Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 2 tháng 6, 2020

Xưởng tái chế linh hồn (kỳ 3)

Tiểu thuyết ít chữ Trần Quốc Toàn

(Tiểu thuyết này dành cho những năm tháng

tôi đã sống với những niềm bất an)

Tranh minh họa của Trần Quốc Toàn

TT-TRAN-QUOC-TOAN4_thumb_thumb


PHẦN II

***

con đường xuống núi, dắt người ra khỏi tiếng kêu buồn bã, người nghĩ buồn bã là cách thức để làm hồn cây cỏ, mây trời, trở về chốn thâm sơn cùng cốc, nơi con chim te te gọi gió núi nóng rát, người cầm trong tay một cây kiến cò, mắt mở to nhìn hoa nở tinh khôi,

chắc có lẽ mùa đã rục,

em bé đến hỏi chú sâu về những bông hoa

hoa của bầu trời,

vì sao con ong tìm đến,

mẹ là mẹ đất, nước, khí, trên cánh đồng hạt lúa là giọt máu,

ai! hòn đất tự lật lồng ngực dòng sông

sông cỏ nhìn trời ca thán,

bầy chim sẻ bị bẫy trên cánh đồng,

người nhớ miền quá khứ như chiếc chảo dầu đang đun sôi

tiếng con xuyên sơn vùi mặt tổ kiến

non nước ngồi cào cấu gió mưa tang,

người đi qua cây Phong Du, mặt trời trèo lên trên tổ quạ,

nghe đâu đây, tiếng trẻ con dưới xóm đang khóc, những cọng lá cháy, những cái giếng khô,

tơ bông gòn đắp mặt miễu đình,

vẳng tiếng cầu kinh,

nhưng đó là tiếng cầu kinh của những người mặt đỏ, những người mặt đỏ cầu kinh tế thần rùa, một bầy rùa ngoi ngóp trên điện thờ,

phút giây đó, đầy cảm hứng, đầy bi hoang mà cũng đầy những rung động như là tiếng chim hót, hay là cây cỏ đang hát, tiếng hát từ nỗi thống khổ bao giờ cũng đầy huyết lệ…

***

vào một ngày người về nơi dốc gió, nghe thấy tiếng lòng lắng nhịp phù sa, xin chia nhau khoảnh khắc này đây, khi khuya sớm gõ dấu ấn tiềm thức lên đá,

đá, từ lúc dấu hương bỏ quên loài cây ngủ lâu trong thanh âm, rỉ rả ngọn núi

đặt lại căn cước cho miền đất an trú

bay về trời câu hát chim trích,

ấu thơ ơi! tầm gửi lọn củi giấc mơ ca-lăng-tần-già, cửa chuông gác sách trăng mối gặm,

đã ngàn đêm như những giọt tinh vân còn đọng khuya

loài hoa bão,

ai đi như triều cường dâng cõi mộng biên thùy,

cuối đầu sửa sang dấu chân người

huyệt lạnh mật ngôn cát trắng lưu hồn xưa đất cũ

này cây Sơn Nữ, lòng mùa rắc sương âu lâu, chim nhảy trên

thành phố rêu, có nỗi buồn khắc khoải, Thị Nại am gốc liễu hạt giống

gieo giọt máu hời rát mang cá

rồi nhớ chim khách ngõ vào chiều tối

kinh đêm,

người rung chuông gió Nhật Nguyệt

rêu rao bóng tối, thắp lại sự tàn úa phai phôi, phía dưới những tấm phên nứa, là nghe tiếng vỗ tay của đền đài,

lẽ nào, đền đài lúc này là làng mạc với bản thảo, nửa đêm không trọn một ý tưởng

đôi cánh nào vừa mới đập cánh, vì lẽ, trứng chim ấp muỗi là đá, và trùng vây chữ ngoi lên trong lớp khí quyển đặc màu huyền thoại,

ai gieo nỗi hờn lên tư duy trì mạng nhện,

thao thức, NGHĨA LÀ LÚC NGƯỜI NẤU NUNG TỪNG ÁM ẢNH TRÍ NHỚ, ngôi làng, nơi đang mai một những tích cũ vì không còn người kể chuyện, người kể chuyện, dưới khuya côn trùng rỉ rả, bọn trẻ ngồi, hoặc đứng, hoặc lắng tai để nghe và nhận biết về thế giới, giờ đây, bỗng hoang mạc, người thắp chút lửa củi tre gai, thấy trâu nằm mộng tưởng, trên đường đi,

ghé thăm người bạn

là sĩ phu, hay râu dài bốn mùa không cạo,

hỏi là điềm gì? sao người lưu lạc đến đây,

nơi độc trùng đang ăn hơi thở,

lời nguyền đương đại giữa những giống dân,

chết chóc, từ lâu trên tấm bản đồ của tồn sinh,

thế là, cây cỏ cũng mang thân phận cùng cơn bĩ cực núi sông, lòng trắc ẩn như lúc người để rơi bước chân lạc lõng, người muốn nói chuyện với cây cỏ, mà dường như vô ngôn, người bạn đã già, đã thinh lặng mắt ngó ra biển chiều,

– lẽ ra, chúng ta nên hoan ca, vì hoan ca sẽ làm hồi hương tình yêu nơi đất cũ,

– bạn ta, người nói rằng, nếu không tiếp tục sinh trưởng những ý niệm, có lẽ, người sẽ không hoàn thành xưởng tái chế linh hồn, dù gì đi nữa, hoan ca luôn làm người hứng ngẫu bện chặt cùng sự buồn bã, mà buồn bã luôn chào đón bất kỳ vị khách nào, thuộc về người,

người trở về rừng thông, sau chuyến đi dài, người nhìn cửa hang, và gọi người nữ, người nữ vẫn thao thức bấy lâu, đôi vú nàng teo tóp, tóc nàng như khói bụi, có lẽ, cuộc trình diễn đương đại làm người mệt mỏi, con ong vú lá đang đậu lên vai, khung xương Sống nói với người rằng

π dây đậu biếc đã ôm lấy tượng gỗ

mười hai chiếc xương nối liền cõi âm thanh

tháp lửa, đất cũ hổ nằm,

sông thao thiết,

khuya khoắt về nghe hạc trời hoá gió

thiên tiên

là ý sầu riêng chỉ đèn sáp hiểu là màu toang phủ nguyệt quế

chí trai chưa sờn sợi dây thủy chung,

nhiều loài động vật giờ đây đã mất dấu

chim mỏ vàng, bay về phía trời không,

hoang vu quá chăng.

vết màu vỡ, người thu thần, ngồi thở, gió cửa nam thổi,

và bắt đầu dựng lại ý niệm bấy lâu…

***

ai đi qua ngõ, bóng tối và hư vô, tình yêu của cõi đời, dù là mây, ảo ảnh, khi chực rúc vào tiếng sóng biển, dấu chân lưu dân, đất rừng, mùa bông điên điển nở, dòng kênh chở phù sa tắm vườn bưởi, làm cuộc trăn trở đất, trên mây kia có ông lão ngồi dạy lũ chim trời hát trong ngày nắng hạ,

đường chim bay trú vết của ngàn năm di cư

mỗi khi có tin tức về cuộc biến động của thế giới, ông lão lại ngồi dạy lũ chim hát, vì sợ chúng quên tiếng hát của mình,

nguyên thủy, nơi ẩn trong tiềm thức, là điệu vũ sa mạc, trăng khuyết mẻ hình bóng dòng sông, những thiên thạch rơi, hoa hồng cầu đỏ, mùi chiến tranh, lầu đài vua chúa xanh màu cỏ, và giờ chỉ còn một cõi trống không, một vùng mây ký ức trên mặt đất,

– không thù hận, không máu, sự tàn sát, băng hoại, không ý thức hệ,

vậy mà điềm chi đang khiến cả nhân loại rùng mình, truyền trao tin tức, đêm ngày thốt lên những thống khổ như thế?

thế kỷ này, ông lão đang dạy lũ chim hát bài ca về những tin tức của thời gian,

một hạt bụi, một ký sinh trùng, đã làm sụp đổ mọi thứ vũ lực, mọi quyền năng mà con người muốn làm chủ,

khi đất đai phát tiết, thiên nhiên và chim thú, nghiễm nhiên về lại ngôi vĩnh cửu, không đền đài, không ngôn ngữ nào, mà vẫn sinh sôi, che chở cho loài tự xưng là đỉnh cao của trí tuệ,

ảo ảnh, ảo ảnh đầy trên những tin tức, những ngày dài nhiễu nhương, những ngày bất hạnh, bị tước đi những huyễn hoặc, có chăng cũng là lúc loài người ý thức được rằng, cần trở về với thiên nhiên, chuộc lại lỗi lầm, vì đã truy cùng giết tận những gì thiên nhiên đã ban tặng,

non nước, chim chóc khởi lên

dấu máu là dòng sông kinh khuya

dế gọi bạn tình,

thời gian trình tự cái chết ngôn ngữ,

nhưng, làm sao có thể, để những dòng sông trở lại tắm mát những biền bãi có con chim én chim trích chiều chiều bay về lội, mọi thứ bị phá nát hết rồi, và khi nào đây, mặt đất hiện tại, đã dày kín mộ bia, cả nơi rừng thiêng nước độc, dấu chân của loài người cũng đã găm lên nhưng hờn căm rừng rú dòng thời gian dài như tiếng gió thổi trong tâm hồn, kiên nhẫn và đầy ảo tượng,

mùi thơm của khát vọng, trên đường hoa,

gập ghềnh, uẩn khúc, để nhìn thấu tận cõi miền khi ánh trăng là đôi mắt của chim,

là cuộc tìm kiếm, đào bới, có khi vui buồn cũng là cuộc trăn trở ý thức, trăn trở và hoài nghi,

sinh tồn trong hiện tại, thế là một lần bước vào cánh cửa tưởng tượng, những ký hiệu tiếp nối, bỗng nhiên nhận ra dấu chân của nghìn năm âm thầm ghi lại, đấy có phải là lúc khu vườn lưu trữ ánh sáng, khuôn mặt ngày con ong trên đường bay, gieo hạt âm dương, đất đai khi giọt mưa thấm vào sự cằn cỗi, trong thân thể tứ đại này, bật lên mầm sống, rồi chuyển tiếp cơ sự trong tuần hoàn não trạng, miên man không dứt,

và từ đó, mây đã làm cho dòng nước thêm sắc màu

người đã hát, tiếng hát của chú dế, của suy tư, của ngày và đêm, những rạn vỡ ban mai, dấu ngày như vệt khói loan tin, rằng thế giới đang làm cuộc tẩy trang khuôn mặt sự sống,

kiên nhẫn, như chiếc lá đã kiên nhẫn đợi mùa gió mang đi màu xanh, tái tạo lại buổi hoàng hôn ảo tượng,

lọn tóc khói, nhúm lông & mây

thắp lên khuya trăng,

có tán lá mùa hè, con kỳ nhông cuộn buồng trứng, tôi mơ thấy mặt đất rạn nứt, và tiếng gió, ngoài kia những khuôn mặt người, rớt đầy trên tro tàn,

ai cúi nhặt hoàng hôn chút nước mắt mặt trời,

câu thơ chôn vùi trong ý thức, đêm chợt loé lên,

con ngựa lá cõng những âm run,

có lẽ, chợt nhớ kiếp trước,

trên những mái ngói đã thấm máu của hồn oan vong quốc,

gốc cây mùa chim trú tiếng hót,

tôi thấy âm bản buổi trưa khói thốc,

đá nhớ bầy người tối cổ đang vẽ lên tâm thức lông lá cách họ làm ra lửa

cách con người đương đại đang cắt cổ những dòng sông

thiêu rụi rừng, thọc huyết những đền đài, hủy diệt tiếng nói sơ khai,

đêm, giọt máu loài dạ du trên lối về bản địa

tiếng cơm sôi, tiếng trẻ con nghìn năm hiện về,

bầu vú thiên nhiên đầy những dấu răng độc,

những vòm khăn gió chướng

cỏ lau hồn vỡ trời hiu hắt

những khuôn mặt rụng tả tơi trên đất,

trong giấc mơ khăn trắng, quạ đen & lửa cõi âm hồn…

****

Dưới ngọn núi của những con chim đang ngủ mơ…

bóng tối, nghe như lũ chim trời đã ngủ và mộng thấy những hạt lúa vùi đầu trong bão giông,

mắt đen, ô cửa thời tiết thâm quầng, phủ đầy gió, sương,

bên kia núi, là mặt trời ở một thế giới khác, thế giới của trí tưởng, tôi thở dài, chú tôi bảo, niềm im lặng tận cùng sẽ đưa ta thoát khỏi mọi khổ đau & phiền não,

tóc sẽ là khói, để thấy thể xác này không còn chạm đất nữa, chúng ta sẽ bay lên với tiếng hát của đêm,

nơi chú tôi đang chăm sóc lũ chim trời, cùng buổi chiều tháng ba,

dòng nước có vẻ suy tư hơn,

thời gian co lại trong hốc cây, chú bảo tôi rong rêu cũng biết buồn đó cháu,

vũ trụ này như cái sân vuông, thời con nít tụ tập đá bóng,

thời chưa biết gì là đau thương hay huyễn mộng, chú vuốt mái tóc bạc rồi lại nhớ ngôi làng phía đông, nơi hạt lúa trời (chú kể là giống lúa trời nuôi, vì nó không cần chăm bón bởi tay người) lúa trời tháng ba trên non cao có con mèo ngủ rất lâu trong rừng, tôi mơ về những khúc ca mà chú đã cho lũ chim trời gù rụ cả mùa hạ,

dù đêm rực nồng địu rền rĩ oi ả,

tháng ba năm nay có vẻ như người lính ngủ rất lâu trong rừng, tiếng chó ma tru tréo đâu đó phía đông làng những bông cỏ may rũ rợi,

chuyện nghìn năm người di cư hay ẩn khuất những chuyện nghìn năm dấu vết những đền đài, có khoảnh khắc ai đó đã ngồi lặng lẽ, khắc vào bóng tối lịch sử, từ sự buồn bã, cô đơn, khi đời sống đầy những dấu hiệu bất trắc và suy vong,

khi lòng người tạo niềm oán hận, dẫm đạp lên linh hồn nhau, rồi từ đó những buổi chiều mưa bay xứ sở, như có điềm dự báo trước, chú nói, sắp có những gãy vụn, khi trăng sập bóng sau thành phố cổ xưa này, bầy cò bặt dạng, và tháp đền u linh, những nghìn năm lại hoang tàn, có vẻ như nơi ta trú ngụ lại mang một khuôn mặt khác của rêu phong, của cát bụi,

những ngày tháng ba, lại ngồi uống trà, và tiếp tục trầm tư, biết đâu lại là lúc nghe thấy tiếng chim trời trở lại, vì lẽ chú tôi đang cho chúng ăn hạt lúa trời, và tôi đang học cách để chăm sóc chúng, từ cách thức tồn tại mà chú tôi đã truyền lại, khi đêm tháng ba, bông hoa gạo mất ngủ dưới ngọn núi của những con chim đang ngủ mơ…

khuya trở giấc, ngoài trời như có tiếng kinh rêu, trí nhớ luôn làm tâm hồn tưởng tượng ra vô vàn những ý niệm như thế, những bông hoa nở ở cổng làng, thời người ta chỉ nghĩ về giấc mơ cơm áo, mây làm bầu trời có vẻ như cuộc suy tư miên man không dứt, những cơn mộng dữ có chăng là kết cục của đôi tay tàn bạo gieo rắc nỗi kinh hoàng cho cây cỏ, chim muông, làm sao nói cho hết được sự tàn lụi, mất mát, khi quanh ta, khói bụi, thù hận, những nhà máy hoá học, những căn hầm bí mật âm thầm tạo ra những loại vũ khí để giết chóc, giết ai? giết người, giết cả những nền văn hoá vốn là những dấu vết của tâm thức loài người, đời sống mỗi ngày mỗi trì độn, thế giới tin tức làm nhiễu loạn không (thời) gian, trái tim loài người đã cạn đức tin, thượng đế đang ngồi trong căn phòng không tín đồ, mặt trời và mặt trăng cứ như muốn rạn nứt, trái đất không còn đủ sức để chữa lành vết thương cho mọi loài…

***

và ta sẽ chìm vào nàng bất tận,

như chú trâu rừng canh giữ cây thiêng,

hoá ra, nỗi chết phủ trùm lên thân phận, thì có gì phải lo lắng, và chú tôi bảo; sự sơ hở của thế giới là nơi tồn tại của giấc mơ đó cháu! chú bảo có một nhà thơ đã già, dắt con ngựa trắng về rú chuông khóc cây nước mắt, đêm ở lộ trình thiên hà quay đảo một vòng ánh sáng, thì hốt nhiên, ta nhận ra bộ não đang làm cái công việc quét dọn lại thế giới, chú tôi nói rằng: việc làm mới lại những định nghĩa, đường đi là cả một quá trình gian nan, là cô độc lắm, cứ hễ tâm trí yên ắng nghe tiếng gió khan, là cả một cuộc đi của tâm trí; cháu của ta; mốt mai này cháu sẽ thấy và nhận ra công việc của một người tạo tác, cái cách để thu gom lại những tiếng kêu sắc như thủy tinh vỡ, và sáng như cái thủơ hồng hoang lịch sử, đẹp như khuôn mặt dòng sông mùa chim sáo kéo nhau kêu không ngơi nghỉ, thế đó, việc nghĩ này sẽ kéo chúng ta, phút linh cầu đó dẫn gợi về những điềm bất khả,

rồi khi mưa tan, trũng sâu trong khoảnh khắc này, từng nhát cọ khảm vào kí ức, chú tôi nói, đất làng Hộc đang gieo trồng cây hoa nhợ, nhợ là loài hoa thu hút bóng đêm, với mùi sương khói, đợm chút buồn mà cũng lắm lúc cứ tưởng những ông vua trở về đất cũ, rồi ôm lấy những rêu phong, những chiếc long bào mũ nĩ, ôi! cái lịch đại vạn niên biến chuyển khôn lường, thời gian, không gian, làm ta quên mất tiếng nói của dòng sông,

tiếng nói nào theo ta suốt cả hành trình, từ vô thức, đến khi nghe ra sông nước có lời của cỏ cây; hoà mình với mây bay, là nhìn ra dấu chân của chú ngựa, đang phi nước đại trong trí tưởng của tuổi nhỏ, từ lúc thế giới hình thành, và ta đã nghe được những niềm riêng của sự sống, quán tưởng, trăng trôi qua năm tháng, và cơn gió mùa ùa về buổi chiều hương thơm của hoa, như lãng du vào miền quá khứ vô định,

“trăng làm con ốc sên ngậm sương khuya, rồi dò tìm đường đi, khi nào không khí làng quê chưa mất dấu, con ốc sên sẽ mãi ôm trong lòng mình một niềm hoài cổ đẹp”,

lắng nghe, những niềm riêng, cuộc đối thoại của lửa, hay là định nghĩa nối liền sự ẩn dụ của đất, nơi phù dung ngát hương, là lúc tâm người đến ngưỡng phải xô đẩy hình bóng ngàn xưa,

“cuộc đi của chữ, đâu phải cứ ồn ào, rồi thành ra thừa mứa, chỉ có cuộc tình của trăng sao, của ký ức vạn đại, những năm tháng đã trôi qua, vết hằn ảo ảnh, hay là tình yêu đất, yêu người con gái chiều chiều đọng bóng trong mắt chim trời”,

gió phù nam thổi thốc vào tôi, dòng sông vang lên tiếng kêu của phù sa, của đền tháp,

người bảo rằng,

hãy như bầy ong đi tìm mật,

trong muôn vạn sự khởi đầu

tâm tư đá núi

những nét hoa văn trên cơ thể xứ sở

hãy thổi lửa vào,

máu sẽ cháy liên hồi, giục trống hoan ca,

và cài khuya vào gối hát mộng…

***

Mẹ đã về rồi!

A,

tiếng của Thời Phong đây rồi…

mưa không cho giọt nào nữa, mưa để dành cho mùa trầm tích, có thật vậy không? Mẹ, mẹ đã về, mẹ cười và mẹ mang nhiều hoa quả ngọt,

mẹ nói, đã qua rồi các con ta,

mưa đã mùa trầm tích, hôm nay mẹ về phục dựng lại đền đài, mẹ lại mang thai, các con ta, các con vốn đã chết, và giờ phục sinh rồi, úa mòn mắt mẹ, và mẹ đã hoan ca, mắt mẹ trong lành như lúc cha các con biết được, cuộc chấn động của thế giới này, đã hoàn trả lại cho mẹ những đứa con hiền lành ngày khai thiên lập địa,

NGƯỜI, khu rừng yên tĩnh, bỗng có tiếng chim kêu, người thống khổ, người điêu linh, người cứ trầm tích một nơi chốn, qua bao nhiêu hệ lụy của thời gian, rốt cuộc, người cũng vẽ ra dáng vẻ của cuộc đương đại,

NGƯỜI thấy, giọt nước rơi, đá bị bào mòn, và trăm nghìn năm trôi qua, nước vẫn rơi và đá đã tạo ra những vết hằn của nước, đá ghi vào lòng, như MẸ của các con, khi rừng thông chim chóc báo hiệu sự quân bình của thời tiết, là lúc tiếng gió đồi cao thổi về những câu nói ẩn chứa niềm vui của mười phương,

***

linh hồn ngã ba sông, và chuông nhà thờ,

nước mặn, thuyền ai vào đêm khuya khoắt, đèn hắt bóng, mùi dầu cùng tiếng lá đầu mùa, tiếng bướm đêm đậu vành tóc của những giáo sĩ, đầu và máu đâu đó vẫn rơi đều, quả là huyền ảo, quả là ma quái,

ngôn ngữ vỡ ói, hạ sinh tại bãi nổi này, như vọng thanh chiêm, về tới nước bạc, một quãng của âm u trời dâu bể, thân bé mọn, mà cảnh đời u uất, ngôn ngữ chào đời, như lịch sử với những khúc ca, cho đến một ngày kia, chim từ ngôi thánh giáo, hoá thân nước mắt, khóc khổ lụy cho mưu đồ xâm lược, ăn đất, và bài hành ca khổ nhục, lao tù, đè lên thế kỷ trắng màu tang, chú tôi ngồi suy tư bên cây đèn dầu ô liu, bỗng mơ về xứ Ba Tư, cùng những đôi vú căng tròn, có che lớp trang sức, đủ làm no mắt bất cứ một vị thần nào,

vậy khi nghĩ về chuyến phà vào rừng Sác, khi bọn khỉ đột hú vọng bốn bề rừng nước nổi, ông vua xứ Trà Bàn bị truy cùng giết tận, và sứ mệnh vương giả đó, cuối cùng cũng làm tròn phận sự mà đất trời phó thác (chú bảo, lịch sử luôn ở trong những tình huống thật buồn cười, dù là bi thương)

mạch truyện theo ta cả lớp lang sông hồ, một hồ trường, hoặc những bi khúc thọc huyết vào chính đời sống,

chú đang hình dung về lão Khứa, ở dốc nam kinh, chú tôi kể lại, trong lúc đôi mắt rớm lệ,

nơi đó, những con chim Khước, có tiếng hót làm rung động nhịp mùa, với những chiếc lông màu tía, mắt nâu, chiếc mỏ cong đen, tuyền những mí mắt, đậu trên mái ngói âm dương,

đêm xuống, thắp đèn sáp, chim Khước kêu, bên hông nhà lũ trẻ đang chơi đùa,

cuộc sống bỗng chốc vui

như trăng huyền,

có chàng trai ngồi trên cây thổi sáo,

đám nữ nhân trong làng ngực rạo rực

chú tôi nhớ lại, và một khúc sử đang được kể ra…

***

trưa trời, trưa trật, con chim mỏ vàng đậu nhánh khế, nắng xiên khoai, cánh rừng lủng lỗ chỗ, người hỏi mặt đất già nua, nơi nào cái chết vụn vỡ như lá hạ gió thốc rách rưới chiếc áo xuân thì, để hốc hác đôi mắt con kỳ nhông ra phơi nắng, người say rượu, nhúm ký ức như lửa, đốt cháy cơn đời lúc giam mình một chốn buồn hiu,

mẹ ta đang nằm mơ thấy cánh cò bay qua giấc mơ bông lúa,

sân vuông, nơi mỗi ngày mây trời bay qua, đã nghìn năm trôi, những ngôi sao đã già nua và gần như sắp héo tàn, lùi vào khoảng tối của triệu năm về sau, thì ta biết ngày trái đất hết hạn là ngày ánh sáng biến mất, những ưu tư thẳm sâu của loài người có chăng là tro than, là âm u, là mảnh thép lạc vào hồn văn minh bị bẻ cong và gãy vụn,

lúc ấy súng đạn mang nỗi buồn riêng, chú tôi nói sẽ nát hết những xuẩn ngốc của đương đại, thiếu vắng tình thương, sự cảm thông, và những cặp nạng gỗ in hằn lên bốn vách tường của thời gian, phải chăng, sẽ biến mất những lời tiên tri, khi không còn sự sống nữa, tiếng ốc biển cầm cự đêm dự khuyết, sẽ là hồn thủy mộ, bao nhiêu tiếng vỡ sóng cùng nan gỗ, trôi dạt trên nấm mộ mưa tỉnh giấc, một cơn lạnh, nghe trong đất tiếng hát của xương, của rễ, của nước ngầm, mạch ngầm chảy, gân máu, ôi, kiếp người, những ai chết, những hồn oan vong quốc, những nghìn đêm tẩm liệm câu kinh đất, câu kinh máu, câu kinh cỏ, câu kinh cầu hồn rồng hồn tiên hồn gãy vụn thành quách ố mờ, đồng bãi, hồn chín cửa Cửu Long hồn lở lói Sông Hồng, loi ngoi lóp ngóp những hồn bùn lầy, những thành phố bụi nâu, những đôi mắt rịn, những ảo hình sự thật và dối trá, những tụng ca và nguyền rủa, những danh xưng và suy bại, buồn kiếp kiếp, ố nhạt rêu phong, ố nhạt nhận thức, chú tôi kiệt quệ, tôi nhìn bâng khuâng vào khoảng không thời gian, tôi nghĩ về chữ Mệnh, chữ Tính Mệnh, và Thể trong Thể Tính, hay Hữu Thể, để rồi kỳ cùng mới đột nhiên nhìn thấy cái chân Tính xác thực thời thể của hồn hoang, miền chôn vùi bao xác thân ảo ảnh…

***

trên ngọn gòn, màu trắng khuya hôm nay, đương đại này,

vụ án như tấm lụa trắng, thắt bụng người,

ngủ ngon,

chỉ bọn quạ ru

thi sĩ còn thức hay đã tan vào máu

gió thốc câu kinh nghìn năm gốc bồ đề xứ gió,

mưa lạnh đó con

thầy tôi bảo,

không, mưa cũng có khi là máu,

thầy tôi buốt da rồi

về với thầy con ơi! nghỉ ngơi, con về và nghe thầy khuyên

– mưa miền Trung như dao cắt thịt, tôi và thầy Nhan lăn lóc trong mưa, ôi, một mùa mưa cứa tận xương,

thầy ngồi đốt điếu thuốc, hút, và không còn cách nào khác, thầy mang một chiếc nón cho tôi, bảo:

– con à, đội nón lên, mưa máu đang chảy, thầy chỉ còn hi vọng con thôi,

– đêm, mưa gió, thầy, và con, và cỏ cây, lẫn khí hậu miền này, thầy vẫn không bỏ con, vì lẽ gì,

– thầy, nghĩ cho tụi con thôi, thầy chết đi, nhưng sự sống là các con đó, chữ của thầy là máu, là tủy, là sự sống của các con,

tôi mệt nhoài, nghĩ ngợi thật nhiều, một mai này trong hành trạng, tôi mang tất cả mọi dấu vết, của người kể chuyện sử sách, làng, tôi lắng nghe và ghi chép…

lũ, máu, và những sự buồn bã, thầy tôi bảo:

– nụ cười là nước mắt khô đó con,

tôi buồn thêm, mùa trôi, cả địa cầu đang trôi, nhưng, nơi, chốn này, đâu đâu cũng tràn đầy căm phẫn,

thầy tôi buồn, hai mí mắt sụp xuống, trong tận cùng nỗi thống khổ, tôi thấy thầy đẹp hơn mọi khi, thầy buồn và có lúc thầy không còn nhớ nhung gì những vẻ đẹp trần gian, thầy bảo: nụ cười là nước mắt khô, và thầy trò mình đang đắm chìm trong phút linh cầu,

tôi hiểu rồi, im lặng, uống nước, vì lẽ, trong tôi đang muốn nổ tung, nhưng thầy bảo: rồi con cũng hiểu, những ngón tay của nhân loại đã ám chỉ cho những tâm hồn tử sinh vì nó, thầy gặp con, lúc sắp giã, nhìn mắt con, bao sự thống khổ, thầy bảo:

– sự thống khổ đó thật tuyệt vời biết bao,

tôi chỉ nhớ mắt thầy, và nhớ đám mây xứ dân gầy, những khi thư thả, nghĩ ngợi những tin tức, từ đất nước, nơi tôi và thầy đang tồn tại…

***

cuốn sách mở ra, bầy chim sáo đậu trên mái lá, chiều xuống là hố thẳm của việc nghĩ ngợi, và bóng tối như mái tóc bầu trời, che đi nửa khuôn mặt, con đò bến sông có tiếng hát của một cánh chim từ sự khép mở giữa ngày và đêm, ai sắp ngăn nắp nào dốc núi, cây cỏ, sông nước, vào cõi mênh mông, có lẽ, tiếng chổi quét sân, hay những ngôi sao ban tối thường tạo ra thứ âm thanh, mà nghe ra cả vũ trụ đang vận hành, mở sách ra, lại có một đời sống, một sự nghĩ ngợi khác với sự nghĩ ngợi hiện tại cùng đi trên đường, cùng nhìn về phía tồn tại, để cung đàn chiều nay ngân lên, nghe ra nhịp điệu lòng trắc ẩn của vạn người, có lẽ, việc ghi chép, như những nét vẽ nghệch ngoạc trong hang động, lửa, thú, và trái chín, nước uống, cuộc biến động về mặt thời gian luôn làm ngạc nhiên tất thảy mọi định luật, là sao nhỉ? có thể là dấu chân của thời gian đang in dấu trong tiềm thức của loài người, việc ngẫm ngợi thường diễn ra khi tâm trí nhìn ra những biến động, những âm thanh vang vọng trong hồi ức, và có lẽ khi khuya khoắt lại làm mất ngủ, những con dơi ngoài bóng tối kia có nghĩ ngợi không, chúng bay chấp chới dưới những tán cây, mỗi giờ khắc trôi,

trong cuốn sách vừa mở ra, chữ và nghĩa, và những câu chuyện, có lẽ,

trong chiếc lá mùa hoang tưởng đã rụng đi,

rơi hết những niềm tin hoang đường,

ánh trăng loé sáng,

thuyền trên thương cảng,

gươm dáo ngủ nghỉ trong kho tàng,

một vị tướng ngồi im suy tư,

những chiếc áo bay lên vùng mây xám xịt

trận mạc,

thế là, trận mạc đã phơi bày tất cả mọi đớn đau của nhân loại, nào súng ống, ngựa voi, những khuôn mặt sống chết, tất cả đều bị nhấn chìm trong màu đen ảo não,

cuốn sách khép lại, một giọt lệ vừa thấm vào ký ức sách, cứ hễ mở sách ra, là lại nhìn thấy những nghĩ ngợi của loài người,

đó là giọng kể của lão Khứa, đêm, bọn cốt đột rình rập bãi ngô khoai, giữa cánh đồng muối, hạt muối như kết tinh những cuộc tình của lá cỏ, chim chóc, một khúc sử khác đang được kể lại, dưới ngọn đèn sao mai, khi thuyền mắc cạn trên bãi phá…

nhìn xuống dưới gầm thuyền, bầy cá Ngát bơi theo rãnh nước, đã quá khuya, bắt đầu từ tiếng cốt đột hú vọng, con thuyền như lệch hướng,

– điềm chi đây?

lão Khứa nhìn trời, mây quần tụ, đôi mắt thâm sâu, trong lúc vầng trăng chìm trong áng mây đen, chực trào ra điềm bất trắc,

– quay đầu lại, nào, phía trước có điềm dữ,

đuốc đèn tắt ngúm, khói toả lên cao, mùa hạ nặng nề ngột ngạt,

đoàn quân linh hồn quay ngược lại khu rừng Sác, như những vệt sao chổi vụt hiện phía trời xa,

***

thuyền vào giữa rừng, mùa thay lá, những chiếc lá linh hồn lấp lánh tơ non, hiện thực ư? Lão Khứa nói:

– không có hiện thực nào ở đây cả, ngay cả trời đất này, là giấc mơ của những giấc mơ, dường như thời trục đã gãy vụn, thế kỷ này đi qua, chỉ còn những trầm tích thời gian, vỏ cây, xương thú, giáp cốt, hay những đôi mắt đêm, cuộc sinh trưởng, những dự cảm về đấng tạo hoá, xứ An Nam trong sử tích, bây giờ, lão ngồi với những đốm trắng, giữa rừng, mây tụ về, gió mặn, tàn bạo và khốc liệt, ánh sáng soi rọi thế gian nghìn năm, cùng bóng tối nghìn năm, có những điều đã trở về im lặng, tịch mịch,

– chúng ta sẽ rời khỏi rừng Sác vào sáng ngày mai,

thế là một cuộc bày biện linh hồn đã khởi lên, dưới gầm trời buồn bã xứ An Nam,

– đó là những linh hồn

thầy tôi bảo: linh hồn thống trị mọi linh hồn, thầy tôi bảo tôi là linh hồn trôi dạt, theo chân thầy để ghi lại những việc đã diễn ra, và lão Khứa bây giờ đã rời khỏi rừng Sác, để quay lại khu rừng thông của NGƯỜI,

– và linh hồn thống trị kia tên Võ, thầy tôi kể lại, dưới hồi ức buồn bã, gần như huyền ảo mà cũng đầy bi phẫn,

(lịch sử đắm chìm trong nước mắt và thù hận, những bạo liệt đã nghìn năm chôn sống những hồn oan vong quốc, nước mắt khô là nụ cười trên môi)

và đây là chuyện kể về đoàn quân linh hồn trong rừng Sác:

linh hồn của Võ đi lang thang trong bóng đêm, gió thổi hoang lạnh, màu trời như màu máu bầm, tiếng gào rú của vạn sinh linh hiện ra trên những vũng bùn nhầy nhụa, Võ nhìn quanh, thì tiếng gào rú mỗi lúc càng to dần, những vũng bùn tràn ra và đùn lên từ những ụ mối, Võ đưa tay sờ vào mặt, hơi lạnh như lưỡi hái tử thần loáng qua tay một cảm giác tê buốt, Võ đưa tay vuốt lên tóc, những sợi tơ trắng bạc lấp lánh như những tia sáng của mặt trăng rơi xuống chân,

Võ đưa tay chạm vào cây cỏ chung quanh, những linh hồn biến thành những ngọn lửa xanh phấp phỏng cháy trên những nấm mộ đất, Võ nhận ra những gương mặt xưa cũ, bụi mờ của quá khứ rơi vãi trên những thành quách mục nát, có những linh hồn bị mắt kẹt trong khe đá, linh hồn thốt ra tiếng nước chảy, linh hồn bị đá đè mọc lên những lùm cỏ trắng, linh hồn bị treo trên cây há hốc miệng thở ra những con đom đóm vàng, linh hồn ngửa mặt phát ra những âm thanh của gió, linh hồn mở mắt long lanh như sương buổi sướm, linh hồn bị nhốt trong cũi sắt tru tiếng chó, linh hồn ở trong hang động toả ra mùi thơm của hoa rừng, linh hồn nào cũng có nét riêng của cõi sáng, cõi sáng là thế giới sau khi chết.

Võ nhìn thấy những linh hồn bay bổng trong một thế giới trong sạch, những linh hồn chuẩn bị đi đầu thai để tiếp nhận một cuộc sống mới, những linh hồn thơm tho tách ra từ những cái xác trương phồng hôi thối đang tiến vào quỷ môn quan, Võ thấy những con quỷ đầu trâu mặt ngựa đến dắt họ đi, họ đi vui vẻ mà chẳng hề kháng cự, còn tại sao họ không hề kháng cự thì khi nghĩ đến điều đó Võ đã nhận được một tín hiệu từ trong cõi sáng, cõi sáng là nơi những linh hồn sẽ thông suốt những gì họ nghĩ, những thắc mắc sẽ được giải đáp một cách tự nhiên và nhanh chóng ngay trong khoảnh khắc hiện tại.

Một linh hồn chột mắt lại gần Võ và thốt lên “Phật cao một thước, ma cao một trượng, ngươi hãy nhớ lấy”, linh hồn đó nhìn vào Võ như muốn nói thêm một điều gì nhưng rồi sau khi thốt lên câu nói đó linh hồn đã biến thành một vệt lân tinh sáng bay thẳng vào sao Altair và hoá thành một con đại bàng khổng lồ, rồi nuốt chửng núi rừng và đẻ ra bãi tha ma, những đám mây tạo hoá chuyển thành những mảng màu xám ngắt, trước mặt Võ là những thước phim về quá khứ, những linh hồn hiện lên trong cái nắng thiêu đốt, linh hồn bị rách mất một nửa da thịt than khóc thê thiết, linh hồn bị rách màng nhĩ ngồi trong cỗ quan tài ôm đầu giận dữ, linh hồn nằm moi những con dòi từ trong cái xác của chính nó và cứ moi không ngừng nghỉ, linh hồn mang thai một linh hồn nhỏ đang ôm bụng đi đi lại lại quanh một khoảng tối, linh hồn bị lột da ngồi ngó lũ ruồi bu quanh, linh hồn bị đè xuyên giáo từ hậu môn lên óc đang nằm trôi bồng bềnh trên sông, những linh hồn giận dữ, những tiếng kêu thống khổ của những linh hồn da vàng, còn có những linh hồn bị cắt lưỡi, họng phun ra những con chữ méo mó nguệch ngoạc, tất cả những linh hồn trên vừa mới tách ra từ những cái xác chết vì bom đạn của một cuộc chiến phi lý, đó là những linh hồn thí mạng cho những kẻ độc tài vĩ đại.

Võ ôm đầu, hai hố mắt ẩn đầy bóng tối của sợ hãi, “Phật cao một thước, ma cao một trượng”, Võ sờ lên ngực và cảm nhận được quả tim của mình đang đập loạn nhịp, nó muốn nhảy ra khỏi thể xác của Võ, Võ nhìn thấy tội ác của mình, những linh hồn đã cùng nhúng chàm với Võ đang bị đẩy vào địa ngục, cùng với những linh hồn lẻ loi cô độc ở giữa rừng sâu biến thành những con vắt bám vào những rễ cây ngàn năm để hút máu.

Linh hồn của Võ bỗng bay vào một cảnh giới khác, từ những cánh hoa sen nở ra những thiên thần đang ca hát, linh hồn của Võ được những thiên thần khoản đãi những ly rượu mà chỉ có những bậc thánh mới được uống, linh hồn Võ thấy hoan hỉ và uống hết từ ao rượu này sang ao rượu khác, cho đến khi những ao rượu đã cạn sạch và để lộ đáy với những khúc xương và sọ người nằm lẫn lộn lên nhau, khi tiếng rạn nứt của những ngọn núi đang tách những lớp đất đá, hàng vạn linh hồn bay ra khỏi những hố thẳm, chúng tập hợp lại thành một cái bóng đen khổng lồ, linh hồn của Võ được đặt lên trên tất cả những linh hồn và trở thành cái đầu chỉ huy cho cả cái linh hồn to lớn kia.

linh hồn to lớn bước đi đến đâu thì bóng tối phủ đen đến đó, linh hồn to lớn đang tiến vào một cái lăng mộ và quỳ xuống bên cạnh một cái xác ướp trắng muốt, mùi của tử thi bốc nồng nặc khắp nơi, trong cái linh hồn to lớn ấy thốt ra hàng ngàn tiếng tung hô vạn tuế, vạn tuế, vạn tuế trước một cái xác nằm im bất động, Võ đứng từ trên cao bay sà xuống đất, thấy hàng vạn linh hồn đỏ rực tan rã thành những vũng máu ngập tràn trong khu lăng tẩm, tuy nhiên cái xác ướp vẫn nằm im bất động, Võ đang dần cảm nhận được máu đang chảy ra từ cái xác ướp đó, nó chảy ra từ hai con mắt vô thần, chảy ra từ hai lỗ tai dòi bọ, chảy ra từ lỗ tiểu những dòng máu đỏ hôi thối, Võ thấy chán ngán mọi thứ, Võ muốn nghe tiếng kinh siêu độ, muốn ăn năn và muốn nương nhờ một nguồn ánh sáng cao đẹp từ đấng cứu thế, vậy là Võ đi tìm nơi thờ những bậc thượng nhân,

sau khi nghĩ đến điều đó thì có một luồng ánh sáng lôi Võ bay vào trong một hang động tối om cho đến khi linh hồn của Võ đứng trước một ngôi chùa lộng lẫy, vườn tược cây trái sum suê, linh hồn của các loài chim đều tụ họp về đây và cất lên những tiếng ca lảnh lót, Võ vui mừng, những rung động của linh hồn làm cho cảnh vật chung quanh thêm tươi vui, Võ đi vào bên trong chánh điện của ngôi chùa, nhưng vừa bước vào, linh hồn của Võ không còn cảm nhận luồng ánh sáng thanh thoát kia đâu nữa, mà là những luồng khói màu đen, mùi tro than, ẩm mốc, Võ nhận ra bức tượng thờ trên đài sen kia chính là gương mặt của cái xác ướp trong lăng mộ mà Võ đã nhìn thấy, bởi ác quỷ cũng biết đội lớp thầy tu để phá hoại sự tôn nghiêm mà các bậc thượng nhân đã khổ công gầy dựng, thời của những con quỷ phá hoại đang diễn ra, Võ nhìn thấy được những thảm cảnh mà khi cái xác ướp ấy vẫn còn là một cơ thể sống đã gây tạo nên, rồi Võ thấy mình từ từ tan ra, những tiếng cầu kinh âm âm u u trong lòng vũ trụ vang vọng, những con quạ nâng mặt trời lên cao, những linh hồn chết bất đắc kỳ tử từ những cuộn sóng của đại dương đang bay lên và biến thành những cánh dơi đập cánh ra khỏi cánh rừng Sác,

(Hết)