Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2020

Tội ác Đồng Tâm

Hoàng Xuân Phú

Ngày 12-6, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã ra kết luận điều tra về vụ Đồng Tâm. Văn Việt đăng lại bài của GS Hoàng Xuân Phú để nhắc nhở chúng ta ghi sâu tội ác “trời không dung đất không tha” này.

Văn Việt

Sáng sớm ngày 9/1/2020, Bộ Công an công bố "Thông báo về vụ việc gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội". Trong đó viết:

"Từ ngày 31/12/2019, một số đơn vị của Bộ Quốc phòng phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn, thành phố Hà Nội theo kế hoạch. Trong quá trình xây dựng, sáng ngày 9/1/2020, một số đối tượng có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng... tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, dẫn đến hậu quả 03 cán bộ chiến sĩ Công an hi sinh, 01 đối tượng chống đối chết, 01 đối tượng bị thương."

Cáo buộc đó hoàn toàn sai sự thật. Bởi cuộc tấn công vào thôn Hoành (thuộc xã Đồng Tâm) diễn ra cách xa Sân bay Miếu Môn mấy cây số, lại bắt đầu vào lúc trời còn tối, khi người người còn đang ngủ, và công việc xây dựng hàng ngày tại Sân bay Miếu Môn còn lâu mới được bắt đầu. Vì thế, không thể có chuyện một số đối tượng tấn công lực lượng chức năng trong quá trình xây dựng tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn vào sáng ngày 9/1/2020.

Sau màn dối trá dạo đầu ấy, họ tiếp tục tung ra nhiều thông tin sai trái khác, được đài báo đồng thanh truyền tải đến nơi nơi. Tiếc thay, nhiều người đã tin đó là sự thật.

Khi bị dư luận am hiểu vạch trần thì họ sửa kịch bản. Sửa hết lần này sang lần khác. Mà lần nào cũng tránh xa sự thật. Bởi sự thật tồi tệ đến mức không thể thừa nhận, dù chỉ một phần.

Mục đích của bài viết này là tìm kiếm sự thật, nhằm trả lại công bằng cho người đã khuất, đồng thời cảnh tỉnh những người nhẹ dạ cả tin, vì quá tin lời dối trá mà căm thù và xúc phạm những nạn nhân vô tội. Hơn nữa, cũng giúp những người có lương tâm trong bộ máy điều tra và xét xử tránh lầm đường lạc lối.

1. Cái chết của cụ Lê Đình Kình

"Tối 10/1, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Bộ Công an xác nhận người tử vong trong các đối tượng chống đối người thi hành công vụ tại Đồng Tâm là ông Lê Đình Kình. Theo báo cáo của Công an thành phố Hà Nội, khi khám nghiệm tử thi, trên tay của ông Lê Đình Kình cầm giữ quả lựu đạn."

Đó là thông tin đã được đăng tải nhiều nơi, chẳng hạn như Vietnamnet, Người lao động, Đất Việt, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Ngày nay, VTC News...

Thử hỏi, một cụ già đã 84 tuổi, lại từng bị công an đá vỡ xương đùi vào năm 2017, thì lấy đâu ra sức lực để chống đối người thi hành công vụ? Cụ bị què chân, nằm trên giường ngủ, thì cầm lựu đạn để làm chi? Đám vận chuyển tử thi từ nhà cụ Kình đến nơi khám nghiệm tử thi có bị trục trặc thần kinh không, mà để mặc người chết cầm giữ quả lựu đạn trên tay suốt thời gian vận chuyển đường xa? Và nếu đúng như vậy, thì tại sao không trưng ra bức ảnh chụp cụ Kình đã chết mà trên tay vẫn cầm quả lựu đạn? Chẳng có khó khăn gì, khi dúi quả lựu đạn vào tay người đã chết để chụp ảnh. Có lẽ công đoạn ấy đã có trong kịch bản, song diễn viên quên diễn, sau khi mọi việc đã qua đi thì mới chợt nhớ ra. Thành thử, đành ngụy tạo ra bức ảnh với 7 quả lựu đạn, trong đó một quả được kèm theo chú thích: "Trên tay Lê Đình Kình" (xem Ảnh 1).

Ảnh 1: Quả lựu đạn với chú thích "Trên tay Lê Đình Kình"

Đi xa hơn nữa, sáng ngày 14/1/2020, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang lại tung thêm tình tiết: "Trên tay của Lê Đình Kình vẫn còn một quả lựu đạn, sau khi ném một quả không nổ." Thử hỏi, đang nằm trên giường trong phòng ngủ kín mít, chật hẹp (kích thước 2,4 m x 3,6 m), thì cụ Kình ném lựu đạn để tự sát hay sao? Nếu định tự sát, thì cụ chỉ cần rút chốt lựu đạn, chứ việc gì phải gắng ném cho phí sức già?

1.1. Hành vi man rợ

Đang đêm, đám thi hành công vụ đã xộc vào nhà cụ Lê Đình Kình và vãi đạn không thương tiếc. Sáu bức ảnh, từ Ảnh 2 đến Ảnh 7, là mấy ví dụ về vết tích của cái công vụ ấy.

Ảnh 2: Vết tích thi hành công vụ trên cửa nhà cụ Lê Đình Kình

Ảnh 3: Vết tích thi hành công vụ trong phòng khách của nhà cụ Lê Đình Kình

Ảnh 4: Vết tích thi hành công vụ trong phòng ngủ của cụ Lê Đình Kình

Ảnh 5: Vết tích thi hành công vụ trên ô cửa thoáng ở phòng ngủ của cụ Lê Đình Kình

Ảnh 6: Vết tích thi hành công vụ trên cửa tum nhà cụ Lê Đình Kình

Ảnh 7: Vết tích thi hành công vụ nơi thờ cúng của nhà cụ Lê Đình Kình

Ảnh 8 cho thấy, cụ Kình đã bị tra tấn hết sức dã man. Rùng rợn thay, đầu gối của cụ bị bắn vỡ tung, khiến cẳng chân lủng lẳng, chỉ dính với đùi nhờ phần da thịt còn sót lại. Tôi thành tâm khuyên mọi người Việt, đặc biệt là giới cầm quyền, nghiêm túc xem đoạn video quay cảnh người thân lau thi thể của cụ Lê Đình Kình, để hiểu thêm chút ít về giai đoạn lịch sử Dân tộc mà chúng ta đang sống.

Ảnh 8: Dấu tích tra tấn sau gáy, trên lưng và ở đầu gối cụ Lê Đình Kình

Thử hỏi, cụ Kình có khả năng "cầm giữ quả lựu đạn" trên tay trong suốt quá trình bị tra tấn cho đến khi bị giết hay không? Liệu những kẻ tra tấn cụ có để cụ cầm quả lựu đạn khi chúng tra tấn hay không? Rõ ràng, đó là một sự bịa đặt vô cùng trắng trợn, không chỉ vu khống cụ Lê Đình Kình, mà còn hết sức coi thường dư luận.

Chỉ riêng phát ngôn "Trên tay của Lê Đình Kình vẫn còn một quả lựu đạn, sau khi ném một quả không nổ" đã đủ để lột tả mức trung thực và trình độ tư duy của Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang. Và cũng đủ để cảnh tỉnh những ai tin vào các thông tin mà Bộ Công an đưa ra về vụ Đồng Tâm.

Khi đứng ra tuyên bố về vụ Đồng Tâm, để bộ máy tuyên truyền khổng lồ của chế độ phát đi toàn quốc và ra cả Thế giới, chắc hẳn Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đã ý thức rất rõ, ông không chỉ thay mặt lãnh đạo Bộ Công an, mà còn thay mặt cả lãnh đạo Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam. Chẳng lẽ ông Quang cho rằng, thể diện của họ chỉ xứng đáng với những thông tin bịa đặt tầm ấy thôi sao?

Cuối cùng, cụ Kình đã bị giết bằng mấy phát súng, trong đó có một phát bắn thẳng vào tim (xem Ảnh 9). Rồi Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an, long trọng tuyên bố: Bộ Công an xác nhận người tử vong trong các đối tượng chống đối người thi hành công vụ tại Đồng Tâm là ông Lê Đình Kình.

Chưa hết, thi thể cụ Kình còn bị đem đi và bị mổ dọc từ cổ xuống đáy bụng (xem Ảnh 9).

Thông thường, khi khám nghiệm tử thi, người ta mổ phanh toàn thân nếu cần xác định nguyên nhân cái chết. Trong trường hợp cụ Kình, thì họ đã biết quá rõ tại sao cụ bị chết. Do đó, chẳng cần phải mổ để xác định nguyên nhân.

Nếu mổ để gắp đầu đạn, nhằm phi tang, thì chỉ cần mổ những chỗ bị bắn. Còn nếu mổ để xem cụ Kình có nuốt tài liệu, tang chứng hay không, thì chỉ cần mổ vùng bụng. Mà cũng chẳng cần phải mổ, chỉ cần siêu âm, hay nội soi, thì đã biết rõ là cụ chẳng nuốt gì.

Vậy tại sao lại mổ phanh thây như thế?

Ảnh 9: Vết đạn bắn vào tim và vết mổ phanh trên thi thể cụ Kình

1.2. Can tội... vô tội

Khi thông báo về cái chết của đối tượng Lê Đình Kình, phía công an đã khẳng định:

"Lời khai của một số đối tượng bị bắt xác nhận ông Kình là kẻ cầm đầu, chủ mưu các hoạt động chống đối chính quyền, vi phạm pháp luật trong vụ việc tại Đồng Tâm."

Sáng 14/1/2020, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang còn nói với các nhà báo:

"... anh em ngã xuống hố... Lập tức, các đối tượng sử dụng bom xăng, đổ xăng ra can tưới xuống và đốt. Qua quá trình đấu tranh khai thác thì Truyền hình Việt Nam đã vào khai thác và các đối tượng đã khai nhận. Và dưới sự chỉ đạo của Lê Đình Kình. "

Nếu quả thật cụ Kình đã phạm phải những tội như vậy, thì tại sao không truy tố, bắt giam, rồi đem ra xét xử công khai, theo đúng trình tự đã được pháp luật quy định? Công an đã bắt được hết thảy đàn ông trai tráng liên quan đến vụ việc, thì tại sao không bắt nốt ông già què đã 84 tuổi?

Đơn giản là họ không định bắt. Vì nếu bắt thì phải giam giữ và phải đem ra xét xử. Trong nhà giam, cụ sẽ kiên cường đến mức không thể ép cung. Khi xét xử tại tòa án, cụ sẽ vạch trần những điều sai trái của phía chính quyền một cách chi tiết, rành mạch, với những tư liệu và bằng chứng khó lòng bác bỏ. Bắt cụ thì quá dễ, nhưng giam cụ và xử cụ, rồi thả cụ thì rất khó. Thành thử, họ đã quyết định giết cụ Kình ngay trên giường ngủ của cụ.

Nếu quả thật cụ Kình đã phạm phải những tội như công an đã cáo buộc, thì tại sao lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam không khai trừ cụ ra khỏi đảng? Theo thông lệ, đảng viên thường bị khai trừ trước khi bị bắt, và muộn nhất là khai trừ trước khi bị tòa án xét xử. Vậy thì tại sao lại không khai trừ đảng viên Lê Đình Kình trước khi giết, để bị mang tiếng đảng giết đảng viên?

Câu trả lời đơn giản là: Công dân Lê Đình Kình (84 tuổi đời) cũng như đảng viên Lê Đình Kình (58 tuổi đảng) không có tội. Vì thế không thể bắt giam để kết án. Vì thế không thể khai trừ khỏi đảng.

Đọc đến đây, hẳn có người sẽ nói: Đối tượng bị bắt đã khai ra vai trò chủ mưu, cầm đầu nhóm đối tượng gây rối của Lê Đình Kình rồi, tại sao còn bảo là hắn vô tội? Nếu vậy, hãy quan sát dấu vết tra tấn còn lưu lại trên khuôn mặt của Lê Đình Công (Ảnh 10), Bùi Thị Nối (Ảnh 11), Lê Đình Quang (Ảnh 12) và Lê Đình Doanh (Ảnh 13), để mường tượng ra mức độ ép cung. Và nếu thấy chưa đủ, hãy nghe thêm lời kể của cụ bà Dư Thị Thành (vợ của cụ Lê Đình Kình):

"Người ta bắt phải khai ở nhà cầm lựu đạn. Tôi bảo tôi không hề biết quả lựu đạn thế nào, tôi cũng không biết bom xăng thế nào, thì tôi không khai được. Thế là nó tát. Tát suốt, cứ bên nọ sang bên kia. Xong nó cứ thế đá vào hai ống chân."

Dang tay tát tới tấp một bà cụ, chỉ vì cụ không chịu khai nhận cái điều cụ không hề làm, thì thử hỏi, còn thủ đoạn nào mà chúng không dám sử dụng để ép cung?

image

Để chứng minh rằng "cũng chính nhóm đối tượng này đã không ngần ngại sẽ giết người, đồng thời chuẩn bị kỹ lưỡng các loại vũ khí, hung khí, vật liệu nổ, nhằm thực hiện kế hoạch cản trở các lực lượng chức năng xây dựng tường rào sân bay Miếu Môn", VTV đã mời khán thính giả "theo dõi sau đây lời lẽ của bọn họ để thấy rõ bản chất cực đoan, bạo lực và hành động chống đối pháp luật đến cùng":

"Chúng tôi xin thề rằng, nếu chúng tôi không giết được từ 300 đến 500 thằng, thì chúng tôi không phải là người dân Đồng Tâm nữa."

"Có tới 200 lít xăng, phải có tới là hai chục bình ga mới tinh. Và còn có những loại thuốc nổ, bởi vì chúng tôi ở gần xưởng sản xuất thuốc nổ."

Trên thực tế, khi bị tấn công vào ngày 9/1/2020, người dân Đồng Tâm đã không giết một ai, chứ đừng nói là "từ 300 đến 500 thằng". Vả lại, số tang vật mà công an thu được chỉ bao gồm "8 quả lựu đạn, 38 chai bom xăng, 20 lít xăng, 12 tuýt sắt đầu gắn dao nhọn, 3 hộp pháo sáng, 1 khẩu súng bắn điện, 1 thanh kiếm, 1 búa" (xem Ảnh 14 và Ảnh 15). Đặc biệt, không hề có một khẩu súng bắn đạn nào. Qua đó ta thấy, mấy vị nọ cũng chỉ ba hoa, chém gió cho sướng miệng. Âu cũng là một cách dọa dẫm của kẻ yếu thế, theo kiểu "mày mà vào đây thì tao giết", với hy vọng vì nghe dọa mà đối phương chẳng xông vào. Song, nếu đối phương vẫn xông vào, thì chính kẻ dọa giết lại run rẩy chờ chết.

Ảnh 14: Tang vật công an thu được tại Đồng Tâm ngày 9/1/2020

Ảnh 15: Bom xăng Đồng Tâm

Trích thông tin trên để thấy rằng: Hẳn đã dày công tìm kiếm, sưu tầm, nhưng cơ quan công an vẫn không thể trưng ra bất cứ đoạn ghi hình hay ghi âm nào về phát ngôn của chính bản thân cụ Lê Đình Kình, trong đó thể hiện cụ là "kẻ cầm đầu, chủ mưu các hoạt động chống đối chính quyền, vi phạm pháp luật trong vụ việc tại Đồng Tâm". Chứng tỏ, cụ Kình chưa bao giờ phát ngôn như vậy.

Điều đó hoàn toàn khớp với thông tin của Đại tá công an về hưu Nguyễn Đăng Quang:

"Tôi đã nhiều lần về Đồng Tâm tiếp xúc với cụ Kình. Trao đổi và tâm sự với tôi về cách hóa giải mâu thuẫn trong xã hội, cụ thể là cuộc khủng hoảng Đồng Tâm, cụ xác quyết 3 nguyên tắc sau:

- Một là: Dứt khoát phải loại bỏ sử dụng vũ lực. Cụ nói: 'Vũ lực chỉ nên sử dụng với kẻ thù khi không còn con đường nào khác. Tuyệt đối không bao giờ dùng vũ lực để chống lại nhân dân. Bạo lực sẽ đẻ ra bạo lực, đó là quy luật và hậu quả tất yếu.'

- Hai là: Con đường pháp lý (kiện ra Tòa án) bao giờ cũng tốt hơn bạo lực. Song chỉ nên dùng đến nó một khi phương thức đối thoại, hòa giải thất bại.

- Ba là: Phải đối thoại, hòa giải. Mọi mâu thuẫn và bất ổn trong xã hội đều có thể được hóa giải thông qua đối thoại, hòa giải. Nhưng đối thoại phải thực tâm, và phải nghiêm túc thực thi những điều đã thỏa thuận. Đây là nguyên tắc tối thượng."

Bản thân tôi, khi cùng với một số người đến thăm cụ Lê Đình Kình vào dịp Tết năm 2018, tôi có cảm giác vừa kính phục, vừa hơi... tẻ. Kính phục bởi được chứng kiến trí tuệ minh mẫn và khả năng diễn đạt khúc triết của cụ. Tẻ vì như thể phải tiếp xúc với một cán bộ tuyên giáo, phát biểu nào cũng dựa vào chủ trương, đường lối của đảng và nhà nước, lập luận nào cũng căn cứ vào quy định của pháp luật. Một người như vậy, thì làm sao có thể "cầm đầu, chủ mưu các hoạt động chống đối chính quyền, vi phạm pháp luật trong vụ việc tại Đồng Tâm"?

Có lẽ, tội lớn nhất của cụ Kình là... vô tội. Bởi nếu có tội thì cụ đã bị bắt, bị xét xử và bị kết án. Và nếu như vậy thì bây giờ cụ vẫn còn sống. Song vì vô tội, nên cụ buộc phải chết.

Phải chăng, bi kịch lớn nhất của cụ Lê Đình Kình là phải sống trong một thể chế, mà người quá tốt cũng buộc phải chết?

1.3. Thông điệp sát nhân

được nhân dân hết lòng yêu mến, tín nhiệm và trở thành người lãnh đạo tinh thần trong cuộc đấu tranh của nhân dân Đồng Tâm, cụ Lê Đình Kình buộc phải hứng chịu cơn thịnh nộ của chính quyền đối với Đồng Tâm. Và người dân Đồng Tâm đã làm những điều mà thế lực cầm quyền khó lòng dung thứ.

Họ đã dám đấu tranh giữ đất. Đối với thế lực cương quyết giữ lại trong Hiến pháp quy định "Đất đai... thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý", thì đấu tranh giữ đất có thể bị quy kết là chống lại Hiến pháp.

Họ đã dám thành lập và gắn bó với nhau trong Tổ đồng thuận. Đối với thế lực luôn run sợ trước bốn chữ "đa nguyên đa đảng", thì Tổ đồng thuận đã trở thành mầm mống, hay tiền lệ của "đa nguyên đa đảng". Vì vậy vừa ghét vừa sợ, đến mức gọi Tổ đồng thuận là "ổ nhóm tội phạm có tổ chức".

Họ đã dám cứng đầu, không chịu ngoan ngoãn nghe theo chính quyền. Lại còn dám đoàn kết với nhau để vạch trần những hành vi sai trái của chính quyền. Đối với một đảng cầm quyền phạm quá nhiều điều sai trái và tham nhũng đã trở thành đặc tính đặc trưng, thì đoàn kết chống lại sai trái, chống lại tham nhũng có thể bị coi là câu kết với nhau để chống lại đảng, chống lại chính quyền. Đã thế, bao nhóm đồng bào tứ xứ lại kéo đến Đồng Tâm thăm hỏi và tán dương, cứ như thể đổ thêm dầu vào lửa.

Họ đã dám bắt giữ một số cảnh sát được điều đến Đồng Tâm. Nghiêm trọng hơn, các cảnh sát lại tỏ ra hợp tác, buông súng để cho dân bắt. Đó là điều vô cùng tối kị đối với một chính quyền tồn tại nhờ bạo lực vũ trang.

Họ còn dám đòi Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký tên và lăn tay vào bản cam kết. Đối với giới cầm quyền vốn coi thường người dân, quen bắt nạt dân, thì đó là hành vi xúc phạm nặng nề, khiến họ cảm thấy rất bị mất mặt.

Thêm vào đó là những lời ba hoa ngớ ngẩn trong phút chốc bốc đồng. Chúng chẳng hề hù dọa được chính quyền, mà chỉ giúp chính quyền có cớ để kết tội bà con Đồng Tâm và biện minh cho cuộc tấn công vào Đồng Tâm. Những phát ngôn như vậy chẳng đem lại lợi lộc gì cho Đồng Tâm, mà ngược lại, chỉ khiến thế lực cầm quyền thêm căm tức, coi đó là hành vi xấc xược, khinh thường và thách thức chính quyền.

Ấm ức dồn nén, gia tăng quyết tâm trả thù. Ban đầu, tranh chấp đất đai dẫn đến xung đột, hận thù. Còn bây giờ, tại Đồng Tâm, tranh chấp đất đai chỉ là cái cớ để ra tay trả thù.

Cách tra tấn và giết hại dã man, rồi mổ phanh thi thể của cụ Lê Đình Kình thể hiện rõ ràng quyết tâm và ý chí trả thù.

 

Bị bắn vỡ tung đầu gối, bị bắn thẳng vào tim và bị chết phanh thây, đó không chỉ là cách hành hạ và làm nhục cụ Kình cho thỏa mãn khát vọng trả thù. Hành động vô cùng dã man một cách hết sức lộ liễu cho thấy, đó cũng là thứ ngôn ngữ hình ảnh có chủ ý để đưa vào thông điệp gửi đi toàn quốc, tới tất cả những ai có ý định cứng đầu trước cường quyền như cụ Kình.

Một số người thắc mắc: Tại sao lại tấn công Đồng Tâm vào ngày 9/1/2020 - một ngày sát Tết?

Phải chăng, cuộc tấn công ấy phải đi kèm để cân đối lại một sự kiện diễn ra chưa đầy một ngày trước? Đó là vào chiều 8/1/2020, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra thông cáo: Nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải và nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân vi phạm đến mức phải xem xét kỷ luật trong vụ Thủ Thiêm. Thông cáo ấy khiến nhiều người phấn chấn, bởi nghĩ rằng quả thật công cuộc đốt lò nhằm chống tham nhũng, nên bây giờ đốt cả củi gộc. Hơn nữa, nó còn khiến những người mất đất thêm tin tưởng, học tập dân Thủ Thiêm kiên trì đòi đất.

Phải chăng, cuộc tấn công Đồng Tâm và giết hại cụ Kình là lời cảnh cáo muôn dân, đừng có mơ giữa ban ngày, mà dại dột đua nhau đòi đất?

2. Cái chết của ba sĩ quan công an

Ba sĩ quan công an bị chết là Thượng tá Nguyễn Huy Thịnh, Thiếu úy Dương Đức Hoàng Quân và Trung úy Phạm Công Huy. Họ được lãnh đạo và đài báo quốc doanh ca ngợi đã dũng cảm hi sinh. Song liệu bản thân họ có tự hào và hài lòng với sự hi sinh của mình hay không?

Nghe nói Thiếu úy Dương Đức Hoàng Quân đã từng viết: "Chiến tranh bảo vệ tổ quốc không đáng sợ, nhưng đáng sợ là máu đổ chính vì người dân mình." Nếu quả thật anh đã từng viết như vậy, thì khó có thể tự hào về việc mình bị chết khi tham gia tấn công người dân Đồng Tâm. Và cũng khó có thể hài lòng, khi ngẫm nghĩ nơi chín suối về cái chết của bản thân.

2.1. Quyết định bất thường

Ngày 10/1/2020, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký Quyết định số 41/QĐ-CTN, truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất cho ba cá nhân Nguyễn Huy Thịnh, Dương Đức Hoàng Quân và Phạm Công Huy, vì "đã lập chiến công đặc biệt xuất sắc" (xem Ảnh 16). Về phần mình, với Quyết định này, Chủ tịch nước cũng lập chiến công với ba kỷ lục.

Kỷ lục thứ nhất là về thời gian: Quyết định được Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký chỉ một ngày sau khi ba sĩ quan công an lập chiến công (vào ngày 9/1/2020). Như vậy là nhanh gấp 4 lần so với thời gian mà Chủ tịch nước Trần Đại Quang cần để xem xét và ký quyết định (vào ngày 21/2/2018) truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhì cho Thượng úy công an Lưu Minh Thức, đã hi sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ truy bắt đối tượng liên quan đến vụ án giết người (vào ngày 17/2/2018). Và nhanh gấp 3 lần so với thời gian mà Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cần để xem xét và ký quyết định (vào ngày 10/7/2014) truy tặng Huân chương Chiến công cho các sĩ quan và chiến sĩ quân đội đã hi sinh và bị thương trong vụ rơi máy bay Mi-171 (xảy ra vào sáng 7/7/2014). Về lý mà nói, phải có khoảng thời gian cần thiết để xem xét thận trọng, xác định rõ nguyên nhân cái chết cũng như chất lượng chiến đấu, trước khi quyết định truy tặng Huân chương Chiến công. Bởi không thể trao Huân chương Chiến công cho những người đã chết chỉ vì làm sai quy định, hay làm trái mệnh lệnh chiến đấu. Vậy mà, trong trường hợp này, ba sĩ quan công an mới bị chết ngày 9/1/2020, thì ngay ngày hôm sau, Chủ tịch nước đã ký Quyết định truy tặng Huân chương Chiến công cho họ, trước cả khi Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ký Quyết định số 70/QĐ-TTg vào ngày 11/1/2020 về việc cấp bằng "Tổ Quốc ghi công" cho ba liệt sĩ.

Kỷ lục thứ hai là về sự hào phóng: Cả sĩ quan cấp tá Nguyễn Huy Thịnh và hai sĩ quan cấp úy Dương Đức Hoàng Quân, Phạm Công Huy đều được Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất. Nhắc lại rằng: Thượng úy công an Lưu Minh Thức chỉ được truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhì. Với 18 sĩ quan quân đội đã hi sinh trong vụ rơi máy bay Mi-171, chỉ có ba sĩ quan cấp tá được truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất và hai sĩ quan cấp tá được truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhì, còn tất cả 13 sĩ quan cấp úy đều chỉ được truy tặng Huân chương Chiến công hạng ba. Chứng tỏ, chiến công tấn công người dân Đồng Tâm được đánh giá cao hơn hẳn so với chiến công quốc phòng và chiến công truy bắt đối tượng liên quan đến vụ án giết người.

Kỷ lục thứ ba là về tính tiên phong: Trong Quyết định số 41/QĐ-CTN ký ngày 10/1/2020, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gọi Thượng tá Nguyễn Huy Thịnh là Đại tá, gọi Thiếu úy Dương Đức Hoàng Quân là Trung úy, và gọi Trung úy Phạm Công Huy là Thượng úy (xem Ảnh 17), mặc dù một ngày sau đó (tức 11/1/2020) Bộ trưởng Bộ Công an mới ký quyết định thăng cấp bậc hàm cho ba người ấy.

Không dừng lại ở đó, mấy ngày sau Dương Đức Hoàng Quân lại được truy phong tiếp lên Thượng úy và Phạm Công Huy được truy phong tiếp lên Đại úy. Tức là, hai sĩ quan cấp úy được truy phong hai cấp, trong khi liệt sĩ thường chỉ được truy phong một cấp mà thôi. Vì sao?

Ảnh 16: Quyết định truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất

Ảnh 17: Danh sách các cá nhân được truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất

2.2. Hiệu quả hi sinh

Tại sao cái chết của ba sĩ quan công an lại được đánh giá là "chiến công đặc biệt xuất sắc"?

Hãy tưởng tượng xem, sau khi cụ Lê Đình Kình bị giết dã man như vậy, thì điều gì sẽ xảy ra, nếu phía công an chẳng có ai bị chết? Đương nhiên, dư luận sẽ lên án hành vi man rợ, chà đạp thô bạo Hiến pháp, pháp luật.

Nếu chỉ có một công an bị chết, thì vẫn chưa đủ để xoa dịu dư luận. Nhưng khi ba công an bị chết thì câu chuyện đã khác.

Nếu chỉ có Thiếu úy và Trung úy bị chết, thì có thể còn bị gièm pha, rằng chẳng qua sa sẩy do còn ngờ nghệch. Nhưng khi Thượng tá, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ đô cũng bị chết, thì khó có thể quy kết cho khả năng và trình độ chiến đấu kém cỏi.

Đặc biệt, nếu ba công an bị chết vì đạn hay mìn, thì có lẽ chỉ gây thương xót. Nhưng khi họ chết vì bị thiêu cháy, như trong Ảnh 18 và Ảnh 19, thì sẽ khiến hàng triệu người căm thù cụ Lê Đình Kình và những người dân Đồng Tâm. Cơn phẫn nộ ấy mạnh đến mức xóa tan những băn khoăn về cuộc tấn công và việc giết hại cụ Kình một cách hoàn toàn phi pháp.

Ảnh 18: Xác một người chết cháy và vết tích cửa sổ bị phá từ phía trong nhà phá ra

Ảnh 19: Bên cạnh hai đám tro có ba que hương và trên mỗi đám tro có một que hương

Nghĩa là, cái chết của ba sĩ quan công an đã giúp nhà cầm quyền biến sai thành đúng, chẳng những tránh được dư luận lên án, mà còn được nhiều người ủng hộ.

Hiệu quả cao như vậy, thì đương nhiên phải đánh giá là "chiến công đặc biệt xuất sắc".

2.3. Cái chết kỳ dị

Sau khi tung ra mấy kịch bản hoang đường về nơi chết và lý do chết của ba sĩ quan công an, sáng 14/1/2020, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đã thông báo cho báo chí về tình huống ba sĩ quan công an hi sinh ở Đồng Tâm như sau:

"Đối tượng chạy vào nhà Lê Đình Chức, và từ nhà Lê Đình Chức khi bị chúng ta truy đuổi thì chạy sang nhà Lê Đình Hợi. Trong quá trình truy bắt đối tượng từ nhà Lê Đình Chức sang nhà Lê Đình Hợi, giữa 2 nhà có một hố thông gió, hố kỹ thuật khá sâu, gần 4 mét, anh em ngã xuống hố. Có một số thông tin các đối tượng đào hố chông, thì hoàn toàn ở dưới không có chông. Là hố kỹ thuật. Hố không có nắp, như một số vụ tai nạn hố ga. Lập tức, các đối tượng sử dụng bom xăng, đổ xăng ra can tưới xuống và đốt."

Tại sao cả ba sĩ quan công an lại cùng ngã xuống hố kỹ thuật như vậy?

Có ý kiến cho rằng vì không tiến hành trinh sát, nên không biết có cái hố kỹ thuật nằm ở vị trí ấy. Nói như vậy là coi thường ý thức và khả năng tổ chức chiến đấu của lãnh đạo Bộ Công an. Thời chiến tranh, bộ đội phải vượt qua nhiều hàng rào dây thép gai dày đặc bom mìn và nhiều vòng canh gác cẩn mật để trinh sát cơ sở địch. Vậy thì bây giờ, khó khăn gì có thể ngăn cản công an trinh sát nhà dân giữa lòng hậu phương? Nếu không thể quan sát trực tiếp từ mấy nhà trong xóm, thì cũng có thể dùng các thiết bị kỹ thuật thông dụng để quan sát từ xa.

Tôi chụp Ảnh 20 (panorama) khi đang đứng ở miệng hố kỹ thuật. Do đó, nếu ta nhìn thấy khu vực nào trong ảnh, thì ngược lại, từ khu vực ấy cũng có thể quan sát miệng hố kỹ thuật. Qua đó ta thấy, có thể quan sát miệng hố kỹ thuật từ rất nhiều vị trí. Nếu không quan sát từ ngôi nhà phía trước, thì chỉ cần cho một chiếc flycam bay lên là có thể ghi hình rõ ràng sân thượng nhà ông Chức cùng hố kỹ thuật. Vậy nên, những người lên kế hoạch tấn công Đồng Tâm phải biết về sự tồn tại của cái hố kỹ thuật ấy.

Ảnh 20: Ảnh chụp panorama từ miệng hố kỹ thuật

Lại có ý kiến cho rằng, ba sĩ quan bị rơi xuống hố kỹ thuật vì trời quá tối, mà lại không được trang bị đèn chiếu sáng. Nói như vậy khác nào chê lãnh đạo Bộ Công an vừa vô trách nhiệm, vừa ăn chặn kinh phí trang bị khí tài, khiến chiến sĩ xung trận không được trang bị những dụng cụ tối thiểu. Thực ra, khi xảy ra cuộc tấn công thì khu vực xung quanh hố kỹ thuật không hề tối, thậm chí nhiều khi đèn pha còn chiếu thẳng vào nơi đó. Và khu vực ấy cũng không hề bị khói mịt mù bao phủ. Ảnh 21 là bằng chứng rõ ràng cho điều đó. Hình ảnh này được trích ra từ video clip (tại thời điểm 00:31) của chương trình thời sự VTV, được đăng lại trên nhiều báo, ví dụ như trong bài "Thu giữ lựu đạn, bom xăng, bắt các đối tượng gây rối ở xã Đồng Tâm" đăng trên Vietnamnet, hay trong bài "Diễn biến vụ Đồng Tâm: Bắt các đối tượng gây rối" đăng trên báo Đất Việt. (Để thấy quả thật quang cảnh trong Ảnh 21 tương ứng với khu vực xung quanh hố kỹ thuật, hãy so sánh nó với Ảnh 22, được chụp vào ban ngày.) Cho nên, ba sĩ quan công an phải nhìn thấy hố kỹ thuật.

Vậy mà vẫn ngã xuống hố, rồi lại được đánh giá là "chiến công đặc biệt xuất sắc"... Điều đó chứng tỏ, hiệu quả hi sinh đã được đánh giá cao hơn hẳn chất lượng và hiệu quả chiến đấu.

Ảnh 21: Quang cảnh xung quanh khu vực hố kỹ thuật khi xảy ra cuộc tấn công

Ảnh 22: Quang cảnh xung quanh khu vực hố kỹ thuật vào ban ngày

Lẽ ra, cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm trong toàn lực lượng công an, để tránh tái diễn những sai lầm chết người tương tự. Nhưng ngược lại, theo yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân PhúcĐảng ủy Công an Trung ương, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn của Bộ Công an, và Công an các tỉnh lại phát động phong trào học tập ba liệt sĩ đã hi sinh ở Đồng Tâm.

Học tập cái gì? Phương pháp rơi xuống hố ư? Không, thứ cần học không phải là phương pháp và kinh nghiệm chiến đấu, mà chỉ là thái độ chấp nhận hi sinh.

Điều đó cho thấy, khi đối tượng tác chiến của lực lượng vũ trang mang tên nhân dân chính là nhân dân, thì thứ thế lực cầm quyền muốn có nhất ở các sĩ quan và chiến sĩ không phải là kỹ năng và hiệu quả chiến đấu, mà là bản năng tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh bất chấp đúng sai, và thái độ nghiễm nhiên chấp nhận hi sinh cả khi phi nghĩa. Chỉ có như vậy, thì họ mới chịu chĩa súng vào đầu dân và chĩa cả vào nhau, sẵn sàng bóp cò mỗi khi có lệnh.

Khi về nơi chín suối, hẳn các liệt sĩ đã kịp nhận ra mức độ hài hước của khẩu hiệu "Còn đảng còn mình". Bởi đảng vẫn còn, mà mình chẳng còn.

2.4. Đội hình quái lạ

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, "trong quá trình truy đuổi, một tổ công tác gồm ba người đã hi sinh". Ba người ấy là:

- Thượng tá Nguyễn Huy Thịnh, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ đô, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an;

- Thiếu úy Dương Đức Hoàng Quân, cán bộ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ đô, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an;

- Trung úy Phạm Công Huy, cán bộ Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Khu vực 3, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an Thành phố Hà Nội.

Tại sao lại sinh ra một tổ công tác với đội hình lại quái lạ như vậy?

Trung đội trưởng, Đại đội trưởng và Tiểu đoàn trưởng đi đâu, mà để Phó Trung đoàn trưởng phải trực tiếp chỉ huy một cán bộ cấp tiểu đội? Sĩ quan, chiến sĩ trẻ trung đi đâu, mà để một Thượng tá 48 tuổi phải lạch bạch đuổi theo mấy gã nông dân? Tại sao Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ đô không chốt ở vòng ngoài để chỉ đạo chung, mà lại sa đà truy đuổi mấy đối tượng, để rồi ngã xuống hố kỹ thuật?

Tại sao lại phân công một cán bộ chữa cháy vào tổ ba người để truy đuổi đối tượng? Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang giải thích: "Về việc tại sao tổ công tác có cả cán bộ phòng cháy chữa cháy hi sinh, thì lực lượng này là để xử lý tình huống các đối tượng có bom xăng, bùi nhùi..." Song chỉ những đầu óc ngây ngô mới có thể thỏa mãn với lời giải thích ấy. Bởi lực lượng tấn công vào Đồng Tâm không thương dân đến mức lo chữa cháy nhà dân, và người dân cũng không dại dột đến mức tự phóng hỏa đốt nhà mình. Thành thử, nếu người dân có ném cái gọi là bom xăng (mà thực chất chỉ là mấy chai bia Hà Nội chứa xăng, được bịt nút bằng ni lông, không hiểu cháy kiểu gì - xem Ảnh 15) và bùi nhùi, thì cũng chỉ ném chúng ra đường, nên cùng lắm chỉ gây ra mấy đám cháy tượng trưng trên mặt đường, một lát sau sẽ tự tắt ngấm, hà tất phải cần đến cán bộ chữa cháy. (Hãy xem các video clip về biểu tình có bạo loạn ở trong và ngoài nước để thấy, chẳng có lính cứu hỏa nào lao vào dập mấy đám cháy trên mặt đường do bom xăng gây ra cả.)

Thông thường thì lính cứu hỏa chỉ đứng ở vòng ngoài, đợi khi có đám cháy to thì mới xông vào chữa cháy. Hơn nữa, lính cứu hỏa không chữa cháy một mình, mà thường sát cánh với nhiều đồng đội cùng tổ chữa cháy, những người đã từng cùng nhau dày công luyện tập hiệp đồng tác chiến. Vậy thì, tại sao lại tách riêng một mình cán bộ chữa cháy Phạm Công Huy, rồi phân vào một tổ với hai người xa lạ, để truy bắt đối tượng?

Không riêng Trung úy Phạm Công Huy, mà Thiếu úy Dương Đức Hoàng Quân cũng bị tách khỏi đội hình gần gũi. Thành thử, nếu có điều bất trắc xảy ra với họ, thì đồng đội thân thiết khó lòng hay biết. Chính vì thế, Huy đã ngã xuống từ khi trời chưa sáng, mà đến lúc họp giao ban hàng ngày Đội trưởng của Huy (Trung tá Nguyễn Như Ý) mới nhận được tin, và vẫn không tin, nên phải liên tục gọi điện thoại nhiều nơi để xác minh. Nghĩa là, khi ngã xuống, gần Huy chẳng có ai là đồng đội thân thuộc (cùng Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Khu vực 3).

Thật khó mà tìm được lý do chính đáng để biện minh cho việc lập ra một tổ công tác ba người với thành phần quái lạ như vậy. Tuy nhiên, nếu coi hi sinh và gây căm thù là đích, thì đội hình ấy lại có được mấy lợi thế như sau.

Một là, một tổ với ba người xa lạ thì chẳng gắn bó, khó phối hợp ăn ý, và không có ràng buộc tình cảm, nên dễ bị hi sinh hơn.

Hai là, tính mạng Thượng tá Phó Trung đoàn trưởng cao giá hơn hẳn tính mạng mấy sĩ quan cấp úy. Vì thế, tác dụng gây căm thù cũng cao hơn. Ngoài ra, trước khi chết, sĩ quan cấp cao còn có thể thi hành nhiệm vụ tuyệt mật, khó lòng trao cho sĩ quan trẻ với tâm hồn còn trong sáng.

Ba là, lính cứu hỏa được đào tạo để chữa cháy và cứu người trong những hoàn cảnh đời thường, nhưng khi bản thân bị giết thì khả năng tự vệ rất thấp. Đặc biệt, lính cứu hỏa có thể mang theo, hoặc buộc phải mang theo những thứ có thể gây cháy, để rồi chúng có thể trở thành nhiên liệu thiêu cháy chính bản thân và người khác, tương tự như hoàn cảnh được đề cập trong bài "Đồng Tâm: Lính bị 'nướng' 1000 độ?" của Trung Hiếu. Mặt khác, cán bộ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là thành phần ít bị tai tiếng nhất trong lực lượng công an, nên dư luận càng thương cảm nếu bị giết hại. Hơn nữa, cán bộ chữa cháy Phạm Công Huy đang có đứa con thơ mới 6 tháng tuổi, nên cái chết của Huy lại càng có tác dụng gây căm thù trong nhân dân, đối với những ai bị Bộ Công an cáo buộc là hung thủ, hay đã ra lệnh cho hung thủ. Nghĩa là, chọn Trung úy chữa cháy Phạm Công Huy vào tổ đặc vụ sẽ đồng thời có được mấy lợi thế đặc biệt cho đích hi sinh và gây căm thù.

2.5. Tìm kẻ sát nhân

Một vài suy luận trong phần này tựa trên hai tiên đề sau.

Tiên đề 1: Cả ba sĩ quan công an đều bị chết cháy trong hố kỹ thuật nằm giữa nhà Lê Đình Chức và nhà Lê Đình Hợi.

Tiên đề 2: Xác người chết cháy trong Ảnh 18 và hai đám tro trong Ảnh 19 là phần còn lại của ba sĩ quan công an sau khi bị thiêu cháy trong hố kỹ thuật.

Đương nhiên, nếu Tiên đề 1 hoặc Tiên đề 2 sai, thì kết luận tựa vào đó cũng có thể sai. Tuy nhiên, có cơ sở để tin vào hai tiên đề trên.

Một mặt, Tiên đề 1 phù hợp với công bố của Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang vào ngày 14/1/2020: "Từ nhà Lê Đình Chức sang nhà Lê Đình Hợi, giữa 2 nhà có một hố thông gió, hố kỹ thuật khá sâu, gần 4 m, anh em ngã xuống hố... Lập tức, các đối tượng sử dụng bom xăng, đổ xăng ra can tưới xuống và đốt."

Mặt khác, Tiên đề 1 và Tiên đề 2 phù hợp với hiện trường được phản ánh qua Ảnh 18 và Ảnh 19. Trong Ảnh 18, ta thấy một xác người chết cháy, vừa được kéo lên từ hố kỹ thuật. Trong Ảnh 19, ta thấy có hai đám tro đen nằm gần miệng hố kỹ thuật. Nếu chỉ có vậy thì khó có thể xác định đó là đám tro gì. Nhưng nếu để ý kỹ, có thể nhìn thấy bên cạnh hai đám tro có ba que hương và trên mỗi đám tro có một que hương. Điều đó cho thấy, mỗi đám tro là tàn tích của một người mới chết. Hơn nữa, quan sát miệng hố kỹ thuật trong Ảnh 24 và các bậc thang trong Ảnh 25, ta thấy có tro đen rơi vãi trên đó. Chứng tỏ, hai đám tro đen đã được đem lên từ hố kỹ thuật. Việc ba người công an trong ảnh bày hoa quả và thắp hương cúng cho thấy, đó là những gì còn sót lại của đồng đội họ.

Có hai câu hỏi cần được trả lời:

(1) Vì sao ba sĩ quan công an bị rơi xuống hố kỹ thuật?

(2) Ai là người đã thiêu cháy ba sĩ quan công an và thiêu bằng cách nào?

Để trả lời hai câu hỏi trên, ta sẽ lần lượt khẳng định bốn mệnh đề sau.

Mệnh đề 1: Người dân Đồng Tâm không hề đẩy ba sĩ quan công an xuống hố kỹ thuật.

Thứ trưởng Lương Tam Quang đã tuyên bố, rằng "anh em ngã xuống hố". Nếu thông tin của ông Quang chính xác, thì từ đó có thể suy ra ngay Mệnh đề 1. Tuy nhiên, thông tin này của ông Quang lại là điều mà ta sẽ phủ định trong Mệnh đề 2. Vì thế, chỉ có thể vận dụng tuyên bố của ông Quang một cách gián tiếp. Giả thiết rằng, tuy phát ngôn sai, nhưng với tư cách Thứ trưởng Bộ Công an - cơ quan lên kế hoạch và chỉ huy cuộc tấn công vào Đồng Tâm, ông Quang biết rõ sự thật đã diễn ra. Do đó, việc ông Quang không cáo buộc các đối tượng đã đẩy ba sĩ quan công an xuống hố kỹ thuật, mặc dù đã cáo buộc họ "sử dụng bom xăng, đổ xăng ra can tưới xuống và đốt", là bằng chứng cho thấy người dân Đồng Tâm không hề đẩy ba sĩ quan công an xuống hố.

Thực ra, chẳng cần phải dựa trên giả thiết đã nêu, thì lập luận như sau cũng đủ: Khi công an được trang bị súng đạn tối tân và luôn sẵn sàng nhả đạn, còn người dân Đồng Tâm không hề có súng bắn đạn, thì họ không thể đến gần để đẩy cả ba sĩ quan xuống hố. Vết đạn trong nhà cụ Lê Đình Kình (từ Ảnh 2 đến Ảnh 7), trên tường nhà ông Lê Đình Công (Ảnh 23) và trên gác thượng nhà ông Lê Đình Chức (xem Ảnh 26) cho thấy, lực lượng tấn công bắn không hề tiếc đạn. Vì vậy, người dân Đồng Tâm ra khỏi cửa còn không nổi, chứ đừng nói chuyện tiếp cận lực lượng tấn công khi họ hành sự.

Ảnh 23: Vết đạn trên tường nhà ông Lê Đình Công (chỉ có thể bắn qua cửa sổ nhà cụ Kình)

Mệnh đề 2: Không thể có chuyện cả ba sĩ quan công an cùng bị ngã xuống hố kỹ thuật.

Sau đây, ta trình bày một cách lập luận dựa trên quan sát cái cửa sổ trên hố kỹ thuật. Lập luận này dài hơn hẳn cách chứng minh sẽ được trình bày sau Mệnh đề 4, nhưng lại là phương án mà nhiều người cũng có thể nhận ra.

Như đã viết trong phần 2.3, khi xảy ra cuộc tấn công thì khu vực xung quanh hố kỹ thuật không hề tối và cũng không hề bị khói mù bao phủ. Do đó, ba sĩ quan công an phải nhìn thấy hố kỹ thuật. Tuy nhiên, ta cứ xét cả hoàn cảnh ba người đó không nhìn thấy hố kỹ thuật.

Trước hết, xét trường hợp hướng chuyển động giống như Trịnh Bá Phương đã tường thuật: "Hôm 9/1 CSCĐ đã phá cửa tầng 1 nhà ông Hợi, rồi trèo lên tầng 2, tiếp đó họ phá cửa sổ nhà ông Hợi để nhảy sang sân thượng nhà ông Chức." Lưu ý rằng tình tiết "họ phá cửa sổ nhà ông Hợi (từ trong nhà phá ra) để nhảy sang sân thượng nhà ông Chức" phù hợp với vết tích cửa sổ bị phá trong Ảnh 18. Trong trường hợp này, hình ảnh của ba người lấp ló sau khung cửa sổ trong Ảnh 24 cho thấy, cửa sổ không đủ rộng để có thể nhìn thấy hết cả ba cơ thể, nếu họ đứng sát nhau và cùng quay về phía hố kỹ thuật. Trên thực tế, cửa sổ rộng chưa đến 80 cm. Vì vậy, ba công an không thể chui lọt qua cửa sổ cùng một lúc. Chỉ có hai cách để vượt qua cửa sổ:

- Cách thứ nhất, đứng một chân trên nền nhà và chân kia vắt qua cửa sổ. Trường hợp này chỉ xảy ra khi họ tưởng sân thượng nhà ông Chức tiếp giáp trực tiếp với bức tường có cửa sổ của nhà ông Hợi, tức là họ không hề biết có hố kỹ thuật ở sau cửa sổ.

- Cách thứ hai, trèo lên và đứng cả hai chân trên bục cửa sổ, đồng thời hai tay vịn hai bên khung cửa sổ, rồi nhảy xuống.

Với cả hai cách, chỉ một người đã chiếm hết bề rộng của cửa sổ. Nghĩa là, chỉ có thể từng người vượt qua một. Do đó, khi người thứ nhất tìm cách vượt qua và bị rơi xuống hố kỹ thuật, thì đương nhiên hét lên, khiến hai người kia lùi lại, không vượt qua nữa.

Lưu ý rằng, nếu đứng trên bục cửa sổ nhà ông Hợi, cao hơn sân thượng nhà ông Chức khoảng 85 cm, thì có thể dễ dàng nhảy qua chiều rộng khoảng 77 cm của hố kỹ thuật, để sang sân thượng.

Bây giờ ta xét trường hợp hướng chuyển động ngược lại, như Thứ trưởng Lương Tam Quang đã tường thuật, rằng "truy bắt đối tượng từ nhà Lê Đình Chức sang nhà Lê Đình Hợi". Tức là truy đuổi theo hướng từ sân thượng nhà ông Chức, vượt qua hố kỹ thuật để chui vào cửa sổ của nhà ông Hợi. Trường hợp này khó xảy ra, vì không dễ vượt qua cùng một lúc cả chiều rộng khoảng 77 cm của hố kỹ thuật, lẫn chiều cao khoảng 85 cm của bục cửa sổ (xem Ảnh 24 và Ảnh 25). Hơn nữa, trong đêm bị tấn công thì cửa sổ ấy đóng (nên mới có dấu vết phá cửa trong Ảnh 18). Vì vậy, người dân Đồng Tâm không thể chạy trốn qua lối ấy, và do đó cũng chẳng có lý do gì khiến ba công an phải truy đuổi họ theo lối ấy. Nhưng nếu vì một lý do đặc biệt nào đó, mà cuộc rượt đuổi vẫn xảy ra theo lối ấy, thì vẫn có thể khẳng định, không thể có chuyện cả ba công an đồng thời nhảy qua hố kỹ thuật. Bởi chỉ từng người vượt qua hố, thì mới có hy vọng chui lọt vào ô cửa sổ hẹp chưa đến 80 cm. Và cũng tương tự như trường hợp trên, khi người thứ nhất bị rơi xuống hố kỹ thuật thì hét lên, khiến hai người kia lùi lại...

Tóm lại, trong cả hai trường hợp đã xét, không thể có chuyện cả ba sĩ quan công an cùng bị ngã xuống hố kỹ thuật.

Ảnh 24: Sân thượng nhà ông Chức, hố kỹ thuật và cửa sổ nhà ông Hợi với ba người lấp ló

Ảnh 25: Hố kỹ thuật với cái thang có tro đen rơi trên các bậc

Thực ra, sân thượng nhà ông Lê Đình Chức tiếp giáp trực tiếp với ban công nhà ông Lê Đình Hợi (xem Ảnh 26). Chỉ cần vắt chân qua thành ban công là có thể dễ dàng bước từ sân thượng nhà ông Chức sang ban công nhà ông Hợi, và ngược lại. Chỗ tiếp giáp ấy chỉ cách hố kỹ thuật mấy mét. Cho nên, chẳng có lý do gì khiến một cuộc chạy trốn và đuổi bắt giữa hai nhà lại phải diễn ra qua lối có hố kỹ thuật. Nói cách khác, truy bắt đối tượng không phải là lý do đích thực khiến ba sĩ quan công an cùng đến nơi có hố kỹ thuật, để rồi kết thúc cuộc đời ở đó.

Ảnh 26: Từ sân thượng nhà ông Chức nhìn về phía ban công nhà Hợi, hố kỹ thuật và tum nhà ông Chức

Mệnh đề 3: Thứ nhiên liệu đã thiêu cháy ba sĩ quan công an trong hố kỹ thuật không phải là chất lỏng.

Thật vậy, giả sử thứ nhiên liệu đã thiêu cháy ba sĩ quan công an ở dạng lỏng, thì để thiêu đến mức độ như trong Ảnh 18 và Ảnh 19, phải đổ vào hố kỹ thuật một lượng nhiên liệu rất lớn, lớn đến mức chất lỏng phải phủ kín và phủ đều toàn bộ đáy hố kỹ thuật. Do đó, mức độ cháy phải đồng đều trên toàn bộ đáy hố, khiến nhiệt phân bố đều bốn phía, và chiều cao của vùng bị ám khói đen trên vách hố phải tương đối bằng nhau. Hơn nữa, với lượng nhiên liệu lỏng lớn, lại cháy trong một hố kỹ thuật vừa sâu (415 cm) vừa hẹp (77 cm x 138 cm), và với mấy tử thi bị thiêu cháy đến như vậy, thì chiều cao của vùng vách hố bị ám khói đen phải khá lớn, và màu đen phải nhạt dần đều khi lên cao. Thế nhưng, quan sát Ảnh 27 và Ảnh 28, ta thấy hoàn toàn ngược lại:

- Chiều cao của vùng vách hố bị ám khói đen rất khác nhau, trong đó chiều cao của vùng bị ám khói đen trên vách hố phía bên trái bức ảnh lớn hẳn so với ba phía còn lại.

- Trên vách hố phía bên trái bức ảnh có mấy vết rạn tường mới tinh, trong khi trên vách hố các phía khác không có vết rạn nào, chứng tỏ nhiệt lượng sinh ra ở phía trái cao hơn hẳn.

- Ở một số vị trí, chiều cao của vùng vách hố bị ám khói đen tương đối nhỏ, và vùng vách hố bị ám khói đen dừng lại khá đột ngột, chứ không nhạt dần đều khi lên cao. Có lẽ vì vậy, một số người từng trực tiếp quan sát hố kỹ thuật đã nhận xét, không thấy dấu hiệu của vụ cháy.

Điều đó cho thấy, thứ nhiên liệu được dùng không phải là chất lỏng, mà ở dạng bột, hay dạng rắn, hay trộn lẫn, nên phân bố không đều trên đáy hố kỹ thuật. Nhiên liệu ấy cực mạnh, sinh ra nhiệt độ rất cao, nên tuy cháy trong một thời gian khá ngắn (tức không cháy lâu như xăng), nhưng vẫn đủ để thiêu hai người thành tro.

Ảnh 27: Dấu vết vụ cháy trong hố kỹ thuật

Ảnh 28: Vết rạn trên vách bên trái của hố kỹ thuật

Mệnh đề 4: Cáo buộc mấy người dân Đồng Tâm đã đổ xăng để thiêu cháy ba sĩ quan công an là sai sự thật.

Vì xăng là chất lỏng, mà Mệnh đề 3 đã khẳng định thứ nhiên liệu đã thiêu cháy ba sĩ quan công an trong hố kỹ thuật không phải là chất lỏng, nên cáo buộc mấy người dân Đồng Tâm đã đổ xăng để thiêu cháy ba sĩ quan công an là sai sự thật.

Sau khi đã chứng minh Mệnh đề 3, thì chứng minh Mệnh đề 4 chỉ ngắn như vậy. Song sau đây, ta sẽ trình bày thêm một cách lập luận khác.

Theo Mệnh đề 1 thì người dân Đồng Tâm không hề đẩy ba sĩ quan công an xuống hố kỹ thuật. Và theo Mệnh đề 2 thì không thể có chuyện cả ba sĩ quan công an cùng ngã xuống hố kỹ thuật. Thế mà, theo Tiên đề 1, cả ba người vẫn bị thiêu cháy trong hố kỹ thuật nằm giữa nhà Lê Đình Chức và nhà Lê Đình Hợi. Điều đó chứng tỏ, có kẻ nào đó đã ném họ xuống hố đó. Và để họ không chống cự, thì phải ra tay hạ thủ trước khi ném họ xuống. Vì ba sĩ quan công an có súng, lại từng được đào tạo võ nghệ, nên chắc hung thủ phải hạ thủ họ bằng súng, vừa nhanh gọn và vừa chắc ăn.

Theo Tiên đề 2, xác người chết cháy trong Ảnh 18 và hai đám tro trong Ảnh 19 là phần còn lại của ba sĩ quan công an sau khi bị thiêu cháy trong hố kỹ thuật. Tạm gọi nhân vật bị chết trong Ảnh 18 là X, hai nhân vật bị chết trong Ảnh 19 là Y và Z. Rõ ràng, hình hài của X còn hầu như nguyên vẹn, trong khi thi thể của Y và Z thì bị cháy thành tro. Cùng bị thiêu trong một hố vừa sâu vừa hẹp, với kích thước đáy là 77 cm x 138 cm, nên khi dãy dụa trên nền hố (do bị nóng quá), thì thân thể chạm vào nhau, thậm chí chồng một phần lên nhau. Mặt khác, Ảnh 27 và Ảnh 28 cho thấy, nơi thấp nhất của vùng bị ám khói đen trên vách hố cũng không quá thấp. Vậy thì tại sao lại có sự khác biệt quá lớn giữa vết tích còn lại của ba thi thể như vậy?

Rõ ràng Y và Z đã bị ném xuống hố trước. Sau khi Y và Z bị thiêu một thời gian đáng kể, lúc nhiên liệu chỉ còn lại khá ít, thì X mới bị ném xuống hố. Vì thế, Y và Z bị cháy thành tro, còn hình hài của X thì vẫn gần như nguyên vẹn. Nghĩa là, sau khi ném Y và Z xuống hố thì hung thủ vẫn ở lại cạnh hố, để rồi ném tiếp X xuống hố. Hiển nhiên, khi hung thủ (có súng) vẫn còn có mặt ở hiện trường, thì không người dân Đồng Tâm nào có thể mon men đến gần, để đổ nhiên liệu vào hố kỹ thuật mà phóng hỏa.

Lập luận này quan trọng ở chỗ, nó vẫn còn nguyên tác dụng bác bỏ, trong trường hợp phía công an lại sửa kịch bản, cáo buộc người dân Đồng Tâm đã dùng nhiên liệu dạng bột hay dạng rắn (chứ không phải xăng), để thiêu cháy ba sĩ quan công an.

Lối suy luận như trong cách chứng minh thứ hai cho Mệnh đề 4 có ích cho việc tìm ra thủ phạm. Hơn nữa, còn giúp ta có thêm một cách chứng minh cực ngắn sau đây cho Mệnh đề 2.

Giả sử Mệnh đề 2 sai, tức là cả ba sĩ quan công an đã ngã xuống hố kỹ thuật cùng một lúc. Nếu thế thì họ đã bị thiêu cùng một lúc. Do đó, khi Y và Z bị thiêu thành tro thì X cũng phải thành tro, hay ít nhất cũng phải khác rất xa nguyên dạng. Điều này mâu thuẫn với thực trạng được thể hiện qua Ảnh 18 và Ảnh 19. Vì thế Mệnh đề 2 phải đúng.

Thực ra, sau khi đã bắn chết ba sĩ quan công an, thì đương nhiên hung thủ phải tự tay phóng hỏa, thiêu cháy nạn nhân nhằm phi tang. Tức là, nếu chỉ dựa trên tâm lý thông thường, thì Mệnh đề 4 cũng phải đúng.

Tuy nhiên, một số người có thể bác bỏ Mệnh đề 4, vì dựa vào lời khai sau đây của Lê Đình Doanh, mà VTV đã trình chiếu (xem video clip trong bài "Tướng Lương Tam Quang thông tin về 'mưu đồ' của cha con Lê Đình Kình" đăng trên Vietnamnet):

"Ông Chức có sai tôi là châm lửa, thì ông Chức có bảo tôi là đẩy mạnh về phía trước là được, thì tôi có đẩy mạnh về phía đằng trước, và sau đó tôi đi xuống thì thấy ông Chức có đổ xăng từ 3 đến 5 lần gì đó, và tôi thấy cán bộ có tiếng hét lên. Tôi biết là có cán bộ ở dưới. Và tôi nghe thấy ông Chức nói: Chết mày đi."

Thuyết phục chưa? Vậy hãy từ từ ngẫm lại nhé. Đầu tiên, ông Chức sai Doanh châm lửa. Sau khi châm lửa thì Doanh đi xuống, còn ông Chức ở lại và đổ xăng xuống hố kỹ thuật. Tức là, ông Chức đứng trên sân thượng và đổ xăng xuống đám cháy trong hố. Điều gì sẽ xảy ra? Ngay cả trẻ con cũng biết, lửa ở dưới hố sẽ bén ngay vào dòng xăng, chảy xuống từ can xăng mà ông Chức đang cầm, khiến cả can xăng cũng bùng cháy. Hiển nhiên, ông Chức phải buông tay ra, và can xăng rơi xuống, tràn lênh láng trên mặt sân thượng. Thế là ông Chức bị lửa bao vây. Không sao. Theo lời khai của Doanh, ông Chức vẫn tiếp tục đổ thêm xăng từ 2 đến 4 lần gì đó. Vậy là lửa quanh người ông Chức càng bốc cháy dữ dội. Song cuối cùng ông Chức vẫn sống, để rồi bị công an bắt và truy tố vì tội giết người thi hành công vụ. Ngạc nhiên chưa?

Rõ ràng, kịch bản mà Doanh bị ép phải khai nhận hoàn toàn phi lí và ngớ ngẩn. Vậy mà VTV vẫn chiếu đi chiếu lại. Vậy mà nhiều báo vẫn đăng đi đăng lại. Vậy mà nhiều người vẫn tin. Buồn thay.

Vì sao Lê Đình Doanh lại khai nhận cái điều vừa phi lí và ngớ ngẩn, vừa tai hại cho bản thân như vậy? Hãy quan sát dáng lết đi xiêu vẹo của Lê Đình Doanh lúc trình diễn để quay phim, đến mức phải có hai diễn viên công an dìu hai bên (xem Ảnh 29 và video clip trong bài "Tướng Lương Tam Quang thông tin về 'mưu đồ' của cha con Lê Đình Kình" đăng trên Vietnamnet, từ thời điểm 05:49 đến thời điểm 05:56). Qua đó có thể nhận ra một phần hậu quả của việc tra tấn ép cung. E rằng, trong hoàn cảnh ấy, nếu bị ép phải thừa nhận đã ám sát Tổng thống John F. Kennedy, thì Doanh cũng cúi đầu nhận tội.

Ảnh 29: Dáng đi xiêu vẹo của Lê Đình Doanh, đến mức phải có hai công an dìu hai bên

Điều đáng lo là, sau khi đã có được lời khai nhận ấy của Lê Đình Doanh, thì cơ hội sống để xuất hiện tại tòa của Lê Đình Chức cũng giảm hẳn. Bởi nếu để ông Chức sống và không chấp nhận lời khai của Doanh tại phiên xét xử, thì vở kịch khó hạ màn trọn vẹn.

 

Tóm lại, từ Mệnh đề 1 và Mệnh đề 4, ta rút ra: Người dân Đồng Tâm không hề có lỗi trực tiếp hay gián tiếp đối với cái chết của ba sĩ quan công an. Họ không hề làm gì khiến ba sĩ quan công an bị rơi xuống hố kỹ thuật. Và họ cũng không hề đổ xăng xuống hố kỹ thuật rồi châm lửa đốt ba sĩ quan công an, như phía công an đã cáo buộc.

Từ Mệnh đề 2, Mệnh đề 3 và lập luận khi chứng minh Mệnh đề 4, ta rút ra: Có kẻ đã hạ thủ ba sĩ quan công an và ném họ xuống hố kỹ thuật. Ban đầu ném xuống hai người, rồi phóng hỏa thiêu cháy họ. Khi nhiên liệu chỉ còn lại khá ít, thì người còn lại mới bị ném xuống. Thứ nhiên liệu đã thiêu cháy ba sĩ quan công an không phải là chất lỏng (chẳng hạn như xăng), mà là một thứ nhiên liệu cực mạnh ở dạng bột, hay dạng rắn, hay tương tự.

Không phải là người dân Đồng Tâm, lại có thể đến gần ba sĩ quan công an được trang bị đầy đủ súng ống để hạ thủ họ, thì hung thủ có thể đến từ đâu, nếu không phải từ đám tấn công vào Đồng Tâm?

Để thu được các kết luận trên, tôi đã cố tình trình bày hai cách lập luận khác nhau cho Mệnh đề 1, Mệnh đề 2 và Mệnh đề 4. Không phải vì thích dài dòng, mà đề phòng trường hợp một cách lập luận có sơ hở, hay chưa đủ thuyết phục, thì vẫn còn có cách lập luận kia. Phải thận trọng và chắc chắn như vậy, bởi lương tâm đòi hỏi chúng ta không chỉ bảo vệ danh dự và trả lại công bằng cho người đã khuất, mà còn bảo vệ tính mạng của bà con Đồng Tâm đang quằn quại chốn lao tù.

Việc công an trưng ra lời khai của Nguyễn Văn Tuyển, rằng "cụ Kình chỉ đạo cứ cho 3 thằng chết là phải chạy hết", chẳng có sức thuyết phục. Ngược lại, chỉ làm tăng thêm nghi ngờ: Con số "3 thằng chết" không phải là kết cục mang tính ngẫu nhiên, mà đã được xác định từ khi lên kế hoạch.

Viết đến đây đã có thể dừng lại, bởi mục đích cao nhất của bài viết này không phải là xác định đích danh thủ phạm giết người, mà là minh oan cho cụ Lê Đình Kình, cùng những người dân Đồng Tâm đang bị giam giữ và sẽ bị đem ra xét xử. Để họ không bị kết án oan sai. Và cũng giúp cơ quan điều tra, xét xử không kết tội oan sai. Hơn nữa, giúp những người quá tin vào cái gọi là thông tin chính thống bình tâm nghĩ lại, tránh lên án và xúc phạm những nạn nhân vô tội.

Xác định đúng ai đã ra lệnh và ai đã trực tiếp hạ thủ, thiêu cháy ba sĩ quan công an, đó là công việc của những người có trách nhiệm điều tra và thật sự muốn điều tra. Cho đến khi có được kết quả điều tra thật sự đáng tin, mọi người đều có quyền suy đoán theo cách của mình.

Khi điều tra hay suy đoán, cần xét mọi trường hợp có thể xảy ra. Không nên bỏ qua mấy câu hỏi sau:

- X là ai? X còn sống hay đã chết khi hung thủ phóng hỏa thiêu Y và Z? Nếu lúc đó X đã chết, thì tại sao hung thủ không ném X xuống hố cùng một lúc với Y và Z, mà lại đợi đến khi nhiên liệu đã cháy gần hết mới ném X xuống hố, khiến hiệu quả phi tang bị giảm hẳn? Còn nếu lúc đó X vẫn còn sống, thì X làm gì khi Y và Z bị hạ thủ, bị ném xuống hố và bị thiêu cháy?

- Có khám nghiệm tử thi đối với X hay không? Nếu có khám nghiệm tử thi, thì có tìm thấy bằng chứng X bị hạ thủ trước khi bị ném xuống hố kỹ thuật hay không? Nếu không khám nghiệm tử thi, thì tại sao lại không? Đã quá biết nguyên nhân cái chết của cụ Kình, mà vẫn đem thi thể cụ ra mổ phanh thây, thì tại sao không khám nghiệm tử thi đối với X? Ai không chịu ra lệnh, hay cản trở việc khám nghiệm tử thi đối với X?

- Ai đã quyết định lập ra tổ công tác ba người (gồm Nguyễn Huy Thịnh, Dương Đức Hoàng Quân và Phạm Công Huy)? Ai đã điều động cán bộ chữa cháy Phạm Công Huy về tổ ấy?

Trong bài "Nghẹn ngào tang lễ 3 chiến sĩ hy sinh tại Đồng Tâm" đăng trên Vietnamnet có câu: "Mẹ của liệt sĩ Nguyễn Huy Thịnh cho biết sau lễ truy điệu, thi hài con trai sẽ được hỏa táng và đưa về an táng tại nghĩa trang quê nhà, xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm."

Phải chăng, đó là dấu hiệu cho thấy X là Nguyễn Huy Thịnh? Bởi nếu Nguyễn Huy Thịnh là Y hay Z, thì đã bị cháy thành tro, có thể an táng ngay, chẳng cần phải "hỏa táng" nữa.

 

3. Mấy điều đọng lại

Đêm 30 Tết, trời Hà Nội đổ mưa như trút nước, gió giật, sấm chớp đùng đùng - một hiện tượng thiên nhiên chưa từng xảy ra vào thời điểm Tết nguyên đán. Nhiều người chia sẻ cảm giác, Trời nổi cơn thịnh nộ vì tội ác diễn ra ở Đồng Tâm.

3.1.

Đang đêm, huy động hàng ngàn cảnh sát tấn công vào Đồng Tâm, hành hạ và giết chết cụ Lê Đình Kình ngay trên giường ngủ, đồng thời bắt đi mấy chục người dân.

Rồi Bộ công an công bố: "Trong quá trình xây dựng (tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn), sáng ngày 9/1/2020, một số đối tượng có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng... tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, dẫn đến hậu quả 03 cán bộ chiến sĩ Công an hi sinh, 01 đối tượng chống đối chết..."

Trên thực tế, địa điểm tấn công cách nơi xây dựng tường rào Sân bay Miếu Môn mấy cây số, và thời điểm tấn công diễn ra mấy tiếng đồng hồ trước khi công việc xây dựng hàng ngày tại Sân bay Miếu Môn bắt đầu.

Phải bịa ra lý do phi thực tế đến thế để biện minh cho hành động tấn công vào Đồng Tâm và giết chết cụ Kình, điều đó chứng tỏ bản thân những người cầm đầu cũng biết rất rõ, hành động của họ là hoàn toàn phi lí và phi pháp. Hơn nữa, nó cũng thể hiện thói quen hành xử bất chấp pháp luật và coi thường nhân dân, coi muôn dân như bầy ngốc ngếch, chẳng biết tư duy, nên họ nói dối thế nào cũng phải nghe, phải tin.

3.2.

Trước khi bị bắn vào tim, cụ già 84 tuổi đã bị tra tấn, hành hạ hết sức dã man. Hình ảnh đầu gối cụ Kình bị bắn vỡ tung (Ảnh 8) và thi thể của cụ bị mổ phanh từ cổ đến đáy bụng (Ảnh 9) thể hiện rõ khát vọng và quyết tâm trả thù. Trả thù cụ Kình và những người dân Đồng Tâm đã dám sát cánh bên cụ, bảo vệ quyền sử dụng vùng đất mà họ vẫn sử dụng. Đồng thời đe dọa tất cả những ai dám cứng đầu trước cường quyền, đấu tranh giữ đất như bà con Đồng Tâm.

Tội của cụ Kình là... vô tội. Vì thế, họ không thể bắt giam để đem ra xét xử, mà giết cụ ngay trên giường ngủ. Cũng vì thế, người đảng viên 58 tuổi đảng không bị khai trừ khỏi đảng, cho đến khi bị đồng chí đang tâm giết hại.

3.3.

Trong trận tấn công vào Đồng Tâm, ba sĩ quan công an đã bị giết chết.

Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang tuyên bố: "Anh em ngã xuống hố... Lập tức, các đối tượng sử dụng bom xăng, đổ xăng ra can tưới xuống và đốt."

Cái chết bi thảm của ba sĩ quan công an khiến bao người phẫn nộ, căm thù gia đình cụ Kình và người dân Đồng Tâm. Nhờ thế, lấn át được dư luận lên án hành vi giết hại cụ Kình, và khiến nhiều người đồng tình ủng hộ cuộc tấn công phi pháp vào Đồng Tâm.

Thế nhưng, phần 2.5 đã chỉ ra: Người dân Đồng Tâm không hề đổ xăng xuống hố kỹ thuật để thiêu cháy ba sĩ quan công an. Hơn nữa, nếu thừa nhận Tiên đề 1 (tức là cả ba sĩ quan công an đều bị chết cháy trong hố kỹ thuật nằm giữa nhà Lê Đình Chức và nhà Lê Đình Hợi) và Tiên đề 2 (tức là xác người chết cháy trong Ảnh 18 và hai đám tro trong Ảnh 19 là phần còn lại của ba sĩ quan công an sau khi bị thiêu cháy trong hố kỹ thuật), thì có thể suy ra: Ba sĩ quan công an không tự ngã xuống hố kỹ thuật. Họ đã bị ném xuống hố và bị thiêu cháy, nhưng không phải bởi người dân Đồng Tâm.

3.4.

Việc giết hại cụ Lê Đình Kình và việc giết hại ba sĩ quan công an đều là tội ác. Hai tội ác giết người ấy đều phải bị khởi tố, điều tra và đem ra xét xử nghiêm khắc.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố 20 bị can người Đông Tâm về hành vi giết người thi hành công vụ. Việc đó cũng na ná như đội quân xâm lược mà lại cáo buộc người dân bản xứ tội giết người, khi họ sử dụng quyền tự vệ chính đáng của mình. Tuy nhiên, như đã viết ở trên, cả 20 bị can đã bị khởi tố đều không liên can đến cái chết của ba sĩ quan công an.

Còn việc giết hại cụ Lê Đình Kình bất chấp pháp luật thì vẫn chưa bị khởi tố, mặc dù hàng chục người đã ký đơn tố giác tội phạm gửi Viện Kiểm sát Nhân dân và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội.

 

Không thể chỉ chăm chăm truy tố tội giết người thi hành công vụ, mà lờ đi tội nhân danh thi hành công vụ để giết người.

3.5.

Với tội ác Đồng Tâm, nhà cầm quyền đã tự tay giáng đòn trí mạng vào tử huyệt của chế độ. Muốn giải huyệt, thì phải thừa nhận tội ác, chấm dứt ngay chiến dịch vu khống, xuyên tạc sự thật, chấm dứt giam giữ và bức cung những người vô tội. Nếu tiếp tục bức cung, rồi dựa vào đó để kết án, thì chỉ đổ thêm dầu vào lửa, khiến cho tình hình ngày càng thêm trầm trọng và bế tắc.

Đừng vin vào mấy lời chém gió của mấy vị ba hoa để kết tội người dân Đồng Tâm. Họ cũng chỉ giống như bao triệu người đã từng "Thề phanh thây uống máu quân thù" (lời Quốc ca một thời của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), song chẳng bao giờ phanh thây uống máu một ai.

3.6.

Cải cách ruộng đất đã gây ra bao tội ác tày trời, khiến Chủ tịch Hồ Chí Minh phải nhỏ lệ xin lỗi nhân dân và Tổng bí thư Trường Chinh phải từ chức. Tội lỗi ấy được châm chước phần nào, nhờ thành quả "người cày có ruộng" mà Cải cách ruộng đất đã mang lại.

Song, với quy định "Đất đai… thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý", thế lực cầm quyền đã thẳng tay xóa bỏ thành quả tích cực ấy, khiến Cải cách ruộng đất chỉ còn sót lại trong lịch sử Dân tộc với tội ác. Hơn thế nữa, quy định ấy còn là nguyên nhân gốc rễ sinh ra bao tội ác khác, trong đó có tội ác Thủ Thiêm và tội ác Đồng Tâm.

Để chấm dứt chuỗi tội ác do nạn chiếm đoạt đất đai gây ra, phải hủy bỏ quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân trong Hiến pháp.

Để làm dịu nỗi đau do tội ác Đồng Tâm gây ra, đã hô hào học tập và làm theo, thì cũng nên học theo cách ứng xử của Hồ Chí Minh và Trường Chinh sau sai lầm của Cải cách ruộng đất. Chí ít cũng xin lỗi gia đình cụ Lê Đình Kình và nhân dân Đồng Tâm.

Ghi chú: Bài viết này có sử dụng một số bức ảnh được sưu tầm từ Internet, hoặc được trích ra từ các video clip có trên Internet. Người viết cảm ơn những người đã chụp các bức ảnh, hoặc quay các video clip liên quan.

Hà Nội, ngày 11 tháng 02 năm 2020

Cùng tác giả:

Càng an ninh mạng dân càng bất an

Luật an ninh mạng - Cán cân... cong lý

Luật an ninh mạng - Tượng đài... cô đơn

Một số điều cần trao đổi nhân vụ Trịnh Xuân Thanh

Mấy ý kiến trao đổi về tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh giáo sư

Bầu cử kiểu gì khi tệ ngay từ luật

Oan ức trĩu Hồn Cây

Sai phạm về tố tụng trong vụ án "Nguyễn Hữu Vinh cùng đồng bọn…"

Não lòng với Hiến pháp

Bắt mạch Hiến… nháp

Hiến pháp vi hiến

Hiến pháp 2013 - Sửa nhầm hay đổi thiệt?

Đảng và Nhân dân - Vị thế bị tráo

Uẩn khúc trong Điều 4 Hiến pháp

Rủi cho Phương Uyên - May cho Dimitrov

Quốc hiệu nào hội tụ lòng Dân?

Chỗ đứng của Nhân dân trong Hiến pháp

Teo dần quyền con người trong Hiến pháp

Hai tử huyệt của chế độ

Lực cản Nhà nước pháp quyền

Một số khía cạnh hình sự của vụ án Tiên Lãng - Hải Phòng

Nhân vụ Tiên Lãng bàn về công vụ

Quyền biểu tình của công dân

Bài học tồn vong từ thảm họa

Phiêu lưu điện hạt nhân

Về huyền thoại điện hạt nhân giá rẻ

Mạn bàn về an toàn điện hạt nhân

 

Nguồn: http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/index.php?page=readwriting&w=ToiAcDongTam-20200211