Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 23 tháng 6, 2020

Điệp hoa thôn

Truyện Trương Đình Phượng

Cuối triều Lê vua quan ăn chơi xa xỉ chẳng thèm đoái hoài đến nỗi khổ bá tánh, có tay Ngự Sử Đại Phu tên Trương Hào tính tình ngay thẳng. Vô cùng căm ghét các quan lại hủ bại, Hào viết sớ hạch tội các quan viên hà hiếp dân lành, say sưa hưởng lạc trên xương máu đồng bào. Nhà vua nghe bọn quan viên xiểm nịnh khép Hào vào tội quấy rối triều chính, cởi mão đánh một trăm gậy, giam ngục ba năm sau đó đuổi về quê làm thứ dân.

Hào về quê, lợp vài mái tranh xiêu làm trường học dạy trẻ, đêm đêm vẫn chong đèn viết sử. Một hôm nghe có kẻ từ kinh thành về kể rằng triều đình đang tróc nã bọn học trò làm loạn trường thi, vì các quan chấm thi thiên vị con nhà giàu, đánh hỏng bài thi của các sĩ tử con nhà bần nông. Hào càng nghĩ càng căm tức, uất khí xông lên tận óc, ngất đi. Người nhà chạy tới vực vào nhà đổ thuốc cho uống, hai hôm sau tỉnh dậy bỗng trở nên ngơ ngơ ngẩn ngẩn.

Một sáng người nhà tỉnh dậy không thấy Hào đâu, hốt hoảng đi tìm khắp làng đều bặt bóng, bèn nghĩ chắc Hào điên điên dại dại xảy sa chân chết đuối đâu đó, cho người lùng sục mò tìm các bến sông, vẫn chẳng tìm được âm hao gì, đành ngậm ngùi trở về lập án phụng thờ.

Đêm đó tầm canh bốn, Hào tỉnh dậy vừa mệt mỏi vừa chán nản, ra sân ngồi, thẫn thờ suy nghĩ chợt có cơn gió lạnh, Hào giật mình nhìn lên thì thấy môt con bướm rất lớn từ trên cây xoài bay xuống , chốc lát hiện ra trước mặt Hào một thư sinh nho nhã, mỉm cười nói:

-Chào cố nhân.

Hào nói :

-Thứ cho ta già nua mắt kém không nhận ra ngài là ai.

Thư sinh nói:

-Ngài còn nhớ cách đây ba năm, khi ngài đang làm quan ngự sử, một hôm có tên lính bắt được một con bướm chăng?

Hào vò trán day tóc một lát mới nhớ ra, thốt khẽ:

-À, ta có nhớ. Khi ấy ai cũng bảo đó là con bướm ma phải giết đi, nhưng ta nghĩ dù là sinh vật gì cũng có mạng khí không nên sát hại, bởi thế ta ra lệnh thả con bướm ấy. Lẽ nào con bướm ấy chính là ngươi?

Thư sinh đáp:

-Chính thị là tại hạ.

Lại nói:

-Chẳng dám giấu gì ngài, ta tên là Điệp Thất Lang (chàng bướm thứ bảy), sinh sống tại Điệp Hoa Thôn dưới chân Phụng Hoàng Sơn (núi phượng hoàng nay ở tại Hải Dương) lần ấy vì mải mê đi chơi xa ta vô tình sa vào hoa viên nhà ngài đúng lúc tên lính trong phủ nhìn thấy, nếu không nhờ ngài có tấm lòng bồ tát thì cái mạng ta nay đâu còn. Hôm kia, ta  đến kinh thành định tìm ngài báo ơn mới nghe biết chuyện ngài vì tấu sớ hạch tội bọn tham quan mà dẫn đến thân bại danh liệt, ta đánh đường dò hỏi mất mấy hôm mới đến được đây. Nếu ngài không chê ta là giống loài hèn hạ xin được phép mời ngài đến Điệp Hoa Thôn chơi dăm hôm.

Hào bấy lâu tâm trạng đang chán chường chỉ muốn đi đâu đó kiếm chốn giải khuây, nghe thư sinh nói bỗng thấy phấn chấn, cười nói:

-Hay… hay, ta cũng đang cần tìm chốn giải phiền đây.

Nói dứt, đứng dậy nắm tay thư sinh giục đi gấp. Thư sinh biến trở lại thành con bướm  lớn bảo Hào cưỡi lên lưng mình, Hào lo sợ nói:

-Cánh nhà ngươi mỏng manh như thế, lỡ ta ngồi lên xảy ra chuyện không may thì biết làm thế nào?

Thư sinh nói:

-Đến cả đỉnh núi đè lên ta còn chẳng sao, huống gì chỉ một người như ngài. Xin ngài lên mau kẻo trời sáng thì hỏng bét.

Hào vừa run vừa bước lên cánh bướm. Quả như lời Điệp Thất Lang, đôi cánh bướm chắc chắn chẳng khác gì hai tấm phản gỗ. Hào bá chặt cổ bướm, Thất Lang vỗ cánh một cái bay qua tường nhà Hào, nhắm hướng đông mà bay. Hào nhắm ghiền hai mắt, chỉ nghe bên tai gió thổi ù ù. Hào nín thở nói:

-Cảm phiền Điệp công tử cho ta đến kinh thành trước, xem qua tình cảnh kinh thành hiện nay ra sao, rồi đến Điệp Hoa Thôn cũng chưa muộn.

Điệp Thất Lang đáp:

-Vâng.

Rồi xoay người bay về hướng nam. Trời sang, hai người cũng vừa đến kinh thành. Điệp Thất Lang hóa thành một công tử trẻ đẹp, phe phẩy quạt bước vào tửu lâu, Hào nói:

-Công tử vào tìm chốn ăn uống trước, ta dạo quanh thành chốc lát sẽ tìm vào sau.

Hào dạo một vòng kinh thành, thấy đâu đâu cũng tiêu điều hoang phế, bá tánh nhóc nheo như gà mất tổ, ong tan đàn, bất giác Hào nghe lòng như muối xát. Hào xõa tóc,lấy cứt bôi đầy mặt, ngồi giữa đường cái quan, đem những bài thơ yêu nước thương dân của các bậc tiền nhân ra ngâm nga, ngâm chán lại khóc. Thiên hạ người qua kẻ lại nhìn Hào lắc đầu, có kẻ bảo: Thật tiếc thay một tay kiệt xuất ở đời mà hóa điên. Kẻ khác nói: Tài quá cho nên thần kinh, có gì lạ đâu. Có kẻ ngậm ngùi: Kẻ sĩ sinh thời loạn, không điên còn biết làm gì.
Chiều tối đường sá vắng tanh. Hào thất thểu tìm đến xó chợ, tựa cột lều khắc khoải ngâm:
-Ngẫm hề non tàn sông cạn/ Đau hề nước loạn lòng ly.

Rác rưởi đầy chợ, muỗi o e. Một thằng bé ăn mày lê la hỏi Hào:
-Ê, ông điên ông không có nhà sao?
Hào nói:
-Có nhà mà như không nhà. Nước tan đàn gãy, ruột đau như cắt, nào còn thiết tha chi nhà.
Thằng bé lại hỏi: 
- Bộ ông giả điên sao?

Hào nói: 
-Giả điên mà sống, sống mà giả điên. Giá như ta có thể hoán đổi phận ta cho ngươi. Thà cù bất cù bơ ngơ ngơ ngáo ngào còn hơn tỉnh táo mà đành bất lực nhìn đời đục ngầu. Ôi tham quan như nấm, lòng dân như cửa mộ đóng im ỉm. 
Thằng bé lắc đầu thương cảm: 
-Ông ta điên thật, tội nghiệp. 
Đêm rưng rức gió, vầng trăng tà thơ thẩn soi. Khu chợ trầm uất. Hào  lại buồn nản ngâm:
-Giơ tay bắt bóng tìm mình/ Xòe tay chỉ thấy muôn hình nỗi đau.

Điệp Thất Lang chờ mãi chẳng thấy Hào trở lại tửu lâu liền đi tìm, mãi tận lúc sẫm tối mới thấy Hào ngồi thơ thẩn bên xó chợ, bước tới nói:

-Sao ngài phải tự làm khổ mình như thế chứ. Nước đục đâu chỉ mình ngài phải uống, mưa sa đâu chỉ mình ngài phải ướt. Thiên hạ là của chung mọi người, nhân dân nhắm mắt làm lơ thì ngài cớ gì phải đớn đau làm vậy. Thôi, gạt bỏ những suy nghĩ thời thế, theo ta đến Điệp Hoa Thôn, dăm ba hôm tinh thần ngài chắc chắn sẽ đổi khác.

Hào chống tay đứng dậy khóc rống lên một hồi, cười ha hả nói:

-Đi thôi, đi thôi.

Điệp Thất Lang hóa làm bướm, Hào trèo lên. Đang định bay thì thằng bé ăn mày đang ngủ sực tỉnh nhìn thấy con bướm khổng lồ, sợ hãi hét lớn:

-Yêu quái.

Điệp Thất Lang cười nói:

-Ta là thần đây chứ không phải ma.

Thằng bé ăn mày nói:

-Nếu ông là thần hãy cho ta theo với, ta không muốn sống cảnh khốn khổ này nữa đâu.

Điệp Thất Lang vui vẻ nói:

-Được thôi. Mời anh bạn nhỏ lên đây.

Thằng bé trèo lên cánh bướm. Điệp Thất Lang hô:

-Lên đường nào.

Liền đó cánh giang rộng bay vút lên bầu trời đầy ánh trăng.

Chẳng biết thời gian trôi qua bao lâu, ba người đến một thôn trang. Điệp Thất Lang biến thành chàng thư sinh, nắm tay thằng bé ăn mày và Hào dẫn qua một chiếc cổng trạm trổ hình rất nhiều loài bướm, bắt gặp một con đường đất đỏ au, hai bên nhan nhản đủ thứ hoa, đang tỏa hương ngào ngạt. Thấp thoáng trong màn sương nhàn nhạt, những ngôi nhà lợp mái tranh vàng. Phút chốc Hào như quên mọi phiền muộn chốn nhân gian. Thằng bé ăn mày luôn miệng khen. Điệp Thất Lang nói:

-Im lặng nào cậu bé, ở đây đừng nói nhiều.

Thằng bé im lặng tức thì. Cả ba âm thầm bước. Đi hết con đường đất, rẽ qua con đường đá, lại đi qua hai chiếc cầu làm bằng đá xanh, đến bên một dòng sông nhỏ, bên bờ đã có sẵn mấy chiếc đò hình bướm, người chèo đò đội nón rộng vành che kín mặt. Thấy bọn Hào, người chèo đò cất giọng rờn rợn nói:

-Các người muốn qua sông, mỗi người chi hai hào ba đồng.

Hào cho tay vào túi, túi rỗng, than thầm. Thằng bé ăn mày móc túi ra, nó còn đúng sáu hào chín đồng, cười hi hi nói:

-Vừa đủ cho cả ba.

Liền trao cho người chèo đò. Y cầm lấy, vò một lát những đồng tiền biến thành vụn cám, y cho vào miệng nhai nhồm nhoàm. Hào thấy cảnh ấy lấy làm quái lạ nhưng nhớ lời Điệp Thất Lang dặn không dám mở miệng hỏi. Thằng bé ăn mày định mở miệng nhưng Hào đã nhanh tay bịt mồm nó. Ba người bước xuống đò, người chèo đó nói:

-Giữ thăng bằng cho tốt nhé, hôm nay Hắc Quy Vương (vua rùa đen) đi tuần, sẽ có sóng dữ đấy.

Điệp Thất Lang ngồi xuống khoanh chân dáng kiết già, Hào và thằng bé ăn mày vội làm theo. Đò lướt đi băng băng, gió hây hây xen lẫn mùi hoa sen thơm ngát. Chợt từ đâu một cơn sóng cuồng dội tới, đò nghiêng ngả, người chèo đò nói lớn:

-Hắc Quy Vương đến rồi, ngồi cho vững nhé.

Nói xong ghìm mái chèo xuống, con đò cưỡi lên sóng như ngựa phi trên đồng cỏ. Hào mở mắt nhìn, chỉ thấy nước đục ngầu, hàng đàn tôm cá chảy qua, trên mặt sóng là một con rùa lớn cỡ ba cái thúng đang cưỡi trên lưng bốn con cá lăng lớn. Thằng bé ăn mày không nén được vỗ tay reo:

-Tuyệt thật.

Ngay lập tức nó nghe cổ họng đau rát, hai bên má như có ai đó dùng tay tát mạnh, cổ họng tưng tức, kế buồn nôn, vọt ra một búng máu. Sợ quá, nó đưa tay ôm miệng nín thinh. Hào càng hãi hùng, không dám thở mạnh.

Một lát, đoàn quân tôm cá đi qua, sóng lặng. Mặt sông trở lại yên bình. Người chèo đò thở phào nói:

-Suýt chút nữa thì tai họa lâm đầu.

Y quay nhìn thằng bé ăn mày, gắt lớn:

-Từ bây giờ, nhà ngươi còn bô bô cái miệng thì đứng trách ta tàn tệ.

Thằng nhỏ vâng dạ rối rít. Xem chừng mọi việc đã êm, Hào khẽ cất tiếng hỏi:

-Tại hạ hỏi tí không phải, chẳng hay Hắc Quy Vương là người như thế nào?

Người chèo đò vừa chậm rãi quơ tay chèo vừa nói:

-Hắc Quy Vương chính là con rùa vạn năm ở tại bến sông này. Hắn chuyên cai quản các linh hồn tàn ác, tức là những kẻ chuyên làm hại bá tánh thiên hạ đấy.

Hào nghe người chèo đò nói xong, lẩm bẩm “Không ngờ chốn này lại có chức vị như thế, giá như cõi nhân gian cũng có một người như vậy thì tốt biết chừng nào?”. Đang suy nghĩ mông lung, đò đã rẽ qua hướng khác.

Chợt người chèo đó nói:

-Đã đến nơi rồi.

Hào sực tỉnh nhìn lên, thấy trước mắt hiện ra lâu đài dinh thự vô cùng nguy nga tráng lệ. Điệp Thất Lang nói:

-Mời ngài lên bờ cho, đây chính là tệ xá của ta.

Điệp Thất Lang đưa tay đỡ Hòa lên bờ rồi quay lại đỡ thằng nhỏ ăn mày. Vừa bước qua cổng đã thấy cơ man nào là hoa thơm cỏ lạ, rất nhiều mỹ nhân bướm tung tăng đùa giỡn dưới nắng sớm chan hòa. Nhưng không hiểu sao Hào vẫn cảm thấy nơi đây không khí thật là u rợn. Thằng nhỏ ăn mày bị cấm khẩu nãy giờ, được tự do mồm miệng liến thoắng, hết chào hỏi người này lại cười đùa với người kia.

Đi qua con đường lát đá xanh, qua hai hàng lan can làm bằng gỗ, lại qua một chiếc cầu mỏng như lụa, ba người đến một tòa nhà trạm trổ tinh vi, mái ngói dát vàng chóa mắt.

Mấy tên ăn mặc ra dáng lính canh thấy Điệp Thất Lang vội vã gập người kính cẩn. Điệp Thất Lang giơ tay ra hiệu, bọn chúng liền đứng thẳng dậy, nói mấy tiếng “Đa tạ chủ nhân”.

Điệp Thất Lang dẫn Hào và thằng bé ăn mày vào một gian phòng trang trí hoa lệ, vui vẻ nói:

-Từ hôm nay, đây là nơi nghỉ ngơi của hai người. Ghi nhớ giùm ta chớ đi lại tự do. Có thấy chuyện kỳ quái gì cũng chớ nên tò mò.

Hào và thằng bé ăn mày gật đầu vâng dạ.

Điệp Thất Lang đi ra, khép cửa lại. Sau hai ngày đường trường vất vả, Hào và thằng bé ăn mày lao lên giường ngủ luôn một giấc.

Sáng hôm sau, Hào và thằng bé ăn mày được Điệp Thất Lang dẫn đi tham quan dinh thự, đâu đâu cũng đầy rẫy cảnh lạ, đến giờ ăn thì thức ngon vật hiếm bày lên kín bàn. Cả hai chưa bao giờ được hưởng thụ những thứ như vậy, thả sức ăn uống, vui chơi. Thời gian âm thầm trôi, Hào dường như quên mọi chuyện nhiễu nhương nơi trần thế. Thằng bé ăn mày thì chỉ ước vĩnh viễn ở lại chốn thần tiên, không phải trở lại kiếp sống hèn hạ nữa.

Một tối nọ, Hào và thằng bé ăn mày chuẩn bị đi ngủ chợt nghe bên ngoài có tiếng động. Cả hai im lặng lắng nghe, hình như có rất nhiều tiếng bước chân. Hào đưa tay lên miệng ra hiệu cho thằng bé ăn mày không được mở miệng, cẩn trọng bước lại gần cửa nhìn ra. Bên ngoài đèn đuốc sáng như ban ngày, tầm mấy ngàn người đang ken kín khoảng sân rộng. Điệp Thất Lang đang đứng cạnh một người mày rậm mắt sáng quắc. Người đó cất giọng ồm ồm nói:

-Nay nhà Lê đã đến hồi mạt vận, hôm kia ta cho gọi Hoàng Điệp Nhân Tướng (con bướm vàng xem số mệnh), hắn gieo quẻ phán rằng nay vận khí non sông quy về phía nam, nay mai ắt người có chân mệnh thiên tử sẽ xuất hiện nơi ấy. Ta mong tất cả mọi người ở Điệp Hoa Thôn sẽ cùng ta giữ vững một lòng, giúp rập người ấy tạo nên cơ nghiệp.

Người ấy vừa nói dứt cả biển người nhất loạt hô lớn:

-Nhất định chúng tôi sẽ hết lòng phụng sự triều đại mới.

Sau khi tất cả kéo nhau đi, Hào quay về giường nằm trằn trọc mãi, bụng bảo dạ “Điệp Hoa Cốc này thật chất là chốn nào đây? Tại sao bọn người bướm này lại muốn tạo phản, lật đổ nhà Lê. Bản thân ta tuy căm ghét nhà vua và những kẻ làm cha mẹ bá tánh hiện thời, nhưng dù gì ta cũng từng là gia thần nhà Lê, lẽ nào lại chấp nhận cùng bọn người bướm này đứng lên lật đổ nhà Lê?”. Càng nghĩ càng rối như hẹ, vừa chợp mắt trời đã sáng. Suốt ngày hôm đó, Hào thầm tính cách trốn khỏi Điệp Hoa Cốc. Nhưng nhìn quanh quẩn mãi vẫn chẳng biết nên đi đường nào. Thằng bé ăn mày chừng đoán biết tâm ý của Hào, nhân lúc vắng vẻ ghé tai nói nhỏ:

-Ông muốn trốn khỏi chốn này phải không? Ta biết đường ra đấy.

Hào vội bịt mồm thằng bé, nói thầm:

-Ta quả có ý ấy, lẽ nào thằng nhóc nhà ngươi không muốn thoát khỏi đây?

Thằng bé ăn mày cười hì hì nói:

-Ta chẳng biết tay Điệp gì đó đưa ông đến đây với mục đích gì, riêng ta thấy ở đây muôn phần sung sướng chả tội gì phải đi cả.

Hào nói:

-Vậy ngươi mau chỉ đường cho ta rời khỏi đây, còn ngươi vĩnh viễn ở lại nơi này mà hưởng thụ cảnh sung sướng.

Thằng bé ăn mày nói:

-Được rồi, đợi tối nay ta sẽ dẫn ông đi.

Hào và thằng bé trở về phòng. Đêm xuống, thằng bé dẫn Hào đi vòng qua phía tây, men theo hàng cây cổ thụ vượt qua khu vườn lớn, đến bên một tảng đá lớn, dừng lại nói:

-Hôm trước ta vô tình thấy bọn người bướm đẩy tảng đá này, tức thì lộ ra một cánh cửa, kế thấy bọn chúng bước vào, ta lắng tai nghe bọn chúng nói đây là đường đến cõi nhân gian. Còn đường chúng ta vào đây sẽ không trở ra được nữa.

Hào xá thằng bé, nói mấy câu đa tạ, bước đến mò mẫm tảng đá một lát, quả nhiên thấy một lỗ hõm, liền cho tay vào ấn một cái. Tảng đá kêu lên một tiếng, chuyển mình, lộ ra một cánh cửa. Thằng bé giục:

-Ông đi đi.

Hào gật đầu định bước vào, bỗng có tiếng la lớn:

-Ngài định rời chốn này chăng?

Hòa giật mình nhìn lên, chính là Điệp Thất Lang.

Hòa cố giữ bình tĩnh, nói:

-Chốn này quả là nơi thần tiên, cuộc sống vô cùng mĩ mãn, nhưng thứ cho ta không cảm thấy thích hợp, chỉ muốn trở về cõi nhân gian mà thôi.

Điệp Thất Lang nói:

-Ta biết ngài là kẻ có chí lớn nên muốn lưu lại ngài ở chốn này, cùng chúng ta làm nên nghiệp lớn. Nhưng tường không che được gió, sông chẳng giữ nổi nước, nay ngài đã quyết ý ra đi ta cũng không cản. Ngài hãy ở lại nốt đêm nay, mai ta sẽ đích thân đưa ngài trở về chốn cũ. Mong rằng khi trở lại nhân gian, ngài đừng tiết lộ cho bất kỳ ai biết mọi sự nơi này.

Hòa một mực thề giữ kín. Điệp Thất Lang nói:

-Còn đứa bé này, ta trông cũng không phải là kẻ tầm thường. Nếu nó muốn lưu lại nơi này chắc là ngài không quyết tâm đưa nó theo chứ?

Hào nói:

-Đi hay ở là quyền của nó, ta không có quyền cai quản.

Điệp Thất Lang gật đẩu, rồi dời chân. Hòa quay về phòng, đêm đó nằm trơ mắt hồi hộp chờ trời sáng.

Trời còn bảng lảng hơi sương, Điệp Thất Lang đã đến biến thành con bướm lớn bảo Hào ngồi lên cánh, Hào trèo lên, bướm vỗ cánh, Hào nhắm ghiền mắt, chỉ nghe bên tai gió ù ù như bão. Chẳng biết bao lâu chợt nghe tiếng Điệp Thất Lang:

-Đến rồi.

Hào mở mắt ra, thì thấy mình đang đứng nơi vườn nhà. Điệp Thất Lang nói:

-Bái biệt.

Chớp mắt đã chẳng còn thấy đâu.

Hào thất thểu trở về phòng mình. Đêm đó lấy giấy bút ghi lại những gì mình gặp rồi cất vào một nơi kín đáo. Từ khi Hào biến mất đã trải qua hai tháng. Sáng hôm ấy người nhà vừa thức dậy nghe có tiếng động phía phòng Hào, chạy đến thấy Hào tưởng gặp ma, hét toáng lên. Rồi mọi người kéo đến, kẻ nắm tay nắm áo hỏi loạn lên. Hào ra hiệu cho mọi người im lặng rồi nói:

-Hai tháng nay ta buồn chán nên lên chùa tìm chốn an tĩnh.

Rồi đem ra một chiếc áo nâu sòng làm vật chứng, mọi người mới thôi thắc mắc dò hỏi. Chiếc áo ấy từ đâu mà Hào có? Chính là mấy năm trước Hào có lên chùa chơi và đước trụ trì ở đó tặng.

Thời gian lầm lũi trôi. Mười năm sau, Vua Lê bị Chúa Trịnh thâu tóm quyền hành, xã hội sa vào cảnh hỗn loạn, tại Bình Định ba anh em nhà Nguyễn Nhạc nổi lên, tiếp đến Nguyễn Huệ nhận lệnh của anh kéo quân ra Thăng Long phò Lê diệt Trịnh. Sau này Huệ lập triều Tây Sơn. Đàng Trong Nguyễn Ánh lập nên triều Nguyễn hai bên đánh nhau suốt hai mươi lăm năm, kế Huệ đột ngột chết, con trai là Toản lên ngồi tài hèn chí sơ bị Ánh tiêu diệt, nhà Tây Sơn mất.

Bấy giờ Hào đã hơn chín mươi tuổi. Nhớ lại sự việc đêm hôm nào tại Điệp Hoa Cốc thầm nghĩ:  “Lẽ nào Nguyễn Ánh chính là kẻ mà bọn người bướm nói đến”. Lại thanh thản nghĩ: “Như vậy thì hi vọng Ánh sẽ đưa bình minh đến cho non sông này”.

Hào không từ biệt con cháu lặng lẽ bỏ đi. Tuy Hào tuổi đã cao nhưng thân thể còn tráng kiện, mua một con đò tháng ngày ngao du khắp sông hồ. Một hôm có gió lớn, đò của Hào lạc vào một chốn xa lạ, Hào cắm chèo lên bờ, nhìn ra nơi mình lạc đến chính là Điệp Hoa Cốc. Hào tự nhủ:

-Gió đẩy ta đến đây phải chăng là có cơ duyên, thôi thì ta cứ vào thăm lại chốn xưa vậy, chẳng biết tay Điệp Thất Lang nay ra sao, thằng bé ăn mày còn lưu trú tại chốn này chăng?

Vừa đi vừa nghĩ đã vào sâu bên trong.

Bấy giờ Điệp Thất Lang đang ngắm hoa chợt thấy một lão già xăm xăm bước đến, lớn tiếng hỏi:

-Nhà ngươi là ai?

Hào nhìn lên nhận ra Điệp Thất Lang, cười ha hả nói:

-Xin chào cố nhân, chẳng còn nhận ra ta ư?

Điệp Thất Lang nghe giọng quen quen, nghĩ một lát mới nhớ ra, mừng rỡ nói:

-Ồ ngự sử đại nhân đó hả?

Rồi chạy tới ôm chầm lấy Hào. Hào hỏi về thằng bé ăn mày, Điệp Thất Lang nói:

-Chúng ta đã đưa nó trao cho một nhà danh giá làm con nuôi, tính ra cũng đã mấy chục năm rồi. Nay hắn đã làm nên bá nghiệp, kẻ đó ngài cũng biết đó.

Hòa kinh ngạc nói:

-Lẽ nào chính là…

Điệp Thất Lang giơ tay cản nói:

-Biết vậy là được. Chúng ta đừng bàn chuyện viển vông nữa. Chẳng biết cơ duyên nào đem ngài đến đây nhưng xa cách bấy lâu gặp lại âu cũng có ý trời. Ngài hãy cùng ta hưởng thú tiêu dao, nếu ngài muốn ở lại đây vĩnh viễn ta sẵn sàng đón nhận, còn nếu ngài ở dăm ba hôm muốn đi ta cũng sẵn sàng đưa tiễn.

Hào ở lại Điệp Hoa Cốc mười hôm. Mười hôm ấy bên ngoài mưa bão liên miên nhưng trong Hoa Cốc khung cảnh lại như mùa xuân. Hôm thứ mười một bên ngoài quang tạnh, Hào xin cáo từ, Điệp Thất Lang nhiệt tình đưa ra tận bến, lại tặng cho Hào một viên đá trắng tròn như trái trứng chim, nói:

-Đây là viên ngọc trường sinh xin tặng ngài.

Hào từ chối mãi chẳng được đành nhận, cúi mình cảm tạ rồi đẩy đò đi.

Nhiều năm sau, thiên hạ vẫn đồn rằng đêm đêm họ thấy trên sông bóng một con đò khi ẩn khi hiện, dưới ánh trăng sang, có khi họ còn nhìn thấy một ông lão râu tóc bạc phơ kê bàn ngồi viết.