Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2020

“Tiếng Việt thời LM de Rhodes - Phổ Kiến (Phúc Kiến), Chincheo và Varella…” (phần 23)

Nguyễn Cung Thông[1]

Phần này bàn về các địa danh và nhân danh Phổ Kiến hay Chincheos, Chincheo (trong tự điển Việt Bồ La) và Varella (từ bản đồ của LM Alexandre de Rhodes ghi lại) vào thời LM de Rhodes sang An Nam truyền đạo hay khoảng đầu thế kỉ 17. Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra từ điển này trên mạng, như trang này chẳng hạn http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false . Các chữ viết tắt khác là NCT (Nguyễn Cung Thông), TVK (Trương Vĩnh Ký), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), ĐNQATV (Đại Nam Quốc Âm Tự Vị), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh), PG (Phật Giáo), CG (Công Giáo), VN (Việt Nam), TQ (Trung Quốc), HV (Hán Việt), Bắc Kinh (BK). Trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm. Đọc kỹ các tài liệu từ LM de Rhodes như PGTN, VBL sẽ cho ta nhiều thông tin đặc biệt thú vị về văn hóa, xã hội và ngôn ngữ trong vùng ĐNA cũng như VN cách đây 4 thế kỉ. Tương quan Hán Việt ghi nhận trong bài không nhất thiết khẳng định nguồn gốc của các từ liên hệ (có gốc Việt hay Hán).

1. Phổ Kiến trong VBL

Địa danh Phổ Kiến được ghi hai lần trong VBL trang 380 và 602 nhưng không viết hoa (vào thời VBL chưa có quy ước viết hoa trong tiếng Việt/chữ quốc ngữ) - xem hình chụp bên dưới

clip_image002VBL trang 602

clip_image004VBL trang 380

Phổ Kiến hay Phúc Kiến 福建 là tên một tỉnh ở Đông Nam TQ, thật ra bây giờ đọc là fujian /ˌfuːd͡ʒiˈæn/ theo pinyin (đọc gần như phú giêng giọng Bắc) chứ không phải là Phúc hay Phổ Kiến: đây là những âm cổ hơn còn bảo lưu[2] trong tiếng Việt.

1.1 Chữ phúc (thanh mẫu bang 幫 hay bàng 滂 vận mẫu ốc 屋 hay vưu 尤 nhập/khứ thanh, khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

方六切 phương lục thiết (TVGT, ĐV, QV, TV, VH, LT, LTCN 六書正擶, TĐTAT 重訂直音篇)

敷救切,音副 phu cứu thiết, âm phó (TV, VH, LT, CV, TVi, CTT)

筆力切,音偪 bức liệt thiết, âm bức (TVi, CTT, KH)

方伏反 phương phục phản (LKTG)

芳又翻 phương hựu phiên (BH 佩觿)

芳伏翻 phương phục thiên (BH 佩觿)

方伏切 phương phục thiết (NT, TTTH)

芳逼切 phương bức thiết (LTCN 六書正擶)

TNAV ghi vận bộ 魚模 ngư mô (入聲作上聲 nhập thanh tác thượng thanh)

CV ghi cùng vần/nhập thanh 福 腹 複 復 輹 副 葍 楅 輻 幅 覆 蝮 鍑 馥 蝠 (phúc phúc/phó bức)

CV cũng ghi cùng vần/khứ thanh 副 覆 仆 富 冨 輻 (phó phú/phúc *phức/bức)

方六切,音復 phương lục thiết, âm phục (TVi)

芳未切,音費 phương vị thiết, âm phí (TVi, CTT)

房六切,音復 phòng lục thiết, âm phục (CTT), v.v.

Giọng BK bây giờ là fú so với giọng Quảng Đông fuk1 và các giọng Mân Nam 客家话: [海陆丰腔] fuk7 [客英字典] fuk7 [台湾四县腔] fuk7 [梅县腔] fuk7 [沙头角腔] fuk7 [宝安腔] fuk7 [陆丰腔] fuk7 [客语拼音字汇] fug5 hog6, giọng Mân Nam/Đài Loan hok1, tiếng Nhật fuku và tiếng Hàn pok. Một dạng âm cổ phục nguyên của phúc là *piuk (gần với dạng phúc của tiếng Việt).

Thời VBL, đặc biệt có ghi âm Phổ Kiến (phụ âm cuối -k đã mất đi/tha hóa) cho thấy khả năng do ảnh hưởng của giọng kinh đô TQ (Bắc Kinh) so với các dạng phương ngữ phương Nam TQ. Dạng phúc hiện diện trong VBL và ghi bằng bốn mục khác nhau (trang 607-608).

1.2 Phúc Kiến và Mân Việt

Do áp lực Hán hóa từ phương Bắc, một số dân Bách Việt (td. Mân Việt 閩越) đã phải di chuyển về vùng Phúc Kiến bây giờ so với một số đi xuống phương Nam như Lạc Việt và tạo dựng cuộc đời mới cùng với dân bản địa. Tuy nhiên, quá trình di thiên không bị giới hạn bởi thiên nhiên (biển) vì có những đợt di chuyển bằng đường biển đến các nơi trong Đông Nam Á trong lịch sử Á châu vì các yếu tố kinh tế lẫn chính trị. Ngay cả lịch sử Việt Nam cận đại cũng cho thấy quá trình Nam Tiến, cũng như di chuyển bằng đường biển (td. "Thuyền Nhân") ra nước ngoài từ thập niên 1970, 1980. Chủ đề thú vị trên không nằm trong phạm vi bài viết này, hi vọng chỉ lướt qua để có một cách nhìn chính xác hơn. Không phải ngẫu nhiên mà Phúc Kiến luôn hiện diện trong các tài liệu như VBL, tự điển Béhaine, Taberd cho đến ĐNQATV… Thiên Nam Ngữ Lục còn ghi lại nguồn gốc họ/nhà Trần[3] từ Phúc Kiến, Mân Việt - chụp lại từ trang http://sachbaovn.vn/doc-truc-tuyen/sach/Thien-Nam-Ngu-Luc-MTkwRDRC

clip_image006câu 5593-5596

clip_image008 câu 5600-5603

Một điểm nên nhắc ở đây là nước Singapore có khoảng 40% dân số có gốc Phúc Kiến (2010) - cũng là đa số trong dân gốc TQ ở đây (khoảng 75%) - trong quá trình hải hành đến Mã Lai, chắc là phải có một phần ghé An Nam. Dân gốc Phúc Kiến ở rải rác khắp nơi vòng quanh biển Đông như Mã Lai, Inđônêsia, Singapore (đa số), Phi Luật Tân... Dân gốc Phúc Kiến ở rải rác khắp nơi vòng quanh biển Đông như Mã Lai, Inđônêsia, Singapore (đa số), Phi Luật tân ... Tiếng Phúc Kiến từng là một ngôn ngữ chung/cầu nối (lingua franca) ở khu vực Đông Nam Á, và Phúc Kiến theo phương ngữ này lại đọc là Hokkien (f trở thành h[4]). Quá trình tản mát của dân Phúc Kiến sang những nước lân cận sẽ rõ nét hơn khi xem qua một số họ TQ (gia phả) ở phần sau cũng như từ tài liệu các nhà thám hiểm cùng giáo sĩ Tây phương ghi lại.

2. Phổ Kiến là Chincheos/Chincheo trong VBL trang 380

Nhận xét thêm về mục Phổ Kiến trong VBL là LM de Rhodes ghi rõ ràng trong phần La Tinh là "người Trung Hoa gốc tỉnh Phúc Kiến mà người Bồ-Đào-Nha gọi là Chincheos", phần bằng tiếng Bồ lại không có ghi người Bồ mà "người Trung Hoa gốc tỉnh Phúc Kiến gọi là Chincheos" (VBL trang 602). Những bản đồ xưa, trước thế kỉ 17, từng ghi địa danh Chincheo (tỉnh Phúc Kiến) như trong tài liệu của nhà thiên văn/kỹ sư người Ý Giacomo Gastaldi (1500-1566) - trích từ trang này chẳng hạn https://www.raremaps.com/gallery/detail/30554hbp/il-disegno-della-terza-parte-dell-asia-gastaldis-wall-ma-gastaldi in vào những năm 1561/1580 (Rome). Để ý địa danh porto chincheo (hải cảng Chincheo) đối diện với đảo Đài Loan (ghi là Bergatera), tỉnh Phúc Kiến ghi là Fuquian. Điều này cho thấy cửa Chincheo rất phổ thông vào thời này để được ghi nhận trong bản đồ Á Châu.

clip_image010

Nhà vẽ bản đồ tiên phong Abraham Ortelius (1527-1598) cũng ghi địa danh Chincheo vào năm 1574 - trích từ trang https://www.raremaps.com/gallery/detail/65613/indiae-orientalis-insularumque-adiacientium-typus-ortelius

clip_image012

Bản đồ của nhà vẽ bản đồ người Hà Lan Willem Blaeu (1571-1638) và thành phố (cảng) Chincheo khoảng 1608 - trích từ trang https://www.raremaps.com/gallery/detail/60634/asia-noviter-delineata-blaeu

clip_image013

Thương gia/sử gia Hà Lan Jan Huygen Van Linschoten (1563-1611) cũng ghi nhận địa danh Chincheo trên bản đồ năm 1596 - trích từ trang này https://www.raremaps.com/gallery/detail/67454/exacta-accurata-delineatio-cum-orarum-maritimarum-tum-etja-van-linschoten

clip_image015

Người đọc có thể tham khảo thêm trang mạng đã dẫn vì có nhiều bản đồ cổ khác ghi lại địa danh Chincheo vào TK 18, 19...

2.1 Các tài liệu viết về địa danh Chincheo

Trong tài liệu "Relazione del primo viaggio intorno al mondo[5] 1514-1525" do nhà thám hiểm người Ý Antonio Pigafetta (khoảng 1491-1531) soạn, ông từng sống sót sau cuộc hải hành cùng nhà thám hiểm nổi tiếng Ferdinand Magellan[6] và chép lại chuyện đó: ông cũng có nhắc đến dân Trung Hoa ở vùng biển gọi là Chenchii (một dị thể của địa danh Chincheo):

clip_image017Tạm dịch/NCT đoạn liên hệ: "Đi theo bờ biển TQ sẽ gặp nhiều dân tộc: người Chenchii sống ở các đảo làm ngọc trai và sản xuất quế[7]"

Vào khoảng 1619, linh mục dòng Du Minh (Dominican) Bartolome Martinez cũng từng kể chuyện dân Chincheos ở Isla Hermosa (đảo Đài Loan bây giờ) - trích từ bài viết của GS José Eugenio Borao từ trang này http://homepage.ntu.edu.tw/~borao/2Profesores/Macao%20Gate.pdf

clip_image019

Để ý cách dùng[8] Chincheos (có phụ tố -s chỉ người Phúc Kiến, giống như cách dùng trong VBL trang 602) so với Cantonese (người Quảng Đông) trong bản dịch tiếng Anh. Dạng Chincheos chỉ người Phúc Kiến còn hiện diện trong các bản tường trình như của Pedro Teixeira (xem phần dưới).

Có nhiều bản tường trình và tài liệu đề cập đến thành phố/cảng Chincheo qua các dạng như Chincheo (hay chincheo không viết hoa), Chinchew, Chang-chu, Chiang-chiu, Chiang-chew, hay Chiang Chew ... Tuy nhiên, bài viết này chỉ ghi lại vài tài liệu vào đầu TK 16 và 17, trước thời VBL ra đời. Thí dụ như trong cuốn "Historia de las islas del Archipielago y reynos de la gran China, Tartaria, Cuchinchina, Malaca, Sian, Camboxa y Jappon" tác giả Marcelo de Ribadeneira (viết bằng tiếng Tây-Ban-Nha và in năm 1601), địa danh Chincheo xuất hiện 4 lần - hình chụp trang 11 có ghi "tỉnh Chincheo" (tỉnh Chương Châu ~ Phúc Kiến):

clip_image021

Trong bản tường thuật về chuyến hải hành từ Ấn Độ đến Ý (năm 1600), nhà thám hiểm Bồ-Đào-Nha Pedro Teixeira (?-1641) cũng ghi lại thành phố Chincheo - chụp lại từ trang https://babel.hathitrust.org/cgi/pt?id=uc1.31822038214623&view=image&seq=451

clip_image023

Tạm dịch đoạn liên hệ/NCT: “tàu đến Malaca từ Nhật Bản, Trung Hoa, Cacho-China (Việt Nam), Chincheo (Phúc Kiến), Camboia (Cam Bốt), Siam (Xiêm La), Patane, Pate, Pam, Chăm Pa”.

Bản tường trình của nhà sử học Bồ-Đào-Nha Gaspar Correia (1492-1563) cũng từng ghi nhận địa danh này vào năm 1517:"Ở một nơi khác, gọi là Chincheo, người dân ở đây giàu có hơn dân Quảng Đông (Canton-Cantão) nhiều. Mỗi năm có tàu đến Malaca từ thành phố trên, như 4 chiếc tàu đến mang theo vàng, bạc và lụa và khi về thì đổi lấy các vật dụng từ Ấn Độ" tạm dịch/NCT - trích bản dịch ra tiếng Anh từ trang này https://archive.org/details/hobsonjobsonglos00yulerich/page/200/mode/2up

2.2 Chincheo là Chương Châu 漳州

Như vậy Chincheo chỉ địa danh nào? Từ các bản đồ và tài liệu trên, ta có thể thấy Chincheo chỉ địa danh Chương Châu 漳州 thuộc bờ biển đông nam TQ. Trước hết hãy xem lại các cách đọc Chương Châu như sau.

2.2.1 Chương

Chữ chương 漳 (thanh mẫu chương 章 vận mẫu dương 陽 bình thanh, khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

諸良切 chư lương thiết (TVGT, ĐV, QV, TV, VH, LT)

音章 âm chương (LKTG, 精嚴新集大藏音 TNTTĐTA)

至良切 chí lương thiết (TTTH)

TNAV ghi vận bộ 江陽 giang dương (dương bình)

CV ghi cùng vần/bình thanh 章 彰 嫜 璋 鄣 漳 墇 障 樟 獐 麞 張 粻 漲 (chương trương *chướng)

止良切,音章 chỉ lương thiết, âm chương (CV, TVi), v.v.

Giọng BK bây giờ là zhāng so với giọng Quảng Đông zoeng1 và các giọng Mân Nam 客家话:[宝安腔] zong1 [客语拼音字汇] zong1 [海陆丰腔] zhong1 [客英字典] zhong1 [台湾四县腔] zong1, (Hokkien, POJ): cheng / chiuⁿ / chioⁿ / chiong / chiang/, (Teochew, Peng'im): ziang1, tiếng Nhật sho và tiếng Hàn jang. Một dạng âm trung cổ phục nguyên của chương là *tʃiɑŋ (đọc như chiêng giọng Bắc). Âm *chin trong Chincheo rất gần với âm trung cổ cũng như giọng địa phương (Phúc Kiến/Hokkien). VBL trang 124 ghi dạng chương (một chương 章) đọc như tiếng Việt hiện đại.

2.2.2 Châu

Chữ châu/chu 州 洲 (thanh mẫu chương 章 vận mẫu vưu 尤 bình thanh, khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

職流切 chức lưu thiết (TVGT, ĐV, QV, LT, CV, TVi)

之虫切 chi hủy thiết (NT)

之由切,音周 chi do thiết, âm chu (TV, LT, VH, TG 字鑑, LTCN 六書正譌)

止由切 chỉ do thiết (TTTH)

TNAV ghi vận mẫu 尤 vưu (dương bình)

CV ghi cùng vần/bình thanh 周 輈 侜 輖 鵃 調 譸 咮 賙 啁 州 洲 舟 (chu *điều trù châu)

專於切,音朱 chuyên ư thiết, âm chu (CV, TVi, KH), v.v.

Giọng BK bây giờ là zhōu so với giọng Quảng Đông zau1 và các giọng Mân Nam 客家话:[梅县腔] zhu1 zhiu1 [客语拼音字汇] zu1 [客英字典] zhiu1 [海陆丰腔] zhiu1 [沙头角腔] zu1 [陆丰腔] zhiu1 [宝安腔] zu1 (ziu1) [东莞腔] ziu1 [台湾四县腔] zu1, giọng Mân Nam/Đài Loan là chiu1, tiếng Nhật shuu su và tiếng Hàn cwu. Một dạng âm trung cổ phục nguyên là *tʃiw (đọc gần như chiu giọng Bắc với độ mở miệng nhỏ hơn so với chu và châu). Dạng *cheo trong chincheo rất gần với âm châu đọc theo âm địa phương (Phúc Kiến/Hokkien). VBL còn ghi Bố Chính chu (mục chu - trang 115) chứ không phải châu, phản ánh nguyên âm có độ mở miệng nhỏ phù hợp với dạng trung cổ phục nguyên *tʃiw.

Tóm lại, ta có cơ sở vững chắc để liên hệ Chincheo với địa danh Chương Châu, hay một cách đọc cổ còn duy trì bằng con chữ La Tinh, đặc biệt là từ cuốn VBL.

3. Một số họ ở VN liên hệ đến Chương Châu TQ

3.1 Ngoài khả năng nhà Trần có nguồn gốc Phúc Kiến, trong lịch sử dựng nước VN (td. quá trình Nam Tiến) cũng có những gia đình có gốc từ miền biển đông nam TQ. Trong bản báo cáo "TỜ THUẬN ĐỊNH CỦA DÒNG HỌ TRẦN TIỄN LÀNG MINH HƯƠNG XÃ HƯƠNG VINH HƯƠNG TRÀ - THỪA THIÊN HUẾ" của tác giả Trần Văn Quyến (đăng trong Thông Báo Hán Nôm 2012), ông có bàn thêm chi tiết :"Từ giữa thế kỷ XVII, do tình hình Trung Quốc có nhiều biến động, nhà Minh bị thay thế bởi nhà Thanh. Do đó làn sóng di dân Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á ngày một đông. Các chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã cho phép người Hoa đến định cư tại 1 số khu vực, và thành lập các làng Minh Hương trong đó có khu vực phố cảng Thanh Hà - Huế. Hầu hết các Hoa kiều cư ngụ ở đây đều đến từ các tỉnh ven biển phía Nam Trung Quốc, thuộc các phủ Quỳnh Châu, Quảng Châu, Phúc Châu và Triều Châu. Theo nghiên cứu của học giả Trần Kinh Hòa làng Minh Hương và phố Thanh Hà được thành lập vào năm 1636. Trong làn sóng di dân đó thì ông tổ dòng họ Trần Tiễn cũng di cư sang Thuận Hóa. Theo Minh Hương Trần thị thế phổ, thì Thủy tổ của dòng họ Trần Tiễn 陳踐 là Trần Dưỡng Thuần vốn người thuộc xã Ngọc Châu Thượng 玉州上, huyện Long Khê 龍溪, phủ Chương Châu 章州, tỉnh Phúc Kiến 福建, sinh ngày 12 tháng 8 năm Canh Tuất (1610), mất ngày 12 tháng 4 năm Mậu Thìn (1688) thọ 79 tuổi. Hiện nay mộ của Thủy tổ Trần Dưỡng Thuần vẫn còn, được táng tại ấp Tứ Tây, xã An Cựu, huyện Hương Thủy, tọa Tốn hướng Càn" (hết trích). Dòng họ Trần Tiễn đã có nhiều nhân vật đóng góp lớn cho xã hội, lịch sử, kinh tế cho VN như đại thần Trần Tiễn Thành (1813-1883), v.v.

3.2 Nhà thờ tộc Trương Đôn Hậu

Theo trang mạng Văn Hóa Quảng Nam http://vanhoaquangnamonline.gov.vn/dat-nuoc-con-nguoi/nha-tho-toc-truong-don-hau-o-hoi-an.htmlVào giữa thế kỉ 18, Trương Mậu Viễn hiệu Tương Lợi (1718- 1763), thuỷ tổ tộc Trương Đôn Hậu người xã Cảnh Khanh, Nhị Đô, huyện Chiếu An, phủ Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc do không muốn sinh sống với triều Mãn Thanh đã sang thuần phục Chúa Nguyễn và định cư tại làng Minh Hương, Hội An thuộc xứ Đàng Trong”. Hiện nay nhà thờ tộc Trương tọa lạc ở số 69/1 Phan Chu Trinh – Khu phố cổ Hội An, Quảng Nam.

3.3 Hội quán Hà Chương

Hội quán Hà Chương được xây dựng từ đầu thế kỷ XIX, đây là công trình do những người Hoa gốc phủ Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến đóng góp xây dựng vẫn tồn tại ở Sài Gòn[9]. Hội quán đã được trùng tu nhiều lần. Hiện trên vách gian tiền điện còn hai tấm bia đá lập năm 1848 và năm 1871 ghi lại hai lần trùng tu hội quán. Chi tiết trích từ trang này http://kinhtedothi.vn/hoi-quan-nguoi-hoa-cho-lon-net-kien-truc-doc-dao-trong-khong-gian-do-thi-tai-tp-ho-chi-minh-385112.html.

clip_image025

4. Nhận xét thêm về địa danh Chincheo

Vấn đề trở nên phức tạp khi Chincheo hay Chemceu, Cheiceu, Quimcheo cũng là địa danh ở Quy Nhơn - đây là tên gọi (kí âm) bằng tiếng Bồ của Tân Châu 新洲, hầu như cùng một dạng kí âm cho Chương Châu 漳州 (Phúc Kiến). Tác giả Manguin (trang 166-167, sđd) bàn rất chi tiết về địa danh Quy Nhơn, Tân Châu, PulluCambi (Quignin, LM Borri), Nước Mặn (Pulo Cambi, LM de Rhodes) - người viết minh họa cảng Tân Châu hiện diện cùng với dạng Avarella (Varella) trên bản đồ (Jan Jansson xuất bản tại Amsterdam năm 1630) trích từ trang https://www.raremaps.com/gallery/detail/52417/indiae-orientalis-nova-descriptio-jansson

clip_image027

Phần sau bàn về địa danh thứ hai là Varella (Varela) thường hiện diện trong các bản đồ ĐNA vào TK 16 cho đến TK 20.

5. Ponto da Varella

Một chi tiết đáng chú ý hiện diện trong bản đồ LM de Rhodes là địa danh Ponto da Varella (Mũi Varella), nằm ngay dưới địa danh Ran Ran và cũng nằm trong lãnh thổ vương quốc Chăm Pa - xem bản đồ bên dưới (năm 1653), bản đồ năm 1651 thường gặp thì in địa danh này ngay góc trái phần dưới rất khó đọc nên không chụp lại cho bài viết này:

clip_image029

Như vậy thì Varella nghĩa là gì? Dựa vào tự điển tiếng Bồ-Đào-Nha và tiếng Anh[10] (1773)

"Varella hay Varela chỉ chùa hay đền thờ thần của người Ấn Độ, hay tu viện của họ" (tạm dịch/NCT). Để ý có hai cách viết Varella và Varela.

Tra tự điển tiếng Mã Lai hay Inđônêsia thì có danh từ berhala nghĩa là thần thánh (được thờ phượng). So với nghĩa của tiếng Bồ phượng Varella thì rất giống nhau, và có tác giả như Henry Yule và Arthur Coke Burnell[11] (trong cuốn Hobson-Jobson in năm 1886/1903) cho rằng varella có gốc Mã Lai[12] là berhala qua quá trình biến âm b-v:

berhala > berela > varela (hay varella)

Khả năng tiếng Bồ Varella có gốc Mã Lai[13] rất cao vì các tàu Bồ-Đào-Nha thường dùng người Mã Lai địa phương làm thủy thủ hay dẫn đường từ Malacca đến vùng Đông Nam Á, Trung Hoa, Nhật hay Phi-Luật-Tân. Ngoài ra, các tài liệu trước đây cũng cho thấy khả năng này - như trong một bức tường trình về Trung Hoa (“Accounts of China”) của một giáo sĩ dòng Tên gởi cho LM Alvarez H. of Ethiopia (1555):"chùa chiền của họ rất lớn, trang hoàng lộng lẫy, mà họ gọi là varelas, tốn rất nhiều tiền để xây ..." tạm dịch/NCT - trích từ trang 960, cuốn Hobson-Jobson (sđd). Như vậy là có cách dùng mở rộng của Varella từ nét nghĩa nguyên thủy là tượng thờ (thần/thánh/bụt) trở thành chỗ thờ hay chùa chiền. Có những địa danh cũng mang tên Varella nếu đi từ Malacca đến Macao như nhà buôn Hà Lan Jan Huyghen van Linschoten (1563-1611) từng ghi nhận "vào eo biển Sincapura có tảng đá hình tháp gọi là Varella del China" và dọc bờ biển Chăm Pa có mũi Varella (ponto da Varella). Ông cũng vẽ bản đồ sau với địa danh Auarella (Varella) và Champoa (Chăm Pa) ghi ngay dưới - trích từ trang https://www.raremaps.com/gallery/detail/67454/exacta-accurata-delineatio-cum-orarum-maritimarum-tum-etja-van-linschoten (Amsterdam, năm 1596):

clip_image031

Các bản đồ ngay trước và sau TK 17 cho thấy Chăm Pa (Chiêm Thành) có nhiều giao lưu với nước ngoài và biên giới chung quanh rất khác biệt, phản ánh phần nào sự thiên lệch - vì người vẽ hay các nhà hàng hải chỉ biết nhiều đến Chăm Pa mà thôi - cũng như Đàng Ngoài chỉ còn là một hạ lưu sông Hồng rất nhỏ và có lúc lại bị đồng hóa với Cochinchina (Đàng Trong)! Đến thời này thì mũi Varella vẫn nằm ngay biên giới giữa Chăm Pa và Đàng Trong.

Bản tường trình ("The travels of Peter Mundy" sđd) của nhà buôn người Anh Peter Mundy (1597-1667) có nhắc đến đỉnh Varella và vài chi tiết thú vị:"Ngày 18/6/1637, (tàu) chúng tôi đi ngang qua La Varella, một tảng đá lớn thẳng đứng giống như một cái tháp tọa lạc gần đỉnh của một dãy núi cao gần biển ... Tảng đá Varella này phân chia nước Chăm Pa và Đàng Trong (Cauchin-China) mà cả hai vương quốc này luôm tìm cách thâu địa danh này cho riêng của mình. Tảng đá này cao khoảng 10 đến 12 yeards (khoảng 9 đến 11 mét bây giờ) và là một trong những kỳ quan thế giới. Người Trung Hoa và Nhật Bản khi đi tàu ngang qua đây thường cúng kiến ở nơi này. Bờ biển Chăm Pa thì rất gồ ghề, trống trải, đầy cát và những loài thú hoang như voi, hùm, tê giác,etc. Bờ biển Đàng Trong thì lại thấp và bằng phẳng" tạm dịch/NCT. Hình vẽ sau của La Varella trích từ cùng một tài liệu (sđd):

clip_image033

Tới đầu TK 19, cái mốc Varella (bến đá dựng) cũng được LM Philiphê Bỉnh ghi nhận trong "Truyện nước Anam Đàng trong quyển nhị" (1822) - đoạn này cũng có vài chi tiết ‘đặc biệt’:

clip_image035trang 3 (sđd)

clip_image037trang 3 (sđd)

Người Việt Nam gọi Varella là núi Ông, đá dựng, núi hay tảng Đá Bia (tên chữ là Thạch Bi Sơn 石碑山), v.v. Đây cũng là một ngọn hải đăng thiên nhiên cho các tàu buôn đi lại ở vùng biển này - hình bên dưới chụp vào đầu TK 20 trích từ trang https://mangphuyen.com/anh-sieu-hiem-vung-ro-mui-dien-hoang-so-mot-the-ky-truoc.html

clip_image039

Bản đồ năm 1823 cho thấy mũi Varella còn gọi là mũi Pagoda (mũi ‘chùa’ phù hợp với nét nghĩa của tiếng Bồ Varella đã ghi bên trên), Đá Bia - trích từ trang https://www.raremaps.com/gallery/detail/60528op/china-sea-sheet-ii-1823-hong-kong-taiwan-philippi-horsburgh

clip_image041

Không những là một hải đăng thiên nhiên và là một cái mốc biên giới giữa Đàng Trong và Chăm Pa, núi Đá Bia Varella còn được gọi bằng những tên phản ánh tín ngưỡng dân gian từ những nền văn hóa khác nhau. Thí dụ như Vũ Bị Chí[14] 武備志 có ghi nhận địa danh Linh San (Varella), theo học giả Pierre-Yves Manguin (sđd) có nghĩa là núi thiêng (linh HV). Nhận xét này phù hợp với tên gọi Núi Đá Bia là Lingaparvata (đấng Đại Sơn Thần) của dân tộc Chăm Pa (ảnh hưởng của Ấn giáo, Linga). Sau này người Pháp còn gọi núi Đá Bia là Le doigt de Dieu[15] (ngón tay của Thượng Đế). Có lẽ nên nhắc ở đây ngoài nét nghĩa mở rộng và dễ gây nhầm lẫn như trên của Varella, ta còn thấy mũi Varella còn dùng để chỉ những địa danh khác nhau như mũi Varella thật (Pr. Varella verum), mũi Varella giả (Pr. Varella falsum) - xem bản đồ bên dưới trích từ des Cartes hydrographiques de Mr. D'Apres de Mannevillette[16] trang https://www.raremaps.com/gallery/detail/55700/carte-des-indes-orientales-dessinee-suivant-les-observations-homann-heirs.

Khuynh hướng lẫn lộn trên còn cho thấy một số học giả hay nhà nghiên cứu dân gian gần đây cho rằng mũi Varella (mũi Đại Lãnh) là tên do sĩ quan người Pháp đặt ra vào khoảng cuối TK 19 (xem thêm bài viết "Bàn về danh xưng Varella" của tác giả Nguyễn Lục Gia). Nên nhắc lại ở đây là các bản đồ trong tài liệu LM de Rhodes (năm 1651 và năm 1653 - xem bên trên) đã có ghi địa danh Varella rồi!

clip_image043

Tóm lại, khi đọc kỹ các tài liệu như VBL và bản đồ LM de Rhodes đã ghi lại cho ta nhiều kết quả thú vị. Phổ Kiến là cách đọc xa lạ với người Việt hiện nay vì phụ âm cuối (-c, trong dạng Phúc) đã mất đi, cũng là cách đọc chữ Phúc trong tiếng Trung Hoa vào TK 17. VBL đã cho ta thấy phần nào khuynh hướng tha hóa của phụ âm cuối/tắc (td. phụ âm c/p/t) của tiếng Trung (Quốc). Ngoài ra, cách dùng Chincheos chỉ người Chương Châu và Chincheo chỉ cảng/thành phố Chương Châu cũng cho thấy âm đọc cổ hơn của địa phương (thuộc tỉnh Phúc Kiến). VBL cũng cho ta biết Chincheo là tên do người Bồ-Đào-Nha đặt ra, dữ kiện này không gây ngạc nhiên cho lắm vì vùng bờ biển phía đông nam TQ này là nơi người Bồ-Đào-Nha đã tiên phong đặt cơ sở thương mại với Trung Quốc. Vấn đề trở nên thú vị khi Chincheo cũng từng là một dạng kí âm của địa danh (cảng) ở An Nam, không xa lạ gì với các nhà hàng hải Bồ-Đào-Nha trước đây. Ngoài ra, ảnh hưởng của Bồ-Đào-Nha còn thể hiện qua địa danh Varella[17] mà nay không còn dùng nữa, đây là biên giới vào TK 17 phân biệt Đàng Trong và Chăm Pa. Mục đích loạt bài viết này là gợi ý cho bạn đọc để tìm hiểu sâu xa hơn về các địa danh phổ thông vào thời kỳ các giáo sĩ và nhà buôn tây phương đến Đông Nam Á, thời kỳ những tàu buôn đi lại rất sinh động trên biển Đông[18]. Chỉ một địa danh Chincheo hay Varella có thể cần cả một cuốn sách dầy để giải thích cho rạch ròi, tuy nhiên người viết/NCT hi vọng phần 23 này cho thấy phần nào nguồn gốc tên gọi (địa danh) qua ảnh hưởng quốc tế so với địa phương mà ít người nhận ra.

6. Tài liệu tham khảo chính

1) J.G. de Casparis chủ biên (1997) "Sanskrit loan-words in Indonesian: an annotated check-list of words from Sanskrit in Indonesian and traditional Malay" Badan Penyelenggara Seri NUSA, Universitas Katolik Indonesia Atma Jaya (Jakarta).

2) Philiphê Bỉnh (1822) "Sách Sổ Sang Chép Các Việc" NXB Viện Đại Học Đà Lạt, 1968.

(1822) "Truyện nước Anam Đàng trong quyển nhị" tài liệu viết tay của chính tác giả còn lưu trữ trong thư viện tòa thánh La Mã.

3) Đỗ Quang Chính (1972) “Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659” NXB Đuốc Sáng (Sài Gòn).

4) Colonial Voyage - trang mạng Internet (1998-2020) - có nhiều bài viết và hình ảnh giá trị về chủ nghĩa thực dân và lịch sử/ảnh hưởng của Bồ-Đào-Nha ở Á Châu - tham khảo trang này https://www.colonialvoyage.com/south-east-asia-far-east-asia-list-portuguese-colonial-forts-possessions/

5) Huỳnh Tịnh Của (1895/1896) "Đại Nam Quấc Âm Tự Vị" Tome I, II - Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4 rue d'Adran (SaiGon).

6) J. F. M. Génibrel (1898) "Dictionnaire annamite français" Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).

(1906) "Petit dictionnaire annamite français" Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).

7) Nguyễn Lục Gia (2015) "Bàn về danh xưng VARELLA" bài viết đăng trong tạp chí Suối Nguồn - Trung Tâm Dịch Thuật Hán Nôm Huệ Quang SN 18 – T 8/2015

8) Nguyễn Quang Hồng (2015) "Tự điển chữ Nôm dẫn giải" Tập 1 và 2 - NXB Khoa Học Xã Hội/Hội Bảo Tồn Di Sản Chữ Nôm (Hà Nội).

9) Pierre-Yves Manguin (1972) "Les Portugais sur les côtes du Viet-Nam et du Campa - Étude sur les routes maritimes et les relations commerciales, d'après les sources portugaises (XVIe, XVIIe, XVIIIe siècles)" NXB Ecole française d'Extrême-Orient (Paris). Một tài liệu tham khảo quan trọng về ảnh hưởng Bồ-Đào-Nha và bờ biển VN/Chăm Pa vào TK 16, 17…

10) Peter Mundy (1910) "The travels of Peter Mundy in Europe and Asia 1608-1667" chủ biên: Richard Carnac Temple, xuất bản cho hội Hakluyt Society (London).

11) Nguyễn Văn Nghệ (2007) "Vua Lê Thánh Tông có đến núi Đá Bia và cho tạc bia làm mốc ranh giới không?" đăng trên Tạp Chí Xưa & Nay - Số 281 (04/2007).

(2017) "Cap Varella 'thật' và Cap Varella 'giả' " bài viết đăng trên mạng Nghiên Cứu Lịch Sử.

12) Alexandre de Rhodes (1651) "Phép Giảng Tám Ngày" - Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 - Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.

(1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính - NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).

“Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).

"Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646" dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên - Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).

13) P. J. Rivers (2010) "Whither Berhala? The Search for an Idol" bài đăng trên tạp chí Journal of the Malaysian Branch of the Royal Asiatic Society Vol. 84, No. 1 (300) (June 2011), pp. 47-101.

14) Xavier Soares Anthony/Sebastiao Rodolfo Dalgado (2007) "Portuguese Vocables in Asiatic Languages" NXB Joline Press.

15) Nguyễn Cung Thông (2011) "A Di Đà Phật hay A Mi Đà Phật?" - có thể xem toàn bài trên các trang http://www.daophatngaynay.com/vn/tap-chi-dao-phat-ngay-nay/Bai-viet-chon-loc/9925-A-Di-Da-Phat-hay-A-Mi-Da-Phat.html, v.v.

(2016) "Cách nói xuống thuyền, trên trời, ra đời, Đàng Trong/Ngoài ... thời LM Alexandre de Rhodes (phần 1)" có thể xem toàn bài trang này http://chimvie3.free.fr/baivo/nguyencungthong/ncthong_CachDungXuongThuyenTrenTroiVaRaDoiP1.pdf

(2016) "Cách nói tôi, ta, tao, tớ, qua, min... Tiếng Việt thời LM de Rhodes" - có thể xem toàn bài trang này http://chimvie3.free.fr/baivo/nguyencungthong/ncthong_CachNoiToiTaTaoToP2.pdf

(2016) “Huyền Tráng, Huyền Tảng hay Huyền Trang? Hiện tượng đồng hóa âm thanh (phần 2)” - có thể tham khảo hai bài viết này trên các trang mạng như http://www.daophatngaynay.com/vn/phatgiao-qt/con-nguoi-qt/21409-huyen-trang-huyen-tang-hay-huyen-trang-hien-tuong-dong-hoa-am-thanh-phan-2.html

(2015) "Sinh thì là chết?" - có thể tham khảo ba bài viết này (đánh số 11.1 đến 11.3) trên các trang mạng như http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=21612

(2013) "Tản mạn về từ Hán Việt thời-thì" có thể xem toàn bài trang này https://khoahocnet.com/2013/06/15/nguyen-cung-thong-tan-man-ve-tu-han-viet-thoi-thi-phan-6-2/

(2012) "Những đợt sóng giao lưu ngôn ngữ Việt-Trung qua con đường tôn giáo - vài vết tích sau thời nhà Nguyên trong từ điển Việt Bồ La (phần 1.3)" - có thể xem toàn bài trang này http://pgvn.vn/nghien-cuu/201508/Nhung-dot-song-giao-luu-ngon-ngu-Viet-Trung-qua-con-duong-ton-giao-vai-vet-tich-sau-thoi-nha-Nguyen-trong-tu-dien-Viet-Bo-La-phan-1-3-49809/

16) Henry Yule/Arthur Coke Burnell (1886/1903) "Hobson-Jobson: A Glossary of Colloquial Anglo-Indian Words and Phrases, and of Kindred Terms, Etymological, Historical, Geographical and Discursive" cập nhật bởi William Crooke, NXB J. Murray (London, 1903).


[1] Nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc) – email nguyencungthong@yahoo.com

[2] Tương tự như các dạng HV Bắc Kinh, Nam Kinh, Đông Kinh đều là âm cổ còn hiện diện trong tiếng Việt.

[3] Có người cho rằng nhà Lý nước ta cũng có gốc Mân Việt, xem bài viết này chẳng hạn http://nghiencuuquocte.org/2020/02/16/ly-nhan-tong-chuan-bi-danh-tong/#_ftn13, v.v.

[4] Cũng như tiếng Triều Châu/Tiều (liên hệ đến tiếng Phúc Kiến < Mân Nam): đậu phụ đọc là đậu hũ (f > h)…

[5] Tạm dịch/NCT là "Tường trình về hành trình đầu tiên vòng quanh thế giới".

[6] Ferdinand Magellan (1480-1521) là nhà thám hiển người Bồ, người đầu tiên vượt Thái Bình Dương.

[7] Buôn bán gia vị (spice trade) giữa các nước rất thịnh hành vào TK 16, 17: từ Phúc Kiến với thổ sản như quế...

[8] Tuy nhiên trong một bản tường trình khác, ông lại dùng dạng Chincheo (không có phụ tố -s), nhưng đều chi Chương Châu (Phúc Kiến). Trong tài liệu trên, ông đề nghị Tổng Trấn thành phố Manila (gốc người Tây Ban Nha) đem quân lính đến chiếm đảo Hermosa (Đài Loan) để được lợi thế thương mại với TQ, đặc biệt là vì gần cảng Chincheo nhất. Để ý địa danh Hermosa sẽ trở thành Formosa (đảo Đài Loan) sau này qua tương quan h - f như đã ghi nhận về giọng Phúc Kiến (Fukian – Hokkien, đậu phụ - đậu hũ - tàu hũ …).

[9] Vết tích ở thành phố Hà Nội: phố Phúc Kiến cũng từng là một phố lớn ở Hà Nội - cụ Trương Vĩnh Ký ghi rằng "Phước Kiến phố, bán đồ đồng, đồ thiếc" trong "Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi (1876)" trang 15.

[10] Tự điển “A Dictionary of the Portuguese and English Languages, in Two Parts: Portuguese and English, and English and Portuguese, Volume 1” - tác giả Antonio Vieyra Transtagano (1773) - tái bản nhiều lần.

[11] Tham khảo cuốn tầm nguyên tự điển "Hobson-Jobson: A Glossary of Colloquial Anglo-Indian Words and Phrases, and of Kindred Terms, Etymological, Historical, Geographical and Discursive" của Henry Yule và Arthur Coke Burnell trang này chẳng hạn https://archive.org/details/hobsonjobsonglos00yulerich, v.v.

[12] Tương quan phụ âm đầu/môi b-v thường gặp như tiếng Việt bổn - vốn, bản - ván, bố - vải, bộ - vã, bổ - vá, bộ - vã... Tiếng Mã Lai - tiếng Bồ: berhala - varella, biola - viola (đàn viôlông/violin/vĩ cầm) hay tiếng Bồ - tiếng Mã Lai: banga - vamsa (quốc gia, nước, dân tộc), bayu - vayu (gió), biara - vihara (tu viện), v.v.

[13] Một số học giả như Jan Gonda đi xa hơn nữa, cho rằng berhala có gốc tiếng Phạn bhattara (ông vua cao quý)

[14] Tài liệu Trung Hoa ghi lại các bản đồ vào TK 15, có lẽ từ thời nhà thám hiểm Trịnh Hòa (1371–1433).

[15] Dãy núi Alps ở Pháp cũng có ngọn núi mang tên "Le Doigt de Dieu" (cao 3970 m).

[16] Bản đồ này được vẽ bởi nhà hàng hải người Pháp Jean-Baptiste Mannevillette (1707-1780) sau nhiều chuyến hải hành. Công trình này được hỗ trợ bởi Viện Hàn Lâm Khoa Học Pháp (Académie des Sciences) và được xuất bản với tựa đề Le Neptune Oriental (Paris, 1745). Sau đó, ông vẫn tiếp tục cập nhật tài liệu vì muốn tăng mức độ chính xác của chúng, ông tái bản các bản đồ này vào năm 1775 cùng với người bạn là chuyên viên vẽ họa đồ người Anh Alexander Dalrymple.

[17] Xem thêm bài viết khá chi tiết "Truyền thuyết về núi Đá Bia" của các tác giả Đào Minh Hiệp – Đoàn Việt Hùng trên báo Phú Yên (Phú Yên online) trang này http://www.baophuyen.com.vn/94/11324/truyen-thuyet-ve-nui-da-bia.htm (8/4/2007), v.v.

[18]Nhất là trong giai đoạn cấm đạo thiên chúa ngặt nghèo ở Nhật Bản: trong thời kỳ Edo (1603-1868). Từ đầu TK 17, Nhật Bản cấm dân theo CG cũng như nhiều luật lệ khắc khe khác (td. mọi người phải đăng kí tên của mình ở chùa, không được ăn thịt bò và thịt lợn...). Tàu bè thương mãi bắt đầu dồn về Đông Nam Á hơn trước.