Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2020

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 246): Người đi trên mây – Nguyễn Xuân Hoàng (12)

NGƯỜI ĐI TRÊN MÂY (Kỳ 33, 34 & 35)

Kỳ 33

Thật ra, khi viết tập tiểu luận này, Trọng hoàn toàn đứng trên quan điểm duy vật biện chứng có cải đổi nhẹ đi một chút. Dù sao vẫn là lấy chính trị đè bẹp văn chương.


Tôi nói với hắn rằng nhìn ngắm một tác phẩm văn học nghệ thuật tiên quyết là nhìn ngắm bằng con mắt thẩm mỹ học trước khi nhìn ngắm dưới khía cạnh chính trị, kinh tế, xã hội hay đạo đức. Một cái nhìn văn chương có tính cách gượng ép và đàn áp như vậy là một cái nhìn cận thị trí thức, khiến cho người có đôi mắt ấy trở nên một quái nhân với “chiếc đầu” to nhưng “trái tim” teo.
Tất nhiên không ai chịu nổi một bài thơ ca ngợi trăng sao và tình ái đăng trên một tạp chí xuất bản tại thành phố vừa mới qua một trận thiên tai kéo theo cái chết của hàng chục ngàn con người và hàng ngàn gia đình không chốn nương thân. Cái thứ thơ thẩn ấy cũng nên đem chôn sống đi là vừa. Thế nhưng, tôi cũng không ưa những kẻ bạ đâu cũng bô bô cái miệng lập trường quan điểm. Những kẻ chuyên gán ghép để buộc tội kẻ khác, lên án kẻ này, người nọ, thường là những kẻ đang có trong cơ thể hắn đúng thứ bệnh tật đó, nếu không muốn nói hắn là kẻ yếu đuối và thiếu bản lĩnh. Cái điệu bộ trịnh trọng của bọn này làm tôi chết cười.
Phùng, hơn ai hết, biết rõ điều này nơi tôi. Tôi không hiểu tại sao bạn ta lại đặt cho ta một câu hỏi quái đản như thế? Tôi hỏi lại Phùng:
-Tại sao? Tao tưởng dạo này mày bắt đầu quan tâm tới đời sống chính trị rồi chớ?
Phùng vất mẩu thuốc hút dở xuống bàn - hắn luôn luôn làm như vậy dù trước mặt hắn có cái gạt tàn, bởi vì theo hắn cả cái xã hội này đã là cái gạt tàn lớn thì điếu thuốc hay tro thuốc bỏ đâu mà chẳng được.
-Nghe nói mày vẫn đều đặn trình diện ông Phan mà!
-Đừng có móc bạn! Từ thì tao có gặp ông Phan. Nhưng đã sao?
-Đó! Vấn đề là ở chỗ đó! Ông Phan không phải đang là người tạo thời cuộc sao? Không phải ông Phan đang chuẩn bị để làm người số một hay sao? Cái quyền lực trong tay ông Phan hiện chưa tới nhưng chẳng phải là một quyền lực “diều gặp gió” hay sao?
Nghĩ là tôi giận vì thấy tôi vẫn làm thinh, Phùng đùa:
-Chứng chỉ Triết Tây của cô Uyên do ông Phùng phụ trách, còn chứng chỉ Tình Yêu do ông Thăng đảm nhiệm nhé!
Nói xong, Phùng xô ghế đứng dậy, sửa lại gọng kính nâu tụt trên sống mũi, kẹp cuốn sách vào nách.
-Đùa chơi tí, đừng cáu nghe bạn!
-Sư mày! Đồ triết gia điên khùng!
-Thôi, để tao đến chào chủ nhân cái rồi dọt!
Phùng đi, nhưng Nhật vẫn không buông tôi:
-Tưởng mày cũng biết tí ti chứ!
-Biết gì? Tôi giả mù sa mưa.
-Thì tình hình chính trị chớ còn gì?
-Thế mày tưởng thằng Phùng nó nói thật hả?
Nhật cười cợt:
-Đừng quên anh em nghe Thăng!
-Cái gì? Tôi hỏi lại và bật cười.
Bạn tôi thực sự là những tên đùa dai. Những lời chòng ghẹo của chúng làm tôi nhớ lại hôm gặp ông bà Phan. Đó lần duy nhất tôi gặp ông Phan. Ông quá bận rộn đến nỗi câu chuyện mà ông hứa sẽ nói với tôi vẫn còn nguyên trong bóng tối. Tôi cũng không quên những câu hỏi của bà Phan trong bữa cơm. Bà tấn công tôi với mục đích gì? Tại sao Uyên bật lên tiếng kêu ở cuối bữa cơm? Có phải nàng muốn ngăn chận những câu hỏi kế tiếp của bà Phan? Và tôi làm sao quên được lần hôn Uyên. Đôi môi nàng nóng bỏng nhưng còn do dự ngập ngừng và mái tóc dài của nàng che phủ mặt mũi tôi tỏa xuống một mùi hương kỳ diệu của một thân thể trẻ trung tràn trề nhựa sống.

 

Kỳ 34

Nhật chưa kịp trả lời câu hỏi của tôi, thì Đình, Tâm đã cùng nữ chủ nhân kéo đến.

Nhà văn nữ chìa ly rượu trên tay cho tôi:
-Xin lỗi anh Nhật nhé! Tôi muốn mời anh Thăng thử chút Ngũ Gia Bì này!
-Bà ơi! Bà mời rượu thằng này chẳng khác nào mời thằng Tây húp nước mắm!
-Vậy là anh Thăng không biết uống rượu?
-Đúng! Bà đưa cho tôi. Tôi mới là connoisseur chính cống! Nhật cầm lấy ly rượu.
-Anh Thăng không có ý kiến? Nữ chủ nhân hỏi.
-Đừng hỏi ý kiến của một người không bao giờ có ý kiến! Đình chận lời.
-Cám ơn! Tôi giật ly rượu trên tay Nhật và hớp một ngụm. Chất cay muốn xé cổ. Tôi chuyền ly cho Nhật. Anh ngửa cổ nốc cạn.
-Ngon tuyệt! Nhật chùi mép khen.
Nhà văn nữ hỏi tôi:
-Thế còn anh Thăng? Anh thấy thế nào?
-Cay! Với tôi, rượu không có mùi vị nào khác ngoài vị cay! Rất đắng cay!
-Nó đang đau khổ vì tình, nên rượu vào chỉ có đắng cay! Tâm thêm.
-Tôi có nghe chuyện tình của anh Thăng. Có lẽ tôi sẽ viết một truyện về anh, anh Thăng ạ! Nhà văn nữ hơi phô trương.
-Cám ơn lòng tốt bà chị. Tài năng như bà chị mà viết truyện tình của tôi thì phí phạm quá!
-Đừng mỉa mai tôi, ông bạn! Rồi có lúc ông sẽ đọc truyện về ông trên những dòng chữ của tôi! Nữ chủ nhân không phải tay vừa.
-Chào!
Tôi ngồi lại một mình với Nhật. Tôi không biết làm gì. Mọi người chia ra từng nhóm nhỏ. Tuấn-luật sư vẫn là người to tiếng nhất. Tôi hỏi Nhật khi thấy anh thừ người trên ghế như đang lo nghĩ điều gì.
-Ông Phan là người như thế nào?
Nhật nhìn thẳng vào mắt tôi nghi ngờ. Có lẽ anh nghĩ là tôi hỏi đố anh. Tuy vậy sau cùng Nhật vẫn lên tiếng nói về ông Phan theo cách hiểu biết của anh. Theo Nhật, ông Phan là một tay hiếm hoi trong những người làm chính trị chuyên nghiệp.
-Một tay thủ đoạn, một kẻ tà đạo trong chính trường.
Nhật nói như vậy. Ông Phan tốt nghiệp khóa sĩ quan trường võ bị Dar-el-Beida năm mới hai mươi mốt tuổi, tham gia nhiều trận đánh trong quân đội Pháp. Khi Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt, ông mang cấp bậc trung tá. Người ta nói trong đoàn quân trở về tiếp thu Paris, ông Phan có mặt trong đội danh dự. Nhờ vết thương trong trận Normandie, ông Phan xin giải ngũ, xuống Toulouse mở một tiệm ăn Việt Nam.
Năm 1954, khi Pháp thua trận Điện Biên Phủ và Hà Nội rơi vào tay cộng sản, ông Phan sang lại tiệm ăn ở Toulouse cho một người đồng hương, trở lại Sài Gòn. Người ta thấy ông Phan có mặt trong những buổi tiếp tân quan trọng. Vai trò của người Pháp sắp hết trên bán đảo Đông Dương, ông Phan là người biết rõ điều ấy, nhưng ông vẫn đi lại với Tướng Michel Nguyễn “có vợ đầm, quốc tịch Pháp và là con trai của Đốc Phủ Sứ Maurice Nguyễn” trong chức vụ tổng Tham mưu trưởng quân đội. Ông Phan cũng liên hệ đến nhân vật Sáu Cận, người cầm đầu Bình Xuyên và tin tức báo chí còn cho thấy ông Phan dành nhiều buổi nói chuyện với Đức Hộ Pháp... Sau cùng khi những khuôn mặt này không còn chỗ đứng trong chính trường miền Nam, người ta thấy ông Phan lui tới với ông Cương “em trai của vị tổng thống đầu tiên ở Việt Nam” và uống rượu với Đại Sứ Hoa Kỳ Amberley. Người ta đồn lúc này bà An Hạ, vợ của ông Cương, là tình nhân của Tướng Trần, nhưng nguồn tin thân cận thì nói rằng ông Phan mới là người tình thực sự của người đàn bà lừng lẫy này. Khi bà An Hạ đi Pháp tẩy độc dư luận sau vụ tự thiêu của một hòa thượng, người ta thấy ông Phan có mặt bên cạnh bà đệ nhất phu nhân ở sân bay Tân Sơn Nhất.


Kỳ 35

Sau đó ông biến mất một thời gian. Người ta nói tổng thống Hoa Kỳ đón ông sang Mỹ ngay khi cử ông Fullerton, nhà ngoại giao và cũng là tay bỉnh bút cừ khôi của tờ Le Monde Diplomatique Pháp đến Việt Nam làm đại sứ. 

Sự có mặt của ông Fullerton kéo theo sau đó sự sụp đổ của anh em ông Cương... ông Phan là người luôn luôn chứng tỏ mình là một nhà lãnh đạo nhà nghề. Ông không ngừng học hỏi nghệ thuật lãnh đạo và chủ nghĩa quyền thuật trong các tác phẩm lớn của nhân loại, điều mà trước kia do khả năng văn hóa kém đã không cho phép ông thực hiện được. Ông đã tự học - ngoài tiếng Pháp và tiếng mẹ đẻ - Anh, Tây Ban Nha và Hoa ngữ. Ông nói khá thành thạo tất cả những ngôn ngữ này. Châm ngôn của ông là -Si vis non vobis,- nghĩa là -ở với họ nhưng không theo họ.- Với một bề ngoài xuề xòa, ông Phan là người đòi hỏi kẻ khác nhiều đức tính mà không phải ai cũng có thể có. Ít ai đoán được ông Phan sẽ làm gì sau cái bắt tay thân mật và nồng nhiệt của ông. Ông luôn luôn rào đắp quanh ông những cạm bẫy. Ông muốn làm sụp ai kẻ ấy trước sau sẽ sụp. Điều đặc biệt cái bẫy của ông Phan là một khi đã sụp thì khó mà ngóc dậy được...
Nhật nói về ông Phan như nói về một nhân vật tiểu thuyết của anh. Sự mô tả của Nhật làm cho hình ảnh ông Phan trong tôi mỗi lúc một rõ nét hơn.
-Nhưng ông ấy có phải là một người giỏi không?
Nhật cười:
-Thế nào là một người giỏi?
-Ông Phan có phải là một chính trị gia giỏi không?
-Chính trị đòi hỏi thủ đoạn, liều lĩnh và máu lạnh. Ông Phan có đủ những thứ ấy!
Tôi ngó chăm vào mặt Nhật:
-Mày không ưa ông Phan?
Nhật cười giòn:
-Tại sao mày bắt tao ưa hay không ưa một người chẳng có liên hệ đến tao? Mày nên dành câu hỏi ấy cho chính mày mới phải!
Ừ, mà tôi yêu hay ghét ông Phan vậy? Có lúc tôi thấy tôi ghét ông, ghét cái khuôn mặt mập tròn của ông, ghét những ngón tay ú nhão rịn mồ hôi trong tay tôi, ghét cái hung bạo người ta nói về ông... Nhưng cũng có lúc tôi thích ông... Sự cố gắng cực kỳ khó khăn của ông để làm thành một con người khác. Một tình cảm vô thức nào đó trong tôi nói với tôi rằng ông là mẫu người mà tôi tìm kiếm, khát khao được gặp và đã tìm thấy. Dù sao tôi muốn chấm dứt câu chuyện về ông Phan.
-Thôi không phải nói chuyện ông Phan nữa!
Nhật cười:
-Bây giờ làm báo mà không nói về ông Phan thì coi như không biết làm báo!
Tôi đứng dậy, trả ly rượu trên bàn, đột nhiên nhận ra suốt buổi chiều hôm nay mình đã không đốt một điếu thuốc nào. Tôi hỏi Nhật:
-Mày còn thuốc?
Nhật đang vò bao thuốc không trên tay giơ lên cao cười cười.
-Thiệt là vô duyên. Tôi nói:
-Thôi về đây!
-Chưa về được đâu! Nữ chủ nhân chận tôi:
-Phải nghe anh Giang hát một ca khúc mới nhất của anh ấy đã! Cái ông Thăng này!
-Ngồi xuống đây đi ông nội! Nhật đè vai tôi xuống.
Người ta đã mang cây tây ban cầm ra cho Giang. Tôi thấy anh sửa lại gọng kính đang bị tụt xuống sống mũi. Anh so dây, đầu cúi thấp, nhưng mặt hơi nghểnh lên, tai trái nghiêng xuống thùng đàn lắng nghe âm thanh phát ra từ những sợi dây đồng.
Cả phòng bỗng im lặng.
Âm nhạc anh làm tôi nhớ Quỳnh, vô cùng nhớ Quỳnh...
Nhưng những gì Nhật vừa nói về ông Phan làm tôi lo nghĩ hơn. Nỗi ám ảnh về con người ấy to lớn đến nỗi tôi thấy mình như đang bị bạn bè cô lập. Có thật là ông Phan muốn gặp tôi? Có thật là giữa ông ta và tôi có một mối liên hệ nào đó và ông đang rất muốn gặp tôi? Sự thật tôi muốn gì nơi ông?
(còn tiếp)

Nguồn: https://ngo-quyen.org/p3623a3819/nguyen-xuan-hoang-nguoi-di-tren-may-ky-33-34-35