Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 23 tháng 6, 2020

Trong bóng mát của bức tường

Nguyễn Đức Tùng

(viết nhân ngày lễ cha)

Hai cha con đi dọc bờ sông. Trưa mùa hạ, mặt đường nhựa bốc lửa. Ngay cả tiếng ve trong hàng phượng inh ỏi từ sáng sớm cũng trở nên uể oải. Nhờ có cây cầu nổi qua sông, do công binh bắc tạm, người từ các làng quê đổ về xem lễ Phật đản đông hơn mọi năm. Mục đích của tôi là mấy quán nước trước chùa tỉnh hội mà tôi đoán thế nào cha tôi cũng ghé lại. Ông ngồi uống la-de với vài người bạn, trong khi bọn trẻ chạy đuổi nhau giật những cái nắp chai bia làm đồ chơi, trong nắp bia có nút điền điển, nếu bạn hơ nóng, chúng sẽ phồng lên, làm cho nắp chai trở thành một vật ném khi chơi đáo. Năm ấy tôi mấy tuổi? Năm hay sáu tuổi, hay nhỏ hơn nữa. Tôi khám phá ra thú vui kỳ lạ, ngồi trong bóng mát của bức tường, bóng cây bàng, cây phượng, mà mút một cây cà rem, và nếu hôm ấy người lớn bận trò chuyện thì bạn gặp may vì có thể nài nỉ thêm cây thứ hai. Tôi thích nhất khi chú bé bán kem mở cái nắp ra, hơi nước lạnh loát phả ngay vào mặt, cầm que kem bốc khói, mắt mơ màng nhìn thấy báu vật của đời qua làn sương mỏng, phút tuyệt thú. Cây kem mới rút ra rất cứng, gần như vật thể rắn. Bạn cầm lên ngắm nghía, thưởng thức vẻ đẹp của nó, ánh nắng phản chiếu trên nó, đôi khi nhìn thấy cái bóng của chiếc lá lướt qua, bạn cẩn thận chọn một góc, một điểm, đưa lưỡi liếm. Mỗi đứa bé có một cách liếm que kem khác nhau nhưng tôi chắc chắn không đứa nào nhắm mắt nhắm mũi mà cắn đại một miếng. Chúng phải ngắm kỹ và chọn lâu. Bạn phải mút một lúc cho cái góc của kem mềm ra, để dòng nước ngọt trôi xuống cổ họng và quyết định cắn một cái trong khi mồ hôi của bạn nhễ nhại trên lưng. Thời ấy cà rem cải tiến từ loại đơn giản thành nhiều hình thức, nhiều mùi vị. Kem có mùi đặc biệt như sôcôla, mùi dâu, hay mùi chuối, nhiều chọn lựa khác như loại ba màu, năm màu. Hầu hết các bậc cha mẹ cho rằng kem là món xa xỉ, bất đắc dĩ phải mua cho bọn trẻ. Nhưng đối với tôi, giá trị dinh dưỡng của kem không chỉ ở cấu trúc sinh học mà còn ở khả năng kích thích của nó. Tưởng tượng xem một ngày nóng nực mồ hôi mồ kê, bạn đi mỏi nhừ bắp chân, tìm được một chỗ nghỉ mà cha mình hay mẹ mình, vốn bao giờ mà chẳng nghiêm khắc, coi việc tiết kiệm quan trọng hơn ý thích của bạn, bỗng một lúc quên bẵng đi vì mải chuyện, lúc ấy bạn có thể vòi vĩnh chút đỉnh, vậy bạn có thể chọn lựa giữa một ly nước hột é, một chai nước xá xị, hay một gói kẹo bi, hay một hoặc hai que kem. Bạn chọn cái nào? Chọn lỡ một lần là xong. Ý nghĩa của nó cũng lớn như sau này bạn chọn một người, chọn lầm cái là đi đời. Ác liệt nhất, nếu bạn được chọn thêm một hòn bi thủy tinh nữa, có năm khía sáu màu, nhìn lui nhìn tới hoa cả mắt. Bạn đặt nó trên lòng bàn tay, thẩy một cái, rồi cho nó lăn chờn vờn trên ba ngón tay, đúng ba ngón, ngón giữa, ngón trỏ, ngón cái. Với tất cả sự điêu luyện do những ngày dài luyện tập trên sân chơi, bạn chỉ cần nheo mắt lại và nếu cao thủ hơn nữa là nhắm mắt, nín thở, búng một cái, viên bi bắn đi như đạn trúng mục tiêu. Nếu thế thì chọn lựa của bạn càng khó. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp tôi đã chọn que kem vì không thể chống lại sức cám dỗ của nó. Điểm yếu là mau hết. Nhưng có thứ tình yêu nào không mau hết? Mà mau hết nên mình nhớ hoài. Đôi khi tôi nghĩ tôi nhỏ hơn tuổi ấy nữa, không phải năm hay sáu tuổi mà trước đó, bốn, buổi trưa hôm ấy trong ngày Phật đản, mồng tám tháng tư, lần đầu tiên tôi nghe thấy tiếng người nói từ trên cây phượng mọc đằng sau bức tường mà những cành dài, lá và hoa của nó, vươn ra che bóng mặt đường. Rõ ràng giọng của một người đàn bà trong trẻo, thánh thót, vang xa, đọc những bản tin gì đó, hay thông báo, mà tôi không hiểu rõ. Tôi hết sức kinh ngạc: tại sao lại có một người đàn bà trèo lên cây phượng cao ngất nhìn đã chóng mặt và nói vang vang trong buổi trưa hè? Mà giọng nói ấy sao trìu mến quen thuộc, sao lưu luyến thế kia chứ? Ai vậy? Sao tôi nhìn chẳng thấy gì cả, chẳng thấy ai cả, chẳng thấy cô ta. Tôi phát điên vì không thể giải thích. Tôi hỏi ba tôi. Tôi không nhớ câu trả lời của ông, nhưng có lẽ câu trả lời ấy không làm tôi thỏa mãn. Hay vì tôi còn quá nhỏ, không hiểu ông nói gì. Điều này làm tôi nghĩ rằng lúc ấy tôi chưa đến bốn tuổi. Sự thắc mắc lớn đến nỗi tôi mất cả cảm giác ngon miệng của cây kem, bần thần ngơ ngác như kẻ lạc đường. Tôi dặn lòng sau này quay lại chỗ ấy để tìm bí mật.

Thế rồi cũng như tất cả những người khác, khi lớn lên, tôi quên bẵng cô ta đi. Câu hỏi ấy không làm bạn khó chịu nữa, hay là câu trả lời không quan trọng nữa, vì vậy bạn quên chúng đi. Cho đến một ngày nọ, trong vùng Địa Trung Hải, khi đi tìm thăm một bà dì của S chủ một quán ăn ở Nice, ngồi dựa lưng vào bức tường trắng toát buổi trưa, nghe tiếng sóng rì rào xô mặt biển xanh như ngọc thơm mùi dâu Đà lạt và mùi hoa tử đinh ngào ngạt từ mặt nước bốc lên dưới nắng, tôi chợt nhớ ra câu hỏi thời bé. Tôi hiểu rằng câu hỏi còn chờ tôi ở đó, dưới tàn phượng trong bóng mát của bức tường, của một đứa bé bốn hay năm tuổi ngồi dưới chân cha mình, ông mãi uống lade con cọp với người bạn gặp lại từ thời kháng chiến chống Pháp, sau một que kem lạnh đến tê người, chú ta vẫn tuyệt nhiên không chịu để cho nỗi vui sướng kia làm nhòe đi câu hỏi nọ, sự thắc mắc đầu tiên về bí mật của đời sống, hay về hạnh phúc của nó.