Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2020

Thơ Phan Hoàng Phương

Những bài thơ đầu tiên của Phan Hoàng Phương xuất hiện vào thời điểm 1989-1990 trên các báo địa phương như Quảng Nam - Đà Nẵng, Tạp chí Non Nước, Diễn đàn Thanh Niên… rồi đến các báo Lao Động, Tiền Phong, Văn Nghệ… Trong bối cảnh sinh hoạt văn chương sôi nổi bấy giờ, chị đã được đón nhận nồng nhiệt bởi một giọng thơ mới – giọng thơ nghiêng về tinh thần suy tưởng, vốn còn ít ỏi, nhất là với thơ nữ.

Người đọc có lý do để hy vọng Phan Hoàng Phương sẽ đi đường dài cùng thơ với tất cả những vui buồn, may rủi của nó. Chị dự tuyển và được đón nhận vào trường viết văn Nguyễn Du.

Thế nhưng, chỉ sau hai tháng nhập học, chị đã rời Hà Nội và quay về Đà Nẵng để bắt đầu một công việc khác: làm báo.

Phan Hoàng Phương viết ít và thường lưỡng lự khi công bố tác phẩm của mình. Chị cho rằng nghề báo đã khiến chị “xao lãng” với Thơ, “bội bạc” với Thơ. Đó chỉ là một cách nói. Viết, không viết, viết gì, viết như thế nào, tiếp tục hay dừng lại… Có biết bao lý do cho sự “xao lãng”, “bội bạc” hay “thủy chung” với Thơ của một người.

Dù sao, Phan Hoàng Phương quả đã đi một quãng đường đủ dài, cho đến hôm nay, khi chị cho ra mắt tập thơ thứ hai của mình: Giới hạn.

Nhân dịp này, Văn Việt xin giới thiệu bài viết của TS Ngữ văn Huỳnh Văn Hoa về thơ Phan Hoàng Phương và một chùm thơ rút từ Giới hạn (NXB Đà Nẵng/2020).

Văn Việt

IMG_20200707_151723

 

NGƯỜI ĐÀN BÀ LẶNG LẼ LÀM THƠ

Huỳnh Văn Hoa     

Cách đây hơn 25 năm, năm 1994, Phan Hoàng Phương in tập thơ đầu tay, tập Giữa thời gian. Tập thơ mỏng, chỉ 65 trang, với 32 bài. Từ đó đến nay, thơ đăng rất ít, kiệm lời. Tôi gọi đó là người đàn bà lặng lẽ làm thơ, nửa muốn gắn bó và nửa muốn rời xa thơ ca. Gia sản cộng lại, kể cả tập sẽ in, đâu chừng trên dưới 70 bài. Ngần ấy của hơn ba thập niên làm thơ, dẫu biết rằng, ít hay nhiều, không thể nói bằng con số được. Tập thơ sắp in, có tên Giới hạn. Tôi thích sự chọn tên cho tập thơ của tác giả.

Phan Hoàng Phương viết ít, in ít, có lúc hình như muốn phủ nhận những đứa con nghệ thuật của mình, vì thế, có bài đọc xong, đeo bám suy nghĩ, đeo bám cảm xúc người đọc. Hơn 30 năm làm thơ, giữa hai tập thơ Giữa thời gian (NXB Đà Nẵng, 1994) và Giới hạn (2020) có khoảng cách 25 năm. 25 năm là độ lùi của bao cảm xúc và suy nghĩ, cái được và cái mất, hạnh phúc và đớn đau của cuộc đời. 25 năm, quãng thời gian không ngắn, bao dòng sông về xuôi, bao số phận bọt bèo, nghiêng ngả đã đi qua:

Đêm đó/ Sau lưng ông/ Dòng sông Hương như đứng lại/ Ghi lấy lời mai sau/ Quả rằng ông lý/ Khi khuyên với nhân gian/ Những lúc buồn/ Hãy vịn câu thơ đứng dậy (Nhớ Phùng Quán)

Đêm nay/ Chuyến tàu chở người từ cõi âm về đông nghẹt/ Con không dám ra sân ga đón người/ Không dám nhìn sâu vào di ảnh của người/ lại sợ người tin cậy ... Chuyến tàu lại rời ga/ Con sấp ngửa chạy theo không ai hay biết ... (Rằm tháng bảy)

Khi xưa ta khóc/ Khi không được cái áo thật trắng, cái quần thật xanh cho ngày đồng diễn năm 76/ Khi không được/ Những thanh củi thật khô để nhóm lên bếp lửa ngày đông khói khỏi cay nhòe nước mắt/ Lớn lên ta khóc/ Khi đứng giữa miền đất Chiên Đàn trơ trọi năm 78/ Mối tình đầu trôi theo mảnh trăng non...

Rồi bẵng đi bao nhiêu năm/ Tiếng khóc dựa vào đỉnh núi/ Chỉ như thấy cây kia luôn xanh, hoa kia luôn thắm/ Chỉ như thấy ánh trăng dịu dàng mong ngóng/ Mây trắng vờn quanh năm/ Chỉ mình Anh theo dõi theo/ Rồi vẫn nói/ Đắng cay không cặn đâu em (Khóc)

- Không thể hỏi trời xanh/ Không thể hỏi sông dài/ Bao phận người đã trôi/ Bao đục trong đã nhận/ Bao chén rượu vơi đã thức để sông đầy (Trước sông)

- Chỉ một đoạn đường thôi/ Mà hoa trái chạm đến tầm tay với / Đẩy nỗi buồn lùi lại phía xa xôi (Bên nhau một chặng đường)

Tập thơ này có 45 bài, có tựa hơi lạ, Giới hạn. Giới hạn, theo định nghĩa của Từ điển Tiếng Việt: “Phạm vi, mức độ nhất định, không thể hoặc không được phép vượt qua” (Hoàng Phê, Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng - Trung tâm từ điển học, 2005, trang 405). Với toán học, “giới hạn là một trong những khái niệm cơ bản của giải tích toán học” (Từ điển toán học thông dụng, NXB Giáo dục, HN, 2001, trang 268). Giới hạn còn là một khái niệm của triết học (Xem Danh từ triết học, LM Cao Văn Luận chủ biên, NXB Trí Dũng, Sài Gòn, 1969, trang 97). Giới hạn như một chủ đề, xuyên suốt nội dung, hình ảnh thơ.

Xét đến cùng, Con người - Cuộc đời - Không gian - đều có giới hạn. Giới hạn của đời người làm ta hiểu rõ hơn cái vô hạn của vũ trụ, của thiên nhiên. Mọi nền triết học, cả đông lẫn tây, đều bàn về giới hạn. Giới hạn không chỉ là khái niệm của hình học, như đã nêu trên, mà còn là ý niệm của mỹ học, đạo đức học, tôn giáo. Các nhà hiền triết, xưa và nay, ít hay nhiều, đều nghĩ về giới hạn. Thơ Phan Hoàng Phương chới với giữa những chân trời.

Đọc thơ Phan Hoàng Phương, cứ nghĩ thời gian đã lăn tròn trên những mảnh vỡ cuộc sống, đã đánh cướp đi những cái gì gần gũi, thân thương và trả lại những hối tiếc, những mất mát, có khi sự mất mát là những khung trời cũ, gắn liền với kỷ niệm thời thơ ấu, thời mới lớn, thời mới yêu. Trong lấp lánh những mảnh vỡ đó, ta bắt gặp sự lặng thầm của một trái tim mẫn cảm, tha thiết nhớ, tha thiết tiếc thương. Lại có lúc là sự phủ nhận, trốn chạy chính mình. Những hình ảnh mờ tỏ, khuất chìm của quá khứ và cả hiện tại chưa xa lắm, về phương diện sáng tạo, đó là những thời gian - không gian mang tính nội tâm:

- Những ngày đi trong mưa gió/ thèm được nghe những câu thơ cũ/ đau như trời tuôn mưa/ buốt như cơn gió xé/ đẹp như vạt lau bừng sáng tận bìa rừng ...

Những ngày đi trong mưa gió/ Thèm nơi trở về, ngồi bệt trên nền nhà mát lạnh/ mâm cơm nóng hổi đủ đầy/ thèm nơi trở về/ những gương mặt ngẩng lên nụ cười chào đón/ quên người xa để nhớ những người gần (Đi trong mưa gió)

- Đã lâu rồi, tôi không nhìn ánh trăng khuất sau mé núi/ để thấy mình cheo leo (Đã lâu rồi)

Khi tôi về/ Lời nguyền xưa đã mất/ Bước chân đi chầm chậm một kiếp người (Khi tôi về)

Mọi niềm vui thì đã qua/ Còn nỗi buồn thì chưa tới (Năm 93)

Phan Hoàng Phương có những câu thơ day dứt, đau đáu về thân phận, khác với con người thật ngoài đời, bỡn cợt, tung phá. Sâu kín trong một số bài thơ như Khóc, Quê người, Kết thúc, Chia tách, Thiền, Năm 93, Rằm tháng Bảy, Hoa gạo, Quay lại, Tựa, Giới hạn, Đường chỉ tay, Như một lời tạ ơn,... gửi gắm bao nỗi niềm, bao tiếc nuối cho phận đời, như con tằm vương tơ, như ánh trăng chưa khuyết, như ngọn nến chưa tàn, nghĩa là còn vấn vương, nặng nợ. Tâm trạng giống Lý Thương Ẩn (813 - 858) trong Vô đề:

Xuân tàm đáo tử ty phương tận

Lạp cự thành hôi lệ thủy can

(Con tằm đến thác còn tơ vướng

Chiếc nến chưa tàn lệ vẫn sa

– Bản dịch của Khương Hữu Dụng và Nam Trân)

Trong thơ Phan Hoàng Phương, ta hay gặp hình ảnh “ánh trăng” (Những đêm trăng ngời ngợi - (Mùa mưa)/ Ánh trăng khuất sau mé núi - (Đã lâu rồi)/ Ánh trăng dịu dàng mong ngóng - (Khóc)/ Nhẹ hờ như một ánh trăng - (Tình yêu xanh)/ Một vầng trăng nhòa nhạt giữa mây trời - Trăng vẫn xanh xao/ Trăng vẫn lặng thầm - (Trăng ngày)/ Một vầng trăng muôn thuở - (Trăng muôn thuở)/ Trăng trôi về một phía - (Rằm tháng Bảy)/ Ánh trăng thôi mong manh - (Quay lại)/ Đêm rằm trăng thánh thiện - (Những chiếc gùi chật nặng)/ Bóng trăng non lặng thinh treo đầu ngõ - (Xa)/ Nguyên lành dưới ánh trăng - (Gương mặt).

Hình ảnh này đi dọc con đường thơ Phan Hoàng Phương, tạo nên sự giao hòa, đồng vọng và sẻ chia giữa thơ và đời. Thơ Phan Hoàng Phương là thẳm sâu của trái tim, hiểu giới hạn của đời người và buộc lên tiếng. Chỉ vậy và có vậy. Tiếng thơ đó như những đường chỉ tay của “duyên phận”, “xê dịch”, “hẫng hụt”, “dọc ngang”, “chồng chéo”, “chìm nổi”, song, luôn tâm niệm: Dặn mình sống trong hòa ái (Đường chỉ tay).

Đà Nẵng, tháng 2 năm 2020

 

 

 

THƠ PHAN HOÀNG PHƯƠNG

 MÙA XUÂN

Nụ đào giờ đã héo
Cánh mai kia đã lớp lớp rơi vàng

Bao mùa xuân trôi qua
chúng ta cứ bày biện, ngắm nhìn và thu dọn
Như thể nụ hoa kia biết cười, cánh hoa rơi biết khóc
Như lâu lắm rồi mới chọn được người thương

Ngoài kia
Trời thôi rắc bụi mưa
Ngọn gió thôi thổi buốt
vòm lá bàng trước ngõ trỗi xanh

Rồi phượng cũng sẽ rơi
sen cũng sẽ tàn
mọi lối lại ướp vàng hoa cúc.

Lại bày biện, ngắm nhìn ấm áp
một lớp vàng, một lớp đỏ, một lớp xanh
Quên cả lớp lá bàng chín thẫm
ngoài hiên sấp ngửa tiễn mùa đi.


GIỚI HẠN

Cuối cùng chúng ta cũng dừng lại trước bức tường

lặng im 

khô khốc

Ở đó

Hiện rõ những gương mặt của thiên thần

Hiện rõ  những trái tim thủy chung nhân hậu

 

Không thể như những đàn chim kia sải cánh vượt qua

Không thể như những chòm mây quyện vào nhau mà bay mãi

Em và anh như dãy núi nứt đôi

Mãi không chạm vào nhau được nữa.

 

Em qùi xuống dưới chân tường

Cỏ không còn màu xanh

Nước mắt khô thành muối

 

Bao nhiêu người đã đến đây

Cũng như em và anh

Như tạo hóa hợp tan đùa giỡn

 

Thôi ta về đi anh

 

Phía bên kia bức tường

Anh có nhìn thấy được

Những bước chân quay ngược phía bên này

 

 

BUỔI TỐI

 

Khi không còn sự tỉnh táo của ngày

Đêm bật khóc

 

Không cố gắng

Không điều chỉnh

Không giới hạn

Ý nghĩa chìm xuống đáy sông và lung linh trên mặt nước

 

Gương mặt anh

Khi xa, khi gần

Khi buồn, khi giận

Gương mặt anh, em đặt chỗ nào cũng sáng

 

Anh chạm vào cơ thể của em

Như không thể cố gắng hơn được nữa

Như không thể gìn giữ hơn được nữa

Như không thể giới hạn được nữa

Ý chí không còn mạnh mẽ

Bởi xúc cảm chân thành

Sự kìm nén chân thành

 

Đêm không đầu, không cuối

Ký ức xếp lên nhau như lá mục rừng sâu

Nhiều khi chỉ ước sáng mai không còn thức giấc

Quanh mình ụ mối bao quanh.

 

Ngày đến

Khi những tia sáng đầu tiên lọt vào khe cửa

Ý nghĩ lại sáng bừng

Chòm mây vẫn tinh khôi áp vào vách núi

Nụ cười vẫn thật hiền như cỏ ngọt đồng xa.

 

 QUAY LẠI

 

 

Quay lại

Cánh cửa thôi khép hờ

Ánh trăng thôi mong manh

Tiếng cười dịu êm giữa chừng tắt lịm

Hai gương mặt ngồi yên lặng trước gương

lạ lùng nhìn lạ lùng
xa xôi nhìn xa xôi

Có ai đó đã bước vào căn nhà này
đã chạm vào đồ vật này
đã đẩy mọi thứ về chốn xa?

Không có dấu vết của đợi chờ

của khổ đau hay đơn độc

 

Trước hiên

Góc sân bừng sáng

bông hồng vàng

ta từng tặng cho nhau

 

TÌNH YÊU XANH

Nàng cõng trên lưng rất nhiều tình yêu rồi ra đi
  Nàng không cần biết
Phía bên kia của tình yêu sẽ là gì
  Phía bên kia của sự tuyệt vọng sẽ là gì
Nàng đi tìm nơi cất giấu
Những gì đã là của nàng
Vĩnh viễn thuộc về nàng

  Đêm xuống
  Khi bầu trời lấm tấm những hạt sương
  đầu hôm mỏng manh
  Nàng nghiêng mình về phía trăng lên
Lặng nghe cơ thể của mình
Tình yêu của mình
Nhẹ hờ như một ánh trăng
Bỗng chốc nàng thèm được nói cười cùng ai đó
Thèm được giành giật một điều gì đó
Được rủa nguyền
Được tin
Được yêu và  hy vọng

 Rày đêm
Mai đêm và mãi mãi những đêm
Nàng biết
Nàng chẳng thể nào rời được nơi đâu
và đến được nơi đâu
Phía trước mặt mọi điều nguyên vẹn quá.

 

KẾT THÚC

 

Tôi viết những bài thơ  này

Khi câu chữ  đã bỏ tôi mà đi

Khi cảm xúc đã bị ngăn lại như con đập chắn ngang dòng nước.

 

Tôi viết những điều này

để một lần nữa hối lỗi với rằm trăng thánh thiện

với vầng mặt trời đỏ rực như que cời lửa

với nụ cười hiền

với sự bao dung

 

Tôi viết những điều này

để dâng tặng  anh

cùng nỗi buồn tôi không chạm tới bao giờ.

 

 LỜI TỪ BIỆT

 

Đã đến lúc

Chúng ta phải nói lời từ biệt

Chuyến bay trôi trong đêm

Mặt đất dần xa hút

 

Đã quá muộn rồi

Vì sao ơi xin đừng thức nữa

Đã quá xa rồi

Cánh buồm ơi xin đừng căng gió

Đã quá đau rồi

Bàn tay ơi xin đừng níu giữ

Ai đem đầm ấm ra đi

Ai xô cây đổ rạp

Ai đem muối xát lòng đau

 

Một giờ hai giờ ba giờ

Một tuần hai tuần ba tuần

Qua được một tháng là qua được một năm

Qua được một năm là qua được hai mươi năm

 

Qua được hai mươi năm là  đến ngày gặp lại

Lạ như gặp người dưng

Lạ như đứng chôn chân

trước căn nhà cũ

Lòng người vấp gió mở toang

 

QUA CẦU

 

Qua cầu

tắt nắng

mây trôi

 

Gió từ biển quay về

Sóng từ sông tìm bể

 

Kia, người đàn ông chở theo con gái

Tay cha nắm lấy tay con

như để giữ chặt hơn

 

Kia, người đàn bà chở theo con trai

Hai tay con vòng phía sau lưng

Như đã lớn

 

Đường chật

người đông

Những đôi tình nhân chen nhau về phía trước

tin cậy và trao gửi

 

Mai kia

Người con gái có chịu cho cha nắm chặt bàn tay

khi buồn tủi

 

Người con trai có tìm về úp mặt vào lòng mẹ

sau bao sóng nổi trên đời

 

Mai kia

những đôi lứa yêu thương

có kiếm tìm nhau sau lối rẽ

sau những lần tắt nắng, mây trôi?

Một ngày

lại thêm bao người thong dong

lại thêm bao người vội vã

lại thêm một người

đi mà không hay không biết

hôm nay

lần cuối qua cầu.

 

VÀ CHÚNG TA VẪN SỐNG

 

Bắt đầu từ đâu chúng ta rơi vào câm nín

Nụ cười vắng

Câu hát vắng

Căn nhà có khi chỉ còn nghe tiếng nước chảy trong ao cá

Tiếng trẻ con khóc

Tiếng bồ kết nổ trên bếp lửa

Và cả tiếng thở dài bên nhà hàng xóm

 

Có gì đặt giữa chúng ta

Đẩy chúng ta ngày một xa

Tưởng sẽ không được một năm, hai năm, ba năm

                               hay nhiều nhất là khi con gái đi lấy chồng, con trai đi lấy vợ
Thế  mà đã hết ngày xanh

Vẫn vậy và chúng ta vẫn sống

Không lẽ đứng trong góc bếp
Lai nhớ nôn nao cái bếp dầu, bếp củi
Không lẽ lướt bàn tay nhẹ êm trên bàn phím
Lại nhớ tiếng máy đánh chữ lách cách trong lòng đêm tĩnh lặng
Không lẽ mơ về một thời

Đèn nhà ai nấy rạng

Vẫn vậy và chúng ta vẫn sống
Những cánh cửa cứ mở ra với người này và khép lại với người kia

 

         THIỀN

 

 

Nhắm mắt

Đầu óc âm âm, vỡ tung, xáo trộn

Thời gian quay ngược, quay xuôi

 

Đồi cà phê trĩu quả

Rừng cao su rờn rợn

Hai gốc gạo đậu hoa đỏ rực

Lục bình túm tụm bờ ao

 

Năm 72.

Lớp vỡ lòng tao tác.

 

Năm 75

Từ quê Nội tìm đường về quê Ngoại

Ép người trên khoang tàu chật chội

Tới  Quảng Trị

Đi bộ 11 km

Qua sông Bến Hải

Vào chợ ven đường

Mẹ mua cho bộ đồ hoa

Đứng giữa đường thay vội

Cho không ai nhận ra

Con gái Bắc Kỳ.

 

Qua đèo Hải Vân

Thấy ông bà, cha mẹ, chị em, dì cháu, cô cậu ôm nhau khóc lặng

Nhìn ngơ ngơ ngác ngác

Nửa quê mình là đây?

 

Năm 78

Tạ từ  miền tây xứ Nghệ

Ngoảnh mặt nhìn nông trường bạt ngàn cà phê, bạt ngàn cao su,

bạt ngàn cam

Nghe loa phóng thanh, biên giới súng vang.

Lại vượt đèo Hải Vân

Tới vùng đất trọi trơ sỏi đá, cỏ héo xác xơ, đồi đầy nắng

Chỉ có ánh trăng vàng vời vợi

Niêm phong tình yêu đầu tiên.

 

Đôi chân vẫn khoanh tròn

Mắt nhắm

Đầu ngón tay tê buốt.

 

Cư xá ồn ào, dơ bẩn

Mỏi rục tay hứng từng giọt nước

Cho ngày phụ nữ ta mang.

Cư xá đầy dấu chân của đôi lứa yêu nhau

Đầy khóc, buồn lặng lẽ

Thả trôi tận cuối dòng Hương.

 

Muốn dừng lại mà sao không dừng được

Muốn ngăn ý nghĩ kế tiếp mà sao không ngăn được

Đầu óc âm âm, vỡ tung, xáo trộn

Thời gian quay ngược, quay xuôi.

 

Chạy khỏi Hà Nội vào ngày đông

Bỏ lại chăn bông, văn chương chữ nghĩa

Chui vào cuộc đời của anh

Ấm áp, tin cậy, nhọc nhằn, cay cay hạnh phúc.

Chui vào cuộc đời này

Sâu đến bao nhiêu mà lại muốn thoát ra

Rũ sạch

 

 

Muốn dừng lại mà sao không dừng được

Muốn ngăn ý nghĩ kế tiếp mà sao không ngăn được

Gương mặt anh hiện ra xám ngắt

Em nhìn mà bất lực

bất lực với cả chính mình.

 

Anh đã ngồi như thế này ư?

Đã kéo em về như thế này ư?

Đã rũ sạch như thế này ư?

 

Em không thể nào làm được như anh

Không thể nào rỗng không

Rũ sạch.

 

 

 

GƯƠNG MẶT

 

Gương mặt ấy

ngập tràn cái tốt

ngay cả khi chưa nắm bàn tay,

lòng đã nghĩ giữ lâu hơn thương nhớ

 

Gương mặt ấy thân quen như thể

khi buồn đã ngồi trước biển

khi đau đã ở cạnh sông

khi tuyệt vọng nhìn trời từng sợ sáng

thấy ngày đi lại sợ nối đêm về

 

Gương mặt ấy, đủ gieo niềm tin cậy

Gửi ráng chiều trên đỉnh non cao

Gửi hạnh phúc tựa cánh đồng lúa chín

Nguyên lành dưới ánh trăng

 

 

 

PHỤ NỮ

(Yêu mến tặng chị M.Nh)

 


Có ai biết sự dịu dàng kia
là khi gian truân đã quá nửa dặm đường
Có ai biết đôi mắt lấp lánh tin yêu kia
là khi đớn đau buồn tủi đã vùi sâu
Có ai biết sự khép mình cách biệt kia
là lúc đã đủ đầy ồn ã


Không còn nhìn bằng mắt
Không còn nghe bằng lời
Thanh thản nhận những chân thành nồng ấm
Những yêu thương có thực bên đời

Một ngày
Như cỏ như cây phủ đầy gió bụi
Tinh tươm sau đợt mưa trời
Một ngày bình yên cập bến
cắm con sào cẩn trọng nông sâu

Một ngày
Ngóng về phía chân trời
Chợt thấy một chân trời khác