Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2020

Nhà thơ Hoàng Hưng – một khởi đầu của thơ cách tân

Nguyễn Việt Chiến
Có thể nói, sau nhiều năm, hành trình cách tân của nhà thơ Hoàng Hưng với những thể nghiệm thơ gây khá nhiều tranh cãi dường như đã lắng xuống sau khi tập thơ Hành trình của anh được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng thơ năm 2006. Qua một chặng dài tìm tòi gần nửa thế kỷ, thơ Hoàng Hưng dường như lắng lại với vẻ tự nhiên tĩnh tại của một Bậc thầy “Đã về - đã tới. Bây giờ - ở đây. Tự do ngay phút này - hoặc không bao giờ nữa”. Và thơ của anh gần đây có dấu hiệu càng đổi mới càng trở về với thi ca Phương Đông:
Lặng mà nghe
Tuyết tan đỉnh núi
Nghe trẻ hát đường non
Ngỡ lối về nhà
Nghe hạc gọi
Trong sương dày
Lội sương đi tìm
Thấy sườn tháp trắng
Nghe nắng trưa
Vỡ trên cành
Nghe nhịp mõ
Từ lòng đất
Nghe rừng xêxan nở
Trên đầu sừng nilgai.
(thơ Hoàng Hưng)
Nhà thơ Hoàng Hưng năm 1965 từng đoạt giải cuộc thi thơ của báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam. Từ những năm đầu của thập niên 80 của thế kỷ trước, nhà thơ Hoàng Hưng đã bước đầu có những tìm tòi khác thường và mới lạ về mặt hình thức nghệ thuật thơ. Trong 50 năm, ông đã in các tập thơ: Đất nắng (in chung 1970 NXB Văn học), Ngựa biển (1988 NXB Trẻ), Người đi tìm mặt (1994 NXB Văn hoá Thông tin), Hành trình (2005 NXB Hội Nhà văn) đã được trao Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội, 36 bài thơ (2008, Nghệ An), Poetry & Memoirs (2012 International Poetry Library, Hoa Kỳ), Ác mộng – Nightmares (2018, Văn học Press, Hoa Kỳ).
Nhà thơ Hoàng Hưng tên thật là Hoàng Thuỵ Hưng, sinh năm 1942 tại thị xã Hưng Yên. Ông tốt nghiệp khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1965. Từ năm 1973 đến năm 1982 ông là phóng viên, biên tập viên báo Người Giáo viên Nhân dân thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ năm 1987 ông tiếp tục làm ở nhiều báo khác nhau, cuối cùng là báo Lao động trong 13 năm từ 1990 đến khi nghỉ hưu vào năm 2003. Sau khi nghỉ hưu ông thường được mời nói chuyện thơ ở nhiều nước như Pháp, Đức, Hoa Kỳ.
Tác phẩm đã xuất bản:
- Đất nắng (in chung với Trang Nghị, NXB Văn học, Hà Nội, 1970)
- Ngựa biển
(NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 1988)
- Người đi tìm mặt
(NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 1994)
- Hành trình
(NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2005)
- 36 bài thơ (Nghệ An, 2008)
- Poetry & Memoirs (International Poetry Library, SF USA, 2012)
- Thơ & Những bài viết về thơ Hoàng Hưng (HHEBOOKS, 2012)
- Ác mộng – Nightmares (Văn học Press, Cal. USA, 2018)
Thơ dịch:
- 100 bài thơ tình thế giới (chủ biên và dịch chung, 1987)
- Thơ Federico Garcia Lorca (1988)
- Thơ Boris Pasternak (16 bài in chung trong tác phẩm Boris Pasternak - Con người và tác phẩm, 1988)
- Thơ Guillaume Apollinaire
(1997)
- Các nhà thơ Pháp cuối thế kỷ XX (2002)
- 15 nhà thơ Mỹ thế kỷ XX (chủ xướng, tổ chức bản thảo và dịch chung, 2004)
- Thơ Andre Velter
(2006)
- Thơ Thuỵ Điển
(dịch chung, 2010)
- Aniara về con người và không gian
– Harry Martinson (2012)
- Thơ Allen Ginsberg (chủ biên và cùng dịch, 2012)
- Bài hát chính tôi –
Walt Whitman (2015)
- Trời đêm những vết thương xuyên thấu – Ocean Vuong (2018)
Hai tập thơ Ngựa biểnNgười đi tìm mặt của Hoàng Hưng khi trình làng đã có nhiều dư luận trái chiều nhau và trở thành đề tài bút chiến của một số cây bút phê bình với những bình luận khen - chê khá gay gắt. Trước cuộc đòn “hội chợ” này, Hoàng Hưng tỏ ra bản lĩnh và khá bình thản trước “búa rìu” của phê bình đã có đôi lúc muốn “truy chụp” ông. Vì thật ra, cuộc đời thơ ca của Hoàng Hưng đã khiến ông phải nếm trải những bước thăng trầm nghiệt ngã hơn nhiều cái thứ búa rìu chữ nghĩa kia. Hai tập thơ nói trên của Hoàng Hưng in ra ở thời điểm đất nước vừa bước vào đổi mới như tín hiệu đầu tiên dự báo cho các dòng thơ tìm tòi, cách tân nghệ thuật sắp nối tiếp nhau trình hiện.
Hình như, trong mỗi con người thơ cách tân đều ẩn chứa một trạng thái làm việc ngôn ngữ không bình thường và khác người theo kiểu bị “ngộ chữ”, bị “bùng nổ”, bị “tẩu hoả nhập ma” nên các bài thơ cách tân thường có một vẻ “điên điên” nào đấy về mặt phát hiện những dị âm, dị hình khiến người đọc không sao theo kịp được những liên tưởng thơ trong một bức tranh kiểu trường phái ấn tượng của họ. Nhưng một nhà cách tân như Hoàng Hưng, khi viết về những người điên, thơ ông lại tỉnh táo lạ thường và nhân ái hết mực. Tôi đặc biệt ấn tượng về hai bài thơ: Người điên 1 (người điên hiền lành) và Người điên 2 (người điên gạch ngói) của Hoàng Hưng trong tập thơ Người đi tìm mặt. Trong bài thơ đầu, hình ảnh của một người điên hiền lành thật tội nghiệp và dễ thương khi đi qua thành phố, đi qua tuổi thơ của tác giả:
Anh cứ đi chăm chắm giữa đường
Cái mặt không tuổi
Tấm thân không thời tiết
Hai mắt để ngỏ một căn phòng trống không
Anh cứ đi nghìn bước như nhau
Quên ngay từng bước vừa đi
Không biết chỗ bàn chân đặt tới
Anh cứ vừa đi vừa bấm đốt
Và chỉ đếm đến một
Thủa nhỏ chúng tôi cười chạy sau lưng anh
Lớn lên
Bóng anh tắt những cơn vui
Và an ủi những giờ thất vọng
Rồi anh trở thành quen thuộc
Một hôm tôi bắt gặp tôi
lẩm bẩm giữa đông người
Sự bất ngờ đến trong khổ thơ cuối, khi chợt một hôm, nhà thơ thấy mình có cử chỉ khác thường giống như một người điên, nhưng may sao, đấy là một người điên hiền lành thích đùa rỡn với bọn trẻ con và chỉ quen đếm đến một. Nhưng bài thơ không dừng lại ở câu kết, khi cái lằn ranh mỏng manh giữa một người điên và một người bình thường đã khiến ta liên hệ đến một bi kịch đời sống đã bao trùm toàn bộ không khí bài thơ khiến người điên và nhà thơ trở thành người quen thuộc, họ giống nhau ở chỗ hay lẩm bẩm những nơi đông người. Đến khi ấy, ta mới lắng nghe được, cảm thông được, hiểu thấu được cái thứ ngôn ngữ lẩm bẩm của một người điên chính là sự mong muốn được truyện trò, được đối thoại với cái đám đông bình thường đang cố tình hắt hủi và xa lánh họ, điều mà chỉ có nhà thơ mới đồng cảm được. Còn trong bài thơ Người điên gạch ngói, chính nhà thơ lại là người được vỗ về bởi khúc ca thanh bình của một người điên đang hát lên khi đi qua cái thành phố điêu tàn vì chiến tranh:
Đội một viên gạch vỡ
Chị vừa đi vừa hát ca
Chiều tắt dần cuối phố
Chị vừa đi vừa ca
Những mảnh vụn của bài ca thanh bình
Lạo xạo tim tôi
Ôi nỗi điên gạch ngói
Cứ hát lên hát lên
Có bao nhiêu nát tan
Đội lên đầu mà hát
Không những chỉ nổi tiếng về thơ, Hoàng Hưng còn là một dịch giả thơ khá uy tín với không ít các bản dịch tuyệt vời trong các tập: 100 bài thơ tình thế giới (1988), Thơ Federico Garcia Lorca (1988), Thơ Pasternak (dịch cùng Nguyễn Đức Dương 1988), Thơ Apollinaire (1997), Các nhà thơ Pháp cuối thế kỷ XX (2002), 15 nhà thơ Mỹ thế kỷ XX (2004). Theo tôi, Hoàng Hưng là một trong số ít những nhà thơ Việt Nam tài hoa và khá uyên bác, đã vượt qua được ngưỡng cửa của thế kỷ XX để đối thoại với thế kỷ mới. Và có một điều khá kỳ lạ, sau hai tập thơ Ngựa biểnNgười đi tìm mặt với những phát hiện, tìm tòi chữ nghĩa theo kiểu “huớng ngoại” gây xôn xao dư luận thì chỉ ít năm sau, cùng với các chuyến “xuất ngoại” đến với các nền thi ca hiện đại khác trên thế giới như: Pháp, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản… ta lại gặp một Hoàng Hưng “hướng nội” tìm về với bản lĩnh Phương Đông vững chãi mà độc đáo theo cách bài thơ Nghe quạ kêu ở Calcutta dưới đây:
Người phu xe ngồi khâu áo
Chiếc áo rách từ thủa chưa có cội bồ đề
Giữa tiếng quạ kêu
Người phu xe chăm chú đường kim mũi chỉ
Quên mất mình đang đợi khách
Quạ kêu quạ kêu lẫn dàn kèn xe bus inh ỏi
Hai viên Xá Lợi lấp lánh trong nhà bảo tàng
Thần Ta Ra vặn mình theo nhịp vũ trụ
Quạ kêu quạ kêu ở Calcutta
Người bán trà sữa mang họ Barua vốn dòng Thích Ca
Dòng Thích Ca bị người đời truy sát
Người bán trà sữa xếp bằng rót một vòng trà cho bọn du khách hiếu kỳ
Món trà sữa từ thời Đức Phật
Quạ kêu quạ kêu lẫn tiếng rùng rùng những toa xe điện vừa chạy vừa long ra
Hai bên hè phố
Nguời chờ việc ngồi bẻ ngón tay trong nắng
Lòng đường mấp mô đen bóng những viên gạch trăm năm
Quạ kêu quạ kêu trưa nắng
Chạy túa ra
Bầy taxi-bọ cánh cứng màu vàng
Cả thành phố người xe lúc nhúc
Hăng nồng hương liệu nghìn năm
Xa lắc rồi
Cõi buồn vui hờn giận của chúng mình
Cõi lo toan vặt vãnh của chúng mình
Anh cầm tay em
Buông mình vào cõi khác
Giữa tiếng quạ kêu ở Calcutta
Đúng ra, bài thơ trên là một bức tranh về thời hiện đại, khi quá khứ và tương lai như hai đối cực đang dần hiện lên trong hình ảnh người phu xe ngồi khâu áo bên đưòng kiên trì, nhẫn nại như người bán món trà sữa từ thời Đức Phật cho những du khách hiếu kỳ trong cái thành phố Calcutta lúc nhúc người xe và hăng nồng hương liệu nghìn năm. Xuyên suốt bức tranh này là tiếng quạ kêu đến oi ả, đến bức bối làm chúng ta rối bời vì một cảm giác bất an đang thao thức đâu đó trong đời sống con người hiện đại khi cảnh lam lũ, khó nhọc trên mặt đất này vẫn luôn thường trực ở khắp mọi nơi. Hoàng Hưng đã vẽ bởi cảm xúc thơ thường trực trong con người ông chính là cái tố chất nhân văn luôn tràn đầy, luôn hướng tới và phải trình hiện bằng ngôn ngữ thơ này. Hoàng Hưng cũng đã vẽ và chấm phá chỉ bằng đôi nét thầm lặng ở bức tranh sau:
Cố đợi ngày trời trong
Có thể ngắm rặng tuyết sơn
Xa ngoài trăm cây số
Chờ hết một mùa
Trời mờ mịt sương
Đường lên núi súng nổ
Xe cháy
Sáng nay đôi chim hạc bay về
Mang trên cánh
Tuyết núi xa
Hình ảnh Tuyết Sơn trong bài thơ trên lặng mà động, yên mà bất yên, tưởng chừng không thấy mà lại thấy, tuởng như không chảy mà lại chảy, ngỡ như hư ảo giá lạnh mà lại hiện thực nóng bức. Cái hình ảnh đột ngột sớm nay, đôi chim hạc bay về từ núi xa, hình như không phải chúng mang tuyết trên núi về mà trên đôi cánh hạc ấy còn có cả dấu vết của máu nữa bởi trước đó, đường lên núi súng đã nổ và xe đã cháy. Cách chấm phá của Hoàng Hưng trong bức tranh này đã vượt qua được cái không khí của tranh thuỷ mặc xưa, nó gần với đời sống đương đại nhưng cũng rất gần với Phương Đông. Phải chăng đấy là một hướng đi mới của thơ hiện đại, khi Hoàng Hưng sau gần 40 năm trăn trở cùng thi ca với các khuynh hướng tìm tòi khác nhau đang hành trình tìm về miền cội nguồn của thi ca phương Đông?
Sự hoá thân của thơ vào sắc thái ngôn ngữ và hình ảnh riêng của mỗi nền văn hoá đã nhiều lần được Hoàng Hưng coi trọng đặt lên hàng đầu khi ông tới viếng thăm những miền đất khác hoặc khi ông viết về con người và đất nước ấy. Hoàng Hưng đã tìm được nhịp điệu đặc trưng của Lorca trong bài thơ sau:
Những đồi ô liu chạy trong trăng bạc
Góc tối toa tầu con tim tôi đập
Lorca
Đồng mênh mông rực cháy và nứt toác
Đâu rồi kỵ sĩ Cordoba?
Chỉ một bóng cao bồi Far-West
Giữa phim trường bao la
Lorca
Nhịp chân dồn dập di-gan
Trên sàn diễn giả trang hang đá
Trán nàng giọt giọt mồ hôi
Biển tháng chín mình tôi
Địa Trung Hải sóng chạy về tít tắp
Lorca
Đêm bập bùng ghi ta Granada
Bom nổ sớm mai quảng trường tan tác
Có cảm tưởng những hình ảnh huyền ảo, rung động của thi pháp Lorca đã làm nên sự hấp dẫn của bài thơ trên, Hoàng Hưng đã nắm bắt được nhịp điệu ấy và ông nhập cuộc vào một “bản nháp” theo kiểu của Lorca với dấu ấn sáng tạo của riêng mình.

THƠ HOÀNG HƯNG
NGƯỜI ĐI TÌM MẶT
Đêm xuống rồi
Ta lẻn
Đi tìm mặt mình
Đi tìm mặt mình đi tìm mặt mình đi tìm mặt mình
Em mặt trẻ thơ mình thiếu phụ
Em cử động giữa tiếng va cốc thìa
Cà phê và sữa.
Công viên chiều đẹp quá và lịch sự đến thành xa lạ
Tường vi nở mưa trên gạch đỏ
Mặt họ no đủ quá
Họ vui dễ thế kia
Cả một mùa hoa tím nhợt đi
Trong nắng hạ.
Người ơi người đời ta biết có
Mấy ngày vui?
Đi tìm mặt mình đi tìm mặt mình đi tìm mặt mình
Mặt ga đêm
Miệng mở ngủ
Giật thức
Mắt kinh hoàng
Người bốn phương chạy đổi chỗ.
Em đi về đâu em có đi cùng anh
Em có một cái mặt không?
Ta soi nhau mà tìm.
Đêm bốn bề người chen đêm chật
Em lén hưởng nồng nàn
Anh biết ngày mai mặt em trở về điếc đặc
Nhẫn nhục ăn làm.
Tàu rúc còi tàu đi tìm chi
Tìm mặt mình đi tìm mặt mình đi tìm mặt mình đi
Mặt tôi trong gió cuốn
Mặt tôi trong nắng đốt
Mặt tôi trong lá ngón
Mặt tôi còi vọng cô liêu
Mặt tôi bàn tay ôm ấp
Mặt tôi đá núi im lìm
Mặt mình đi tìm mặt mình đi tìm mặt mình đi tìm
Đốt đuốc lên
Cho ta đi tìm!
Đốt đuốc lang thang
Bàn chân bụi đất
Đốt đuốc tốc độ
Cháy vòng bánh xe
Đốt đuốc ái tình từng chiếc hôn đắm say hờ hững
Đốt đuốc nhịp điệu
Đất trời loảng xoảng nghịch âm
Đốt đuốc sắc màu
Cuộn quặn mặt trời Van Gogh
Đốt đuốc từ ngữ
Thơ tìm giúp mặt thơ ơi!
Mình đi tìm mặt mình đi tìm mặt mình đi tìm mặt
Ta đói mặt người ta khát mặt ta
Ta vọng mặt em mặt em ở đâu?
Tất cả chỉ còn hoang vắng
Tất cả chỉ còn mệt mề
Tất cả qua đi
Trên mặt kính tàu
Đi thôi
Tàu ơi
Gió, cát đuổi theo để vẽ mặt ta
Đi thôi đi thôi
Đi tạc mặt vào đêm
Hút hút.
HN 1973

CHIẾC LÁ BÀNG
Những đôi mắt âm thầm
Rõi qua khe cửa
Bao giờ rụng chiếc lá bàng cuối cùng?
Sẽ rụng đêm nay
Khi gió bấc nổi
Không. Nó sẽ còn đeo đẳng mãi trên cây
Dai như kiếp sống đọa đầy
Trong giấc ngủ màu máu
Chiếc lá bàng mênh mông
Thức dậy không còn lá
Bầu trời tím thâm
Bỗng rùng mình kiệt quệ
Như vừa ra đi giọt máu cuối cùng.

NGƯỜI VỀ
Người về từ cõi ấy
Vợ khóc một đêm con lạ một ngày
Người về từ cõi ấy
Bước vào cửa người quen tái mặt
Người về từ cõi ấy
Giữa phố đông nhồn nhột sau gáy
Một năm sau còn nghẹn giữa cuộc vui
Hai năm còn mộng toát mồ hôi
Ba năm còn nhớ một con thạch thùng
Mười năm còn quen ngồi một mình trong tối
Một hôm có kẻ nhìn trân trối
Một đêm có tiếng bâng quơ hỏi
Giật mình
một cái vỗ vai.

HÃY ĐỂ MÙA HÈ YÊN NGHỈ
Đường phố hôm nay mùa đông
Sao áo em mùa hạ?
Những sọc áo xanh cuộn sóng
Em mang trên ngực biển đầy
Biển những ngày hè đẹp lắm
Ngày nào tìm biển ta say
Nhưng mùa hạ đã ra đi
Chân trời xa không ngấn nắng
Sao em còn mang áo mỏng
Có còn mùa hạ nữa đâu
Sao em làm lòng ta đau
Nhớ ngọn lửa hè đã tắt
Chắc biển ngoài kia cũng xám
Lạnh co những sóng rộng dài
Ngực em cao làm tức ngực
Hãy chôn dưới lớp áo dầy
Đường phố hôm nay mùa đông
Hãy để mùa hè yên nghỉ.
(Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành bài hát Mùa hạ còn đâu.)

MƠ LẠC MẤT CON
Nửa đêm mơ lạc mất con
Tiếng kêu thảng thốt lệ tuôn áo tù
Bàng hoàng biết thực hay mơ
Bừng con mắt dậy nát nhừ ruột gan.
Nửa đời sự nghiệp tan hoang
Con là còn lại với ngàn năm sau.
Trời ơi xin chớ hại nhau
Cha xin gánh hết thương đau kiếp này
Xin trời đừng cướp trên tay
Cho tôi sống nốt những ngày chờ trông.

HỎI TÒA NHÀ ĐÁ
Nuốt bao nhiêu tiếng khóc tiếng rên la
Sao mày lặng câm thế?
Hút bao nhiêu hơi thở hổn hển
Sao mày lạnh lẽo thế?
Giam hãm biết bao nhiêu cuộc đời
Sao mày cứng rắn thế?
Ủ bao nhiêu hy vọng
Sao mày u tối thế?
Con Nhân Sư thế kỷ hai mươi
Không bao giờ trả lời.

NHỮNG ÁC MỘNG CỦA EM
Con đường này em đã đi
Bên vực thẳm bên tường cao chất ngất
Mỏm núi này em đã đứng
Bó tay nhìn ngựa trắng cùng đường
Em đã bay kiệt sức
Không kịp lấy bùa cứu anh
Sợ quá những giấc mơ cứ thành sự thật
Đêm không dám ngủ mắt như đèn
Bất hạnh cần gì biết trước
Hay trời cho đau khổ dần quen?
Bao giờ thì em hết ác mộng?
Bao giờ ác mộng sẽ tan theo bóng đêm?
Bao giờ ác mộng chỉ là ác mộng
Của anh và của em.

CẦU VỒNG
1.
Sững sờ lặng ngắt
Anh nắm chặt tay em.
Không anh không chui qua đâu
Sợ bước chân đi
Cấm kỳ trở lại
2.
Cầu vồng chắn cơn mưa
Cầu vồng chắn cơn mơ
Cầu vồng mở
Vùng trời mù mờ
3.
Cầu vồng mống cụt
Anh trèo chơi vơi
Đến lưng chừng trời
Thì ngã
4.
"Muốn giữ đầu lên cầu mà đứng
Đi đến gần thì bưng lấy đầu"
E đến khi mình chết
Chưa giải được lời mơ.

EM BỖNG CHÍN ĐỎ NHƯ TRÁI CÂY
Em bỗng chín đỏ như trái cây chạm mặt trời
mùa hạ
Trái cây hoang dã
Vùng biển nâu
En chín đỏ
Mà sao không hái được
Rồi em sẽ rụng nằm trong cát
Bỏng rẫy mặt trời hoang

CÁI CHẾT
Những con rận đã bỏ anh đi hết
Anh chết
Trong đêm
Miệng trắng thuốc đánh răng
Đã bảo mãi anh rằng
Đói đến mấy cũng đừng ăn thuốc đánh răng
Tấm thân thước bảy
Còn tấm giẻ hôi
Cũng là xong nhỉ
Ân oán một đời
Những con ruồi bay đến.

MÙI MƯA HAY BÀI THƠ CỦA M.
Tất cả nước mắt loài người bao vây nhà ta
Nằm bên anh em kể câu chuyện buồn
Chôn sâu trong lòng giờ mới nói ra
Gợi ý của trận mưa chưa từng thấy
Đã một nghìn đêm mưa trắng đêm
Điên cuồng nhớ mùi anh như con bò cái nhớ mùi phân rác
Anh đánh mất mùi anh trên những sàn đá lạ
Chỉ còn mưa mùi nước mắt đêm
Em còn yêu anh không yêu đến đâu giận ghét đến đâu
Mười lăm năm lòng mình chưa hiểu hết
Mưa mưa ngập tầng trệt
Đưa nhau lên gác xép nằm nghe mưa sập mái tôn
Ước nằm nghe mưa rồi chết.
Đêm 25/6/1992

CHỜ ĐỢI GIÓ THU
Đã kéo dài những ngày hè oi bức
Bao người chờ đợi gió thu.
Chờ đợi gió thu cho con nước dâng tàu lên mặt phố
Người qua đò trong sóng vỗ, về nhà nhớ nhau.
Chờ đợi gió thu cho cái lá nó reo tha hồ xao xác
Trẻ con đi quét lá chạy đùa vui trong gió chiều
Cho cô gái giở áo ra đan và mong nhớ
Cho cụ già dậy sớm bâng khuâng chuyện cũ
Cho anh con trai thất vọng lại thấy lòng ước mơ.
Chắc gió từ biển vào
Nên gió mênh mang thế
Một trăm con tàu theo gió vào
Nên gió âm vang sâu lắng thế
Chân trời theo gió vào
Nên gió đập vào lòng người xốn xang thế.
Chờ đợi gió thu
Gió thu sao chẳng đến?
Chiều nay ráng đỏ
Chừng mai trở gió cho chăng?
Đêm nay trong nhà muỗi quá
Có người ra ngủ ngoài sân ngóng trời.
Và gió thu đến.

Gió đến bất ngờ khi mọi người đã ngủ quên trong đợi chờ mệt mỏi
Chỉ có ông lão gác cầu và cô bé bán nước chè tươi chong đèn hạt đậu
                                                                                           bắt được con gió đến,
Ho xù xụ và xuýt xoa áo mỏng.

Gió tràn vào thành phố đêm khuya
Gió tràn vào thành phố bỏ ngỏ

Sớm mai tỉnh giấc
Ngập phòng heo may.
Ồ! Gió thu đã đến!


CHÁN NẢN
Như chỉ còn một ấm ức
Phân tích mùi hành lang mốc meo thăm thẳm
Như chỉ còn một mạo hiểm
Nhìn vói qua mái nhà chằng chịt thép gai
Như chỉ còn một thú vui
Ôn lại những giấc mơ dị kỳ chắp vá
Như chỉ còn một ao ước
Thấy mặt người cách tường trò chuyện
Như chỉ còn một lời nguyện
Kiếp sau đừng biết cuộc đời tự do.

MƯA ĐÊM
Gửi Thanh Thảo
Lâu quá mới có một đêm mưa không đâu rơi vào đầu vào cổ
Nhớ những đêm lang thang chợ Bắc Qua ga Hàng Cỏ
Một trăm bạc rượu tới Thiên đường
Lần đầu lén lút bán tem gạo mua cái sầu giữa phố
Tuổi ba mươi như con trẻ
Mất tân vì cô điếm ế.
Kiếp tha hương nửa đời vật lộn
Sống chỉ còn như một thói quen
Trời phương Nam đêm nay sao rét Bắc
Cho ta thèm một ly đen
Rủ rê ta những giọt mưa đêm
Nhưng xe máy lang thang thì thua xe đạp
Ta năm mươi rồi đâu thể cùng em...
Dạo ấy ba mươi ta là thi sĩ
Bây giờ thèm khát một câu thơ
Khi đời sống làm mình hoá đá
Bỗng rùng mình vì một hạt mưa
Sài Gòn đêm 6.6.93

CÔ EM MỚI ĐẾN
Em ở đâu vào?
Em từ dãy nào qua?
Em tội gì?
Em ở đây đã bao lâu?
Không có tiếng trả lời
Lát sau em hát
Bài hát tiếng Tàu
Tiếng Tàu ta đã quên từ lâu
Có cô quản giáo
Chuyện trò với em
Bảo hạt đậu của em đã mọc thành giá
Dặn em chải chấy
Mỗi ngày
Lát sau em bắt đầu
Hỏi gióng lên trời những câu vớ vẩn
Rồi tự trả lời
Rồi em lại nghêu ngao
Bài hát tiếng Tàu
Nhà ta xa xôi lắm
Nhà em còn xa hơn
Đường về hai đứa cùng mù mịt
Thôi thì cùng hát lên
Tiếng Tàu ta quên
Nhưng bài hát Tàu ta nhớ
Hát đến mệt nhoài thì đi ngủ
Nửa đêm chợt tỉnh
Nghe tiếng khóc tỉ tê
Ta ngồi như chết
Tường cao bốn bề.

CÁI CHẾT
Gửi M.
Không sợ chết mà sợ phút giây tổng kết cuộc đời
Đã bao lần ta thử hình dung phút ấy
Mẹ tôi cứ thế ngủ quên
Sau trận cười ròn rã buổi trưa
Nhẹ tênh kết thúc
Bảy mươi năm không bận tâm hai chữ lỗi lầm
Cha tôi không dậy nữa
Tối hôm trước người còn nằm nghe
Con cháu bàn ngày mừng thọ.
Chín mươi năm trầm ngâm trải nghiệm
Huy hoàng và thất chí, gắng sức và buông xuôi
Bắc cân lên đời buồn hơn vui
Bạn tôi vật vã ra đi
Cơn hôn mê nhân tạo không át nổi tiếng đau
Bốn năm kiên cường sống cái chết được báo trước
Một nắm da bọc xương 
Còn quầy quật khi thay áo liệm
Không cam chịu cái chết vô lý
Miệng còn giữ khuôn hình tiếng kêu
Dương vật không nằm xuống
Còn tôi sẽ chết cách nào đây?
Chết mòn chết mỏi
Trước màn hình tivi
Chết dần mỗi sáng trong bài múa tham sinh tập thể?
Chết nghìn lần trong mắt em?
Không. Cái chết ấy tôi không chịu nổi
Tôi ước mình chết trong một chuyến đi
Máy bay rơi
Biển cả là mồ
Không tang ma rườm rà
Không băn khoăn ai khóc ai tiễn ai cười ai vờ che mặt
Dưới đáy biển sâu
Tôi chờ một nhánh hoa nước mắt
Của riêng mình em thôi.
3/9/2003

SÔNG HẰNG
Mặt trời lên sông Hằng
Còn lại bóng đêm xác con trâu mộng
Những giàn thiêu nổi lửa ven bờ
Ánh bình minh trên vòm đá cổ
Tràn xuống sông bầy người ngũ sắc
Xin nước sông rửa sạch tội tình
Lão du-già đầy mình tro tử thi vừa nguội
Ướp xác phàm bằng hương liệu sắc - không
Sông Hằng sông Hằng cho tôi một giọt nước thiêng
Một giọt thôi
Giọt nào tẩy hết ưu phiền
Sông Hằng sông Hằng cho tôi chết
giữa dòng để tái sinh làm nhà thơ
hay thiền sư lang bạt
Mặt trời lên
Loé cười hàm răng anh bán cá
Suốt buổi sáng anh nhẫn nại đeo bám du thuyền
Để bán cho bằng được một giỏ cá tươi
Nụ cười sông Hằng
Trên mình con cá em phóng sinh
Trên chiếc nhẫn ngón tay em đuổi theo làn cá
Nụ cười sông Hằng
Triệu triệu năm sông nhẫn nại chở Hi Mã Lạp Sơn về xuôi
Nước sông đỏ tươi
Bao giờ mòn hết núi...

CHÓ RỪNG 
Suốt đêm nghe chó rừng hú quanh đồng cỏ
Chúng vừa hú vừa chạy nhanh như gió
Có khi rỡn đùa như trẻ chạy chơi
Bọn trẻ Tây Tạng không biết mình sinh ra
trên đất khách quê người
Có khi than khóc như trẻ đói ăn
Những đứa trẻ trong làng Nepal mắt đen viền sâu hoắm
Có khi tiếng tù và tiếng niệm chú rền rĩ 
trong Đại Tháp Hoa Sen
Làm bè trầm cho hợp ca chó rừng lanh lảnh
Suốt đêm thao thức hồ nghi
Tiếng chó rừng có thật không có thật?
Tiếng vô minh
Hú lên lừa mị trên đường ta đi tìm sự thật?
Gần sáng khoác áo ra rừng
Bắt chước tiếng hú gọi chó về
Bỗng mắt mắt mắt mắt
Chi chít mắt xanh
Nhìn ta trong bóng đêm



Im lìm.