào thinh không” in năm 1947 bao gồm cả bài thơ ta có dưới đây vào tập thơ đầu tay của mình “Trong những căn hộ của tử thần”. Vài phần của tổ khúc đã được viết vào năm 1942/1943 khi bà đang tỵ nạn tại Thụy Điển, sau lúc bà biết mình mất đi những người thân quyến. Một thời gian ngắn sau, tác giả bình luận về sự ra đời các văn bản đó: “Nhưng trong một bí mật to lớn những bi ca này đã tự tìm đến tôi.” “Người chơi múa rối” được ghi thời gian ra đời khoảng giữa 1943 và 1946.

 

Hẳn ta không biết về người chơi múa rối hiện diện bằng tên viết tắt – hay đó là một người đàn bà –, trong ký tự chữ in hoa thậm chí có hai biến thể lưu truyền nữa, bên cạnh “K.G.” còn có một ký tự “P.M.”, và khác biệt với những bi ca khác, nữ tác giả không bật mí hay giải thích gì thêm về văn bản này. Nhưng mà chúng ta biết Nelly Sachs trong thời kỳ đầu của mình, bên cạnh thơ và những truyện huyền sử bản thân bà cũng viết cả kịch bản rối theo phong cách của Selma Lagerlöf, nhà văn bà hằng ngưỡng mộ. Sáu khổ thơ, thoạt đầu kết nối những thế giới hình ảnh hiện ra khác biệt nhau như vậy, qua lời xưng nói tới Bạn đã được sắp đặt, chúng cấp cho khung viền. Hai khổ thơ đầu và khổ thơ cuối hướng về người được nhắc tới trong title, chúng đứng trong cuộc đối thoại với người đó bị cưỡng về câm lặng, điếu văn và bi ca gồm trong một.

 

Bi ca về thế giới rộng dài và một bàn tay nhỏ bé

 

Nếu trước hết nói về chuyện người đó khả dĩ níu kéo “thế giới dài rộng” tới gần mình bằng cách gọi lên những con đường về xa xôi, thì lập tức ở khổ thơ thứ hai hiện ra nghệ thuật lớn lao của người chơi trò múa rối: những gì anh ta đã đạt đến, được miêu tả như “một cột mốc”, đó chính là sức lực và ma thuật của việc làm cô đọng thế giới rộng dài vào một thế giới nhỏ của những con giống nghệ thuật. Anh ta đã dệt “sợi dây mặt trời” của nghệ thuật riêng mình, một hình ảnh hiếm khi được sử dụng, được tìm thấy nơi Schiller (1), rõ ràng được xác chứng trong bài “Bi ca” của ông. Liệu Paul Celan (2), người hàng thập niên sau này in dấu ấn vào chữ “mặt trời ròng sợi” và thậm chí đặt tiêu đề bao trùm như vậy cho tập thơ của mình đã nghĩ tới mối liên quan đó?

 

Ba khổ giữa phác thảo ba hoạt cảnh từ những địa hạt khác nhau, hiển nhiên hiện diện trong trò chơi múa rối – thế giới của Kinh Cựu Ước với nhà tiên tri Elijah, kế đó cuộc gặp gỡ kinh ngạc giữa cuộc đời và cái chết, giữa người trinh nữ trong “chiều tối hoa hồng” và người phu đào huyệt; kết cục sự nỗ lực tìm cách hợp nhất thiện cảm và đau thương trong mỉm cười và than khóc như là nghiệm trải của tình yêu. Có thể ở đây có một mối liên quan với vở kịch múa rối của Nelly Sachs viết thời kỳ đầu không xuất bản, sau tìm thấy trong di cảo: “Elia và những kẻ đang yêu”.

 

Ở phần kết, nhằm đánh giá nghệ thuật lớn lao này bài thơ quay trở về trong điều nhỏ mọn: thế giới rộng dài hiện ra như “trái đất xoay tròn với nhạc của các tinh tú” trong màn diễn của người nghệ sĩ biết dùng bàn tay của mình nắm bắt ma thuật của thế giới; âm nhạc của các tầng quyển, của các vì sao chỉ dẫn về tính cách tác động hòa phối, càng được ám chỉ qua nét tròn trịa, của anh ta, một tác động đã bị tội ác, một cách tàn bạo, dồn về câm lặng. Bài thơ nơi đó như lời than oán cũng như một phản kháng chống lại sự im lặng, bài thơ là một hồi tưởng và tưởng thưởng, chứng chỉ của một sự công nhận đã biến một cột mốc thành dòng bia đề mộ, thành một ngôn ngữ chiết giản.

 

Đồng thời bài thơ gọi lên truyền thống lớn của trò chơi múa rối trong mọi nền văn hóa lắng đọng lại thành một trò diễn trên ranh giới giữa Cái chết và Cuộc đời – như một cuộc gặp gỡ giữa thân thể vẻ như không sự sống, không lời của búp bê hay của con rối và câu hỏi liên đới tới sự điều khiển chúng thông qua người đạo diễn hay người chơi trò múa rối. Ngay từ những đối thoại luật pháp “Nomo” của Platon (3), ở đó cũng luôn xoay quanh sự tồn tại của con người, câu tra vấn về sự lệ thuộc và tự do, về đạo hạnh hay sự thanh nhã nơi hành động của nó, tỉ dụ như trong nỗ lực vô song của Kleist (4) viết “Về nghệ thuật kích rối”, hoặc về mối tương tác của ngôn ngữ và im lặng. Trong bài thơ của Nelly Sachs, mối liên quan này đã trở thành cột mốc của một hồi tưởng, một bi ca về cuộc hội thoại bị phá hủy giữa thế giới rộng dài và một bàn tay nhỏ bé.

 

©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức bài viết từ Hợp tuyển Frankfurt – Frankfurter Anthologie

 

NGƯỜI CHƠI MÚA RỐI

 

Nelly Sachs (1891-1970)

 

Cái thế giới rộng dài đã tới nơi bạn

Với cát trong giày, và vẻ trên má xa xăm.

 

Ở dây sợi mặt trời bạn kéo nó vào trong

Thế giới ngủ trên cột mốc của bạn đây đó.

 

Trong búi tóc Elijah con én đã xây tổ của mình

Cho đến lúc tan tành trong thương nhớ.

 

Người đào mộ đào tới tìm bài đố

Tìm thấy một trinh nữ trong chiều hoa hồng.

 

Một cặp sinh đôi từ cười nụ và khóc ròng

Gắng tìm cách trong tình yêu hợp nhất.

 

Với nhạc của tinh tú khiêu vũ xoay tròn trái đất

Như vậy trên tay anh, tới khi bị ruồng bỏ nín câm.

 

DER MARIONETTENSPIELER

 

Nelly Sachs (1891-1970)

 

Die weite Welt war zu dir eingegangen

Mit Sand im Schuh und Ferne an den Wangen.

 

Am Sonnenfaden zogst du sie herein

Da ruhte sie auf deinem Meilenstein.

 

Die Schwalbe baute in Elias Haaren

Ihr Nest; bis er in Sehnsucht aufgefahren.

 

Der Totengräber nach dem Rätsel grabend

Fand eine Jungfrau in dem Rosenabend.

 

Das Zwillingspaar aus Lächeln und aus Weinen

Versuchte sich in Liebe zu vereinen.

 

So tanzte Erde rund mit ihrer Sternmusik

Auf deiner Hand; bis sie verlassen schwieg.

 

Chú thích của người dịch:

 

Mathias Mayer (sinh năm 1958): Nhà nghiên cứu ngữ văn Đức

(1) Johann Christoph Friedrich von Schiller (1759-1805): Thi hào Đức, kịch tác gia, nhà triết học và nhà sử học.

(2) Paul Celan (Paul Antschel, 1920-1970): Nhà thơ viết tiếng Đức, gốc Do Thái.

(3) Tác phẩm dang dở gồm những đối thoại luật pháp của Platon.

(4) Bernd Heinrich Wilhelm von Kleist (1777-1811): Kịch tác gia, nhà thơ, nhà văn Đức.

 

Nelly Sachs: (tên khai sinh Leonie Sachs, sinh năm 1891 tại Berlin – mất 1970 tại Stockholm): Nữ thi sĩ và nhà văn Đức (gốc Do thái, sau bà mang quốc tịch Thụy Điển). Năm 1966 Hội đồng Nobel Hòang gia Thụy Điển trao giải Nobel văn chương cho bà (cùng nhận với Samuel Joseph Agnon) vì “những tác phẩm thơ và kịch tuyệt vời phu diễn số phận Israel với một bút pháp mạnh mẽ lôi cuốn.”

 

* Các phần 1, 2, 3, 4, 5 đã lên trang Văn Việt vào các ngày: 19/9/2017; 21/9/2017; 23/9/2017; 26/9/2017 và 27/9/2017.