Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 22 tháng 6, 2020

Văn học miền Nam 54-75 (662): Xuân Vũ (kỳ 6)

XƯƠNG TRẮNG TRƯỜNG SƠN

6-

Không biết từ đâu, bác sĩ Năm Cà Dom xuất hiện, như một nhân vật trong truyện thần thoại.

Năm Cà Dom nói:

- Anh xem có giống quân thứ tư không?

Tôi nói:

- Quân thứ tư là quân gì?

Năm Cà Dom nói:

- Nhìn đó thì rõ, có ra cái thể thống gì hay không? Ấy vậy mà bảo là quân chiến thắng, đi giải phóng Miền Nam đó, giải cái con mẹ tôi chớ giải sao nổi mà giải, hả?

Tôi hỏi:

- Nãy giờ cậu ở đâu?

- Tôi mắc võng ngủ trong bụi cây chớ đâu. Tôi nghe các vị nói đủ thứ hết, nhung tôi không có lên tiếng làm chi, nhất là chống đối ông già lập trường mình nguy to. Tôi nói toàn chuyện đâm hơi không thôi mà! Ổng chỉnh mình có mà sói đầu!

Có lẽ Tấn thích thú vì cách ăn nói dí dỏm của Năm Cà Dom cho nên Tấn rề rà không thúc giục thiên hạ đi ngay.

Tấn hỏi:

- Hồi nãy anh nói quân thứ tư là quân gì anh?

Năm Cà Dom nhìn Tấn rồi nói:

- Cậu không biết có quân thứ tư đâu. Cỡ tuổi tôi với ông nhà văn này thì mới biết được cái thứ quân đó. Hồi kháng chiến chống Pháp kia, cái quân đó rất nổi tiếng nhất là ở chỗ nào có “phờ nờ” thì loại quân này thường xuất hiện.

Ông Chín gầm lên:

- Tôi không hiểu tại sao các cậu kháng chiến chín năm rồi, ra Bắc sống trong xã hội chủ nghĩa cả chục năm mà hở miệng ra toàn nói chuyện mất lập trường.

Năm Cà Dom cười khè khè:

- Nói chơi cho vui cái bụng, để cái chân nó bước theo, nếu để ủ rũ như cụ thì buồn lắm, bước đi không nổi đâu, mà rồi dễ sinh bịnh hoạn lắm.

Tôi chêm vào:

- Bác sĩ nói cái gì cũng kèm bệnh hoạn vào đó hết.

- Con người là sanh, lão, bệnh, tử mà. Chạy đường nào cho khỏi! ý mà quên chớ để tôi nói chuyện quân thứ tư cho cậu Tấn nghe nhé…

Năm Cà Dom dặng hắng lấy trớn rồi nói:

- Số là hồi kháng chiến chống Pháp thì ta có ba thứ quân. Một là chủ lực quân, hai là địa phương quân, ba là du kích quân.

- Còn quân thứ tư? Tấn sốt ruột hỏi. Quân thứ tư là quân gì anh?

Năm Cà Dom vui vẻ tiếp:

- Xin lỗi ông Chín, để cháu kể cho cậu bé này nghe chút xíu, vui chơi không có gì mất lập trường đâu!

Số là có một gia đình nọ có một cô con gái, một hôm có bộ đội tới đóng trong nhà. Ông già cô ta thấy mấy chú em khi chiều đùa giỡn với đứa con gái thì sinh nghi, cho nên nửa đêm ổng thức dậy thắp đèn giả đò đập muỗi. Ông ta đi vô buồng rọi mùng cô con gái thì thấy ngoài vách mùng thòi ra hai cặp chân. Ông ta lẳng lặng quay ra…

Ông Chín cau mày, nhưng không biết làm sao mà chặn câu chuyện của Năm Cà Dom lại được. Ông bèn lảng đi chỗ khác.

Năm Cà Dom thì cứ vui vẻ kể tiếp:

- Ông già thấy nguy to rồi, nhưng không lẽ làm gì bây giờ. Làm to ra thì đổ bể mất thanh danh bộ đội mà chằng hay ho gì cho con gái mình. Cho nên, dung hòa giữa sự tức giận và thanh danh con gái, ông già bèn gọi anh chỉ huy thức dậy, đốt đèn, châm trà mời anh ta, rồi cuộn thuốc hút chậm rãi từng hơi. Hút độ nửa điếu thuốc ông ta mới bèn quay sang anh chỉ huy và bắt đầu câu chuyện.

Năm Cà Dom cười:

- Chắc ông Chín ghét tôi lẩm. Nhưng mà ổng cũng biết câu chuyện đó mà.

Tấn nói:

- Hay thật! Ông già hay thật!

Năm Cà Dom nói:

- Tôi cũng phục lăn ông già!

Tấn nói:

- Thôi các ông mình chuẩn bị đi. Đường đi sắp tới toàn leo dốc và vắt.

Thu hỏi:

- Vắt gì anh?

- Con vắt nó đeo chân đeo tay nó cẩn nó hút máu mình chớ vắt gì? Nói rõ ràng hơn là nó là một loại đỉa sống trên khô và trên cành cây.

- Eo ôi! Sao kỳ vậy!

- Chớ nhỏ lớn chị không biết con vắt à?

- Không thấy bao giờ.

- Thì đại khái nó đeo có chùm, nó hút máu mình. Và khó bắt khó gỡ lắm. Tấn nói tiếp với mọi người: Bây giờ tôi xin phổ biến một việc đề chống vắt nhé, bà con mình có ai làm theo thì làm, không làm thì thôi. Tùy ý tôi không ép ai hết… Bây giờ chịu khó vô rừng chặt cái dây bồ hòn đâm ra cho nhuyễn. Bỏ vô một cái ống trúc rồi đổ vào đó một tí nước. Đi trên ớ đường này người nào cũng làm một cái ống trúc đựng bồ hòn như vậy, để trị vắt. Vắt nhiều lắm. Tôi nói thật đấy. Nó đeo có chùm chứ không phải đeo từng con như các ông các bà tiểu thư tưởng tượng đâu. Các bà các cô nào nghe nói vắt cũng nghĩ rằng nó sẽ đeo cắn từng con một và muốn bắt nó chỉ cần đưa hai ngón tay nắm nhéo lấy nó như một cử chỉ sang trọng vậy thôi. Tôi báo trước là không phải như vậy đấy Nó đeo cả chùm, nó đeo kín cả bàn chân, nó đeo tới cổ, trên đầu mà cắn đấy. Tôi nghe nói có một người. bị vắt cắn vào động mạch cổ mà ngủ quên, tới sáng máu ra nhiều quá, mệt ngất không dậy nổi chớ chẳng phải chơi đâu.

Tấn tiếp:

- Bây giờ các ông các bà đi chặt dây bồ hòn và ống nứa bào chế một món thuốc trị vắt như tôi vừa nói đó đi. Còn ai có nhiều kí-ninh thi gói kí-ninh vào cái mảnh vải, làm thành một cái bọc, cứ hễ vắt đeo thì chấm vào là nó rớt xuống ngay. Nhưng tôi biết không ai lấy kí-ninh mà thay bồ hòn chí nên lấy bồ hòn mà thay kí-ninh thôi. Tôi nói vậy, không có nghĩa dùng bồ hòn để trị vắt mà thôi, mà dùng bồ hòn để trị sốt rét cũng rất tốt. Người ta nói đắng như bồ hòn, thật là đúng vô cùng, tôi đã từng uống bồ hòn thay cho kí-ninh để cắt cơn sốt. Chao ôi, uống một hớp, đi tới mật xanh! Đắng hơn kí-ninh gấp một trăm lần.

Thu lắc đầu:

- Tôi nghe mà cũng ngán ngẩm tâm thần. Đường gì mà kỳ cục quá. Càng đi càng kỳ cục ra thêm.

Thế là đoàn người bắt đầu đi chặt dây bồ hòn. Con suối đã ở lại phía sau lưng, nhưng cái dốc núi lại dựng lên trước mặt.

Anh Khẩu đội trưởng tự nãy giờ vẫn ngồi sụp ở đó bây giờ mới tỉnh ra. Anh ta ngơ ngác.

Có lẽ anh ta đang đấu tranh tư tưởng xem nên đi cùng với đoàn hay quay trở lại khiêng cái nòng pháo.

Tội nghiệp, làm chỉ huy như anh ta cũng khó. Ở lại thì ở với ai, ai sẽ góp sức khiêng với anh ta, còn đi thì bỏ mất cái nòng pháo ấy hay sao? Không có ông nào giải quyết giúp anh ta.

Ông Chín biết rõ câu chuyện bèn lân la tới hỏi:.

- Đơn vị lớn của đồng chí ở đâu?

- Trung đoàn của cháu đã đi trước. Nghe nói bộ phận tiền tiêu bị biệt kích tiêu hao, có cả đồng chí Trung đoàn phó trong số hy sinh.

- Ở sau đồng chí, còn đơn vị nào thuộc trung đoàn của đồng chí nữa hay không?

- Dạ, đơn vị pháo của cháu là đơn vị đi sau cùng của Trung đoàn.

Ông Chín ngẫm nghĩ một chốc rồi nói:

- Đồng chí là người chịu trách nhiệm về cái nòng pháo đó và cả đơn vị của đồng chí trước cấp trên. Nếu đồng chí để đơn vị tan rã, mất vũ khí thì giai cấp vô sản thế giới sẽ thất vọng ngay vì có một cán bộ vô trách nhiệm như thế mà lại đứng trong đội ngũ tiền phong của giai cấp...

Tôi và Năm Cà Dom nháy nhau che miệng cười. Ông lập trường lại giở sách vô sản ra rồi. Giai cấp cái gì? Bắt con người ta è cổ ra khiêng thép khối như thế mà không cho cái gì đắp đầu gối hết cả mà cứ ngồi ở trong nhà rượu thịt đầy phè, cứ khen “chiến sĩ ta vai đồng chân sắt.”

Tôi nói với anh Khẩu đội trưởng:

- Anh cứ đi tới đi. Vô gặp trung đoàn rồi báo cáo. Chứ quân số hao hụt như thế làm sao di chuyển cái nòng pháo kia nổi? Mà anh ở lại, coi chừng mấy thằng đánh anh hôm qua, chúng gặp lại anh chúng thịt anh đấy nhé! Lũ ấy nhất định sẽ trở thành phỉ chớ không có trở về đơn vị nữa đâu.

Anh Khẩu đội trưởng lắng nghe cả ông Chín và tôi, nhưng có lẽ không có lý do nào làm cho anh đi tới bằng cái lý do tôi vừa nêu lên.Anh ta tàu bàu:

- Lính tráng gì khốn nạn thật!

Rồi Tấn dẫn đầu, cả đám người vừa nam phụ lão ấu vừa đau vừa mạnh lôi thôi lếch thếch đi theo sau. Vừa được ít bước thì đã đụng dốc.

Dốc gì dốc vậy chớ. Năm Cà Dom đã chửi thề ngay:

- … Tôi mà có phép gì tôi sẽ san bằng hết tất cả núi non này! – Mộtt chốc lại nói. – Tôi xin đổi cái dãy núi này với một lon gạo, ai có đổi không?

Tôi để cho Thu đi trước, tôi đi kế tiếp, Năm Cà Dom, ông già Noël và ông lão lập trường đi phía sau. Còn anh Khẩu đội trưởng lưỡng lự một chút rồi cũng đi theo luôn. Anh ta đi khặc khừ trông đến thương hại. Có lẽ anh ta không dứt khoát với “cái đuôi” là nòng pháo nặng nhọc ở phía sau và với cái “đầu lập trường” là ông Chín.

Tôi nghĩ vậy mà đúng thật. Tôi chú ý thấy ông Chín đi ít bước lại quay lại nhìn anh Khâu đội trưởng, như cật vấn:

- Anh đi như thế, bỏ cái nòng pháo lại cho ai?

Dốc càng ngày càng đứng sững lên. Thu đi rất khó nhọc vì trời mưa đường trơn mà lại phải trèo. Người đi trước đã bẻ quặt nhữngcây nứa bên đường xuống để làm tay vịn cho những kẻ đi sau bám đó mà trèo lên.

Tôi vừa đi vừa ngước cổ lên. Không thấy gì cả, ngoài cái đít ba lô của Thu.

Cái đít ba lô và cái lưng… của Thu nữa.

Lần nào tôi ngước lên thì mắt tôi cũng chạm vào hai cái đó. Tôi bảo:

- Cố gắng lên em.

Thu không nói không rằng. Bước đi nặng nhọc, day dứt. Sở dĩ tôi nói bước đi day dứt là vì tôi biết trong bụng Thu không vui. Nếu không có tôi kềm cặp nàng thì chắc nàng không đi tới. Nàng đã nhiều lần nói thật với tôi cái điều đó, không úp mở.

Con sông vừa vượt qua chiều hôm trước như một cái lằn mức tư tưởng của nàng. Nàng định tạm biệt tôi ở phía bờ Bắc. Dù hai đứa có yêu nhau thì đành hẹn nhau một cơ hội khác, có lẽ ở kiếp sau vậy. Còn trên đường đi này, yêu nhau là một cái tội, một cái khổ một cái nợ, cái nần, hay bất cứ là cái gì không phải là cái vui.

Vì yêu nhau thì phải phí sức, phí sức một cách tự nguyện, rồi lại còn phải phí sức vì những việc khác như mang đồ đạc giúp, dìu dắt nâng đỡ, v.v.

Nhưng Thu vượt qua bờ Nam của con sông vô danh đó là vì một trận bom tơi bời. Cả trạm lẫn khách đi đường đều phải tức tốc dời qua phía bên bờ Nam để ẩn náu. Vì thế Thu phải đi cùng với tôi. Sang bờ Nam, Thu lại cũng định nằm lại tạm biệt tôi lần nữa. Nhưng ở bờ Nam lại không có trạm, không có ai nhận Thu. Cho nên Thu lại phải đi vào với tôi vượt con suối ác nghiệt vừa rồi và bây giờ thì trở thành chú rùa leo núi trước mặt tôi đây.

Đấy, một con người “đi giải phóng miền Nam” với một tâm tư như thế đó, như thế đó mà lại đi giải phóng miền Nam!

Tôi nhìn cái gót chân của Thu ở ngay cái chót mũi của tôi. Trời, dốc đứng gì ác thế!

Anh giao liên đứng ở trên đầu chúng tôi quát xuống:

- Đi cho chắc, ngã một cái là rơi vào đầu người ở dưới đó nghe.

Tôi cũng biết điều đó, nhưng khi nghe Tấn nói thì tôi càng sợ hơn. Hãy tưởng tượng một người ở phía trên rơi xuống đầu mình với tất cả ba lô, đồ đạc, có khi cả súng. Rồi người ở dưới lại rơi xuống đầu người đi dưới nữa, thành ra hằng loạt người sẽ ngã! Một sự đồng loạt ngã!

Cái bàn chân của Thu cứ ở trước mũi tôi. Tôi nhìn cái bàn chân của nàng như một cái mục tiêu để nhắc chân tôi lên. Cái bàn chân thon thon nho nhỏ bị ràng trong nhũng sợi dây thun đen bó riết lại làm cho làn da nhăn nhúm đi. Cái bàn chân đặt trên chiếc đế cao su cũng đen và xùi xễ như nền tảng của sự đau khổ và của cái tương lai cũng đen ngòm như màu cao su đó. Cái mà đôi chân ngọc ngà của Thu phải đặt lên, phải bước lên, phải giẫm lên phải là cái nền nhung lụa, phải là gấm vóc, phải là trái tim của những chàng thanh niên say đắm nàng. Đôi bàn chân ấy là niềm tự hào của nàng, vì cái sự xinh xắn của chúng, vì cái tài hoa của chúng. Đôi bàn chân ấy đã đưa nàng bay lên như đôi cánh vỗ mênh mông trong nghệ thuật.

Thế mà giờ đây, đôi chân ấy lại bị bó riết trong những sợi cao su thô kệch, đặt trên cái đế cao su cứng và chẳng có nhiệm vụ gì hơn là giẫm trên những mô đất nhấp nhô, trèo leo trên những dãy đá tai mèo.

Đôi chân ấy chính là sự ước mơ cháy bỏng của tôi. Đôi bàn chân như hai cái búp non bay lượn lung linh trên sân khấu Hà Nội, trong sự hớn hở, chào đón của mọi người trong một giấc mơ ngắn ngủi và thú vị. Trong một cơn mưa mù mịt dầm dề, tôi đã làm chủ của đôi bàn chân ấy. Tôi ôm ấp chúng trong sự thỏa mãn hoàn toàn, vừa của tình yêu vừa của nghệ thuật.

Cho nên bây giờ trông thấy đôi bàn chân ấy trơ trọi ra trần trần bằng thịt xương trần tục và bị đọa đày khổ sở thì tôi đau xót khôn cùng.

Bất thần, tôi nắm chặt lấy cổ chân nàng, nắm thật chặt làm cho nàng kêu lên và dừng lại. Nàng quay lại nhìn xuống và nói:

- Em ngã bây giờ.

Tôi cười:

- Ngã đi! Ngã đi!

- Em ngã thì anh chết!

- Em cũng chết.

- Nhưng mà anh chết trước em.

- Em chỉ chết sau anh một tích tắc thôi.

- Như thế anh vẫn chết trước em.

Tôi cười. Tôi nói tiếng chết với nghĩa bình thường nhưng về sau tôi lại đâm ra dùng nó trong một cái nghĩa thứ hai. Có lẽ Thu không hiểu cho nền tôi nhắc đi nhắc lại cái tiếng chết. Tôi bảo:

- Thôi em đi lên đi rồi anh theo kẻo người ta giục.

Mà thật, ông Chín ở phía sau đã gầm lên:

- Đùa cái gì mà đùa giữa lúc này? Muốn hại mấy người đi sau hả?

Thu lại bướng lên. Tôi nói tiếp:

- Phải rồi, con gái thì bao giờ cũng chết sau con trai, phải không em?

- Vâng đúng như vậy, em chẳng bao giờ chịu chết trước anh.

- Nhưng nay mai anh sẽ có cách làm cho em cùng chết một lúc với anh hoặc chết trước anh cho mà xem.

- Không! Em nhất định không chết trước anh!

Tôi cười ý nhị, có lẽ giọng cười làm cho Thu sực nhớ ra rằng tôi dùng cái tiếng chết với ý nghĩa tân kỳ hơn.

Tôi nói:

- Em không nhớ có lần em chết trước anh à?

- Anh chỉ bịa…

- Anh không bịa. Em không nhớ cái lầ đó… ó… à?

Thu lặng thinh. Có lẽ Thu đã ngẫm ra cái nghĩa thứ hai mà tôi cố ý dùng một cách ý nhị. Thu lầm lũi đi, một chốc mới quay lại nhìn chăm chú vào mặt tôi và nói:

- Em ghét mặt anh lắm.

Tôi cười:

- Ừ thì ghét. Tôi vừa nói vừa nắm cái cổ chân nàng mà ghì xuống.

Nàng kêu lên:

- Ây chết! Em ngã…

- Ừ ngã xuống đây, ngã đi nào… Ơ kìa không dám ngã à?

Thu càu nhàu:

- Anh nghịch ghê cơ.

- Ừ anh nghịch lắm cơ.

Cái tiếng “nghịch” cũng lại là một tiếng chúng tôi hay dùng với nhau nhất là Thu hay dùng để cằn nhằn tôi trong những giây phút đặc biệt của nhau. Cho nên vừa dùng nó là Thu lại sợ tôi lạm dụng nên nàng lặng thinh không nói gì nữa.

Anh giao liên từ trên nói xuống:

- Cố lên! Còn một cái dốc nữa là tôi cho nghỉ xả hơi.

Tôi nghe ù ù như muốn vỡ màng tai, mồ hôi vã ra như tắm. Hai chân tôi như sắp rời ra khỏi thân mình. Hai sợi dây chằng háng như không còn sức co giãn để lôi hai chân tôi lên nữa.

Tôi bám từng nhánh cây, từng thân cây một, từng hòn đá, từng mô đất một, để ghì lấy mà câu cả cái khối nặng vừa thân thể vừa ba lô đồ đạc lên. Nhiều lúc tôi phải bò. Đúng là con vật đi bằng bốn chân của thời nguyên thủy. Con đường gieo neo, vất vả và hai bên lúc nào cũng có hố sâu vực thẳm. Tôi nghĩ. Cái gì cũng dẹp hết. Chỉ còn lại cái quê hương nhỏ bé riêng tư của mình. Chỉ còn lại cái mái nhà xưa cũ của mình, trong đó có hai mái tóc – ngày mình ra đi, hãy còn xanh, mà cho tới nay tôi cũng tưởng là vẫn còn xanh nhưng với thời gian những máí tóc ấy đã bạc ra từ lâu vì mong nhớ!

Nguồn: http://viteuu.blogspot.com/2013/03/hoi-ky-xuong-trang-truong-son-cua-xuan_29.html